Chương 23:
CƠN BÃO ĐẦU MÙA
Cuộc tình cờ không hẹn mà gặp, tối nay ở nhà mát Vũng Tàu hầu như đủ mặt. Tôi vì đến sớm nên giành được chỗ tốt, ngồi gần cây cột phía vách sau, khi mỏi dựa lưng cũng đỡ khổ. Sơn và Út Trung xê qua sàng lại cũng chiếm được hai cây cột ở hai bên. Anh Tư mò ở đâu đó một cây đèn dầu lớn, đốt lên ngọn lửa sáng màu vàng đục, ống khói đen thùi. Cái lều được dựng cheo leo trên một đống đá ngổn ngang vậy mà cũng khá chắc nên khi Quách Linh Hoạt và Dân gì đó vừa tới, leo lên cầu thang rầm rầm mà cái lều không chút lung lay... Cũng lạ thiệt, thằng Dân gì đó biệt tăm biệt tích cả tuần nay, không biết nó chun trong cái hốc nào mất tiêu, bây giờ mới xuất hiện đi chơi, lại kéo thêm ông quan ba hải quân Quách Linh Hoạt, có vẻ ốm và đen hơn lúc ở đảo Dừa.
Anh Tư Trần Hưng Đạo nấu xong bình trà lớn để ở giữa phòng, giọng ồm ồm:
-Vậy là có đủ mặt anh em, tối nay tụi mình họp đại hội được rồi... Hai bạn bộ có hẹn đi chơi chung hay sao mà tới một lượt vậy?
Dân gi đó loay hoay một hồi rồi ngập ngừng trả lời:
-Ừa, ừa, tôi với anh Hoạt đi chung gì đó...
Nghe nó trả lời, tôi đâm ngạc nhiên. Cái thằng nầy lúc nào cũng láu táu khỉ khọn, cười nói không dứt, sao bữa nay lại êm ru bà rù. Nó mặc một cái áo lính ka ky cũ kỹ, cái quần cụt đen, trông rất bụi đời. Không thấy nụ cười với chiếc răng vàng le lói thường ngày.
Tôi đưa tay ngoắc, chỉ một chỗ trống bên cạnh:
-Dân ngồi kế bên anh đây nè...
Tuy lều cũng khá cao nhưng nó vẫn đi lom khom như sợ đầu đụng phải cái nóc bên trên, trong bóng đêm nhá nhem ánh đèn, tôi thấy nó hốc hác qua dáng điệu quờ quạng. Mùi mồ hôi hăng hắc bốc lên từ chiếc áo cũ lâu ngày không giặt. Tội nghiệp một thân một mình không ai chăm sóc. Thằng Kiệt em nó, cũng tưởng được Hủ Tiếu hứa cho đi chung, nhè đâu tới phút chót lại đổi ý, thành ra thằng nhỏ phải dội về Chợ Lớn. Con người có số mạng, y như có lần nó đã nói -‘Hể cái số đi được thì dầu nằm nhà cũng có người tới rủ đi, còn không đi được thì có lên tới nóc ghe cũng bị đuổi xuống’. Quả đúng y chang trường hợp em nó. Dân gi đó ngồi bệt xuống sàn, hai tay để dài trên đầu gối, nhìn ra cửa lều. Trời đêm nay không trăng cũng không sao, đêm tối đen mịt mùng. Phía dưới xa xa, ánh đèn của dãy nhà kho và cầu tàu chỉ soi sáng một vùng mờ mờ vàng vọt. Trên đỉnh núi có những đốm lửa nhỏ của đám cháy rừng. Tiếng sóng ngàn năm rì rầm xa vắng. Quách Linh Hoạt ngồi phía cạnh cửa lều, tiếp lời Dân:
-Ghé lại chơi với anh em một chút xíu thôi. Tôi với Dân gì đó tối nay có hẹn vượt đường mòn Hồ Chí Minh... Lúc nầy hai đứa kẹt quá nên rán bò!
