Monday, August 1, 2011

Pulau Bidong Miền Đất Lạ - Chương 11

Chương 11 :


NHỮNG NGÀY RẤT MỚI

Tôi ngó quanh ngó quất, tìm một khúc cây nhỏ định để xới đất. Rải rác xung quanh toàn là lá dừa với những trái dừa khô quắt nhăn nheo nằm lăn lóc. Bữa nay cần phải làm một cái bếp để nấu nướng. Cả ngày hôm qua đủ thứ chuyện nên ăn quơ ăn quào, sáng sớm thức dậy vợ chồng con cái đói meo. Ba cục đá được lượm từ dưới bờ nước, loại đá vôi, bở rệu màu xám đục. Nhưng kệ nó, chừng nào đốt cháy tới mục rã thì kiếm cục khác chớ ở đây làm gì có đá xanh cứng rắn. Cái bếp được đào dười gốc dừa. Thân dừa chắn gió, tàn dừa che mát. Duyên đã lấy ra cái gàu mên làm bằng nhôm trắng, dùng cát biển chùi rửa thiệt sạch. Cái gàu mên nầy ban đầu đem theo để đựng thức ăn, sau dùng làm nồi nấu nướng. Thiệt là tiện lợi đôi bề. Đất chỗ gốc dừa nầy đào dễ quá chỉ toàn là cát trắng, bở rệu. Chỉ xới qua xới lại vài lần, tôi đã khoét được một cái lỗ khá sâu. Ba cục đá được đặt ở ba góc đều đặn. Vì gạo ít nên hà tiện, vợ chồng định dùng số lượng có được dành để nấu cháo ăn dần. Mỗi lần nấu, lấy một bụm gạo nhỏ. Củi dùng để chụm thì thiếu gì, hằng hà sa số. Tàu dừa khô đó, chỗ nào cũng có, rớt nằm la liệt ngổn ngang đầy đất. Quơ tay ra là lượm cả đống, chụm đến bao giờ cho hết được. Buổi sáng, đảo thức dậy với những ngọn lửa bập bùng, những làn khói trắng uốn éo vươn lên cao, tỏa ra trong nắng sớm. Các lều kế cận, người ta cũng đều nổi lửa nấu ăn.

Cái sinh hoạt cũng khá rộn ràng. Tiếng nói chuyện đã trở nên ồn ào. Trên đọt cây có con chim hót, tiếng hót dài mà trong. Chim màu xám đen, cái mỏ vàng ửng, lớn giống như chim sáo. Cái bếp đã làm rồi. Tôi bèn túm lấy một mớ lá dừa chạy qua bếp Tư Trần Hưng Đạo kế bên để mồi lửa. Là dừa khô bắt lửa thiệt lẹ, cháy phừng phừng. Ngọn lửa bốc lên cao nóng hực. Trong phút chốc, cái nồi nhôm sáng trắng bị khói ám đen thui. Các tàu dừa cháy nổ kêu lách tách, tiếng nổ nhỏ vang vang khơi động buổi sáng. Sóng xa nhấp nhô, trời trong xanh ngăn ngắt.

Tôi lẩn thẩn nhìn cái tàu dừa trước mặt, cái sống dừa nổi cao chạy tới cuối bẹ u tròn. A, thì ra người ta thường ví von cái sống mũi đẹp có hình giống cái dọc dừa.... -cái mũi dọc dừa. Phải rồi, người đẹp có cái sống mũi cao cao thanh tú, đầu mũi nở nang... Cũng không biết tại sao tôi cứ nghĩ tới nàng hoài!
Đến khi nồi cháo gần chín, tôi ngửng đầu lên nhìn ra xa thì cũng thấy một cái mũi. Nhưng thiệt đáng tiếc. Không phải là cái mũi ước mơ. Mũi dọc dừa đâu không thấy, chỉ thấy một cái mũi két khoằm khoằm. Một người đàn ông Mã Lai cỡ trên năm mươi tuổi, ốm nhách, cao như cây tre, da dẻ nâu đen, để ria mép thành ra gương mặt láo liêng, quần áo đẹp đẽ, đang đứng ở sau gốc dừa nhìn xoi mói vào khu lều mới dựng. Ông ta là ai, tại sao lại đứng ở đó dòm dòm? Cáo áo thun thể thao trắng tinh cụt tay có in hình chữ xanh Adidas nồi bật trong đám cây lá hoang dại. Một mẫu người thành thị chải chuốt đúng mức. Tôi ngạc nhiên hết sức. Ở đảo nầy, ai cũng tưởng chỉ có mấy người lính với anh chàng Tăn Ku, nhè đâu lại có thêm ông già Adidas! Ừ, mà không biết ổng là ai, thì gọi đại cái hàng chữ trên ngực áo cho dễ nhớ. Dầu sao thì cái hiệu Adidas cũng gợi cảm hơn một cái tên Mã Lai dài ngoằn nào đó. Ông xăm xăm đi tới, tôi chợt thấy đôi giày da, đen bóng loáng như da cá trê. Bóng quá, dám soi mặt mà cạo râu được! Ông nhìn thấy tôi rồi tới Tư Trần Hưng Đạo. Tôi chuẩn bị đứng dậy làm quen, nhè đâu ổng đổi hướng xẹt qua bên lều chị Kiều. Ừ, đi đâu đi phứt cho rồi, qua lều mấy bà gợi chuyện dầu sao cũng hấp dẫn hơn tôi với Tư máy cày! Vả lại ở cái xứ Mã Lai nầy, người dân đều nói tiếng Anh, tôi lại bù trất. Nếu phải nói chuyện nhiều chắc là mỏi tay lắm! Cháo đã chín nhừ rồi, vợ chồng con cái ăn cho no bụng trước đã, chuyện gì thì cũng thủng thẳng tính sau...

Bây giờ bên lều chị Kiều đông như cái nhà hội. Đàn ông, đàn bà đứng chùm nhum bao quanh Adidas vào giữa. Con Xuân Lan, thằng Chí Ròm thì chạy lăng quăng cười giỡn la hét om xòm. Thằng Lĩnh mập lớn nhứt đứng xen vô giữa, vừa móc cứt mũi vừa há hốc miệng nghe người lớn nói chuyện. Tuy nó không hiểu gì hết vì người ta nói bằng thứ tiếng lạ... Không biết rán giành cái chỗ thiệt tốt đó để làm chi! Tôi đứng ở vòng ngoài vì tới quá trễ. Câu chuyện cũng kết thúc. Adidas cũng vừa dợm bước ra, tuy nhiên ông ta còn quay lại, nói câu chót:
-Tối nay độ chín giờ tôi trở lại để lấy thơ!
Tôi nghe được chữ ‘lấy thơ’ trong bụng hồi hộp. À, ông già nầy có thể chuyển thơ liên lạc dùm cho mình. Mừng quá, hỏi chị Kiều:
-Ông đó là ai vậy chị?
Chị Kiều mặt tươi rói, nói một hơi:
-Ông tự xưng là chúa đảo nầy. Ông nói hôm kia tình cờ nhìn bằng ống dòm thấy ghe của mình bị đuổi khỏi Marang, nên có kêu chiếc tàu đen chỉ hướng cho biết đường ra đảo. Đảo Dừa nầy tên là Pulau Kapas, thuộc tiểu bang Kuala Trengganu của West Malaysia.
-Tại sao lại là West Malaysia?
-Vì xứ Mã lai có hai phần. Một phần gọi là Tây Mã Lai, thuộc phía cực nam của bán đảo Đông Dương, bắc là Thái Lan, nam là eo biển Malacca. Một phần của đảo Bornéo, gồm hai tiểu bang Sarawak với Sabah, gọi là Đông Mã Lai. Ghe của mình đã tấp vô Marang, thuộc bờ phía đông của Tây Mã Lai. Vùng đất Marang nầy, thuộc Kuala Trengganu. Tôi có hỏi chừng nào đám tỵ nạn mình được chuyển sang Bidong, ổng nói không biết. Ổng có hứa là sẽ gởi dùm thơ và mua dùm một ít đồ ăn cần thiết. Tối nay ổng sẽ trở lại...

Vậy là quá đủ. Tôi nghe qua mùng húm. Được gởi thơ về nhà. Trời ơi, đã quá! Mới rời khỏi Việt Nam có bốn năm ngày tôi có cảm tưởng như là lâu lắm, như năm mười năm hoặc lâu hơn nữa kìa! Tôi lẩm nhẩm tính, năm ngày qua cộng với mười ngày nữa, tất cả là mười lăm ngày. Mười ngày là để thư từ Mã Lai đi về tới Việt Nam. Nửa tháng trời chờ đợi để được tin con, ba má tôi chắc héo mòn thương nhớ. Nửa tháng trời hồi hộp, lo âu, sợ hãi. Cầu trời cho thơ đừng lạc! Tôi tưởng tượng ra hình ảnh chú hai phát thơ dựng cái xe đạp cũ xì trước cửa nhà ở Bình Dương, đứng lục lọi trong cái bao máng trên xe, đưa cho Ba tôi cái phong thơ viết từ đảo Dừa nầy. Con tem Mã Lai lạ hoắc là một niềm vui lớn vô vàn. Mười lăm ngày sẽ qua, chắc mỗi sáng ông đứng trước cửa mà nhìn về phía công sở Phú Cường, chờ đợi chú hai phát thơ hiện ra ở góc phố, chỗ tiệm xe đạp Nguyễn Văn Nên. Đã bao nhiêu lần hy vọng rồi thất vọng, rồi tiếp tục chờ đợi... Cuối cùng cũng sẽ có một ngày ông sẽ run rẩy đưa tay lấy cái bao thơ của tôi, sờ soạng đeo lên mắt cặp kiếng già, lẩy bẩy xé bao thơ và đọc láng quáng hàng chữ viết quen thuộc. Đứng bên cạnh là má tôi, chắc bà còn hồi hộp và run hơn nữa. Trời Bình Dương đối với bà, buổi hôm đó chắc là đẹp lắm. Bà sẽ giấu kín cái thơ nầy trong túi áo rồi len lén báo tin mừng cho những người thân thuộc, bà Hiệp Thành, cô Hai Hiệu, chú Tư Chờ, chú Tư Vũ Lư, rồi chờ đến sớm mai đi chợ bà sẽ ghé thăm bà Tám Liên, bà Năm Chi ở dưới mé sông...

