Sunday, May 25, 2008

Chu Văn An Và Tôi



Những ngày mới định cư ở Montreal, một thành phố lớn của Canada, tôi được người bạn thân rủ đi chơi Quebec. Thành phố nhỏ, đẹp và xinh xắn y như một thành phố bên Tây. (vì lúc nhỏ thường coi mấy hình chụp phong cảnh nước Pháp trong các sách vở, tạp chí) Hai đứa đi thang lang hết đường nầy sang ngỏ kia, cảnh đẹp như tranh vẽ, tôi là nhà quê ra tỉnh, đâm mê mang, ngó ngang ngó dọc. Chợt thấy một nhà hàng chuyên các món ăn Pháp thuần túy, có quảng cáo các món ăn ngon thêm câu ngộ nghĩnh -quí khách được coi tay miễn phí. Quảng cáo nầy hấp dẫn quá, tôi khoái chí kéo anh bạn bước vô liền. Sau khi ăn uống no nê, tôi đến bà thầy ngồi phòng bên cạnh, rụt rè chìa ra cái biên lai ăn uống và nhờ coi tay dùm. Gọi là bà chớ thật ra cô đầm nầy còn trẻ, độ chừng trên dưới 30, đặc biệt là khá đẹp. Bà nắm lấy bàn tay tôi, tôi cảm thấy tay bà mát rượi, da đầm sao mà mượt mà, êm ái như nhung. Bà cười nheo mắt, chắc tại tôi hơi run…

Bà nói nhiều chuyện về đời tôi, đại khái tánh tình ra sao, ưa màu gì, tôi ưa số mấy, giao thiệp với bạn bè và hạp với bạn gái hay bạn trai… Tôi nghe vui vui và bất chợt bà nói câu nầy : ông là người có tài nhưng không biết sử dụng cái tài đó. Ông làm cái gì cũng bỏ dở nửa chừng… rồi bà cười và kết luận -cho nên kể như ông không có tài năng gì ráo trọi, làm cái gì không ra cái gì. Lúc đó tiếng Tây tôi còn kém, giọng Quebecois lại khó nghe, đại khái tôi hiểu ý bà là như vậy. Tôi tự ái, hỏi lại -xin bà vui lòng giải nghiã cho tôi hiểu rõ hơn chỗ nầy... Bà chỉ cho tôi đường chỉ tay ngoằn ngoèo -rồi giải nghiã, khi nhỏ, ông sanh ở một nơi cư ngụ một nơi, không theo một trường nào lâu dài, nay học trường nầy, mai học trường kia, làm quen bạn gái, nay cô nầy mai cô kia, chuyện gia đình cũng vậy, nghề nghiệp cũng vậy, nay làm nghề nầy, mai làm nghề kia, nhà cửa cũng vậy, các trò chơi trong đời cũng vậy… Ông mê thì mê mang, hết mê rồi ông bỏ liền không luyến tiếc, tình cảm thì say đắm như nghệ sĩ nhưng lý trí thì của một ông thầy giáo chừng mực, thành ra đời ông cái gì cũng được có phân nửa, làm sao mà thành tựu lớn cho được, phải không nào, ông thử nghiệm lại coi. Rồi bà cười, ngay cả sống ở Việt Nam cũng có phân nửa đời thôi, bây giờ ông ở Canada nè.. mà chưa chắc ở Montreal hoài đâu, rồi ông sẽ đi nửa…

* * *

Mùa xuân nầy, tôi đến cư ngụ tại Toronto. Buổi trưa nhận cú phone người bạn mới rủ viết về những kỷ niệm học ở Chu Văn An khiến tôi đâm nhớ miên man và lan man những thầy những bạn Chu Văn An, Chu Văn An…. Những ngày tháng mới lớn. Lời của bà đầm chợt nhớ -ông đâu có học trường nào lâu. Quả đúng y như vậy, chuyện học hành của tôi cũng lung tung, tôi học Chu Văn An chỉ trọn vẹn có một năm, năm Đệ Nhứt, niên khoá 1959 -1960, tính đến nay là một đoạn thời gian quá dài đối với một đời người, có chuyện nhớ và chuyện quên...

Nhớ lại hồi đó, tôi hoàn toàn không có ý niệm nào về việc học, việc chọn ngành nghề. Hễ lớn lên là phải đi học, chớ không phải đi chơi. Như vậy là làm đủ bổn phận rồi, mà bổn phận đối với ai, đối với cái gì thì không biết, vì có ai nói gì đâu mà biết. Đậu xong Tú Tài Nhứt, khoẻ quá tha hồ đi chơi, đi chơi... Có anh bạn hỏi -mầy nộp đơn trường nào chưa. Tôi trả lời tỉnh queo -chưa, còn lâu mà. Anh ta trợn mắt, lâu gì mà lâu, còn có mấy ngày nửa là hết hạn nộp đơn vô mấy trường công rồi, coi chừng không kịp, nộp đơn xong còn phải chờ cứu xét chấp thuận, nếu được thì hay quá, không được thì năm nay mầy học ở đâu?

Tôi nghe mà đâm lo -theo mầy thì bây giờ tao phải làm sao. Anh bạn nói, mầy chỉ còn cách nộp đơn vô học Chu Văn An thôi, vì mầy đậu Bình Thứ, đương nhiên được nhận, chớ mầy nộp Pétrus Ký thì phải chờ cứu xét, rủi đông quá, thì có thể không được.
Tôi bèn ba chưn bốn cẳng xách đơn vô nộp Chu Văn An mà run trong bụng. Việc được học trường nầy là đương nhiên rồi vì có quy định rõ ràng cho người đậu cao, nhưng không phải run vì việc đó, mà tôi là dân Nam kỳ, đáng lẽ phải xin học Petrus Ký. Trường Chu Văn An là của Bắc kỳ, nghe nói học sinh Bắc Kỳ khôn ngoan, lanh lợi và ma mảnh, lại ưa đánh lộn lắm. Tụi nó đánh lộn với tụi học sinh Kỹ Thuật Cao Thắng hà rầm.. tụi Cao Thắng là dân thứ dữ, ưa dùng bù lon, kềm búa, mà không sợ, lại dám đánh lộn thì chắc là phải dữ hơn, tôi đoán vậy. Tôi vốn ở tỉnh nhỏ và chưa quen gặp gỡ bạn bè người Bắc nhiều, thưở đó người Bắc và người Nam còn xa lạ lắm, chớ không như bây giờ.

Trường là một dảy lầu hai từng, trong khuông viên trường Petrus Ký, trên đường Cộng Hoà, nó vốn là ký túc xá cho học sinh nội trú, bây giờ được dành ra cho Chu Văn An từ ngoài Bắc di cư vô, có hàng rào kẻm gai ngăn đôi hai trường ra. Ở ngay cổng ra vào cạnh Petrus Ký có quán bán bánh cuốn nóng nhưn thịt của vợ con bác tùy phái. Bánh cuốn rất ngon và thơm lừng mùi củ hành phi, không lúc nào vắng khách hàng. Tôi còn nhớ, có lần đương học, đói bụng quá thèm ăn bánh cuốn, trốn học lén ra quán ngồi ăn, bị ông Tổng (giám thị) Lãng đi ruồng, chạy trốn muốn chết, ngày đó bỏ học, lang thang ra chợ Sài Gòn, chun vô coi hát cho hết ngày.Ngày đầu tiên vào lớp, tự nhiên đám Nam Kỳ tụi tôi được chừng chục đứa, sớm làm quen nhau và giành ngồi hết mấy dảy đầu bàn. Mấy bạn còn lại ngồi chỗ nào, tôi không nhớ. Tôi may mắn gặp lại được các bạn thân là Huỳnh Thiếu Hoa và Chiêm Thanh Hoàng, hai bạn nầy cùng học Văn Lang với tôi năm vừa qua. Bàn sau lưng tôi là Triệu Quốc Mạnh, Trương Bửu Sum, Võ Văn Nho, Huỳnh Quảng….

Như vậy trước là thầy, xung quanh tôi là bạn thân hết, có gì mà sợ. Mà quả tình cũng không có gì đáng sợ. Ngày qua ngày, các bạn Bắc cũng hiền lành, cũng ham học, cũng lễ phép… y như tụi Nam chúng tôi và cũng chưa thấy tụi nó đánh lộn lần nào. Nhưng mà chưa chắc giống y, hình như tụi Bắc học giỏi hơn. Tôi thuộc hạng thông minh và khá giỏi, ở mấy trường cũ, Nguyễn Trãi, Văn Lang… thầy giảng bài là hiểu ngay liền, không thua đứa nào. Nhưng mà bây giờ mỗi lần làm bài tập so điểm lại thua vài đứa, nhứt là Nguyễn Hoàng Giáp, ngồi bên góc trái, tận phía sau. Tay nầy ốm ốm đen đen, hơi xấu trai, lầm lầm lỳ lỳ mà sao học hay quá, môn gì cũng nhứt lớp. Tôi đâm ra khó chịu, ganh tức và tìm cách chọc phá.

Nguyễn Hoàng Giáp ngồi tuốt phía sau. Mỗi lần thầy viết bài học trên bảng, thì Giáp đi lên trên cạnh chỗ tôi ngồi, đóng cánh cửa sổ lại, để ánh sánh đừng phản chiếu chói chang, cho dễ thấy. Tôi chờ khi Giáp quay lưng, đưa tay đẩy nhẹ cánh cửa mở ra và ngồi im. Khi Giáp quay về tới chỗ, thì vẫn không đọc được bài. Giáp tưởng là cửa đóng không kỹ bị gió thổi tung ra.. Giáp kiên nhẫn đi trở lên và đóng cửa lại kỹ càng, khi quay lưng đi thì Trương Bửu Sum lẹ tay tháo chốt cửa và mở toát ra… rồi cũng ngồi im ngoan ngoản. Giáp trở về, nhìn lên bảng đen chói chang, biết có đứa phá và không biết đứa nào, giận dữ và chữi đổng -đồ khốn lạn, lạn, lạn, lạn,… giọng Bắc của Giáp nặng sệt và kỳ cục, giọng Nghệ An -Hà Tĩnh gì đó, vang vang giửa lớp nghe lớn lắm, chữ lạn kéo dài ngoằn. Mấy thằng Nam tụi tôi nháy giọng của Giáp chửi lại -đồ khốn lạng, cũng lớn không thua gì giọng Giáp. Giọng Nam của chúng tôi cũng nghe kỳ cục lắm, khốn lạng, lạng, lạng… Cả lớp lúc đó không còn Nam, Bắc gì hết, xúm nhau lại mà cười rần rần. Giáo sư đang giảng bài là cha Khiết, dạy Triết, cha mặc áo chùng thâm, hiền thiệt là hiền, giửa trưa nóng bức, nghe cả lớp cãi lộn cũng ngừng lại hỏi, các con làm gì mà ồn thế…

Bạn Nguyễn Hoàng Giáp nghe đâu sau nầy là Tiến sĩ Dược Khoa và là giáo sư Đại Học Dược rồi hình như nhập ngũ, bạn có thời là Giáo sư Trường Võ Bị Đà Lạt hay Kinh Tế Chánh Trị, Kinh Doanh gì đó, tôi nghe như vậy mà không chắc… Nếu bạn Giáp tình cờ mà đọc được những dòng nầy thì cười lớn một phát nghen và cứ tha hồ chữi tiếp, cái thằng Võ Tấn Phước nầy khốn lạn thiệt tình…

* * *

Cha Khiết, dạy môn Triết thiệt là khó hiểu. Cha không soạn bài, mỗi buổi có giờ dạy thì cha cầm cuốn Triết Học Khảo Luận của Cao Văn Luận, vừa đọc vừa giải nghiã. Giọng cha trầm trầm như đọc kinh. Giữa trưa, nóng bức, lớp học lại đông, không ai còn ham muốn nói chuyện nữa, thiệt là buồn ngủ hết sức. Vậy mà có buổi vui ghê, quên luôn cả việc ngủ gục. Số là vào những ngày gần lễ Giáng Sinh, cha không dạy bài trong chương trình. Cha nói chuyện Chúa Hài Đồng được sanh ra ở thành Bethlem. Chúa ra đời ở máng cỏ ở một xứ sa mạc hoang vu, chuyện sanh nở chỉ trong vài giờ mà cha nói gần hai tuần, vẫn chưa hết… Sau khi nghỉ lễ vô, thì cha nói tiếp những đêm vui Giáng Sinh ở Pháp, ở Anh, ở Hoà Lan, ở Na uy… rồi cuối cùng cha nói tới lễ Giáng Sinh Hà Nội. Có đứa vọt miệng hỏi -thưa cha, tại sao trong đêm Giáng sinh người ta phải ăn réveillon bằng ngỗng. Cha nói đó là tập tục ở Âu Châu, có từ lâu đời. Sau đó cha nói tiếp, ở ngoài Bắc đâu có ngổng mà ăn, người ta ăn réveillon bằng thịt chó, có gì ăn nấy chớ không bắt buộc.

Việc ăn thịt chó lúc đó còn quá xa lạ đối với học sinh Nam chúng tôi và điều đó cũng là thứ cấm kỵ. Cả đám đâm ra vô phép hỗn hào với cha : -Cha ăn thịt chó, cha ăn thịt chó… Tôi cứ tưởng là cha sẽ giận dữ và rầy la, nào ngờ cha cười hiền hoà và nói -ừ ừ, cha có ăn và thịt chó ngon lắm. Chúa sanh ra muôn loài để cho người ăn thịt như mình ăn thịt bò, thịt heo, thịt gà vậy… Nghe cha nói, tôi chưng hửng và thấy mình sai lầm.

Cha Trần Trinh Khiết chắc đã mất từ lâu rồi, tôi nghĩ như vậy nhưng dáng điệu, cử chỉ khoan hoà, từ ái của cha, tôi còn nhớ mãi. Cha đúng là nhà tu hành và là nhà giáo đầy đạo hạnh. Tôi đem tâm phân biệt, chấp trước nặng nề mà phê phán cha, khó mà tha thứ được, vậy mà cha không để ý đến, coi như là không có… Bây giờ đây tuổi đời khá cao, chuyện đời đã trải, ngọt bùi, chua cay, đắng chát, nếm hết, tôi kính phục thương mến cha nhiều hơn thời còn đi học. Tôi tuy học được những bài Triết khô khan nhưng không học được công phu hàm dưỡng của cha. Lớp Đệ Nhứt của tôi năm ấy 47 học sinh, thấy chơi nhiều hơn học. Vậy mà thi kỳ nhứt đậu ngay 43 đứa và 4 bạn còn lại cũng đậu nốt kỳ nhì. Toàn là đậu hạng cao, chỉ có vài bạn đậu Thứ. Ngộ ghê chưa. Chu Văn An thiệt là giỏi.

* * *

Năm ngoái tôi có nói chuyện với bạn Chu Văn An cũ là Chiêm Thanh Hoàng, Thiếu Tá Lôi Hổ hay Biệt Kích gì đó, chủ tịch Hội Ái Hữu Võ Bị Đà Lạt, hiện nay ở Boston. Hoàng nhắc lại Chu Văn An của chúng tôi ngày xưa và hỏi tôi còn nhớ Triệu Quốc Mạnh. Tôi nói -còn chớ sao không, cái thằng hiền lành, mập mập. Hoàng cười -nó mà hiền, mầy có biết bây giờ nó làm gì không. Tôi trả lời tỉnh queo -không. Rồi hỏi -nó làm gì, khá không, có vượt biên như anh em mình không ?

Hoàng cười chua chát và cho tôi biết, sau khi Nguyễn Văn Thiệu từ chức thì Trang Sĩ Tấn cũng từ chức theo, luật sư Triệu Quốc Mạnh thay thế chức vụ Tổng Giám đốc Công An Cảnh Sát thành phố Sài Gòn trong Chánh phủ Trần Văn Hương và Dương Văn Minh. Sau ngày mất nước thì Triệu Quốc Mạnh được trọng dụng và làm lớn hơn nữa, nó vượt biên như anh em mình để làm chi.

* * *

Bà thầy coi chỉ tay nói tôi nhiều chuyện, đúng hay sai thì bây giờ chưa biết được. Nhưng chuyện bà nói tôi thường hay đổi trường và học trường nào cũng chỉ có phân nửa thì thiệt là đúng. Nếu tôi học một trường thiệt dài, thiệt lâu như các bạn ở Chu Văn An, Pétrus Ký, Võ Trường Toản, thì cò thể hy vọng tôi sẽ giỏi hơn nhiều. Tôi chỉ học Chu Văn An võn vẹn có một năm, tiếc quá…

Hình ảnh trung học Chu Văn An tọa lạc khu ngả sáu Cộng Hoà, cạnh bên Tổng Nha Cảnh Sát Đô Thành với hai dãy lầu im lìm, cũ kỹ rêu phong, thấp thoáng trong các tàn lá còng xanh muớt, vẫn còn lưu luyến hoài trong mớ ký ức bề bộn…(sau đó trường sở đổi thành Đại Học Sư Phạm và tôi cũng lại tiếp tục học nơi đây) Nhớ về ngôi trường cũ một thời chợt đến, chợt đi, tuy thời gian có ngắn, có dài nhưng đó cũng là khoảng thời gian đẹp của tuổi hoa niên. Tính ra ngày đó tôi còn trẻ măng, bây giờ già ngắc già ngơ, gần nửa thế kỷ rồi còn gì. Tìm đâu cho ra thời thơ mộng cũ ?

VÕ KỲ ĐIỀN (31-10-2008)

Wednesday, May 21, 2008

CON CHÓ ĐI LẠC



Chú Cân khập khiểng chưn thấp chưn cao đi vô nhà bếp, cặp mắt ngó láo liêng. Căn bếp khá rộng, đồ đạc ngổn ngang. Chú thấy thầy An đương ngồi lặt một thúng rau muống, lá héo vàng bên cạnh hồ nước, vách đầy rêu xanh. Lần nào cũng vậy, khi đi ngang đây chú cũng thấy mấy thầy giáo làm anh nuôi, lặt rau. Hôm nay lại tới phiên thầy An. Cái ông thầy nầy dạy Sử mà lại có ngón đờn thật ngọt. Mấy ngón tay ổng lặt rau, cũng lanh như khi ổng gảy trên dây đờn. Thầy An thấy chú Cân lò dò tới, bèn hỏi:
-Chú muốn kiếm cái gì vậy ?
-Bữa hổm tôi có để một cuộn dây luộc trên đầu tủ, bữa nay sao mất tiêu kiếm hổng ra ?

Nói rồi chú định quay đi. Cả người chú choán hết cái khung cửa cây nhỏ xíu. Trong nhà bếp, ngoài nồi nêu, soong chảo, chén dĩa, còn có một đống cuốc xẻng của ban lao động để ngổn ngang bên vách. Thầy An đưa tay chỉ một nùi dây dừa móc trên cây cột đen xám vì khói bếp:
-Phải chú muốn kiếm sợi dây nầy không ?
Chú mừng rỡ vói tay lấy, miệng trả lời:
-Ừa, vậy mà nãy giờ tôi kiếm hoài hổng thấy.
Cầm cuộn dây dài trong tay, dáng vui vẻ chú hỏi:
-Bữa nay thầy trực nhà bếp hả ? Sao hôm qua tôi cũng thấy thầy ở đây ?
-Đáng lẽ bữa nay tới phiên thầy Định. Nhưng tôi không thích dạy, bèn kiếm cách đổi với thẩy... Làm bếp cực nhưng khỏi phải nhức đầu. Nói tới đó thầy bèn so sánh:
-Lẩm rẩm vậy mà tôi thấy chú ngon lành. Cả cái trường nầy có chú là sướng. Trên thì có anh Chín hiệu trưởng, kế đó là chú...
Rồi như sợ bị hiểu lầm, thầy An tiếp:
-Ở thời nầy không dính líu tới ngụy quân ngụy quyền, không nhà cửa, đất đai, tiền bạc mà lại có bà con cách mạng làm lớn thì là hạng nhứt, phải không chú Cân ?
Chú Cân vừa dợm đi, vừa trả lời:
-Trong trường ai cũng nói y như thầy mà tôi thấy có sướng gì đâu. Tháng nào tôi cũng được tuyên dương cá nhân tiên tiến...
Rồi chú hạ thấp giọng, ngập ngừng:
-Tiên tiến mà không có tiền cũng hổng sướng...

Nói xong chú quay ra, cái chưn có tật đi khập khiễng, tay tháo lần cuộn dậy. Sợi dây dừa nhỏ bằng ngón tay út được tuôn ra thẳng dài kéo lệt bệt trên sàn xi măng. Chú thắt một mối ở đằng đầu, lấy tay ướm ướm cho mối thắt chặt lại. Nắng đã bắt đầu nong nóng. Ngoài sân trường ánh sáng chói chang. Căn phòng của chú Cân ở cuối sân, cạnh kho chứa đồ cũ của nhà trường, cách nhà bếp một khoảng đất trống cỏ mọc lan tràn. Chú không có thì giờ để làm cỏ dọn dẹp. Từ sáng sớm phải mở cổng trường, quét lớp quét sân. Công việc bề bộn kéo dài mãi cho đến chiều tối, nhứt là cho đến mấy ngày gần Tết như lúc nầy. Trong lớp ngoài sân chỗ nào cũng rác ngập đầu. Chú lo dọn dẹp hằng mấy chục phòng học vừa đủ hết hơi, còn sức đâu mà lo tới cái phòng riêng nữa. Cái phòng chỉ dành để ngủ, có được một cái giường và một cái bàn còn dùng được. Bên vách để một đống đồ cũ vụn vặt gồm có bàn học trò, ghế ngồi gãy chưn, bảng viết lủng lổ.
Hồi sáng nầy lúc trời còn lờ mờ tối, chú đương ngủ bỗng giựt mình vì nghe tiếng lục đục dưới gầm giường. Cứ tưởng là có ăn trộm, chú nằm im để lắng nghe. Có tiếng quào rột rột ở bên vách, hồi lâu có tiếng gâu gâu nho nhỏ. A, thì ra có con chó đi lạc vô phòng. Đương ngủ bị phá đám đâm bực mình, thuận tay chú vớùi lấy thanh cũi để kế bên quăng mạnh. Khúc củi lớn nặng, trúng cái bịch trên lưng, con chó kêu ẳng ẳng cong đuôi chạy mất.

Chú nằm cố ngủ nướn thêm một chút. Trời còn tối mò mò, giấc ngủ không chịu đến. Nằm trên giường mà đầu óc chú nghĩ ngợi lan man. Còn mấy ngày nữa là hết năm. Làm việc quần quật mà vẫn không dư một đồng một chữ để ăn Tết. Cuộc đời không buồn mà vẫn chưa thấy gì vui. Ngày tháng cứ lần lượt qua, tết nhứt tới hồi nào không hay. Đã trên hai mươi năm giúp việc cho trường nầy, chú quen mặt hầu hết các thầy cô giáo. Có người đổi tới rồi có người đổi đi. Riêng năm nay, mới có mấy tháng mà trường đổi tới ba ông hiệu trưởng. Ông hiệu trưởng cũ người Bắc di cư, dáng nghiêm nghị, nói năng điềm đạm, chững chạt. Tuy vậy có nhiều lần ông nói chú không hiểu. Một hôm ông nhờ chú mua dùm gói thuốc hút. Chú lấy tiền rồi đi vụt ra cửa. Ông nói :
-Không gấp, làm gì mà cuống lên thế ?
Chú nghe xong ngạc nhiên quay trở lại, hỏi :
-Ông nói cái gì tôi không hiểu, cuống lên là cái gì ?
Thấy cái mặt chú ngơ ngác, mấy ông giáo sư ngồi bên cười ầm lên. Một lần khác trong bữa tiệc tất niên, ông hiệu nhờ chú mua thêm một ít lạc rang. Chú ngó quanh ngó quất, cuối cùng khều khều thầy Định hỏi nhỏ:
-Lạc rang là món gì vậy ?
Đến khi được thầy Định giải nghiã cho biết, chú tiu nghỉu:
-Sao ổng hổng chịu nói đậu phọng, tui đâu có hiểu tiếng Bắc !

Dù vậy chú vẫn kính nễ ông hiệu trưởng vì ông học rất giỏi. Các thầy cô giáo sư cùng học sinh cũng kính trọng và thương yêu ông lắm. Riêng đối với chú, ông hiệu rất vui vẻ, dễ chịu. Thỉnh thoảng ông thường cùng chú tâm sự. Chú ít nói mà thích nghe. Có món gì ngon ông thường rủ chú cùng ăn. Tình thầy trò cũng như tình anh em. Rồi ngày cách mạng về, ông hiệu của chú bị bắt đi học tập nơi khỉ ho cò gáy nào cũng không biết nữa. Chú buồn lắm. Ông hiệu mới tới người Nam, nghe nói lúc trước làm giáo viên bên trường tiểu học, có theo Việt Cộng một thời gian. Ông nầy thì quá tốt đối với chú, nói tiếng Việt Nam dễ nghe. Ngày ông mới về trường, trong buổi họp hội đồng giáo viên, ông đã mời chú ngồi ở hàng ghế danh dự rồi ca tụng chú không tiếc lời. Chú cảm động muốn khóc. Đầu óc suy nghĩ hoài mà cũng không hiểu tại sao mấy ông giáo sư học giỏi như vậy mà lại không được khen, trong khi đó sức học của chú còn thua mấy đứa học trò lớp nhỏ. Chú có hỏi thầy An, thầy nầy giải nghiã:
-Nhà trường xã hội chủ nghiã đặt nặng trọng tâm lao động. Người nào lao động giỏi thì người đó được khen. Chú lao động giỏi nhứt, nhiều nhứt ở đây thì được khen là phải rồi, thắc mắc gì nữa...
-Ủa, tôi tưởng là trường dạy đọc sách với làm toán chớ. Ai ngờ bây giờ lại dạy lao động, ngộ quá hả. Mà nói vậy đi học làm chi, dốt như tui coi bộ sướng hơn...
Thầy An gật đầu nói nho nhỏ:
-Bây giờ tụi tôi muốn dốt hết mà không được. Lở học giỏi, khổ muốn chết. Chú thấy ông hiệu của mình không ?

Rồi cũng không bao lâu lại đổi tới ông hiệu mới nữa. Ông nầy cũng người Bắc nhưng là đảng viên, tánh tình lại khó chịu. Tiếng Bắc của ông lại khác xa ông hiệu cũ. Ông nói nhiều chữ khó hiểu quá. Cái gì mà "đại bộ phận" "hạ quyết tâm" "chủ yếu "ø "động viên" "quản lý "... chú hoàn toàn mù tịt . Ông khó tánh nên chú không dám hỏi lại. Phần lớn chú phải đoán mò, nhiều khi lịnh một đàng mà làm một nẻo. Ông lại ưa rầy la nạt nộ nhân viên. Thỉnh thoảng còn đi vô phòng chú ngó từ trên xuống dưới, lấy món nầy món kia đem về phòng riêng để dùng. Tết nầy chắc ông ta ở lại trường chớ làm sao mà về Bắc ăn Tết cho kịp... Nghĩ vẩn nghĩ vơ một lúc chú chợt nhớ tới con chó. Phải chi có được một con như vậy cũng đủ vui với bà con lối xóm ba ngày Tết.

Ừ, mà tại sao chú không bắy lấy con chó đó làm thịt ? Hình dáng con chó hồi nảy hiện rõ trong đầu. Nó đứng gần cái cột vuông, bụng thon lưng dài, bốn cẳng cao cao, lông vàng vàng, cái đuôi chỏng lên trời. Cái loại chó vàng nầy có hạng lắm chớ. Ông già Sáu ở cuối xóm trong những cơn nhậu ba ngù thường ngâm nga câu thiệu "nhứt mực, nhị vàng, tam khoang, tứ đốm". Nó chỉ thua có con mực, còn loại chó đốm, chó vá, chó cò là đồ bỏ. Trời ơi, con chó ngon lành đứng ngay trước miệng, vậy mà chú tính không ra, đầu óc tối tăm thế nào mà lại đánh đuổi nó đi. Thiệt là uổng của trời. Có cái ngu nào lớn hơn cái ngu của chú sáng hôm nay hay không ?

Chú tức mình lấy tay đập xuống giường rồi chỗi dậy. Rửa mặt qua loa, chú cầm lấy cây chổi, bắt đầu công việc của một ngày. Công việc nhàm chán đã hai mươi năm qua không thay đổi. Từ các lớp chú quét lần ra ngoài hành lang. Rác rến đầy khắp. Chú phải đem ra đổ ở hố rác nhiều lần. Mãi cho đến cuối sân, trong ánh sáng mờ mờ, chú chợt thấy con chó đi vẩn vơ xung quanh gốc điệp, cái mình tròn lẳng, cái bụng thon thon. A, nó vẫn còn đây. Chú cố nhớ lại ở cái xóm nầy, gần trường học đâu có ai có con chó giống con nầy. Chắc là ở xa đi lạc, không có gì phải bận tâm. Chú lại gần lấy cây chổi đập đập, đe dọa. Con chó quay đầu lại nhìn, bốn chưn từ từ bước tới. Chú lùa nó lần về phòng. Không ngờ con vật lại dễ thương ngoan ngoản đến như vậy. Nó đi từ từ mà không chạy. Con chó quên mất khúc củi và người quăng. Đến khi nó lọt vô trong phòng chú đóng ập cửa lại, khoá kỹ rồi yên chí trở ra tiếp tục công việc cho xong.

Buổi sáng đó chú quét mấy cái hành lang dài mà không thấy mệt. Xong rồi chú đi lại nhà bếp để kiếm sợi dây cột chó. Khi thắt xong cái mối thì chú đã về tới trước cửa phòng. Bên trong có tiếng chó gâu gâu. Chú mở khoá, đưa tay đẩy nhẹ cửa. Con chó lạ vẫn còn đứng ở đầu giường nhìn chú gừ gừ, mắt ngơ ngác. Con chó dài đòn mà mập, bốn cẳng thon thon cao cao, cái đuôi dựng đứng. Chú làm bộ không ngó tới nó, lo làm một vài công việc khác. Con vật không đề phòng đi đi lại lại bình thản, cái đuôi nghiêng ngả như cái cán cờ. Chú Cân nắm chắc sợi dây, xuất kỳ bất ý vòng vô cổ chó giựt mạnh. Con chó hoảng hốt, tông chạy ra cửa. Cả thân hình nó bị sợi dây ghì mạnh, hai chưn trước bị giựt lên hỏng đất, hai chưn sau khụy xuống, cổ bị xiết chặt. Bốn chưn nó cựa đạp lung tung, miệng kêu ăng ẳng thiệt lớn nhưng tới lúc bị nghẹt thì chỉ nghe tiếng khè khè. Nó đành chịu trận nằm im. Chú Cân lui cui cột đầu dây còn lại vô gốc cột, miệng cười hể hả, trong bụng khoái chí. Đúng là của trời cho. Cái số được ăn ngon thì dẫu nằm nhà đồ ăn cũng tới ngay miệng.

Chú Cân càng suy nghĩ càng sung sướng. Chú khoái chí xách cái ấm nước bằng nhôm đen thui đi ngay ra nhà bếp để nấu một bình nước trà. Thầy An vẫn còn ngồi đó nhưng đang nấu cơm cho buổi ăn trưa. Cơm đã gần chín. Chú Cân lại gần đặt ấm nước ở bếp kế cận:
-Tết nầy thầy có về Sàigòn không ?
-Về chớ chú. Mai là tôi đi. Mùng sáu mới trở lên.
Chú Cân cười cười:
-Phải thầy không về, ở lại trường ăn Tết với tui. Vui lắm. Tui vừa bắt được con chó ngon lành, định rủ thêm vài người bạn lối xóm với mua vài lít rượu đế là có một cái Tết huy hoàng. Mà thầy có thích ăn thịt chó không ?
-Tiếc quá, tôi chưa được ăn lần nào. Không phải không ăn được nhưng gia đình không cho ăn nên thôi. Chớ rắn rùa, lươn, ếch, chuột, dơi gì tôi cũng làm ráo nạo. Nhiều khi cũng muốn thử một lần cho biết nhưng chưa có cơ hội...
Chú Cân hứng chí:
-Ờ, ờ, có dịp nên thử một lần, ngon lắm. Không có loại thịt nào qua nổi. Thôi Tết nầy ở lại đây đi. Con nầy mười người ăn cũng không hết. Thầy không nghe mấy ông giáo Bắc kỳ nói sao -"sống trên đời không ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không" Tôi cam đoan thầy ăn thử một lần thì mê luôn. Người ta nói như vầy -thịt chó dính vô kẻ răng quên không xỉa, ba ngày miệng vẫn còn thơm !
Thầy An cười ngất:
-Thôi thôi, chú Cân ơi ! Tôi tin rồi, nói nữa nghe phát thèm. Tết nầy tôi dám ở lại lắm à nghen... Thế nào tôi cũng phải ăn một lần cho biết. Mà chú có biết cách làm thịt không?
Chú Cân trợn mắt khoa tay:
-Nghề ruột của tôi mà thầy. Ở xóm nầy ai muốn" hạ cờ tây" là phải nhờ tôi đó. Làm riết rồi đâm quen tay. Nội cái vụ cột bốn chưn cũng phải có cách, không phải dễ đâu. Nè nghe, trước hết mình phải cột chặt miệng nó lại cho khỏi cắn. Rồi cột hai chưn sau lại với nhau. Hai chưn trước mình bẻ ngoặt lên trên lưng rồi mới cột dính lại. Cột như vậy thì nó hết dãy dụa. Rồi mình lựa cái mạch máu lớn ở trên cổ mà cắt. Khi nào nó sùi bọt mép ra là chết...
-Ủa, chớ chú không bỏ vô bao bố dìm xuống sông cho chết sao ?
-Làm như vậy thì dễ hơn nhưng mình không làm món tiết canh được. Tui làm theo cách của người Bắc, thịt nó trắng ngon hơn. Còn nhận nước thì thịt đỏ bầm hết ngon. Còn cái vụ làm lông phải thui bằng rơm thiệt kỹ, nếu không vậy thì hôi, khó ăn. Lúc bắt đầu làm, phải nấu một nồi nước sôi lớn, khi cắt tiết xong, lấy gáo múc nước sôi xối từ từ cho đều. Khi nhổ lông phải cho khéo đừng để tuột da. Nhổ rồi lấy rơm đốt để thui. Không được đốt nóng quá, ngọn lửa phải đều, lấy quạt quạt nhè nhẹ cho lửa táp đều đặn vào thân chó. Bao nhiêu lông còn sót lại đều phải đốt cho cho cháy sạch. Da bắt đầu vàng từ từ. Nhưng phải tránh đừng để ngọn lửa nóng hăng quá, da nứt hết. Khi nào thấy da vàng đều, mỡ bắt đầu chảy ra bốc mùi thơm là được. Hấp dẫn lắm thầy An ơi, lúc đó mình tự nhiên nghe đói bụng rồi lại thèm một ly đế nữa...
-Uả, vậy là chú làm món thịt chó nướng hay thịt chó quay hả ?
Chú Cân cười khoát tay:
-Đâu phải, nãy giờ là tui chỉ mới làm lông thôi. Còn phải rửa lại cho thiệt sạch, rồi để lên trên một cái nia lót lá chuối, lấy dao mổ bụng, cắt đầu, cắt bốn chưn để riêng. Còn bộ đồ lòng phải làm cho thiệt kỹ. Ruột non để dành làm dồi. Đừng có cắt cái bao tử với ruột, để hai thứ dính nguyên như vậy. Cái bao tử cắt phân nửa ở trên, phân nửa dưới dính với ruột phải xát muối, cạo rửa cho thiệt sạch, lộn vô lộn ra cho kỹ. Rồi mình lấy cái bao tử làm cái quặng để nhét huyết, mỡ, đậu xanh, rau thơm vô rồi luộc. Nên nhớ nhét lưng lưng thôi. Vì khi nấu, đậu xanh nó nở ra, dồn cứng quá, khúc dồi nó bể thì hư hết. Nước luộc đó mình bỏ vô vài nắm gạo, một lon đậu xanh, nấu chung với tim, gan, phèo phổi, thì có được một nồi cháo thượng hảo hạng. Cháo bào ngư ở Chợ Lớn cũng không bằng...

Câu chuyện đến hồi gay cấn, cái món thịt chó nghe mà sao hấp dẫn như vậy. Người nói lẫn người nghe, cả hai đều ứa nước miếng, bụng đói cồn cào. Chú Cân định tả tiếp các món khác bỗng thấy anh Chín hiệu trưởng chợt đến, chú ngưng ngang. Các giáo viên khác lục tục kéo vào nhà bếp. Anh Chín đứng ngay ở khung cửa hẹp, hỏi giọng hách dịch:
-Sáng nay chú làm gì mà để một đống rác ngùn ngụn ở giửa sân thế kia ?
Chú Cân bị hỏi bất thần, không kịp chuẫn bị, lính quính trả lời lắp bắp:
-Tại, tại, con chó...
Anh Chín hỏi dồn:
-Con chó nó làm ra được đống rác đấy hả ? Mà chú nói con chó gì đấy ?
Chú Cân thiệt thà khai ra:
-Dạ, dạ, sáng nay tự nhiên có con chó nó chun rào vô trường. Em chờ hoài không thấy ai kiếm nên biết chó đi lạc không có chủ, em mới bắt..
Anh Chín hiệu trưởng nghe tới đây bèn sửa lại điệu bộ nghiêm trọng, ngó lướt qua các giáo viên đứng vây quanh.
-Rồi chú để nó ở đâu, đã làm thịt chưa ?
-Dạ, dạ chưa. Em còn cột nó ở trong phòng.
Anh Chín suy nghĩ thiệt lẹ trong đầu rồi cười gằn, miệng nói trơn tru:
-Chú có biết con chó đó của ai không ? Tôi nói cho biết, nó là của tôi. Tối hôm qua tôi xin được của một người quen.

Chú Cân nghe xong rụng rời. Giấc mơ mới có nửa chừng thì bị sụp đổ. Mồ hôi rịn ra lấm tấm trên mặt. Hình ảnh con chó thui vàng ngậy chập chờn. Mùi mỡ thơm phảng phát đâu đây. Những khúc dồi luộc, những miếng thịt nướng, thịt luộc trong ba ngày Tết lởn vởn trong đầu. Chú biết là anh Chín hiệu trưởng nói láo để giựt cho bằng được con chó, nhưng biết làm sao bây giờ. Chú đành nuốt nước miếng... rồi ngó qua thầy An. Thầy An cũng biết rõ câu chuyện y như chú vậy nhưng đành câm miệng, không dám có ý kiến. Bộ muốn đi học tập bỏ vợ bỏ con chết đói sao mà dám chọc giận xếp lớn. Thầy đành cười cười, dáng tự nhiên, không lộ vẻ binh ai. Tuy trong thâm tâm thầy đứng về phe chú Cân, đồng thời cũng tự thấy tủi nhục. Nhìn sự bất công mà không dám can thiệp thì thiệt là hèn. Ôi, cái nợ cơm áo khiến người ta ích kỷ nhỏ mọn.

Trong cái giây phút căng thẳng đó, tự nhiên chú Cân đâm nổi khùng sẳng giọng:
-Anh Chín nói láo để giựt con chó của tui. Anh nói con chó của anh xin, vậy chớ lông nó màu gì ? Chó mực, chó cò, chó vện hay chó vá, chó bẹc-giê ? Anh nói trúng, tôi trả liền.
Cái phản ứng của chú Cân quá dữ dội, anh Chín hiệu trưởng không ngờ tới. Đám thầy giáo thấy tình hình căng thẳng, đều đổ dồn lại để coi. Họ thấy cái mặt của anh Chín từ màu đỏ đổi sang màu vàng, từ vàng đổi thành xanh, rồi cái môi anh run run. Làm ra dáng thật tự nhiên, anh vổ vai chú Cân:
-Chuyện không có gì, chú đừng có nóng. Tôi đã làm gì nào. Ối dào, con chó ấy hở. Hôm qua trời tối quá, tôi nhìn không rõ lắm... hình như nó màu trăng trắng...
Anh nói xong liếc nhanh qua mặt chú Cân. Thoáng thấy chú nhếch mép vẻ tỉnh táo, anh nghĩ là trật nên tiếp theo:
-Mà cũng hơi vàng vàng.
Rồi anh tiếp luôn cho chắc ăn:
-Cũng có vài đốm đen đen.
Chừng như cảm thấy câu trả lời chưa vững, bên ngoài có tiếng mấy thầy cô giáo xì xào, đối phương có vẻ chưa nao núng, anh Chín tỏ dáng thân thiện:
-Thôi tôi đề nghị với chú Cân thế nầy nhé - mình thịt chung rủ anh em trong trường đánh chén với nhau một bửa bằng thích. Con chó của tôi cũng như của chú... mà cũng là của chung hết cả thẩy anh em ở đây. Ta cùng nhất trí nhé !
Chú Cân lấy lại bình tĩnh, không còn sợ hãi chút gì nữa. Chú gằn giọng:
-Anh nói trật lất. Con chó gì mà màu vàng vàng, đen đen, trắng trắng. Tui không trả. Anh làm gì tui thì làm. Đi tới đâu tui cũng tới...

Nói xong chú đứng dậy bỏ đi ra, mặt hầm hầm. Chú Cân bữa nay ngon lành thiệt. Chỉ độ một lát, cả trường từ thầy đến trò, ai cũng biết cái tin sôi động hấp dẫn là chú Cân dám chơi anh Chín hiệu trưởng. Tất cả đều hả hê sung sướng vì được người thay mình mà trả hận dùm.
Nhưng cái niềm vui đó chỉ kéo dài được cho tới chiều. Gần giờ tan học, người ta thấy chú Cân lôi con chó vàng, cái đuôi chỏng lên trời, tay cầm mảnh giấy lên trình diện trên ty, cái mặt méo xẹo. Mảnh giấy có ghi mấy hàng chữ viết tay nguệch ngoạc: "...có con chó của Ty Giáo Dục đi lạc vô Trường Cấp Ba Thị Xã. Yêu cầu đồng chí hiệu trưởng cho người tìm kiếm và giao hoàn về Ty ngay trong chiều nay...." Cái miếng giấy đáng ghét đó ở bên dưới lại có đóng dấu son đỏ chói với chữ ký của Sáu Việt, trưởng ty, rõ ràng. Chú Cân làm sao dám cãi. Ánh nắng buổi chiều còn vương trên các đọt cây ven đường. Cái khoảng cách từ trường đến Ty bữa nay sao mà xa lơ xa lắc !
°
Chiều ba mươi Tết năm ấy, ở nhà anh Sáu trưởng ty có một bữa tiệc thịt chó. Mọi người đã say ngà ngà. Đầy bàn chén dĩa ly tách ngổn ngang. Trong phòng mùi thịt nướng thơm phức, mùi rượu đế cay nồng. Anh Chín hiệu trưởng với tay lấy một cặp chả, gỡ ra để vào đĩa trước mặt anh Sáu:
-Mời anh Sáu dùng thử một miếng chả nướng. Chả nầy nướng bằng than tàu, quạt liền tay cho mỡ rỏ xuống than rồi nó bốc khói, khói quyện lấy vào miếng chả... Anh để ý nhé, nó thơm quá đi mất anh ạ. Ôi chao, cái mùi thơm phưng phức, thơm quá là thơm !
Sáu Việt miệng hớp một ngụm rượu, tay tuốt gắp chả, gật gù:
-Đúng đấy, con chó béo bở như thế nầy, phải dành cho dân cán bộ Hà Nội chính cống bọn mình bồi dưỡng mới đúng. Chứ để cho bọn Nam bộ ấy mà thịt con cầy nầy thì phí lắm. Tụi nó có làm ra trò trống gì. Giá mà không có mưu kế của chúng mình thì nó đã lọt vào tay cái thằng gì... gì ấy nhĩ, ôi chao hỏng bét ! Cứ kể như là vất đi....

Võ Kỳ Điền
(trích trong Kẻ Đưa Đường, 1986 )

Tuesday, May 20, 2008

ÔNG BẢY THỢ RÈN



Ông bảy thợ rèn ở gần nhà ngọai tôi trong một khu phố lụp xụp cạnh tỉnh lỵ. Đường vào lò rèn trải đá xanh lồi lõm dơ dáy, nhất là vào mùa mưa. Nhưng mùa nắng con đường nầy cũng vẫn lầy lội vì bên hông nhà ông Bảy có cái giếng nước. Suốt ngày từ sớm mai tới chiều tối, không lúc nào không nghe tiếng thùng thiếc va vào thành giếng loảng xoảng. Khu nầy chưa có nước máy nên cả xóm phải nhờ vào cái giếng. Lò rèn của ông Bảy vốn đã náo nhiệt, lại càng náo nhiệt hơn. Người ta chờ đợi tới phiên để lấy nước, rảnh rổi qua bên ông Bảy coi rèn dao rèn kéo, nói chuyện nắng mưa. Tôi khoái nghe ông Bảy nói chuyện, bất cứ chuyện gì. Chưa bao giờ tôi thấy ông mặc quần áo nào khác ngoài cái quần xà lỏn đen. Ngực nở nang, da đen bóng thường đỏ hồng dưới ánh lửa. Tuy tuổi đã trên năm mươi mà thân thể ông còn lực lưỡng lắm. Các bắp thịt nổi lên cuồn cuộn. Chiếc búa tạ thật to mà ông cầm coi nhẹ nhàng. Từng nhát búa đập trên thỏi sắt nung đỏ, lửa văng tung tóe như đốt pháo bông. Những buổi trời mưa lành lạnh, ngồi bên lò than đỏ rực, coi ông Bảy rèn dao, miệng bàn đề bốn chục con thì không còn gì sướng hơn nữa.

Ông ngọai tôi và ông Bảy là hai ông bạn già tâm đầu ý hợp. Lúc nào tôi qua nhà ngọai mà không có thì chắc là ngọai ở lò rèn, chớ không đâu khác. Hai ông mà bàn đề thì khỏi nói, nổi tiếng ở cái xóm nhỏ nầy. Có lần ngọai tôi cầm tờ Thần Chung chỉ vào cái mục “Thì Thầm” có cái câu -người sáng suốt phải nhìn trước trông sau, cho ông Bảy thấy. Ông ngọai tôi trầm ngâm, suy nghĩ hồi lâu rồi nói :
-Tôi chắc con chó. Đúng rồi, đánh số 11 là được.
Ông Bảy hỏi tại sao ? Ông ngọai tôi được dịp bèn giải nghĩa :
-Sách nho có câu “lang bạt kỳ hồ, thóai sĩ kỳ vĩ” nghĩa là con chó sói tiến tới trước thì vướng cái nọng, thối lui ra sau thì vướng cái đuôi, cái thế không biết phải làm sao, ý nói là tiến thóai lưỡng nan.
Rồi ông chép miệng:
-Cái thằng ra thai đề ác thiệt. Nó nói nhìn trước trông sau. Trước là cái nọng chó sói, sau là cái đuôi chó sói đó mà, anh Bảy nghĩ coi đúng không ?
Ông Bảy cười đưa hàm răng sún ra, nói :
-Ờ, ờ, cũng có lý. Nhưng theo tôi tính, chắc là con heo. Tôi thấy cái ý “nhìn trước trông sau” đó.
Tôi ngồi kế bên ngẩn ngơ, không hiểu tại sao lại là con heo, bèn vọt miệng hỏi ông Bảy :
-Bộ con heo ưa nhìn trước trông sau hả ông Bảy ?
Ông Bảy cười :
-Mầy không hiểu gì hết. Bàn đề phải lấy ý nghĩa sâu xa, chớ đâu phải thấy thế nào đánh thế đó. Nói như mầy thì ai đánh đề cũng trúng hết, làm giàu mấy hồi. Để tao giải nghĩa cho nghe nè, cái ý ở hai chữ “trông sau” đó. Trông sau là nhìn ra phía sau. Vậy là quay lại. Quay là heo quay. “Các chú” ưa ăn heo quay !

Tôi hiểu ra, khóai quá nhảy tưng tưng, cầm tiền của hai ông chạy một mạch lại nhà chú Cánh để mua con heo với con chó. Chiều đó, đề xổ con vịt. Hai ông già bứt đầu bứt cổ tiếc hùi hụi, tức mình vì quên mất món vịt quay.

Thuở đó, tôi độ mười hai, muời ba tuổi. Mỗi ngày tôi được trao cái nhiệm vụ thật quan trọng là vào mỗi sáng sớm chạy ra sạp báo mua tờ Thần Chung cho ông ngọai và tờ Tiếng Dội cho ông Bảy. Hai ông thì coi mục “Thì Thầm” với mục “Nhỏ To” để bàn đề, còn tôi thì giành lấy trang trong để coi “Châu Về Hiệp Phố” của Phú Đức. Cái tánh mê tiểu thuyết và chuyện lạ chất chứa trong bụng từ nhỏ. Có hôm thầy giáo dạy địa dư nói về trái đất tròn và quay chung quanh mặt trời, tôi bèn khoe với ông Bảy, ổng trợn tròn cặp mắt :
-Mầy nói cái gì lạ vậy ? Nói lại tao nghe coi !
Tôi nói một mạch :
-Ông thầy giáo nói trái đất tròn như trái banh. Nó quay suốt ngày không bao giờ ngừng. Mà nó quay nhanh lắm...
Ông Bảy lắc đầu :
-Tao không tin. Nếu trái đất tròn tại sao mình đứng được không té. Nếu nó nhúc nhích, lăn như trái banh là mình đã lọt ra ngòai rồi. Bằng chứng là nó bằng phẳng như mầy thấy đó và đứng im nên mình mới cất nhà được. Nếu nó động đậy thì nhà cửa rung rinh hết.
Tôi cãi lại :
-Tại vì trái đất nó lớn quá nên mình tưởng nó bằng. Thiệt ra trái đất tròn, ông Bảy không tin ra Vũng Tàu coi, mặt biển cong vòng hà...
-Tao chưa đi Vũng Tàu lần nào nên không thấy biển. Cái gì tao không thấy thì không tin.
Tôi tức mình, sách vẽ rõ ràng trái đất tròn mà ông Bảy nói nó vuông, bèn chứng minh y như thầy giáo đã dạy :
-Ông Bảy đứng ở bờ biển sẽ thấy tuốt ở đàng xa cái ống khói tàu. Rồi khi tàu đến gần sẽ thấy thân tàu rồi khi tới bờ sẽ thấy rõ cả chiếc tàu. Như vậy là tại trái đất tròn, nó cong nên mình mới thấy cái ống khói trước.
-Tao không tin vì tao chưa đi ra biển lần nào làm sao thấy cái ống khói tàu. Vô lý ! Mà nếu nó quay như trái banh thì mình lọt tuốt ra ngòai rồi.
Tôi kiên nhẫn chứng minh nữa :
-Trái đất quay nhanh nhưng mình không lọt ra là nhờ có trọng lực. Ở ruột trái đất có một cái sức hút tất cả mọi vật xuống dưới đất nên mình không rơi ra ngòai.
Ông Bảy lắc đầu nguầy nguậy :
-Cái thằng bữa nay nói chuyện tầm bậy không hà ! Con chim nó bay tại sao không bị hút xuống đất ? Mầy có giỏi giải nghĩa cho tao nghe đi. Mấy cái thằng Tây thực dân dạy tầm bậy tầm bạ. Đồ cái thứ xâm lăng ăn cướp. Hôm qua thằng Tèo cảm sơ sơ đi lên nhà thương, bị chích chết ngắc. Phải chi ra tiệm chú Hỉ mua gói “ngọai cảm tán” thì đâu có sao ! Mầy coi chừng đó, ngày nào trong trường bắt chích ngừa thì phải trốn cho kín. Chớ dại dột mà nghe lời tụi nó. Phải khôn ngoan để ý, đừng có tin bậy bạ. Thiệt mầy còn nhỏ nên ngu quá trời ! Tao già rồi, làm sao nó gạt được. Cái gì thấy rõ ràng thì mới tin. Đừng nghe nguời ta nói.

Tôi bán tín bán nghi. Hổng lẽ thầy giáo tôi dạy bậy. Mà ông Bảy nói cũng có lý. Ông đã từng trải, già đời rồi. Con cái lớn cỡ ba má tôi. Ông ngọai tôi cũng phục ông Bảy lắm. Bằng chứng là cái vụ đánh đề, ông Bảy đôi khi còn trúng, còn ngọai tôi thì ít khi. Tôi lại đem cái vụ Tây thực dân ra hỏi ông ngọai. Ông ngọai tôi cũng nói y như ông Bảy. Thiệt là hai ông già tâm đầu ý hợp. Nhiều khi đọc báo thấy Tây bị đánh ở sông Lô, sông Đà, hai ông sướng khóai lắm. Vui nhứt là hôm ký hiệp định Genève, tôi phải đứng chờ đợi, giành giựt mãi mới mua được tờ báo rách. Chạy u về đưa cho ông Bảy. Ông rướm rướm nước mắt như muốn khóc, nói nghẹn ngào :
-Vậy là nuớc mình yên rồi. Thôi kỳ nầy thằng Út về tôi cuới vợ cho nó, bắt ở nhà hú hí với tôi.
Ông ngọai tôi cũng cảm động không kém :
-Tôi cũng vậy, thằng Bảy bỏ nhà đi cả chục năm nay. Bây giờ yên ổn thì về lo chăm sóc ruộng vườn. Căn nhà huơng hỏa là phần của nó đó. Mấy mẫu ruộng ở Xóm Muơng cũng đủ sống rồi. Nghỉ ngơi cho khỏe.
Đêm đó hai ông thức tới khuya, nhậu đã đời. Mấy ông già lối xóm cũng đến chén chú, chén anh, tôi phải chạy ra tiệm chú Cánh mua ruợu thêm. Vui quá.

Cậu Bảy tôi với chú Út nghe nói lại đi theo Việt Minh, từ hồi bốn muơi lăm lận, cái thời tầm vông vạt nhọn. Lúc đó tôi còn nhỏ xíu. Tôi còn nhớ mang máng mấy nguời lớn thường cầm cờ đỏ sao vàng vừa đi vừa hát. Rồi có những buổi hội họp gì bí mật lắm. Bây giờ câu chuyện mười năm trước được nhắc lại. Tuy không biết gì, tôi cũng nôn nao muốn làm nguời lớn để đi đánh Tây cứu nước. Công lao đó chú Út với cậu Bảy tôi hưởng hết trơn rồi, còn đâu tới phiên tụi con nít như tôi. Mùa nghỉ hè tôi về quê nội ở Hậu Giang thì ông ngọai với ông Bảy lặn lội rủ nhau đi Xuyên Mộc để tiễn đưa hai nguời con đi tập kết ra Bắc. Chú Út với cậu Bảy tôi cũng không biết bao giờ về nữa. Đất nước chưa yên. Thân trai còn nặng nợ. Hai ông già vẫn không nguôi hy vọng chờ đợi một ngày rất gần, gia đình được xum họp.
Đất nước lại bị chia đôi. Tàu Nga và Ba Lan chở từng đòan chiến sĩ trong Nam ra Bắc. Trong khi đó thì tàu Mỹ và Pháp chở hàng triệu đồng bào vào Nam.
Ông Bảy nhìn những nguời mới tới, lắc đầu than thở :
-Ở ngòai đó sướng quá. Cách mạng thành công, đất nước độc lập thanh bình, tụ do hạnh phúc, bỏ đi chi cho cực khổ như vậy. Tôi mà còn trẻ, thì cũng xin ra ngòai đó... lập một cái lò rèn !
Vài tháng sau trước lò rèn có một cái xe phở. Bác bán phở cỡ tuổi ông Bảy thợ rèn. Không biết bác ấy tên gì nhưng nghe nói chuyện thường có tiếng cơ ở phía sau nên cả xóm gọi mãi thành tên. Bác Cơ bán phở ngon lắm mà lại rẻ. Xóm lò rèn bắt đầu được nếm món ăn Bắc. Ăn phở thì thích nhưng nghe bác Cơ nói chuyện thì không chịu được. Bác nói ở ngòai Bắc người dân sống khổ cực. Công an kìm kẹp, theo dõi, bắt bớ. Dân chúng làm quần quật mà không có ăn. Nhà cửa, đất đai, xe cộ gì cũng bị tịch thâu hết. Sống thua con bò, con heo !

Ông Bảy nghe chuyện đó, mặt hầm hầm, nói với tôi :
-Thằng cha bán phở đó là công an tuyên truyền. Nó nói xấu Việt Minh. Nguời ta làm cách mạng là để đem lại hạnh phúc ấm no cho dân chúng. Nếu dân chúng khổ cực, cơm không có ăn, áo không có mặc, bị bắt bớ giam cầm thì làm cách mạng làm chi ! Mầy đừng có ăn phở của thằng cha đó nữa. Tao ghét tụi tuyên truyền lắm !
Thấy ông Bảy nói có lý nhưng phở của bác Cơ ngon quá làm sao mà nhịn thèm cho được, thành ra tôi đành chịu để bác Cơ tuyên truyền mỗi ngày.
-Cậu không biết chớ học sinh ngòai ấy vất vả lắm cơ! Ngòai các buổi học ra phải đi lao động trồng khoai, trồng sắn ở các vùng cao. Các ngày lễ, ngày chúa nhựt phải đi đào kinh, đắp đê cho Bác với Đãng. Làm nhọc mệt mà không có gì để ăn cơ ! Không phải sung sướng như trong Nam nầy cơ!
Tôi nghe thấy lạ quá. Chúa Nhựt sao không được nghỉ, đào kinh để làm gì ? Tôi không hiểu được, bèn hỏi bác Cơ :
-Cực quá thì đừng thèm làm. Ai làm gì mình được.
Bác Cơ trợn mắt nhìn tôi :
-Không làm sao được cơ ! Đi học tập là chết ! Người nào có lý lịch xấu là kể như khó sống lắm cơ ! Cậu không hiểu nổi đâu, ở ngòai đó ăn con gà cũng phải xin phép nữa cơ !
Tôi ngẩn ngơ. Thế là tuyên truyền quá đáng rồi. Đi học tại sao lại chết được ? Ăn con gà phải xin phép ? Làm gì mà quá như vậy ! Tôi nói lại cho ông Bảy lò rèn nghe.
Ông Bảy cuời ngất :
-Đó mầy thấy tao nói đúng chưa. Nó là công an tuyên truyền mà. Con nít mà đào kinh làm sao nổi. Nội cái vụ ăn con gà phải xin phép là nói láo rõ ràng. Gà của mình nuôi thì cứ việc ăn. Xin phép ai ? Nói vừa vừa nguời ta còn tin. Nói quá ai thèm tin. Như nhà của tao ở đây ai mà vào xét hỏi trái phép là tao đuổi ra lập tức. Láng cháng là tao thưa tới tòa -xâm nhập gia cư bất hợp pháp. Thằng cha Cơ chắc ở ngòai Bắc làm tay sai cho thực dân, phong kiến nên chống đối cách mạng. Cộng Sản là gì ? Cộng Sản là công bằng. Trong xã hội Cộng Sản không có kẻ giàu, người nghèo, kẻ có quyền thế, nguời cùng đinh nghèo khổ bị bóc lột. Ai cũng như nhau, sống êm vui hạnh phúc. Mầy thấy như vậy có hay không ? Chớ như trong Nam mình, người giàu thì xa xĩ thừa thãi mà kẻ nghèo thì không có gì mà ăn. Người làm cách mạng, cũng như tao rèn cục sắt, chỗ nào cao phải đập cho dẹp xuống, chỗ nào thấp phải gò cho cao lên. Như vậy mới gọi là cách mạng. Nếu cách mạng sai lầm, sao tao với ông ngoại mầy cho chú Út với cậu Bảy mầy đi ra Bắc ?

Ông Bảy nói xong, tôi chợt hiểu rõ. À, thì ra, cách mạng hay thiệt. Vậy là phải. Mấy thằng cha nhà giàu đáng ghét. Tịch thâu nhà lầu, xe hơi của tụi nó để chia cho nguời nghèo là phải quá rồi. Cái gì của nhân dân thì phải trả về cho nhân dân chớ.
-Nhưng bác phở Cơ cũng nghèo vậy ! Ở ngòai Bắc cũng bán xe phở đâu giàu có gì ? tại sao không thích cách mạng ?
-Mầy ngu quá. Vô đây nó nói vậy, biết đâu ở ngòai Bắc nó là nhà giàu, địa chủ, tư sản gì đó. Cái gì thích thì nói tốt. Cái gì ghét thì nói xấu. Nó ghét cách mạng thì nói xấu tàn tệ. Nếu chế độ mới lại xấu hơn chế độ cũ thì sao gọi là cách mạng được. Ở bên Nga, bên Tàu, nguời ta đã làm mấy chục năm nay rồi. Có chết ai đâu ?

-Ông Bảy ơi ! con nghe kể ở ngòai đó con đấu tố cha, vợ đấu tố chồng nữa, cái gì cũng đi thưa công an hết, ghê quá !
-Thôi mầy ơi ! Nói như thằng cha phở Bắc thì mấy người đi làm cách mạng điên khùng hết rồi. Tao không tin. Mầy phải luôn luôn nhớ câu nói của tao là “cái gì thấy rõ thì mới tin” đừng bao giờ nghe nguời ta nói. Chừng nào tao thấy rõ tận mắt thì tao mới công nhận. Tụi thực dân, đế quốc nó tuyên truyền ghê lắm.

Tôi nhìn kỹ ông Bảy thấy ông nói rất thành thực. Khuôn mặt già da nhăn nheo nhưng ánh mắt cương quyết. Trong tia mắt đó, tôi chợt thấy vẻ xa xôi như trông ngóng, chờ đợi đứa con út thân yêu trở về. Chú Út, con ông đang làm cuộc cách mạng, cũng như cậu Bảy tôi, ở đất Bắc. Tôi nhớ lại khuôn mặt và ánh mắt của bác phở Cơ. Đường nét tuy có khác nhưng vẻ cuơng quyết và thành thực giống nhau. Lời nói của bác còn văng vẳng :
-Cậu cứ suy nghĩ, tại sao tôi phải bỏ hết cha mẹ, vợ con, bỏ hết quê hương xứ sở, liều chết để ra đi ? Tôi cũng là con nguời, cũng có tình cảm vậy ! Vậy thì tại sao cơ?

Ông Bảy thợ rèn đã vì cách mạng hy sinh để chú Út ra Bắc. Bác phở Cơ cũng vì cách mạng bỏ hết tài sản, vợ con để vào Nam. Sự thực chỉ có một mà sao lại có hai lối giải quyết khác nhau ? Câu hỏi đó ám ảnh tôi và câu trả lời thỏa đáng chưa có.

Cuộc chiến đẫm máu tàn khốc vẫn kéo dài. Mỗi ngày nhà cửa rung rinh vì bom đạn. Cảnh tang thương đổ nát không phải là chuyện trong tiểu thuyết nữa. Riết rồi con nguời trở nên chai lỳ đi. Ông ngọai tôi đã già, mất sau một cơn bịnh nhẹ. Ông Bảy thợ rèn trơ trọi, tuy nhiên nhờ hai người con trai lớn khá giả nên nhà cửa xây cất lại đẹp đẽ hơn. Lò rèn đã dẹp bỏ từ lâu. Chỗ đó trở thành garage sửa xe hơi. Lâu lâu tôi ghé thăm, ông Bảy đã trên bảy chục. Tuổi già nhưng nguời còn quắc thước lắm. Ông thường nhắc tới chú Út và than thở không biết có gặp được đứa con thân yêu trước khi về với ông bà không ?
Riêng bác phở Cơ thì ngày càng sung túc. Bác không còn bán phở ở xóm lò rèn nữa mà đã ra tỉnh mở hiệu phở to. Bác chăm chỉ cần mẫn. Quần áo điệu bộ cũng không khác hồi mới di cư vào. Quả thật “đại phú do thiên, tiểu phú do cần” Lúc nầy, thỉnh thỏang ông Bảy ra ăn phở ở hiệu bác Cơ. Chuyện chánh trị dẹp qua một bên. Tìm được một nguời bạn già đâu phải dễ. Mỗi lần ông Bảy gặp bác Cơ thì hai ông ngồi với nhau hằng giờ. Lâu lâu mới nói với nhau một tiếng. Thời buổi lộn xộn, nghe nhiều hay hơn là nói. Vả lại câu chuyện cách mạng đã quá lỗi thời rồi, cãi nhau cũng chẳng giai quyết được gì ! Cách mạng tốt hay xấu đâu có quan hệ gì tới hai ông già trên bảy muơi tuổi. Nó chỉ quan hệ tới những nguời còn trẻ như tôi...

*
Ngày đó, tôi gặp lại ông Bảy thợ rèn. Vầng trán của ông vẫn rộng nhưng ánh mắt thì buồn. Hai má ông lõm sâu cở bằng trái chanh nhỏ. Xương gò má nhô cao, dáng tiều tụy. Ông buồn quá, xách gậy đi lang thang lối xóm. Ngang nhà tôi, ông ghé vào nghỉ mệt. Tôi mời ông uống trà và hỏi thăm việc nhà cửa. Ông thở dài.:
-Thằng Hai bị bắt đi học tập, vợ đã về quê ở Mỏ Cày để sinh sống. Cái xe đò của thằng Ba bị lấy, tụi nó nói khéo là trưng dụng. Cái nhà bị Công Ty Giao Thông Vận Tải Đường Bộ mượn làm văn phòng. Gia đình phải làm đơn xin xỏ lắm mới được ở tạm sau nhà xe. Tao thấy mấy đứa cháu nội đi lao động mà đứt ruột đứt gan. Tháng rồi thằng Dân mới mười lăm tuổi bị bắt thăm trúng phải đi thủy lợi ở Chánh Lưu. Thằng nhỏ dầm mưa giải nắng, chịu không thấu, phần bị sốt rét nóng mê man, được chở về, hổm rày lo thuốc thang chữa chạy. Còn mấy đứa em nó thì đi buơi các đống rác, lượm giấy vụng, túi ny lông cũ để góp cho thầy giáo xây dựng kế họach nhỏ trong truờng. Riêng phần tao phải nuôi một con heo, muời con gà để xã thực hiện kế họach chăn nuôi tự túc luơng thực khu phố. Mỗi ngày tao phải đi kiếm đồ ăn cho heo gà. Mà cơm gạo bây giờ, mầy biết đó, nguời ta không có mà ăn nói chi tới súc vật. Cứ vài tháng ông Tổ Trưởng lại kiểm sóat coi có mất con nào không để báo cáo lên cấp trên lập thành tích tốt cho xã. Đến bây giờ tao mới hiểu lời của thằng cha phở Cơ...
Tôi đỡ lời ông Bảy :
-Cách mạng mới về, còn nhiều khó khăn, cũng như ông Bảy rèn cục sắt phải đốt... cho nóng đỏ.
Ông Bảy cuời mỉa :
-Hứ, rèn cái kiểu cộng sản. Tụi nó nhắm mắt lại mà đập. Chỗ cao xẹp xuống đã đành, chỗ thấp cũng dẹp lép. Tao già như vậy mà hôm trước còn bị giáo dục. Ngày lễ mừng sinh nhựt cụ Hồ có lịnh phải treo cờ trước nhà. Nhà tao bây giờ thục tuốt phía sau, nó là cái garage, có phải là cái nhà đâu. Vậy mà thằng công an khu vực đi sồng sọc vào giữa nhà, hăm he đủ thứ. Tao đành phải đi kiếm mua để treo...
Tôi nhớ đến bác phở Cơ và những lời ông Bảy dạy dỗ ngày xưa, thấy thương ông quá, hỏi tiếp :
-Vậy còn chú Út, nghe nói làm lớn lắm mà không can thiệp gì cho gia đình sao?
Ông Bảy đương cầm tách nước trà đưa lên môi, nghe hỏi, không uống rồi để xuống, dáng ngập ngừng đắn đo. Hồi lâu ông nói nho nhỏ, giọng ngắt quảng :
-Nó về, tao mừng. Nhưng thôi, tao không muốn nhờ nó điều gì. Nó với mấy anh nó, với gia đình, bây giờ khác chí hướng. “Nguời ta” nhờ mình thì được, chớ mình nhờ “người ta” khó lòng lắm. Chuyện trong gia đình, tao cũng không muốn cho nó biết, không nên. Cũng may, tao chỉ làm nghề thợ rèn nghèo nhờ tiện tặn nên dư dả chút ít, nếu giàu có thì không biết bây giờ ra sao rồi. Dầu sao thì ở trong Nam, ai cũng là “ngụy” hết, thằng Út nó sợ lây rồi bị phê bình, kiểm thảo. Nó bây giờ có cụ Hồ với Đãng rồi, đâu cần có tao. Mầy đừng nhắc tới nó nữa...

Ông Bảy nói tới đó, ngồi thở dốc. Nỗi bực tức làm ông mệt nhòai. Không giận sao được, cả đời ông đầu tư trọn vẹn tình yêu vào cách mạng, nghĩa là trong đó có thằng con trai út của ông. Nào ngờ ông đã lỗ vốn nặng. Cách mạng về ấm no hạnh phúc tìm hòai không thấy. Chung quanh chỉ có khóc than đói khổ, tức tưởi, căm hờn. Riêng chú Út mặt mày giống hệch ông nhưng tình cảm và ý nghĩ giống Bác và Đãng. Cái giây liên hệ cha con mong manh quá. Ông Bảy phải trên hai mươi năm mới thấy điều đó. Ông đã trồng cái cây “cách mạng” thật là công phu, bây giờ lại hái cái trái đắng nghét.

Cuộc đời ông Bảy thợ rèn như lần đánh đề ngày xưa. Ông bàn con heo quay, nhè đâu cách mạng xổ ra con vịt cồ.

Võ Kỳ Điền