Monday, August 1, 2011

Pulau Bidong Miền Đất Lạ - Chương 12

Chương 12:

NHỮNG NGÀY RẤT MỚI -phần 3

Tôi và Út Trung tình cờ không hẹn mà gặp nhau. Vừa khoan khoái bước ra khỏi ‘túp lều lý tưởng’ của ông Tàu già chỉ huy dựng chiều qua trong đám cỏ tranh, tôi đụng đầu chú Út đang cắm cúi đi tới. Bình minh sắp ló dạng nhưng còn ngập ngừng, hơi sương lành lạnh. Rải rác đây đó những lùm bụi rậm rạp, bóng tối nhá nhem, lờ mờ. Dãy lều nầy mới dựng chỉ có một buổi, không cần quảng cáo rầm rộ, vẫn đông nghẹt khách hàng như thường. Phải chờ đợi khá lâu mới tới phiên. Con đường từ khu cắm trại dẫn tới đây, mấy trăm người lần lượt đi về, qua lại, nó đã trở thành con đường mòn phẳng phiu, quang đãng.

Chú Út mặt tuy bình thản nhưng cử chỉ có vẻ rón rén, dưới nách cắp một cái bao cuộn tròn. Khi đi tới dãy lều dành riêng cho đàn ông, thay vì ghé vô trút bầu tâm sự như mọi người, chú Út cứ tỉnh rụi đi thẳng. Còn tôi, đáng lẽ quay trở về khu cắm trại, lại đi thơ thẩn quanh mấy bụi cây. Vừa đi vừa ngắm nghía từng gân lá, từng cái chồi non. Cái gì cũng hấp dẫn, mới lạ. Bụi tre mỡ có mấy mụt măng cao cỡ độ hai tấc. Vậy mà chiều qua, không ai thấy, chỉ cần có con dao nhọn là có thể sắn lấy dễ dàng. Mấy ngày nay ăn uống đạm bạc, trong người như thiếu chất rau tươi. Đến khi chợt ngửng đầu lên, tôi bắt gặp chú Út xăm xăm đi tới. Chú Út liếc mắt, ra dấu rủ rê:
-Đi vô rừng chơi không? Tính kiếm vài trái dừa...
Như thấy tôi hơi do dự, Trung tiếp:
-Giờ nầy tụi lính còn ngủ, mà nếu có thức thì cũng xuống dưới bãi, chớ sức mấy mà mò vô trong nầy...
Tôi thắc mắc:
-Lính thì không sợ. Nhưng muốn ăn dừa thì cứ tha hồ mà lượm. Dừa khô rụng đầy đất. Ai cấm cản đâu, tội tình gì phải núp lén.
Út Trung cười hóm hỉnh:
-Việc gì phải ăn dừa khô anh! Dừa tươi đầy cả đảo, tại sao mình lại không kiếm một mớ. Để thử coi dừa Mã Lai với dừa Xiêm bên mình, thứ nào ngon hơn.
A, thì ra chú Út muốn thứ ngon kìa. Mà cũng có lý, nước dừa khô rụng lâu ngày lạt nhách, nhiều trái lên mùi dầu, không bổ béo gì hết. Tôi cố uống thử vài lần, cuối cùng rồi phải đổ bỏ.
Tôi nghe hấp dẫn, thích lắm nhưng còn ngần ngừ:
-Cây dừa ở đây cao quá, làm sao mà leo lên, rồi dao đâu mà chặt?
Út Trung vỗ vỗ vào cái bao kẹp nách:
-Đừng có lo, đồ nghề đầy đủ hết đây nè. Đi theo cho vui, em lo hết. Leo dừa là nghề ruột của em đó.

Tôi chịu liền, sấn bước theo sau. Đường đi mỗi lúc một khó, phải bước trên cây cỏ, gai góc mà đi. Cây xanh mọc bừa bãi um tùm, cành lá đâm tua tủa. Trung đã rút trong bao ra cây dao to lớn bản, vừa đi vừa phạt những nhánh chà. Tôi bẻ lấy một cành cây dài, đập loạt xoạt vô mấy đám cỏ dại cao ngang ngực để đuổi rắn. Hình ảnh con rắn của Quách Linh Hoạt cứ lởn vởn trong đầu. Trong bụng vừa thích lại vừa sợ. Lần lần vô sâu, lại thấy có con đường mòn, dấu chưn còn mới. Như vậy cũng có người thường đi vô đây. Lác đác có những đống vỏ dừa tươi vụt bỏ ngổn ngang đầy đất. Vỏ dừa tươi xanh, vết chặt hoen vàng.
-Nè Trung, có người tính chuyện trước tụi mình. Họ phung phí quá, ăn nửa bỏ nửa, có những trái còn nguyên cơm trắng bong...
Trung vẫn tiếp tục cắm cúi đi, không có vẻ gì sắp tới nơi, miệng trả lời:
-Phải xa hơn, chỗ nầy còn gần lắm, chưa an toàn. Hôm qua tụi thằng A Son với Cẩu Chải đã thám hiểm trước rồi, nó có chỉ đường đi nước bước, cây dao nầy là của anh Thuần cho mượn...
Nghe Trung nói, tôi yên tâm, lẵng lặng đi theo. Trời đã sáng tỏ nhờ mặt trời đã lên cao. Tuy vậy giữa rừng vẫn còn im mát. Những cành lá xanh rờn bên trên tạo nên những bóng mát dễ chịu. Dưới đất lá mục rơi thành từng lớp dầy, có một lạch nước nhỏ chảy ngoằn ngoèo. Những cây dương xỉ mọc theo bờ nước xanh xanh. Thình lình trước mặt tôi hiện ra một quang cảnh ngổn ngang. Một cây dừa lớn bị chặt ngang gốc, ngã đổ ập xuống ngang đường mòn. Một đống vỏ dừa bị quăng bừa bãi tứ tung. Ngọn dừa cũng bị vạt mất cái cổ hũ. Tôi buột miệng kêu lên:
-Trời ơi, ai chơi kỳ vậy, sao lại đốn cả cây...
Trung cũng ngạc nhiên, đứng sựng lại, ngắm nghía một hồi rồi nói:
-Dấu chặt cũ rồi, lá đã khô héo hết. Như vậy cũng phải một hai tuần trước...
Nói rồi Trung nắm tay tôi, leo qua thân cây dừa, đi tới nữa.
-Đi lẹ lên, rủi loanh quanh ở đây, tụi Mã Lai nói mình chặt dừa thì lãnh đủ.
-Hơi đâu mà lo, chỗ nầy đã xa lắm rồi, có la làng cũng không ai nghe.

Vừa nói tới đó tôi nghe có tiếng người nói chuyện văng vẳng từ xa. Tiếng cười nói lồng lộng, lẫn trong gió có tiếng búa chặt vô thân cây đều đều. Trung cũng nghe thấy nên khựng lại. Tôi lắng nghe, rõ ràng là họ nói tiếng Việt nam. Yên chí, tôi và Trung bước tới. Phải len lỏi hồi lâu mới gặp được những người đốn dừa. Họ gồm có bốn người, tất cả ở trần, da đen thui, tuổi cở trên dưới ba mươi. Cây dừa sắp ngã, cả bọn đang đứng nghỉ mệt. Có lẽ họ thay phiên nhau để chặt. Thân dừa đã nghiêng một bên, rồi đổ ầm. Cả một vùng cây lá bị đè bẹp, xao động, tung bay tơi tả. Trước mặt, mọi vật bỗng dưng sáng trưng. Rừng bị một lỗ hổng lớn, ánh sáng tha hố chiếu vô. Tôi bước tới, cố ý nói lớn để họ khỏi bị giựt mình:
-Hay quá, cây dừa lớn vậy mà chặt coi gọn ghê!
Anh đứng gần chỗ tôi đi tới, ban đầu hơi ngạc nhiên nhưng sau đó bình tĩnh lại, đưa tay chào, miệng cười nói:
-Quen rồi anh, năm ba ngày chặt một cây...
Ba anh bạn còn lại, vây quanh tôi và Trung:
-Hai anh mới tới vài ngày phải không? Tụi tôi có thấy chiếc ghe tấp vô bãi, đông quá hả? Đi mấy ngày mà tới đây vậy? Ghe khởi hành từ đâu?