Tôi quay về lều, nghe cát lột xột dưới chưn. Dưới bãi, con nít ùa ra đông nghẹt, chạy giỡn la hét chói lói. Tôi khoan khoái nhìn thấy mẹ con Bi ngồi bên mé nước. Thằng nhỏ đang moi cát. Hai cánh tay tròn mũm mĩm giống khúc khoai mì. Mới có mấy ngày phơi nắng gió sao mà người nào người nấy rám đen. Trời cao xanh lồng lộng. Tôi nghĩ đến cái thơ sắp viết. Bên cạnh Tư Trần Hưng Đạo ở trần mặc áo thun ba lỗ nằm bò càng trên tấm đệm mỏng, cũng đang viết lia viết lịa, dáng dấp như mấy cụ đồ đang gò quản bút để viết liễn khi Tết đến. Tôi sửa soạn giấy bút. Câu đầu dòng tôi sẽ viết hàng chữ ‘Ba má thương yêu của con’ sau đó tôi sẽ tha hồ tả cảnh vượt sóng gió trùng dương...
Đang nghĩ miên man bỗng dưng tôi nghe một tiếng hét hãi hùng...’Rắn’... Cụ đồ già nằm còng lưng như con tôm là Tư Trần Hưng Đạo, vụt nhảy dựng lên theo kiểu con tôm búng ngược, mặt mày tái mét. Tôi hoảng hốt, mắt dáo dác nhìn quanh, không thấy gì, chỉ nghe tiếng la của ông bạn còn vang rền tới cuối vách đá. Đám con nít đang chơi, vội chạy ùa lên, ngơ ngác. Mọi người từ khắp chốn, túa ra tìm kiếm. Tư Trần Hưng Đạo tay chỉ theo hướng đám cỏ tranh, miệng lập cập nói không ra tiếng. Xung quanh, mấy thanh niên trang bị gậy gộc vừa khua, vừa đập trong các bụi lùm. Quách Linh Hoạt tìm ở đâu được một cây sào tre dài xông pha đẫn đầu, coi bộ hăng hái dữ. Tôi lo cho anh ta, ở giữa đảo vắng như vầy, rủi bị rắn cắn thì sao!
-Coi chừng rắn độc đó nghe, chun vô bụi mà chưn cẳng không mang giày, rủi ro nguy hiểm lắm!
Anh nhăn răng cười hì hì, đập đập cây sào vô gốc dừa nghe lộp cộp nói:
-Rắn mà cắn tôi đó hả, đừng có lo...
-Bộ có đem theo thuốc rắn sao?
-Cần gì tới thuốc, rắn mà cắn tôi thì nó chết chớ đâu phải tôi!
Tôi trợn mắt:
-Tại sao vậy? Anh nghinh lại tôi:
-Bộ anh tưởng máu tôi không độc hơn máu rắn sao!
Tôi bật cười nhớ lại nhớ lại bài học ngụ ngôn hấp dẫn từ nhỏ, cười ngất:
-Ừa, ừa, rắn của La Fontaine là rắn ở bên Tây, hiền khô. Còn ở đây là rắn Mã Lai, chưa biết ai độc hơn ai à...
Tôi vừa nói tới đó, thì nghe một người đứng bên cạnh la lên:
-Nó luồn trong đám cỏ khô kìa, con rắn lớn quá.
Quách Linh Hoạt thuận tay đập xuống một sào. May quá, cây sào trúng ngay sống lưng rắn, khúc thân đầy vẩy xám đen, rằn ri lăn lộn. Đám đông bu lại, mạnh ai nấy đập tứ tung, cả vùng cỏ tranh cao ngang ngực ngã rạp, biến một khoảng lớn như đám ruộng bị trâu quần. Quách Linh Hoạt vít rắn lên đầu gậy, nó đã chết rũ ra như sợi dây lưng, cái đầu nát bấy. Anh đem về lều, hứa hẹn sẽ nấu cháo rắn chiều nay... Đám con nít bu theo chỉ chỏ, hít hà. Đứa nào đứa nấy mắt mở thao láo...

Tôi lững thững về. Tập giấy vẫn còn bỏ trên tấm ny lông. Tôi nằm thử kiểu con tôm Tư Trần Hưng Đạo nhưng thấy vướng víu, đành ngồi dậy, lưng dựa vào gốc dừa, tập giấy kê trên đầu gối. Giờ nầy đã khá trưa, nắng bắt đầu nóng hừng hực. Cạnh tôi Tư máy cày đã le lưỡi thấm nước miếng để dán kín cái bao thơ. Không biết trong đó có tả cảnh con rắn bò sát bên mí lều, khiến anh rụng tim? Chừng như không chịu nổi cơn nóng nhiệt đới Mã Lai, anh cởi luôn cáo áo thun đang mặc. Làn da ngực rám đỏ còn hằn cái dấu của hai quai áo dọc trên vai. Tôi cũng bắt chước cởi cái áo máng đại lên sợi dây giăng mùng. Vẫn còn nóng quá. Đâu còn gì để cởi nữa,... đành thôi!

Cuối cùng thì cái thơ gởi về nhà cũng đã viết xong. Khi đọc lại, tôi thấy những câu văn trên tờ giấy trắng khác hẳn những gì đã nghĩ ngợi trong đầu. Bức thư chứa cả một cõi lòng xôn xao, hăm hở vui mừng, y như những lần tôi thi đậu ngày xưa, chạy về nhà báo tin, nói lấp vấp không đầu không đuôi. Mà cần gì phải gẫy gọn, khúc chiết, miễn sao ở nhà biết được cả đám tới nơi bình yên là đủ. Tôi tin rằng ba tôi khi đọc thơ sẽ thấy được niềm vui sướng rạt rào ở ngoài những câu loạn xạ. Bỡi vì trong đó, câu nầy không ăn nhập gì với câu kia, ý kia đang viết vụt bắt sang ý nọ. Có câu chưa hết dòng vụt chấm nhảy sang câu khác. Lung tung, rối nùi. Cái thơ lạ lùng hơn tất cả những bức thư từ trước, cũng khác hẳn cái thói quen chừng mực hàng ngày...
Tiếng anh Tư nói lớn:
-Ngồi đó mà mơ mộng, coi chừng dừa khô rớt bể đầu, nguyên một quài dừa đầy trái treo lủng lẳng ở trên cao kia kìa. Bộ muốn làm Lục Vân Tiên hả?
Tôi nhìn lên tận trên đọt cao. Một chùm dừa cở hàng chục trái chi chít ngay trên đầu. Trời, nếu nó rớt thì chắc chết. Như trời giáng. Tôi giựt mình sợ hãi. Sao mà ngu quá, không chịu để ý gì hết. Tôi bèn đứng dậy, ngắm hướng một hồi, rồi kéo xê tấm ny lông trệch qua một bên.
Tư Trần Hưng Đạo đứng chống nạnh, nhìn tôi dọn dẹp, chọc quê:
-Gì đâu mà sợ dữ vậy. Dời làm chi cho mất công, mỗi lần viết thư ngồi dưới gốc dừa thì thì lấy cái nồi đội lên đầu là an toàn trên xa lộ.

Vân Tiên ngồi dựa gốc dừa,
Dừa khô rụng xuống, bể đầu Vân Tiên!

-Ừa, ừa, đứng đó mà ngâm thơ. Bộ bên chỗ anh không có quài nào hả. Rắn còn có nữa, nói chi đến dừa khô!
Lúc đó thì Quách Linh Hoạt đã trở lại, chỉ huy một đám thanh niên dọn dẹp bãi cỏ tranh cạnh khu cắm lều. Xong rồi anh bật quẹt đốt cho quang đãng. Cây lá còn tươi, cháy nổ lốp bốp như tiếng pháo chuột. Tuy vậy nhờ có mớ cỏ khô phía dưới làm mồi, ngọn lửa vẫn bốc lên cao có ngọn. Ừ, làm vậy được quá, rắn rít phải trốn hết vô trong rừng sâu nhường chỗ cho người ta dựng lều. Chớ um tùm như vậy, đương ngon giấc nửa đêm rủi có con rắn cô đơn thơ thẩn buồn tình chen vô ngủ chung cho ấm thì đâu có được.