À, thì ra hai anh bạn nầy gia nhập vô băng buôn bán làm ăn ở chợ trời. Vượt đường mòn Hồ Chí Minh ở Bidong có nghĩa là xuống bãi Buôn Lậu hay bãi Sang Đồ mua hàng hóa của các ghe buôn lậu, rồi chuyển hàng đi xuyên qua núi theo đường mòn gai góc cheo leo trong đêm hôm khuya khoắc để vào ngả sau, chun vô khu chợ trời. Hàng vô được tới chợ là an toàn trên xa lộ. Nếu giữa đường gặp phải cảnh sát Mã hay các tay anh chị của các băng đảng đón đường cướp giựt thì kể như là cụt vốn. Dân đi buôn phải xuất vốn mua hàng hóa, thông thường các mặt hàng thông dụng như gạo, đường, cà phê, thuốc lá, bôm, nho, nước ngọt, dép, khăn... rồi mướn người khiêng vác về chợ, lời hay lỗ là do giá thị trường lên xuống. Còn như không vốn chỉ ra công vác một thùng hàng về tới nơi thì lãnh được một đồng tiền Mã. Chỉ cần nghĩ tới đọan đường mà hai bạn sẽ phải trải qua trong đêm hôm khuya khoắc, tôi cũng đủ ớn lạnh xương sống. Họ phải đi thầm trong bóng đêm mịt mùng, không được dùng đèn bấm để soi sáng, hầu tránh cảnh sát và bọn cướp giựt, len lỏi trên các đường dốc dựng đứng, hiểm trở quanh co, đầy đá sỏi gay góc gian nan...
Tôi đã hiểu tại sao Dân trở nên ít nói và thay đổi. Tôi nắm lấy cánh tay khẳng kheo của nó:
-Em đi như vậy có cực khổ lắm không?
Nó trả lời xụi lơ:
-Vác cái thùng thì không nặng, chỉ có điều phải thức đêm, về tới chợ là gần sáng gì đó. Em ngủ ban ngày... mà nắng nóng quá ngủ không được gì đó!
Quách Linh Họat tiếp lời nó:
-Đi vài lần rồi quen, cũng còn chịu đựng được. Nhưng sợ nhứt là hai ba toán buôn lậu đụng chạm quyền lợi nhau, có thể vì tranh mua, phá giá hoặc cướp giựt, thường xảy ra các cuộc thanh toán, đâm chém dữ dội. Mình kẹt ở giữa là lãnh đủ. Cũng may tôi và Đân chưa bị lần nào. Tụi nầy mới đi thử có tuần nay...
Tôi nghe nói, ở đảo có nhiều băng đảng, họ chia ra nhiều phe nhóm làm ăn. Khu F là băng của dân Tàu nhà giàu, khu G là dân thủy thủ, khu D là dân chợ trời, ...rồi có đảng Satan, đảng Quỉ Kiến Sầu,... đảng nào cũng dữ dội. Ở trên đồi Tôn Giáo phía bãi sau khu C có một nhóm người Miên cũng là tay anh chị bự. Có lần một người trong nhóm bị băng của người Tàu đánh tới lòi mắt. Ngoài chuyện tranh giành quyền lợi, còn có chuyện tranh giành thế lực, hoặc tình yêu... Nhiều khi việc nhỏ xíu không có gì, cũng có thể chém giết nhau được. Người nào đến đảo cũng mang trong lòng biết bao khổ đau, uất ức, bực dọc, khủng hoảng... như một trái phá đã gắn ngòi. Chỉ cần một tia lửa nhỏ trái phá sẽ nổ tung! Như mấy hôm trước, tôi đang chìm trong giấc ngủ say nồng, chợt tỉnh giấc vì có tiếng la hét ghê rợn trong đêm trường tịch mịch. Tôi rán lắng nghe. Lều thuộc khu G nằm trong khu vực giao thông của dân buôn lậu, từ bãi Sang Đồ vượt núi để lòn ngả sau vô chợ trời. Tiếng gậy gộc đập nhau chan chát. Tiếng chưn chạy rầm rập ngoài ngõ. Bỗng nhiên có tiếng la lớn thảm thiết -‘Chết tao rồi, trả thù cho tao!’ Trời! chuyện gì vậy? Đêm khuya cả trại im lìm, tiếng kêu la lồng lộng nghe rùng rợn hãi hùng. Tôi lo trong bụng vì vách lều cột bằng bao ny lông đựng bột mì bở rẹt, nếu mấy tay cao thủ nầy đâm chém nhau, chạy càn đại vào lều để tránh đòn thì khá nguy hiểm...
Tôi hỏi Quách Linh Hoạt:
-Làm sao mình biết ai buôn bán làm ăn, ai cao bồi du đảng cướp giựt?
Quách Linh Hoạt cười:
-Bạn cứ nhìn Dân gì đó với tôi là biết ngay. Người buôn bán lương thiện là tại không có tiền nên phải kiếm cách bương chải, mua đi bán lại để kiếm sống. Còn mấy đảng ăn cướp là thuộc thành phần du đảng, bất hảo từ bên Việt Nam, qua đây tiếp tục theo đường cũ. Đâm chém, cướp giựt, giành gái, nhậu nhẹt, say sưa...