Họ thay phiên nhau hỏi tới tấp. Trung trả lời liên hồi. Tôi quay qua đứng nhìn những quài dừa đặc nghẹt trái. Một số văng long lóc ra xa. Gần trên năm chục trái có hơn. Vì thân cây quá dài nên khi ngã xuống nó đè không biết bao nhiêu cây dại khác gảy đổ theo. Tuy rừng dừa có hàng mấy ngàn cây nhưng đứng trước một cây bị đốn bừa bãi như vầy, tôi đâm tiêng tiếc. Phải bao nhiêu năm trồng, một cây dừa mới lớn được như vầy? Tôi buột miệng:
-Phải chi mình chịu khó leo lên hái mấy trái già, trái non để lại, lần sau hái tiếp...
Mấy anh bạn mới cười rộ:
-Ở đây thiếu gì mà anh lo... Nè, thằng Sáu hôm qua, một mình nó, hái một hơi ba mươi trái dừa tươi!
-Trời, rồi làm sao ăn cho hết...
Anh bạn tên Sáu, ốm ốm, người liền lạc rắn chắc, da đen bóng, xương gò má cao, đương ngồi xổm, vạt nắp một trái dừa lớn, mời tôi và Trung:
-Uống thử nước dừa Mã Lai coi ngon không. Của chùa mà, cứ dùng, ngại ngùng gì...
-Bộ mấy anh không sợ tụi Mã Lai thấy sao?
Sáu trả lời tỉnh bơ:
-Mấy hôm trước thì sợ, nếu nó biết thì đám anh em tụi tôi lãnh đủ. Cả đảo nầy chỉ có gần chục đứa tụi tôi thôi, ở cũng cả tháng nay rồi. Còn bây giờ thì có thêm ghe của mấy anh nữa. Tất cả trên dưới mấy trăm người, sức mấy mà nó biết ai chặt! Cái quài dừa nầy cũng có phần của hai bạn nữa mà!
Trung uống xong vài hớp, đưa qua cho tôi, miệng cười trả lời:
-Hai đứa tôi có công cán gì đâu. Nhưng mà được chia phần, thì tại hạ... không dám từ chối...
Cả đám xúm nhau mà cười. Trung rút dao ra, lựa hai trái thiệt ngon, vạt vỏ gọn gàng. Tôi cầm lấy một trái, ngồi trên thân cây, hỏi thăm:
-Vậy là các anh đến đây cả tháng trước. Hèn chi hôm trước tôi thấy có người đứng lấp ló phía trong, mãi đến hôm, nay mới được gặp.
Một anh lớn tuổi nhứt trong đám, râu ria xồm xoàm, cả tháng trời không cạo, trả lời:
-Hôm trước thấy ghe của mấy anh tấp vô, mà đâu có ra được. Tụi lính Mã kiểm soát, canh gát tụi nầy gắt gao lắm. Như là giam lỏng. Mấy lúc trước nó dễ hơn cho đi tới đi lui tự do. Tụi nầy đi chui từ Rạch Sỏi, ghe chỉ có mười ba người. Tới đây thì gạo muối không còn một hột, đâu có tiền bạc của cải gì, thiếu thốn đủ mọi thứ. Thành ra phải vô rừng hái dừa tươi để ăn, qua phía bên kia đảo, bắt ốc, bắt cá... Hai anh thấy vỏ dừa quăng tứ tung là của tụi tôi đó...

