Monday, August 1, 2011

Pulau Bidong Miền Đất Lạ - Chương 24

Chương 24:

TIẾNG SÓNG REO VUI

Mới chừng bảy giờ sáng là tôi đã ba chưn bốn cẳng vọt ra cầu tàu, đứng lóng nhóng ở dưới gốc dừa, mắt nhìn tuốt biển khơi để tìm coi có chiếc ghe nào đang trên đường ra đảo. Tôi cũng đâu biết hình dáng, màu sắc nó ra sao nhưng cứ chờ vì cái tin hấp dẫn được loan ra trên loa phóng thanh tối hôm qua. Sáng nay có phái đoàn Canada đến. Ở cầu tàu người đợi cũng đông nghẹt, đâu phải chỉ mình tôi. Mỗi lần hễ có tin phái đoàn phỏng vấn đến thì toàn đảo như lên cơn sốt. Người ta xúm nhau bàn tán, theo dõi lo lắng, chuẩn bị và hồi hộp chờ đợi. Tin tức được loan báo qua hệ thống loa phóng thanh treo dọc theo các gốc dừa rải rác quanh khu vực định cư. Hôm đảo bị cơn bão đầu mùa, nhiều thân dừa gãy đổ khiến dây điện đứt tứ tung, toàn thể hệ thống phát thanh bị tê liệt. Không còn loa nào nói được nữa thì lấy gì để nghe, ai nấy có tai mà như điếc. Cả trại im lìm. Không nghe giọng oanh vàng của cô nhân viên léo nhéo hằng ngày, dân tỵ nạn buồn bã ra mặt. Làm sao để tìm kiếm thân nhân thất lạc, làm sao biết ngày giờ lãnh nước uống, lãnh thực phẩm, làm sao biết có thơ từ phương xa và quan trọng nhứt là làm sao biết tin tức của các phái doàn phỏng vấn. Bỏ trễ một kỳ là phải chờ đợi thêm một khoảng thời gian chừng một hai tháng nữa. Có một anh vì không nghe loan báo giờ giấc đi phỏng vấn, đúng vào cái ngày quyết định số phận của thuyền nhân, anh ta vác cưa, vác búa lang thang leo núi đốn củi. Đến chiều về, hay ra mọi sự lỡ làng hết, chỉ còn biết đấm ngực kêu trời!

Buổi sáng trời còn mát nước biển trong xanh. Trên bãi cát vàng còn dấu nước ướt ban đêm, dâng cao lên tận gốc dừa.Tôi ngó qua bên đất liền, thấy trời đất xa mù mù. Từ bên đó muốn qua tới đảo, phải mất hai ba tiếng đồng hồ trên biển. Không lẽ phái đoàn thức dậy lúc bốn năm giờ sáng, rồi còn điểm tâm cà phê cà pháo rềnh ràng. Tôi lẩm nhẩm tính, họ đến đảo sớm nhứt chắc cũng phải cỡ mười giờ, không thể sớm hơn. Nào ngờ mọi suy tính đều trật lất hết trơn. Chung quanh có tiếng xôn xao, rồi mọi người chỉ chỏ. Tôi rán nhìn, thấy tận đằng xa một chiếc ghe Mã sơn xanh đang phăng phăng tiến vô đảo. Thiệt tình tôi chưa phân biệt được ghe chở tiếp liệu hay ghe phái đoàn. Có tiếng nói lớn của người bên cạnh:
-Ghe phái đoàn Canada bà con ơi, lá cờ trên cột bườm...

Vậy là đúng rồi, không cần phải ngó thêm nữa tôi vội vã quay lưng đi về để báo tin cho ở nhà chuẩn bị. Phái đoàn tới đảo sớm quá, chưa tới tám giờ. Sao bữa nay ở khu chợ tròi, người ta lại quá đông, đen nghẹt cả đường xá. tôi phải chen lấn mà đi, trong bụng hồi hộp hết sức, những chữ Canada, Canada, Canada vang vang trong đầu. Tự nhiên trong những ngày tháng ở đảo Pulau Bidong nầy, cái tên gọi Canada hình như có một sức thu hút mầu nhiệm, hễ có ai nói đến nó, dầu đang làm gì tôi cũng rán chú ý lắng nghe. Có lần chợt thấy một thùng sữa bột mang nhãn hiệu của xứ nầy, tôi đứng ngây người nhìn mê mẩn rồi tưởng tượng ra những cánh đồng cỏ phì nhiêu, từng đàn bò hàng ngàn con đang thong dong nhai cỏ... Đời tôi và Canada từ hôm mở hố sơ Cao Ủy bắt đầu gắn bó từ từ như có duyên nợ từ đâu kiếp trước. Hình như Đức Phật có lần đã nói: -tương lai mỗi người là do ý niệm tác thành. Không có ông trời nào rảnh rỗi mà mà sắp xếp vẽ vời định mạng cho từng cá nhơn. Tương lai của mình là do chính mình định lấy. Mỗi người có một ý niệm về cuộc sống và cái ý niệm đó hướng dẫn tất cả mọi hành động. Do ý niệm mà chọn lựa, do chọn lựa mà hành động, rồi do hành động mà kết quả sẽ thành. Trồng dưa thì được dưa, chớ hổng lẽ được đậu xanh hay đậu đỏ!

Mà tại sao tôi lại quyết định chọn Canada để định cư? Thiếu gì những nước khác giàu sang trù phú hơn, như Huê Kỳ chẳng hạn? Có rất nhiều lý do để giải thích nhưng lý do chánh đáng nhứt là Canada thâu nhận người tỵ nạn dễ dàng không đòi hỏi những điều kiện khó khăn như Mỹ hoặc Úc. Khi được nhận rồi thì đi rất lẹ không phải chờ đợi lâu lắc. Ở lại Bidong một ngày thì khổ thêm một ngày. Bỡi vậy thiên hạ mới phải kêu trời mà đặt cho nó cái tên Buồn Lâu Bi Đát. Cũng có thể do một nguyên nhân xa lơ xa lắc nào đó khá mơ hồ. Như lời bàn cụ Diễn, như lá xâm chùa Ông Bổn ở Bạc Liêu trước khi vượt biên mãi ám ảnh trong đầu, -‘Ông sẽ đi về phương Bắc sinh sống vất vả, ở đó khí hậu khắc nghiệt, tuyết đóng quanh năm, cỏ mọc vàng khè, tất cả đều đổi thay....’
Đi về một xứ phương Bắc để sinh sống thì là Canada chớ gì, đâu thể là Hoa Kỳ hay Úc Đại Lợi. Mấy nước Bắc Âu như Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch phải chờ năm ba tháng mới có phái đoàn tới, mà người tỵ nạn được thâu nhận cũng rất ít ỏi.

Tôi về tới lều hối mấy em ăn sáng cho xong, sửa sọan mặc quần áo vừa bước ra ngõ là tiếng loa phóng thanh đã kêu tên đi phỏng vấn. Lẹ thiệt! Bộ mấy nhân viên của phái đoàn Canada nầy không cần nghĩ ngơi gì hết, mới vừa tới đảo đã bắt tay vào làm việc ngay sao! Cả đám anh em tôi vừa được nghe kêu tới tên, mừng rỡ hối hả đi ra hội trường. Tôi bất chợt tự nhiên có cảm giác như được Canada thâu nhận, sung sướng nôn nao, trong bụng hồi hộp hết sức, hai chưn bước đi thoăn thoắt, Duyên bồng Bi đi theo muốn hụt hơi. Trước cửa hội trường bây giờ là một rừng người xao động, di chuyển bao quanh lấy văn phòng hành chánh. Đông quá là đông. Ai cũng cố ngóng cổ nhìn tuốt vô bên trong, để tìm coi mấy nhân viên phái đoàn Canada mới tới, họ làm việc ở chỗ nào, mặt mũi hình dáng ra sao? Nào có thấy gì đâu, ở ngoài hành lang chỉ có mấy anh trật tự đứng canh chừng ngó trước ngó sau. Nơi đây người ta cũng đang chen lấn, giành giựt nhau để được vô trước. Tôi nắm lấy tay Duyên định tìm một chỗ trống để chen chưn. Chợt một bàn tay lạ nắm tôi kéo lại, ngó xéo qua thì là Tư Trần Hưng Đạo. Chưa kịp chào hỏi, thì anh Tư đã nói:
-Chen lấn chi cho mất công, ghe mình chưa tới phiên, phải đợi lúc một giờ buổi chiều.
Tôi ngạc nhiên nói:
-Sao kỳ vậy, vừa mới đây loa phóng thanh kêu một danh sách lên phỏng vấn sáng nay có tên anh em tụi tôi rõ ràng mà.
Tư Trần Hưng Đạo cười hà hà:
-Thì cũng mới vừa đây nó đính chánh lại. Buổi sáng nay phái đoàn chỉ cứu xét những trường hợp khiếu nại kỳ trước, buổi chiều mới phỏng vấn những ghe mới tới như tụi mình.
Tôi hỏi lại:
-Vậy mà cứ lo chen lấn, tôi có nghe thấy gì đâu. Mà anh có nghe kỹ không?
Tư máy cày chưa kịp trả lời thì anh trưởng ban trật tự từ bên trong đi ra, tay cầm loa phóng thanh tự động loại nhỏ, loan báo chính thức tin tức phỏng vấn những người mới tới sẽ vào buổi chiều. Tôi thất vọng tiu nghỉu đi ra, đứng ngó quanh ngó quất đám đông lao xao một hồi, rồi cùng vợ con dắt díu, lủi thủi ra về. Cái xứ mơ ước Canada đầy tuyết băng, giá lạnh đâu chưa thấy, chứ bây giờ Bidong nắng hoa vàng trước mắt, nắng nóng như muốn chui qua dép nướng phồng da chưn...

Trở về ăn cơm xong, tôi lại chuẩn bị để đi trở ra. Trời vào ban trưa nóng dữ dội. Tôi cầm cái quần dài đen giũ ra cho thẳng thớm, trong bụng ngao ngán hết sức. Hơi nóng hầm hập từ trên cao đổ xuống chưa gì mà mồ hôi đã chảy ướt lưng. Thôi bận cái quần được rồi, còn áo thì cầm tay khi nào tới nơi, bận vô cũng vừa. Duyên lựa cho Bi cái quần tây ngắn có dây tréo trên vai, để thằng nhỏ ở trần cho mát. Đoạn đường trở ra hội trường giờ đây thưa thớt nên dễ đi, giữa trưa mọi ngươi đều rút vô lều để trốn nóng, đâu có ai đủ can đảm đứng phơi đầu dưới ánh nắng chói chang miền nhiệt đới...

Tuy vậy nơi hội trường cũng đã chật ních người ta. Đám đông còn nhiều hơn buổi sáng. Tôi cứ tưởng tới giờ nầy là quá sớm nào ngờ lại khá trễ. Những người tới trước lũ lượt giành chỗ đứng sắp thành hàng dài. Hình như phái đoàn không nghỉ trưa và làm việc liên tục từ sáng cho tới giờ. Tôi, Duyên và mấy em bước vào hàng, làm cho cái đuôi chờ đợi dài thêm chút nữa. Bên ngoài hàng rào cây, đứng lố nhố những người ngoại cuộc, có thể họ chưa được phỏng vấn đợt nầy, có thể họ không chọn Canada mà là những xứ khác. Họ đến đây để coi chơi cho biết một cuộc phỏng vấn để đi đệ tam quốc gia là như thế nào. Vì trước sau gì cũng một ngày tới phiên mình. Tôi đưa mắt nhìn quanh thấy tụ tập ở góc sân là các bạn đi cùng ghe. Dân thủy thủ phục phịch trong chiếc áo sơ mi trắng cụt tay, bên cạnh là tài công Hốt đang nói chuyện cùng với Hủ Tiếu, tài công mặt rỗ. Quách Linh Hoạt đứng với Nhựt Bổn cùng A Son, A Tài, Tô Tỷ. Còn Út Trung và Sơn quơ tay với tôi cười cười, ý như muốn chúc may mắn. Tôi mong cho mau tới phiên, trong lòng cứ tin tưởng là mình sẽ được nhận. Không biết tại sao tôi lại lạc quan như vậy?

Rốt cuộc rồi cũng tới. Tôi và Duyên bồng Bi bước vô. Đứng ngoài nắng khá lâu ánh nắng chói chang lóe mắt nên khi bước vô trong mát, tôi thấy bốn bên tối sầm. Phải mất một lúc sau mới thấy rõ lại. Trong phòng có hai nhân viên người Canada phụ trách việc phỏng vấn, ngồi ở hai bàn giấy cách xa nhau chừng ba thước. Một ông mập mạp tuổi chắc đã già và một ông ốm cao còn trẻ. Tôi được hướng dẫn đến bàn ông già. Thôi vậy là số phận mình do ông già mập nầy định đoạt. Người ông to lớn, đồ sộ, cái ghế hình như quá nhỏ, dáng ngồi coi không thoải mái. Không biết nhờ đâu ông có được cây quạt bằng lá cọ, tay cầm quạt liên hồi. Chiếc áo sơ mi trắng được mở phanh ngực, mồ hôi nhỏ giọt, cả người ông từ mặt mày tới ngực, tới tay, ướt đẩm như vừa từ trong hồ nước bước ra. Ông vừa quạt vừa thở, làn da đỏ ửng sần sùi như da gà tây, hơi thở phì phò. Dãy nhà hội trường nầy lại được lợp bằng tôle dợn sóng nên hơi nóng từ trên mái thấp hắt xuống như trong cái lò nung. Trong phái đoàn phỏng vấn gồm có nhân viên an ninh, thơ ký hành chánh, người thông dịch, còn có ban quản trị trại và một số đông nhân viên Việt Nam... Nội bao nhiêu đó người cũng đã ngộp thở, nói chi thêm số người vào ra phỏng vấn, mỗi lần vô là nguyên cả gia đình. Mà gia đình của Việt Nam mình thì phải biết là nhiều lắm. Con nít sao đông quá là đông. Những anh trật tự an ninh lo chạy tới chạy lui, không kịp thở. Cô thông dịch viên người Việt lai Tàu hỏi tôi:
-Anh chị có cần thông dịch không?
Cô nói tiếng Việt rất rõ và rành rọt nhưng nét mặt nầy phải là Tàu nhiều hơn. Đôi mắt nhỏ, dài và xếch, tóc đen nhánh và còn rất trẻ. Chắc cô gốc học sinh trường Pháp hay Anh gì đó.
Tôi trả lời:
-Dạ, tôi nói được chút ít nếu có gì không hiểu thì nhờ cô giúp dùm!
Cô nói líu lo một tràng với ông già mập. Ông nghe với đôi tai lơ đãng, mắt chăm chú đọc hồ sơ của vợ chồng tôi. Trời! Sao ông già nầy ít nói quá vậy, tôi đâm lo, người nào ít nói thì khó tánh, mà nếu khó tánh thì mình có thể bị ổng xù. Mà hễ bị xù thì phải chờ đợi lâu lắm để được đi xứ khác. Tôi không biết khi đọc qua cái lý lịch sơ sài của tôi, ông nghĩ gì trong đầu, chấp nhận hay không? Đâu có gì rắc rối, tôi chỉ xin qua Canada làm một người thợ, trong mẫu đơn xin, điều ước vọng tôi ghi rõ ràng ‘new worker’ thợ thủ công mới tuyển.

Một hồi ông ngước mặt lên nhìn tôi, dáng hiền lành, hỏi bằng tiếng Pháp giọng lơ lớ khó nghe:
-Ông nói tiếng Pháp hay tiếng Anh?
Tôi mừng quá, trả lời:
-Thưa ông, tôi nói tiếng Pháp, không biết tiếng Anh.
Tới đây tôi không biết nói gì nữa, nên im.
Ông ta nhìn tôi cười:
-Tôi thì chỉ biết tiếng Anh không biết tiếng Pháp. Chắc ông cũng biét chút đỉnh tiếng Anh?
Tôi rán biểu diễn vài câu còn nhớ lỏm bỏm hồi còn học trong cuốn Anglais vivant mấy chục năm về trước, hầu như đã rơi rụng đâu mất hết:
-Dạ, tôi có thể bập bẹ nói vài câu thông thường trong cuộc sống hằng ngày... Nếu được đi học lại, tôi có thể nói khá hơn...
Thấy ông già ngồi im, quạt phành phạch tôi lo quá, nói tiếp một câu lãng xẹt:
-Trường hợp đi lạc, tôi có thể hỏi đường để trở về nhà được...
Ông ta ngừng quạt, mặt đỏ như lò lửa hơi thở như muốn hụt, rán nói chầm chậm giọng nhỏ lại:
-Ông nói tiếng Anh như tôi nói tiếng Pháp...

Rồi không nói gì thêm, ông ta cầm nguyên xấp hồ sơ dở dang trên bàn đưa cho tôi, tay chỉ ra ngoài cửa. Tôi không biết gì hết, tại sao ông ta lại đưa mấy cái tờ giấy nầy rồi lại kêu đi ra ngoài. Cho hay không cho? Sao kỳ cục vậy? Mấy người vô trước khi bước ra khỏi cửa thì biết liền kết quả được hay không được. Còn tình trạng của tôi bây giờ thì không biết ra sao nữa? Tấm thẻ xanh Cao Ủy Liên Hiệp Quốc cầm trên tay mờ nhạt, mắt tôi hoa lên không còn thấy được chữ nào trong đó hết. Cô thông dịch cầm đưa cho ông ta một cái khăn nhỏ nhúng nước, ông đón lấy, xấp đôi lại rồi đắp lên trán. Cô ta quay qua nói nhỏ bằng tiếng Việt:
-Ổng nhận anh chị rồi đó, anh chị ra ngoài một chút xíu rồi vô trở lại.
Tôi đứng dậy cùng vợ con đi ra, đứng ngoài ngạch cửa, trong bụng phân vân. Ông già mập nầy kỳ cục thiệt. Nhận thì nhận, không nhận thì xù, sao lại nữa chừng kêu ra ngoài nầy làm gì? Rồi mình phải đứng đây bao lâu nữa?

Bên ngoài vòng rào Tư Trần Hưng Đạo, Út Trung làm dấu quơ tay để hỏi. Ai cũng thắc mắc trường hợp của tôi. Tôi đưa hai tay lên cao nửa chừng rồi lắc đầu. Buổi trưa đông người chen lấn, ngoài sân cát bụi mịt mù. Tôi đứng sững bên gốc cột, không còn biết nóng lạnh gì nữa hết. Bên bàn ông ốm, hai cô em gái đã được nhận, mặt mày hí hửng, nắm tay nhau cười nói ríu rít đi ra, gặp tôi ở ngạch cửa:
-Tụi em đã được nhận rồi, còn anh chị thì sao?
-Anh không biết, ổng không nói gì hết đưa cho xấp giấy nầy rồi kêu đứng đây chờ...
Cô em út chỉ vô trong, cũng bàn ông ốm:
-Anh Tiến với chị Tuyết đương được phỏng vấn kìa, chắc cũng được chấp nhận vì cô thông dịch viên là bạn học ở Y khoa.
Tôi ngó vô thấy hai em đang nói chuyện với ông ốm, dáng điệu thoải mái, cười nói vui vẻ. Tụi nhỏ nầy lanh lẹ thiệt, còn mình chậm lụt quá, chuyện gì cũng rắc rối khó khăn. Rồi một hồi sau, ông ốm vừa nói chuyện vừa cầm xấp giấy ký lia lịa. Tôi quay qua Duyên:
-Hai đứa nó cũng được nhận rồi kia kìa, tụi em cũng được đi Canada hết, còn vợ chồng mình xui xẻo, gặp ông già kỳ cục, không biết ra sao nữa đây?

Bên trong ông mập đã làm việc trở lại, tôi chuẩn bị để vô. Nhưng một người đã vô trước. Cuộc phỏng vấn ngắn ngủi, ông ta ký tên chấp nhận, người được nhận vừa đứng lên, tôi chưa kịp bước vào trong thì đã có một người khác từ đâu không biết, len giành ngồi vào ghế. Thôi đành chờ! Một người xong rồi tới người khác.. Rồi người khác xong, lại tới người khác nữa. Tôi lo lắng hết sức, cứ điệu nầy làm sao tới phiên? Người ta đã tràn ngập, mạnh ai nấy chen lấn. Tôi để ý theo dõi, hình như những người được vô đều do các anh em trật tự sắp xếp, chắc những người đó là bà con thân nhân của họ, nên được vô một cách dễ dàng. Tôi chen không lại nữa. Mỗi lần thấy một người được chấp nhạn đi ra, mặt mày hí hửng, lòng tôi nóng như lửa đốt, trong bụng tự hỏi chừng nào mới tới phiên mình? Mặt trời đã nghiêng xuống từ từ, trời sắp về chiều, chỉ còn một tiéng đồng hồ nữa là phái đoàn ra về. Họ chỉ làm việc ngày hôm nay rồi phải chờ đúng một tháng sau mới đến nữa. Làm sao bây giờ? Chỉ còn một tiếng đồng hồ ngắn ngủi, nếu hỏi lẹ lắm chỉ được chừng bốn, năm người nữa thôi. Tôi nhìn lại số người vây quanh, họ đông cả hai ba chục gia đình... Tôi quính quáng. Phải tìm cách chun vô trở lại, trước giờ về của phái đoàn, nếu không thì kẹt lắm. Rời Bidong trễ một ngày là khổ cực thêm một ngày.

Bỗng Duyên nắm lấy tay tôi nói:
-Thằng Dân gì đó cũng được nhận rồi kìa.
Tôi chợt nhìn theo tay chỉ, Dân gì đó nhăn răng vàng cười khì khì, từ trong phòng lều khều đi ra. Cái thằng coi vậy mà số đỏ. Bữa nay ngày trọng đại, nó không còn bận cái áo kaki cũ xì nữa mà khoác một cái áo sơ mi xanh lợt, cái quần màu vàng coi cũng khá đẹp trai. Tôi nắm lấy tay nó:
-Dân được nhận rồi hả?
Nó trả lời mặt tươi rói:
-Ừa, ừa, ổng ký tên cho đi gì đó rồi. Em run quá, tiếng Việt mà em cũng nói không được gì đó....
Tôi tức mình, thằng Dân gì đó tiếng Tây không biết, tiếng Anh không biết, luôn cả tiếng Việt cũng... dám không biết. Vậy mà ông già mập lại ký tên cho đi liền, còn mình... dầu sao cũng khá hơn nó một chút, mà phải đứng đây chờ trên cả giờ rồi, cũng chưa biết là được hay không?

Tôi nhìn nỗi sung sướng hiện lên trên mặt nó mà đâm phát khùng. Lại thêm một người nữa được nhận, chạy tuôn ào ra mừng rỡ la hét vang rân. Tôi chết điếng. Bóng nắng đã chiếu xiêng khiến bóng đọt dừa ngã xấp xuống vách lều bên hông trại. Đúng sáu giờ, phái đoàn sẽ lên ghe để về bên Trengganu... một tháng sau mới trở qua. Phải chi một hai tuần cũng rán đợi được, một tháng là ba mươi ngày, lâu quá!
Dân nó cười hì hì một hồi rồi mới hỏi vợ chồng tôi:
-Chắc anh chị cũng được Canada nhận gì đó?
Tôi phát đổ cộc ngang xương:
-Nhận cái khỉ khô, khi không đưa cho mấy tờ giấy nẩy rồi biểu ra đứng ngoài nầy chờ, chờ hoài, bây giờ muốn trở vô lại không được. Còn một tiếng đồng hồ, ai cũng sợ trễ nên chen lấn dữ quá, anh chị có cháu nên giành không lại.
Dân gì đó không cười nữa, nhìn tôi:
-Vậy mà hồi nãy tới giờ anh không nói gì hết, em đâu có biết. Để em nói cho anh vô gì đó.
Nghe Dân gì đó vừa nói xong, tôi vừa mừng vừa ngạc nhiên:
-Làm sao mà vô được, em biết cách gì giúp anh chị với, em quen với ai vậy?
Dân gì đó trấn an tôi:
-Dễ ợt, tưởng chuyện gì khó em làm không được, chớ chuyện vô phái đoàn gì đó em làm cho anh coi.

Trời, thằng này ngon lành thiệt. Đã mấy tiếng đồng hồ rồi, tôi muốn điên lên vì chờ đợi, nghĩ hoài không ra cách nào để giải quyết. Nó mới vừa nghe xong, nói dễ như chuyện giỡn chơi. Nhưng Dân gì đó đâu có giỡn chơi. Nó vừa nói vừa đi trở vô trong, không đầy năm phút sau nó cùng anh trưởng ban trật tự bước ra kiếm tôi. Anh chào tôi và nói:
-Mình chờ cho người nầy vừa được phỏng vấn xong là tôi đưa anh chị vô.
Tôi cám ơn anh ta và hỏi:
-Anh trưởng ban và Dân có quen nhau?
Anh nói:
-Tôi và Dân có lần đi buôn chung nhau nên quen biết. Hồi nãy tôi dắt nó vô đó, tiếc quá, vì tôi không biết nên để anh chị phải chờ.. Đợt rồi, không ai chịu đi Canada hết, đợt nầy lại ghi tên quá đông nên phải chen lấn...

Tôi mừng hết sức và chợt cảm thấy mình... dở ẹt. Chuyện dễ như trở bàn tay. Dân gì đó làm cái một, trong khi tôi loay hoay hoài mà không biết phải giải quyết phải ra sao. Tôi tin sau khi định cư, lăn lộn vào cuộc sống Dân gì đó sẽ thành công hơn tôi xa lắm. Những đứa trẻ nhà nghèo, từ nhỏ phải đối phó với muôn vàn khó khăn trong cuộc mưu sinh, trở nên tháo vác, khôn ngoan hơn những đứa sống trong vòng tay thương yêu đùm bọc của mẹ cha cùng với tất cả những tiện nghi đầy đủ. Nói như vậy để tự biện hộ cho những cái dở của tôi, chớ thiệt ra cũng có những người xuất thân từ những gia đình giàu có, sang trọng mà cũng khôn ngoan, lanh lợi dàng trời!

Cuối cùng rồi tôi cũng gặp lại ông mập. Trời đã về chiều, khi hậu trở nên dễ chịu hơn, mặt ông ta bớt đỏ. Mồ hôi cũng không còn tươm ra như lúc ban trưa. Khi tôi đưa xấp giấy trở lại ông cầm lấy, không nói thêm tiếng nào, cắm đầu ký tên hết tờ nầy đến tờ khác. Ông cầm viết tay trái, bàn tay to như nải chuối sứ, cầm cây viết quay ngược hý hoáy một hồi lâu. Tôi vốn là thầy giáo, thấy cách cầm viết của ông thiệt là ngược ngạo, trong bụng nghĩ thầm làm sao mà ông ta viết được, cũng may là ông ta không đi học ở Việt Nam, nếu có thì thế nào cũng... bị đòn! Tôi lén nhìn qua Duyên thấy mắt nàng sáng lên. Nàng ngó tôi cười. Tôi rất mừng Như vậy là ông ta đã nhận tôi và vợ con vào Canada. Trong thoáng chốc tất cả lo âu từ trước tới giờ tiêu tan hết. Trong tôi chỉ còn một nỗi vui sướng chất ngất. Vậy là tôi được Canada nhận rồi. Mọi khó khăn đã chấm dứt. Bây giờ chỉ còn chờ ngày rời đảo nữa thôi.

Xấp giấy đã được ký xong, ông mới ngẩng đầu lên nhìn tôi nói:
-Ông bà và cháu bé đã được thâu nhận định cư ở Canada. Ông ký tên vào các tờ giấy nầy.
Ông đẩy xấp giấy qua cho tôi. Tôi ký một hơi bốn, năm tờ gì đó, không kịp đọc qua coi mình đã ký những gì. Khi mọi thủ tục xong xuôi, ông ta nhìn Bi ngơ ngác đôi mắt thỏ, buột miệng khen cậu bé to con và đẹp trai. Tôi cám ơn ông đã giúp đỡ cho vợ chồng tôi và ngõ ý sung sướng được định cư ở đất nước của ông. Tự nhiên tôi cảm thấy ông già mập nầy dễ thương hết sức! Trước khi bước qua bàn kế bên để điều tra chánh trị, ông ta hỏi hồi tôi ở Việt Nam làm nghề gì. Nghe tôi trả lời, ông lắc đầu an ủi -‘Vậy là phải đổi nghề khác rồi’. Ông đưa tay từ giã và chúc may mắn. Lòng tôi vui như mở hội. Tôi đứng dậy cùng Duyên bước qua bàn kế. Người hỏi mới còn trẻ, dáng nghiêm nghị, nói tiếng Pháp, chỉ hỏi có một câu:
-Trong thời gian làm giáo sư, ông có dạy học cho Cộng sản không?
Tôi trả lời liền -‘Không có’. Ông ta đưa tôi ký thêm vài tờ nữa trong đó có giấy khám sức khỏe. Mọi việc xong xuôi, tôi bước ra ngoài, bước đi nhẹ như bông gòn. Ôi! nắng chiều Bidong sao mà đẹp quá vậy! Một nỗi sung sướng tràn ngập đầy ứ trong tim, trong phổi. Tôi vừa đi vừa tưởng tượng vùng đất Canada lạ lùng mà tôi sắp được đến. Một tương lai mới tinh mở ra trước mặt và mọi sự phải bắt đầu trở lại từ con số không.

Tôi bước ra cửa đưa mắt nhìn ra ngoài. Ở nhà chờ đợi dựa vòng rào, các bạn bè nhốn nháo dòm vào để nghiên cứu tình hình, bàn tán xôn xao.Tôi thấy anh chị Tư Trần Hưng Đạo, Sơn, Út Trung, Chị Điệp, chị Kiều, Tô Tỷ và các anh em đang trông ngóng đợi tôi ra. Dân gì đó đi cạnh tôi, nói cười luôn miệng. Sơn chạy tới hỏi:
-Ông thầy được nhận chưa, bị cái gì rắc rối mà lâu quá vậy?
Tôi đưa tay chào Sơn chưa kịp trả lời thì Dân gì đó đã vọt miệng:
-Tôi được nhận gì đó, còn ông thầy giáo bị xù rồi.
Tư Tràn Hưng Đạo nói:
-Mày xù ổng chớ phái đoàn Canada đâu có xù....
Dân gì đó nghênh mặt lên hỏi:
-Ừ, ừ, tại sao anh biết ổng được Canada nhận gì đó?
-Ông thầy bị xù tại sao trong tay bà thầy lại cầm hai tấm giấy khám sức khỏe nè!
Dân gì đó bị lật tẩy cười hì hì... Cả đám bạn bè bu quanh tôi mừng rỡ hỏi thăm lăng xăng. Các em Mai, Lan hỏi:
-Anh được nhận đi tỉnh nào?
Nghe hỏi tôi chợt chưng hửng:
-Anh biết nó nhận, mừng quá quên hỏi coi đi đâu... mà thây kệ chỗ nào cũng được.
Lan nói:
-Em với chị Mai, chị Tuyết, anh Tiến được đi Ottawa.
-Hình như Ottawa là thủ đô của Canada phải không, vùng đó nói tiếng Anh mà.
-Ừ, khi vô phỏng vấn tụi em trả lời bằng tiếng Anh.
Tôi chợt nghĩ ra:
-Thôi rồi, chắc là anh không được đi Ottawa với tụi em rồi, hồi nãy anh trả lời bằng tiếng Pháp. Làm sao bây giờ, ở Canada chỉ có tỉnh Québec nói tiếng Pháp thôi. Mà Québec xa Ottawa mấy trăm cây số... làm sao mà gặp nhau được?

Tư Trần Hưng Đạo nghe anh em tôi đối đáp, xen vô:
-Hơi đâu mà lo, miễn là đi được. Còn việc thăm viếng nhau thì lâu lâu để dành tiền mua vé xe đò, gặp nhau mấy hồi. Ở xứ tự do mà, đâu cần phải xin giấy phép công an khu vực, với phường khóm, xã, huyện, gì...
Tôi đứng xuội lơ cứ tưởng hễ được đi Canada thì anh em sẽ được ở chung nhau nhè đâu lại có chuyện đứa ở tỉnh nầy, đứa ở tỉnh kia. Phải chi biết như vậy, khi mở hố sơ Cao Ủy đừng khai riêng rẻ ra làm chi.
Để chọc tôi, Tư Trần Hưng Đạo nói tiếp:
-... có điều các cô được ở thủ đô lớn sang trọng, còn bồ thì ở tỉnh lỵ xa xôi, cũng như người ở Sài Gòn, người ở Bạc Liêu, Cà Mau vậy.
Tôi cười trả lời anh:
-Tôi lo là anh em xa nhau, chớ chuyện ở thành phố lớn với thành phố nhỏ, quê mùa, đâu có gì quan trọng. Cái quan trọng là tổ chức cuộc sống mới sao cho thích hợp... sao cho có ý nghĩa... Chuyện giàu nghèo sang hèn tôi không để ý tới, mình đi tỵ nạn mà!

Tư Trần Hưng Đạo cười ha hả, ôm lấy vai tôi. Cả đám kéo nhau ra về. Con đường dọc theo mé biển, cát trắng nước xanh. Buổi chiều êm ả, lòng tôi lâng lâng theo từng đợt sóng rạt rào. Những sáng vất vả gian nan, những chiều đợi chờ mòn mõi... chỉ trong một cuộc phỏng vấn ngắn ngủi, tất cả tan biến như bọt sóng. Đại dương nào chứa hết niềm vui...


Võ Kỳ Điền