Sơn hỏi:
-Ở Mã Lai là xứ Hồi Giáo cấm tuyệt rượu, làm sao có được mà uống?
Dân gì đó giải thích:
-Mình thì không mua ruợu được gì đó... Chớ mấy tay dao búa thiếu gì... Thịt heo, ruợu nó mua của các ghe buôn lậu... có khi mua của mấy thủy thủ ghe tàu chở tiếp tế nước gì đó...
Tư Trần Hưng Đạo góp chuyện:
-Ở đâu cũng vậy, có tiền là có đủ thứ. Bạn thấy đó ở chợ trời Bidong đâu thiếu thứ nào. Cà phê, hủ tiếu, cháo gà, thợ uốn tóc, hớt tóc, thợ bạc, thợ sửa đồng hồ...
Tôi thắc mắc:
-Vậy chớ cảnh sát Mã và ban an ninh trại không kiểm soát được hết sau?
Quách Linh Hoạt cười:
-Cảnh sát Mã có chừng một tiểu đội vừa lo tuần phòng ghe tàu vượt biên tấp vô đảo, vừa lo rượt bắt ghe buôn lậu... để kiếm tiền, còn thì giờ đâu mà can thiệp chuyện cao bồi, chuyện du đảng đâm chém nhau... Mà dầu có chết năm ba người thì cũng đâu có sao. Hình phạt của Mã là nhốt dưới nhà sàn và cạo đầu trọc lóc những tội vi cảnh như đánh lộn, nhảy đầm... Còn giết người hoặc Cộng sản thì giải qua bên Kuala Trengganu để điều tra và xét xử...
Út Trung nói:
-Tôi nghe hôm trước, tụi Mã đi tuần trên chóp núi có bắt được trong một cái đồn bỏ hoang, bốn Việt Cộng đang dùng điện đài để liên lạc về Việt Nam. Ghê chưa, ở đảo bây giờ số người đông gần bốn chục ngàn, không biết ai tỵ nạn thiệt, ai tỵ nạn giả...
Sơn mãi lúc đó mới nói :
-Các bạn có nhớ thằng cán bộ Hoa Vận của Bạc Liêu không?
Tôi nói:
-Nhớ chớ sao không, nó người Tiều lai, đen thui cao lớn, tóc quăn dợn sóng... chuyện gì vậy?
Sơn nói hạ giọng:
-Lúc nó kiểm soát tụi mình xuống ghe ở Cà Mau, rồi thừa lúc đêm tối trà trộn đi theo luôn, không ai để ý hết vì ghe đông quá. Trong chiếc BL 1648 có vợ con nó theo từ trước, qua tới đảo Dừa không bao giờ ló mặt ra ngoài. Đám Hủ Tiếu che chở đùm bọc. Nhưng khi tới Bidong thì ban an ninh trong trại biết được, kêu lên kêu xuống điều tra, tài công Hốt với tài công mặt rỗ cũng bị nữa...
-Rồi sao?
-Hốt với mặt rỗ thiệt tình tỵ nạn nên không bị rắc rối, còn tên cán bộ Hoa Vận bị đưa qua bên Trengganu để điều tra lại chưa thấy trở về, không biết là có bị chuyện gì không? Ban an ninh trại bất lực với các băng đảng vì họ sợ bị trả thù nên ít để ý tới bọn nầy. Họ chỉ theo dõi bọn cộng sản, ghe nào vô đảo cũng phải để ý sợ bọn nó trà trộn vô tập thể tỵ nạn... Cũng khó lắm vì có nhiều khi họ là Cộng sản thiệt, nhưng cũng tỵ nạn thiệt. Vấn đề là làm sao biết được họ có hoạt động cho Cộng sản hay không. Từ ngày đảo thành lập trại tỵ nạn tới nay có tất cả ba mươi sáu người mất tích một cách bí mật. Có tên trong danh sách nhập trại mà không có người, có thể họ chết mất xác ngoài biển hoặc trốn lánh trên núi hoặc ăn cắp ghe trở về Việt Nam...
Nghe các bạn trình bày vấn đề tôi cảm thấy được nổi khó khăn của ban an ninh và việc phức tạp của tập thể. Cái biên giới của buôn lậu với du đảng, của Cộng sản tỵ nạn với Cộng sản gián điệp mong manh quá, làm sao và bằng cách nào để xác định được. Nếu không khéo người lương thiện bị lầm với ngươi bất lương và ngược lại. Cuộc chiến tranh dai dẳng của đất nước đâu có chấm dứt, nó mãi kéo dài tới Bidong nầy và sẽ còn tới đâu nữa....