Tôi đứng ngó mông về phía con đường mòn, chỉ thấy những nóc lều lợp bằng lá dừa thấp thoáng trong đám cây cối rậm rạp. Khoảng cách từ đây tới đó khá xa. Tôi muốn đi tới đó để coi cho biết. Bọn lính ở đảo lại không cho người tỵ nạn liên lạc nhau. Cái lằn ranh giới hạn khu vực là gốc dừa mọc gie ra bãi cát, thẳng hàng với chiếc ghe MH 4517. Sáng nay tụi lính Mã Lai đâu mất hết, tôi ngó tới ngó lui rồi bước tới. Những gốc dừa sần sùi. Trên đường mòn đầy cát, những tàu dừa khô nằm lăn lóc. Những loại dây leo chằng chịt bò lan. Mới bước đi được một đoạn ngắn, tôi chợt thấy thằng Zăm Bri đen thui, y như con khỉ đột, ngồi trên một tảng đá lớn, tay mân mê cái đồng hồ. Dám cái Seiko Five của Út Trung lắm à! Tôi núp lẹ vô một gốc dừa, len mình trong đám lá um tùm, đi ngược về chỗ cũ. Cũng đoạn đường nầy, người đẹp đảo Dừa từng đi qua. Mới hôm qua nàng tay xách một thùng nước, tay cầm cái ca nhôm. Bàn tay xinh xắn rót từng ca nước... Tự nhiên tôi nghe cổ họng khát khô. Nóng quá, cả người mồ hôi tuôn ra nhơm nhớp. Dưới bãi, người ta đã rủ nhau xuống nước bơi lội, tiếng cười nói vang rền bãi vắng.
Duyên dắt Bi thong dong đi đến, thấy tôi đứng tần ngần, nàng nói:
-Trời nóng quá, cả người anh đầy mồ hôi. Thôi anh bồng Bi xuống tắm cho mát!
Tôi ẵm lấy Bi, đi từ từ xuống nước. Làn nước mát trong, lóng lánh ánh nắng ban trưa. Bi sợ nước, hai tay hai chưn quíu lấy tôi chặt cứng. Da thịt Bi còn non mịn màng như cục bột. Ở dưới mí nước nhìn lên, tôi chỉ thấy những thân dừa suông đuột, những tàn dừa xen lẫn bóng nắng chang chang...

Bên phía khu người Hoa, lác đác có người dựng lều. Cái lều với cây ván mái che đàng hoàng, chớ không phải lều tạm bợ như của tôi với Tư Trần Hưng Đạo, nó chỉ là tấm ny lông trải dưới đất với cái mùng giăng ở trên. Dưới những cây bàng lớn, những cành mọc ngang đầy lá xanh láng mướt, người ta đã dựng lên những lều cây to lớn chắc chắn. Cây ván được lấy từ các ghe mục rã nằm rải rác ở mé nước. Suốt ngày nghe tiếng xà beng, cưa, búa đập rầm rầm.. Người ta giành giựt từng cây cột, miếng ván, gây nhau rầm trời... Tôi bồng Bi đứng dưới nước, thấy người Tàu dựng lều mà nôn. Nhưng suy đi tính lại, tôi thấy không cần phải che lều vì chắc ở đây không lâu. Mùa nầy trời không mưa, vả lại vợ chồng ốm yếu, lại có con nhỏ, làm sao có ván với cột để làm! Thôi, trải tấm ny lông dưới gốc dừa, cái xách tay để trên đầu làm gối, nằm nhìn bầu trời trong xanh hải đảo qua các kẽ lá dừa... cuộc đời sướng như vậy, không sảng khoái lắm sao!

Mấy cái ghe chỉ trong một hai ngày bị cạy gỡ, bây giờ chỉ còn trơ lại cái bộ xương sườn cong queo, cái bánh lái xiêu vẹo. Y như con thú bị cọp ăn, chỉ còn trơ lại đống xương vụn. Ở đời, có nhiều việc ngộ như vậy. Khi cần vượt biển thì nó là cái ghe. Khi cần che mưa che nắng thì nó là miếng ván cây cột để dựng lều. Còn khi không cần gì nữa thì cứ bỏ mặc đó cho sóng gió trùng dương. Tất cả rồi sẽ mục rữa tan biến vô lòng biển cả!
Bửa cái ghe đi biển để phá lấy ván dựng lều ở vài ngày, tôi cảm thấy đó là một phí phạm quá đáng. Cũng y như chế độ Cộng Sản dùng người. Trong đám dân cày lúc nhúc dưới ruộng bùn sình, có biết bao nhiêu nhân tài của đất nước, tinh hoa của dân tộc. Trong khi đó, những người kém cỏi, ít được học hành thì giữ những nhiệm vụ trọng đại, điều hành việc nước. Đất nước ngày một thê thảm, đó là lẽ tất nhiên. Một thi sĩ có tài nịnh hót được làm Phó Thủ Tướng đặc trách Kinh tế thì còn trời đất nào! Hèn chi có một học giả đã nhận xét, nếu một kinh tế gia tập tểnh làm thơ, rủi bài thơ dở tệ thì chỉ tốn có một tờ giấy. Cũng không thiệt hại gì quá đáng. Còn nếu như một thi sĩ mà lại tập tễnh đòi làm Kinh tế thì chắc chắn một điều là cả dân tộc phải ăn bo bo, độn với khoai mì dài dài. Nếu còn có bo bo và khoai để ăn, tới một lúc nào đói quá, chỉ cần mở đài của nhà nước nghe thi sĩ ngâm thơ, cũng đủ no! Giống như ông Tô Đông Pha ngày xưa, khi bụng đói cồn cào, ông bèn nằm dài, ló đầu ra ngoài, há miệng hớp nắng, y như con cóc... cho đỡ đói!

Buổi xế trưa, mặt trời đã nghiêng về một góc, tuy những tia nắng vẫn còn dữ dội. Thằng khi đột Zăm Bri, tay cầm gậy tre, chưn đi lặc lè, cái bóng xiiên xiên đổ dài theo bãi cát trắng đầy dấu chưn. Hắn tìm những người tiêu tiểu bừa bãi để phạt. Phạt đủ kiểu như ở quân trường, hít đất, thụt ống dầu, quay máy bay, pha cát vô nước biển bắt uống. Cái lối phạt tàn nhẫn, vô nhân đạo! Xong rồi hắn ra lịnh cho cả đám, phải đào một hố vệ sinh phân biệt nam nữ ở tận trong sâu. Tay cầm cây gậy dài, hắn quơ vô bên đám dừa, cạnh khu lều nguời đẹp. Một ông người Tàu già, xung phong chỉ huy, tập hợp một số trai tráng tình nguyện thi hành công tác. Tôi bèn bước vô trong đám để đi theo. Không biết làm sao mà người ta còn dấu được rất nhiều dụng cụ như dao, cưa, búa, cuốc, để làm việc nầy. Tất cả kéo nhau đi sâu vô rừng dừa. Qua môt cái trảng hẹp đầy cỏ tranh xanh màu lúa non mọc cao ngang ngực, phải rẽ lối mà đi. Dưới những bước chưn ngập ngừng, thỉnh thoảng tôi đạp phải những trái dừa khô nằm rải rác khắp nơi. Có trái mới rớt, có trái khô queo, cũng có trái đã mọc rể thành cây con. Dây leo rất nhiều, mọc chằng chịt, bò lan khắp mọi chốn. Những thân dừa cao dài suông đuột, vươn lên tận trên cao, phía dưới là hàng ngàn loại cây rừng mọc xen lẫn. Đất mục, ẩm ướt. Lá khô rơi từng lớp dầy. Chỗ nấy không còn thấy cát nữa, mà là đất đen. Ánh nắng đã bị đám lá xanh chặn bớt thành ra nghe ẩm thấp, lành lạnh, âm u. Tôi đứng nhìn cây lá Mã Lai để tìm coi có giống chút gì với Việt Nam. Nhìn quanh nhìn quất, thấy được một bụi nhãn lồng, trái nhỏ còn non. Mấy cây lá xanh bóng, hơi tròn có gân nổi giống như cây điều lộn hột, vì chưa có trái nên không biết có phải hay không. Những dây trầu bà rừng to bằng ngón chưn cái, lá lớn như cây quạt màu xanh đậm, leo uốn vòng theo một cây to, có lá y như lá mít. Những cây cọ thấp mọc thành bụi um tùm, lá hình rẻ quạt, nhiều quá, chỗ nào cũng có.

Ông Tàu già, đứng ngắm nhìn địa thế một hồi, đưa tay chỉ vào một chỗ khoảng khoát. Một bãi cỏ tranh, không có một cây nào khác, chỉ xen vào đó là năm bảy gốc dừa lớn cở vòng tay. Được quá, chỗ nầy khá lý tưởng. Đất coi bộ sạch. Mấy anh bạn sấn vào, tay dao tay cuốc, thanh toán trong chốc lát đám tranh um tùm. Tôi được cắt trong đám đi tìm cây lá. Chúng tôi đi sâu vô hơn một chút. Mấy bụi tre mỡ cao vút, ngọn cong cong dưới ánh nắng thoi thóp buổi chiều. Cây tre suông đuột, gọn gàng da xanh láng bóng, lóng thẳng mà thiệt dài. Tốt quá, chỉ cần năm cây là đủ dùng. Anh bạn cầm cưa, mới cưa vài nhát dưới gốc, cây tre đã ngã dài trên đất. Loại tre tuy dầy cơm nhưng lại dễ cưa. Xong rồi, anh cắt ra từng đoạn nhỏ. Tôi cầm con dao đi rừng, tìm những cây dừa thấp để chặt lá. Lá dừa dùng để che nóc và dựng vách. Khi tre và lá dừa đã khá đủ, chúng tôi è ạch khiêng vác về chỗ cũ. Bãi tranh bây giờ đã trống trơn, quang đãng. Hai cái hố tiêu khá rộng đã đào xong, hình chữ nhật. Đất chỗ nầy khi đào xuống toàn là cát trắng. Đào rất lẹ và thiệt dễ. Hèn chi, chỉ có cỏ tranh mọc được mà không có cây nào khác xen vô. Cả bọn xúm nhau, người dựng cột, người lót nền, người lợp nóc, dừng vách. Chỉ độ một tiếng đồng hồ là xong. Tuy đơn sơ và khá trống trải nhưng nhờ có nó mà vệ sinh trên đảo rất tốt.
Tư Trần Hưng Đạo vừa phủi tay cho sạch đất cát, bụi bặm vừa nói:
-Kể từ chiều nay, bà con yên chí giải quyết bầu tâm sự, khỏi phải coi chừng tụi lính Mã Lai bắt phạt nữa. Khoẻ re...
Thằng Dân gì dó đứng chống cuốc, nhăn răng vàng cười hì hì:
-Không sợ Mã Lai gì đó mà sợ mấy người ở dãy bên kia ngó qua. Anh coi nè, lá dừa gì đó ít quá, trống lỏng, ngó thấy hết trơn.
Rồi nó tiếp tục phân tích:
-Mấy cái lá dừa, hai ba ngày nữa gì đó, nó khô queo lại, kể như hổng có che ‘gì đó’...
Quách Linh Hoạt bèn xen vô liền:
-Cái thằng nầy bày đặt bàn ra tán vô, mày muốn dòm cái gì đó thì cứ sớm mơi tới chiều tối ra đây ngồi. Mầy liệu coi có chịu đựng nổi không?
Cả đám ôm bụng, xúm nhau mà cười. Tiếng cười vang vang trong khu rừng buổi chiều xuống. Thôi thì mạnh ai nấy nói, đường đi về chỗ cắm lều cũng gần, tiếng xôn xao cười giỡn vang tận xuống dưới đó. Tôi nhìn thấy những làn khói xám vươn lên, những gốc dừa ẩn khuất, ngoài bãi còn vài tia nắng cuối cùng. Tôi giao cây dao lại cho ông Tàu già, chạy lúp xúp trên mặt cát nhấp nhô thẳng ra bờ nước. Tôi vẫy vùng một hơi trong làn nước mát, cả ngưởi tỉnh táo hẳn ra. Mồ hôi, bụi bặm, đất cát, trôi đâu mất hết... Buổi cơm chiều Duyên đã nấu sẵn xong xuôi. Đồ ăn kể như không có gì nhưng mà sao ngon quá. Ngon ơi là ngon! Trời sụp tối hồi nào không hay.

Ngoài khơi những đợt sóng lớn chạy vào bờ, đập vào vách đá đen cuối bãi nghe ầm ầm. Đều đặn, tiếng vang động duy nhứt trong đêm hải đảo. Khu dựng lều hầy như không một bóng đèn. Chỉ có ở lều của Phì Lũ với Hủ Tiếu, chập chờn ánh đèn cầy. Từ xa ngó như ánh sáng đom đóm. Nhỏ quá. Trời đã mát hẳn. Đám tụi thằng Lĩnh mập, Chí ròm, Xuân Lan rủ mấy đứa con của Tư Trần Hưng Đạo với tụi con nít xóm dưới quây quần ngoài bãi cát chơi đùa. Chạy giỡn chán chê, con nhỏ Thủy Tiên bày đặt chơi trò tuyển lựa ca sĩ. Tụi con nít đâu biết gì, cũng khoái chí vỗ tay loạn xạ hoan nghinh. Cả đám ngồi quay tròn. Một đứa đứng chính giữa hát ngập ngừng, cô nào cậu nấy hoan nghinh ỏm tỏi. Bi đi chập chững được dắt vô biểu diễn trước đám đông. Thằng bé không biết gì hết, đứng ngó loanh quanh rồi đưa hai cánh tay có ngấn vỗ một mình. Nhờ có ánh trăng lưỡi liềm nên bờ cát sáng mờ mờ, tuy nhìn không rõ mặt nhau. Gió thổi lào rào. Không khí trong mát. Những đọt dừa đen thẳm, điểm trên đó là những ánh sao linh lung. Tôi ngồi thoải mái trên một cục đá lớn bằng cái bàn, bên cạnh có vài bạn ở gần lều. Các bà nắm tay nhau đi dạo trên bờ cát. Đêm về trên đảo vắng, cảnh vật rất nên thơ. Tiếng sóng đập nhịp nhàng vào ghềnh đá, tiếng trẻ con nô đùa, tiếng người lớn nói chuyện rì rào, khiến cảnh biển đêm có gì sống động, tươi mát. Ở ngoài khơi xa thẳm, hình như là đất liền. Có ánh đèn sáng chạy dọc theo đường chơn trời. Có thể là vùng đất Marang mà chiếc BL 1648 đã ghé vào những hôm trước hay chăng? Vậy mà ban ngày nhìn mù mịt không thấy gì hết trơn. Ánh đèn trong đêm đen giữa biển khơi chập chùng là một niềm hy vọng cho những người trên đường phiêu bạt. Tôi quay ra Sơn đang ngồi bên cạnh, im lìm:
-Ê, Sơn nhìn kỹ coi, hình như bên kia biển là vùng đất hôm trước mình định ghé. Anh không có kiếng nên không thấy rõ!
Sơn cũng đang nhìn về phía đó:
-Ừ, ừ, em cũng thấy giông giống. Chắc là ở chỗ đó. Không biết bây giờ anh Chiêu với Hiếu ra sao rồi?
Nghe hỏi, tôi nhớ lại cảnh cả hai bị đánh ở bãi cát Marang, lòng vụt thẩn thờ. Bây giờ cả hai ra sao? Làm sao để liên lạc? Hỏi ai bây giờ? Tôi ngơ ngác ngó quanh thấy từ xa có ánh đèn pin loang loáng. Một người lính Mã Lai mặc thường phục áo sơ mi tay trắng, quần dài đen đang đi tới. Hắn thấy trên bãi cát đông nghẹt người lớn lẫn con nít đang cười nói, chơi đùa. Hắn khoát tay chỉ vô lều, miệng hô lớn:
-Ti đu, ti đu...
Sơn khều tôi nói:
-Chắc nó kêu mình đi vô. Giống tiếng Việt ghê. Ti đu là đi vô, thiệt rõ ràng!
Tôi chưa kịp trả lời, còn đang chần chờ thì một ánh đèn pin quét ngang vô mặt:
-Ti đu, ti đu.
Tôi đứng dậy xỏ chưn vô dép. Mọi người cũng lần lượt về lều. Tôi đi gần chị Kiều, bèn hỏi:
-Chừng nào thằng Adidas lại lấy thơ. Hay là tôi đưa cho chị bây giờ, rồi nhờ chị giao lại?
-Chắc là vào khoảng chín, mười giờ tối. Bây giờ mới tám giờ mà nó bắt đi ngủ rồi. Nếu buồn ngủ thì đưa thơ đây, tôi chuyển dùm cho. Khỏi mất công qua.
-Ti đu là đi ngủ hay đi vô?
Chị trả lời phân hai:
-Tôi cũng đâu có biết. Thôi mình dịch ti đu là đi vô ngủ. Phải chi có cô đẹp đẹp hồi sáng qua, mình hỏi thì biết liền. Coi bộ cô giỏi tiếng Mã Lai quá!
Trời, lại nhắc tới cái cô đẹp đẹp hôm qua. Tôi hỏi tới:
-Chút xíu ông già Adidas lại lấy thơ, chị hỏi dò coi ổng biết gì về mấy người ở tận sâu bên trong rừng dừa, chắc họ cũng tỵ nạn như mình nhưng lạc vô đây từ lâu. Cái điệu nầy mình bị bắt ở lại đây hoài, chắc chết. Chỉ vài ngày nữa là hết gạo, lấy gì mà sống đây! Trong bóng tối mò mò chị dò dẫm về lều, còn rán nhắn lại:
-Ừ, thế nào tôi cũng hỏi cho biết. Thấy người ta, đâm lo cho mình. Sao điệu bộ của ông già Adidas coi cũng sợ thằng Tăn Ku. Nó kiểm soát gắt gao quá, canh mình như canh tù...

Tôi vén mùng chun vô. Mẹ con Bi đã vô trước nằm phía trong. Tôi nằm bên ngoài nhìn ra biển cả tối đen mịt mùng. Bên tai, tiếng sóng rì rầm điệu nhạc trùng khơi bất tận. Gió thổi rào rào trên đọt dừa, cái vách mùng đong đưa. Tiếng sóng vỗ vào ghềnh đá y như tiếng sóng ngày xưa ở Dinh cậu xa xôi, cũng suốt đêm đì đùng vang vang đến nhà ở bờ sông Dương Đông, nơi tôi sinh trưởng. Ở đó, trên một mỏm đá cao, có ngọn hải đăng chớp tắt, chớp tắt cái đốm lửa xanh lè, tôi bắt đầu nhìn cuộc đời bằng con mắt ngơ ngác yên vui, bằng một cõi lòng ngây thơ trong sáng. Bây giờ nằm đây trên miền đất lạ, tuy mừng là đến được chốn bình an nhưng sao lòng nặng trĩu những suy tư khắc khoải lo âu! Vận nước đổi thay, số phận muôn người bập bềnh như bọt nước, trôi nổi đến bao giờ. Đường đời mới bước có chừng phân nửa, phải phủi tay buông xuôi, chập chững đi lại những bước đầu tiên, tôi lao đao như con chim bị rụng hết lông cánh. Bên cạnh hai mẹ con Bi vẫn còn thức. Thằng bé lăn qua lăn lại, chim chíp đôi môi nhỏ, nói cái gì lúng búng trong miệng. Gió bắt đầu nghe lành lạnh thổi tạt vách mùng, phất phơ chạm vào gò má, tôi quay qua ôm gọn Bi vào lòng, y như hồi nhỏ ba tôi ôm tôi trong những đêm sấm chớp mưa giông. Bi chừng thấy ấm, nằm im. Thôi, Bi ngủ đi để ba dỗ cho...

Ù, ơ, ví dầu....
Tới đây dây vắn, gàu thưa
Hỏi người cố cựu, giếng xưa ai đào?

Ờ, ờ, nghe cũng được. Mãi đến bây giờ tôi mới tập ru con ngủ lần đầu, cũng may còn nhớ được mấy câu. Mà sao tự nhiên là câu nầy!
Tôi cố gìm giọng ru thiệt nhỏ, chỉ vừa đủ cho Bi nghe. Bốn bề im lặng, quạnh hiu. Tôi cảm thấy âm thanh tan loãng, mơ hồ, xa vắng...

Ù, ơ, ví dầu...
Giếng sâu có nước ...không gàu...
Hỏi người cố cựu... sao đào giếng sâu?

Võ Kỳ Điền

No comments: