Monday, August 1, 2011

Pulau Bidong Miền Đất Lạ - Chương 10

Chương 10:


NHỮNG NGÀY RẤT MỚI

Mặt trời buổi sáng đã lên khá cao chiếu cái ánh sáng vàng tươi chan hòa khắp chốn, tôi cảm thấy đôi mắt sáng lòa, bèn bừng tĩnh dậy sau một giấc ngủ say nồng. Tôi nghe rã rời, bải hoải toàn thân, chưa choàng dậy nổi nên nằm im, mắt mở ra rồi khép vội lại vì ánh sáng quá chói chang. Có cái gì khác lạ mới mẻ hết sức. Tôi ngạc nhiên thắc mắc tự hỏi. Sao kỳ cục vậy? Tại sao lại nằm ngủ mê man trên cát, không giường chiếu mùng mền? Đây là đâu? Rồi Duyên, Bi, Tư Trần Hưng Đạo, Út Trung, Dân gì đó, sao mất tiêu hết? Còn chiếc BL 1648 nữa? Kỳ quá, kỳ quá! Phải định thần một hồi lâu, tôi mới từ từ nhớ lại từng diễn biến của tối hôm qua. Trời đã sáng bạch. Ánh sáng chói lọi chiếu xiên qua màng mi mỏng khiến tôi không còn mê ngủ dật dựa, sật sừ.

Làn cát mịn phẳng phiu êm ái như tấm nệm dầy, khiến cái lưng khổ sở mấy ngày nay, bây giờ dễ chịu hết sức. Tôi uốn mình lăn qua lăn lại, xương sống được giãn thẳng ra, kêu rôm rốp. Toàn thân thì mỏi nhừ, nhưng tinh thần thiệt tỉnh táo, sảng khoái. Cái tàu dừa kê đầu ban tối, đã bị ai giựt lấy đi đâu mất tiêu. Đống lửa to lớn đã tàn lụi chỉ còn lại ở giữa mớ tro trắng xám. Năm ba bẹ dừa khô lăn lóc cháy xém dở dang. Một đám người đông đảo ở trần nằm ngủ la liệt xung quanh. Người nào người nấy đen thui, xơ xác như đám cầu thủ sau trận đấu kiệt sức. Cũng có vài người đã thức, mở mắt nhìn quanh ngơ ngác. Tiếng sóng rào rào bên ghềnh đá. Mùi rong rêu tanh tanh, mùi nước biển mặn nồng phảng phất trong làn gió mát ban mai.

Phải rồi, đây là đảo Dừa. Cái đảo mà thằng Dân thủy thủ đã đặt tên tối hôm qua, ghe đã ghé vào buổi sáng, bị bắn và đuổi đi. Buồi chiều phải quay trở lại rồi cả đám được lên bờ. Như vậy là tôi đã nằm ngủ ngon lành trên đất Mã Lai. Cuộc đổ bộ tuy có vài rắc rối, nhưng cuối cùng thì mọi việc đều yên ổn. Tôi mừng rỡ đứng dậy nhìn quanh. Bãi cát trắng xóa lõm vào hình vòng cung chạy tận đằng xa tạo thành một cái vịnh lớn. Núi non bao bọc xung quanh. Đảo nầy khá lớn nên núi cao xanh mờ ở tận trong xa. Cạnh mí bờ cát là những bụi dứa dại, thân cứng lớn, đầy vẩy rồng ngoằn ngoèo, rễ mọc tua tủa xuống mặt cát khô nen, lá cứng dầy, xanh um đầy gai góc. Tôi rán nhìn trên những phiến lá để tìm những tên họ trao gái yêu nhau thường được rạch bằng mũi nhọn, những chữ tên quấn quít như ở Vũng Tàu, Long Hải, Nha Trang. Tuyệt nhiên không có. Như vậy nơi đây ít người lai vãng. Cạnh bên những loại cây rừng thấp nhỏ, khô cằn mọc xen những đám cỏ tranh cao ngang đầu. Bên trong chỗ nào cũng thấy toàn là dừa. Cả một rừng dừa ngút ngàn. Cây nào cây nấy cao vút, cong queo vì gió bão.

Tôi đi lần ra bờ nước để rửa mặt. Những tảng đá màu đen huyền, màu vàng lợt, màu đỏ bầm, nằm lắp xắp trong làn nước trong vắt. Cát trắng mịn sạch trơn. Hầu như không thấy rong rêu cùng vỏ sò, vỏ hến như các bờ biển Phú Quốc, Nha Trang. Rán tìm coi chỉ thấy vài con ngôi sao nhỏ. Tôi chọn một tảng đá màu trắng ngà, ngồi lên khoan khoái đưa mắt nhìn dọc theo bờ nước. Rải rác đó đây còn trơ lại các xác ghe tàu vuợt biên đến trước. Có nhiều chiếc mục mát không còn đọc được số hiệu. Một nửa lườn ghe chìm ngập trong cát bùn, nửa còn lại cây ván đen mục trơ vơ với mưa dầm nắng cháy, chờ cho tới ngày rả tan thành bùn đất. Cách đó một khoảng có vài chiếc còn mới, ván còn nguyên màu cây sao tươi xanh. Tôi đọc được hàng chữ số MH 4516, MH 4517 nét sơn còn đậm đen, kế bên là chiếc BL 1648 được cột ghịt vô gốc dừa, đáy cũng đã lún sâu trong cát, đưa cái sườn để hứng chịu những lượn sóng ngoài khơi chạy vô đập rầm rầm. Với tình cảnh như vầy, chỉ chừng vài tháng nữa là nó cũng sẽ rã tan như mấy chiếc kia, sau khi đã làm tròn phận sự đưa cả đám chúng tôi tới nơi chốn bình an. Làn nước trong trẻo mát lạnh lắp xắp ngang ống chưn, mơn man da thịt, tôi nghe khoan khoái hết sức. Tôi cúi xuống vốc nước rửa mặt, thấm cho ướt tóc. Nước đắng mặn chát. Những cọng tóc phơi nắng gió cứng còng như rễ tre được chải cho ngay hàng thẳng lối bằng năm ngón tay xòe ra làm cái lược. Tôi chợt mỉm cười, nếu với hình dáng lôi thôi lếch thếch nầy mà đi trên đường phố Sài Gòn, gặp lại người yêu cũ, chắc là mắc cỡ lắm! Cũng may trên ghe toàn người tứ xứ. Tôi rán nhìn xuống để coi cho rõ hiện tại mình ra sao, chỉ thấy cái bóng đen lung linh trên sóng nước tan loãng, ngoằn ngoèo. Ôi, chỉ mới có mấy ngày mà bao nhiêu thay đổi đột ngột như một giấc chiêm bao. Biển xa thăm thẳm. Không biết bây giờ, ba má tôi cùng những người quen thuộc, bạn bè thân yêu đang làm gì. Họ có còn nghĩ đến tôi không? Cũng không biết Việt Nam ở về hướng nào? Tôi quay qua quay lại tìm hướng mặt trời mọc. Bên trên mặt trời sáng lòa như một khối lửa vàng hực, le lói trong những đọt dừa ở tận trong sâu. Lác đác cũng có người xuống mé nước làm vệ sinh buổi sáng. Bình minh bừng dậy trên một góc đảo hoang. Tôi lửng thửng trở về chỗ cũ, chưn bước dọc theo bãi cát trong ánh nắng ban mai rờ rỡ. Mọi người sau một giấc ngủ no đầy, đã lấy lại nét tươi tỉnh. Giữa cảnh trời nước mênh mông, thiên hạ gặp lại nhau tha hồ mà cười nói, chuyện nào cũng quá dài kể đến bao giờ cho hết.

Duyên bồng Bi đứng đợi tôi dưới gốc dừa. Thằng bé ngơ ngác ngó mọi người ồn ào cười nói như phiên họp chợ bằng đôi mắt thỏ đen bóng. Vừa chợt thấy tôi xuất hiện trong đám người đông đảo, nàng mừng rỡ kêu lên:
-Ba về rồi kìa. Đi đâu mà em kiếm tự nãy giờ?
Tôi chưa kịp trả lời thì bỗng nghe Bi bập bẹ từ trong vòng tay Duyên:
-Ba... Ba!
Trời! Thằng nhỏ mới biết nói. Ngộ quá! Thằng nhỏ biết kêu ba rồi.
Tôi đứng sững lại, bụng sung sướng hồi hộp. Cái miệng nhỏ xíu với đôi môi hồng có hai cái răng cửa trắng như hai hột bắp, tiếp tục bập bẹ:
-Ba... ba...ba..
Tôi chạy a đến bồng Bi trum trủm trong hai tay. Bi còn nhỏ xíu nên nhẹ hửng. Tôi vòng hai cánh tay ôm thiệt nhẹ nhàng sợ con đau. Y như ngày đầu tiên bồng Bi, da thịt thằng bé còn mỏng như tờ giấy, tôi định hôn con mấy lần nhưng không dám vì sợ da rách.
Ôi! còn nỗi sung sướng nào lớn hơn lần đầu tiên nghe con kêu mình bằng cha. Duyên cũng mừng quính:
-Bi biết nói rồi! Mà sao nó lại kêu ba trước mà không kêu em?
Tôi cười khoan khoái, kéo nàng đến ngồi trên một thân cây dừa mục ngã nằm trên cát:
-Em ẳm nó suốt ngày, nó đâu cần phải kêu mẹ nữa. Mà cũng lạ thiệt, nó biết nói đúng vào ngày đầu tiên mình sống trên đảo vắng. Có lẽ cái số của hai cha con tôi giống nhau...

