Monday, August 1, 2011

Pulau Bidong Miền Đất Lạ - Chương 16

Chương 16:

HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT (Chương 16)

Sương khuya lành lạnh, sóng vỗ rì rào, mọi người đã chọn chỗ nằm, tha hồ mà ngắm sao đêm nay. Tôi và Chiêu còn ngồi nhìn đọt dừa nói chuyện. Các gian hàng chợ trời đã dẹp sạch trơn. Trên con đường trước mặt, một người nhỏ con lùn thấp đen đúa, mặc một cái áo thun trắng dài sọc gần tới đầu gối đang đi ngang. Tôi khều Chiêu, thì thầm trong bóng đêm:
-Nhìn nè, có thằng nhỏ không bận quần đi kia kìa...
Chiêu nhìn rồi trả lời:
-Sao anh biết nó không bận quần?
-Có thấy cái quần chỗ nào đâu. Cái áo phủ tới đầu gối. Có thể có mà cũng có thể không. Theo anh đoán thì không có…
Chiêu cười hà hà, hỏi lại :
-Tại sao anh đoán như vậy?
-Dễ hiểu quá mà, ở Bidong nầy trời nực… để trống trải vậy cho mát.
Hai anh em cười hăng hắc, bỗng nhiên Chiêu chợt nhỏm dậy, chạy theo người vừa đi ngang, miệng hỏi:
-Xin lỗi, anh phải anh Năm, Trung Sĩ Biệt Động Quân không?
-Anh Chiêu, anh qua đây hồi nào. Tôi chờ anh mấy tháng nay…

Hai người găp lại nhau, có nhiều chuyện để nói. Tôi rán nhìn kỹ để kiếm coi anh bạn mới, ngoài cái áo thun dài ra, còn có mặc gì nữa không? Tiếc quá, trời tối mò mò, nên không thấy được gì hết trơn! Lần lần qua câu chuyện, tôi được biết anh Năm trung sĩ là người quen với anh rể Chiêu. Lúc trước anh rể Chiêu qua Bidong dựng cái lều cây kế khu chợ trời nầy để ở. Sau đó anh được đi Mỹ có nhờ anh Năm ở lại giữ lều dùm, dặn kỹ là kiếm Chiêu để giao lại. Như vậy cũng đỡ. Anh Năm thấy có nhiều trẻ em còn nhỏ, bèn nói:
-Đằng lều còn chỗ trống, anh Chiêu sắp xếp cho mấy chị có con nhỏ dời qua bên đó ngủ tạm đêm nay đi… chớ ở ngoài trời sương gió như vầy bất tiện.
Tôi sửa soạn khăn và nước uống cho mẹ con Bi đi với chị Điệp cùng Trung, Dung, miệng nói:
-Tụi tôi cám ơn anh Năm nhiều lắm. May mà gặp anh đêm nay, nếu không thì phải ngủ hết ngoài trời.
Anh Năm cảm động:
-Có gì đâu anh, gặp lại Chiêu em mừng lắm. Để em giao cái lều lại cho… Em cũng gần được đi Úc rồi, rủi khi đi mà không gặp được ảnh, em cũng không biết phải làm sao?
Rồi anh cười, nói tiếp:
-Nói thì nói vậy chớ, em cũng đã tính rồi, đâu đó xong xuôi. Cái lều tốt quá, hổng lẽ bỏ uổng, lúc đó chắc phải bán rẻ, kiếm một mớ xài đỡ… rồi khi nào có gởi qua Mỹ trả lại.
Tối đó Duyên ẳm Bi, chị Điệp dẫn Trung, Dung, cô Bằng ẳm bé Linh đến lều của anh Năm. Anh chị Năm nhường chỗ cho những người mới tới. Cả hai ngủ ở hai cái võng mắc vào các gốc cây. Lại một lần nữa vào phút chót, tôi được môt ân nhân, không quen không biết ra tay giúp đỡ.

Còn lại ở đây toàn là người lớn. Tôi trải các quần áo, mùng mền bị mưa ướt buổi sáng ở Kapas chưa kịp phơi khô ra trên các ba lô, xách tay để phơi, rồi nằm ngủ đại trên tấm ny lông dơ, giấc ngủ chập chờn vì sợ người ta lấy cắp đồ đạc. Khoảng một hai giờ khuya, có trận mưa nhỏ, cả đám chạy vào lều bên cạnh núp mưa. Những luồng gió mạnh rít lên từng cơn, thổi tạt những giọt mưa bay ngang rào rào, nước thấm ướt đầu, ướt cổ man mát. Ở phía nhà chờ đợi một ngọn đèn điện sáng đỏ quạnh cô đơn. Chúng tôi lom khom nép người vào vách lều kế bên, nhìn mưa, không ai nói tiếng nào. Cả đảo im lìm, hiu quạnh thê lương… Mưa rồi cũng tạnh, tôi ra ngủ tiếp. Giấc ngủ mê man! Suy nghĩ cho cùng, trong cái khổ cũng có cái sướng. Trong đời chưa bao giờ, tôi được dịp nằm ngủ thẳng cẳng giữa chợ, không mùng mền chiếu gối, một cách bụi đời như tối nay!

Đó là đêm đầu tiên tôi bước chưn tới đảo Bidong, hải đảo nóng bức của vùng xích đạo, hải đảo mà hàng chục ngàn thuyền nhơn Việt Nam nghe tới tên phải xúc động thẩn thờ. Không biết kể từ bao giờ, mỗi khi nhắc tới nó, người tỵ nạn vừa âu yếm, vừa mỉa mai, gọi bằng một cái tên mới đặt, hải đảo Buồn Lâu Bi Đát. Cái tên sao mà bi quan và hơi cải lương. Thiệt tình mỗi khi nghe tới, đâm rầu thúi ruột!
*
* *
Lều anh Năm áo thun ở tuốt về phía vách đá cuối bãi, khi tới nơi quẹo mặt một đổi rồi quẹo trái. Nó thuộc khu G của đảo. Muốn đi đến đó phải băng ngang qua khu D chợ trời. Trời vừa tang tảng sáng tôi đã dọn dẹp xong đống đồ đạc ngổn ngang, nhường cái bãi cát dơ lại cho mấy bà bạn hàng để quăng rác. Chiêu đi trước dẫn đường loanh quanh trong con hẽm nhỏ vừa đủ lọt một người đi. Tôi theo sát vì sợ lạc. Chung quanh lều cất san sát, cái cao cái thấp chen nhau, không còn một khoảng trống. Quang cảnh hổn độn rối nùi. Thỉnh thoảng tôi phải dừng lại, nhìn trái nhìn phải để định hướng. Đây rồi mẹ con Bi cùng mấy đứa nhỏ đang ngồi trên sàn. Tôi bồng lấy Bi, thằng bé ôm lấy tôi, mừng rỡ. Duyên hỏi:
-Hồi hôm hình như trời mưa, mấy anh làm sao? Có bị ướt nhiều không?
-Mưa cũng nhỏ, tụi anh chạy qua lều kế bên đụt tạm. Sao, mẹ con ngủ ngon không?
Duyên mặt mày tươi tỉnh:
-Mệt quá nên nằm ngủ một giấc tới sáng. Thôi, lo rửa mặt rửa mày rồi ăn điểm tâm.

Tôi đứng nhìn cái lều. Nó được dựng trên ba cây cột to bằng bắp chưn. Cây cột thứ tư là một gốc cây lớn cỡ vòng ôm, trên đọt còn đầy đủ cành lá xanh um. Nhờ vậy mà lều rất chắc chắn. Căn lều cao cẳng nầy cũng được lót sàn, cao chừng một thước rưỡi, có một cái thang ở ngay trước cửa, dùng để lên xuống. Như vậy cũng tiện, bao nhiêu bụi bậm rác rưởi đều lọt tuốt xuống đất. Mặt sàn cũng bằng cây tròn nhỏ dài cỡ hai thước, ghép sáy lại để nằm ngồi, sinh hoạt. Nhìn những mắt cây sần sùi, nổi u nổi cục, cây thì thẳng, cây thì cong, tôi lo lắng:
-Cái mặt giường lồi lõm như vầy, làm sao mà nằm?
Duyên trả lời:
-Khi nằm phải lựa thế từ từ ngả lưng xuống… chớ nằm lẹ thì bị cấn đau lắm.

Tôi sực nhớ ra ở Bidong, tất cả vật liệu xây cất đều phải tự kiếm trên núi. Đinh búa thì xuất tiền túi ra mua ở chợ trời. Ban quản trại chỉ phát cho đồ ăn với nước uống, làm gì có tới cây ván phẳng phiu để làm giường, làm chiếu. Mà nếu có, thì phải chở bao nhiêu tàu cho đủ? Có tất cả bao nhiêu cái lều ở đảo nầy? và bao nhiêu nữa đang được cất thêm? Diện tích mặt sàn cỡ bằng bộ ván lớn. Đằng trước, đằng sau, bên phải, bên trái, bị các lều lân cận ép kín mít, chỉ hở có trước cửa, một con đường ra vô chỉ khoảng một thước mà thôi. Cũng còn một chỗ trống nữa chớ. Ở vách bên phải còn dư một khoảng đất trống độ một thước ngang ba thước dài. Người anh rể Chiêu làm môt cái nhà tắm và môt cái bếp nấu ăn. Cái nhà tắm nhỏ như cái hộp cạc tông, còn cái bếp làm bằng đât sét, mỗi lần nấu nướng khói um mịt mù. Tất cả chỉ có bao nhiêu đó. Nếu muốn kể thêm thì có thể nói dưới sàn là rãnh nước chảy ngoằn ngoèo, dơ dáy. Cái rãnh chứa hết tất cả nước dơ của các lều khác chảy ngang qua đây rồi chảy về đâu nữa, làm sao tôi biết được!

Hành lý đã sắp xếp gọn ghẽ trên mặt sàn, tôi ăn tô mì tôm buổi sáng. Tô mì ngon hơn tối qua, có lẽ vì đói quá. Nắng đã len vàng trên đọt cây xanh. Nóc lều còn một khoảng trống, phải lợp thêm, nếu không mưa lớn sẽ ướt hết quần áo, đồ đạc. Bây giờ thì sinh hoạt của đảo đã bắt đầu rộn rịp. Trong các túp lều chật hẹp thien hạ tuôn ra đông đúc rộn ràng. Tôi lần theo lối cũ, trở ra khu chợ trời. Người ta ngồi bán dọc theo hai bên lối đi. Trước mặt mỗi người là một thùng giấy cạc tông hoặc môt tấm ny lông làm đệm, trên đó chất đủ loại mặt hàng cần dùng: kem đánh răng, khăn, mùng, bao ny lông đựng đường hoặc bột, đèn bấm, đường, gạo, bột, muối,… Có cả những thứ xa xỉ như bôm, nho, xá lỵ. Nhiều nhứt là những thùng nước ngọt Coca Cola với Seven Up. Có một gian hàng bán đủ loại đinh ốc, kềm búa, cưa, kéo. Tôi đứng nhìn mê mẩn, món nào cũng cần, cũng hấp dẫn dễ sợ. Gần bốn năm năm nay sống dưới chế độ mới, không thấy mấy món hàng bày bán ở chợ trời như những thời gian trước đây, bây giờ thấy lại mừng quá, như gặp cố nhơn. Những cái khăn tắm mịn màng, những hộp bánh, hộp kẹo ngon nổi tiếng, những đồng hồ Nhựt và Thụy Sĩ, những chai dầu thơm… tất cả như chào đón, mời mọc. Mắt nhìn nhưng chưn thì bước đi, trong túi không tiền thì làm sao để có mà mua?

Tôi nhìn về phía trái, thấy đó là phòng Y Tế của khu D. Những người bịnh vào xin thuốc đứng đầy ra tới cửa. Ai có sáng kiến lập phòng nầy ở đây coi bộ không khá, vì chỉ cách xa độ mười thước thôi, một dãy cầu vệ sinh công cộng quay mặt ngó xéo vào. Cầu đuược đào sâu dưới cát trên lót ván, xung quanh được che bằng tole dợn sóng, cao khoảng một mét rưởi, không có nóc. Chỉ có đàn bà con gái mới cần đến, còn đàn ông, con nít thì chịu khó mất công đến đây làm gì, mé biển hoặc hốc núi chỗ nào cũng được, lại sạch sẽ, thoải mái. Chừng tuần sau dãy nhà cầu nầy bị dẹp bỏ, cả đảo hoàn toàn không có một cái cầu nào. Tôi mới đến có một ngày, chưa biết đuợc gì nhiều, vã lại cũng không quen với một vị nào làm việc trong trạinên không nghĩ ra đượclà ở Bidong nên lập cầu vệ sinh hay không nên? Nếu nên lập thì tại sao có rồi phá bỏ, còn nếu không nên thì cả đảo là một bãi phân khổng lồ. Như hiện giờ trên đường đi, trên bãi cát, ở gốc câychỗ nào cũng co những mìn bẫy can quân ta gài lại trong đêm hôm khuya khoắc, sơ ý là dẫm phải. Ở vào trường hợp nầy không cần vào phòng Y Tế mà phải chạy lẹ ra mé biển… để rửua chưn! Cũng do vấn đề vệ sinh, tôi mới chợt hiểu công dụng của cây đèn bấm chớp tắt liên hổi trong đêm hôm của những người đi đường! Ai cũng phải có, không có là không được!
Tôi phải nín thở đi thật lẹ khi ngang qua đây. Trời ơi, cái chỗ tôi nằm ngủ hồi hôm cũng đâu có cách xa gì. Cái đống rác chình ình kế bên. Rồi cái bãi cát dùng làm chỗ tạm trú cũng ở kế bên đó luôn. Vậy mà đêm qua tôi dám cả gan nằm ở đó, ngủ một giấc ngon lành. (Vị nào trong ban tổ chức trại, có sáng kiến chọn khu tạm trú cho người mới tới ở chỗ nầy, thiệt là bất nhơn!)

Nắng đã bắt đầu nóng, mồ hôi rịn ra trên lưng. Những người thợ hớt tóc đã bắt đầu hành nghề bên cạnh những ông thợ bạc đang mài mài, dũa dũa các món nữ trang. Tôi thấy dưới gốc cây bàng lớn là phòng đánh điện tín dành riêng cho người tỵ nạn, vài ba người đang chờ đợi tới phiên mình. Quãng đường tự nhiên hẹp lại. Một căn nhà tuy đã cũ nhưng kiên cố, to lớn và khá đẹp được rào kín đáo. Nhà cất kiểu cao cẳng Mã Lai. Mặt sàn cao chừng một thước rưỡi, cầu thang đi lên nhà được xây bằng gạch tô xi măng.. Ở đảo nầy mà lại có môt căn nhà kiểu lạ không biết của ai, tôi đứng nhìn tò mò, không thấy người bên trong. Ủa, sao lại có người ở dưới sàn, đầu cạo trọc lóc. Anh ta nhìn tôi, vẻ mặy thê lương, nước da xạm đen. Tôi nhìn kỹ hơn. Hai tay anh được tự do nhưng cổ chưn bị xiềng vô gốc cột. Trời, sao kỳ cục vậy? Nét mặt nầy là người Việt hay người Tàu chớ không có vẻ gì là người Mã Lai. Từ trong nhà đi ra hai người cẩnh sát Mã cầm súng săn to nòng. À, thì ra cái nhà nầy là cơ quan cảnh sát Mã Lai trên đảo. Vậy mà tôi đứng đây hồi lâu không biết.

Tôi vội bước đi mà lòng thắc mắc, người bị nhốt dưới sàn kia, tội tình gì mà phải xiềng xích và đầu bị cạo trọc? Một nỗi buồn vô cớ len len trong lòng khiến tôi bước đi vội vã để tránh chỗ nầy. Tôi không muốn nhìn cảnh tượng thương tâm diễn ra trước mắt, cuộc đời vốn đã nhiều khổ sở, càng thấy nhiều, biết nhiều lại càng khổ hơn. Nhưng dầu muốn thấy hay không muốn thấy, cũng không do ý mình. Vừa qua khỏi nhà chờ đợi tạm mà tôi đã vào làm thủ tục hôm qua, mắt tôi chợt thấy một nhóm ba người đàn bà Tàu đang lên nhang đèn sì sụp khấn vái. Trước mặt họ, dưới một gốc cây dừa già cỗi, một cái miếu nhỏ đóng bằng cây ván vụn một cách thô sơ, sơn đỏ bầm trên đó một hàng chữ Tàu ngoằn ngoèo đậm nét. Đám đông rầm rộ xung quanh. Một lư hương cắm đầy nhang đỏ khói lên nghi ngút. Những lời cầu nguyện lẫn trong tiếng động vô tình. Tại sao nơi đây lại có một cái miếu nhỏ? Tôi hỏi một chủ lều bên đường, ông ta đang đứng thong dong -‘cách đây mấy tháng một ông già ngồi ở chỗ đó bị dừa rớt trúng bể đầu, chết liền tại chỗ. Ổng là người đầu tiên chết ở Bidong nầy, được đem chôn trên đồi tôn giáo đó!’

Nói xong ông ta ngó về phía giếng đông người, thản nhiên không một xúc động, trong tay còn cầm cọng nhang xỉa răng… Tôi nghiệm ra một điều ở Bidong nầy số lượng người đông như kiến thành ra đời sống của mỗi cá nhơn bị chìm ngập trong đám đông. Mỗi cá nhơn nhỏ nhoi quá, không có nghĩa gì hết. Ai bị gông xiềng thì cứ thản nhiên ở tù, ai bị dừa rớt bể đầu thì cứ thản nhiên chết, còn ai chưa bị gì hết thì cứ thản nhiên mà sống. Dòng đời cứ thản nhiên trôi. Chỗ nầy có người khóc, chỗ khác người ta cười. Đâu còn ai có thì giờ để quan tâm đến người khác chi cho nhọc sức. Tôi nhìn cái miếu đỏ mà lòng xốn xang. Ông già nầy là người tỉnh nào? Đã tốn bao nhiêu tâm huyết, tiền của vượt thoát được bao nguy hiểm bủa vây tứ phía, từ Viêt Nam qua được tới đây? Ông còn để lại vợ, con? Ông chết đi như vầy còn ai thương nhớ? Bất chợt tôi nhìn một lượt toàn cảnh. Cả trại nằm trọn trong rừng dừa. Còn hàng ngàn cây chưa đốn, những túp lều chen nhau núp dưới bóng mát của nó. Rồi sẽ có bao nhiêu trái dừa sẽ rớt, sẽ có bao nhiêu người nữa bị lên đồi tôn giáo nằm cạnh ông già bất hạnh kia? Chỉ có trời biết thôi, mà trời thì ở cao xa thăm thẳm không thèm nói trước!

Tôi đi ra tới cầu tàu mà trong đầu cứ còn lởn vởn hình ảnh ông già mệt mỏi xơ xác sau bao ngày vượt biển đến đây, ghe phải vất vả gian nan mới cặp được vô cái cầu tàu nầy. Ông đuợc lên bờ và ghé vào ngồi dựa gốc dừa để nghỉ mệt…Phải chi ông bị chuyện rắc rối tới trễ một vài phút, phải chi trái dừa rớt sớm hơn vài phút, phải chi nó rớt trật qua một bên và hàng ngàn cái phải chi khác… nối tiếp nhau cho tới cái phải chi cuối cùng thì tôi vỡ lẽ. Đó là, phải chi đừng có Viêt Cộng vô xâm chiếm miền Nam thì ông già đâu có vượt biên làm gì, mà ông không vượt biên thì làm sao dừa Bidong rớt trúng đầu ông được. Và từ đó tôi suy ra hàng trăm, hàng ngàn nỗi khổ đau cực nhục của người thuyền nhơn, tỵ nạn Việt Nam phải gánh chịu là do cái chủ nghĩa Cộng Sản thiếu trái tim người gây ra. Mà suy nghĩ cho cùng, đâu phải chỉ có mấy trăm ngàn thuyền nhơn chịu khổ đau, cả xứ Việt Nam sáu chục triệu người cũng đồng chung một thảm cảnh giống nhau. Phải chi…phải chi đừng có chủ nghĩa Cộng sản thì dân tộc sẽ hạnh phúc biết bao nhiêu!

Tôi lần đến cầu tàu. Hằng trăm người vẩn vơ đứng ở đầu cầu, đa số đều ngóng nhìn ra khơi. Không biết họ tìm gì ngoài đó. Những câu chuyện về chuyến đi, những may mắn cùng những hãi hùng đựợc nhắc đi nhắc lại. Ai ai đến đây cũng đều bị một dấu ấn khắc sâu trong lòng cho đến chết cũng không quên. Chuyến đi của cả một đời. Chỗ nầy thuộc khu A, người ta ra đây để hóng mát, để gặp gỡ hàn huyên. Nước biển đầy rác và phân người. Vậy mà chiều hôm qua, tôi đã thấy hàng ngàn người lặn hụp dưới đó. Mình mẫy bụi bặm dơ dáy mới đi tắm, mà tắm ở đây xong thì dơ hơn! Cũng ngộ quá sức!

Cái cầu cây dài cả trăm thước nầy được gọi là cầu supply, tôi nghe mọi người đều gọi như vậy. Cũng đúng thiệt! Từ sớm mơi cho tới nửa đêm, người ta đã chuyên chở vô đảo
không biết bao nhiêu tấn thực phẩm và hàng hóa. Các thanh niên tự nguyện thuộc khối tiếp tế có đến mấy trăm người, thay phiên nhau công tác liên tục. Họ di chuyển trên cầu, ở xa trông như đàn kiến tha mồi vào tổ. Kho chứa là một dãy nhà tôle nằm dài theo bãi cát bên phải đầu cầu. Xa một chút, xác một chiếc tàu sắt nằm nghiêng trên bãi chơ vơ như một bộ xương rỉ sét… (danh từ cầu supply chỉ phổ biến vào năm 1979, đến 1980 trở về sau được điều chỉnh để gọi cho đúng là cầu jetty).

Trời đã nóng gắt, oi bức dễ sợ. Tôi cởi áo cầm tay. Mọi người đều ở trần, tôi cũng thử ở trần đi giửa đám đông coi thử ra sao. Cũng thoải mái, đâu có gì ngại ngùng. Con đường chánh từ cầu supply đi thẳng vô trung tâm hành chánh của trại, bề ngang độ chừng hai thước. Nó là đại lộ Lê Lợi của Bidong, người đi như nêm trên mặt đất nện vàng ẻo. Một vũng nước đen ngòm nằm bên đường đầy rác rưởi rong rêu chảy ngang qua lộ bằng một đương mương nhỏ. Người ta phải bắt qua vài tấm ván mỏng gập ghình. Rồi sau đó là người và người, tôi bị chìm mất trong đám đông di chuyển hổn độn. Một rừng người xô đẩy chen lấn nhau, phức tạp, rối nùi. Có một giếng nước ngọt ở đầu đường, đông ghẹt người đến lấy nước. Ở đây không có việc sắp hàng chờ đợi. Mạnh ai nấy quăng thùng xuống giếng rồi sau đó kéo lên, được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Tiếng thùng thiếc va chạm nhau gây nên một âm thanh loảng xoảng vang dội. Nhìn cảnh lấy nước giành giựt nhau từng lon, tôi ngao ngán. Trơi, phải tả xung hữu đột để kéo lên một lon nước nhỏ, thiệt là vất vả quá. Rồi phải bao lâu mới được một thùng?

Tôi đi hướng về trung tâm của khu A. Một cái ổ ong lớn hoạt động nhộn nhịp rộn ràng ở các dãy nhà ngang, dọc. Khu hành chánh của trại ở đầu đường trên một bãi đất nện được đắp cao. Hai dãy nhà cây lợp tôle dợn sóng, vài cái lều cây và lều vải nhà binh được dựng thêm kế bên. Tất cả đều được một hàng rào kẻm gai vây quanh, những chỗ thiếu kẽm, người ta lấy cây ván thế vào. Những người có thiện chí và khả năng ự nguyện góp công góp sức mình đang lăng xăng làm việc. Có những người đàn ông, đàn bà và đa số là thanh niên trẻ tuổi. Họ đến từ một phương trời xa xăm, không quen biết nhau, vì cùng một cảnh ngộ, đem sức lực và tâm trí đóng góp vào việc chung của trại. Quyền lợi thì hoàn toàn không có gì nhưng trách nhiệm và bổn phận thì khá nhièu. Tôi gặp ngay ông trưởng trại, một người bạn cũ, có một thời anh làm hiệu trưởng trường Trung Học Thoại Ngọc Hầu ở Long Xuyên. Mười năm rồi mới gặp lại nhau, anh cũng không thay đổi chút nào, người nhỏ con rắn chắc, đôi mắt xanh như mắt mèo vì có dòng máu lai, dân gốc ban Pháp Văn, Đại Học Sư Phạm Đà Lạt. Anh gặp tôi mừng rỡ hỏi thăm tin tức quê nhà và các bạn cùng trong nghề dạy học ở Bình Dương. Tôi cũng mừng lắm vì gặp lại bạn cũ ở mơi tha hương, nói:
-Kiệt nè, đừng có lo lần lần rồi tụi mình sẽ thấy các bạn đó ghé vô Bidong nầy hết cho coi. Ở bên nhà, ai nấy cũng rán tìm đường để đi..
Rồi tôi hỏi:
-Bạn có cách nào giúp tôi tìm một người thân trong gia đình đã vượt biên gần hai tháng nay mà không biết tin tức. Tôi cũng có nhờ nhắn tin tối hôm qua…
Kiệt sốt sắng nói:
-Sợ không có ghé vô đảo nầy. Nếu có thì chắc chắn sẽ tìm ra.

Kiệt dẫn tôi vào văn phòng hành chánh, gặp anh trưởng phòng tên Phong, lúc trước cũng là giáo sư dạy ở Pẻtrus Ký. Phong đưa cho tôi sáu quyển sổ lớn dầy cộm, ghi danh sách người tỵ nạn theo thứ tự thời gian đến đảo. Xung quanh những ban khác làm việc rộn ràng, họ ngồi trên các băng bằng cây, đánh máy rào rào. Mặt bàn cũng bằng cây vá víu sơ sài, những tập vở học trò, những cây viết cùng giấy vụn bừa bãi. Bên vách là một cái tủ cây không có cửa dùng để sắp xếp hồ sơ, có một màn vải trắng úa vàng che phủ bên ngoài… Tôi kiếm ngày tháng rồi lật từng trang. Lật hoài, lật hoài… mãi đến giữa trưa cũng không thấy. Tôi cám ơn Kiệt và Phong, từ giả hội trường để trở về, trong bụng thắc mắc, lo âu…

Dựa lưng vào gốc dừa nghỉ mệt, tôi nhìn qua bên trái, một dãy nhà tôle dợn sóng, dùng làm trung tâm y tế của trại. Có một dấu Hồng Thập Tự đỏ sơn ở trước cửa ra vô. Vào giờ nầy tuy người đã thưa bớt nhưng vẫn còn đông lắm. Bất chợt, tôi nhìn thấy một người quen bên kia đường, đang đi lại. Rõ ràng là nhạc sĩ Lê Thương, thầy dạy Sử Địa của tôi ngày trước, không ngờ gặp lại ở cái đảo xa xôi nầy. Thầy Lê Thương cũng y như ngày xưa mập mập, mặt tròn, mắt sáng, miệng cười tươi, phía trong có cái răng vàng duyên dáng. Tôi mừng quá, chạy qua chào hỏi:
-Chào thầy, thầy qua đây từ bao giờ. Thầy còn nhớ em không?
Tôi mừng hết sức, không kìm được lòng nôn nao, hỏi ào ào không kịp thở. Người thầy dạy học mà tôi hằng kính mến và ngưỡng mộ. Những ngày tôi mới lớn, mới vào bậc trung học, thầy Lê Thương với mái tóc xanh mướt óng ả, dáng dấp đẹp đẽ đã gieo vào tâm hồn ngây thơ của tôi lúc đó, niềm say mê, kính phục. Bây giờ thầy cũng đã vượt biên ở chung một đảo nầy, không vui mừng sao được. Tôi đã đứng trước mặt mà thầy vẫn còn ngơ ngác, đứng im. Vậy là thầy đã quên cậu học trò cũ ngày xưa…
Tôi nhắc lại:
-Ngày xưa, em có học với thầy những năm 1953, 1954 ở trường Nguyễn Trãi, Thủ Dầu Một, thầy chắc còn nhớ, những năm première année, deuxième année…
Thầy Lê Thương của tôi, sau một hồi ngỡ ngàng, lắp bắp:
-Ngộ… ngộ, không piết gì hết á, nị nói cái gì vậy?
Trời, sao kỳ cục vậy, tôi nhìn lộn người rồi sao, quê ơi là quê! Thầy Lê Thương nầy không phải thiệt. Ông ta người Tàu, nói tiếng Việt không rành. Lần nầy thì tôi lắp bắp, nói không ra tiếng:
-Ủa… ủa, xin lỗi, xin lỗi… tôi lộn rồi…

Ông Tàu Chợ Lớn bỏ đi một nước. Tôi đứng há hốc như trời trồng, nhìn theo cái lưng ông ta cho tới khi không thấy nữa. Sao mà có người giống nhau quá sức, không phân biệt được. Làm sao mà tôi nhận không đúng thầy Lê Thương? Tự nhiên tôi nghĩ ra một điều, lầm bầm cằn nhằn, -‘thiệt tình, già cái đầu rồi mà còn ba chớp ba sáng, sao không chịu suy nghĩ, hấp tấp nhận lầm, đến phải xin lỗi người ta’. Ngu ơi là ngu! Thầy Lê Thương tới bây giờ ít ra cũng đã sáu mươi đến sáu mươi lăm tuổi. Đã trên hai mươi lăm năm xa cách không gặp lại, thầy phải già ra chớ! Một người sáu mươi mấy với một người bốn mươi tuổi, khác nhau một trời một vực, sao mà lại lầm như vậy cho được. Thì ra cái đầu tôi như cái máy chụp hình. Hình nào nó đã ghi rõ một thời, thì cứ y như vậy mà nhớ hoài, không thay đổi. Không bao giờ thay đổi! Tôi vừa tức cười, vừa quê quê, ngó quanh một lượt coi có ai để ý không, xong rồi đi một hơi về lều, chắc mẹ con Duyên đang chờ cơm.


Võ Kỳ Điền

2 comments:

Unknown said...

Chào nhà văn Võ Kỳ Điền,

Tôi cứ tưởng minh thoát được đất nước biển VN là bắt đầu cuộ sống mới nje5 nhàng hạnh phúc. Thật không dự trù trước những đau khổ và buồ rầu. Cám ơn nhà văn đã mô tả thực cảnh và từ đó mình có cái nhìn thực tế. Tạ ơn Trời Phật. Cám ơn Nhà văn Võ Kỳ Điền.

Như-Ý Cầu Ông Đành, Thủ Dầu Một.

Unknown said...


Tôi cứ tưởng minh thoát được đất nước biển VN là bắt đầu cuộ sống mới njhẹ nhàng hạnh phúc. Thật không dự trù trước những đau khổ và buồn rầu. Cám ơn nhà văn đã mô tả thực cảnh để từ đó mình có cái nhìn thực tế. Tạ ơn Trời Phật. Cám ơn Nhà văn Võ Kỳ Điền.

Như-Ý Cầu Ông Đành, Thủ Dầu Một.