Monday, February 9, 2009

VÂN THÂM BẤT TRI XỨ




Chiếc BL 1648 phăng phăng rẽ nước, lao vun vút tới trước như con ngựa điên hung hản bị bịt hai mắt. Tiếng máy gầm thét lẫn với tiếng sóng vỗ rì rào như vang trong gió nỗi giận hờn, bực tức. Nó đi mà không còn biết đâu là bến bờ. Bây giờ cả không gian là một khối nắng chói lòa loang loáng. Trên là trời, dưới là nước. Trời với nước phản chiếu nhau, trộn lẫn nhau, hắt cái hơi nóng hừng hực lên ghe. Mọi người đứng ngồi la liệt như đám tàn quân bại trận thảm thương, mặt mày hốc hác, quần áo nhàu nhò. Tôi nghe đầu óc váng vất. Cả đêm không ngủ rồi tâm trí căng thẳng từ sáng tới giờ, nỗi thất vọng khiến toàn thân như tê liệt, mấy bắp thịt hầu như nhão ra. Tôi đưa mắt nhìn lên phòng lái. Cái phòng vuông vức nhỏ xíu đó đông nghẹt người chen chúc. Loáng thoáng thấy tài công Hốt, tài công mặt rỗ, Quách Linh Hoạt, Dân thủy thủ, Hủ Tiếu... cùng một đám thanh niên đầu cổ bờm xờm. Người thì leo lên mui ngồi ngất ngưởng trên đống hành lý, người nắm lấy vách cột đứng cheo leo. Mặt mũi ai nấy buồn hiu.

Cái bờ biển vô tình hồi sáng, bây giờ đã mất hút trong tầm mắt. Ghe không còn chạy dọc theo bờ mà lại đâm thẳng ra khơi. Núi non cây cỏ dần dần khuất mất trong những đợt sóng. Trời, cái điệu nầy Hốt định bỏ Mã Lai rồi, chắc ‘giả’ định tìm một bến khác. Bến mới nào đây? Singapore hay Indonésia? hay Úc? Nghĩ tới những quốc gia mới nầy, lòng tôi đâm e ngại rụt rè. Có chắc gì những nơi sẽ đến, người ta nhân đạo hơn, mở rộng vòng tay đón tiếp người tỵ nạn. Rồi sẽ đi nữa, đi nữa... Hình như ở thời đại kỹ nghệ máy móc nầy, tìm một cõi lòng nhân đạo hơi khó khăn!

Bất thình lình trong lúc không mong không đợi, có một chiếc tàu sắt sơn toàn màu đen tuyền, từ đâu không biết, vụt đến chạy theo ghe. Chiếc tàu nầy lớn hơn chiếc BL 1648 chút xíu, trang bị đầy máy móc chi chít đặc nghẹt trong khoang không một chỗ chen chưn, chạy thiệt nhanh và lướt sóng thiệt khéo. Chắc là loại tàu kéo hay tàu máy của dàn khoan dầu. Trong chớp mắt nó cặp sát. Những đợt sóng do nó tạo ra đập mạnh vào thân ghe, khiến chiếc ghe chòng chành dữ dội. Lá cờ trăng lưỡi liềm với các sọc đỏ nằm ngang bay phần phật trong gió. Đúng là cờ Mã Lai. Từ trong khoang một người Mã to lớn chui ra, đưa tay ra ngoắc tài công Hốt ra dấu bảo theo, sau đó chạy trước dẫn đường. Chiếc BL 1648 như người mù mất phương hướng, bây giờ tự nhiên có người đến dắt đi, mừng rỡ bám sát.

Trên ghe niềm hy vọng làm tươi tỉnh những gương mặt rám đen héo úa. Những ánh mắt mệt mõi mắt đầu long lanh nhìn theo chiếc tàu lạ. Trưa nay gió thiệt to và sóng thiệt cao. Chiếc dẫn đường lướt sóng phăng phăng, chiếc theo sau rán hết sức để bám sát, tiếng máy gầm rú lên từng hồi. Có nhiều đợt sóng lớn đánh tạt vào mạn ghe, nước văng tung toé lên cả chỗ ngồi. Chiếc tàu nầy máy mạnh quá. Biền trưa nay động dữ dội mà trông nó vẫn vững vàng, hai cái hông bè ra đè trên sóng mà đi. Lâu lâu người thuyền trưởng Mã ló đầu ra phòng lái, cười cười tỏ dấu thân thiện rồi đưa tay chỉ về phía trước. Tôi đoán chừng chắc đâu đây có cái đảo nhỏ dành riêng chứa người tỵ nạn do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, các đài truyền thanh ngoại quốc thường nói đến. Lạy trời cho đúng là nó. Cái đảo nhỏ bên bờ Mã Lai... niềm hy vọng của rất nhiều người và của riêng tôi. Nó là nỗi chờ đợi, trông ngóng ước mơ...

Chừng độ một tiếng đồng hồ sau tôi nhìn thấy một hòn đảo in bóng xam xám trên nền trời trong vắt. Lại gần hơn, gần hơn nữa... Đảo hiện rõ trong tầm mắt. Cây cối xanh rì, núi non chớn chở. Thằng Dân thủy thủ đứng cheo leo trên mui ghe, miệng la chói lói vang dội:
-Bà con ơi đảo dừa, đảo dừa...

Cái thằng thiệt lanh tay lẹ miệng, chưa gì hết mà đã dám đặt tên cho cái nơi sắp đến, làm như đảo nầy không có cây gì khác. Mà cũng đúng thiệt. Những ngọn dừa đã hiện rõ dưới bầu trời nắng cháy như những chiếc dù xanh non. Trên đảo chỉ thấy toàn là dừa. Dừa mọc từ bờ nước trở đi, cây nầy san sát cây kia, nhiều vô tận mọc tuốt sâu bên trong. Chỗ nào cũng thấy những thân dừa lớn như cây cột cao vút suông đuột. Người thuyền trưởng Mã tốt bụng bên chiếc tàu đen đưa tay chỉ vào đảo, rồi khoát tay từ biệt. Chỉ trong vòng vài phút ngắn ngủi chiếc tàu mất hút sau những ghềnh đá chập chồng, chênh vênh gie ra một góc biển. Ôi! giữa những cõi lòng vô tình cũng còn có những trái tim nhơn ái.

Chiếc BL 1648 từ từ tiến sát vô bờ. Bãi cát trắng phau phau. Rừng dừa xanh ngăn ngắt. Hình như là đảo hoang. Không thấy một làn khói, một mái nhà, một căn lều nhỏ, một dấu vết gì chứng tỏ có sự sinh hoạt của con người. Vậy thì cái đảo nầy đâu phải là nơi chứa người tỵ nạn. Tôi ngơ ngác tự hỏi. Nhưng dầu phải hay không, cũng không quan trọng. Cái quan trọng nhứt là được đặt chưn xuống đất rồi thủng thẳng tính nữa. Duyên cũng vừa nghĩ tới ý đó :
-Mình vô một đảo hoang, không có nhà cửa gì hết !
-Có lẽ vậy mà tốt, tạm ở vài ngày rồi tìm cách liên lạc với Hồng Thập Tự hay Liên Hiệp Quốc, chớ nơi thị tứ đông người thì thế nào cũng bị rắc rối như hồi sáng. Trên ghe đông người quá, khó xoay trở... Nhắc tới cảnh buổi sáng tôi vụt nhớ tới hai bạn Chiêu, Hiếu bị bỏ lại trên bờ đất lạ. Không biết tình trạng bây giờ ra sao? Một cảm giác buồn buồn xót thương trộn lẫn với một chút lo lắng về cái nơi sắp tới. Vô một đảo hoang? Lấy gì mà ăn. Số thực phẩm trên ghe chỉ có tám bao gạo, mấy ngàn lít nước phải chia cho ba trăm năm chục người. Cầm cự được mấy ngày?

Tôi vụt nghĩ tới rừng dừa trước mặt, yên tâm không lo nữa. Nếu hết gạo thì còn cả muôn triệu cây dừa kia, không lo đói. Nước dừa, cơm dừa, cổ hủ dừa, cái nào ăn cũng được. Trong truyện Một Ngàn Lẻ Một Đêm có chuyện anh chàng Sinh Bá lọt vô đảo của bọn người khổng lồ, được cho ăn dừa mỗi ngày để cho thiệt mập. Sau đó chúng lựa người nào mập nhứt mà ăn thịt. Hơn nữa gần đây có ông Đạo Dừa từ nhỏ tới lớn sống toàn bằng dừa. Ông ta sống được thì mình cũng sống được. Biết đâu đắc đạo mấy hồi! Tôi sẽ xin Tư Trần Hưng Đạo vài cái lưỡi câu, đi câu thêm cá tôm ngoài biển. Đảo nầy vắng vẻ chắc cá cua sò ốc nhiều.

Bãi cát trắng tinh chưa có một dấu chưn người, chạy dài tạo nên một cái vịnh hình vòng cung rất đẹp. Bờ cát thoai thoải dốc lài ra tận xa, thiệt là lý tưởng cho ghe ủi bến. Hốt thong thả từ từ lái đâm thẳng vô. Trên trời năm ba cánh hải âu chao mình liệng qua liệng lại trước mũi ghe mà nhìn xuống. Nó nhìn chúng tôi ngạc nhiên, tôi nhìn thấy nó, mừng rỡ. Anh bạn Quách Linh Hoạt từng nói, đi biển cứ mong gặp được cánh chim, biết là sắp đến được đất liền. Huống chi là đất liền trước mặt. Tôi sắp được bước chưn lên.
Dưới những tàn dừa im mát tôi sẽ che một cái lều nhỏ lợp bằng những lá dừa. Vợ chồng con cái sẽ chun vô sống qua ngày để chờ người cứu vớt, y như ngày xưa, hồi nhỏ chơi trò đám cưới lợp lều bằng lá đủng đỉnh. Bi sẽ lấy hộp lon sữa bò đi gánh nước nấu cơm, tôi sẽ đi chặt lá dừa để làm nóc làm buồng nhứt là làm một cái cổng cho đẹp. Duyên vô trong rừng hái hoa dại để trang hoàng. Tôi còn mong gì hơn...

Nhưng giấc mơ của tôi nửa chừng bị ngưng lại. Khi chiếc ghe sắp đụng bờ cát dưới những tàn dừa rậm rạp có hai người lính Mã Lai mặc quân phục rằn ri cầm súng chạy vọt ra dáng điệu hầm hừ. Ở trên ghe nhìn thấy cả hai nhỏ xíu như đứa con nít mười tuổi. Họ đưa súng bắn rầm rầm, đạn bay veo véo. Trời ơi, tụi nó bắn thẳng vào ghe. Nguy quá, mọi người sợ hãi, nằm rạp xuống sàn. Tôi vừa run, vừa lầm bầm “cái xứ gì dã man mọi rợ! Hồi sáng đánh người, bắt người chưa đủ, bây giờ lại bắn trực xạ như vậy” Sau một loạt đạn, cả hai quơ tay quơ chưn la lối đuổi ghe ra. Hốt do dự, ngừng lại. Trên bờ, họ chuẩn bị nạp hai băng đạn mới. Hốt liền cho ghe quay mũi, nổ máy lớn chạy đi luôn. Cũng may, loạt đạn đầu chúng chỉ bắn dọa, đạn bay cao trên đầu nên không ai bị thương. Tuy vậy mọi người đều bị một vết thương trong lòng. Vết thương buổi sáng chưa kịp hàn miệng thì bây giờ lại bị rách toang thêm. Ôi, đáng thương cho cái kíếp ăn đậu ở nhờ, bị người xua đuổi tàn tệ không nương tay. Tôi vừa buồn vừa tủi. Khi không bỏ nhà êm cửa ấm ra đi chầu chực xin xỏ nơi đất lạ quê người để bị đuổi xô hất hủi. Tại ai? Tại ai mà chúng tôi biến thành những kẻ đi ăn mày tình thương của kẻ khác, lang thang tận góc biển chưn trời như vầy. Không ngờ trong đời tôi lại lâm cảnh éo le, lở khóc lở cười. Chắc Hốt cũng cùng chung một tâm trạng nên tôi nghe trong tiếng máy ghe nổ ầm ầm rền vang kia có pha lẫn nỗi tức tưởi nghẹn ngào. Lại một lần nữa, chiếc ghe bỏ thêm một bến lạ mà đi...