Buột miệng nói câu nầy, tôi vụt hồi tưởng lại những ngày thơ ấu. Cách đây trên ba mươi mấy năm, cũng trên một hòn đảo tư bề sóng vỗ rạt rào, tôi được sanh ra, lớn lên giữa vùng gió nắng. Trước nhà là cửa sông Dương Đông, mỗi khi chiều đến hàng đoàn ghe thuyền tấp nập nối đuôi nhau rẽ sóng ra khơi, để khi đêm về, chở hàng muôn ngàn con cá vẩy bạc, đổ vun đầy trên bãi cát. Những bà làm cá mướn tay thớt tay dao, chia nhau xẻ cá làm khô, đèn đốt sáng rực. Tiếng cười nói ồn ào vang cả một khúc sông vắng trong đêm khuya. Sau nhà là rặng núi Khu Tượng. Dãi núi có hình dáng con voi nằm phủ phục xanh xanh. Phía trước là cái đầu voi to lớn với cái vòi dài ngoằn, phía sai hình dáng hai chưn sau quỵ xuống. Những sáng sớm mây mù hay những hôm trời mưa giông, đứng trên bộ ván bên cửa sổ, nhìn xuyên qua những sợi mưa giăng giăng, phong cảnh mờ ảo nên thơ như bức tranh thủy mặc. Những ngày đó tôi còn nhỏ xíu như Bi bây giờ. Căn nhà vách ván, những đêm mưa lạnh, dưới ngọn đèn dầu mờ, tôi thường nằm khoanh tròn trong lòng ba để lấy hơi ấm, tai nghe ba kể chuyện nàng Túy Kiều với chàng Kim Trọng, chuyện Lục Vân Tiên với Kiều Nguyệt Nga... Khi hết chuyện, ba thường ru ngủ bằng những cây hát, câu hò. Hình như trong bụng ba chứa đầy thơ phú. Nghe hoài, đâm thuộc hồi nào không hay. Hễ cứ mỗi lần trời mưa giông, tôi đứng kề cửa sổ nhìn mưa mà nói ngọng nghịu:

Trời mưa trời gió đùng đùng.
Cha con chú lùn đi gánh cứt heo

Tôi cũng không biết tại sao tôi thích hai câu nầy. Có lẽ hình ảnh ‘gánh cứt heo’ của hai cha con chú lùn nào đó dễ gây ấn tượng cho cái đầu óc còn quá con nít của tôi lúc đó chăng? Rồi cho đến một ngày giặc giã nổi, ba dắt díu vợ dại con thơ theo ghe bầu bỏ đảo về đất liền. Để rồi mất chục năm sau, cũng y như vậy, giặc đỏ chiếm lấy quê hương, tôi phải đành bồng con thơ bỏ xứ mà đi ra đảo. Sự việc cách nhau một thời gian quá dài nhưng khá giống nhau. Có lẽ phần mộ ông bà ngày xưa, chôn nhằm cuộc đất con cháu phải tha phuơng cầu thực chăng? Nhưng dầu sao đời tôi cũng còn may mắn. Con tôi nó còn biết gọi ba...ba. Ở nơi quê nhà biết bao nhiêu đứa trẻ ngây thơ, tiếng nói đầu đời không phải gọi ‘ba’ mà là ‘Bác’. Ôi chua xót thương đau cho những bậc làm cha mẹ, đành phải lâm vào cảnh dở khóc dở cười!

Tôi ôm chặt thằng nhỏ vào lòng cho đến khi có lịnh tập họp. Như đàn ong vỡ tổ mọi người túa ra từ khắp nơi đến sắp hàng dài theo bãi cát. Tiếng cười nói vang rân. Tôi cũng lững thững đứng dậy đi đến bên cạnh vợ chồng Tư Trần Hưng Đạo. Bầu trời hải đảo sáng nay trong xanh, vài cụm mấy trắng xốp như bông gòn bay lảng đảng, nắng buồi sáng chiếu vàng tươi rực rỡ trên những đọt dừa xanh. Dưới bờ cát nước trong loang loáng nằm chen chúc những hòn sỏi đủ màu. Không khí thiệt trong lành. Cạnh một tảng đá lớn, người Trung Sĩ chỉ huy Mã Lai xuất hiện từ lúc nào. Anh ta nổi bật lên hẳn giữa đám đông có lẽ nhờ bộ quân phục ủi láng phẳng phiu, các nếp gấp còn bén ngót. Trên ngực áo là một hàng huy chương xanh đỏ, cũng vậy cái kết anh đội, thêu đầy những đường viền màu mè loè loẹt. Anh ta dáng người vừa tầm, rắn rỏi, da ngăm ngăm đen, trông có vẻ đẹp trai nhờ hàm râu mép cắt tỉa vén khéo. Đôi mắt sáng và mạnh. Tôi biết được chức vụ anh nhờ có cặp cánh gà chiên bơ trắng bệch gắn ở vai áo và nhờ ở vẻ đầy oai quyền hống hách. Trong tay lo le chiếc gậy chỉ huy ngắn, anh ta ra lệnh cho mấy người lính đứng vây quanh bằng những tiếng Mã Lai xa lạ. Họ trả lời tôi nghe được hai chữ Tăn Ku. Vậy Tăn Ku có thể là tên mà cũng có thể là chức vụ. Thôi kệ, gì cũng được. Từ nay anh đã có tên. Tên anh là Tăn Ku!

Tăn Ku ra lịnh cho chúng tôi xếp hàng tư. Thôi thì già trẻ bé lớn chen chúc nhau đứng lố nhố làm thành cái hàng người dài, quanh co như cái đuôi lân. Đám con nít chạy tới chạy lui lộn xộn quá. Đếm đi đếm lại, đếm tới đếm lui... Kết quả cũng không giống nhau! Đứng trong hàng tôi nhìn lơ đãng vào rừng dừa bên trong. Dừa mọc lộn xộn, chi chít ngổn ngang không ngay hàng thẳng lối gì cả. Chỗ nầy cây ngã qua, chỗ kia cây ngã lại. Vì quá chật chội nên chúng cố vươn lên, vươn lên nữa để đón ánh sáng mặt trời, nên cây nào cây nấy dài ngoằn cao vút. Có cây già cỗi gần rũ, trên ngọn lá rụng gần hết còn lại lưa thưa vài tàu, xơ xác như con gà chọi trụi lông. Có cây còn non mới mọc cao chừng hai ba thước. Cả một rừng dừa mọc bừa bãi, không có bàn tay vén khéo của con người nhúng vô. Xen dưới những gốc dừa là những cây dại mọc hoang um tùm. Cỏ tranh mọc cao ngang ngực. Có một con đường mòn len giữa đám cây cối xanh xanh, chạy song song theo bờ cát hướng về phía cầu tàu. Chắc là đường đi lại của tụi lính Mã Lai. Cái đồn của chúng đóng ở gần cầu. Bỗng nhiên tôi thấy trong đám cỏ tranh, có một cô gái mặc áo vàng quần trắng, ung dung bước ra, đi về hướng chúng tôi. Bóng cô thấp thoáng giữa những gốc dừa, khi ẩn khi hiện như trong chuyện liêu trai. Từ xa nhìn dáng cô đi thanh thoát, màu quần áo sáng trưng đi giữa khung cảnh cây lá hoang dại, tôi ngạc nhên lạ lùng nắm tay Duyên nói:
-Có người ở bên trong đảo. Giống như người Việt Nam...
Nói tới đó tôi chợt phát hiện thêm vài người nữa, họ đứng lấp ló trong đám cây lá um tùm. Những cặp mắt nhìn ra ngoài láo liêng. Họ có vẻ gì sợ sệt, ẩn núp, muốn nhìn mà như không dám. Đám lá cây xao động. Tôi rán nhìn kỹ thấy có những mái lều nhỏ mới dựng, mái che bằng là dừa, có mái đã ngã màu vàng, có mái còn tươi xanh. Vì lều quá thấp, bị gốc dừa che lấp nên khó thấy.
-Duyên ơi, dám có đồng bào vượt biên tới đây ở trước mình, không biết tại sao họ lại đứng lấp ló bên trong, có vẻ sợ sệt?
Tư Trần Hưng Đạo cũng theo dõi từ nãy giờ, kề tai tôi nói nhỏ:
-Ê bồ, ở giữa biển khơi hoang vắng như vầy, sao lại có một người đẹp quá, không biết Mã Lai hay Việt Nam?
Tôi trả lời anh Tư ngon lành:
-Việt Nam mình đó, chớ Mã Lai làm gì trắng trẻo duyên dáng như vậy!
Nguời đẹp đảo Dừa đã đến gần. Tôi và Tư Trần Hưng Đạo nhìn sững cô ta. Trời ơi, ở giữa chốn nước non vời vợi như vậy mà lại có một người đẹp yểu điệu thục nữ như vầy. Tay chưn nàng tròn trịa dịu nhiễu, trắng nuốt nuột nà. Gương mặt thanh tú, cặp mắt đen bóng, miệng lúc nào cũng có vẻ mỉm cười hiền dịu. Tôi kề tai Tư Trần Hưng Đạo nói nhỏ:
-Cô nầy tôi nhớ có gặp ở đâu, dáng quen quen...
Muốn chọc tôi, Tư Trần Hưng Đạo nói lớn cố ý cho cô nghe :
-Bạn hễ thấy ai đẹp là nhìn bà con liền. Thôi đi ông bạn ơi, nghèo mà ham!
Nghe hai đứa tôi đối đáp, cô ngước cặp mắt đen lay láy mà nhìn không có vẻ gì xao xuyến, chưn bước về phía Tăn Ku. Hai người có vẻ quen nhau. Cô ta nói với anh chàng nầy vài câu ngắn tiếng Mã Lai. Tăn Ku gật đầu lia lịa. Tôi ngạc nhiên hết sức. Có thể cô ta lại là người Mã Lai sao? Ở hải đảo nhiệt đới, khí hậu nóng bức sao lại có người da trắng như bông bưởi vậy được? Việt Nam hay Mã Lai? Mã Lai hay Việt Nam? Đầu óc tôi lộn xộn.
Duyên cười nhìn tôi:
-Anh hễ thấy ai đẹp, ai giỏi cũng ham lắm, quơ làm Việt Nam tuốt luốt hết. Đó cô ta rõ ràng là Mã Lai, còn khen đẹp nữa thôi?
Tôi bỡ ngỡ:
-Ờ, ờ, sao kỳ quá, anh vẫn nghi cô ta là Việt Nam... mà sao lại nói tiếng Mã Lai trôi chảy quá.
Duyên liếc xéo tôi một cái dài bằng mấy cây số:
-Nói chuyện gì nghe tức cười. Người Mã Lai mà không nói được tiếng Mã Lai trôi chảy? Vậy chắc cổ phải rán nói được tiếng Việt cho anh vừa lòng?

Người đẹp đã quay về rừng dừa hồi lâu, trở ra, tay xách một thùng nước, tay cầm một cái ca nhôm. Bàn tay xinh xắn rót từng ca nước ngọt, trìu mến đưa cho các em nhỏ, nâng niu cho các cụ già. Tôi đứng ngây người nhìn cái hình ảnh tuy đơn sơ mà trong lòng cảm động rưng rưng. Thôi kệ, nàng có là Mã Lai, Phi Luật Tân, Thái Lan gì đi nữa, cũng không sao. Giữa con người với con người, đối xử với nhau thân tình như vậy, đẹp quá. Cõi lòng của nàng khiến tôi xúc động bồi hồi. Một ca nước đâu có đáng giá bao nhiêu nhưng cái tình của nàng đối với đám người tỵ nạn lôi thôi lếch thếch, đầy ấm áp thân thương. Của cho đâu quí bằng cái tình cho. Số người đông quá nàng phải trở đi trở về cả chục bận:

Gió đẩy đưa rau dừa dìu dịu
Anh cảm thương nàng lịu địu xuống lên

Nắng đã bắt đầu tỏa hơi nóng, hai má nàng ửng đỏ hồng. Nước uống hoài mà cổ họng vẫn còn khát khô. Ai nấy đều như say sóng lảo đảo. Con nhỏ Thủy Tiên, con út Tư Trần Hưng Đạo nắm tay anh lắc lắc:
-Ba ơi, sao cái đảo nầy nó nhúc nhích. Mỗi lần sóng đánh, con thấy nó lắc lư.

Tôi bật cười định giải nghĩa cho em hiểu. Nào ngờ, người đẹp đảo Dừa đã trả lời thay bằng tiếng Việt. Cả đám há hốc miệng ngạc nhiên. Nàng cười tươi tắn, hai hàm răng đều như hạt bắp, má lúm đồng tiền:
-Không phải đâu em. Tại mình đi trên ghe lâu ngày, người lảo đảo nên mình tưởng như vậy. Vài ngày nữa là hết.
Cô bé được trả lời, thỏa mãn cười ngỏn ngoẻn. Tôi còn thoả mãn hơn em nữa vì thắc mắc đã được giải đáp, bèn quay qua nói với vợ:
-Đó em thấy chưa, anh nói cổ là người Việt Nam mà em không tin...
Tư Trần Hưng Đạo định hỏi dò vài tin tức nhưng cùng lúc đó Tăn Ku đã sấn đến, đưa gậy chỉ vào trong đám lá dầy đặc. Cô ta quay gót trở lui không kịp từ giã. Đôi dép cao su mới màu trắng, gót son đỏ hồng. Tôi nhìn theo thấy những dấu đi trên mặt cát mịn màng mà lòng băn khoăn xao xuyến. Đột nhiên tôi cảm thấy thương thương, buồn buồn. Nàng là ai? Ở đâu đến đây? Tại sao lại ở trong ‘đám lá tối trời’ tận bên trong? Chắc cũng là người tỵ nạn nhưng sao lại quần áo sang trọng, son phấn đẹp đẽ? Tại sao nàng lại biết nói tiếng Mã Lai? Nàng có liên hệ gì với Tăn Ku không?

Cuộc điểm danh đã xong hồi nào, tôi không hay. Mọi người đã tản mát khắp nơi, tôi vẫn còn đứng ỳ tại chỗ. Bây giờ Tăn Ku lấy gậy vạch một đường thẳng trên bãi cát, lấy chỗ cây dừa mọc nghiêng trên ra mí nước để làm ranh giới. Hắn hăm he, bất cứ ai cũng không được bước ra khỏi lằn ranh chỉ định. Bất tuân sẽ bị phạt theo kỷ luật. Xong rồi, hắn kéo một đám lính độ bảy tám tên, bắt Hủ Tiếu và Nhựt Bổn đi theo, cùng trèo lên chiếc BL 1648 để lục soát tìm vàng bạc châu báu. Chiếc ghe được cột sát vô gốc dừa trông thê lương tàn tạ. Mới có một đêm một ngày mà sao xơ xác. Sau đó đám thủ hạ của Hủ Tiếu được lịnh lên ghe khiêng gạo muối cùng nồi để nấu cháo phát cho mọi người. Vì là chủ tàu nên khi đi Hủ Tiếu có đem theo được đủ bộ nồi niêu xoong chảo, dụng cụ hành nghề của ông ta. Cái nồi thiệt to và cái bếp đun bằng dầu. A Son, con rể Hủ Tiếu đứng bơm bình dầu, ngọn lửa khè ra xanh lè, miệng hò hét vang rân. Dân thủy thủ chạy đi lấy nước. Một số còn lại trong các thùng ny lông trên ghe, một số lấy thêm ở đằng giếng. Giếng ở cuối con đường mòn, gần đồn lính. Nước giếng rất trong uống ngọt nhưng khi đem nấu sôi lên, dưới đáy nồi đóng một lớp cặn dầy màu trắng đục như sữa. Có lẽ là chất đá vôi hoặc san hô tan lẫn trong nước. Cháo nấu xong, mọi người chen nhau giành giựt. A Son tay xô tay gạt, mồ hôi chảy đầy mặt. Anh cầm cái giá dài bằng nhôm múc đầy từng chén đưa đến. Khi đến phiên tôi, nồi cháo đã cạn, anh vét tận đáy, chỉ được nửa chén lưng lưng. Tôi đem về để thêm bột cá chà bong, dành riêng cho Bi. Tôi và Duyên chỉ ăn có chút xíu đậu phọng rang với đường. Các món nầy có được là là nhờ mang theo luôn bên mình trong cái túi nhỏ.

Trong lúc mọi người quây quần ăn cháo sáng, cười nói ồn ào, nhộn nhịp thì bọn lính Mã trên ghe tha hồ lục tung đống hành lý để xét lấy vàng bạc, tiền của. Trên cái boong ghe chật hẹp, tôi thấy mấy người lính đi tới đi lui, chuyển các món quí giá vừa cướp được mang vô đồn. Sau khi thu đoạt hết những gì quí giá, Tăn Khu cho lịnh từng toán năm người lên ghe lấy hành lý cá nhơn. Thằng Zăm Bri đen thui, tóc xoắn, cái chưn cà vẹo nghiêng nghiêng, giống hịch con khỉ đột, tay cầm gậy tre, đứng canh ngay gốc dừa. Thiên hạ chen lấn nhau, xô đẩy nhau để được lên ghe trước. Thiệt tình, lúc nào cũng chen lấn giành giựt, chán hết sức! Mỗi khi có người vi phạm lằn ranh, bị thằng khỉ đột xử phạt bằng cách hít đất, nhẩy xổm, thụt ống dầu... như ở quân trường.

Vợ chồng tôi chờ hoài mà không tới phiên. Trời đã trưa, nắng chói lòa trên bãi cát. Sóng loang loáng nắng vàng từng đợt, từng đợt nhấp nhô. Chờ cho tới gần chiều. Người sao mà đông quá sức. Duyên được đi lên ghe trước. Nàng tìm lại được đủ hết các xách tay cùng cái ba lô vất bừa bãi dưới sàn ghe. Kế đó, tôi được lên theo. Đi vừa được mươi thước thì gặp nàng khệ nệ bưng xách đầy tay. Hai vợ chồng vừa đi vừa thở, khiêng về nơi bọn lính Mã kiểm soát. Một anh lính ngồi bên gốc dừa, trước mặt trải một tấm ny lông. Người mang hành lý đến phải mở tung cái xách tay ra để anh ta kiểm soát từng món. Tất cả các loại quân trang quân dụng đều bị tịch thâu. Bị lấy nhiều nhất là các loại vũ khí như dao búa, áo phao, dây dù, dao găm... Tiến bị lấy mất nguyên một bao dây dù mà ba tôi cho để đem theo giăng lều. Thằng lính Mã Lai lục lọi trong cái xách tay, đụng phải một cái gói giấy ny lông, mừng rỡ tưởng là tiền đô la bọc kín. Anh xé cái bao. Tôi thót ruột. Trời, mấy cuốn sách cũ xì gần mục nát, cái bàn tay hộ pháp sần sùi của thằng quỉ dịch nầy cầm đã muốn rách rồi, mà nó còn xé ra nữa.... Rủi nó rách thêm thì tôi đau đớn lắm. Nó dở ra thấy trang nào trang nấy chữ Tàu đen thui, nghinh mặt hỏi tôi bằng tiếng Anh:
-Cái gì vậy?
Tôi hồi hộp trả lời:
-Cuốn sách chữ Tàu đó. Cũ lắm rồi, ông làm ơn nhè nhẹ dùm, coi chừng rách.
Nó cười, quăng xuống đất. Tôi mừng quá, cúi xuống lượm lên, phủi sơ qua cát bụi, đút gọn lại trong xách tay. Thế là thoát nạn, bộ sách quí nhứt của tôi. Cũng may nó không lấy món gì. Quần áo đồ đạc tuy đã gói kỹ lưỡng bằng bao ny lông, vậy mà vẫn ướt mem vì cái ba lô bị quăng xuống dưới hầm ghe, ngâm trong nước tiểu, nước biển, nước ói mửa... Tất cả đều nặng chình chịch. Hai vợ chồng khiêng xách hết muốn nổi. Phải đem giặt ngay vì quá dơ dáy, hôi hám. Tôi đem tất cả ra ngoài ghềnh đá, tận cuối bãi, coi sóc lại từng món. Xung quanh mọi người cùng ùa ra ra tắm rửa, giặt giũ. Nước trong xanh ngăn ngắt. Buổi chiều nắng tuy còn sáng trưng nhưng đã hết nóng. Tứ bề gió thổi lồng lộng. Trời thì thiệt cao và biển thì thiệt rộng. Lòng tôi trải dài theo từng cơn sóng nhịp nhàng, từng giạt nắng lung linh. Tôi lựa một tảng đá trắng to, bằng phẳng như một mặt bàn, rồi để tất cả quần áo dơ bẩn lên đó, lấy xà bông giặt và xả cho sạch. Thỉnh thoảng có vài lượn sóng lớn từ xa chạy ùa vô thiệt lẹ, chồm cao trên mặt đá, ùa vào cuốn phăng tất cả, đánh tạt ra tứ tung. Tôi phải chạy lỏm bỏm dưới nước để lượm lại từng món. Dơ nhứt là cái mùng. Nó lớn rộng quá lại dính đủ thứ tạp nhạp. Tôi phải giũ tung ra vả phải xả đi xả lại nhiều bận. Đồ đạc bằng vải vóc mà giặt bằng nước biển như vầy thì chỉ dùng tạm một thời gian ngắn, chừng vài tháng nữa là mục nát. Nhưng đâu có cách nào hơn. Dầu sao có cũng còn hơn không.

Tôi ôm đống quần áo vừa giặt xong, khệ nệ vác về chỗ cũ thì trời đã ngã về chiều. Bãi cát đã thưa người. Mỗi gia đình đều tìm chỗ bằng phẳng để dựng lều tạm ngụ qua đêm. Ai nấy đều yên nơi yên chỗ, chỉ còn tôi là người chậm lụt trễ nãi nhứt. Tự nhiên người Việt và người Hoa tách đôi ra. Bên Việt Nam thì chọn đám đất dưới rừng dừa, đám Hoa Kiều thì chùm nhum lại dưới những cây bàng ở sát bên vách đá cuối bãi. Tôi đứng nhìn địa thế một hồi, bèn chọn một lõm giữa lều của anh Tư Trần Hưng Đạo và lều của anh chị Thưần. Phía sau có lều của chị Kiều, chị Huệ, phía sau nữa là lều của chị Điệp và Mai. Tôi lấy tấm ny lông trải thẳng ra trên cát, mấy cái bông trắng in xen với những sọc vuông đỏ coi cũng khá đẹp. Hai cái xách tay dằn ở đầu làm gối, giăng cái mùng ướt nhẹp vừa giặt xong bằng bốn sợi dây nhợ gá vô mấy gốc dừa. Bốn bề tuy trống hốc nhưng bên trên là những tàu dừa dầy đặc, lo gì gió sương.

Vì lo giặt giũ và ngắm trời nước mênh mông, tôi sơ ý không tìm lấy thùng ny lông để đựng nước và đi lục tìm các quần áo, vật dụng còn thất lạc, đồng thời việc cần thiết nhứt là kiếm gạo để ăn. Trên ghe còn nguyên tám bao gạo chỉ xanh, buổi sáng A Son đã lấy một ít để nấu cháo. Người ta túa lên ghe để lục tìm các loại thực phẩm, trong khi đó tôi lui cui kiếm dây nhợ để giăng mùng! Cái điệu nầy chắc phải ngủ hoài mà không cần ăn! Cũng may, mấy đứa em có được một bao gạo nhỏ. Tụi nó sớt cho tôi một bịt cỡ ba kí. Tư Trần Hưng Đạo vác về một bao muối. Tôi xin một gói nhỏ. Thực phẩm đem theo còn nguyên, cốm dẹp, thịt cá chà bong, đường chanh, muối tiêu, tỏi, đậu phọng rang, mứt gừng, sữa bột...

Trời chập choạng tối. Ngoài bờ nước, người ta rầm rập đem cưa, búa, đục, xà beng phá tung các vỏ ghe nằm rải rác đây đó để lấy ván cột về dựng lều. Tiếng búa nện đùng đùng, chan chát gấp rút, hối hả vang đi, vọng lại từ vách đá, trong bóng chiều xuống quạnh hiu. Những bóng người leo trèo nhảy nhót trên mui, trong khoang ghe trở nên chập choạng, tù mù. Bỗng nhiên tôi nghe một tiếng kêu thảng thốt, đau đớn, bèn giựt mình đứng lên coi chuyện gì đã xảy ra. Một người nhỏ con trần trụi, nằm lăn trên bãi cát, ôm lấy hai chưn rên rỉ. Coi lại thì là Xám Mã Chải leo lên ghe kiếm cột dựng lều, từ trên cao nhảy mạnh xuống bị trật chưn nặng. Bạn bè bu quanh, kiếm thuốc, kẻ bóp người thoa. Cuối cùng phải cõng anh về lều. Từ đó Xám Mã Chải phải nhảy cò cò suốt thời gian ở đảo. Tôi đứng nhìn cái mùng mới giăng, vừa ý hết sức. Giăng cao thẳng thớm, tối nay dùng để ngủ mà cũng là để phơi. Khí hậu Mã Lai thiệt nóng bức. Nhiệt độ trung bình khoảng ba mươi lăm độ, tháng nầy trời lại không mưa, vả lại ở đây chỉ có vài ngày thôi, dựng lều kỹ lưỡng chi cho mất công. Ăn thì nhiều chớ ở đâu có bao nhiêu! Trời tối lại không có đèn, nên đi ngủ sớm. Ai nấy đều mệt mỏi và muốn nghỉ ngơi. Chuyện gì cũng dẹp hết để ngày mai lo tiếp. Vợ chồng con cái, vừa lớn nhỏ ba người, chen vô cái mùng ướt nhẹp, ngủ một giấc ngon nhứt trong đời.

Ở trên cao bầu trời thăm thẳm như nhung, những vì sao sáng nhấp nháy như mừng cái hạnh phúc đơn sơ của những người vừa bỏ xứ, có tạm một chỗ dung thân. Trong cơn mơ màng tôi thấy người đẹp đảo Dừa đi trong khu vườn cao su, cũng cái áo thun vàng, cái quần tây trắng, cũng mái tóc buông lơi. Cảnh buổi chiều trời vừa tắt nắng âm u.

Khởi tri lưu lạc phục tương kiến
Man phong Đản vũ sầu hoàng hôn.

(Rồi lưu lạc ai ngờ là ước hẹn,
Gió Mường, mưa Mọi sầu phủ chiều hoang).
Thơ Tô Đông Pha, Tuệ Sĩ dịch.

Võ Kỳ Điền

No comments: