Monday, August 1, 2011

Pulau Bidong Miền Đất Lạ - Chương 22

Chương 22:

CHỐN TRĂNG SAO VỜI VỢI
Bi càng ngày càng ưa đòi đi chơi. Thăng bé lớn lên thiếu thốn đủ mọi thứ tiện nghi vậy mà nhờ trời thương nên khỏe mạnh sởn sơ, không hề bịnh hoạn lôi thôi, cũng có thể nhờ cơm gạo Bidong có pha trộn nắng gió trùng dương nên mau lớn. Sáng nào cũng vậy vừa ăn điểm tâm xong là nó đưa hai cánh tay tròn như củ khoai mì ôm cứng cổ tôi, bập bẹ:

-Ba, ba,... ẳm Bi đi chơi.

Duyên cho Bi mặc cái quần tây cụt, không cần mặc áo Trời nực lắm mà, Bidong đường xá dơ bẩn, bãi biển đầy rác rến, bùn sình, Bi cũng đâu cần gì giày dép, hễ muốn đi chơi thì có ba má hoặc các cô, các chú ẳm bồng. Một tháng trời ở đảo Dừa rồi qua tới đây, nắng nóng miền xích đạo đã làm da dẻ thằng nhỏ đen thui, cặp mắt cũng đen thui.

Tôi vòng tay ôm lấy Bi rồi hai cha con lò dò leo xuống cầu thang, phía trước cửa lều. Tôi xỏ chưn vô chiếc dép mới. Sướng quá, đôi dép thật vừa vặn, cái đế cao su kiểu Mã Lai cao tới ba phân tây rất tiện đi trên cát sỏi. Đảo vừa mới ngủ dậy, con hẻm trước nhà còn im lìm, trời đã sáng nhưng người đi đường còn lưa thưa. Nhờ vậy tôi thấy được rõ hàng dừa mọc dài theo bãi cát, những gốc dừa xám nâu to lớn mập tròn. Chừng độ vài giờ nữa thôi, nơi chợ trời nầy người ta buôn bán đông đúc tràn ngập, những gốc dừa sẽ bị thân dừa che lấp, lúc đó chỉ còn thấy được những đọt dừa xanh mướt chói chang dưới nắng. Bỗng nhiên Bi đạp chòi chòi hai chưn vô hông đòi:

-Ba, ba, coi, coi!

Tôi đương nhìn dọc theo hướng trạm y tế khu D, nghe thằng nhỏ bi bô, bèn quay lại theo hướng tay chỉ, thấy trên bãi cát vắng lặng, từ phía vách đá bên mặt, hai người đàn ông lực lưỡng đang khiêng một con rùa biển thiệt lớn đi lên. Chắc là họ vừa bắt được ở đâu đó bên kia vách đá. Con rùa lớn như tảng đá nặng, được cột chằng chịt vô một cây đòn hai người khiêng oằn vai, sức nặng trì xuống khiến bước đi chậm chạp. Khi cả hai vừa lên khỏi bờ cát, đứng dưới gốc dừa để thở thì người hiếu kỳ đã bu lại khá đông. Tôi bồng Bi đi lần tới để coi cho rõ. Mấy đứa con nít xúm nhau vừa coi vừa la:

-Con rùa, con rùa!

Anh chủ rùa chừng như vừa lội ở dưới biển lạnh mới lên, mình mẫy đầu tóc còn đẫm nước, da dẻ tím xanh, vừa bật quẹt đốt thuốc, vừa nói:

-Không phải con rùa... con vích, con vích...

Bi bập bẹ, bắt chước nói theo:

-Coi con vích, ba, ba, coi con vích...

Những người bu quanh gốc dừa, đa số là dân thành phố, lần đầu tiên thấy con vích biển lớn quá nên trố mắt nhìn. Con vật được để nằm ngửa trên cát, bốn chưn ló ra khỏi cái mai, chòi đạp lung tung. Cái mai dầy cứng màu xám đen lớn như chiếc chảo gang đường kính chừng cả thước. Ít ra con vích biển nặng cũng trên cả trăm kí lô. Con vật như biết số phận hẩm hiu của mình nên cố gắng vùng vẫy trong tuyệt vọng.

Có tiếng người hỏi:

-Bắt được hồi nào vậy anh?

-Hồi khuya, nó lên đẻ ở bãi cát.

Người chủ vích vừa hút thuốc vừa hất hàm chỉ về phía vách đá, ý nói ở bờ cát phía bên kia... Như vậy thì hai người nầy cả đêm rồi không ngủ, rình vích cái lên cát đào hang để đẻ, chạy ra lật ngửa nó lên bắt dễ dàng. Duy có điều con vích nầy lớn quá muốn lật nó phải hai người dùng hết sức mới nổi. Một bà Tàu già chen vô đám đông, trả giá để mua. Bà mua để thả rùa về biển làm phước. Con rùa là con vật linh thiêng Cái mai vun tròn như bầu trời, cái bụng vuông vuông bằng phẳng như đất. Trời đất giao nhau, âm dương hòa hợp, nó bẩm thọ khí thiêng của trời đất nên sống lâu ngàn năm. Tuy con vật quí như vậy nhưng bà trả giá thấp quá, anh chủ vích lại không hề biết tới giá trị quí báu của con vật, chỉ muốn để dành ăn thịt nên hai bên thảo luận khá lâu mà giá cả không xong. Hai anh nghỉ mệt hồi lâu, tiếp tục khiêng vích đi sâu vào trong hẻm, bước đi chập choạng. Một đám người tò mò đi theo phía sau...

Không còn gì để coi nữa tôi quay ra ngó mông ngó mênh ngoài biển. Chiếc tàu bịnh viện của Pháp đậu im lìm ngoài khơi như một tòa lâu đài trắng toát. Trời trong xanh, nước cũng trong xanh. Sóng buổi sáng vỗ vào bờ đá êm ái, đều đều. Bi nghiêng mình trì xuống đòi theo hai anh chàng khiêng vích:

-Ba, ba, đi coi con vích, đi coi con vích.

Thằng nhỏ hễ thấy cái gì lạ cũng đòi. Tôi định chiều nó, vừa dợm bước theo thì thấy ở phía vách đá xuất hiện một chiếc ghe lạ. Tôi rán nhìn kỹ. Trời ơi! Ngộ quá, một chiếc ghe vượt biên lớn đang tiến dần vô đảo, trên boong đầy người. Người ta đông cho đến nổi thọat nhìn chỉ thấy họ đứng chen nhau đen nghẹt từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, không thấy chiếc ghe mà chỉ thấy một khối người lúc nhúc trôi lềnh bềnh trên biển. Bây giờ ở bãi cát người ta cũng túa đông ra từ các ngả. Ở đây thì giờ rảnh rổi nhiều quá, không biết làm gì cho hết, cho nên chỉ cần một chiếc ghe lạ xuất hiện là một dịp may hiếm có để người ta bàn tán, hỏi thăm tin tức, tìm kiếm người quen... cho vui cuộc đời một chút! Những cánh tay vẩy gọi rối rít, những tiếng kêu đồng loạt:

-Ghe vượt biên, vô, vô....

Bi thấy lại cảnh ghe tấp vô đảo quen thuộc ở đảo Dừa nên khoái chí cũng kêu lên:

-Ba, ba, đi coi ghe vượt biên... coi ghe vượt biên

Thôi, trúng tủ thằng nhỏ rồi, tôi bồng con đi lần ra bãi. Phải chen trong đám đông mà đi. Bi cứ đưa tay chòi ra phía trước.

Chiếc ghe nầy lớn cỡ chừng như chiếc BL1648 nhưng chở quá nhiều người. Thoạt nhìn thấy mà hết hồn. Tôi nhớ lại cảnh chen lấn nhau trên chiếc ghe cũ còn sợ, kiếm một chỗ ngồi cũng không có nói chi tới chỗ nằm. Vậy mà chiếc mới đến nầy chở quá nhiều. Người đứng liền nhau không một kẻ hở, làm thành mấy lớp cao thấp, bít kín hết cả phần trên của ghe, chỉ còn thấy được vách ghe mấp mé đè trên sóng nước. Đông quá là đông. Không biết tất cả được bao nhiêu người? Khó mà định được. Chiếc ghe dài chừng hai mươi hai thước, chứa kiểu sắp lớp cá mòi như vậy, dám có trên năm trăm người lắm. Cũng may là vô đúng bến, chưa chìm. Nó đã tới gần, tôi nhìn thấy kỹ hơn. Khối người đông đảo trên ghe còn đầy vẻ tươi tỉnh, xôn xao, quần áo trắng lớp, sáng sủa, tất cả đều hướng vô đảo mừng rỡ như đang cơn khát bất chợt bắt gặp dòng nước ngọt... Niềm vui sướng rạt rào. Quả thật chiếc ghe nầy đã đến đúng nơi. Đảo Bidong, hòn đảo của người tỵ nạn Đông Dương mơ ước, hòn đảo hy vọng. Nó còn có được cái may mắn nữa là đến đúng lúc. Buổi sáng tinh sương cảnh sát Mã chắc còn đang ngủ chưa kịp dậy để đuổi bắt và kéo trả ra khơi.

Mãi cho đến khi nó đến gần chiếc cầu supply thì chiếc ca nô cảnh sát mới bắt đầu nổ máy. Hàng rào người trên đảo như cảm thông nổi đe dọa cho người sắp đến nên đồng lọat la ó vang rền. Tiếng la vừa có ý phản đối ngăn chận việc làm của cảnh sát, vừa có ý thúc hối chiếc ghe cố chạy vô cho lẹ hơn... Tôi hồi hộp theo dõi vái trời cho nó cặp cầu tàu êm xuôi. Quả nhiên chiếc ghe gặp nhiều may mắn. Vừa khi chiếc tàu tuần cảnh sát phóng ra chận đầu thì vừa lúc đó chiếc ca nô của tàu Đảo Ánh Sáng cũng vừa đang trên đường vô đảo. Thấy ghe vượt biên kỳ lạ, chiếc ghe Pháp quay mũi lại để coi và chụp hình. Cái tình cờ may mắn đó đã can thiệp đúng lúc, khiến cảnh sát Mã đành làm ngơ, đâu thể dở trò hành hung đe dọa như thuờng lệ trước sự chứng kiến của người Tây phương. Chiếc ghe chắc cũng không biết được nỗi hiểm nguy vừa thoát được trong gang tấc, vẫn thong thả lướt êm ái trên sóng, rồi từ từ cặp sát cầu tàu... dáng vẻ tự nhiên coi như coi đảo nầy dành riêng cho người tỵ nạn. Ai đã tới được đây, thì cứ... cặp cầu tàu mà vô!

Vì nó mới đến lần đầu, đâu biết rằng đã có biết bao nhieu ghe vượt biên vừa tới đảo đã bị đuổi bắt, kéo ngược trả ra khơi, tình cảnh thật thảm thương. Bao nhiêu ghe đã chìm ở ngoài khơi của đảo? Bao nhiêu mạng người đã chết tức tưởi, oan uổng nơi đây? Sự hiện diện của chíếc tàu bịnh viện Ile de Lumỉère, của nhân viên Liên Hiệp Quốc, của các phái đoàn ngoại quốc... đã cứu thoát được biết bao nhiêu người tỵ nạn may mắn? Chắc là nhiều lắm!

Bi mê man theo dõi, đến giờ mới nói:

-Ba, ba, đi lên cầu tàu, đi lên cầu tàu...

Nghe thằng nhỏ nói, tôi nghĩ nó đòi đến cầu tàu để coi cho rõ. Tôi bồng con len trong rừng người để đến gần. Những người dưới ghe đã bắt đầu bước lên cầu, đứng đầy trên đó. Tôi bèn nghĩ lại, có thể Bi muốn nói mấy người mới đến đã lên tới cầu tàu! Ở vị trí nầy tôi thấy từng đoàn người từ trong khoang ghe chui ra leo lên cầu, lũ lượt đứng sắp thành hàng dài, dòng người cứ tiếp nối lan dần mãi ra. Chiếc cầu cả trăm thước chiều dài, bây giờ từ đầu chí cuối đều có người đứng chật không còn một chỗ trống. Từ ngày lên đảo cho tới hôm nay, tôi cũng thấy có vài chiếc ghe tới Bidong nhưng chưa có chiếc nào chở nhiều như chiếc nầy, chở đông như vậy chắc là đạt kỷ lục theo kiểu vượt biên bán chánh thức... Quả là sinh mạng người bị trục xuất ra khỏi xứ rẻ quá, y như con ruồi con muỗi. Sống cũng được mà chết cũng được... miễn sao nhà nước thâu được càng nhiều vàng càng tốt!

Những nhân viên trật tự phải dùng loa phóng thanh cầm tay điều động, chỉ dẫn cách thức làm thủ tục lên đảo. Họ phải đếm đi đếm lại số người. Trong khi đó bọn lính Mã Lai lố nhố trên ghe, moi tung các đống hành lý để tìm vàng bạc và võ khí. Thủ tục rềnh rang lâu lắc... Mặt trời đã lên cao, nắng bắt đầu đổ lửa. Bi chừng đã chán nên đòi đi chơi. Rừng người trên bờ đã tản mác, thưa bớt. Tôi bồng Bi đi lơn tơn dọc theo bờ cát hướng về đồi Tôn Giáo. Phía sau lưng vẫn còn hàng người đứng nhẫn nại, chờ đợi trên cầu tàu. Tụi lính Mã đang làm tội làm tình chiếc ghe. Chuyến nầy thì không biết có được phát tài không, chớ mấy hôm trước tụi nó được một vố to. Buổi trưa hôm đó, chừng độ ba giờ có hơn, cũng một chiếc ghe vượt biên đến đảo. Chiếc nầy nhỏ chừng mười bốn, mười lăm thuớc, dáng cũ kỹ nghèo nàn. Nó lướt trên biển chậm rề như người bịnh nặng. Thông thường khi thấy đảo Bidong, ghe nào cũng mừng rỡ như gặp cái phao giữa biển, mở hết tốc lực đâm sầm vào, người trên ghe nhảy ùa hết xuống, lội bì bõm vào bờ cát. Điều lo sợ nhứt của người tỵ nạn là nếu Mã Lai bắt gặp sẽ cho ghe cảnh sát ra chặn bắt và kéo ngược ra biển khơi. Ở vào trường hợp nầy, cái chết nhẹ như lá rụng!

Chiếc ghe chiều đó, thay vì lướt mau hơn, nó đi chậm lại rềnh rang. Đám đông trên bờ nóng ruột thúc hối, la ó vang rền -Vô đi... lẹ lên, vô đi! Có người tìm ở đâu không biết một lá cờ vàng ba sọc đỏ, phất lia phất lịa. Chiếc ghe vẫn chậm rì. Người cầm cờ nghĩ là phất như vậy, trên ghe khó thấy nên nhờ một người nữa giăng ngang nó ra, cố nhóng lên thật cao... Chiếc ghe vô gần tới cầu, ai nấy hồi hộp trông theo. Nào ngờ, thay vì cập bến, nó lại đổi hướng từ từ quay ra biển khơi. Vận tốc càng lúc càng tăng, cái ghe đã ra xa trông nhỏ xíu. Lúc đó, tôi đứng ngay ở đầu cầu, không hiểu tại sao, lòng đầy thắc mắc. Mấy người đứng kế cũng bàn tán xôn xao. Ghe đã tới được Bidong rồi, sao không chịu vô? Chuyện khó tin mà có thật! Có lẽ trong đám người chứng kiến trưa đó, ngạc nhiên nhứt là đám lính Mã Lai trong đồn. Chiếc ghe tuần tiểu đi đâu mất nên trưa nay không thấy trên bến. Đúng là cảnh vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm... Chiếc ghe rời xa đảo, bây giờ chỉ còn là một chấm nhỏ ở chưn trời. Tôi nghĩ, chắc nó điên rồi, đã tới được Bidong sao lại quay bỏ đi, định tìm bến nào nữa...

Tôi ngơ ngác, tức mình, không đủ kiên nhẫn để theo dõi lâu hơn định bỏ về nhưng còn nắm nuối đứng ỳ đó. Chừng độ năm mười phút sau, nó lại lừng lững quay ngược trở lại, dáng ngập ngừng. Đấm đông trên bờ, tụ tập lại, la ó vang rền. Lần nầy thì nó mới chịu vô thiệt. Nắng buổi trưa loang loáng trên mặt biển vàng chói. Sóng rập rình, mặt biển êm ả. Chiếc ghe đậu hờ bên cầu. Tôi len trong đám đông để đến gần. Trên ghe đông chừng ba chục người, đứng lấp ló trong khoang, ngó đăm đăm lên đảo. Trên boong có năm bảy người đàn ông. Một người khá trọng tuổi, dáng chỉ huy, hỏi vọng lên bờ:

-Đây là đâu vậy?

-Đảo Bidong, đảo Bidong nè... ở Mã Lai. Sao ghe tới đây rồi mà không chịu vô?

Người đó hỏi tiếp:

-Đảo Bidong? Sao người vượt biên mình ở đây đông quá vậy? Bộ bị bắt nhốt hết vô đây hả?

Tôi chợt hiểu, ông ta sợ vô đây rồi bị bắt. Có lẽ ở bên nhà ông ta bị tuyên truyền sao đó!

-Đừng sợ, không sao đâu vô đi, đây là trại tỵ nạn lớn nhứt ở Mã Lai... Ở đây có Cao Ủy Liên Hiệp Quốc bảo vệ...

Ông ta suy nghĩ hồi lâu, quay qua bàn bạc với mấy người kế bên, dáng ngập ngừng không quyết. Mọi ngưới xáp đến gần ghe, càng lúc càng đông. Nắng nóng như đổ lửa, mồ hôi nhỏ giọt. Trong bụng tôi đâm sốt ruột bực mình. Ông già nầy lẩn thẩn quá, đã tới Bidong là phước đức ông bà ngó lại, còn muốn gì nữa mà chưa chịu lên cho rồi! Chắc là ổng muốn đi tới bên Tây Ở đây láng cháng tụi cảnh sát Mã nó ra tới là lôi thôi, lúc đó muốn vô cũng không được!

Bất ngờ, sau một hồi bàn bạc, ông ta quay lên hỏi tiếp:

-Tôi không muốn vô đây... muốn đi Úc. Từ đây đi Úc có gần không?

Trời ơi! Ổng muốn đi Úc, với chiếc ghe mục nầy? Tôi nhìn sững chiếc ghe. Nó nhỏ quá, nhỏ quá, thua chiếc BL 1648 của tôi xa. Cây ván lại cũ kỹ, mỏng manh, vậy mà đòi đi Úc. Làm sao được, mấy người nầy, một là điên, hai là điếc không sợ súng. Đi Úc với chiếc ghe xịch xạc gần rã nầy? Như vậy họ phải lênh đênh trên biển khơi một tuần, hai tuần hay một tháng nữa không chừng. Mà chắc gì họ không gặp hải tặc, bão tố, đá ngầm... và bao nhiêu nguy hiểm khác chờ chực, gan mật họ chắc bằng thép cứng, không biết sợ chết là gì!

Những người bu quanh, mỗi người một tiếng ai cũng khuyên là nên ở lại đừng đi:

-Bộ ông tưởng đi Úc gần lắm hả, từ đây qua tới đó phải một tháng. Mấy ông có hải bàn, hải đồ không? Một tháng là không bị lạc đó! Còn bị lạc là... một năm!

-Suy nghĩ cho kỹ đi ông ơi, ghe ông nhỏ quá, đi chừng vài ngày nữa là rả máy rồi, cây ván gì cũng mục hết, xăng dầu, nước uống làm sao đủ... Đi một tuần nữa cũng không nổi, nói chi tới một tháng!

-Ông muốn đi Úc thì bây giờ lên đây đi, làm thủ tục nhập trại rồi xin đi Úc, nghỉ ngơi cho khỏe, đi Mỹ thì khó chớ đi Úc dễ mà...

-Ở dọc đường đi Úc, có mấy hòn đảo có mọi ăn thịt người, bộ ông không sợ sao?

Tuy mọi người cố gắng đưa lý lẽ ra để khuyên nhưng người trên ghe dụ dự chưa quyết. Không biết bên Úc có gì hấp dẫn mà họ ham quá vậy? Câu chuyện loanh quanh cho tới khi lính Mã trong đồn vác súng săn chạy ùa ra. Lúc nầy thì chuyện đi hay ở là do chúng quyết định rồi. Chúng hùng hổ chun xuống ghe lục soát. Cũng cái trò cũ tìm vàng bạc và võ khí. Lần nầy thì tôi mừng cho những người mới tới nầy. Chắc là khi lục soát xong chúng sẽ cho làm thủ tục nhập đảo, sau khi chiếm đoạt của cải vàng bạc quí giá. Dầu có mất mát chút đỉnh, năm ba lượng vàng, một hai cái máy thu thanh cùng những thứ họ chở theo trên ghe nhưng có một thứ quí báu nhứt mà họ còn giữ được, đó là mạng sống. Hễ còn sống là còn tạo ra tiền của được, còn chết đi rồi thì dầu có cả kho vàng cũng thành không!

Trong khoang ghe tối om om. Tụi lính Mã đi tới đi lui chộn rộn. Cuộc lục soát dằng co lâu lắc. Mãi khá lâu mới xong. Người dưới ghe không được lên bờ. Ghe được lịnh neo ở bến. Tên xếp đảo cùng mấy người lính dẫn ông già chủ tàu cùng người vợ lên đồn. Mặt mày người nào người nấy cũng căng thẳng, im lặng. Người đàn bà cũng khá lớn tuổi xách một túi hành lý, trong khi ông già cùng một người lính Mã khiêng chung một bao bố nâu to nặng nề. Không biết chứa gì trong đó mà có vẻ nặng lắm. Mấy ngươi lính Mã đi trước mở đường, vẻ gấp rút hối hả. Đám đông bu quanh càng lúc càng đông. Ai nấy đều ngó lom lom vào cái bao bố, thắc mắc không biết cái gì ở trong... Tôi đoán chừng cái bao bố nầy là nguyên nhân khiến ông già không muốn ghé vô đây mà đòi đi Úc, vậy thì trong bao chỉ có thể là vàng bạc hay võ khí. Vậy thì là gì? Ông già nầy thuộc hạng người nào? Theo hình dạng và cách nói năng, ông không có vẻ gì là người học thức cao, cũng không phải là người sang trọng quí phái. Ông có thể là một người nhà giàu ở quê, cũng có thể là một quân nhân cương quyết... tôi đoán không ra.

Một lúc sau, thiên hạ cả đảo đồn rùm, không biết nguồn tin hấp dẫn do ai tiết lộ ra. Ông già chủ ghe là Phó Bí Thư Tỉnh Ủy Rạch Giá hay Long Xuyên gi đó, tổ chức đưa người vượt biên theo chính sách của nhà nước. Ông ta thi hành thiệt chu đáo, số vàng thu được khá lớn lao. Thay vì nộp hết vô kho, ông ta lấy bớt một mớ... để tính công. Tuy là một mớ in ít nhưngcũng trên cả ba ngàn lượng. Số vàng nầy quá lớn Hơn ai hết, ông là người biết rõ cộng sản, nếu với số vàng nầy ông đâu có thể ở yên với các đòng chí thân yêu. Thói đời trâu cột ghét trâu ăn. Ở lâu có ngày mang họa. Vàng đã không hưởng được mà chính sinh mạng chưa chắc đã còn! Hay nhứt là đi Úc. Úc là nước văn minh không ăn cướp bậy bạ, còn Mã Lai, Thái Lan, Nam Dương chắc cũng giống y như nuớc Việt Nam có bác Hồ vô vàn kính yêu của ông ta, chuyện luật lệ minh bạch làm gì có ở trên cõi đời nầy.

Ba ngàn lượng vàng đâu phải ít. Tính ra nặng trên cả trăm ký lô, rẻ nhứt cũng trên triệu rưỡi Mỹ Kim. Trời! Một triệu rưỡi Mỹ Kim nằm trong tay một người! Mà ở Việt Nam hiện nay có bao nhiêu Tỉnh Ủy, Phó Tỉnh Ủy, Trưởng Ty Công An, Trưởng Ty Hoa Vận... nghĩa là có mấy trăm, mấy ngàn ông già... giống như ông già mang vàng vượt biên nầy! Họ còn ở lại trong nước quyền hành trong tay, ăn chơi phè phỡn trên mồ hôi nước mắt của người dân khốn khổ. Giữa mấy ngàn ông già đáng ghét đó, nếu suy nghĩ thêm một chút thì ông già có ba ngàn lượng vàng ở Bidong đã làm một việc ngọan mục... đáng được tha thứ! Ông ta đã dùng số tiền lớn lao đó để hưởng thụ cho cá nhơn ông và gia đình... dầu sao cũng còn hơn là nộp hết vô kho nhà nước, với số tiền nầy người ta sẽ sắm thêm được bao nhiêu súng đạn, trả lương được cho bao nhiêu tên công an, kéo dài bao lâu thêm bộ máy đàn áp dân chúng? Phải chi tất cả mấy ngàn ông già đầy quyền thế còn ở lại Việt Nam đều ôm vàng leo xuống ghe đi hết thì nhân dân Việt Nam đỡ khổ biết bao nhiêu. Điều đau khổ của dân tộc là những người lãnh đạo vừa tham lam, vừa tàn độc. Vì tham lam nên tàn độc. Mà càng tàn độc lại càng tham lam. Đúng là cái vòng lẩn quẩn. Họ cai trị đất nước mới có mấy năm mà toàn dân nghèo đói xơ xác, phải đành bỏ xứ mà đi, để lâu thêm một thời gian nữa thì đất nước sẽ tan hoang, điêu tàn...

Tôi bồng Bi đi dọc theo bãi cát, hình ảnh chiếc ghe đầy người mang mang trong đầu, rồi đâm nhớ ông già đi Úc kia, tự hỏi, không biết ba ngàn lượng vàng đựng trong bao bố của ông ta có bao nhiêu lượng của người trên ghe hồi sáng đã đóng góp? Mà cũng không biết đâu chừng cũng có vài lượng của tôi nữa! Lương một giáo viên cấp Ba là sáu chục đồng, một lượng vàng là một ngàn bảy trăm. Vậy muốn mua một lượng vàng tôi phải còm lưng đi dạy một khoảng thời gian dài dằng dặc là hai mươi tám tháng, không ăn không uống, mới đủ. Còn ông già kia, có được số vàng lớn chỉ trong vòng mấy tháng. Sướng quá! Nghĩ cho cùng làm quan sướng hơn ăn cướp. Cả hai giống nhau ở chỗ, có tiền nhiều trong một thời gian ngắn nhưng khác nhau ở chỗ, một đàng phải dùng võ khí, sức lực để cướp giựt, còn một đằng cứ nằm ngủ ở nhà, người ta phải đến lạy lục, năn nỉ để đưa. Mà chuyện đời ngộ lắm, người đi đút lót đã mất vàng, mất bạc mà lại mừng rỡ, cám ơn không dứt lời. Quan lớn mà không chịu nhận thì rầu rĩ, ủ ê. Thiệt tình, hết nước nói! Ở xứ nghèo có nhiều chuyện lạ...

Đường đi lên dốc thoai thoải. Đồi Tôn Giáo mấy tuần nay toàn cảnh thay đổi hẳn. Cây cối rậm rạp hoang vu bắt đầu nhường chỗ cho những căn lều thô sơ mọc lên vội vã, dưới nền đất còn đầy vết tích của cuộc lấn đất bừa bãi. Những gốc cây bị chặt không sát, trơ gốc còi cọc, nhựa ứa vàng lem luốt. Rải rác đây đó còn còn năm mười cây lớn cỡ người ôm chưa ai đụng tới, tàn lá như cây lộng tròn che mát cho ngôi chùa Phật được dựng nơi cao nhứt trên đỉnh đồi. Cạnh bên là nhà thờ Tin Lành thấp và nhỏ hơn y như một mái lều tranh nghèo xác xơ tơi tả. Phía sau là nhà thờ Công Giáo được tạo dựng bằng những vật liệu do các tín đồ đóng góp, tất cả cột kèo đều là cây gỗ đốn ở núi khiêng về. Vì không có ván, người ta phải ghép các cây tròn lại, đóng thành những ô vuông để dừng vách, cho nên từ ngoài nhìn vào thấy trống trơn. Tôi bồng con đứng ngoài nhìn toàn cảnh, cây đá im lìm, khác hẳn cái sinh hoạt ồn ào, rộn rịp đưới kia. Người nào đã chọn nơi đây để xây dựng các cơ sở tôn giáo nầy cũng khéo chọn cuộc đất. Đứng ở đây thấy bao quát toàn cảnh của trại tỵ nạn. Hội Trường cùng khu chợ trời ở dưới ngay tầm mắt, khu A với cầu supply dài ngoằn. Phía sau lưng đồi dốc đá dựng đứng là bãi biển khu C với các quán nhạc. Nếu ở thành phố có những công viên dành cho khách nhàn du thì ở Bidong đồi tôn giáo là công viên của đảo. Dưới kia đâu còn một chỗ trống. Cứ vào mỗi buổi chiều, trời vừa sụp tối các thanh niên nam nữ rủ nhau ra đây hò hẹn, ít ra ở một góc chùa hay bên vách nhà thờ cũng còn vài khoảng trống cỏ mọc xanh um, cũng còn năm bảy gốc cây to cỡ vòng ôm che kín được sương gió, còn chỗ nào tốt hơn nữa...

Nhưng cuộc lấn đất giành dân không diễn ra âm thầm. Mới có mấy ngày, tôi trở lại nơi đây, mọi sự khác lạ hết. Đất đai xung quanh chùa hay nhà thờ bị thu hẹp dần dần. Chỉ còn khu nghĩa địa là chưa bị đụng tới, có lẽ nhờ mấy chục mộ bia bằng cây còn mới tinh. Nhưng chưa, không có nghĩa là không. Người chết đâu có biết nói năng thì làm sao mà tranh chấp được với người sống. Vả lại dầu gì đi nữa thì cũng đã chết rồi. Nếu phần mộ có bị xiêu lạc, san bằng thì cũng nên nhường một chút xíu đất đai cho một cái lều mới dựng, có lẽ như vậy tốt hơn. Những ngôi mộ thấp chũm, lè tè y như mô đất nhỏ. Có vài ngôi cỏ mọc xanh um, còn phần nhiều mới đắp trơ đất sét vàng. Tận trong cùng sát vách đá, một lỗ huyệt hình chữ nhựt mới vừa được đào, đáy cạn sợt... Một người tỵ nạn nữa vừa chết! Tôi nhin thấy, lòng tự hỏi không biết người chết trẻ hay già, chết vì bịnh hay vì tai nạn xảy ra? Ở đảo đâu có cái chết nào giống cái chết nào. Mà sao cái chết nào cũng nhiều đau xót!

Tôi đứng nép vô gốc cây lớn để tránh nắng. Đã gần trưa mặt trời lên cao, chói lọi khối lửa vàng hực chói lòa. Tuy đứng dưới bóng râm mát tôi vẫn thấy hơi nóng hầm hập. Đoàn người đứng dài trên cầu tàu đã bắt đầu di chuyển vô khu tạm trú. Họ lũ lượt nối tiếp nhau chầm chậm nhỏ xíu như đàn kiến đi vào tổ khổng lồ, lúc nhúc mấy chục ngàn con kiến nâu đen đã ở từ lâu. Ở dưới thấp cũng có một đoàn người thưa thớt đi lượn quanh theo vách đá, chầm chậm theo con đường mòn quanh co leo ngược lên đỉnh đồi. Nắng từ đỉnh đầu chiếu xuống những bóng đen lem luốc bước đi chập choạng, lao xao...

Họ đông chừng độ mười người, dẫn đầu là bốn người đàn ông khiêng trên vai một cái hòm cây mỏng tanh, đóng sơ sài. Tất cả diễn ra trong im lìm, không một tiếng động ồn ào như những đám ma bình thường. Đúng rồi, lỗ huyệt đã dọn sẵn ở đây dành cho người chết đó. Đám đông đã tới gần. Không một lư nhang, không một ngọn nến đỏ... Những người đi theo sau, không ai khóc. Có lẽ người chết chỉ một mình đến đảo, không có thân nhân. Nhưng trên những nét mặt u ám, tôi cảm thấy một nỗi buồn xa vắng lắng đọng. Người chết nghèo quá, không có gì hết, ngay cả khi tới huyêt đạo, cũng không có một giọt lệ tiễn đưa... Những người đưa đám chắc là bạn cùng ghe hay là người lân cận? Họ cũng đâu còn nước mắt để khóc cho người bạc số... Những dòng lệ đã cạn khô từ khi bỏ nước mà đi!

Những nắm đất được quăng lộp độp xuống nắp hòm, những nhát cuốc đắp nấm mộ vội vã.. Tất cả mọi người có mặt không ai nói với ai một lời, chỉ có tiéng sóng rào rào phía bên ghềnh đá. Nấm mộ từ từ được đắp cao, lẹ quá nhờ đáy huyệt đào khá cạn. Trong phút chốc, công việc đã hoàn tất. Các người đắp mộ cầm cuốc đập đập lại lần cuối nắm đất sét vàng trộn đầy cát. Một anh đến dưới bóng cây móc thuốc ra hút. Tôi đứng kế bên, chờ đợi để nghe họ nói chuyện với nhau. Ít ra trong câu chuyện, cũng biết được chút ít thân thế người vừa nằm xuống ở một góc đảo hoang nầy. Tôi rán chờ... Bi chừng đã chán nên đòi về. Mãi cho đến khi mọi việc đã xong, đám đông thu xếp cuốc xéng, sau khi một mộ bia bằng cây được dựng tạm trước mộ sơ sài, tôi chỉ nghe được người trẻ tuổi nhứt trong đám nói một câu -‘Ổng hên đó, trên đồi Tôn Giáo chỉ còn có được chỗ nầy, mấy người chết sau phải đem chôn trên núi!’ Tôi đưa mắt nhìn rảo quanh một vòng. Nghĩa địa chật cứng. Xung quanh là những túp lều mới chen lấn nhau từng hốc đá, từng mô đất để mọc lên vội vã. Hết rồi, không còn chỗ cho người chết nữa. Quả đúng không còn một tấc đất nhỏ để chen chưn, người chết trước quá may mắn. Anh bạn trẻ nầy có lý thiệt tình!

Tôi bồng con trở xuống chưn đồi, bước đi nặng chình chịch! Ở dưới kia, rừng người sống hổn độn, ồn ào. Các sinh hoạt hăng ngày vẫn tiếp diễn đều đặn. Trời nắng chang chang, cả hai cha con như muốn bốc thành khói, đầu tôi váng vất, mang mang một nỗi ngậm ngùi. Người chết ở Bidong lạnh lẽo quá, không có được một tiếng khóc tan thương tiếc tiễn đưa Cái hòm bằng cây tạp đóng sơ sài, cái đáy huyệt cạn sợt, tấm mộ bia lớn bằng bàn tay. Rồi hết...

Nếu một mai tôi chết trần truồng không cơm áo
Thì hồn tôi xin phảng phất chốn trăng sao
(Quách Thoại)

Đời một người... ước nguyện đơn sơ đến như vậy sao? Thôi, cát bụi sẽ trở về với cát bụi, thân xác sẽ mục rữa theo tháng năm, linh hồn chắc sẽ lang thang vất vưởng nơi đầu ghềnh cuối bãi. Cầu trời cho ông biết hướng mà trở về quê hương đất nước chớ ở đảo vắng giữa trùng dương nầy làm gì có chỗ nương tựa, dầu đó là chùa hay nhà thờ ở đồi Tôn Giáo. Chùa cũng vá víu mà nhà thờ cũng tạm bợ... Nhưng trong khi dò dẫm tìm phương hướng mà trở về quê cũ với thân bằng quyến thuộc thì đêm nay hồn ông tạm trú nơi đâu? Ở suối vàng làm gì có quán trọ... Cửu tuyền vô khách điếm, kim tịch túc thùy gia?

Hỡi ơi! Đêm nay hồn ông có đến được chốn trăng sao vời vợi?


Võ Kỳ Điền

2 comments:

Unknown said...

Nghe tả cảnh nơi cư trú mà hết muốn vượt biên. Mô Phât.

Như-Ý, Cầu Ông Đành (Thủ Dầu Một)...Mô Phật

Unknown said...

"Hỡi ơi! Đêm nay hồn ông có đến được chốn trăng sao vời vợi?"

Kính ông Kỳ Điền, cho tôi hỏi thăm ngày mất của anh Ba.

Cám ơn.

Như-Ý (Cầu Ông Đành) Thủ Đầu Một.