Ghe tăng vận tốc đổi hướng vòng lên phía trên đảo. Cây cối cảnh vật chạy ngược về sau. Vừa qua một vịnh biển hình cánh cung cách đó chừng vài cây số có một cầu tàu thiệt lớn, được cất gie chồm ra ngoài bờ nước xa. Cầu xây bằng thép sơn màu xanh đậm, nguy nga đồ sộ. Bên cạnh cầu, một chiếc tàu sắt, lườn đen, thành sơn màu trắng toát. Nó lớn như một toà nhà năm sáu từng cao. Cái ống khói lớn như cây cột vĩ đại, sơn hàng chữ MING KONG theo chiều dọc từ trên xuống dưới, cùng lá cờ Singapore bay phần phật trong gió. Trên chiếc boong cao vút có mái che, sáu bảy người thủy thủ Trung Hoa quần áo màu mè, tóc đen dài phủ ót, cùng một người thuyền trưởng người da trắng to lớn, râu ria bó càm, đứng vịn lan can tò mò nhìn xuống đám người tỵ nạn đang chen chúc dưới ghe. Thấy họ thảnh thơi mà tủi thân. Cái ghe nhỏ như vầy chứa trên ba trăm người, còn cái tàu kia, nó lớn hơn gấp mấy chục lần, vậy mà chỉ chứa có mấy người trên đó. Họ tha hồ tắm rửa, ăn uống đi tới đi lui. Chiếc tàu nầy bên trong ít ra cũng có năm bảy từng, chắc có quầy rượu, sàn nhảy đầm, sân đá banh, hồ tắm... Nhìn mấy bộ bàn ghế bằng mây lớn để dọc theo lan can tàu thì biết. Y như hình chụp trong các quán rượu sang trọng... bên Tây! Tôi nghe chưn cẳng tê rần, mấy ngón ngo ngoe hết được, ngồi quá lâu bị vọp bẻ mất hết cảm giác. Đã ba ngày, ba đêm chịu cảnh bó gối như vậy, tôi thèm một khoảng trống chỉ cần đủ để ngã cái lưng ra một chút, một chút xíu thôi. Chắc ở trên đó, mấy người thủy thủ, mỗi người có giường nệm khăn lót trắng bong, có bồn rửa mặt, có tủ lạnh chứa đồ ăn, có ti vi để coi mỗi tối. Phải chi mình được lên, không cần nhiều, chỉ xin một chỗ nào đó cũng được, ngã đại cái lưng xuống sàn, nằm dài ển ngược xương sống, thẳng chưn ra một cái, nhắm mắt lim dim sảng khoái. Trời ơi! chắc là đã lắm! Bất cứ chỗ nào cũng được mà, từ đầu mũi tới cuối lái rộng thinh thinh.

Hốt cho ghe cặp sát vào hông tàu. Chiếc tàu cũng cón khá mới. Vách cao dựng ngược như vách thành sừng sững, những đốm rỉ sét ăn loang vàng ẻo. Ở các mối hàn, sơn tróc nhiều mảng lớn. Tàu chừng như đã hết hàng hóa nên đáy nổi lên cao. Nó lớn quá, nước trưa nay dâng cao sóng vỗ ầm ầm, nó vẫn im lìm thong dong, không lay động. Trong khi đó, chiếc BL 1648 nhồi lên hụp xuống muốn chóng mặt. Nhựt Bổn từ trong khoang ghe mò ra đứng trước mũi, ngước cái đầu sói lên tàu, dùng tiếng Trung Hoa để liên lạc. Ông thuyền trưởng dùng tiếng quan thoại nói khá sỏi và rành mạch. Hai bên hiểu nhau dễ dàng. Đại khái ông nói luật hàng hải không cho phép vớt người trên ghe còn tốt và đang ở trong hải phận Mã Lai. Ông chỉ có thể giúp đỡ bằng cách cung cấp nước, dầu cùng thực phẩm... Cuối cùng ông chỉ cho Nhựt Bổn vị trí đảo Bidong có trại tỵ nạn lớn lắm, từ đây đi chừng chín hải lý theo hướng ba trăm mười độ thì thấy. Từ dưới nhìn lên, thấy ông ta nói hàm râu bạc rậm rì bó quanh càm rung rung, cánh tay quơ quơ, tôi có cảm tưởng là một linh mục Tây Phương đang giảng đạo, tụi tôi là những con chiên ngoan.
-Cứ đi đi sẽ gặp Pulau Bidong dễ dàng. Ở đây tụi lính Mã Lai thấy bất tiện lắm. Có gì cần thêm thì tôi sẽ giúp cho...
Đứng cạnh ông mấy người thủy thủ quăng xuống ghe vài bịch thuốc lá, bánh ngọt, chocolat, kẹo...
Ôi! Thêm những cõi lòng nhơn ái. Nếu mọi người trên cõi đời nầy đối đãi nhau lịch sự như vậy thì quả đất nầy thiệt là thiên đường.
Tôi rán lắng tai nghe, hiểu được lỏm bỏm. Mừng quá! Pulau Bidong hải đảo nhiệt đới, Pulau Bidong miền đất lạ, nơi ước mơ của ngưởi tỵ nạn bơ vơ. Nó ở gần đâu đây, loanh quanh trong vùng biển nầy. Vài giờ nữa tôi tôi sẽ đặt chưn lên tới đó, bắt đầu những ngày sống tự do thoải mái ở vùng đất mới. Tôi sung sướng gọi nho nhỏ Pulau Bidong, Pulau Bidong. Mấy tiếng nghe thiệt êm ái như ngày nào thủ thỉ tên ai...

Nhựt Bổn sau khi hỏi thăm kỹ lưỡng đường đi nước bước, lom khom vịn mui ghe chun vô khoang. Thấy cảnh ông ta đầu sói sọi, muôn dặm lặn lội đến đây hỏi thăm đường người thuyền trưởng lạ, bất giác tôi nhớ bài thơ cổ. Bài thơ ngắn chỉ có năm chữ bốn câu:

Tùng hạ vấn đồng tử
Ngôn sư thái dược khứ
Chỉ tại thử sơn trung
Vân thâm bất tri xứ

Tạm dịch thì như vầy. Dưới gốc tùng hỏi chú tiểu đồng, thầy em đâu? Thưa rằng, thầy tôi đi hái thuốc trong núi nầy. Không xa lắm, chỉ có điều mây mù nhiều quá nên không biềt chỗ nào đó thôi. Chỉ tại thử sơn trung, vân thân bất tri xứ. Mây phủ dầy đặc nên không biết ở nơi đâu? Ôi! mây nào giăng kín bưng bưng lòng người dân Mã, mây nào mang mang lòng người tỵ nạn thê lương, mây nào mù mịt thảm sầu quê hương tù ngục? Chỉ cần vén được mây đen thì thấy được trời trong xanh ngăn ngắt. Nhưng phài làm sao để mây tan? Đó là dấu hỏi lớn cho một kiếp người.

Sau khi được chỉ dẫn rõ ràng, mọi người trên ghe hy vọng trở lại. Tài công quay mũi đổi hướng đúng theo lời dặn dò. Máy nổ mạnh khởi hành, ghe lướt sóng hăng như con ngựa đua. Bỏ lại hòn đảo Dừa, Bỏ lại chiếc cầu tàu xanh. Bỏ lại chiếc Ming Kong nhàn hạ.

Đó là buổi trưa ngày thứ ba của cuộc hành trình. Đã đi được ba ngày không ăn, chỉ uống nước cầm hơi, người người bắt đầu thấm mệt. Đã thấy đói và khát. Tuy uống nước tới đầy bụng nhưng vẫn cảm thấy muốn uống hoài, uống nữa. Hình như tất cả số lượng nước trong người đều bốc hơi bay mất. Nắng nhiệt đới nhiệt nóng bức và chói chang. Không có gì để che bớt nắng. Cũng may nhờ có gió biển nên cũng còn thở được. Hy vọng gặp được Bidong làm người ta quên mệt mõi. Chín hải lý. Khoảng cách đâu có xa. Với sức máy của ghe chỉ cần hai tiếng đồng hồ là nhiều lắm. Trời thiệt sáng và trong. Hốt vẫn cầm lái. Quách Linh Hoạt đứng trên mui. nhìn bằng ống dòm chăm chăm, thỉnh thoảng quay hết chỗ nầy tới chỗ kia,. Anh nhìn thẳng, nhìn ngang, nhìn xiên, nhìn xéo. Cái mặt bị nắng ăn đen thui. Tôi hồi hộp theo dõi từng cử chỉ, thái độ của anh. Chỉ cần anh đưa tay chỉ về phía trước là tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi nghĩ thầm trong bụng, chắc trời thương nên mới gặp người tốt chỉ dẫn, tìm kiếm như vầy thì con kiến cũng thấy nói gì cái đảo lớn chần dần...

Nhưng mà ở đời, có những chuyện tưởng vậy mà không phải vậy. Cái gì cũng phải trả đúng với giá của nó. Ngay cả sự tự do... Ghe đã đi nhiều hải lý, giờ giấc cũng từ từ qua. Những tia mặt trời không còn từ trên cao đâm xỉa thẳng xuống mà bây giờ đã chiếu chênh chếch. Đảo Bidong nằm ở chỗ nào, không ai thấy hết. Mặc cho Quách Linh Hoạt đưa ống dòm nhìn khắp tám hướng, nó vẫn biệt tăm mù mù. Xa chín hải lý. Hướng ba trăm mười độ. Sao không thấy gì hết! Hổng lẽ ông thuyền trưởng nói gạt. Mà ổng gạt làm chi. Hay là Hốt coi hải bàn tính sai tọa độ? Cũng không lẽ nào. Từ Việt Nam qua Mã Lai anh ta lái còn đúng được, nói chi đoạn đường còn có bấy nhiêu. Nhưng mà sao giờ nầy vẫn chưa thấy tăm hơi Bidong đâu hết. Tại sao kỳ vậy? Tôi hơi sốt ruột. Nếu không khéo chỉ còn vài giờ ngắn ngủi nữa thôi, mặt trời lặn mất thì nguy lắm. Đêm đen mịt mùng sẽ phủ kín vạn vật. Bóng tối đồng nghĩa với tối tăm, ảm đạm, bất trắc, nguy hiểm. Lại phải thêm một ngày sóng gió lênh đênh nữa. Hình như nước biển buổi chiều dâng cao hơn hồi trưa nhiều lắm. Sóng trở nên hung hãn. Từng đợt dâng lên thiệt cao rồi rút xuống thiệt nhanh. Chiếc ghe cứ chạy phăng phăng, trồi hụp theo đợt sóng. Mọi người đâm ra im lặng. Chắc cùng chung một tâm trạng lo lắng sợ sệt. Có cái gì bất thường. Tất cả đều mệt mõi quá rồi. Từ sáng sớm tới giờ chạy tới chạy lui ở bờ biển nầy cũng không đi tới đâu.

Trong làn sóng dữ dội, chiếc ghe nhỏ mong manh trồi lên hụp xuống bất ngờ một tiếng va chạm mạnh ở lườn ghe. Ầm! Chiếc ghe đương lướt ngon trớn bỗng khựng lại. Tôi cảm thấy dưới lườn có cụt đá cứng nâng chiếc ghe lên. Hồn vía tôi bay bổng. Chết rồi! ghe đụng đá ngầm. Nhìn ra xa một chút, nhiều tảng đá lớn bằng cái nhà mấp mô trên mặt nước đầy sóng bạc trắng xoá. Nhiều quá, chi chít đó đây. Đá màu gan gà, nâu tím, xám đen, nằm lắp xắp trên mặt nước như một bãi mìn. Xung quanh, rải rác, thấy sóng bạc đầu trắng xoá chứng tỏ chỗ nầy có bãi rạn. Hốt mải mê tìm kiếm Bidong ở trên trời mà quên nhìn xuống phía dười nước. Chỗ nầy nước không còn xanh thẩm nữa mà xanh lợt lợt. Đáy biển cạn quá! Sau cái đụng long trời lở đất đó, tiếng máy ghe lại nổ không bình thường. Tôi rán lắng nghe. Một thứ tiếng gì trào trạo, lột xột, trục trặc như có những mảnh sắt vụn trộn lẫn trong các trục bánh xe đang quay. Thỉnh thoảng máy gầm gừ, khục khặc, như người bịnh lên cơn suyễn. Từ hầm máy bốc lên mùi dầu dư hôi rình khét lẹt. Tôi sợ quá nhìn lên phòng lái để kiếm Hốt, thấy mặt chị Thuần, chị Điệp xám ngoét. Tư Trần Hưng Đạo, Út Trung, Dân gì đó ngồi co ro, hai mắt mở to thao láo. Không ai nói với ai tiếng nào. Một nỗi im lặng kinh hoàng, hầu như không ai dám thở mạnh nữa. Bi thì mệt lã nằm thiêm thiếp trên tay Duyên. Tôi nhìn kỹ mặt Duyên. Nàng sợ quá, khuôn mặt xác sơ, không còn một chút sinh khí.

Tôi nghĩ đến cảnh ghe bị đụng đá ngầm. Sức va chạm mạnh quá, lườn ghe bung ra bể thành lổ hổng lớn. Nước bên ngoài ùa vào, sóng vỗ tới tấp ghe lắc qua lắc lại chừng vài lần là chìm lĩm. Phải làm sao đây, tôi và Duyên đều không biết lội. Mà dầu cho biềt lội cũng không ăn thua gì. Biển cả lại bao la. Bi còn quá nhỏ. Viễn ảnh nguy vong khiến tôi muốn nghẹt thở. Trong phút chốc nỗi hối hận tràn ứ. Trời ơi! đoạn đường nguy hiểm chết sống, tại sao lại đem vợ con theo. Trên ghe lại có biết bao nhiêu anh em ruột thịt, bạn bè thân tình. Thương nhứt là Bi mới có mười chín tháng, chưa tội tình gì mà phải chấp nhận gian lao. Ôi! nếu có bề gì thì sao? Tôi ruột rối như tơ vò. Trong cái im lặng hãi hùng đó, từ trong khoang ghe có tiếng đọc kinh rì rầm. Đủ giọng Nam, giọng Bắc, nhiều nhứt là giọng mấy bà già Tàu lơ lớ. Tôi vụt tỉnh người. Tại sao mình không cầu nguyện như họ. Nghĩ xong tôi ngồi im cầu nguyện Phật Bà cứu độ. Trong lúc quính quáng sợ hãi, tôi cũng không biết phải cầu nguyện ra sao nữa. Tuy rằng nhà tôi theo đạo Phật, ba má tôi thường đi chùa nhưng thiệt tình mà nói tôi chở ông bà tới nơi, xong rồi đi chơi, tới giờ lại rước về. Tôi hầu như ít khi bước vào trong một chốn tôn nghiêm, dù là chùa hay nhà thờ, thánh thất. Có lẽ tôi sợ chốn tôn nghiêm vì xét kỹ bản thân thấy còn nhiều trần tục. Bước vào đó sợ làm ô uế cửa thiền chăng? Cho đến giờ phút nầy kề cận cái chết tôi vụt nghĩ đến cái phao thiêng liêng. Tôi bèn quên hết mọi chuyện, mặc cho tiếng sóng gào thét quay cuồng, mặc cho tiếng máy khục khặc, mặc cho cái ghe trôi nổi lắc lư, mặc cho những cục đá trơ vơ trồi lên giữa biển, tôi nghĩ tới bóng dáng Phật Bà Quan Âm mặt mày hiền từ nhân hậu đẹp đẽ, đứng trên những hoa sen giữa biển khơi cầm cành dương rảy nước cam lồ để cứu vớt chúng sinh. Tôi nhắm mắt lại nghĩ trong đầu những chữ... Nam Mô cứu khổ, cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát. Không biết tôi cầu nguyện như vậy có đúng không .. Nam Mô cứu khổ, cứu nạn...

Trong lúc tôi đang lâm râm cầu nguyện thì mũi ngửi thấy mùi khói nồng. Ai đó đã đốt giấy tiền vàng bạc để cúng. Đã cầu nguyện khấn vái rồi mà lại đốt thêm ba cái vụ nầy. Rủi cháy ghe thì sao? Bây giờ mấy bà già Tàu đọc kinh ê a thật lớn, không còn e dè gì nữa. Họ đọc líu lo, nhịp nhàng. Chắc là nước sắp tràn vô tới nơi rồi. Tôi còn quá trẻ. Duyên trẻ hơn và Bi còn nhỏ xíu. Cả đời tôi chưa hề làm một điều gì xấu xa để phải ân hận, lẽ nào trời đất không thương. Tôi đã sợ mà những người xung quanh lại làm cho tôi sợ hơn. Tôi quýnh quá nghĩ tới Trời Phật, Thánh Thần, Ông Bà Tổ Tiên, Thổ Địa, Hà Bá, Long Vương, ma quỷ... những vị khuất mày khuất mặt, ước mong một vị nào đó động lòng nhơn từ dắt chiếc ghe nầy tới chỗ yên ổn.

Trong cái nỗi sợ hãi tràn ngập đó tôi vụt trở nên tin tưởng. Không tôi không thể chết trong chuyến vượt biên nầy. Tôi mở mắt ra, xoè bàn tay mặt rồi bàn tay trái. Trong lòng bàn tay hai đường chỉ sanh đạo hiện rõ nét dài ngoằn chạy sóng đôi, một đậm một lợt không gián đoạn. Đường sanh mạng đôi tốt quá, làm sao có thể chết vào tuổi nầy được. Không tôi không thể chết! Lời cụ Diễn năm nào, bây giờ lại văng vẳng bên tai... “ Đời ông có những lúc khó khăn, nhưng chuyện gì rồi cũng vượt qua. Không phải do tài sức ông đâu, cứ bình thản đừng sợ hãi, tự nhiên khó khăn sẽ tan.”

Lạy trời cho khoa chỉ tay đúng, lạy trời cho lời cụ Diễn đừng sai. Tôi sợ quá thành ra đâm bám víu điều gì có thể bám víu được để hy vọng. Đến khi tôi mở mắt ra thì Hốt đã cho ngừng ghe lại. Dân và Cường nhảy xuống nước để coi lại chưn vịt cùng đáy ghe. Tôi nhìn lên mặt anh ta để đoán coi anh có hốt hoảng hay không. Cái mặt nắng cháy đen thui, khó đoán quá. Anh ít nói, ít cười, suốt ngày lầm lỳ. Tôi chờ nghe tiếng nước chảy rịn, cái va chạm quá lớn, thế nào lườn ghe cũng bị nứt. Nhưng may quá, đáy ghe chỉ bị trầy sơ. Hốt đứng nhìn xuống nước hồi lâu rồi quay trở về phòng lái. Tiếng máy ghe đã nổ lại nhịp bình thường, ghe quay mũi rồi trở về hướng cũ. Vùng đá ngầm càng lúc càng xa. Lườn ghe chưa nứt nên nước chưa vô được trong khoang hầm. Tôi bình tâm lại nhìn xuống nước. Nước biển đã xanh thẩm. Chỗ nầy biển sâu lắm rồi, không sợ mắc cạn nữa đâu. Tạm thời yên tâm về mặt an toàn nhưng ghe lại trở về chốn cũ. Trời! trở về chỗ hồi sáng nơi Chiêu và Hiếu bị đánh hay là về cái đảo Dừa có bọn lính hung hãn? Chiếc BL 1648 hiện đang ở cảnh tiến thoái lưỡng nan, đi tới thì e lạc đường, đảo Bidong ở đâu không thấy, về thì không có chỗ dung thân. Làm sao bây giờ. Tình cảnh của chúng tôi bây giờ lâm vào ngõ bí. Đi thì cũng dở, ở không xong.

Chèo ghe xuống biển bắt cua
Bắt cua cua kẹp, bắt rùa rùa bơi

Trời càng lúc càng tối. Lác đác trên bầu trời đã có sao mọc. Cuối cùng thì ghe cũng phải trở về hòn đảo Dừa ban trưa, đậu cặp cầu tàu. Bên trong đảo thấv có nhà, đèn điện sáng, ý định của tài công là đậu tạm để ngủ qua đêm, ngày mai sẽ khởi hành đi Singapore sớm. Mã Lai xấu quá, không thể chơi được nữa rồi. Ghe tắt máy. Sóng đánh rập rình, nó lắc lư mạnh hơn khi còn máy nổ. Tôi nhủ thầm “thôi kệ, được đậu cặp bến nầy dầu sao cũng đỡ, có gì còn bám víu lội đại vô bờ, còn hơn chạy lang thang suốt đêm ngoài khơi” Thừa lúc có người bên cạnh di chuyển, tôi lẹ làng duỗi thẳng cái chưn ra cho đỡ mõi. Nếu có một người đi nữa thì có thể nằm xuống được cho đỡ cái lưng. Tôi tưởng tượng nếu mà đêm nay có chỗ để nằm ngủ thì chắc là sướng như tiên!

Trên cầu tàu, dọc hai bên có những ngọn đèn thật lớn chiếu cái ánh sáng chấp chóa xuống mặt nước đen loang loáng. Chỗ ghe đậu khá xa nên trong khoang ghe tối mù mù. Trong cái im lặng mênh mông của biển cả chợt có tiếng nổ của động cơ một chiếc xuồng máy nhỏ lẫn trong tiếng sóng. Tiếng động cơ càng lúc càng rõ dần. Trong đảo có người đi ca nô ra liên lạc. Trời tối mờ mờ nên không nhìn rõ. Chiếc ca nô nổ máy inh ỏi trong đêm khuya, chạy xẹt thật nhanh vòng qua cầu tàu rồi đậu cặp vô ghe. Trên đó có ba người mặc thường phục nhưng có mang súng. Họ quát tháo um sùm bằng tiếng Anh. Chị Thuần ra liên lạc. Thiệt là chán hết sức. Bây giờ đậu tạm qua đêm mà cũng không cho! Tôi bực mình nên không thèm để ý nữa. Cả ngày mệt mõi, tôi dựa lưng vô thùng nước mà nghỉ ngơi. Ngày mai nầy ghe sẽ đi Tân Gia Ba, lo chi cho nhức đầu. Chỗ tôi ngồi khá xa nơi hai bên đối đáp. Trên ghe mọi người đứng vây quanh để theo dõi. Bỗng dưng nghe tiếng quát tháo thật lớn, rồi tiếng người rớt xuống nước. Có người la lên “Chị Thuần bị tụi nó đánh rớt xuống biển rồi!” Trời ơi! Cái bọn gì rừng rú quá, đánh luôn cả đàn bà con gái. Trên ghe rối rít Cương và Dân quăng phao xuống để vớt chị lên. Cũng may chị biết lội giỏi, cả người ướt như chuột lột, mặt tái xanh. Thái độ mấy người Mã trên đảo hầm hừ dữ tợn. Sau cùng thì mới biết họ cho phép đổ bộ lên đảo theo lịnh của họ. Mãi cho đến bây giờ tôi vẫn thắc mắc là cho phép đổ bộ hay là bắt buộc đổ bộ? Vì tài công đã định là đậu tạm để ngày mai đi sớm, tại sao bây giờ lại xuống đảo Dừa? Có thể là sự hiểu lầm giữa hai bên vì ngôn ngữ bất đồng. Thôi vậy cũng được còn hơn là suốt đêm ngồi trên ghe lắc lư nguy hểm. Tôi đã ngán cái cảnh sóng dập gíó dồi, nếu tiếp tục đêm nay rồi ngày mai nữa... rồi có đi tới Singapore hay Indonésia không? Như cái bong bóng xì hơi, tôi mệt mõi quá rồi, đã mấy ngày đêm ngồi bó gối, phơi mình ngoài nắng gió, không cục cựa nhúc nhích, tiêu tiểu gì cũng khó khăn hôi hám... Lên bờ đã, rồi sẽ tính sau, miễn là còn sống, đừng bị sứt mẻ gì !

Mọi người chuẩn bị đồ đạc để đổ bộ trong cảnh tối đen. Trong lúc nửa mừng nửa lo có tiếng của bọn lính Mã hét vang rân:
-Đàn bà con nít thì đi lên ngả cầu tàu. Còn đàn ông con trai chỉ được mặc quần xà lỏn nhảy xuống biển để lội vô bờ!
Trời! nhảy xuống biển để lội vô bờ! Tôi điếng người không biết phải phản ứng ra sao, từ đây vô bờ còn xa quá, không biết lội có nổi không? Đã có tiếng người nhảy xuống đùng đùng ở mũi ghe, lẫn trong tiếng sóng có tiếng la hét, quát tháo y như cảnh cai ngục đối xử với tội nhơn. Tiến ngồi kế bên nghĩ như thế nào không biết, bỗng nói:
-Chết cha rồi, cả cái đảo dừa dầy đặc, nó bắt anh em mình leo lên hái dừa, hoặc phát cho một người một cái búa lên rừng đốn củi, lao động khổ sai trong rừng sâu. Cái điệu nầy, chịu sao cho nổi. Trốn Việt Cộng lại gặp Mã Lai!
Tiến nói tới đâu tôi run tới đó. Tôi quính lên không còn toan tính gì được nữa. Ở trên ghe, đàn ông con trai đã nhảy xuống biển gần hết. Tôi lật đật cởi hai cái quần tây đang mặc cùng ba cái áo bỏ đại trên sàn ghe. Trong bụng kể như mất hết, tụi Mã Lai ăn cướp điệu nầy thì làm sao mà giấu. Trong số quần áo quăng lại đó có một ít tiền và vàng giấu bên trong, tôi quên phứt không giao lại cho Duyên.

Trên người chỉ còn cái quần cụt mỏng manh, tôi đi lần ra sau lái để kiếm chỗ nhảy xuống. Ở dưới, nhiều người đang lội lỏm bỏm vô bờ. Tiếng nhảy đùng đùng, tiếng lội lỏm bỏm, tiếng sóng rào rào, tạo thành một thứ âm thanh hồi hộp căng thẳng. Thấy có một anh bạn cầm phao đứng chờ, tôi liều gan nhảy đại. Đã quá, đã quá, làn nước mát rượi mơn man da thịt. Ba ngày ba đêm khổ sở trên ghe, nóng bức dơ dáy, nhớp nhúa, mình mẩy đầy mồ hôi, mùi ói mửa, bây giờ được dầm mình trong nước biển mát lạnh ban đêm, sảng khoái tận cùng trong kẻ tóc chưn lông. Tôi tỉnh táo hẳn ra. Chỗ nầy nước cạn, vừa trầm mình xuống, chưn đã chạm mặt cát mịn, tôi lặn hụp một hồi lâu để cho nước thấm vô tóc, vô da, rửa bớt đi lớp bụi bặm mấy ngày qua. Những lớp bụi, bùn sình, cáu ghét Cà Mau bây giờ được nước biển mặn chát ở đảo Dừa Mã Lai gột sạch. Gột thiệt sạch...

Tôi đi lần vào bờ, có một người lính Mã Lai đen thui tay cầm tiểu liên xỉa ngay vô bụng. Tôi ngoan ngoản đưa hai tay lên trời, bụng rủa thầm “Thôi mà bạn, lấy gì thì cứ lấy, cần gì phải súng ống, ghê quá!” Hắn vuốt hai tay tìm đồng hồ, cà rá, rồi rờ cổ tìm dây chuyền. Không có gì hết, hắn khoát tay ra dấu bảo lên bờ rồi xét người kế tiếp. Trên bờ, trong bóng tối tù mù, một đám người đông đảo nói chuyện xì xào di động như những bóng ma. Lần lần họ ngồi chùm nhum lại với nhau. Trời tối chập choạng không thể phân biệt người nầy với người kia, Đã độ mười giờ khuya, trời trong vắt đầy sao. Đằng kia, cầu tàu mở điện sáng trưng. Bên trong đảo là rừng dừa âm u. Tôi chợt nhớ lại lời nói của Tiến mà ớn xương sống -nó bắt tụi mình leo dừa hái trái cho nó, rồi phát mỗi người một cây búa... dừa ở đây mọc hoang hàng muôn triệu cây, phải leo tới chừng nào mới hái cho hết, thiệt tình tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa! Rừng Mã Lai toàn là rừng già, dây leo chằng chịt, lao động làm sao cho nổi?

Trong các bụi rậm, thấp thoáng có lính Mã Lai mặc quân phục rằn ri thủy quân lục chiến, súng ống hẵn hòi đứng gác. Một người lính gom các tàu dừa khô rớt rải rác đó đây lại thành một đống. Chỉ trong vài phút anh ta đã kéo được mấy chục tàu, nhiều quá. Lá dừa rụng vương vải đầy khắp. Lá khô gặp lửa bốc cháy phừng phừng. Ánh sáng chập chờn chiếu mờ mờ một góc đảo. Tụi tôi nhìn ra đựơc mặt nhau. Tô Tỷ, Út Trung, Sơn, Tư Trần Hưng Đạo... mừng rỡ ríu rít. Sơn cười ngặt nghẽo:
-Thằng lính Mã nó rờ tìm nhẫn với cà rá. Sức mấy mà tìm cho ra, tôi đeo ở ngón chưn!
Trong khi đó Út Trung mặt chầm dầm:
-Gia tài có cái Seiko Five nó lột trụi lũi...
Cả bọn ở trần trùng trục, quần ngắn ướt mem lạnh run, được gần lửa ấm mừng rỡ vây quanh để sưởi. Năm ba bẹ dừa khô cứng bắt lửa, nổ lách tách, bắn những cái tàn lửa đỏ hồng văng ra xa. Thỉnh thoảng người lính kéo vài tàu mới quăng vô thêm. Ngọn lửa bùng lên cao, tro than bay tứ tung. Những tia lửa vàng của những mảnh than vụn xẹt như pháo bông. Giống y như mỗi hè cùng học sinh đi cắm trại đốt lửa ở bãi sau Vũng Tàu, chỉ thiếu cảnh nhảy múa, tiếng hát, tiếng nhạc, tiếng trống bập bùng...

Tôi lo lắng cho mẹ con Bi và mấy đứa em, đưa mắt tìm kiếm chiếc ghe. Bây giờ thì nó được kéo về đậu cặp bên xà lan lớn sát cầu tàu. Vì ở khá xa nên không phân biệt được từng người. Tôi rán nhìn để tìm Duyên bồng con nhỏ. Thấy có một bà bồng con, tưởng là nàng. Nhè đâu sau đó có tới ba bốn bà khác cũng bồng con, không biết được bà nào là vợ mình! Tư Trần Hưng Đạo đứng cạnh bên cũng đang ngóng cổ mà nhìn. Phải cả giờ sau toán đàn bà con nít mới đi tới gặp được toán đàn ông. Duyên gặp được tôi, mừng rỡ nói huyên thiên. Tôi bồng lấy Bi, thằng nhỏ ngơ ngác ngó vô lửa sáng coi bộ thích chí. Hai con mắt láo liêng như mắt thỏ. Duyên đưa cho tôi hai cái áo và cái túi vật dụng tùy thân. Cứ tưởng đã mất hết, nào ngờ nàng còn giữ được...

Quang cảnh bờ biển lúc nầy như đêm đốt lửa trại. Ở giữa là đống lửa thiệt lớn cháy bập bùng, ngọn lửa hồng ấm áp. Xung quanh là đàn ông, đàn bà, con nít, ríu rít, quây quần, líu lo, mừng rỡ, đông nghẹt cả một vùng. Người ta kể lể, hỏi thăm, chạy kiếm nhau. Tôi gặp được lần lần các em và người thân đông đủ, không thiếu một ai, mừng quá. Cả ghe đổ bộ, tất cả đều an toàn. Tôi nhìn ra biển khơi, trời tối mịt. Trên bầu trời thăm thẳm, những vì sao dầy đặc trên cao lấp lánh. Chắc trên đó có Phật Bà Quan Âm nhìn xuống chúng tôi mỉm cười. Nụ cười thương yêu. Tự nhiên tôi cảm thấy có cái gì linh thiêng mầu nhiệm gắn bó giữa con người với con người, con người với thần thánh Trời Phật, với vũ trụ vô cùng. Cầu trời cho tất cả đồng bào tỵ nạn lênh đênh nơi chưn trời góc biển, tất cả đều gặp may mắn như mọi người trên ghe chúng tôi, đêm nay!

Bọn lính Mã Lai tách toán đàn bà con nít và toán đàn ông ra riêng. Toàn đàn ông được dồn vào cuối bãi cát, tận cùng có vách đá chắn ngang. Toán còn lại ở tại chỗ bị kiểm soát để kiếm vàng bạc châu báu. Chiếc ghe được cột chắc vô cầu tàu, một dây nữa cột vô gốc dừa mọc nghiêng trên mặt cát. Sóng đánh nó ngã qua ngã lại, đụng cái vỏ cứng vô xà lan sắt nghe rầm rầm. Bây giờ nó có bị nứt ra từng mảng đi nữa, tôi cũng không sợ. Tôi lắng nghe dòng máu trong người, mấy ngày nay hầu như nghẹt cứng bây giờ được lưu thông điều hòa. Tôi đi tới đi lui cho giãn gân giãn cốt. Trong người thiệt tỉnh táo khỏe khoắn. Một đống lửa mới to hơn đống lửa cũ được đốt lên. Vách đá chập chùng, ánh lửa chiếu sáng lắt lay, một đám người trần trụi bu quanh như trong hang động thời tiền sử. Nơi nào có lửa là có sự sống, có hy vọng tin yêu. Tôi chọn một chỗ gần sát lửa ấm, đặt thẳng cái lưng xuống làn cát phẳng phiu, nằm gối đầu trên một bẹ dừa nhỏ, nhìn những tia lửa đỏ hồng nhảy múa chập chờn. Những người khác, tất cả cùng nằm ngang nằm dọc xoay quanh đống lửa để ngủ đêm nay. Bên trên là bầu trời đầy sao sáng. Ngoài kia là sóng biển vổ vào ghềnh đá ầm ầm. Tôi ngủ mê man như chết đến nỗi không còn thấy được... chiêm bao!
Võ Kỳ Điền
Trích Pulau Bidong Miền Đất Lạ. Chương 8

No comments: