Monday, August 1, 2011

Pulau Bidong Miền Đất Lạ - Chương 19

Chương 19:

CÔ GÁI ĐIÊN

Từ phía đồi Tôn Giáo hướng ra trùng dương xa thẳm là một vách đá dài cả trăm thước, tạo thành một bức trường thành chớn chở, giống như cánh tay trái của đảo thò ra biển cả. Những khối đá đen xì rong rêu to nhỏ chồng chất ngổn ngang. Đất đai khô cằn. Tội nghiệp mấy thứ cây dại khẳng kheo mọc len trong kẻ đá, lựa chi nơi đây đâu có được bao nhiêu đất đai mầu mỡ, lại còn phải đưa lưng hứng chịu những cơn gió bão điên cuồng từ ngoài khơi thổi vô. Cây nào cũng cong queo xác xơ còi cọc. Nhưng đâu phải nơi đây chỉ có đá và cây. Cả tháng nay ngày nào đảo cũng tiếp nhận thêm cả ngàn người tỵ nạn ở các hải đảo lân cận đổ về, ngày một nhiều. Chỗ nào cũng đen nghẹt người ta. Những chiếc lều mới đua nhau mọc lên vội vã như nấm gặp mưa luồng. Lều mọc cheo leo ở bãi cát, chen lấn nhau ở sườn đồi, trèo trên hốc núi và bây giờ những căn lều con con ngập ngừng dọ dẫm từng bước lan dần ra tới ghềnh đá, ven biển xa xôi.

Nép mình bên một tảng đá lớn, có một cái lều vừa được dựng lên mới tinh. Ở chỗ cưa cắt thịt cây còn ướt tươi xanh, đầu đinh dấu mới, rỉ sét vàng ẻo. Mặt lều quay ra bờ nước, lưng dựa vào vách đá thiên nhiên, ở vị trí nầy, vừa tiện đường lấy nước vừa tha hồ ngắm gió mát trăng thanh trên biển. Chủ nó, anh Tư Trần Hưng Đạo vừa mới mua được với giá ba trăm. Cái biệt thự cũ ở khu A chật chội quá không đủ chỗ cho mấy đứa nhỏ nhúc nhích, nói chi đến chuyện dành riêng cho anh Tư, chị Tư cục cựa, nên hai ông bà quyết định xài sang, sắm thêm căn lều mới, di tản chiến thuật đám lỏi con lóc nhóc ra đây. Thiệt là tiện lợi đôi bề. Hôm ăn mừng tân gia, Sơn trực thấy lều ở vị trí sơn thủy hữu tình, buột miệng khen:
-Người có tiền bao giờ cũng sướng hơn người… không có tiền!
Cả đám nghe Sơn phán một câu… đúng quá sức, xúm nhau mà cười. Thằng Dân ‘gì đó’ suy nghĩ ra sao không biết, thủng thỉnh nói:
-Mà người không có tiền, chơi với người có tiền cũng sướng lây gì đó!
Chị Tư vừa háy Dân, vừa nói:
-Chú Dân gì đó bữa nay nói chuyện cũng khéo léo quá sức! Vậy anh chị rủ mấy chú khi nào trời nóng nực cứ tự nhiên ra đây mà ngủ cho mát…
Út Trung xen vô:
-Cứ tự nhiên coi như là lều của mình!
Anh Tư máy cày cười:
-Ừ, ừ, mấy bạn đừng ngại gì hết nghen. Mấy em còn nhỏ quá, có người lớn coi chừng dùm anh chị yên tâm. Lều rộng mênh mông, tha hồ mà lăn…

Do vậy mà những đêm trăng sáng trời trong, tôi ôm mùng mền chiếu gối thả lang thang ra nhà mát Vũng Tàu ngủ nhờ. Ở đó, tôi thường gặp Út Trung hay Dân gì đó để nói dóc cho vui, vừa tha hồ ngắm cảnh biển cả về đêm lồng lộng ánh trăng cho đã thèm, biết đâu nhờ đó mà hồn thơ lai láng, tứ thơ dào dạt… Tôi thấy trăng thì cũng có đôi khi nhưng thấy mấy anh em của khối tiếp liệu làm việc nhiều hơn. Ở trước lều nhìn ra thì thấy cầu supply chạy dài ra biển. Các ghe tàu tiếp tế hoạt động không ngừng. Cạnh cầu, một dãy nhà kho chứa hàng hóa được cất dọc theo bờ biển. Nhân viên tình nguyện của khối đông gần cả ngàn người, mỗi ngày thay phiên nhau làm việc liên tục chuyển hàng từ tàu lớn xuống ghe, từ ghe nhỏ lên cầu tàu rồi dùng xe cút kít đẩy vào kho. Từ sớm mơi cho tới chiều tối, những đoàn người khuân vác chuyên chở nối đuôi nhau đi về, như đàn kiến tha mồi vào tổ, đông nghẹt chen chúc nhau. Khối tiếp liệu còn phải lo cung cấp thực phẩm, nước uống, vật dụng cho khoảng bốn chục ngàn người. Số lượng hàng hóa nhiều kinh khủng, chất cao như núi, nhưng nhu cầu cũng lại quá lớn. Hình như hàng cung cấp chưa đủ dùng… Không bao giờ đủ hết! Ở Bidong, có bao giờ đủ đâu!

Cứ mỗi vài tuần cả trại được tiếp tế cá, thịt bò (Mã Lai theo Hồi Giáo, cấm ăn thịt heo) hoặc rau cải tươi thì phải chuyển hàng từ ghe vô liền và phát ngay tại chỗ, nếu để lâu thịt cá sẽ ươn thối. Do đó các món nầy thường được phân phối về đêm. Ở trên nhà mát Vũng Tàu nhìn xuống kho hàng tiếp liệu, đèn đuốc sáng rực. Người chờ đợi đông nghẹt dưới bãi cát. Vì ở quá xa, cảnh vật dường như nhỏ lại, tôi tưởng chừng như đó là sân banh rộng, trẻ em đang chen chúc giành coi hát bóng ngoài trời. Buổi chiều khi đi ngang qua đám đông đang chờ đợi tới phiên để lãnh gà đông lạnh, tôi chợt nghe có tiếng người kêu:
-Thầy, thầy…
Hình như ai đó kêu tôi, tôi dừng bước ngó quanh. Một thiếu phụ còn trẻ từ xa rẽ đám đông đi tới. Tôi khựng lại, đúng là cô ta kêu tôi. Cô còn trẻ lắm, chừng độ hai bảy, hai tám là nhiều. Người cô nhỏ quá như bị chìm trong đám đông. Tôi rán lục lọi trong mớ trí nhớ -người quen hay học trò cũ? Nét mặt tuy đẹp nhưng đầy vẻ phong trần.
-Chắc thầy không nhận ra em. Em là Nguyễn, ngày xưa học ở Hoàng Diệu lớp Đệ Nhị…
Nguyễn học Hoàng Diệu ở lớp Đệ Nhị? Tôi rời Sóc Trăng đã trên mười mấy năm rồi còn gì, thiệt tình không nhớ ra. Cái trí nhớ lãng đãng. Ở Hoàng Diệu có mấy ngàn học sinh mỗi năm, làm sao nhớ cho hết…
Cô ta nguớc nhìn tôi. Ánh mắt như cuốn hút, như van lơn -thầy hãy rán nhớ, rán nhớ…
Tôi không thể để lộ nét vô tình, bèn đáp ngập ngừng: -Ờ, ờ, tôi nhớ ra rồi, em học lớp Đệ Nhị A1. Quách Mỹ Lợi làm trưởng lớp phải không?
Người học trò cũ mừng rỡ kêu lên:
-Thầy nhớ hay quá, em cứ sợ thầy quên. Hồi đó thầy dạy Việt Văn, thầy Long cao dạy Lý Hóa, thầy Bình dạy Toán…
Tôi tiếp theo:
-Trong lớp có Trần Đông Triều hát hay, có ca sĩ Diệu Thanh, có thi sĩ Triều Uyên Phượng của thi văn đoàn Sông Hậu…
Nguyễn hình như đoán được là tôi chỉ nhớ có chừng đó, nên nhắc thêm vài chi tiết:
-Em ngồi ở bàn thứ nhì, cạnh Túy Lan, thầy nhớ không, Túy Lan đó!
Tôi chợt nhớ ra:
-Đúng rồi, đúng rồi. Hồi đó, em nhỏ xíu. Phải nhà em ở đường giữa, đối diện tiệm mì Á Đông?
Nguyễn mừng rỡ nói tía lia:
-Vậy là thầy đã nhớ ra em. Hồi còn đi học vui quá, chỉ biếc chơi giỡn, làm biếng ghê bị các thầy cô la hoài. em sợ nhứt là Toán với Lý Hóa…
Tôi nheo mắt:
-Còn môn Văn?
-Cũng sợ luôn. Có một lần làm Luận Văn em dở sách ra chép, bị thầy nói lạc đề…
Như một cái máy phát thanh tôi vặn đúng tần số, cô học trò cũ nhắc liên miên những ngày còn cắp sách đến trường. Có lẽ Nguyễn và tôi đều có chung một hoàn cảnh, một kỷ niệm. Tôi cũng vui lây niềm vui của Nguyễn, tai lắng nghe những mẫu chuyện không đầu không đuôi được kể vội vàng.
Bên tai tiếng Nguyễn vẫn đều đều:
… hồi đó thầy Long lùn cưới chị Sơn Mai ở lớp Đệ Tam, cả trường xôn xao dễ sợ. Tụi em đoán sau thầy Long là…
Tôi chận ngay: -Ai vậy?
Nguyễn cười lém lỉnh, nhìn tôi nói tỉnh rụi:
-Tới thầy chớ ai. Cả tỉnh ai cũng biết thầy với Túy Lan thương nhau mà!
Cái tên Túy Lan vừa được nhắc tới khiến tôi bàng hoàng. Tôi cười khỏa lấp, láy sang câu chuyện khác:
-Em lập gia đình chưa? Sang đây một mình hay đi với gia đình?
-Dạ thưa, em đi qua đây có một mình. Nhà em bị đi học tập. Thầy nhớ Trương ở Đệ Nhứt B1 không? Ảnh đậu xong Tú Tài rồi được vô Không Quân… rồi bị bắt cho tới giờ. Em chờ hoài không biết sống chết ra sao, không tin tức gì hết, nên đành phải ra đi…
Tôi nhớ Trương rất rõ, người ốm ốm dong dỏng cao, tánh khí cứng cỏi ngang tàng. Ông Tổng Giám Thị nhiều phen điên đầu với anh ta..
Tôi hỏi tiếp:
-Em qua được bao lâu rồi, được nước nào nhận chưa?
-Dạ đi hồi tháng tám năm ngoái, lúc trại Bidong nầy mới mở, tính đến nay cũng đã bảy tám tháng rồi, đã được phái đòan Mỹ phỏng vấn, còn phải chờ người bên đó bảo lãnh mới được đi. Em chờ hoài, chờ hoài, nhiều khi tuyệt vọng muốn điên luôn. Thầy biết không, ở đảo một ngày là khổ một ngày, em một thân một mình, không chồng con anh em kế bên nương tựa. Bây giờ bất cứ nước nào nhận là em cũng đi liền. Nhiều khi em nghĩ ra đủ mọi cách để được đi cho lẹ. Cách nào cũng được…

Nghe Nguyễn nói, tôi ái ngại hết sức Thiệt tội cho Nguyễn, chồng đi học tập chết sống ra sao chưa biết, một thân một mình bơ vơ nơi đất lạ quê người. Làm sao mà xoay trở, tôi nghĩ không ra. Nhìn vào đôi mắt nai ngơ ngác của Nguyễn, tôi thấy cả bầu trời tối đen thăm thẳm. Cô học trò quá bé nhỏ ốm yếu của tôi ngày nào, làm sao chống đỡ những khó khăn tuyệt vọng vây quanh? Những ngọn đèn vàng vọt chấp chóa, gió thổi rào rào trên những đọt dừa. Tôi cố nén tiếng thở dài, nhìn ra tận đàng xa. Tất cả là màn đêm thăm thẳm, mịt mùng. Ôi! Những người học trò cũ, đáng thương của tôi. Nguyễn ơi! Trương ơi! Tôi chia tay Nguyễn để về lều Tư Trần Hưng Đạo, chưn bước mà không biết mình đang đi. Có cái gì chua xót, dằng dặc, mang mang vương vấn. Ở đảo Bidong nầy đâu phải chỉ có mình Nguyễn… đâu phải chỉ có mình Nguyễn! Hàng ngàn, hàng ngàn thiếu phụ xa chồng xa con, cam lòng chịu đựng biết bao oan nghiệt đổ ập xuống thân phận ốm yếu còm cõi. Nói sao cho xiết! Không lẽ con người được sanh ra chỉ để chịu đựng nỗi khổ đau?

Buổi tối nước thủy triều dâng cao, sóng đánh tạt lên tới chơn đồi., bãi cát còn hẹp té Tôi phải bước trên những tảng đá cao khỏi mặt nước. Nước biển về đêm phản chiếu ánh đèn vàng như những đốm lửa nhỏ lao xao. Út Trung đang ngồi thơ thẩn một mình ở ngạch cửa. Mấy đứa nhỏ đã ngủ. Căn lều tối thui. Tôi lò dò leo lên thang ngồi cạnh Trung. Đầu óc còn mang mang hình dáng nhỏ nhắn của Nguyễn. Phía dưới kho tiếp liệu, đám đông còn bu quanh ánh đèn như con thiêu thân. Nguyễn đang đứng ở chỗ nào? và nàng còn phải chờ đợi bao lâu nữa?
Út Trung quay qua tôi, hỏi:
-Anh có chuyện gì mà hôm nay ra trễ quá vậy?
-Ờ, ờ, giữa đường gặp một cô học trò cũ, thầy trò vui miệng nhắc lại chuyện học hành ngày xưa…
Trung cười hà hà chọc tôi:
-Biết ngay mà, mấy ông thầy giáo hơn người khác là ở chỗ đó. Em mà có dịp về sống ở Việt Nam… cũng rán xin đi dạy học.
Tôi trả đũa liền:
-Chú Út tính vậy là trật rồi nghe hôn. Tôi mà được trở về thì học nghề kỹ sư canh nông chớ không thèm làm gíáo sư dạy học nữa đâu, khổ lắm. Làm kỹ sư như chú Út, ít ra cũng dễ kiếm… ruộng mà cày, còn thầy giáo như tôi kiếm một miếng đất cắm dùi cũng trầy vi tróc vảy. Thiên hạ hễ thấy thầy giáo làm cái gì cũng bàn ra tán vô. Thầy giáo cũng y như thầy tu…
-Trời ơi, anh nói quá. Ai cấm anh, người đẹp cả trường, anh không chọn được cô nào sao? Hễ gặp ông nào dạy học, cũng rên là kiếm vợ không ra. Ai mà tin… Cuối cùng thì thầy nào thầy nấy cưới vợ đẹp thấy mồ…
Nghe Trung nói tới đây tôi chợt mỉm cười. Cũng như Nguyễn đã nói khi nãy -thầy với Túy Lan thương nhau ai cũng biết mà. Lời khẳng định như đinh đóng cột, vô phương cạy gỡ. Nhưng ở đời có nhiều chuyện tưởng vậy mà không phải vậy. Nhiều phen tôi tự đặt cho mình câu hỏi, tình yêu là gì? Cho tới bây giờ vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Cái mùng lớn quá, bốn đứa nhỏ nằm chèo queo trong một góc. Tôi và Út Trung nằm chắn bên ngoài. Lều không có cửa. Gió ngoài khơi thổi tạt vách mùng nghe man mát. Út Trung đã ngủ, tôi nghe tiếng thở phập phồng. Tôi cũng muốn đêm nay ngủ một giấc thiệt say nhưng không biết vì sao cặp mắt vẫn ráo hoảnh. Tai nghe tiếng sóng ì ầm ngoài ghềnh đá mà đầu óc nhớ lan man -như một cuộn phim thời gian quay ngược. Hình ảnh còn rõ nét như mới hôm qua. Túy Lan dáng ốm cao cao ngồi cạnh Nguyễn, Nguyễn nhỏ con ốm yếu bịnh hoài. Thưở đó tôi vừa mới ra trường, đổi về Sóc Trăng dạy học. Những ngày đầu tiên tôi dạy lớp Túy Lan. Sau một buổi học, khi ra về, nàng đến gặp tôi ở cửa lớp, ngập ngừng:
-Dạ thưa, má em xin gởi đến thầy và các thầy ở chung nhà mấy cái vé hát… Rạp nầy của nhà em!
Tôi cầm mấy cái vé nho nhỏ, cám ơn:
-Nhờ em nói lại với má, thầy và các bạn cám ơn má nhiều lắm. Mà tối nay rạp hát phim gì đó, chắc là hay lắm!
Túy Lan đáp lí nhí, nửa như muốn cười mà không dám, mặt đỏ ửng:
-Dạ, dạ, ‘Hiệp Sĩ Mù Nghe Gió Kiếm’.
Tôi bật cười. Hèn chi, mới tuần trước đây vừa coi Hiệp Sĩ Mù Trừ Gian Diệt Bạo, phim Nhựt Bổn đánh kiếm hay dễ sợ, nữa đêm vãn hát về ngang nhà nàng, cả đám vừa đi vừa bìmh luận um trời, chắc má nàng ngủ không được nên biết. Sóc Trăng xa cách Sài Gòn, đám giáo sư mới ra trường, còn quá trẻ, buồn tình không biết đi đâu, thôi đành chun vô rạp xi nê, cười một hồi cho qua ngày tháng.

Do sự tình cờ đó mà tôi quen biết với gia đình nàng, rồi từ đó tôi thường lui tới thăm viếng nhiều hơn. Ba Túy Lan mất sớm, mẹ nàng ở vậy nuôi con. Bốn cô con gái đều tới tuổi dậy thì. Túy Lan là con đầu lòng rồi tới Chi Lan, Quỳnh Lan, Diễm Lan. Cũng may gia đình khá giả, mẹ nàng lại quán xuyến đảm đang. Bà lớn hơn tôi chừng hai mươi tuổi nhưng dáng còn trẻ lắm. Bốn cô Lan tuy trẻ nhưng không cô nào bì được mẹ. Túy Lan ốm nhách cao lêu khêu, Chi Lan mập phục phịch. Quỳnh Lan đen thui và Diễm Lan mắt một mí, nhỏ xíu. Phải chi mỗi cô được giống mẹ chừng phân nữa thì cũng ăn đứt thiên hạ rồi… Tỉnh lỵ Khánh Hưng nhỏ quá, chuyện gì có chút xíu, người ta cũng bàn ra tán vô. Nhứt là chuyện của mấy ông thầy giáo làm quen với học trò! Hình như bắt đầu có tiếng xầm xì đâu đó. Có lần ông tùy phái già hóm hỉnh:
-Ông giáo sư biết không, đất nầy ngộ lắm. Sóc Trăng đi dễ khó về, trai đi có vợ, gái về có con.
Thọat nghe qua là biết ông muốn ghẹo tôi có vé coi hát hoài, bèn cười mà đáp:
-Ờ, ờ, tôi cũng muốn làm rể đất nầy cho rồi, bác thấy được không?
Ông già nghe vậy chịu quá, đốc vô liền:
-Được, được, chớ sao không, mình cưới hỏi đàng hoàng mà, ai nói gì thây kệ họ. Tôi thấy có trở ngại gì đâu.

Quả tình tôi cũng thấy đâu có gì trở ngại. Nhưng hình như các nữ đồng nghiệp độc thân và các nam sinh ngày một xa cách, nói xa nói gần, tỏ vẻ khó chịu khi gặp tôi. Riêng Túy Lan thì thái độ nàng có vẻ ân cần săn sóc tôi hơn. Có cái gì khác thường trong ánh mắt, trong nụ cười. Trời, nàng tiến bộ môn Văn bất ngờ. Những bài luận mới làm khéo đến độ tôi đọc lên cả lớp ngẩn ngơ. Mà đâu chỉ có môn văn Túy Lan thay đổi. Nàng bắt đầu ăn mặc chải chuốt, trang điểm tỉ mỉ. Tôi thấy son môi nàng đỏ hồng, phấn má nàng trắng mịn. Tôi vẫn đến thăm gia đình nàng thường xuyên. Một hôm mẹ nàng trong câu chuyện hàn huyên, nói mở lời:
-Ông giáo sư bộ tính ở hoài như vậy sao nè… Có để ý tới cô nào chưa, tôi làm mai dùm cho. Tỉnh nầy tôi quen biết nhiều lắm. Đừng có lo, mình thương ai thì cứ nói… tôi tin thế nào cũng được mà…
Rồi tiếp theo, bà nói nghe dễ hết sức:
-Tôi có bốn con Lan, ai mà thương đứa nào là tôi gả liền…
Nghe bà nói tôi ngồi lặng thinh, thẩn thờ. Túy Lan, Chi Lan, Quỳnh Lan, Diễm Lan, tôi thương ai? Câu hỏi khó quá khiến tôi trăn trở nhiều đêm. Người mà tôi thương, bà không biết đâu. Mà bà không biết thì thiên hạ xung quanh làm sao biết được. Ngay cả chính lòng tôi, tôi cũng không biết mình đang yêu ai? Vậy thì làm sao để nói ra?
Tôi đổi thế nằm lăn qua một bên, gấp tay làm gối kê đầu. Cứ tưởng sẽ ngủ như mọi bận, nào ngờ cứ thao thức hoài. Chiều nay vô tình Nguyễn nhắc thoáng qua một kỷ niệm xưa, tôi đâm nhớ lại loạt phim Hiệp Sĩ Mù, nhớ lại những buổi chiều nói chuyện nắng mưa, nhớ lại ánh mắt sáng long lanh, nhớ nụ cười duyên dáng, nhớ về một góc trời Sóc Trăng, ở đó có người khiến tôi một thời xao xuyến… Tất cả như cơn gió thoảng… rồi mất hút theo năm tháng vô tình.

Tiếng Trung bắt đầu ngái lớn, Chắc anh chàng đang ngủ say. Đêm chừng khuya lắm, vạn vật im lìm. Bidong chỉ còn duy nhứt tiếng sóng cô đơn, vỗ ầm ầm vào ghềnh đá. Nước thủy triều giờ nầy chắc dâng ngập tràn bãi cát. Tôi nằm im, lắng nghe tiếng đì đùng của sóng vỗ, vang dội trong đêm trường tịch mịch. Âm thanh của sóng đều đều mang theo một chút gì êm ái vỗ về, như tiếng võng đưa, khiến lòng tôi triền miên cảm xúc. Gió bắt đầu thổi mạnh hơn, môt góc lều cột không kỹ bị gió thốc nên kêu phần phật. Có tiếng chuột chạy rần rật dưới sàn lẫn với tiếng ú ớ, chép miệng của mấy đứa nhỏ. Tôi nghe mí mắt nằng nặng sắp thiếp vào giấc ngủ nồng, bỗng giựt mình thảng thốt vì tiếng loa từ đỉnh đồi Tôn Giáo vang lên sang sảng trong đêm khuya thanh vắng:
-Đồng bào trong trại chú ý, đồng bào trong trại chú ý…
Giọng nói có vẻ gấp rút kỳ lạ. Tôi đoán thấy có chuyện gì xảy ra ở Hội Trường. Giờ nầy ít ra cũng một hai giờ khuya, lẽ nào phòng thông tin lại báo một tin bình thường, bèn lay Út Trung dậy để nghe cho rõ. Út Trung đương ngủ ngon giấc, thức dậy ú ớ:
-Cái gì vậy? Cái gì vậy?
Tôi chưa kịp trả lời thì tiếng loa vang vang:
-Vừa rồi có một cô gái, thừa lúc nhân viên canh gát không để ý đã lén xông vào hội trường, đến nơi cư ngụ tạm của các nhân viên phái đoàn ngoại quốc…
Trung la lên:
-Chết cha rồi, sao kỳ cục vậy?
-…cô ta ôm chầm lấy một nhân viên của phái đoàn Hoa Kỳ và khóc nức nở trong tình trạng điên lọan. Cũng may vị nầy đã vùng dậy kịp và tri hô lên. Các nhân viên an ninh đã giữ cô lại được. Ai là thân nhân của cô, hãy mau đến hội trường để lãnh cô về…
Tôi nằm im, miệng nói:
-Chắc là cô ta bị khủng hoảng thần kinh, tội nghiệp. Cũng may, thằng Mỹ còn đủ bình tỉnh, nếu không tưởng Việt Cộng nhào vô tấn công, nó rút súng bắn chắc chết…
Trung đáp:
-Ừ, ừ, trên đảo nầy biết bao nhiêu thảm cảnh đau thương, chết chóc… nên dễ mắc bịnh tâm trí lắm. Thiệt tình, bịnh nặng quá rồi, nửa đêm đi đâu bất nhơn vầy nè…

Tôi nghĩ đến cái hội trường có cái hàng rào bằng cây thấp, có cái cổng vuông vuông, có một dãy nhà rộng mà dài được ngăn ra nhiều phòng. Chắc mấy nhân viên của phái đoàn phỏng vấn vì làm việc quá lâu không kịp về bên Kuala Trengganu ngủ qua đêm, nên tạm thời phải ở lại Bidong. Có thể họ kê vài cái bàn làm việc của trưởng trại để nghỉ tạm, giống như chúng tôi thời còn ở trung học Hoàng Diệu, đêm đêm phải gác trường. Tôi tưởng tượng ra ở đó bây giờ có một cô gái đầu bù tóc rối, nước mắt nước mũi nhòe nhoẹt, mắt trợn ngang trợn dọc, la hét om sòm, quần áo nhăn nhúm tả tơi, đang bị mấy anh an ninh trật tự giữ tay giữ chưn chặt cứng. Anh Mỹ nào đó chắc phải một phen hú vía, mất ngủ luôn đêm nay.

Tiếng loa lại tiếp tục léo nhéo…‘vừa rồi có một cô gái… ôm chầm lấy một nhân viên…Ai là thân nhân, hãy mau đến hội trường để lãnh cô về’.
Trung nói:
-Chắc bây giờ ở hội trường người ta bu đông rần rần. Thế nào cũng có anh Tư cho mà coi, dễ gi ảnh bỏ qua chuyện hấp dẫn nầy… Mà cái điệu nầy, mai mốt phái đoàn phỏng vấn làm sao dám ở lại ban đêm…
Nói tới đó Trung lại bật cười:
-A, cái anh chàng Mỹ nào đó điên chớ đâu phải cô gái điên!
-Nói cái gì vậy, tại sao anh Mỹ lại điên?
Trung phân tách:
-Nếu cô ta điên thì làm sao đi vô trại khơi khơi được, qua hàng rào an ninh đâu có dễ. Anh thử nghĩ coi, cô ta phải khôn ngoan lắm, tính toán kỹ lưỡng mới lọt vô tới đó…
Tôi bán tín bán nghi, chống chế:
-Mấy ông nội an ninh đó mà, nửa đêm ngủ mê như chết, có ai mà để ý canh gác chi cho mất công. Ở đảo nầy có Việt Cộng đặc công gì đâu mà phải kỹ lưỡng…
-Anh nói vậy chớ, muốn vô tới chỗ ngủ của mấy anh Mỹ cũng đâu phải dễ… Cô ta có làm gì đâu, chỉ ôm anh Mỹ mà khóc. Sao gọi là điên được?
Nghe Trung nói tôi chợt lóe ra vài ý nghĩ lạ, có thể Trung có lý.
Rồi Trung cười ngất:
-Cả đảo bốn chục ngàn người nằm ngủ đầy trời, dễ quá mà, muốn ôm ai lại không được, tại sao phải chui vô hội trường, kiếm thằng Mỹ phỏng vấn mà ôm… Hà, hà… Rõ ràng thằng Mỹ điên! Nếu em là nó, em không la khi bị cô ta ôm!
Tôi ngạc nhiên:
-Thôi đi bạn, nửa đêm đương ngủ, tự nhiên có người lạ nhào vô ôm mình, không phát hoảng sao được.
-Anh la là dở, tại anh mất bình tỉnh. Em mà đương ngủ, cô nào nhào vô ôm em là em ôm lại liền… ôm cứng ngắt, khà khà…
Trung nói xong, tôi nghe cũng phì cười:
-Vậy là Trung ngon lành hơn anh xa quá!
Trung nói tiếp:
-Suy nghĩ cho cùng, anh nào viết bản tin vừa rồi là thêm mắm thêm muối kiểu mấy ông văn sĩ cho đậm đà, chớ sự thật không phải như vậy!
Tôi hỏi:
-Sai chỗ nào đâu, bản tin viết rõ ràng gẩy gọn…
-Ở chỗ ‘…ôm lấy một nhân viên phái đoàn Hoa Kỳ và khóc nức nở…’ Theo em thì có thể cô đó có ôm chầm lấy anh kia nhưng không có khóc. Tại sao khóc? Chuyện ôm và chuyện khóc khác nhau. Đến khi bị la hét xô ra và bị an ninh bắt, cô ta mới khóc nức nở vì xấu hổ. Anh thấy đúng không?
-Ờ, ờ cũng có lý à Trung. Bạn học Canh nông nghiên cứu về rau đậu, lúa má sao mà phân tách tâm lý người ta y như cảnh sát điều tra tội phạm vậy? Thí dụ như mấy lời bàn hồi nãy giờ đúng hết đi, thì câu chuyện xảy ra vừa qua, đó là cái gì?

Trung gác tay lên trán hồi lâu chậm rãi nói:
-Em không dám chắc nhưng đại khái có thể hiểu, cô ta ở đảo đã quá lâu. Cuộc sống lúng túng khổ sở, chịu đựng hết nổi rồi, cố tìm cách để được đi định cư cho lẹ. Thôi đành nửa đêm chun vô chỗ ngủ của phái đoàn phỏng vấn, năn nỉ để được đi sớm ngày nào hay ngày nấy. Nếu cần phải hy sinh… cách gì cũng chịu! Xui xẻo là gặp thằng Mỹ ngu, cũng có thể là ngôn ngữ bất đồng…
Nghe Trung phân tách rành rọt, tôi kêu lên:
-Trời, nếu đúng vậy thì thật đáng thương. Hoàn cảnh đưa đẩy đến như vậy thì thiệt là tội nghiệp!

Trung im lặng không nói nữa…Tôi cũng nằm im.. Mỗi thằng một ý nghĩ. Có những người sanh ra chỉ để chịu khổ đau, có nỗi đau nào giống nỗi đau nào! Sóng càng lúc càng lớn, tiếng ầm ầm ở ghềnh đá vang ra thăm thẳm. Tiếng sóng ở bờ Việt Nam chắc cũng nghe đau thương như ở đây, tiếng sóng của cô gái ‘điên’ đêm nay! Tội nghiệp thân phận người tỵ nạn bọt bèo, đáng thương biết bao nhiêu, ở vào hoàn cảnh trái ngang, người ta phải tìm cách vượt thoát bằng mọi lối, kể cả phải chấp nhận phải hy sinh những gì quí báu nhứt…
Bỗng nhiên Trung tiếp tục:
-Phải khen anh chàng thông tin nầy mới được. Nếu anh ta nói trên loa phóng thanh điều mà anh em mình bàn cãi hồi nãy giờ thì cô gái nầy còn mặt mũi ngó ai nữa.
Tôi đồng ý hoàn toàn:
-Ờ, ờ, hay quá, cứ cho là cô ta điên loạn rồi đưa về nhà… êm ru bà rù… Không ai đàm tiếu gì hết. Tuyệt diệu, thằng cha thông tin nầy đáng bậc sư tổ!
Hình như chưa có thân nhân nào đến nhận lãnh cô gái, tiếng loa lại tiếp tục vang vang bổ túc thêm vài chi tiết mới:
-có cô gái điên ở hội trường… ốm ốm nhỏ người, trạc cở hai mươi lăm tuổi, mặc quần dài đen, áo tím ngắn tay… ai là thân nhân…
Nghe tới đó như có luồng điện mạnh từ đỉnh đầu chạy đúng vô tim, tôi la lên:
-Trời! Chết cha rồi…
Trung ngạc nhiên:
-Cái gì mà la lối vậy ông thầy, bộ có quen với cô gái điên đó hả?

Tôi im lặng không trả lời câu hỏi của Trung. Trả lời sao được nữa. Tôi muốn ngộp thở, hai quai hàm cứng ngắt mở không ra, tim đánh bình bịch trong lồng ngực, toàn thân cứng đờ. Cái lều vững chắc như vậy mà tôi cảm thấy nó lung lay run rẩy, rồi nước mắt ở đâu không biết trào ra, ban đầu còn ít, dần dần không kìm được nữa nó chảy ra như suối. Những giọt lệ nóng hổi chảy đầy trên má, trên môi. Nước mắt chảy tràn vô miệng mặn đắng... Thầy thương em quá Nguyễn ơi… Nguyễn ơi!
VÕ KỲ ĐIỀN

No comments: