Monday, August 1, 2011

Pulau Bidong Miền Đất Lạ - Chương 20

Chương 20:


TÀU BỊNH VIỆN ĐẢO ÁNH SÁNG (1)

Hình như ông trời cũng khá công bình, hễ cho ai một chút hạnh phúc thì ổng đòi phải trả lại bằng khổ đau, như việc tôi ngủ nhờ nhà mát Vũng Tàu của Tư Máy Cày. Ngủ đêm ở đây thì sướng được nhiều chuyện. Trước hết là chuyện cái giường. Tuy mặt giường nào ở Bidong cũng làm bằng những khúc cây nhỏ, có u có nần ghép lại, nhưng anh Tư đào đâu ra không biết, được mấy cái thùng cạc tông của khối tiếp liệu vứt bỏ, mấy tấm cạc tông nầy quí như vàng, anh bèn xé trải thẳng ra làm nệm để lót giường, mỗi lần ngã lưng nằm xuống, đã lắm, êm như nệm gòn. Giường rộng mênh mông, tha hồ duỗi tay duỗi chưn, ngoài ra còn có bạn bè thân tình để hàn huyên tâm sự, rồi còn có gió mát trăng thanh trên biển thiếu gì... Tôi còn đòi hỏi gì hơn nữa!

Nhưng chuyện đời đâu có đơn giản như mình muốn. Đêm ở đây thì ít khi nào đi ngủ sớm, khi không có chuyện gì để nói tới nói lui, tôi ngồi ngó trăng, ngó nước, ngó đọt đừa, ngó lửa lập lòe trên đỉnh núi...cũng kéo dài tới khuya, nói chi ở đảo ngày nào cũng có đề tài hấp dẫn để bàn cải, thảo luận. Tối nào cũng thức cho tới một hai giờ sáng. Cái nổi khổ là ở chỗ nầy. Thức khuya thì phải ngủ trưa một chút để bù lại... nhưng đâu có được. Thiệt tình không được!

Ở nơi khỉ ho cò gáy xa mút tí tè, cứ tưởng được yên thân, không ai quấy rầy, nào ngờ lại ồn ào, náo nhiệt hơn ở chợ trời nữa. Chợ trời họp sớm lắm cũng tám, chín giờ sáng. Còn ở đây người ta họp lúc trời còn khuya mịt mùng, mới độ bốn năm giờ, đêm đen còn tối mù mù. Trăm lần như một, mắt nhắm chưa được bao lâu thì bổng bị dựng đầu dậy, rải rác ở chỗ nầy chỗ kia, thiên hạ chửi nhau chí choé. Làm sao mà ngủ nghê cho được! Thiệt tình không được. Nghĩ mà giận... nhưng cũng không biết giận ai? Giận thằng cha hàng xóm vô duyên cứ lải nhải hoài, hay là giận mấy người ngồi chò hõ ở mấy cục đá ngoài kia, hay là giận ông trưởng trại Bidong bất nhơn, không chịu cất nhà cầu để người ta gây lộn nhau hoài ?

Cả đảo chứa gần bốn chục ngàn người chen chúc đông nghẹt, vậy mà không có lấy một cái nhà cầu để giải quyết vấn đề vệ sinh cho toàn trại. Làm sao bây giờ, cái gì cũng có thể xếp hồ sơ, để dành thủng thỉnh giải quyết sau, chớ cái vụ đó ...đâu có để dành được. Thành ra cứ mỗi buổi sáng sớm trời còn tờ mờ, bất kể nam phụ lão ấu, ai nấy đều lang thang kiếm nơi chưn trời góc biển thích hợp đâu đó, để giải quyết bầu tâm sự mang nặng trong đêm. Còn chỗ nào lý tưởng hơn chỗ nầy, vừa xa hàng xóm đông đúc, tránh được những cặp mắt tò mò, vừa có đủ mọi tiện nghi. Ở ngoài mé nước, những tảng đá bằng phẳng, nằm mấp mô trên mặt sóng như những lưng rùa, cục nhỏ cục to, như đang mời mọc khách hành quá bộ bước sang. Đâu còn chỗ nào tốt hơn nữa. Không lẽ mỗi sáng sớm, lại cong lưng chạy tuốt lên đỉnh núi,... sao kịp!

Cho nên tìm được chỗ gần mà tốt nầy, cả đảo ai cũng vui mừng nhưng cũng có một số không vui. Đó là mấy người chủ lều lân cận và mấy tay đi ngủ nhờ, như tôi. Vui làm sao nổi. Gió đâu có thổi từ đất liền ra biển mà lúc nào cũng nhè từ ngoài biển thổi ngược vô. Cái đó mới là vấn đề. Đồng ý là gió biển, tuy có mát mẻ nhưng không được thơm tho cho lắm. Đó là nói về sự chịu đựng của cái lỗ mũi, còn nói về khổ sở của cặp mắt, thì quả thật, cảnh tượng, nói chung không được thẩm mỹ chút nào... Nhưng tôi đâu có thèm ngó tới ngó lui, mấy cái cảnh xấu xí đó làm gì, tuy vậy hai lỗ tai cứ bắt buộc phải nghe cái giọng chói lói của anh bạn hàng xóm, mỗi sáng cất lên như một điệp khúc, nhắc đi nhắc lại hoài chỉ có bấy nhiêu... nghe mà bực mình:
-Ê, ê cha nội, đi tránh chỗ khác, bộ hết chỗ rồi hả, trước lều tôi như vầy mà anh ngồi tỉnh bơ, coi có được không ?
Cũng cái câu nầy, anh nói hàng trăm lần, hằng ngàn lần, tôi nghe hoài, thiếu điều muốn thuộc lòng. Lúc nào cũng bắt đầu như vầy - ê, ê cha nội, nếu là đàn ông, còn nếu là đàn bà thì có thay đổi chút ít - ê, ê, chị kia ! Nhưng dầu là đàn ông hay đàn bà hay con nít. câu kinh nhựt tụng đó đều chấm dứt bằng lời nhận xét, phê bình ... -coi có được không?
Có lẽ câu nầy khá hiệu nghiệm nên anh ta lập đi lập lại hoài.

Nhưng sáng nay, anh hành xóm khó chịu gặp phải một thằng cha lỳ;
-Ê ép cái gì, anh nghĩ coi cả đảo không có một cái cầu, không đi đây thì đi đâu ?
Anh hàng xóm tức mình:
-Đi đâu thì kệ anh chớ, tôi đâu có hưởn mà kiếm chỗ chỉ cho anh...Yêu cầu anh đi chỗ khác cho tôi nhờ !
Câu nói tuôn ra đầy bực tức gận dỗi nhưng hình như cục diện vẫn trơ ra, không có gì thay đổi, nên anh chủ lều bực quá, buông thỏng một câu:
-Vậy mà cũng đòi làm... dân Mỹ !
Tôi nghe qua, kêu trời một tiếng, bật cười to, tỉnh ngủ hẵn, định lay Trung dậy. Nhè đâu Trung cũng đã thức tự nãy giờ, nằm cười hăng hắc.
Tôi chọc Trung:
-Hình như chú Út xin đi Mỹ phải không ? Cũng may tôi chọn Canada, khỏi bị thằng cha chủ nhà nói xỏ nói xiêng ! Ai xin đi Mỹ thì rán chịu...

Hai anh em nằm cười cho đã một hồi rồi lồm cồm ngồi dậy, kiếm tờ báo vụn ...rủ nhau làm cái việc mà thằng cha chủ lều vừa chửi. Nhưng tôi đâu có dại mà lựa chỗ gần nhà. Trời còn tối hù, tôi và Trung lò mò leo lên những bực đá cao hơn, xuyên qua một đám cây thấp mọc cỡ ngang đầu, rồi tới một đám trúc nhỏ xíu, rồi leo ra tận mõm đá cheo leo. Tới đây là...tận cùng trái đất! Biển ở tuốt xa dưới kia, ngó xuống chóng mặt. Tôi chợt thấy ở ngoài khơi, sáng nay có thêm một chiếc tàu lạ, to lớn sừng sững trắng toát, tới đây hồi nào, tôi không hay biết, đậu im lìm. Ngó kỹ hơn, tôi thấy trên ống khói cao chót vót, lá cờ Pháp ba màu xanh trắng đỏ được kéo cao, bay phần phật trong gió sớm.

Tôi chỉ cho Trung:
-Tàu bịnh viện Ile de Lumière tới rồi nè Trung ơi ! Mấy ngày trước trên loa phóng thanh có nhắc tới, Bidong mình sẽ có một tàu bịnh viện của Pháp tới... chắc nó rồi.
Trung đứng ngó chiếc tàu, nói:
-Lớn quá sức, chắc là máy móc tối tân lắm. Từ bên Tây mà qua thẳng tới đây một mạch, ngon lành. Có nó tới, người tỵ nạn mình cũng đỡ khổ. Ở đảo, nhiều người bịnh nặng, phải mổ xẻ hay sanh nở khó khăn, phải chờ đưa qua Trengganu thiệt là vất vả. Chiếc tàu lớn quá, đã thiệt. Thấy nó, đâm muốn bịnh để được xuống dưới coi chơi cho biết !
Tôi vừa tìm chỗ tốt, vừa lẩm bẩm:
-Thiệt tình hết chuyện muốn, lại muốn bịnh, tôi không ham rồi đa !
Trung ngồi cách tôi chừng năm thước xa, hai anh em đối đáp om sòm không sợ ai nghe thấy. Mỏm đá cheo leo, ngó xuống biển sâu hun hút. Nơi đây xa quá, lại khó leo trèo nên ít người lui tới, cách biệt hàng xóm dưới kia một góc trời. Tôi ngồi thoải mái, yên chí ngắm chiếc tàu lạ ...
*
* *
Tiếng loa phóng thanh đưa xa văng vẳng... ‘Yêu cầu quí vị trưởng trại và trưởng các khối ra tiếp phái đoàn của tàu bịnh viện Pháp mới đến..’ Trung nghe xong, nói vọng qua tôi:
-Giờ nầy còn sớm quá, chắc quí vị trách nhiệm của trại còn đang ngồi thơ thẩn ở một tảng đá chênh vênh nào đó, cũng có thể đang chờ để xách nước giếng không chừng....
Tôi ngồi ở trên cao nhìn xuống, cảnh như trong tranh vẽ, những lớp sóng nhỏ đều đặn, lăn tăn như vảy cá. Nước xanh thăm thẳm. Chiếc tàu sơn màu trắng tinh, lớn như toà lâu đài nên phải đậu xa bờ chừng ba trăm thước. Cây cầy supply chỉ dành riêng cho các ghe nhỏ. Nhìn lá cờ lớn phất phới trên vùng trời Bidong, lòng tôi cảm động, sung sướng rạt rào. Người tỵ nạn Việt Nam không còn cô đơn. Trên thế giới đã có biết bao nhiêu cõi lòng nhơn ái mở rộng, đã có biết bao quốc gia đón chờ, đã có biết bao người hy sinh cả công lẫn của... như chiếc Ile de Lumière nầy !

Ở trên đảo, dưới những tàn dừa cao chót vót, người ta tụ tập ra bờ cát càng lúc càng đông. Tin chiếc tàu bịnh viện đến đảo là một niềm vui lớn. Cả đảo thức dậy trong nỗi hân hoan. Từ hội trường đến chưn cầu supply, chỗ nào cũng người là người. Tuy ở rất xa, nhưng hình như tôi nghe được trong đám đông xôn xao, chuyển động đó, tiếng rộn ràng của niềm tin yêu, hy vọng, chứa chan. Tiếng loa kêu gọi quí vị điều hành trại ra đón khách vẫn còn tiếp tục vang vang.

Đây rồi, trong trại đã dùng chiếc ca nô cảnh sát Mã Lai trắng, sơn chữ xanh quen thuộc, chở độ bốn người ăn mặc chỉnh tề, lướt sóng ào ào chạy thẳng ra tàu lớn. Lần đầu tiên ở đảo, tôi thấy có người mặc áo tay dài cài khuy, vạt bỏ trong quần, cổ thắt cà vạt đàng hoàng, thoạt trông thấy lạ hết sức nhưng có điều tôi không biết là quí vị đó mang giày hay mang dép? Nếu có chắc là dép cao su, vì nếu mang giày da cứng thì làm sao mà đi trên cát hoặc đứng trên ghe chông chênh ?

Khi gần đến nơi, chiếc ca nô chậm bớt tốc lực, chạy từ từ cập vào hông tàu. Tự nhiên bên hông tàu cao vút như bức tường trắng toát, mở ra một cánh cửa rộng hoác. Một chiếc ca nô khá lớn, sơn màu vàng tươi mát từ bên trong tàu lớn chạy ra. Ngộ quá, ngộ quá ! Lần đầu tiên tôi thấy cảnh nầy, kêu lên:
-Đã quá hả Trung, tàu lớn mà lại tối tân. Chiếc ca nô trong bụng nó chạy ra - y như tàu mẹ đẻ tàu con...
Trung cũng đang theo dõi mê mang. Trên ca nô khách, có tây đầm lố nhố cả chục người. Sao kỳ lạ vậy, mấy người Pháp ở trần trùi trụi mặc quần cụt, mấy cô đầm tuy có mặc áo nhưng ngắn lắm. Nhìn lướt qua hai ghe, thấy hai cảnh tương phản nhau. Một bên đâu có quần áo bao nhiêu, cũng rán kiếm mà bận vô, một bên có rất nhiều nhưng chừng như nóng quá, họ cởi ra gần hết. Cũng tại khí hậu xích đạo của đảo!

Cuộc gặp gỡ quá đơn giản, không có bắt tay, không có chào cờ, không có diễn văn khai mạc, không có cảnh ôm hôn thắm thiết...chỉ có khoác tay thay lời chào hỏi, rồi thôi. Ghe chủ dẫn đường đi trước, ghe khách theo sau về đảo. Trên ghe khách, ai cũng có máy quay phim, máy chụp hình, quay chụp liên hồi. Hai ghe đảo một vòng lớn để quành về. Ghe trước lướt nhanh vun vút, có lẽ vì thói quen nghề nghiệp của cảnh sát Mã chuyên rượt
bắt ghe buôn lậu nên lướt sóng rất khéo. Sau đuôi, bọt trắng xoá, vẽ một vòng tròn. Anh tài công nào đó chắc cố ý biểu diễn một màn lả lướt cho tài công Tây lé mắt chơi. Nào ngờ, ghe khách không theo ghe chủ, nó đi chầm chậm, cặp theo ghềnh đá... đúng y boong chỗ tôi và Trung đang ngồi thơ thẩn.

Trời đất quỉ thần ơi ! trên ghe có bao nhiêu máy quay phim, máy chụp hình, đều hướng về hai đứa chụp lia chụp liạ. Tụi nó chụp cái gì vậy ? Hổng lẻ chụp bụi tre hay cục đá kế bên! Chắc là lần đầu tiên tới Bidong gặp cảnh lạ, bên Tây làm gì có được cảnh ngộ như vậy. Tôi không biết xoay trở ra sao ngồi yên thì bị chụp nguyên con, mà đứng dậy thì cũng không được. Thiệt tình không được! Túng quá, tôi bèn hỏi Trung :
-Trung, Trung ! Tụi nó đang quay phim anh em mình kìa, phải làm sao ?
Trung phản ứng thiệt lẹ, nói to:
- Lấy giấy báo che mặt đi, đừng thèm che chỗ khác. Nó muốn chụp gì đó thì chụp, đem về bển, có ai biết anh đâu mà sợ!
Nghe lời Trung nói, tôi thấy cách giải quyết như vậy là ổn thoả, vội lấy tờ giấy đang cầm trên tay che lên mặt. Cạnh bên Trung vừa che vừa cười khúc khích. Tôi lẩm bẩm:
-Bị người ta chụp hình ... vậy mà còn cười được ! Thiệt tình, tôi muốn độn thổ...

Chiếc ca nô đã đi xa. Tôi và Trung đứng dậy đi về. Trung vừa đi vừa nói:
-Mấy anh công dân Mỹ ngồi bậy hồi sáng cũng chưa ngon lành bằng tụi mình. Họ bất quá cũng chỉ có một hai chủ lều biết tới, còn anh với tôi thế nào cũng được cả thế giới chiêm ngưỡng...
- Trời, đừng nói giỡn chớ cha !
-Thì anh suy nghĩ đi, bộ mấy con đầm, mấy thằng tây đó quay phim rồi bỏ hả ? Thế nào nó cũng đem rửa ra, đem về bên Tây họp báo khoe là ở Bidong... như vầy, như vầy nè... rồi biết đâu không chừng in hình anh trong sách.
Tôi dậm chưn dậm cẳng, tức mình cằn nhằn:
-Sao mà xui xẻo, chắc tại ở gần thằng cha chủ lều vô duyên, tối ngày cứ trù ẻo hoài...làm sao mà khá được. ! Thôi, rán chạy lẹ về để coi cho rõ...

Chiếc ca nô đã cặp cầu supply, phái đoàn được hường dẫn vô đảo. Trên bãi cát trắng thường ngày bây giờ đã đen nghẹt, người là người, chật cứng không còn nhúc nhích được nữa. Bao nhiêu người ở bờ biển Bidong sáng ngày mười chín, tháng tư, năm bảy mươi chín nầy ? Có thể hai chục ngàn, ba chục ngàn hay nhiều hơn nữa! Cả một biển người, tạo thành những cơn sóng chuyển động, vẫy tay đón chào, vui mừng, tin tưởng. Họ đang chào đón những vị ân nhân đến từ phương trời xa thẳm. Những tiếng hoan hô vang dội, vui mừng, tin yêu, trên những gương mặt hốc hác, đen đúa nhưng rạng rỡ. Đảo hôm nay bị chìm ngập trong những đôi mắt mở lớn, những cánh tay vẫy chào, những tiếng kêu hy vọng...

Còn gì nữa. Còn những dòng lệ ấm áp chảy tràn lan trên má của mấy cô đầm. Tôi thấy mấy cô lấy khăn tay ra lau nước mắt. Rồi tới mấy ông tây quay phim, họ đang để máy xuống, tay tìm khăn... Tôi đứng ngây người ra cạnh gốc dừa, lòng xúc động tràn ngập. Những người ngoại quốc nầy là những ai ? Họ ở tận góc biển chưn trời nào? Có ai bắt buộc họ phải từ bỏ nếp sống đầy đủ, êm ái, từ bỏ gia đình cha mẹ, vợ con, công ăn việc làm... chấp nhận thiếu thốn, gian khổ, lặn lội qua vùng đất xa xôi, hẻo lánh nầy, để giúp đỡ chăm sóc cho những người không hề quen biết ? Yếu tố nào đã thúc đẩy cho họ hy sinh dấn bước ? Phải chăng đó là tiếng gọi thôi thúc từ trái tim nhân ái bao la của con người, xúc động trước nỗi đau thương cùng cực của con người. Trong tình thương, đâu có sự phân biệt màu da, tiếng nói, cũng đâu có sự ngăn cách địa phương... hay bất cứ điều gì. Tấm lòng của họ lớn lao như biển cả, trái tim của họ ngời ngời như ánh sáng. Nhơn loại sở dĩ còn tồn tại đến ngày hôm nay là nhờ những con người vĩ đại như vậy đó! Nếu không thì, trái đất nặng nề đầy tham dục nầy đã bể nát từ lâu rồi... từ lâu rồi !
*
* *
Và cũng nhờ trái đất còn nguyên nên đảo Bidong cũng còn y nguyên. Mà tất cả không có gì thay đổi thì tôi phải cùng Trung chia tay nhau về nhà, để còn phụ khiêng nước với Tiến và Chiêu, công tác nầy không thể trốn lánh được! Tụi tôi là con trai đàn ông mà, không làm mấy việc năng nhọc như khiêng nước, đốn củi, sửa nhà ...thì ai làm, không lẽ để đó cho đàn bà con gái, coi sao được! Các cô cũng đâu có ngồi không. Ngoài chuyện lo bếp núc, giặt giũ... còn phải lo chuyện nghe tin tức đầu làng cuối xóm, ai đi ai ở... Giờ nầy chắc mấy em đang chờ.

Nắng đã lên cao. sáng rỡ. chợ trời đã họp từ hồi nào. Hàng hoá được bày bán trên các sạp thừa mứa thấy mà mê. Tôi cầm cái thùng đựng nước bằng ny lông trắng cỡ hai mươi lít, trống không nên nhẹ hửng, vừa đi vừa ngó mấy gian hàng bán dép. Chút nữa, khi đem nước về xong xuôi, thế nào cũng chạy ra đây mua hai đôi dép mới được, loại dép Nhựt Bổn màu xanh đỏ lốm đốm, đế cao chừng ba bốn phân tây, mỗi đôi giá hai đồng rưỡi tiền Mã. Vợ chồng tôi giày dép đều đã rách nát. Đường đi trên đảo khi thì ẩm ướt bùn sình, khi thì cát nóng như nung, khắp nơi phân người vương vãi, không có đôi dép thì không được ! Đôi dép luôn luôn mang dính ở chưn, không lúc nào rời, trừ khi leo lên gác đi ngủ. Có nhiều buổi trời mưa lớn, nước ngập tràn lan, dép trôi lềnh bềnh dưới sàn, phải tìm lượm lại, máng cẩn thận lên gốc cây. Mất dép là tốn tiền... mà tiền ở đây, làm sao để kiếm cho ra ?

Từ sáng sớm tờ mờ, chiếc tàu tiếp tế kéo cả xà lan đầy nước ngọt từ bên Trengganu qua đậu lù lù ngoài cầu. Sau đó nước được bơm thẳng vô các bồn chứa, để dọc theo bờ cát. Bồn được làm bằng plastique dầy, hình tròn, cao cỡ ngang ngực, chứa chừng bốn thước khối nước. Có tất cả độ bốn mươi bồn. Mỗi đầu người được chia tám lít, cách mỗi ngày được phát một lần. Dân chúng sắp từng hàng dài để đợi, chen lấn giành giựt nhau để lãnh nước ngọt đem về dùng. Những dòng nước trong mát, ngọt ngào quí báu. Tới phiên, tôi đưa cái thùng không cho một thanh niên phụ trách, đứng bên cạnh bồn nước. Anh ta dùng một cái thùng sắt nhỏ múc đầy nước trong lành, rót vô miệng ‘can’ ny lông trắng. Dòng nước trong ngọt ngào long lanh nắng vàng chảy vô đều đặn, có vài tia nước nhỏ tạt ra ngoài, văng tung toá trên mặt cát trắng ẩm ướt. Rồi tới phiên Tiến, Chiêu... Có tới mấy chục thanh niên lo việc phân phối nước từ sớm tới chiều. Từng đoàn người lần lượt chờ đợi, xôn xao. Một hoạt cảnh rộn ràng.

Thùng nước trở nên nặng chình chịch. Tôi vừa xách, vừa thở, bước đi chập choạng, đôi dép lệt xệt kéo lê trên cát, thùng nước nặng trì một nên. Trong hàng rào kẽm gai của đồn cảnh sát Mã Lai, có cả chục chiếc ghe buôn lậu bị bắt quả tang, chất một đống ngổn ngang, đang chờ ngày đem đi đốt bỏ. Rải rác trên đường về, nhiều người khiên những thùng nước lớn. Chợ trời có bày bán loại thùng chứa nước cỡ bốn mươi hoặc sáu mươi lít, màu đỏ. Mua loại thùng lớn nầy phải làm gióng, hai người khiêng khá nặng nề dưới ánh nắng chang chang.

Ba anh em về tới nhà. Tiến lấy ra ba bao đựng đường bằng sợi ny lông dệt thưa, xong rồi lót bên trong một bao ny lông láng kín mít, để mở miệng. Tôi đỗ nước vô đầy bao. Nhìn ba bao nước đầy nhóc, căng tròn, tôi mừng lắm. Ở đây có được nước sạch để dành uống là điều sung sướng. Nước ngọt ở đảo hiếm hoi. Ngay cả nước dùng tắm rửa, giặt gỵa hằng ngày cũng khó kiếm lắm. Ở Bidong mà không có nước ngọt thì chết khát. Nước giếng không uống được vì chất vôi quá nhiều, vả lại giếng cũng đâu có nhiều. Giếng nào cũng cạn vì người đi lấy nước quá đông. Mỗi lần quăng thùng xuống nước, múc được một phần ba. Phải đợi thật khuya, người ta đi ngủ bớt thì mới mong có nước dễ dàng....
Tiến cột chặt mấy miệng bao xong xả, đứng dậy phủi tay dáng hả hê:
-Khoẻ rồi, đầy nhóc hết, tha hồ mà đi chơi!
Chiêu cũng cười sung sướng, tôi đề nghị:
-Anh em mình trở lại hội trường, coi phái đoàn y tế Pháp
Câu nói chưa dứt thì tiếng loa phóng thanh kêu đúng số ghe tôi lãnh thực phẩm, lại léo nhéo vang lên. Chiêu buột miệng:
-Ủa, mới lãnh xong dầu ăn, rồi xà bông, kem đánh răng, bột giặt, nhang un muỗi rồi mà
Tiến lục lọi trong đống hành lý, lấy ra một cái bao lớn, nói:
-Thôi đi cho rồi, nó phát cái gì lấy cái đó... Lãnh được càng nhiều càng tốt !

Ba anh em lại kéo nhau ra bãi cát trước kho tiếp liệu. Cửa kho đã mở, các đại diện từng ghe lần lượt vô trong để nhận hàng. Tới nay, số ghe ở đảo đã được tất cả là ba trăm năm chục chiếc. Mổi đợt phát hàng thường lệ, chỉ được năm mươi ghe mà thôi. Khi nào có hàng nhận vào thì phải lo phát ngay vì nếu để chậm sẽ không đủ chỗ chứa, để tràn ra ngoài, nắng mưa sẽ làm hư mục. Bãi cát hẹp, mấy ngàn người ở trần, đứng giữa nắng chang chang, chờ tới phiên để lãnh. Tôi len lỏi giữa đám đông, thấy Tô Tỷ đương cầm sổ ghi ghi chép chép. Mỗi lần đi lãnh thực phẩm, là một dịp để cho cả ghe gặp gỡ lại nhau, ít khi thiếu mặt nào, vì ai cũng lo theo dõi loa phóng thanh, bỏ qua không lãnh thì kể như mất. Mấy tuần trước cả trại được phát gạo, đường, muối, sữa, đậu xanh, tỏi, hành, đậu phọng, cá hộp, bột nước cam, nước tương, nước mấm, trứng gà, dầu ăn...

Kể từ tuần nầy, thực phẩm được phát theo khẩu phần. Mới thoáng thấy tôi, Tô Tỷ la lớn:
-Kỳ nầy mình được phát theo khẩu phần nghe, đỡ mất công chia chác lôi thôi.
Tôi đưa tay chào anh ta, nhớ lại mấy lần trước, mỗi khi phân phối gạo, đậu, đường...nói chung là những thứ khó chia cho đồng đều, thì trăm lần như một, cả bọn gây lộn nhau như đám mổ bò. Ưa gây nhứt là thằng Cẩu Chải, rồi tới A Tài, rồi tới mấy người đàn bà. Có lần, người nhiều ngươi ít sao đó, gây nhau om sòm, thiếu điều muốn đánh lộn.
-Tô Tỷ nè, một khẩu phần gồm có món gì ?
Tô Tỷ giải thích cho tôi:
-Mỗi gói cho mỗi đầu người, ăn trong ba ngày, trong nhà có mấy người thì phát mấy gói. Kỳ nầy phát mỗi người hai gói...vậy là ăn được trong một tuần ! Tôi nói:
-Sao kỳ vậy, hai gói thì tính sáu ngày chớ, nếu tính là một tuần thì ngày thứ bảy lấy gì mà ăn.?
Tô Tỷ cười:
-Thì phỏng chừng vậy mà... Nhưng nếu hàng từ bên Trengganu chở qua không kịp hoặc không đủ thì ...mình cũng phải chịu vậy, chớ làm sao ! Dám lúc đó, một gói ăn... một tuần lắm à! Ăn đủ sống thôi chớ, bộ muốn ăn cho no sao ?
Chiêu cười ngất hỏi:
-Vậy cái gói được phát có thứ gì ở trỏng ?
Tô Tỷ cầm cuốn sổ lên, lật qua lật lại:
-Một gói có ba lon gạo, hai bao đường nhỏ, một bao muối, ba hộp cá, ba hộp đậu, ba hộp gà kho, ba gói trà hoặc cà phê, rồi hết !
Tôi tính một hơi rồi nói:
-Vậy bây giờ chỉ phát có mấy gói khẩu phần rồi dầu đâu mình chiên xào, không có đậu xanh làm giá, đậu phọng, kem đánh răng... rồi cũng không có trứng gà, cải bắp như mấy tuần trước?
Tô Tỷ trả lời:
-Cũng đâu có biết, cái nầy là tiêu chuẫn của Liên Hiệp Quốc cho mình... cho thêm cái gì thì có cái đó..mà không cho thì mình không có. Nhưng tôi nghĩ là phải có thêm....

Các bạn trong kho đã khiêng ra mấy thùng lớn chứa đầy những bao khẩu phần. Cả ghe ba trăm năm mươi hai người, được chia làm bảy tổ. Mỗi tổ có năm chục người. Anh tổ trưởng trách nhiệm việc phân phối cho đồng đều. Kỳ nầy thì yên chí. khỏi phải chia chác lôi thôi, gọn quá, cứ tính mỗi đầu người hai bao là được, các ghe ở gần cũng đã lãnh hàng ra xong. Hàng ngàn người, nói chuyện, chen lấn, giành nhau, gây náo động cả một góc trời. Nắng đã nóng như đổ lửa. Những thân người trần trụi, rám đen. Những người vượt biên một mình thì gọn lắm, chỉ nhận hai gói là xong. Còn những người đi đông cả gia đình năm bảy người thì cũng phải khiêng vác nặng nề. Tiến đã chuẫn bị trước một cái bao lớn. Vì anh em tôi quá đông, nên đựng đầy cả bao. Chiêu và tôi phải cầm thêm những bao lẻ. Vừa định về thì nghe có tiếng cự nự:
-Sao lại phát kỳ vậy, trong bao của tôi chỉ có hai hộp cá ?
Tôi quay lại, thấy chị thằng Cẩu Chải cầm cái bao đưa vô mặt Tô Tỷ. Tô Tỷ đứng đực mặt ra, không biết phải làm sao:
-Tôi đâu có biết...tôi đâu có biết. Coi lại cái bao có rách không ?
-Rách gì mà rách, còn nguyên nè ! Nị làm đại diện ghe đi lãnh hàng mà sao không ngó cho kỹ... Thiếu của tôi một hộp, nị làm sao đó thì làm, kiếm một hộp nữa đưa đây!
Trời nóng hừng hực, Tô Tỷ cực khổ cả buổi sáng, bây giờ còn bị cằn nhằn, anh ta đổ cộc:
-Chị nói tôi ngó không kỹ... vậy là chị nói tôi đui hả ? Tôi đui mà tôi làm đại diện cho chị, chị cũng đui luôn !
Nghe tới đó, tôi phát cười, vổ vai Tiến:
-Chết cha rồi, Tô Tỷ nói vậy thì tụi mình đui hết, nó đại diện cả ghe BL1648 chớ đâu phải đại diện một mình chị thằng Cẩu Chải....
Chị kia, phần bị mất hộp cá, phần bị chửi lại, xỉa xói:
-Ai đui không biết à, không đui mà sao trong gói ba hộp cá mà chỉ còn có hai, mà không thấy?
-Tôi lãnh trong kho cho cả ghe, đếm đủ bảy trăm lẻ bốn gói thôi chớ, bộ tôi rảnh lắm sao mà coi từng bao, mỗi bao mấy hộp cá, mấy hộp đậu, mấy gói đường!
Chị thằng Cẩu Chải đuối lý nhưng vẫn còn tức mình, quăng cái bao xuống đất, trước mặt Tô Tỷ:
-Nị nói nị đếm đủ mấy trăm bao hả. Vậy nị lấy cái bao nầy đi, đưa cái bao của nị cho tôi...
Tô Tỷ cứng họng, nói ngang
-Phát rồi thì thôi, không đổi ! Chị muốn đổi với ai thì đổi. Tôi không đổi...

Vừa nói, anh ta vừa nhìn qua cái bao bự Tiến đang vác ỳ ạch trên vai, ý như muốn nói
-chị muốn đổi thì đổi với thằng cha đang vác cái bao kia kìa. Tôi thấy tình trạng coi không mấy khả quan, kéo Tiến và Chiêu thoát lẹ ra khỏi vòng chiến. Ba anh em vừa đi vừa cười. Tôi đi cà nhắc vì chiếc dép đứt một bên quai. Bãi cát nóng như muốn phỏng chưn. Buổi trưa nắng nhiều nhưng gió ít. Những tàu dừa rủ xuống, im lìm như sắp héo tới nơi. Đám người đi lãnh thực phẩm từ từ tan biến trong đám đông rộn rịp, ồn ào. Thấy Tiến có vẻ mệt đi chậm chạp, tôi giành lấy cái bao vác lên vai. Ở phía ngược chiều, từ xa đi lại, hai người Pháp ở trần, da đỏ như da gà tây, đang đi với một người Việt. Cả ba vừa đi vừa nói chuyện. Chắc là vài nhân viên của tàu bịnh viện đi thăm chợ trời. Hai người da trắng nầy thấp người, không cao lớn như người Mỹ, tay cầm máy ảnh, cổ choàng một cái khăn lông, mồ hôi rịn đầy mặt.... Nắng Bidong buổi trưa nung mọi vật tan thành nước, phải rồi, da họ đỏ ửng như da gà tây... Đã vậy còn đi chưn trần.
-Tiến, Tiến, hai người nầy họ đi chưn không, làm sao chịu nổi !
Tiến và Chiêu cũng đang lom lom nhìn mấy bàn chưn để trần không giày không vớ, bụi đất Bidong đã vấy lấm lem. Không biết làm sao họ chịu đựng được những quảng đường đầy cát nóng như rang, rồi gai góc, đá sỏi, rác rến...
Chiêu nói: -Chắc da Tây dầy hơn da Việt Nam mình. Anh coi kìa, nó đi bình thường, đâu có đau đớn gì !

Mấy người Pháp đã đi khuất. Tôi kể cho Chiêu và Tiến nghe câu chuyện buổi sáng bị chụp hình trên ghềnh đá, rồi kết luận:
-Biết đâu trong máy chụp hình của hai người đó có hình của anh với Út Trung !
Nghe xong, Chiêu và Tiến xúm nhau mà cười, bình luận vang rân trên con đường hẻm đầy bóng nắng lỗ chỗ. Ở nhà chắc Duyên đang đợi buổi cơm trưa. Thức ăn sẽ có cá mòi hộp, hột gà ...như thường lệ. Cá mòi Mã Lai lõng bõng những nước, thịt lại xác xơ. Nhưng đâu có gì quan trọng. Tô Tỷ đã nói rồi mà -ăn đủ sống thôi chớ, bộ muốn ăn cho ngon sao ! Phải rồi, ở đảo Bidong chỉ cần ăn cho đủ sống và một niềm tin tưởng ở ngày mai ! Tôi quay qua nói với Tiến:
-Tiến nè, em thấy không, anh tây nào mà nghĩ được ra cái tên Ile de Lumière để đặt cho con tàu bịnh viện, thật là tuyệt vời. Muốn sống trọn vẹn với đầy đủ ý nghiã một con người, đâu phải chỉ cần có thực phẩm với thuốc men... mà còn có những thứ khác quan trọng hơn.
Tiến gật gù:
...như là ánh sáng, như là tình yêu, như là tự do... Đúng, anh nói đúng, cái tên con tàu hay quá sức!

Võ Kỳ Điền

1 comment:

Unknown said...

Cám ơn nhà văn Võ Kỳ Điền đã kể ra những cảnh ở đảo Bidong vừa dí dỏm vừa thực tế. Chúc VUi trong chờ đón Tự Do.

Như-Ý, Cầu Ông Đành (Thủ Dầu Môt)