Tối nay trời đứng gió. Tôi ngồi tận bên trong nên cảm thấy hơi nóng hầm hập. Cũng lạ, ở tại ghềnh đá nầy có lúc nào mà thiếu gió mát như bữa nay. Dám tối nay có cơn mưa đầu mùa, mây kéo đen kịt cả bầu trời nên không thấy cả một ngôi sao nhỏ. Đối diện tôi, ngồi bên cạnh cửa lều Quách Linh Hoạt tóc dài chấm vai, râu mọc tua tủa. Đèn soi sáng nét mặt xương xương trông anh già cỗi. Hoàn toàn không còn một chút xíu nào hình ảnh đẹp trai oai hùng của một vị sĩ quan hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Cạnh tôi, Dân gì đó cũng không khác. Cả hai từ ngày gia nhập vào giới buôn lậu quần áo rách rưới dơ bẩn, nhàu nhò, da dẻ, đen đúa, phong sương. Nhưng nhìn chung Sơn, Út Trung, tôi cũng y vậy. Ở nơi góc biển chơn trời nầy, mọi người giống hệt nhau, không biết ai là ai. Trong đám người lúc nhúc hỗn độn đó, ai là dân biểu, ai là bộ trưởng, ai là bác sĩ, kỹ sư? Ai là thợ thuyền, nông dân hay đánh cá? Tới đây mọi người giống nhau hết. Giống từ hình dáng bên ngoài đến tâm tư tình cảm bên trong. Giống nhau từ hoàn cảnh, số phận, giống nhau từ nỗi long đong. Đảo Bidong như con tàu nhỏ lênh đênh trong biển trời hy vọng, nhưng vùng đất hứa chừng như còn lấp ló chưn mây. Nhưng chừng nào mới tới được cái chưn mây xa lắc xa lơ đó?
Út Trung hỏi Quách Linh Hoạt:
-Hai ông bà định xin đi Mỹ hay Canada? Nếu đi Mỹ là lâu lắm đó..
-Tôi định đi Canada mà bà xã không chịu vì sợ lạnh, bả ốm quá... Tôi xin đi Mỹ theo ưu tiên ba, thành phần công chức quân nhân chế độ Việt Nam Cộng Hòa cũ. Đơn đã được cứu xét, tụi tôi dễ lắm, hồ sơ, quân số còn y nguyên, chỉ cần dò lại cho đúng rồi chờ tới lúc có người bảo lãnh là được... nhưng chắc phải hơi lâu. Có người đã chờ đợi bảy tám tháng nay mà chưa nhúc nhích...
Tư Trần Hưng Đạo xen vô:
-Vậy thì cũng đỡ lo. Lâu bao nhiêu cũng rán. Sợ nhứt là những người không thuộc thành phần được ưu tiên thì mệt. Đợi cho nó hốt rác thì biết đến chừng nào!
Nghe anh Tư nói tới đó, tôi vội nghĩ ngay trong đầu cái danh từ hốt rác thông dụng ở đảo. Chữ dùng nghe tượng hình hết sức. Người tỵ nạn là rác? Ở Bidong nầy còn bao nhiêu rác phải hốt nữa? Ai là người đầu tiên đã có sáng kiến dùng chữ rác rến để so sánh với thân phận tỵ nạn bọt bèo, rong rêu. Thực tế quả là chua xót!
Quách Linh Hoạt phân tách tỉ mỉ:
-Muốn đi Mỹ thì phải có các điều kiện ưu tiên như được thân nhân ruột thịt bảo lãnh: ông bà, cha mẹ, anh em, vợ chồng... Nhưng người được bảo lãnh phải độc thân mới được, còn như có gia đình là không được. Tuy nhiên, nếu người đàn bà đi vượt biên có dắt theo con cái mà chồng còn ở lại Việt Nam thì được kể ưu tiên một, họ được coi như độc thân...
Út Trung cười:
-Thì đúng rồi, không có chồng thì phải kể là độc thân chớ!
Quách Linh Hoạt tiếp:
-Còn như không có thân nhân thì phải là những người đã có làm việc trong các cơ quan của Mỹ trên sáu tháng, trực thuộc quân đội hay dân sự của nhà nước Mỹ. Các cơ quan tư nhân không kể. Mấy người có bằng cấp tốt nghiệp các Đại học Mỹ cũng thuộc ưu tiên thứ hai nầy. Còn ưu tiên ba thì dành cho công chức, quân nhân Việt Nam. Nhưng không phải ai cũng được. Phải có làm việc chánh thức cho công quyền thời hạn tối thiểu là năm năm...
Tư Trần Hưng Đạo cười:
-Ai biểu mình khai thiếu làm chi, cứ khai sáu bảy năm gì đó...
Quách Linh Hoạt nói:
-Các cơ quan tư thì muốn khai thế nào cũng được. Còn công chức quân nhân, hồ sơ lưu trữ đầy đủ, làm sao mà khai gian. Như tụi tôi có số quân, đơn vị phục vụ, tên tuổi vị chỉ huy trưởng...
Dân gì đó bỗng nói:
-Nghe nói có người khai ăn gian gì đó bị Mỹ xù.
Thêm một danh từ lạ của Bidong nữa. Xù có nghĩa là bác đơn, hồ sơ nhập cảnh không được chấp nhận. Trong những ngày mới đến đảo, tôi nghe danh từ nầy phổ biến khắp mọi nơi. Người nầy bị Mỹ xù, người kia bị Úc xù. Lần đầu mới nghe qua, tôi lấy làm lạ, suy nghĩ hoài, không biết chữ xù nầy là do chữ Tây hay chữ Tàu biến âm? Nhiều câu chuyện được truyền tai nhau. Một bà mẹ bồng con nhỏ vào phái đoàn Mỹ phỏng vấn. Ông đại diện hỏi bà bằng tiếng Mỹ có thông dịch viên Việt. Lúc đó đứa nhỏ phát khóc. Bà quýnh quắn dỗ con -‘Nín đi, con khóc ông Mỹ ăn thịt bây giờ’. Người đại diện phái đoàn bất ngờ bật qua nói tiếng Việt rành rọt -‘Người Mỹ văn minh không bao giờ ăn thịt con nít’ Kết cuộc là mẹ con bà Việt Nam ẩu tả đó bị xù! Chuyện chắc là do một người nào đó có óc khôi hài đặt ra để kể cho vui, không lẽ người đại diện Mỹ lại ngây thơ, khờ khạo đến vậy! Nhưng các nhân viên Mỹ biết tiếng Việt rành rọt thì rất thông thường vì đa số đều có một thời gian làm việc tại Việt Nam.
Cạnh lều tôi, có em một ông Tàu già bán cháo gà, tuổi chừng độ hai mươi, hai mươi mốt. Vì muốn được đi Mỹ theo điều kiện độc thân nên anh ta đã khai gian dưới mười tám tuổi, tính kỹ ra năm sanh là 1962. Anh học thuộc lòng và trước sau vẫn xác định là sanh vào ngày tháng đó. Bất ngờ anh được hỏi -‘Sanh năm 1962 vậy tuổi con gì?’ Anh bạn tá hỏa tam tinh, miệng ấp a ấp úng, tính hoài không ra, không biết mình tuổi con trâu hay con dê? Những chuyện dấu đầu lòi đuôi như vậy nhiều lắm, đương nhiên người khai gian dối như vậy sẽ bị xù, phải xin đi nước khác.
Tôi hỏi Dân gì đó:
-Theo em thì tại sao bị bác đơn lại kêu là xù?
Dân trả lời:
-Khi mình đi đánh bài mà không muốn chơi nữa hay chia lộn bài gì đó, xóa bài để bỏ thì kêu là xù bài. Mấy người chơi cờ bạc ưa nói gì đó...
-Hèn chi ở đây người ta hay dùng chữ nầy, đúng quá. Mình vô phái đoàn phỏng vấn để đi định cư y như chơi đánh bài, cũng có chuyện hên xui, gặp lúc tay cái không vui, xù bài thì tay con hết đường cạy gỡ....
Tư Trần Hưng Đạo nhìn tôi rồi nhìn Quách Linh Hoạt:
-Một bạn làm thầy giáo, một bạn làm sĩ quan, cũng có điều kiện để đi... còn tụi tôi tính đi tính lại không có được chút xíu nào hết, nước nào cũng xù thì kẹt dữ...
Sơn nói giỡn chơi:
-Thì lúc đó mình lên núi kiếm cây, đóng ghe trở về Việt Nam... làm một chuyến vượt biên ngược lại...
Tư Trần Hưng Đạo la lên:
-Thôi, đừng giỡn chớ bạn, tôi vượt biên một lần là tởn tới già, bây giờ mỗi lần thấy các ghe biển là sợ. Nói chi vừa tới bờ Việt Nam lại thấy một anh công an áo vàng nón cối đứng chờ...
Quách Linh Họat phân tách:
-Nếu bị Mỹ xù cũng còn có Canada và Úc. Hai nước nầy cũng không đòi hỏi điều kiện gì nhiều. Đời sống cũng dễ thở, chắc cũng có chỗ cho anh em mình. Canada mỗi tháng thâu nhận năm trăm người, còn Úc thì tám trăm. Đặc biệt các cô độc thân và đi một mình thì dễ được cứu xét. Nói chung nước nào cũng ưa chọn thanh niên trai trẻ, những người còn đầy đủ năng lực làm việc. Những người già cả, bịnh họan thì khó khăn hơn. Nhưng vì nhân đạo nên cũng có nhiều nước nhận. Tôi thấy nhiều cụ già và người tàn tật được đi Pháp... Mấy người nầy không còn lao động được mà chánh phủ phải nuôi dưỡng... cũng là một gánh nặng cho họ.
Anh nói tới đó, cả bọn ngồi im. Lòng nhân đạo nào cũng có giới hạn, tới mức nào đó thì tình thương sẽ không còn, chừng đó người tỵ nạn Việt Nam sẽ ra sao? Câu trả lời thiệt khó. Đêm chừng đã khuya, Quách Linh Hoạt va Dân gì đó phải đi đến điểm hẹn để nhận hàng, nên cả hai đứng dậy từ giã. Bóng tối nhạt nhòa. Tôi theo ra đứng ở cửa lều, từ trên cao nhìn xuống thấy những lùm cây đen đủi. Hai người len lỏi đi dọc theo mé nước, trông nhỏ xíu cô đơn, chỉ phút chốc mất biệt trong bóng đen hun hút. Bất ngờ, tôi nghe tiếng còi tàu bịnh viện Ile de Lumìère hụ lên từng hồi dài. Tiếng còi vang lên lanh lãnh giữa biển trời đêm nghe có gì hối hả, gấp rút. Các bạn trong lều cũng túa ra để nhìn. Út Trung mắt sáng nên thấy trước
-Ủa, ủa, chiếc tàu Pháp giờ nầy hụ còi tính đi đâu. Nó đang di chuyển từ từ...
Quả nhiên tôi thấy những ngọn đèn tàu di động. Đúng rồi, tàu đang đi. Mà tại sao lại đi ban đêm như tối nay? Tôi quay qua hỏi anh Tư.
Tư Trần Hưng Đạo đoán:
-Có lẽ nó thiếu nước uống hay thực phẩm, đi qua Trengganu để được tiếp tế, sáng mai trở về... Không phải về Pháp đâu, nếu không ở Bidong nầy nữa thì cũng phải thông báo từ giã chớ. Mới đến có vài tuần mà....
Tôi cũng nghĩ y như vậy nhưng không biết vì lẽ gì nó lại nhổ neo đi. Chỉ trong phút chốc nó đã khuất sau ghềnh đá. Trên mặt biển đen ngòm, bây giờ không còn một bóng đèn nào. Xung quanh cầu tiếp liệu và dãy nhà kho những tia đèn vàng vọt leo lét không đủ sức xuyên thủng màn đêm. Bidong ban ngày ồn ào nhưng ban đêm lạnh tanh. Đúng là trái ngược. Sơn cũng đã về. Tôi ở lại lều để ngủ. Tối nay có anh Tư và Út Trung...
Đến giữa khuya, trời bắt đầu nổi cơn giông. Rồi những giọt mưa nặng hột rào rào trên nóc lều. Rồi gió lốc từng cơn. Lều vặn mình kêu răng rắc. Tôi nằm trên mặt sàn cây, lắng nghe tiếng gió ù ù tưởng như có đoàn xe bọc sắt hằng ngàn chiếc rầm rộ chạy bên vách. Biển bắt đầu nổi sóng gầm thét dữ dội như con cọp bị thương vùng vẫy lồng lộn. Gió điên cuồng thổi muốn vỡ tung nóc lều. Anh Tư nằm sát vách bị ướt, lần lần xích vô giữa để tránh những giọt nước bắn xuyên qua vách mùng. Gió dữ quá nếu cứ kéo dài thêm chút nữa, lều dám sập lắm. Bên trên những túi nước lớn đọng vũng trên nóc ny lông, chảy dội xuống ào ào, khiến ba đứa tôi phải cuốn vội mùng mền tránh dột. Một góc lều đã bị thổi tung. Tôi chạy lại đứng ôm gốc cột, tay nắm chặt mí bao ny lông dừng vách, miệng la oai oái:
-Coi chừng nóc lều bay mất...
Một phần nóc đã bị phá, gió thổi bay phần phật. Út Trung leo lên nắm được mí vải trì xuống. Anh Tư kiếm được một cây đòn dài, đứng phía dưới chống lên các túi nước đọng. Khối nước được đẩy lên cao chảy ra tràn hai bên, khiến các túi nước kế phồng to ra trũng xuống. Anh phải đẩy các túi nước kế tiếp tục.... Bidong bị cơn bão lớn đầu mùa mưa. Sóng dữ dội, đập muốn vỡ tung ghềnh đá. Các ghe Mã Lai nhỏ chở thực phẩm của Liên Hiệp Quốc bị dập dồi, tung vô cầu supply ầm ầm. Tiếng la hét của các thủy thu vang lồng lộng trong gió. Các lều kế cận có chiếc đã bay mất nóc, có chiếc xiêu vẹo. Ào, một cơn lốc mạnh, nóc lều bị đứt dây bung ra bay dạt đâu mất. Ba anh em bị nước mưa chảy trên đầu trên cổ, ướt mem, lạnh ngắt, bèn chạy núp mưa ở lều phía sau. Chiếc nầy may mắn còn nguyên nhờ nép mình dưới một khối đá đồ sộ, hai bên có các lều vây quanh che kín. Cả một bầu trời ướt sũng nước, mưa to gió lớn như cơn hồng thủy. Bidong tưởng chừng như sắp bị mưa to gió lớn cuốn trôi. Mưa như trút nước giăng kín cửa lều, phía trước nước chảy thành dòng, cuồn cuộn như thác lũ.
Chiếc lều của anh Tư bây giờ chỉ còn cái sườn cây, kèo cột trơ vơ. Tôi bỗng chợt nhớ Dân gì đó với Quách Linh Hoạt, bèn kêu lên:
-Chết cha rồi, xui quá!
Tư Trần Hưng Đạo đứng nhìn mưa kế bên, tưởng tôi sợ cái lều bị hư nên nói:
-Cũng may nó bị thổi tróc nóc mà không sập. Để mai mua nóc, mua vách mình lợp lại...
Út Trung cũng nói:
-Dễ lắm, chỉ cần cột dây kẽm thêm cho kỹ. Kỳ nầy mình cột thiệt chắc, để tôi làm cho... nếu có bão nữa thì yên chí, không thể nào đứt được.
Rồi Trung nói tiếp:
-Bão ở Bidong lớn quá, điệu nầy mấy ngàn cái lều đều bị bay nóc, cây cối gảy đổ, tàu bè hư hao. Hèn chi chiếc Ile de Lumỉère biết trước, nó dời qua núp bên kia đảo để tránh gió...
Biết hai bạn đã quên mất việc quan trọng hơn, tôi vội nói:
-Mưa gió, bão bùng như vầy. Dân gi đó với Quách Linh Hoạt kẹt giữa rừng núi làm sao xoay trở? Phải chi biết trước đừng đi...
Bên ngoài sấm sét chớp sáng lòe, nổ rách tung màn đêm thăm thẳm. Qua lằn chớp tôi thấy những sợi mưa bay ngang bay dọc và tưởng tượng ra ở dưới bãi Sang Đồ lúc nầy, trong bóng đêm dầy đặc như bưng lấy mắt, một nhóm người lầm lũi khiêng vác những kiện hàng, âm thầm như những bóng ma len theo đường mòn, xuyên qua vách núi đá trơn trợt... Rồi gió, rồi mưa. Những dòng nước chảy xiết như thác, những cành cây gãy gục, những tảng đá nứt lăn xuống triền dốc... nước lạnh ướt đẩm, gió buốt thấu xương...
Tôi lẩm bẩm:
-Thế nào thằng Dân gì đó cũng bịnh. Hồi chiều thấy nó ốm xác xơ, làm sao chịu đựng nỗi cơn bão đầu mùa nầy!
Út Trung im lặng nhìn mưa ào ạt nãy giờ, cũng góp ý:
-Hy vọng là biển nổi sóng từ đầu hôm, mấy ghe buôn không chèo ra khơi được. Biết đâu Quách Linh Hoạt với Dân gì đó cũng đã trở về rồi... Hai người đi cũng khoảng chín mười giờ, còn bão bắt đầu từ nửa đêm...
Nghe Trung nói tới đó, tôi bỗng giựt mình. Dân gì đó với Quách Linh Hoạt dầu gì thì cũng ở trên bờ, vất vả cực khổ cách mấy cũng còn chịu được. Trong khi đó, các tay buôn lậu đang chèo ghe trên biển mà gặp sóng dữ thì nguy. Chiếc ghe nhỏ xíu như cái hòm cây sẽ bể tung ra từng mảng... Đêm nay trong cơn bão bùng, bao nhiêu chiếc ghe buôn lậu Bidong gặp cơn nguy khốn cùng cực trên biển cả? Mười chiếc, hai mươi chiếc hay nhiều hơn nữa? Rồi số phận của những con người khốn khổ đó ra sao?
Gió vẫn còn thổi ào ào từng cơn nhưng đã dịu hơn lúc nãy. Mưa cũng đã dứt hột. Trời đêm lạnh teo ruột. Cũng may tôi mặc một cái áo vãi dầy. Chị chủ nhà lấy cho Út Trung mượn một cái áo khoác ka ki bận thêm cho ấm. Cây đèn cầy nhỏ bằng ngón tay cái bị gió tạt, ngọn lửa cháy le lói chỉ chực tắt, một dòng sáp đỏ chảy tuôn thành đống một bên, chừng một thời gian ngắn nữa nó sẽ tàn lụi... Người đàn bà ốm yếu quay trở về ngồi bên ánh đèn chập chờn tay chống bên mặt, hai đứa con nhỏ vẫn ngủ mê man. Đã năm sáu tháng nay chị trông đứng trông ngồi người người bà con bên Pháp gởi cho giấy bảo lãnh. Thơ đi thì có mà thơ về thì chưa. Một ngày chờ đợi ở Bidong là một ngày mòn mõi. Chị sẽ còn phải chịu đựng bao lâu nữa... Niềm hy vọng mong manh như ngọn nến!
Đã ba giờ sáng, cơn bão đã qua, mưa gió bớt dần. Những sợi mưa bay li ti như bụi. Liệu không còn tiếp tục sửa chữa gì được căn lều tróc nóc, chúng tôi chia tay nhau kéo về lều nhà. Trong ánh sáng lờ mờ, cả một bãi biển tan hoang xơ xác. Lều nào cũng bay mất nóc, cột kèo xiêu vẹo, đồ đạc vật dụng bay tứ tung vương vải. Những thân dừa gảy đổ, nằm chắn ngang lối đi, tàu lá rụng nằm đầy trên cát. Tôi co ro đi len theo mé biển, toàn cảnh hoang vắng rợn người. Bidong báo hiệu mùa mưa bắt đầu bằng cơn bão lớn. Tôi về tới lều, may quá nhờ nằm ở vị trí khuất gió nên lều còn nguyên. Chỉ vài tiếng nữa là trời sắp sáng. Không biết giờ nầy Dân gì đó với Quách Linh Hoạt đã về tới nhà chưa? Sáng mai sớm phải ghé thăm hai bạn đó mới yên bụng. Vì đã quá giấc, tôi không ngủ được nữa, nằm trên mặt sàn cây lồi lõm, nghĩ ngợi miên man...
Xung quanh toàn là những chiếc lều mong manh, những con người khốn khổ nương tựa nhau mà sống. Bidong nắng lửa, mưa dầu. Bidong mưa gió ầm ầm như cơn hồng thủy. Nhưng gió bão của Bidong là do thời tiết đất trời, còn gió bão ở Việt Nam là bão của lòng người. Lòng người nham hiểm, tàn độc, tham lam như cơn bão dữ, tàn phá quê hương không một xót thương. Sau cơn hồng thủy ở quê hương tù ngục, người người vượt qua biển lớn bám vô đảo Bidong, như chưn lều Tư Trần Hưng Đạo bám vô ghềnh đá cheo leo, để trông chờ vùng đất hứa. Nhưng niềm hy vọng vẫn còn xa biền biệt...
Người tỵ nạn Việt Nam phải còn chịu đựng bao nhiêu cơn bão thử thách nữa mới thấy được những tia sáng hy vọng le lói ở cuối chưn mây?
Võ Kỳ Điền
Monday, August 1, 2011
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
1 comment:
Online Casino Site with best bonuses and promotions - Lucky Club
We aim to help you to discover and provide the best in gambling experience and gambling luckyclub experience from the comfort of your own home. With trusted
Post a Comment