Một tháng ở đảo, lại không liên lạc được với đất liền, thời gian chờ đợi kéo dài quá lâu. Cuộc sống nhiều vất vả, thiếu thốn, ai cũng khá ốm, râu tóc dài thậm thượt, quần áo vá víu lôi thôi nhưng ngược lại tất cả đều vui vẻ, cởi mở thân tình. Anh bạn từ tốn kể lại chuyến đi:
-Trong ghe chỉ toàn người quen lớn, bạn bè, không có rước khách lạ. Mấy đứa tụi tôi bàn tính kế hoạch, tiền bạc hùn lại chỉ đủ mua chiếc ghe cũ với xăng dầu. Lúc ra cửa bị công an biên phòng đuổi theo, tưởng đâu bị bắt lại... Nhờ thằng Sáu lái nghề quá, thoát được trong đường tơ kẻ tóc...
Sáu đương dứng thơ thẩn, miệng nhai nhóc nhách miếng cơm dừa, nghe nhắc tới tên, góp chuyện:
-Bữa đó chạy muốn rã máy luôn, run quá mà phải rán làm tĩnh, mở hết tốc lực. Nhờ ghe nhỏ máy mạnh nên mới thoát. Cũng tại vợ chồng thằng Chiều Tím, cà rịch cà tang nên mới ra ghe trễ nải, trời đã sáng bạch mà còn đi ngờ ngờ, công an có đui mới không thấy.
Tôi buột miệng:
-Chiều Tím, cái tên nghe ngồ ngộ. Rạch Giá có nhiều quán bia ôm như ở Phú Nhuận, Ngã Tư Bảy Hiền không?
Sáu giải nghĩa:
-Không phải đâu anh. Chiều Tím là tiệm bán cà phê chui... con vợ nó là người hôm trước đem nước cho các anh uống đó...
Câu nói vừa dứt, tôi cảm thấy như có luồng gió mạnh tạt ngang. Tôi nhìn sững những cái vỏ dừa xanh đậm nằm lăn lóc trên đất. Có cái cơm được cạo sạch, có cái còn nguyên. Nhưng cái nào cũng bị vạt miệng. Ngọn dao bén ngót, chém quá ngọt ngào. Như chém đứt tiện cái cơn mơ mộng hão huyền, rất đơn sơ và rất mong manh như một cọng nắng sớm. Tôi ngước mắt nhìn nhìn qua những đám lá rẽ quạt xanh nõn, một cơn gió mạnh thổi lướt ngang xào xạc, đám lá đong đưa. Lòng tôi cũng lắt lay theo gió. Nắng chiếu nóng hâm hấp.

Út Trung đã cởi trần, cầm cây dao phạt những cái bẹ to. Cả bọn xúm nhau lại bổ cái đọt dừa. Những nhát dao, nhát búa chặt xuống liên hồi. Cái đọt coi vậy mà lớn và cứng chắc quá. Những mảnh dăm đẩm nước văng tứ tung, trắng xóa mặt đất. Muốn lấy cái cổ hủ dừa cũng không phải dễ dàng gì, trầy vi tróc vẩy. Tôi không có dao để phụ một tay, buồn tình đi lòng vòng ngó cây ngó cối. Xế cạnh có một bụi cây nhỏ, dây bò loằng ngoằn, quấn quanh các cây kế bên, lá xanh đậm nhỏ như lá chùm ruột, giống hịch lá vang. Tôi bứt vài lá nếm thử, cái vị chua lè. Đúng là nó rồi. Tôi thuận tay bức một ôm. Nhiều quá, tôi chia ra làm nhiều phần để mỗi người đều có món canh lá vang nấu với muối hột chiều nay, ăn chung với cổ hủ dừa luột. Bụi vang mọc lâu năm, cái gốc lớn cỡ cườm tay, coi bộ dai lắm. Tôi cố sức lay qua lay lại hàng chục lần, vẫn không suy suyển. Khi tôi cột các bó lá vang vừa xong thì cái đọt dừa cũng được bửa gọn, cái cổ hủ được chặt ra. Nó trắng phau phau, lớp lớp mịn màng, óng ả. Những bông dừa non xèo, trắng như sữa, nhỏ xíu giống hệch gié lúa nằm xếp bao quanh...

Mọi việc chừng đã xong xuôi, ai nấy chuẩn bị thu xếp để trở về. Tôi và Út Trung được tặng chiến lợi phẩm đầy nhóc một bao lớn. Không có chỗ mà chứa nữa, nhiều quá. Mấy trái dừa tuy đã vạt hết vỏ nhưng cũng còn quá nặng và cồng kềnh. Cái khu rừng chỗ nầy bây giờ như môt bãi chiến trường, tan hoang sau một trận đánh lớn. Tất cả còn lại dấu vết trên mặt đất đổ nát, tơi tả, gãy vụn, xơ xác, tang thương...
*
* *
Buổi trưa tôi ngủ như chết, mặc cho cơn nóng hầm hập từ trên cao đổ ập xuống, từ dưới đất dội ngược lên trên, từ bốn bên đổ ập lại. Cái nóng buổi trưa Mã Lai thiệt dễ sợ. Toàn thân như bị nướng trong cái lò lửa, mồ hôi tuôn ra ướt nhẹp, tay chưn nhức mỏi rã rời. Bất ngờ trong cái giấc trưa trì trệ, ngưng đọng, cái đầu nặng chĩu nhức bưng bưng, tôi nghe văng vẳng từ xa một giọng đàn bà la lối, khi cao khi thấp, khi gần khi xa:
-Nói vậy mà nghe được hả?... Kể từ nay đừng nhìn tới tôi nữa...
Tôi trở mình. Chuyện gì vậy? Trời trưa nắng, cả trại im lìm, nóng như muốn bốc ra khói, ai lại khùng điên gì mà la hét vang rân? Tôi lăn qua một bên, để vành tai ép sát vô tấm ny lông, định chắn bớt cái âm thanh chói lói, mong tiếp tục giấc ngủ say nồng. Nhưng không được, những lời đối đáp gay gắt của một cặp vợ chồng hàng xóm nào đó cứ đều đều, chun tọt vô lỗ tai:
-Em làm ơn nói nho nhỏ... coi chừng người ta nghe thấy...
Trái với lời khẩn khoản của người đàn ông, giọng người đàn bà lại oang oác:
-Anh sợ người ta chớ anh đâu có sợ tôi! Trời ơi, ngó xuống đây coi nè... Phải chết được tôi chết phức đi cho người ta rảnh tay rảnh chưn...

Thiệt tình! đương trong giấc ngủ mê man tàng tịch, nghe cái giọng the thé, đầu tôi như muốn nổ tung. Cái giọng gì mà chua như dấm, chua như me, chua như chanh. Bà nầy hành nghề làm vợ chắc cũng trên mười mấy năm nay nên mới có cái giọng lạ, chớ lúc mới quen với chồng mà nũng nịu kiểu nầy, anh chồng phát hoảng nhảy mất. Chán ơi là chán! Bộ tính trưa nay, bà chằng lửa nào đó định phá giấc ngủ của cả trại sao mà. Chuyện gì thì cũng thủng thỉnh mà nói, cần gì đâu phải la lối om sòm!...

Bẵng một hồi lâu, tiếng la hét im bặt, tôi thiếp lại, tiếp tục cơn mê. Được đâu chừng năm mười phút, tôi bỗng bị dựng dậy bằng một loạt âm thanh cuồng nộ:
-Vậy chớ tấm hình nầy của con đĩ ngựa nào? Rõ ràng như vậy mà còn chối bai bải. Trời ơi là trời, người ta lúc nào miệng cũng nói yêu, yêu ngọt xớt... cho tới bây giờ, qua tới đây, tôi mới sáng mắt ra...
Tới đây, người đàn bà trong lúc ghen tức dữ dội đã bắn trực xạ ông chồng bằng hàng loạt đại bác cỡ lớn. Mấy tiếng ‘con đĩ ngựa nào’ đi một mạch trơn tru. Hình như tất cả nỗi hằn hộc tức tối đều dồn hết vào bốn chữ xấu xa đó. Tôi cũng đâm giận lây cái anh bạn dại dột nào đó, lại chọc vợ ghen vào lúc trời nóng như đổ lửa nầy. Tôi mệt quá, rán nhướng cặp mắt lên không nổi nhưng cái lỗ tai bắt buộc phải nghe, tức mình thử tìm coi họ là ai, tại sao lại gây gổ giữa trưa nóng bức.

Lều bên phải tôi là của anh chị Thuần. Không phải cặp nầy vì cả hai đều nói giọng Bắc. Buổi trưa trước khi đi ngủ, họ còn kêu nhau bằng ‘cưng’ ngon lành. Nếu có đại chiến, tôi phải là người khám phá đầu tiên. Cũng không phải vợ chồng Tư Trần Hưng Đạo. Anh chàng nầy giọng ồm ồm oang oang, chứ không êm ấm, vừa phải... vả lại anh ta cũng ở sát bên nách trái, động tĩnh gì tôi đều biết rõ. Cặp ghen tuông nầy phải ở xa hơn, khi họ xuống gịong tức tưởi thì chỉ nghe thấp thoáng. Nghĩ hoài cũng không biết là ai, cả hai đều nói giọng Nam lờ lờ, nửa pha Bắc, nửa pha Trung. Dám mấy cặp người Tàu lắm. Anh chồng thì xuống nước, năn nỉ ỉ ôi, chị vợ thì hò hét, la lối, hằn học, đay nghiến... Thiệt là khó đoán. Khi ghen, người đàn bà nào lại không bộc lộ hết nỗi bực tức, giận hờn, âm thanh đầy cay đắng, khác lúc bình thường. Tình cảm như sóng biển, khi thì êm ái dịu dàng, khi thì cuồng phong, bão táp...

Xen vào giữa những giọng nói lạ, giọng ồm ồm của Tư Trần Hưng Đạo đã bắt đầu vang lên:
-Ai làm gì mà giữa trưa la lối om sòm, không để cho người ta ngủ nghê gì hết vậy?
A, anh Tư cũng bị đánh thức, đại bác bắn hàng loạt làm sao mà ngủ nghê cho được. Đứa con gái lớn, Mỹ Thanh trả lời:
-Vợ chồng ông Đại úy hải quân gây lộn đó ba!
Tôi chợt nhớ ra, trên ghe nầy chỉ có một anh bạn nguyên là sĩ quan hải quân, gốc người miền Trung. Vậy mà nghĩ hoài không ra. Giọng con nhỏ Mỹ Thanh nhão nhẹt tiếp theo:
-Cái ông hôm qua, đập chết con rắn... rồi đem nấu cháo...
Tưởng ai xa lạ, nhè đâu vợ chồng ông bạn Quách Linh Hoạt âu yếm nhau. Hèn chi người ta thường nói ‘thương nhau lắm, cắn nhau đau’. Hôm qua anh đập con rắn ngoài đồng, bữa nay anh bị con rắn trong nhà cắn cho... chết luôn! Ai đời có một tấm hình kỷ niệm mà không chịu dấu cho kỹ, bị vợ biết được, chửi cho một trận... nghĩ cũng đáng đời. Tôi tưởng tượng ra cái mặt Quách Linh Hoạt, bây giờ chắc nó dài ngoằn như trái dưa chín héo, còn chị vợ tóc tai rũ rượi, bù lu, bù loa, khóc lóc thảm sầu. Ông bạn Quách Linh Hoạt ơi, có ăn có chịu, rên rỉ làm chi. Chắc cô nàng đẹp lắm nên chị vợ mới ghen thấu trời mây. Vợ Quách Linh Hoạt đã khá lớn tuổi, người khô khan, cằn cỗi như môt con gà mái già. Đã có với nhau bốn con rồi, còn trẻ trung gì nữa.

Tôi cảm thấy tay chưn đã bớt nhức mỏi, lăn qua lăn lại vài lần cho tỉnh táo hẳn. Mồ hôi nhơm nhớp đầy lưng. Ngoài bờ nước, người ta bơi lội đông vui. Tư Trần Hưng Đạo sai con lấy khăn để đi tắm. Tôi rán gượng ngồi dậy, để đi theo. Cát nóng như muốn phỏng cẳng, phải chạy lúp xúp cho đỡ nóng. Những mảnh vụn, cây cối, đá sạn, đâm vào lòng bàn chưn đau nhói. Tôi đi dần xuống nước. Nước trong xanh man mát. Toàn thân sảng khoái. Hơi nóng bốc ra từ những lỗ chân lông. Tôi lặn hụp trong làn nước trong lành. Tiếng sóng biển reo vui lẫn với tiếng người đùa giỡn. Nắng loang loáng chiếu sáng rờ rỡ, những lượn sóng rạt rào. Buổi trưa hải đảo, trời nước trong xanh, cảnh và người tươi vui hết sức. Nhưng có một người buồn bã. Sau khi bơi vài vòng, tôi vuốt mặt cho nước chảy sạch trơn, nhìn lên bờ, thấy anh Quách Linh Hoạt ngồi trên một gộp đá lớn, quay mặt ra biển, im lìm, như pho tượng, gương mặt buồn hiu. Tôi đi lại gần Tư Trần Hưng Đạo:
-Anh Tư, anh Tư, anh ngó coi ông quan ba tàu thủy kìa, ngồi cái kiểu gì giống y như thất tình.
Tư Trần Hưng Đạo đang bụm hai tay đập mạnh xuống mặt nước, tạo tiếng kêu bồm bộp, làm bắn các tia nước lên cao, miệng hỏi:
-Đố bồ, tại sao ‘giả’ buồn dữ vậy?
-Thì bị vợ chửi từ trưa tới giờ, không buồn sao được!
Tư Trần Hưng Đạo lắc đầu:
-Cũng có một phần, nhưng không đúng lắm. Vợ nạo một hồi rồi cũng thôi, chuyện đó thường tình ăn thua gì. ‘Giả’ dấu tấm hình trong cái bìa sách, bất ngờ chị vợ khám phá ra được, xé mất tiêu. Còn tấm nào đâu mà nhìn cho đỡ nhớ! Cái hình bị mất đã đành, cuốn sách mang từ Việt Nam sang, cũng nát bấy luôn. Buồn là mất tấm hình quí báu đó...
Tôi cười ngất:
-A, thì ra là vậy. Mà sao anh rành quá, bộ có kinh nghiệm nhiều rồi, phải không? Chị Tư chắc cũng ghen?
-Tôi hiền khô hà, đâu biết bồ bịch là gì, bả đâu cần ghen tuông...
-Thôi mà anh Tư, trước sau gì tôi cũng có dịp làm chứng...

Nói xong tôi rủ anh cùng đi đến chiếc MH 4517. Chiếc ghe đã bắt đầu mục rã. Mấy cây cột với ván đã bị xeo nạy gỡ mất hết chỉ còn cái lườn chơ vơ. Tôi leo lên, đứng trên một thanh đà nằm ngang. Rong rêu trơn trợt. Nước đọng lỏng bỏng trong khoang. Lẫn trong bùn cát, quần áo đồ đạc rách rưới vương vãi. Tôi nhìn lại khu cắm lều. Tất cả im lìm, mệt mỏi dưới ánh nắng như thiêu như đốt. Cái nóng Mã Lai kinh khủng thiệt tình. Nếu không nhờ những làn gió mát lai rai từ biển khơi thổi vô, chắc cả vùng nầy trở thành sa mạt cát nóng. Nhưng hiện tại cũng có một bãi sa mạc. Cõi lòng anh bạn Quách Linh Hoạt đó. Anh ngồi im lìm từ nãy đến giờ, hồn trí để tận đâu đâu. Câu nói của Tư máy cày ‘vợ chửi một hồi rồi cũng thôi, ăn thua gì’. Vậy thì cái gì làm cho Quách Linh Hoạt sầu khổ, héo hon? Mắt anh nhìn đăm đăm ra biển. Biển cả thì muôn đời, mênh mông, với những ngọn sóng chập chùng. Chắc bên kia bờ đại dương, cũng có một người đang theo dõi anh từng bước với một trái tim mong chờ hy vọng.

Ôi, có vướng vào cái lưới yêu đương mới cảm được hết nỗi đau thương đứt ruột. Hèn chi, trong thánh kinh còn ghi, tổ tiên loài người, bà Eve rủ ông Adam ăn một trái táo. Ông nầy mới cắn thử có một miếng, mắc nghẹn ở cổ họng. Nhả hoài không ra. Vì lẽ đó con cháu cứ tiếp tục đau khổ vì mấy trái táo chín. Mà ở đời nầy, có người đàn ông lành mạnh nào mà không thích ăn táo? Tất cả mọi người đều đáng thương. Cái lỗi là Thượng Đế tạo nên con người, lại nặn một trái tim quá lớn để gây nhiều phiền lụy, rắc rối. Nhưng suy nghĩ cho cùng, được thất tình cũng là một điều sung sướng. Ít ra trong cái thế gian nầy còn có một người làm cho mình chết lên chết xuống, đứt ruột bầm gan, hơn là sống âm thầm dằng dặc một trăm năm, không buồn không vui, trơ trơ như tuợng đá!

Ở đời, cái khổ nhứt là không biết đau khổ là gì. Tội nghiệp cho những ai được sanh ra trong giàu sang nhung lụa, cưới vợ đẹp, đẻ con khôn, sống lâu tới già, rồi chết trên giường êm nệm ấm, đời chưa từng nếm qua vị cay đắng khổ đau.
Tư Trần Hưng Đạo còn ở dưới nước, ngước mặt nói vói lên trên:
-Mới ở đây có ba ngày, vợ Quách Linh Hoạt mở hàng nghe ỏm tỏi quá. Chắc cái điệu nầy cả đảo, người trước người sau, đều bị vợ xài xễ ráo trọi... Tôi biết lắm mà, từ ngày tay ôm gói xách, chưn bước xuống ghe, đàn ông mình đâm mất giá, mấy bà tự nhiên lên chưn ngang xương. Hèn chi, mấy trăm năm trước, ca dao đã nói.. Bước chân xuống thuyền, nước mắt như mưa..
-Đâu phải từ ngày xuống ghe bỏ xứ mà đi anh Tư, phải kể xa hơn một chút, hồi bảy mươi lăm lận, lúc vừa mất nước.. tụi mình xệ thấy rõ, như anh, như tôi, như Quách Linh Hoạt, như thằng cha Chiều Tím... còn có cái quần xà lỏn, ai mà thèm thương!
Tư Trần Hưng Đạo ngạc nhiên:
-Bồ vừa nói tên gì nghe lạ. Thằng cha Chiều Tím nào vậy? ‘Giả’ ở đâu mà khi không cho nhập hộ khẩu vô đám tụi mình?
Tôi đưa tay chỉ vào bên trong:
-Thì cũng đâu xa lạ gì, ở trong đám lá tối trời kìa. Bà Chiều Tím là người đẹp rót nước cho cả đám mình uống đó. Họ đến đây trước bọn mình cả tháng.

Tư Trần Hưng Đạo ngó theo hướng tôi chỉ, lưng khòm nghiêng một bên, tay chống nạnh, nhìn sâu vô trong đảo, không biết anh muốn kiếm ai? Những đọt dừa lắt lay theo gió. Nắng đã tắt từ nãy giờ, trời dịu hẳn. Trên bầu trời hải đảo, một đám mây đen đùn lên bên phía vách đá. Những tia nắng cuối ngày bị chặn bít chỉ còn một vệt sáng le lói ở chưn mây. Đêm nay dám có mưa lắm, trong gió có hơi nước đã bắt đầu lành lạnh...

Võ Kỳ Điền

No comments: