Monday, August 1, 2011

Pulau Bidong Miền Đất Lạ - Chương 18

Chương 18 :


HẢI ĐẢO BUỒN LÂU BI ĐÁT

Chúng tôi gồm bốn người lớn và mấy đứa con nít đi một dọc dài, len theo con đường mòn dẫn lên triền đồi cao. Đường dốc cheo leo, hẹp té, hai người đi sóng đôi nhau là thấy chật. Đất ở đây thuộc loại đất sét dẻo quánh, vàng ẻo. Vì nhiều người qua lại, nên mặt đường được nện cứng phẳng lì, thỉnh thoảng có những lạch nước nhỏ chảy ngang, những người lân cận sắp những khúc cây lượm được đâu đó, làm thành những chiếc cầu tạm bợ. Hai bên đường là những chiếc lều đủ mọi kiểu vở, kích thước. Rải rác cũng còn những cây to xanh lá, đứng len lỏi giữa những đám lều chen chúc nhau như những cây nấm lớn, những cây nầy còn lại được là nhờ nó to quá người ta thấy không thể dùng được vào việc gì, hơn nữa muốn đốn lấy củi cũng không phải dễ dàng. Tôi đi thong thả cạnh anh Tư:
-Đảo Bidong ai nói nhỏ đâu, sao đi hoài không tới vầy nè?
Anh Tư Trần Hưng Đạo, tay ôm cái khăn lông lớn, miệng trả lời:
-Cũng tại bồ chọn cái bãi nầy. Phải chi mình tắm ở bãi sau, khu C thì gần hơn khỏi phải đi xa…
Sơn nói tiếp:
-Bãi sau dơ thấy mồ. Người tắm đông quá nên bừa bãi, rác rến tùm lum, tắm đâu có đã. Nó chỉ sạch hơn bãi trước khu A một chút thôi. Mình chịu khó đi xa nhưng tắm đã hơn…
Dân gì đó góp ý:
-Bãi sau dơ thì có dơ gì đó, chớ tắm cũng được lắm chớ. Mình vừa lội vừa nghe nhạc ở trong mấy cái quán cà phê, có cô Thanh Thúy, Khánh Ly, Hoàng Oanh… gì đó hát, nghe cũng đỡ ghiền!
Tư Trần Hưng Đạo quay lại:
-Có nhạc nghe thì cũng được đi, nhưng ngặt hai cái quán Tình Nhớ với Cà Phê Mây chung một vách ny lông, mỗi quán lớn bằng cái lỗ mũi mà lại mua máy thu thanh quay băng loại lớn, từ sớm mơi tới chiều tối, cả hai đều mở âm thanh hết mức, mỗi lần ngồi nghe y như Hùng Cường gây lộn với Chế Linh, Thanh Thúy khóc đua với Thanh Tuyền, nghe muốn điếc con ráy luôn. Tao đoán thế nào có ngày hai thằng cha chủ quán cũng xăng tay áo đánh lộn.
Tôi xen vô:
-Kệ nó, vậy thì nghe một lượt, lỗ tai bên nầy nghe giọng cao, lỗ tai bên kia nghe giọng thấp, để bù lại những ngày sống âm thầm với tụi răng đen mã tấu, tối ngày nghe mấy cái giọng the thé của ca sĩ Hà Nội, ớn tới xương sống. Nhưng ở quán, khoái nhứt là cái món nước đá lạnh. Không biết họ mua ở đâu được nước đá hay quá, có điều khá mắc, một lon Coca hay Seven Up tới hai đồng, cà phê thứ tan liền một đồng rưỡi. Ngồi nhấp nháp ly cà phê đá, ngó ra ngoài khơi thấy mấy cụm mây trắng lãng đãng tưởng Việt Nam mình ở phía dưới đó, đâm nhớ nhà hết sức…

Đường càng lúc càng lên cao chỗ lồi chỗ lõm. Lều đã thưa bớt, nhường chỗ cho cây xanh. Cây lớn cây nhỏ mọc chi chít, chen nhau. Bên dốc đứng, một cây cỡ hai người ôm bị cơn giông lớn thổi trốc gốc, ngã ập dựa lưng vào vách đá, gốc rễ trơ ra tua tủa, bên dưới tạo thành một cái hố sâu hoắm, ngó phát rùng mình. Có vài miếng rẫy nhỏ xíu của những chủ lều lân cận trồng rau dền, rau muống. Chắc mới trồng nên những lá non nhỏ chưa che được hết đất đen. Cọng rau nhỏ ốm yếu tong teo như thân phận người tỵ nạn bọt bèo. Tôi nhìn đám rau nghĩ thương nó, rồi thương chủ nó, rồi đâm ra thương mình! Cái thân ăn đậu ở nhờ, làm sao mà khá được!

Đường đi đã xuống thấp, chúng tôi bước e dè trên những bực đá thiên nhiên. Cục nhô ra cục thụt vào. Qua khỏi một rặng cây, biển đã hiện ra trước mắt. Một vùng biển xanh rì, bãi cát sóng vỗ trắng xóa. Mấy đứa nhỏ con anh Tư thấy nước, mừng rỡ chạy đuổi bắt nhau trên bãi cát trắng, la đùa chí chóe. Cảnh trí thật hùng vĩ. Giữa rừng cây đá núi, một bãi cát trắng ngời ngời sóng nước. Hằng trăm người đang bơi lội nô đùa.
Tư Trần Hưng Đạo khều tôi, nói nhỏ:
-Ê bồ, ngó coi mấy nàng kiều nữ đảo Bidong nè, đã không?
Trên mé nước có vài thiếu nữ trẻ đẹp mặc áo tắm bó sát người, phô bày hết vẻ đẹp của tấm thân ngọc ngà, đi qua đi lại trước hàng trăm cặp mắt ngắm nghía, trầm trồ. Đâu có ai đoán được ở đảo Bidong lại có cảnh như ở Vũng Tàu. Tôi hỏi anh Tư:
-Đố anh, mấy bộ áo tắm nầy từ Mỹ gởi qua cho, hay là mấy cô đó vượt biên đem theo?
-Vượt biên thì không phải rồi. Đi vượt biên run thót ruột, có ai mà nghĩ tới việc tắm biển, tắm sông gì. Một hai bộ quần áo để đổi thay là đủ, đâu phải du lịch. Chắc là bên Tây bên Mỹ thân nhân gởi qua cho.
Tôi và Sơn đồng ý:
-Ừ, ừ, có lý, tôi cũng nghĩ như vậy. Mấy bộ đồ nầy kiểu mới quá, chưa chắc gì ở Sài Gòn có được…
Dân gì đó nhăn răng vàng cười khì khì:
-Đoán trật lất hết trơn. Cái nầy là của họ vượt biên đem theo gì đó. Chớ ở bên Mỹ có gởi thì gởi cho tiền, chớ ai hơi đâu mà gởi ba cái thứ quỉ nầy, tui thấy mấy đứa con gái của Hủ Tiếu cũng có gì đó…
Tư Trần Hưng Đạo trố mắt:
-Cái thằng nầy, chuyện đàn bà con gái người ta, mầy rình mò hồi nào mà biết hết ráo vậy?
Dân gì đó giải thích:
-Tui đâu có rình mò gi đó. Hủ Tiếu biểu tui khiêng hành lý xuống ghe cho Mã Lai xét, thằng ti đu nó lục tứ tung, tui thấy. Mấy người chủ ghe họ đem theo đồ đạc nhiều lắm như dọn nhà, chớ đâu phải như tụi mình gì đó.
Nói xong nó nghĩ là chưa ai tin, bèn tiếp:
-Mấy anh có vợ có con nên không biết, mấy thanh niên trẻ trẻ gì đó, họ vừa vượt biên vừa kéo xe bò…
Sơn nghe tới ba chữ ‘kéo xe bò’ không hiểu gi hết, la lên:
-Tao cũng là thanh niên nè,… mà đâu có kéo xe bò!
Cả đám xúm nhau cười vang. Tiếng sóng đập ầm ầm vô vách đá cũng không át được tiếng cười đùa. Ở bãi nầy, sóng lớn quá, từ ngoài khơi từng lượn cao như cái nhà, ồ ạt xô đẩy nhau chạy vào bờ, cuộn vào trong lòng nước bao nhiêu là sỏi đá, tan dần trên mí cát, hết đợt nầy đến đợt kia, không dứt.
Dân gì đó nắm lấy tay tôi:
-Hồi đó, ở trong trường tụi học sinh hẹn hò với bên lớp con gái, rủ nhau đi chơi thì kêu là ‘lá nĩu xớ’ tiếng Việt dịch là kéo xe bò gì đó…
Tôi thấy ngồ ngộ, bèn hỏi:
-Sao đọc trong sách, không thấy ai nói đến mấy chữ nầy. Tại sao không nói là kéo xe ngựa mà nói là kéo xe bò?
Dân cười:
-Tui đâu có biết, học trường Tàu có nhiều tiếng khác truờng Việt, tụi nó đặt ra để chọc ghẹo gì đó… con trai đi chơi với con gái thì kêu là kéo xe bò, kéo xe bò…
Tư Trần Hưng Đạo xen vô, thêm mắm thêm muối:
-Đúng rồi, đúng rồi. Hẹn hò thì phải cà rịch cà tang ngắm mây ngắm nước, càng chậm càng tốt, chớ đâu có chạy lồng lên như ngựa được. Vậy mấy bồ đoán coi, mấy con bò thì ở đây rồi, còn mấy anh kéo xe bò ở đâu?
Tôi nghe hỏi đưa mắt nhìn quanh. Rải rác trên bờ có năm ba thanh niên ngồi nói chuyện. Trên một gộp đá cao, một người lớn tuổi ngồi câu cá, im lìm như pho tượng. Chắc mấy anh kéo xe bò còn lặn hụp dưới nước, nô đùa với sóng.
Bỗng Sơn nắm lấy tay tôi, chỉ chỏ:
-Coi kìa,.. cái ghe… ngộ quá!
Tôi nhìn theo hướng Sơn chỉ, thấy ở tận đàng xa một cái ghe nhỏ xíu lớn bằng cái hộp đang trồi hụp trên sóng lớn. Trời, đó là cái ghe sao? nó nhỏ quá, thấy mà phát sợ. Biển cả thì mênh mông, sóng nước chập chùng. Cái ghe như chiếc lá khô, nhô lên hụp xuống càng lúc càng đến gần bờ nhưng cũng không thấy lớn hơn bao nhiêu. Có một người cầm chèo đang bơi tận lực. Những cử động hai tay vun vút đưa mái chèo thoăn thoắt nhịp nhàng, chiếc ghe tiến tới rất nhanh. Ồ lạ quá, tôi đã thấy rõ. Sao kỳ lạ vậy? Sao cái ghe lại cháy đen, hư hao gần phân nửa…
Dân gì đó la lên:
-Cái ghe bị cháy gì đó. Cái lỗ lớn quá…

Đám đông đang bơi lội nô đùa, thấy chiếc ghe lạ lùng bèn trố mắt ùa lên bãi cát để coi cho rõ. Cái ghe được đóng sơ sài bằng cây, hình chữ nhựt, dài chừng hai thước, ngang một thước, cao khoảng năm sáu tấc, mới nhìn qua thiệt tình, giống y như... cái hòm! Không biết tại sao dưới lườn lại bị cháy đen, khuyết một lỗ trống hốc, mất đi phân nửa đáy. Anh lái ghe vì sợ nước vô, ghe chìm nên cố ngồi tuốt ra phía sau, dồn hết sức nặng của thân người để đè xuống, chiếc ghe chổng ngược lên, nhờ đó nó còn nổi được trên sóng và lướt tới trước lẹ hơn. Một hình ảnh tuyệt vời của con người nhỏ nhoi nhưng đầy can đãm, chống chỏi với cái bao la hung dữ của sóng gió trùng dương. Tôi thấy cái hộp bằng cây đó, được chèo rất nhanh, lướt phăng phăng tới. Anh bạn chèo ghe ở trần, mặc chiếc quần xà lỏn đen, râu tóc dài thậm thượt, dáng vẻ gân guốc y như một hảo hán Lương Sơn Bạc, đang cố hết sức để đưa chiếc ghe vào bờ, chỉ trong phút chốc người và ghe đụng mé nước. Có tiếng thì thầm của Tư Trần Hưng Đạo:
-Ghe buôn lậu đã bị cảnh sát Mã Lai đốt rồi mà sao còn lấy lại được, chèo đi ào ào như vầy…

Chiếc ghe rấn lên mí cát nhẹ như một chiếc lá rơi, không một tiếng động nhỏ. Đám đông đứng giãn ra hai bên theo dõi người hùng cô đơn, gương mặt lầm lầm lỳ lỳ. Anh không biểu lộ một xúc động nhỏ nào, tay chưn hoạt động đều đặn như cái máy. Cái ghe nằm dốc nghiêng trên mí nước, quả nhiên nó là cái hộp bằng cây bị cháy xém. Nó đã được dùng như phương tiện để chở hàng hóa buôn lậu với các ghe tàu Mã Lai đi ngang qua đảo. Nếu có ai nói với cái hộp cây nầy có thể chèo chống trên biển cả thì không cách gì tôi tin được. Thiệt tình tôi không thể tin một việc lạ lùng ngoài sức tưởng tượng như vậy. Vậy mà chuyện khó tin đó đã xảy ra trước mắt, chiều nay ở bãi buôn lậu nầy. .. Người khách lạ lè làng nhảy xuống đất, chạy ra phía sau, đẩy chiếc ghe lên trên bờ. Từ phía trong vách đá, một người nữa chạy vụt ra, không nói không rằng, phụ với anh bạn chèo ghe, lật úp ngược cái hộp cây lại, rồi cả hai ra sức vác đòng đòng trên đầu đi một mạch vô rừng. Thoáng chốc, người và ghe mất hút trong rừng cây xanh âm u. Tôi cố nhìn theo… nhìn theo, những gốc cây xám đen lẫn với những khối đá sừng sững chặn bít tầm mắt. Chuyện xảy ra nhanh quá, bãi cát trơ ra, sạch bong không để lại một dấu vết, biến hiện như một giấc chiêm bao. Tôi tưởng tuợng ra nhiều điều. Hai anh bạn tỵ nạn kia khiêng cái ghe cháy đó đi tới tận nơi đâu? Họ sẽ tìm cây ván để vá víu lại? Rồi sẽ tiếp tục chèo ra biển bất chấp sóng gió điên cuồng, bất chấp sự trừng phạt dã man của bọn cảnh sát Mã Lai để mua bán trao đổi hàng hóa với người dân Mã, biết bao nhiêu hiểm nguy chực chờ rình rập xung quanh. Động cơ nào đã khiến họ coi thường mạng sống? Ôi, những người bạn đáng thương. Cuộc sống kham khổ ở đảo đã đẩy họ vào những chuyến phiêu lưu vô định. Nhưng người tỵ nạn Bidong cũng nhờ đó mà cuộc sống tạm đầy đủ hơn. Thực phẩm do Liên Hiệp Quốc cung cấp chỉ đủ cầm hơi qua ngày, chợ trời khu D tiếp tay bổ xung những nhu cầu cần thiết, thực phẩm, quần áo, thuốc men và hàng trăm món linh tinh khác.

Sơn và Dân gì đó đua nhau lội ra xa leo lên ghềnh đá, mon men đến gần ông già câu cá. Tôi và Tư Trần Hưng Đạo cũng rán leo theo, Ghềnh đá cao lớn như cái nhà, đứng chắn một góc vịnh nhỏ tạo thành bãi tắm kín đáo. Tòan khu cây đá một màu xanh xanh, bãi tắm vàng tươi nắng cát. Ông già thỉnh thoảng móc lại mồi mới. Ông lấy một miếng bánh mì khô móc dính vào lưỡi câu rồi thả xuống nước. Bánh mì đụng nước biển nở lớn ra, từ từ tan trong sóng. Từng đàn cá thấy mồi ngon lượn quanh đầy nghẹt, giành nhau rỉa rói. Những con cá lớn bằng bàn tay trên mình vằn vện những sọc đen tuyền bơi lội thong dong. Nước biển trong xanh ngăn ngắt. Đàn cá nhiều hàng trăm, hàng ngàn con, bu nhau rỉa cục bánh mì… vậy mà không con nào mắc vào lưỡi câu.
Tư Trần Hưng Đạo vọt miệng làm quen:
Ai về nhắn với ông câu
Cá ăn thì giựt để lâu hết mồi
Ông già nghe xong, cười ngó anh Tư:
-Cá ở Bidong nầy khôn quá, nó chỉ rỉa mà không cắn câu… tôi cũng giựt lên hoài mà không dính.
Tư Trần Hưng Đạo cười hề hề:
-Cá ở Mã Lai bác phải câu bằng mồi cà ri kìa, nó mới chịu ăn…
Ông già cười, xé một miếng bánh mì nhỏ móc vào lưỡi câu, tiếp tục chờ đợi một con cá dại khờ. Tôi đứng nhìn cái lưỡi câu rồi chợt hiểu mà không dám nói. Loại cá nầy nhỏ bằng bàn tay, miệng nhỏ xíu mà ông lại dùng thứ lưỡi câu dùng để câu cá lóc, cá bông lau làm sao mà cá ăn câu cho được. Có lẽ đi tắm kỳ sau, tôi sẽ đem đủ mồi, lưỡi, dây câu để thi đua với ông già. Tôi chắc cũng không giỏi gì hơn ông, khi mua lưỡi toàn là thứ lớn, có ai nghĩ là đi biển lại câu cá nhỏ bằng cá rô ở đồng, miệng nhỏ bằng trứng kiến. Chúng tôi kéo nhau đi lần trở xuống. Nắng đã dịu hẳn, trời sắp về chiều. Tôi đi cạnh Tư Trần Hưng Đạo nhớ tới ông già, buột miệng nói:

Con cá không ăn câu thiệt là con cá dại
Nghĩ đi nghĩ lại đúng là con cá khôn

Dân gì đó vừa nhảy lỏm bỏm trong nước vừa nhận xét:
-Ông thầy giáo ơi, có chuyện con cá mà ông nói dại nói khôn gì đó, làm sao mà tui hiểu được. Thôi, ông thầy có giỏi nói chuyện tụi mình đi. Mình vượt biên như vầy dại hay khôn gì đó?
Cái thằng nhỏ nầy bữa nay nổi hứng sao mà hỏi lắc léo, tôi đâm ú ớ, miệng muốn trả lời mà không biết nói ra sao cho trôi, may quá Sơn đã trả lời thay:
-Dại hay khôn thì chưa biết nhưng chắc một điều tụi mình là những con cá lọt lưới.
Tư máy cày khoái chí:
-Đúng, đúng, dà Sơn hay à nghen, tụi mình là bầy cá lọt lưới, không dại không khôn, nhờ cái lưới rách…

Trời đất, mấy bạn vàng hôm nay lý luận nghe được qúa, có vậy mà tôi nghĩ không ra. Ai dại ai khôn? Ai khôn ai dại? Chuyện chánh trị rối rắm như mớ bòng bong, mỗi lần nghĩ tới là nhức cái đầu. Tôi che dấu cái dốt của mình nói theo:
-Ừ, ừ, mình là con cá lọt lưới… nhờ trời!
Dân gì đó hỏi tiếp:
-Anh nói nhờ trời là tui không chịu gì đó… Tụi mình đi được là nhờ tụi nó tham vàng. Cũng như mấy người buôn lậu ở Bidong nầy nè, nếu không có tiền hoặc vàng đút lót cho cảnh sát Mã Lai gì đó… thì làm sao nó để yên mà làm ăn gì đó…
Tôi thắc mắc:
-Đừng có đoán mò. Ở Việt Nam mình vì chiến tranh loạn lạc, tình trạng xã hội rối ren mới có nạn tham nhũng, hối lộ, chớ ở xứ Mã Lai nầy yên ổn, luật pháp đâu ra đó, làm gì có cảnh sát ăn tiền làm ngơ cho đám buôn lậu…
Tư Trần Hưng Đạo nhìn tôi:
-Đúng là lý luận của thầy giáo! Cảnh sát Mã Lai không tham nhũng, không ăn hối lộ tại sao có cái chợ trời chình ình ở khu D? Tại sao nó đón bắt mấy ghe buôn lậu đem về đốt mà lại để hàng hóa bày bán đầy dẫy ở ngòai chợ? Hàng hóa đó chắc là ở trên trời rớt xuống hay là do ghe cảnh sát hay ghe buôn lậu chở vô?
Tôi lại ú ớ một lần nữa và chợt hiểu, thì ra dầu ở phương trời nào, con người cũng có những tánh tốt và những tánh xấu giống nhau. Hễ nơi nào có pháp luật thì nơi đó có người phạm luật, chỉ khác nhau là mức độ nhiều hay ít mà thôi..

Trời đã dứt nắng. Bên trong rừng cây đã nhá nhem. Tôi đã lên tới mí cát khô, nhờ gió nhiều nên không cần lau, cả người đã ráo hoảnh. Bây giờ trở về là vừa, đoạn đường khá xa, để tối hơn nữa, sẽ không thấy đường đi. Tư Trần Hưng Đạo lo đi kiếm mấy đứa nhỏ còn chạy lăng quăng đâu đó. Tôi đứng ngó bâng quơ trở về ghềnh đá nơi ông già câu cá, bất chợt thấy một ghe buôn lậu lướt theo sóng, đâm vút vào bãi cát. Giờ nầy trên bãi đã thưa người. Chiếc ghe còn nguyên vẹn. Phía trước, một người chèo mũi, phía sau một người chèo lái, ở giữa một đống thùng cạc tông hàng hóa để ngổn ngang. Chiếc nầy cũng giống y chiếc hồi nãy, kiểu cái thùng cây nhỏ xíu được ghép sơ sài. Ở những mối ráp được trét dầu chai để khỏi rịn nước, dấu trét lem nhem vằn vện, chỗ dầy chỗ mỏng.

Tôi kéo Sơn và Dân gì đó lại gần hơn để coi cho rõ. Hai anh buôn lậu đã nhảy xuống nước kéo ghe vào sát bờ, một đầu để gác trên bờ cát. Tôi đếm được tất cả mười thùng cạc tông để giữa khoang. Không biết từ đâu, xuất hiện một đám bạn hàng vây quanh. Mỗi người trên tay cầm sẵn một cọc tiền dầy cộm. Họ thì thầm trả giá. Cuộc thỏa thuận nhanh chóng. Hàng được giao cho những thanh niên đứng phía sau. Họ lập tức vác các thùng cạc tông lên vai, đi nhanh vào rừng, lẹ như những bóng ma. Theo sau là hai thanh niên khiêng ghe cao trên đầu, đi cũng nhanh không kém. Chỉ trong vòng năm, mười phút cuộc mua bán, chuyển vận hàng hóa đã xong xuôi, không còn một chứng tích nào nữa hết. Bãi cát vắng tanh, bóng chiều từ từ buông xuống, quạnh hiu. Tiếng sóng vỗ nghe chừng gấp rút. Mấy đứa nhỏ con Tư Trần Hưng Đạo chạy phía trước, len lỏi trên đọan đường mòn lẹ như những con sóc, chúng tôi lần lượt theo sau. Trong đầu tôi còn váng vất hình ảnh cuộc chuyển hàng vừa rồi. Họ hoạt động phối hợp nhau khéo quá, chính xác nhịp nhàng. Những người tỵ nạn tháo vác, can đảm. Tôi nói với anh Tư:
-Tôi phục mấy anh chàng buôn lậu nầy quá, cái ghe đóng sơ sài ngó thấy ghê, vậy mà dám liều mạng chèo ra biển…
-Cũng chưa hay lắm đâu. Họ còn có ghe để chèo, không nguy hiểm lắm. Có bận tôi thấy một đám cũng buôn lậu nhưng liều mạng hơn nhiều. Họ đông gần mười người, ôm phao lội ra ghe Mã Lai đậu ở ngoài xa bờ cách cả trăm thước để mua hàng. Mua xong họ ôm thùng hàng được gói kín trong bao ny lông, lội trở vô. Cả đám lội y như đàn nhái bị sóng đánh dập vùi, vô được tới bờ người nào người nấy thở dốc, mặt mày xanh xám, thở không ra hơi. Đồng tiền kiếm được phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và đôi khi chính cả mạng sống… Ở Bidong nầy có tất cả năm bãi tắm được. Có hai bãi dùng để chuyển hàng hóa mua được của ngư phủ Mã Lai. Bãi nầy dược đặt tên là Bãi Buôn Lậu. Còn một bãi nữa ở sau khu G, chỗ lều của bồ ở, băng qua một ngọn núi là tới, cũng là bãi buôn lậu, ở đó nhờ có vách đá nhô ra che khuất tầm mắt của cảnh sát nên kín đáo và tiện lợi, giới anh chị thích vô đây hơn. Khi đã cho hàng lên bờ rồi, chỉ cần vác băng ngang qua núi là chui tọt vô chợ trời liền, kể như an toàn trên xa lộ. Chỗ đó họ thường gọi là Bãi Sang Đồ. Nếu dùng chữ của nhà nước ta, thì đó là hai cửa khẩu xuất nhập hàng trốn thuế ..của đảo Bidong!
Tôi nghe anh Tư dùng chữ của Hà Nội mà tức cười:
-Theo anh thì chữ hải cảng của Sài Gòn và chữ cửa khẩu của Hà Nội, chữ nào hay hơn?
Tư Trần Hưng Đại trả lời:
-Chuyện đúng sai, hay dở thì không biết, nhưng cái gì không ưa thì nói là không ưa!
-Tôi cũng y như anh vậy. Mỗi lần nghe thấy tiếng Việt Nam ‘là lạ’ thì hơi khó chịu, không biết tại sao!

Đường trở về có vẻ gần hơn lúc đi. Chỉ trong chốc lát tôi đã bước ngang qua túp lều có đám rau xơ xác. Những cây rau con nhạt nhòa không còn thấy rõ màu xanh. Có vài lều vàng vọt ánh đèn. Những bước chưn hối hả. Bidong sắp đắm mình trong bóng đêm quạnh hiu. Chung quanh người đi đã thưa thớt. Trong không gian tĩnh mịch, tiếng côn trùng rỉ rả khắp nơi nơi. Lẫn trong tiếng động của núi rừng, tiếng loa phóng thanh dưới bãi được gió đưa đi xa, nghe văng vẳng khi nhỏ khi to.
Sơn đi cạnh tôi nói:
-Bây giờ chắc mấy anh buôn lậu đã dấu ghe xong xuôi rồi, hết lo tụi cảnh sát.
Tôi cũng thấy y như vậy:
-Ừ, ừ, cầu trời cho họ được bình yên…

Trong bóng đêm của Bidong có biết bao người sống âm thầm chịu đựng, cũng có biết bao người bằng cách nầy hay cách khác, hành động len lách để sống còn. Tất cả chỉ vì một ước muốn duy nhứt là được hít thở không khí tự do. Từ Việt Nam đến Mã Lai, từ bãi Buôn Lậu đến nơi ẩn dấu hàng hóa trên hốc núi, dọc theo những nẻo đường âm u hẻo lánh bao nhiêu nguy hiểm chực chờ. Ôi! cái giá của tự do phải trả quá đắt, đôi khi chính cả mạng sống quí báu. Một ngày còn vướng chưn trên đảo là một ngày còn khó khăn. Trên bãi Buôn Lậu hay bãi Sang Đồ của Pulau Bidong chập chùng sóng nước, người tỵ nạn khốn khổ Việt Nam còn phải chèo ghe bao nhiêu bận, khiêng hàng bao nhiêu đêm? Họ còn phải chấp nhận đương đầu với bắt bớ, giam cầm, chết chóc bao nhiêu lần nữa mới tới được bến bờ Tự Do?

Ở dưới triền núi những nóc lều xanh đen nhàn nhạt, ánh trăng thượng tuần lạnh ngắt. Những bóng người di chuyển, thoắt biến thoắt hiện như cảnh tượng trong chuyện liêu trai hoang đường…

Võ Kỳ Điền

No comments: