Saturday, January 31, 2009


PULAU BIDONG, MIỀN ĐẤT LẠ

LỜI TỰA

Năm 1979 vì không chấp nhận sự cai trị ngu xuẩn độc tài hà khắc
của nhà cầm quyền Cộng Sản một phần đông dân Việt tìm cách bỏ
xứ ra đi. Hồi đó cuộc xung đột Hoa Việt ngày càng gay gắt, nhà
nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam tổ chức đưa người vượt biên bán
chánh thức, dành riêng cho người Hoa mục đích vừa cướp được của
cải tài sản khổng lồ, vừa loại trừ được một thế lực tài phiệt phản
động nguy hiểm cho chế độ.

Nhân cơ hội này, tôi mua giấy tờ giả để trốn theo, đến Mã Lai trú
ngụ hết đảo này đến đảo kia tổng cộng là bốn tháng rưỡi, sau đó
được định cư ở Montréal Canada sống những ngày xa xứ.
Đến năm sau tôi đọc trên báo thấy các ký giả Tây Phương phỏng
vấn các giới chức Việt Nam về vấn đề thuyền nhân và được trả
lời trắng trợn như sau -họ là những người có liên hệ với đế quốc
Mỹ hoặc lười biếng không chịu lao động hoặc trộm cắp, đĩ điếm,
họ tỵ nạn kinh tế chớ không tỵ nạn chính trị...

Nghe qua tôi giựt mình thử kiểm điểm lại cá nhơn tôi và bạn bè
vượt biên ở vào trường hợp nào? Trộm cắp? Đĩ điếm? Liên hệ đế
quốc Mỹ, Pháp? Tỵ nạn kinh tế? Câu trả lời hàm hồ nguy hiểm quá,
bây giờ thì không cần đính chánh vì mỗi người chúng ta, ai ai cũng
đều biết rõ miệng lưỡi của người Cộng Sản. Nhưng vài chục năm sau
thời gian ngày càng phôi pha, người ta dễ dàng quên đi, nếu khơng
có người ghi chép những điều mắt thấy tai nghe thì e rằng sự thật sẽ
bị xuyên tạc.

Xét riêng về hoàn cảnh của tôi, bỏ hết sự nghiệp, cha già mẹ yếu,
liều chết ra đi, không lẽ để mong kiếm chút canh thừa cơm cặn của
Tây của Mỹ hay sao? Tôi cũng có thằng con trai năm 1980 vừa
được hai tuổi. Tôi nhìn con lắc đầu, nếu mình không ghi lại chuyến
vượt biên khổ sở vất vả nầy, thằng con lớn lên sẽ không biết gì hết,
biết đâu lại trách ngược lại cha mẹ hồi xưa chắc là cường hào ác bá,
tham nhũng hối lộ, ôm chưn thực dân đế quốc, thèm bơ thèm sữa mới
phản bội quê hương. Có nhiều sinh viên du học nghĩ như vậy và họ
dễ dàng bị Cộng Sản thuyết phục dụ dỗ.

Vì lẽ đó mà tôi phải rán viết, vừa để kỷ niệm chuyến đi của
một đời, vừa để dành riêng cho con lớn lên đọc, để hiểu tại sao
cả nhà phải liều chết ra đi, ăn đậu ở nhờ xứ người. Vì từ nhỏ
tới giờ tôi chưa từng viết văn, nên chỉ có ý ghi lại trung thực
chuyến đi mà không mảy may thêm thắt vẽ vời. Tôi hì hục viết
một mạch không ngừng nghỉ tập hồi ký riêng tư của gia đình.
Viết xong vào tháng 4 năm 1981, đặt cho nó cái tên Miền Đất Lạ
do ý bài thơ của Đăng Trình (trong số Tân Niên 1979 của báo
Văn Nghệ Tiền Phong):

Ta đã tới dung thân miền đất lạ.
...
Kết luận là câu ‘Thương một đời hai chữ Việt Nam thôi’ Lúc còn
ở Mã Lai gặp được tờ báo nầy, ai nấy giành nhau đọc ngấu nghiến,
tờ báo rách nát sần sùi. Tôi đọc bài thơ lên cho đám bạn bè xung
quanh nghe, tất cả đều ngậm ngùi muốn khóc. Trong tập nầy các
tên tuổi đều thiệt, sự việc chính xác. Tôi không dám cho đăng báo
vì nhiều chi tiết liên quan đến một số người.

Nhưng điều quan trọng nhứt khiến tôi đắn đo là chuyến đi khá
yên lành, tới bờ tới bến yên vui, không lạc đường, không bão tố,
không đói khát, không hải tặc.. Tôi đâu thể nào đem cái may
mắn riêng tư của gia đình để phô trương bên nỗi bất hạnh của
biết bao nhiêu thuyền nhân kém may mắn khác.

Vì những lẽ đó mà tập bản thảo bị bỏ quên, nằm ỳ trong hộc tủ
trên mười năm nay. Một vài bạn thân biết được khuyên tôi không
nên dè dặt quá đáng vì cuộc vượt biên sau năm 1975 là một biến
cố lớn lao trong lịch sử đất nước. Nó có đủ mọi hình thức với hằng
trăm, hằng ngàn dáng vẻ khác nhau. Có đau khổ, có tan nát chết
chóc, có chiến đấu hào hùng mà cũng có bình yên, trọn vẹn.
Đâu thể nào một chuyến đi lại bắt buộc phải giống hệt trăm ngàn
chuyến đi khác. Hơn nữa mỗi người chúng ta đều có bổn phận ghi
chép lại, trong tầm mức của mình, thời buổi đã sống qua để dành
cho người đến sau biết rõ một giai đoạn lầm than của dân tộc, để
khỏi phải mò mẫm tìm kiếm trong đống sử liệu rối mù.

Nghe lời bạn khuyên tôi tiếp tục lại công trình của mười năm qua,
bớt đi nhiều chi tiết riêng tư, thêm nhiều suy tưởng mới. Chuyến
vượt biển ngày nào tưởng đã lãng quên nhè đâu như hiện lên trước
mắt, cái cảm giác bồi hồi xao xuyến như mới hôm qua.

Vì có quyển Đất Lạ của Tưởng Năng Tiến và Võ Hoàng, quyển
Mưa Đất Lạ của Trần Diệu Hằng đã xuất bản mấy năm trước nên
tôi e rằng độc giả dễ lầm lẫn nên thêm vào tựa của quyển Miền Đất
Lạ nầy hai chữ Pulau Bidong.

Viết xong tại Laval-des-Rapides. Quebec. Canada, ngày 30-4-1991

Võ Kỳ Điền





MỤC LỤC

Chương 1 : Bình Dương, một ngày tái ngộ

Chương 2 : Bạc Liêu, những ngày chờ đợi

Chương 3 : Đêm giao thừa xa nhà

Chương 4 : Pháo nổ biên giới

Chương 5 : Cà Mau, ly rượu giã từ

Chương 6 : Đại dương muôn trùng

Chương 7 : Tìm một bến đậu

Chương 8 : Vân thâm bất tri xứ

Chương 9 : Những ngày rất mới (1,2,3)

Chương 10 : Chiếc vòng cẩm thạch

Chương 11 : Những chiếc ghe lạ

Chương 12 : Hải đảo Buồn Lâu Bi Đát (1,2,3,4)

Chương 13 : Cô gái điên

Chương 14 : Tàu bịnh viện Đảo Ánh Sáng (1,2)

Chương 15 : Chốn trăng sao vời vợi

Chương 16 : Cơn bão đầu mùa

Chương 17 : Tiếng sóng reo vui

Chương 18 : Một bài thơ cho Bidong