Wednesday, February 4, 2009

TÌM MỘT BẾN ĐẬU




Đêm đâu chừng đã khuya lắm, tôi đương trong giấc ngủ mê bỗng giựt mình thức giấc vì xung quanh mọi người chộn rộn xôn xao. Tiếng máy ghe vẫn nổ êm êm đều đặn. Tôi mở choàng mắt ra nhìn quanh mừng rỡ. Giữa biển đen mênh mông mịt mùng, một vùng ánh sáng chói lòa hiện lên giống hịch như mặt trời mọc trên mặt nước. Tôi dụi mắt nhìn kỹ. Trời ơi! Một chiếc tàu sắt lớn như một hòn đảo đầy ánh sáng vàng hực rực rỡ, sừng sững nguy nga, tuy còn ở xa lắm nhưng trong đêm đen nên thấy rõ mồn một, y như cảnh non bồng nước nhược trong các truyện thần tiên thường đọc hồi nhỏ. Còn nỗi vui mừng nào hơn trong lúc lênh đênh giữa biển khơi bao la chập chùng, thấy được chiếc tàu cứu vớt, tôi vụt tỉnh ngủ hẵn. Tiếng Tư Trần Hưng Đạo reo vang:
-Khỏe rồi, được tàu lớn vớt! Hên quá, mới đi có hai ngày!
Anh nói như là đã được tới nơi. Tôi nghe cũng mừng lây. Chỉ còn chờ ghe cặp vào hông tàu lớn rồi cả đám leo lên. Vậy là chuyến đi nầy may mắn, cầu trời cho mọi việc êm xuôi!
Anh Tư tiếp tục la lớn, giọng bài hãi:
-Quách Linh Hoạt đâu rồi, làm dấu cho nó biết đi! Quách Linh Hoạt ơi, Quách Linh Hoạt!

Trong đêm hôm khuya khoắt, tiếng ‘Hoạt’ được kêu lớn kéo dài lê thê, vang tận đằng xa. Tôi rán lắng nghe. Hoạt hay Quạt? Thiệt tình không phân biệt được. Thây kệ nó, cần gì đúng hay không đúng, miễn anh chàng nghe được thì thôi. Chiếc ghe đổi hướng tiến thẳng đến tàu lớn. Tiếng máy nổ dòn dã như náo nức vui mừng. Hàng trăm cặp mắt ngóng nhìn về phía ánh sáng rực rỡ với nhịp tim đập hăm hở, với cõi lòng hy vọng chứa chan. Từ từ khoảng cách được rút ngắn lại. Chiếc tàu được thấy rõ hơn, nó lớn quá sơn trắng toát. Đèn đuốc bên trên sáng giăng giăng, chấp chóa. Mọi người mừng rỡ xôn xao. Anh bạn nguyên là sĩ quan hải quân từ trong khoang ghe chui lên, đứng bên be cầm đèn chớp tắt làm hiệu. Ánh sáng đỏ bầm nhấp nháy, nhấp nháy. Y như trong phim gián điệp, hấp dẫn dễ sợ. Đúng là Quách Linh Hoạt của Tư Trần Hưng Đạo! Thiệt ra đó là tên giả trên giấy tờ, anh tên Nguyễn Văn Pháp, người miền Trung, ốm dong dỏng cao, da rám đen rắn chắc, tánh tình hòa nhã rất dễ thương. Lúc còn ở Bạc Liêu, nhiều đêm tụi tôi kéo qua nhà trọ của anh để nghe kể chuyện đời sống của người lính hải quân trên biển cả. Một cuộc sống đầy sóng gió, vừa hào hùng, vừa lãng mạn nên thơ. Trí tưởng tượng của tôi bay theo từng cánh hải âu, lòng tôi hồi hộp theo từng đợt sóng cuồng nộ, tim đập liên hồi theo từng trận gió ghê rợn hãi hùng...

Đèn hiệu đánh đi, thấy có ánh đèn đáp lại. Cũng nhấp nháy, nhấp nháy... Khỏe rồi, có tàu lớn rước, khỏi lo gì nữa. Tôi nhấp nhỏm, ngồi xuống đứng lên. lòng đầy hy vọng mừng rỡ. Chiếc tàu càng lúc lại càng gần. Nó lớn như cái dinh Độc Lập, đèn đuốc sáng trưng chắc là chứa được nhiều người lắm. Chiếc ghe chúng tôi nhỏ chỉ chừng trên ba trăm người, đâu có bao nhiêu. Hai chiếc chạy hướng về nhau, nên khoảng cách rút lại rất nhanh. Khi đến gần, tàu sắt ngừng lại trước. Ai nấy hồi hộp theo dõi, chờ đợi giây phút để leo lên. Tôi quay qua bên Duyên, giành lấy Bi bồng gọn trên tay, Duyên ốm yếu e không đủ sức bồng thằng nhỏ để leo qua tàu lớn. Mà đâu phải chỉ có mình tôi chuẩn bị, xung quanh mọi người dọn dẹp rào rào, tiếng quần áo lột xột, tiếng dặn dò xầm xì. Một sức sống đang vươn lên chuyển động...

Nhưng cái sức sống đó chỉ có một bên mà thôi. Nó không được đáp ứng, phía chiếc tàu lớn bên kia, bỗng nhiên đèn đuốc đương sáng rực rỡ, tất cả rủ nhau tắt ngấm, chỉ còn lèo tèo vài ngọn. Rồi từ từ, thấy nó quay mũi, đổi hướng bỏ đi. Lặng lẽ không để lại dấu hiệu gì. Quách Linh Hoạt quơ cây đèn pile lên cao, thiệt cao, làm dấu hiệu chớp tắt liên hồi. Mọi cố gắng đều vô ích. Chỉ trong vòng vài phút, cái vùng ánh sánh thần tiên đầy hứa hẹn đã mất biệt trong bầu trời tối đen mịt mùng. Anh ta cầm cây đèn trơ trọi trên tay đứng nhìn theo ngơ ngác. Mọi người thất vọng ngẩn ngơ. Tôi chưng hửng, đứng tần ngần hồi lâu, rồi nghe trên tay nằng nặng. Té ra tôi đã bồng thằng Bi chờ đợi nãy giờ... Buồn bã, tôi đặt Bi xuống sàn thuyền để cho Duyên trông nom, rồi đứng ngó quanh. Hàng trăm câu hỏi vây quanh. Sao kỳ cục vậy? Tại sao nó lại bỏ đi. Tại sao?

Đem em mà bỏ xuống gành
Kéo neo mà chạy, sao đành anh ơi!

Trong ghe sau một hồi ồn ào náo nức, bỗng nhiên im lặng vắng tanh. Thời gian, không gian như lắng đọng. Mọi người tuyệt vọng, thẫn thờ...
Chiếc BL 1648 đâm ngỡ ngàng loay hoay quay mũi về hướng cũ, im lìm, giữ nguyên tốc độ lặng lẽ lướt trong màn đêm. Bây giờ tai tôi chỉ còn nghe tiếng sóng rì rào, tiếng máy êm êm cùng tiếng thở dài tuyệt vọng. Đêm đen dầy đặc như bưng lấy mắt. Tư Trần Hưng Đạo cằn nhằn:
-Tôi đã dặn kỹ rồi mà không ai thèm nghe. Khi nào thấy tàu tới, ghe mình phải làm như hư máy để trôi bập bềnh theo sóng. Chớ như hồi nảy chạy ào ào như chạy đua, ai mà thèm vớt. Thiệt là xui, phải chi nó chịu vớt thì bây giờ khỏe quá. Tôi con cái đùm đùm đề đề, cứ lênh đênh như vầy hoài, không biết ra làm sao!
-Tôi cũng lo quá, thằng Bi còn nhỏ xíu, cầu trời gặp chiếc khác tử tế hơn. Bây giờ chỉ còn cách đi tới mà thôi.
Ở be ghe còn có năm ba người đứng lại nhấp nhổm trông ngóng. Tôi ngồi im lặng mắt chăm chú nhìn quanh để tìm chiếc khác. Hy vọng không còn nhưng không phải là tuyệt vọng. Trên biển đâu phải chỉ có duy nhứt chiếc vừa rồi. Thế nào cũng phải có một chiếc tàu khác, nhơn đạo hơn. Những chiếc bóng đen xao động, nhìn kỹ tôi đoán được Xám Mã Chải nhỏ xíu, Út Trung lùn lùn, Dân gì đó cao lênh khênh, cả ba đương chỉ chỏ bàn tán. Bỗng dưng một trong ba, la lớn: -Phía trái thiệt xa, có ánh đèn!

Tư Trần Hưng Đạo và tôi bật đứng dậy, nhìn theo với một chút hy vọng xa xôi. Ở tận chân trơi xa thăm thẳm có một ánh đèn nhỏ, lớn hơn ngôi sao một chút, đang di động chầm chậm. Mọi người chăm chú theo dõi. Cách đó một khoảng, thấy một ánh đèn khác nữa. Tư Trần Hưng Đạo mừng quá, la lên:
-Có tàu, có tàu, chạy tới chỗ đó mau lên. Coi chừng lạc mất, uổng lắm!
Nghe anh la mà tôi quính trong bụng. Khoảng cách xa quá, ánh đèn thấp thoáng nhỏ như đom đóm, với vận tốc như rùa bò, biết chừng nào mới gặp được nhau. Nhưng chiếc tàu nầy chắc nhỏ, đèn đuốc gì mà lu câm, không như chiếc vừa rồi, thôi kệ, miễn nó chịu vớt thì cũng được. Tôi vừa nghĩ tới đó thì thấy hai ánh đèn kia làm hiệu cho nhau. Cũng y như cách của Quách Linh Hoạt vừa rồi. Những tín hiệu phát ra nhấp nháy, đỏ bầm. Tiếng thằng Dần thủ thủ hốt hoảng:
-Chết cha rồi, ghe cướp Thái Lan, chạy cho mau...
Nó vừa nói tới đó, cả đám sững sờ, im lặng nghẹt thở, chỉ còn biết giương mắt nhìn. Tài công Hốt phản ứng thiệt lẹ. Anh tắt ngọn đèn pha duy nhứt của ghe. Tất cả chìm trong bóng đen tối sẫm. Tiếng máy cũng êm luôn. Ghe thả trôi theo sóng. Vì không có sức của máy, ghe bị sóng đánh trồi hụp lắc lư, cũng may biển đêm nay không động. Tôi ngồi im cầu Trời khấn Phật cho tai qua nạn khỏi. Vừa mới nghe bốn tiếng ‘ghe cướp Thái Lan’ tôi hãi hùng. Cảm giác ghê sợ rụng rời. Biết bao nhiêu ghe đã bị nạn thảm thương... Tôi mong có cơn sóng lớn, đẩy chiếc ghe đi cho khỏi vùng nầy cho thiệt xa, thiệt xa...
Chừng độ nửa giờ sau, không còn thấy ánh đèn nhỏ nữa, ghe mới nổ máy lại, tiếp tục cuộc hành trình. Tôi thở phào nhẹ nhõm.

Trời bắt đầu mưa lất phất. Nhìn qua ánh đèn pha nhợt nhạt tôi thấy những sợi mưa nhỏ xíu giăng giăng, bay đều đặn xiên xiên như bụi mỏng. Chỉ là cơn mưa rớt phất phơ đâu đó tạt ngang, Nghe man mát trên đầu, trên cố. Nước mưa chỉ làm ướt tóc sương sương. Vậy mà Duyên cũng lo lắng sợ Bi bịnh, lấy cái áo mưa trùm chung cho cả ba. Cũng cái áo mưa nầy, mới ngày nào chỉ dành để che chung cho hai đứa mới quen nhau. Ôi, chỉ mới có vài ngày xa Việt Nam mà tôi cảm thấy nhớ nhung những cơn mưa giông ướt át êm đềm ở quê nhà. Những hột mưa lớn như hột đậu mát lạnh từ bầu trời cao xám đen rớt xiên làm rát mặt. Những giọt mưa rớt thẳng xuống những vũng nước đọng nổi đầy bong bóng phập phồng. Mưa rào rào trên mái ngói, mưa giăng màn bên cửa sổ, mưa lộp bộp trên tàu chuối, mưa tí tách bên thềm. Cả bầu trời như chìm trong khối nước mênh mông. Trên lề đường nước chảy ào ào như thác. Dưới những cơn mưa lành lạnh, vào những buổi sáng hai đứa thường rụt rè hàng hiên đụt mưa, những buổi chiều e ấp quán cóc hò hẹn,, những bàn tay ngập ngừng chờ đợi để sưởi ấm nhau.

Trời mưa ướt bụi, ướt bờ
Ướt khăn, ướt áo, ai ngờ ướt em

Những giọt nước mưa lành lạnh lất phất trên đầu, trên mặt cùng những cơn mưa kỷ niệm giăng giăng trong lòng khiến tôi không ngủ lại được, bèn ngó quanh ngó quất. Chiếc ghe bây giờ là một khối đen đủi xam xám lặng lờ. Chiếc đèn pha nhỏ xíu lờ mờ, cố rán soi cái ánh sáng đom đóm trên mặt biển tối om. Trong phóng lái, một ngọn đèn vàng vọt làm hiện lên cái bóng tù mù của tài công Hốt ngồi bất động im lìm. Không biết anh ta còn thức hay đã ngủ? Đã mấy ngày đêm điều khiển con tàu vượt bao sóng gió, liệu anh còn đủ sức hay không? Rồi còn phải tiếp tục như vậy bao nhiêu ngày nữa? Anh dáng phong sương đen đủi, tuổi chừng độ hai mươi lăm, hai mươi sáu, mới cưới vợ. Người vợ còn trẻ lắm, nước da đen đen ngâm, mặt hơi rỗ mà có duyên, đi đứng tay chưn dịu nhiễu.

Gíó đưa đỏng đảnh lá me
Mặt rỗ hoa mè anh thấy anh thương

Người nàng nhỏ xíu nhưng cái bụng hơi khá lớn. Cái điệu nầy chắc chị sẽ sanh ở một trại tạm cư nào đó. Mã Lai? Thái Lan? Tân Gia Ba? ... chớ làm sao tới đệ tam quốc gia cho kịp. Chừng bốn năm tháng nữa Hốt sẽ được làm cha. Thằng bé sẽ được trưởng thành ở một nơi xa xôi, chắc chắn không phải là quê hương của cha mẹ nó. Cũng như thằng Bi, con tôi. Chúng sẽ được ăn sung, mặc sướng, quần áo đẹp đẽ, học hành tới nơi tới chốn. Tôi hy vọng ít ra cũng được như vậy vì những người xa quê hương họ được rất nhiều thứ và cũng mất rất nhiều thứ. Tôi đoán thấy mờ mờ cái viễn ảnh tương lai khi quyết định bỏ nước mà đi. Tất nhiên mọi sự lựa chọn đều kèm theo cái giá phải trả với ít nhiều đau xót...

Rồi trong phòng lái, tôi thấy Hốt đứng dậy đưa chiếc ống dòm nhìn về phía trước. Hình như vậy, tôi thấy không rõ lắm. Cái gì cũng chập choạng mờ mờ. Tàu lớn hay ghe cướp Thái Lan nữa đây? Tôi rán nhìn về phía trước, không phân biệt được gì hết, chỉ là một khối đen mịt mùng. Trời cũng đen mà nước cũng đen. Mưa đã dứt hẳn nhưng trong gió còn đầy hơi nước ẩm thấp lành lạnh. Chắc cũng gần ba giờ sáng. Sắp bắt đầu một ngày lênh đênh nữa. Bên tai, văng vẳng tiếng Hốt từ trên cao:
-Đã thấy bờ biển Mã Lai, khoảng năm giờ sáng là tới.
Trời ơi, thiệt hôn. Tôi mừng tim đập thình thịch trong lồng ngực. Bất giác đưa tay qua nắm tay Duyên:
-Tới rồi, tới rồi, tụi mình đổ bộ lên bờ Mã Lai!
Nỗi sung sướng làm tôi muốn nghẹt thở. Niềm vui ào ạt như cơn sóng lớn, tôi muốn hét to lên để mọi người cùng chia xẻ. Cả ghe mừng rỡ. Tôi nghe loáng thoáng tiếng ‘Mã Lai’ ở chỗ nầy, rồi ở chỗ kia. Tư Trần Hưng Đạo cũng nôn nao không kém, ngồi chồm về phía trước, chăm chú nhìn, đốt thuốc hút, đốm lửa sáng lập lòe.
-Thấy gì chưa anh Tư?
Hình như dưới chưn trời có một vùng sang sáng!
Tôi nhìn theo bán tín bán nghi:
-Hay là mặt trời sắp mọc! Cũng gần sáng rồi.
-Ông thầy giáo ơi, mặt trời mà mọc hướng nầy hả! Có một lằn sáng mờ mờ ngang mặt nước, Hốt ở trên cao chắc nhìn rõ hơn.
Tôi nghĩ lại thấy mình nói trật lất. Mặt trời nào mà mọc ở hướng tây. Vậy đúng là bở Mã Lai, lòng lâng lâng rạt rào. .

Ở mí chưn trời trước mặt khu vực sáng càng lúc càng rõ hơn. Ban đầu chỉ là một vạch sáng nằm ngang trên mặt nước rồi từ từ nó biến thành thành một khối sáng trắng lờ mờ. Ghe tiến lại gần hơn, gần hơn nữa. Bây giờ khối sáng trắng hiện rõ lớn dần, lớn dần. Đó là những ánh đèn của một hải cảng đầy tàu bè, tạo nên một vùng ánh sáng chói lòa. Hàng chục chiếc tàu sắt lớn nhỏ đang neo với những giàn đèn đủ màu vàng ánh, đỏ bầm, xanh lục, tím hồng... Những màu sắc ánh sáng lung linh trên sóng nước nhấp nhô, nhảy múa chập chờn theo hàng trăm nhịp tim hân hoan phấn khởi. Sau bao ngày chờ đợi, mong mỏi, bao lo lắng sợ hãi, nỗi sung sướng nào có thể so sánh được. Một cảm giác khoan khoái lâng lâng -sắp đến đất tự do rồi, xôn xao, hăm hở.

Ghe càng lúc càng gần bờ hơn. Trời sáng rõ từ từ. Bóng tối tan dần nhường chỗ cho bóng tối ban mai. Cái hải cảng đèn đuốc chói lòa hồi nảy bây giờ tự nhiên mất tiêu đâu hết. Như một giấc chiêm bao. Từ ở nơi xa thẳm bây giờ không còn là một vạch cong phân chia giữa trời và nước mà là một rặng núi hình răng cưa xam xám mấp mô. Gần hơn chút nữa, dãy núi biến thành màu xanh đậm in hình trên bầu trời xanh biêng biếc. Giữa cảnh trời xanh, núi xám, nước xanh, sóng bạc nhấp nhô viền theo chân sóng là một bãi cát chạy dài trắng xóa mịn màng phẳng phiu. Tôi chồm ra be ghe, rán mà nhìn vùng đất mới. Nơi đây tôi sẽ đặt những bước chưn đầu tiên của những ngày lưu lạc. Tôi sẽ tạm ngụ một thời gian, một ngày, một tuần... hay bao nhiêu nữa, rồi sau đó sẽ đến một nơi khác. Nơi nào không biết được. Rán mà nhìn vì biết rằng vùng đất nầy mình ở không lâu. Biết đâu trong đời qua đây chỉ một lần nầy. Bên trong đất liền cả một vùng mọc đầy dừa xanh rì cao vút. Chỗ nào cũng toàn dừa là dừa. Dừa mọc san sát ngút ngàn. Dưới những rặng dừa có những căn nhà thấp chủm lẻ loi, mái ngói đỏ tươi. Có những chiếc xe hơi nhỏ xíu bằng cái hộp quẹt mở đèn sáng lập lòe, chạy dọc theo bờ cát trắng, bụi tung mù phía sau.

Tài công cho ghe chạy sát vào bờ, bãi cát trắng xóa, dừa mọc thành rừng. Càng gần bờ sóng càng to, ghe lắc lư dữ dội nhưng hình như không ai sợ hãi. Gần tới bờ rồi mà! Rủi mà ghe có chìm, rán lội vô cũng được! Mã Lai là đây. Phong cảnh có cái gì khang khác Việt Nam mình. Biển thì cũng sóng vỗ chập chùng, núi thì cũng cao xa thăm thẳm ngoằn ngoèo, bãi cát thì cũng trắng xóa quạnh hiu... Ừ, đúng rồi, cây dừa Mã Lai cao quá, cao gấp đôi cây dừa Việt Nam. Nó cao vút, thẳng đuột, ốm nhom. Nhà nhà được cất dưới những tàn dừa im mát, loại nhà sàn cao cẳng, mái ngói đỏ tươi. Cả xứ Mã Lai, tất cả mọi vật dụng từ nhà cửa, xe cộ, ghe thuyền, đến quần áo đều được sơn phết, thêu thùa bằng những màu sắc vui tươi, sáng sủa.

Mặt trời đã lên cao. Những tia nắng ban mai rực rỡ sáng sủa trong lành. Buổi sáng nước biển dâng cao, sóng lớn vỗ mạnh vào bờ, nối tiếp nhau từng đợt, từng đợt trắng xóa. Chiếc BL 1648 vẫn nhấp nhô rẽ sóng, không biết tại sao không đâm thẳng vô bãi mà lại chạy phăng phăng dọc theo bờ. Những trái núi cao cao ở xa rồi lại ở gần. Ban đầu là một khối mờ mờ xanh ở chưn trời rồi tử từ khoảng cách được thâu ngắn lại. Trên sườn non những thân cây cổ thụ đen đen như hàng cột len trong những đám là um tùm. Những tảng đá chơ vơ mọc chồi ngang vách núi. Có cục màu xanh, có cục màu xám chì, có cục màu đỏ gạch cua, màu vàng... Những tảng đá đồ sộ như những bức trường thành. Rồi lại vượt qua thấy trái núi khác, rồi lại gần, rồi vượt qua, chạy mãi, chạy mãi, khi gần khi xa...

Út Trung lại đứng gần bên tôi:
-Ủa, tài công Hốt không cho đổ bộ cho rồi, còn chạy đi đâu nữa. Hồi sáng tới giờ loay hoay ở đây cũng mấy tiếng đồng hồ. Nắng nóng dữ rồi đa!
-Chắc ‘giả’ còn muốn tìm chỗ tốt. Mấy nơi nầy bờ biển lởm chởm đầy đá ngầm làm sao mà ủi bến được. Cái chỗ vừa mới tới hồi nãy có bãi cát trắng phau phau, có rừng dừa dầy đặc... Cầm lái một cái ghe đông người như ghe nầy cũng khó khăn lắm, sơ sẩy chút xíu là không được. Phải chọn lựa cho kỹ, phải không anh Tư, có bến đục... có bến trong!
Tư Trần Hưng Đạo nghe tôi nói thích chí, xen vô:
-Phải đó đa, thì cũng như Hốt nó đem tụi mình đi gả cho Mã Lai ra sức tìm chỗ môn đăng hộ đối. Tui với mấy bồ bây giờ tình cảnh đúng y như câu ‘tại gia tùng phụ, xuất giá tùng phu, phu tử tùng tử’.
Tôi ngạc nhiên:
-Anh Tư nói cái gì có ‘tam tùng tứ đức’ đó, tôi không hiểu?
-Thiệt không hiểu không đó. Ở Sài Gòn ai cũng biết hết. Vậy mà bồ nói không hiết hả?
-Ừa, ừa, thiệt mà, thôi chịu khó giải nghĩa cho nghe đi.
Tư Trần Hưng Đạo cười cười:
-Câu nầy áp dụng cho cả nam lẫn nữ. Hời đó tới giờ, người ta chỉ áp dụng cho đàn bà con gái mà thôi. Còn đàn ông con trai thì bị bỏ qua, không nói đến. Bây giờ nghe tôi giải nghĩa nghen.‘Tại gia tùng phụ’ là khi tụi mình còn ở nhà là phải nghe lời phụ nữ. Phụ nữ trong nhà là vợ mình, chớ hổng lẽ .. bà hàng xóm!
Út Trung buột miệng la lên:
-Trời! Anh Tư giải nghĩa như vậy chết người ta! Phụ là phụ nữ hả?
Tôi xen vô:
-Khoan, khoan Trung, để nghe ảnh giải nghĩa tiếp.
-Còn ‘xuất giá tùng phu’ là khi ra ngoài đường thì mình phải theo anh phu xe. Ảnh đưa đi đâu thì phải đi đó. Xe lôi, xe kéo, xe xích lô gì cũng phải vậy hết. Mà hễ anh phu xe lạng quạng bị đụng chết thì mình cũng chết theo luôn, chớ làm sao mà còn sống được. Mấy bạn thấy có đúng không? Không tùng phu thì tùng ai. Cái đó gọi là ‘phu tử tùng tử’. Tử là chết. Còn phu là phu xe rõ ràng. Chữ nho phải giải nghĩa như vậy, mới đúng... điệu nghệ.

Út Trung ôm bụng cười ào ào, tôi ôm bụng cười ngả nghiêng. Thằng cha nầy, bình luận chuyện đời có lý hết sức. Tôi phải theo học với ‘giả’ vài khóa mới được. Nắng đã bắt đầu tỏa hơi nóng xuống ghe nhưng tụi tôi bất chấp. Không còn ai lo che đầu che mặt. Mọi người còn mãi nhìn đăm đăm lên bờ để tìm một bến đậu. Tôi ngồi nhìn phong cảnh núi non hùng vĩ chạy dài trước mặt nhớ lại những bài học địa lý hồi nhỏ. Mã Lai là một bán đảo nằm dài theo hướng Bắc Nam. Hình thể y như củ khoai lang mập phình ra ở giữa mà hẹp ở hai đầu. Cả xứ là núi non, rừng rậm, ít đồng bằng. Hầm mỏ nổi tiếng nhứt thế giới là thiếc. Những đồn điền cao su ngút ngàn. Cái dãy núi chạy dọc theo bờ biển nầy chắc cũng y như dãy Trường Sơn bên mình. Trên đỉnh thỉnh thoảng thấy có vài đám khói trắng xám bốc thẳng vươn lên cao. Chắc là những buôn làng của đồng bào thượng Mã Lai đốt rẫy hay là những lò gạch, lò than? Rừng rậm miền nhiệt đới nầy nổi tiếng nhiều thú dữ, trong đám cây lá âm u, lúc nhúc đầy cọp beo với rắn độc. Như vậy là ghe mình đang tấp vào bờ phía đông nhưng không biết là ở miệt nào, trên hay dưới? Nhưng mà có chắc là Mã Lai không? Hay mới chỉ tới Thái Lan thôi? Tôi phân vân, nghĩ tới nghĩ lui. Chưa có điểm nào để phân biệt hai xứ. Cầu trời cho nó là Mã Lai chớ đừng là Thái Lan. Thái Lan đối xử rất khắc khe với người tỵ nạn. Trong một bức thư của Đức đi hồi năm ngoái gởi về nhà, có đoạn: ‘...em tới nhà chị Lan trước, thấy hung dữ khắc nghiệt quá bèn dọn qua nhà chị Lai, chị nầy cũng khó khăn nhưng còn tử tế hơn, tạm sống được...’ Vậy cái xứ mà tôi đang nhìn lom lom đây là chị Lan hay chị Lai, tôi sẽ gặp chị nào?

Chạy một hồi khá lâu khiến ai nấy đều sốt ruột, phân vân. Bi đã thức hồi nào, đôi mắt mở to thao láo, đưa cánh tay mập mập chỉ lên bờ miệng bi bô. Thằng nhỏ còn muốn lên bờ nói chi người lớn. Cuối cùng rồi chiếc ghe cũng từ từ chậm lại, nhưng không ngừng hẳn. Trên bờ, một trái núi đá cao nhưng đã bị đục khuyết vào gần hơn phân nửa, đưa cái lưng trần trụi ra biển khơi, phần còn lại cây cối mọc xanh rì y như cái đầu bị cạo láng trơn, một bên còn tóc đen thui, một bên trắng hếu. Bờ biển lõm vào hình vòng cung. Đây là một hải cảng trung bình, hình như là một công trường khai thác núi đá. Trên bờ có nhiều máy kéo, xe cần trục hoạt động nhộn nhịp, khói xăng dầu phun cuồn cuộn. Bầu trời đầy những cột khói xám bay là đà. Những chiếc xe lớn nhỏ, chạy qua chạy lại không ngớt. Dưới bến có nhiều chiếc tàu to đậu rải rác xen lẫn vào đó nhiều thuyển nhỏ hông bè ra sơn màu sặc sỡ, nhiều chiếc du thuyền cắm cờ hình ngôi sao nhiều cánh với trăng lưỡi liềm vàng nằm bên trên, góc phía còn lại là những vạch thẳng song song màu đỏ, bay phần phật trong gió. Tôi yên chí, mửng rỡ khều Duyên, chỉ lá cờ, nói cho nàng nghe:
-Ghe mình tới đúng Mã Lai rồi, em thấy mấy lá cờ trên tàu không? Trăng lưỡi liềm là biểu hiệu của Hồi giáo. Mã Lai đa số theo đạo Hồi, còn Thái Lan theo đạo Phật. Cờ Thái Lan là năm vạch màu trắng, đỏ xen lẫn nhau...
Cạnh những chiếc tàu lớn là những chiếc xà lan to chở đầy cát, đá, được neo chắc, bập bềnh theo nhịp sóng. Xế bên công trường có nhiều nhà đẹp kiểu Tây phương với vườn cây cảnh, những biệt thự nghỉ mát đồ sộ, bãi cát trắng phau phau, rải rác đây đó có người tắm. Phong cảnh gần giống với bãi Ô Quắn ở Vũng Tàu nhưng ít rộn rịp hơn. Tuyệt nhiên không thấy ghe đánh cá với ngư phủ.

Phải rồi, đây là cái thành phố hồi hôm rực rỡ ánh đèn xanh đỏ tím vàng, lập lòe giữa biển mà tôi đã thấy, lúc còn ở thiệt xa ngoài khơi. Những ngọn đèn của tàu sắt, của ghe thuyền, nhà cửa, đường phố... tất cả được thắp sáng chói lòa trong cái tối đen mịt mùng của biển cả. Cái nơi mà hồi tối mọi người trên ghe ngắm nhìn thèm thuồng hy vọng. Ôi những con người lưu lạc đáng thương, họ tin tưởng bất cứ nơi nào sẽ đến, dầu chưa biết rõ trời sẽ nắng hay mưa!
Tài công cho ghe vào bến từ từ, gần bờ sóng càng lúc càng to. Chiếc ghe được đưa trồi lên thiệt cao rồi bị giựt xuống thiệt nhanh, nước văng tung toé ướt cả trên boong. Thằng Dân ‘gì đó’miệng cứ lải nhải theo từng đợt sóng -lên ruột -xuống ruột. Nhưng cũng nhờ nó nói mà bụng tôi bớt cồn cào. Cứ mỗi lần ghe bị hụp xuống, gan, ruột, bao tử như bị ghịt mạnh mạnh, tuột theo nhịp rớt xuống của chiếc ghe. Chịu khó, chịu khó, chừng vài phút nữa là ghe sẽ cặp bến, mọi người sẽ được lên bờ. Tôi nhìn đăm đăm cái cầu tàu mà chờ đợi.

Trên bờ nhiều người Mã thấy ghe lạ ngoài khơi tiến vào, họ xúm nhau lại bàn tán chỉ chỏ. Quần áo họ mặc rất đẹp. có lẽ là du khách đi tắm biển hơn là dân chài lưới. Có hàng mấy chục du thuyền sang trọng đang neo trên bến. Bỗng nhiên tôi thấy một người vạm vỡ trong một du thuyền lớn nhứt, từ trong khoang chui ra tay cầm một cây súng dài, miệng la hét vang rân, vừa quơ tay ra dấu đuổi ghe ra, vừa bắn đùng đùng, dáng không muốn cho ghe cặp bến.
Ai nấy đều phân vân. Nếu nó không cho cặp bến thì sao? Tại sao vậy? Nếu không ghé đây thì ghé vào đâu bây giờ. Đã tới nước nầy thì chỉ có nước liều. Tài công lái ghe ra xa, vòng xuống phía dưới chỗ bãi tắm, thiệt xa chỗ cái ông có cây súng dài, rồi tắp vào. Trên bãi cát trắng phau, dân Mã đang tắm giỡn nô đủa trên sóng nước, bỗng nhiên thấy một ghe lạ lù lù xuất hiện, đâm xôn xao. Hốt cho ghe cặp sát một xà lan thật to. Sóng đánh rập rình. Ghe thả neo đứng yên một chỗ . Bây giờ phải làm gì nữa đây? Hủ Tiếu, Nhựt Bổn, tài công và một số người lớn tuổi xúm nhau lại tìm giải pháp. Tư Trần Hưng Đạo hăm hở: -Hay là mình lũi đại vô bờ, tụi nò bất ngờ đâu làm gì mình được nữa.
Hốt chưa kịp trả lời thì chị vợ đã lắc đầu không chịu:
-Nếu vô đại như vậy, nó kiếm tài công mà đánh hay bắt bỏ tù thì anh Hốt làm sao chịu nổi!
Nói xong chị nắm chặt lấy tay chồng, Hốt đứng im hồi lâu mới nói:
-Sóng bữa nay mạnh lắm, nó đánh một hồi nữa là đứt dây neo!
Quách Linh Hoạt im lặng nảy giờ, mới bắt đầu lên tiếng:
-Đậu thì không đậu lâu được, vô thì không vô. Vậy thì chỉ có cách kéo neo lên, tìm một bến khác, chỗ nào tử tế hơn..
Hốt thắc mắc:
-Biết chỗ nào tử tế hơn chỗ nào?
-Thì đi đi nữa, ghé thêm vài chỗ, kiếm mấy làng quê, dân ở quê có lẽ hiền lành dễ thương hơn dân ở thành thị... ít ra họ không có súng như thằng cha vừa rồi!
Nghe Quách Linh Hoạt bàn nên tìm chỗ khác, chị vợ Hốt mặt tươi ra, gật đầu. Hốt vẫn còn phân vân. Hủ Tiếu nghĩ tới, nghĩ lui đề nghị:
-Thôi như vầy, mình neo ghe ở đây, tìm người lội vô bờ liên lạc, năn nỉ họ xin đổ bộ. Mình ở đậu vài ngày để vô trại tạm cư, chớ đâu phải ở luôn. Thế nào họ cũng phải chịu mà, rán năn nỉ tụi nó... Đài BBC nói có cái đảo gì đó, chứa người tỵ nạn!
Mấy người xung quanh đều thấy đó là một giải pháp dung hòa, có thể chấp nhận được, đều đồng ý. Nhựt Bổn góp ý:
-Tốt nhứt là chọn người Tàu mà biết giỏi tiếng Anh. Ở Mã Lai người Tàu nhiều lắm.. Nếu nói tiếng Anh không hiểu nhau thì mình nói tiếng Tàu. Đâu có ai biết tiếng Mã Lai!

Tôi vụt nhớ tới nhà văn Bình Nguyên Lộc và tác phẩm Khảo Cứu Về Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam. Phải chi có ông trên chiếc ghe. Không biết ông có dịp nào để đến xứ nầy chưa? Ở đời có những cái tình cờ mà không ai có thể biết trước được, như chuyện tôi có mặt trên cái ghe nầy, sáng hôm nay. Ngày trước khi đọc tác phẩm trên, tôi có ngờ đâu, sẽ có một ngày mình được đặt chưn tới. Mà hình như chữ Mã Lai mà ông Bình Nguyên Lộc dùng không phải chỉ cái xứ nhiều núi với biển nầy. Đó là một chủng tộc lớn có địa bàn rộng khắp cả vùng Đông Nam Á, Nhựt Bổn, Đại Hàn... Nghĩ lại kiến thức kém cõi, thiệt thòi hết sức, thấy cái gì cũng trơ mắt ra nhìn ngơ ngơ ngác ngác...

Có lẽ biện pháp của Hủ Tiếu đề nghị là hợp lý nhứt nên nguồn tin lan đi rất nhanh trên ghe. Tức khắc có hai thanh niên tình nguyện: Chiêu và Hiếu. Hiếu là em ruột Xám Mã Chải, ốm dong dỏng cao, khá đẹp trai, nghe nói có đi du học ở Đài Loan vài năm, tôi ít gặp. Chiêu thấp người hơn một chút nhưng liền lạc, mạnh dạn, đeo kiếng cận khá dầy. Chiêu là người cùng tỉnh. Nhà nó bán gạo hiệu Càn Phong Chành, cách nhà tôi chừng vài trăm thước. Hai gia đình biết nhau từ lâu lắm. Trong chuyến đi nầy Chiêu và mấy em tôi, khi liên lạc, đóng tiền, hoặc mua giấy tờ, lo lắng chung nhau từ đầu đến cuối nên tình thân đối đãi nhau như ruột thịt. Chiêu là giáo sư dạy tiếng Anh đâu miệt Chợ Lớn, tánh tình đàng hoàng tử tế, việc gì nặng nhọc, khó khăn nguy hiểm cũng không nề hà, lúc nào cũng lăn xả. Tôi hơi lo lo. Hai đứa biết lội có giỏi không, buổi sáng sóng lớn quá, khoảng cách từ ghe vào tới bờ khá xa, rủi có bề gì?...

Hốt và Dân thủy thủ lần theo be ghe mở dây lấy ra hai cái ruột xe đã được bơm cứng để làm phao nổi. Dân nhìn thấy Chiêu đã cởi áo chỉ còn mặc quần ngắn dáng sẳn sàng, bèn quăng ruột xe xuống trước. Chiêu nhảy lẹ theo. Từ trên ghe xuống tới mặt nước đâu cũng chừng ba bốn thước cao, khoảng cách khá xa nên khi Chiêu nhảy xuống, bị chìm sâu lắm. Phải thật lâu Chiêu mới nổi lên được, lúc đó cái ruột xe đã trôi tuốt ra xa. Nó rán hết sức để lội tới. Từ trên cao nhìn xuống, thấy nó quơ tay, khuỳnh chưn y như con nhái. Đã hai ngày không ăn uống đầy đủ, lại ngồi lâu bó gối trên ghe nên hình như Chiêu đuối sức. Nó lặn hụp mãi mà không chụp được cái phao. Sáng nay sóng lớn quá. Từng đợt, từng đợt, bọt tung trắng xóa, quay cuồng tới tấp, xô dạt ào ạt. Hiếu thấy vậy lẹ làng nhảy theo. May mắn hơn, nó chụp được cái phao bèn đẩy tới cho Chiêu. Chiêu ôm được phao lội vô bờ. Mọi người trên ghe hồi hộp theo dõi. Khoảng cách từ ghe vô bờ khá xa, hai đứa nhấp nhô theo sóng như hai trái dừa khô nhỏ xíu. Đây là giây phút quyết định. Được hai không là nhờ hai anh bạn trẻ nầy.

Trên bãi cát loáng nắng vàng tươi, mấy người đang tắm xôn xao, tất cả đều chạy ùa về một phía. Tôi thấy có một người trong đám đông chạy băng băng qua bên kia đường, bẻ một cây hàng rào làm gậy, đứng hờm sẵn. Hiếu tới bờ trước, bước từng bước khó khăn trong làn nước lắp xắp. Khi ra khỏi bờ nước, người dân Mã liền nhào tới đưa cao cây hàng rào, dang tay đập tới tấp vào đầu vào lưng. Hiếu hai tay ôm lấy đầu, tránh né. Chiêu tới sau, thấy tình hình nguy ngập, vội chạy ngược ra biển. Nhưng không kịp nữa rồi, tụi dân Mã ùa tới thiệt đông. Cả hai bị đánh trên đầu trên cổ. Chiêu đưa tay đỡ gạt. Từng nhát gậy đánh xuống hai bạn, tôi nghe như chính mình bị đau. Trời ơi, tại sao họ lại nỡ đánh người vô tội như vậy? Mắt tôi hoa lên, đầu choáng váng.

Những tiếng bịch bịch, hự hự, tiếng gậy vun vút, tiếng rên rỉ van xin, tất cả như quay cuồng đảo lộn. Tuy ở rất xa mà tôi thấy, tôi nghe, tôi đau! Chiêu ơi! Hiếu ơi! Tụi tôi phải làm sao bây giờ. Mọi người trên ghe sợ quá, xúm nhau la hét vang rền. Dân và Cường thủy thủ chạy lục tung đống hành lý, lấy ra mấy cái mùng cũ cùng một cái vỏ xe. Cả hai khệ nệ vác lên mui, bật quẹt đốt. Nhờ có gió lớn, ngọn lửa bắt rất lẹ, khói bay mịt mùng. Tụi tôi càng la to nhưng tiếng gió, tiếng sóng làm tan loãng. Chỉ còn có khói lửa của chiếc mùng bốc lên cao, mùi cao su cháy khét lẹt, cử chỉ cầu cứu trong tyuệt vọng. Không thấy trên bờ có phản ứng gì. Đám đông xúm vây quanh hai đứa. Cây hàng rào to cở bằng bắp tay, với sức của một người lớn đánh, làm sao mà chịu nổi! Tại sao ở đời lại có những người không giận không hờn nhau, lại nỡ đánh đập nhau nặng tay! Từng phút trôi qua, tôi cảm thấy như thời gian dài dằng dặc hàng giờ. Nếu bị đánh như vậy hoài, chắc cả hai phải chết. Chiêu và Hiếu vì cả ghe mà phải hy sinh, vậy mọi người trên ghe phải làm sao để cứu tụi nó? Cả ghe ngẩn ngơ, hồi hộp, theo dõi. Phải giải quyết và phản ứng ra sao? Không ai biết. Người thì nói tất cả ùa xuống hết, không lẽ nó đánh luôn đàn bà con nít. Người đòi bỏ đi kiếm chỗ khác đổ bộ. Có người đòi bỏ nơi nầy để đi Tân Gia Ba, ở đó dân chúng hiền lành tử tế hơn, có người đòi đi Úc...

Càng về trưa sóng càng lúc càng hung hãn. Chiếc ghe nghiêng ngã lắc lư. Nước văng tung tóe lên cao ướt đầu ướt cổ. Từng đợt sóng tràn vào rồi rút ra, chiếc ghe xô dạt theo sóng nước, đập mạnh vào xà lan chở cát, tiếng va chạm ầm ầm. Tiếng khung ghe vặn mình nghe kìn kịt. Tôi có cảm tưởng tất cả ván, sườn, gỗ, đinh ốc sắp rời tung từng miếng. Bỗng nhiên nghe một tiếng vụt mạnh, cả thân ghe như bung ra. Neo đứt. Tôi hoảng hốt rụng rời. Hốt nổ máy ghe lớn hơn, dang ra xa cho đỡ sóng. Bờ biển càng lúc càng nhỏ lại. Đám đông xoay quanh Chiêu, Hiếu bây giờ không còn thấy nữa, tất cả đều biệt tăm. Trên bãi chỉ còn trơ lại những cây dù che nắng xanh xanh, đỏ đỏ, nhỏ xíu. Hàng dừa lưa thưa. Không biết tính sao, tài công từ từ lái ghe rời bến, bỏ lại Chiêu và Hiếu trên bờ đất lạ. Hốt cho ghe chạy dọc theo bãi cát nắng nóng chang chang. Ghe chạy qua rồi chạy lại, mọi cặp mắt đều đổ dồn lên bờ để kiếm hai bạn đồng hành. Nắng giửa trưa nóng hừng hực chói loà. Trên bãi người tắm đã thưa. Những hàng dừa khô cháy, nghiêng ngã theo gió cát. Hình như có lần thấy Chiêu chạy ra ngoắc ghe lại nhưng vì xa quá không ai nhìn thấy rõ. Sau đó thấy có xe cảnh sát đến rồi... mất luôn.

Chiếc BL 1648 bây giờ chạy không định hướng dọc theo bờ biển Mã Lai. Cả ghe hoang mang tột độ. Làm sao bây giờ, không ai biềt? Quyền quyết định của tài công hay Hủ Tiếu? Riêng tôi và mấy em, tất cả đều lo lắng xót xa thương cho Chiêu và Hiếu. Không biết bị đánh như vậy có bị thương tích nặng không? Chiêu khi nhảy xuống đã để kiếng lại, bây giờ làm sao mà thấy đường, nó cận thị nặng quá! Bị bắt về trạm cảnh sát thì bị đối xử như thế nào? Có bị đánh đập hành hạ gì nữa không? Người dân Mã hung dữ như vậy thì cảnh sát, quân đội nó phải dữ dằn hơn nữa. Vậy mà Đức đã nhận xét Mã Lai dễ chịu hơn Thái Lan. Mới tiếp xúc sơ sơ có chút xíu mà còn bị đánh đập giam cầm, đuổi xô, nói chi tạm ngụ tháng nầy qua tháng kia. Rồi hai đứa có thể bị kết tội xâm nhập lãnh thổ bất hợp pháp, có thể bị ở tù, rồi có thể bị giao trả về Việt Nam? Nghĩ tới nghĩ lui, tôi thấy ra hàng chục câu hỏi, mà câu nào cũng giải đáp không trôi. Duyên ngồi bên lo lắng than thở:
-Hủ Tiếu với Nhựt Bổn xúi người ta nhảy xuống biển làm chi, để bị đánh nhừ tử, rồi bây giờ không tìm cách cứu mà lại xúm nhau bỏ đi, em thấy bất nhẫn quá!
Tôi tìm cách trấn an nàng:
-Ít ra hai đứa cũng được lên bờ rồi, có nhà thuơng, có cảnh sát, dầu gì thì cũng còn luật pháp, không đến nỗi nào. Còn số phận cả ghe bây giờ chưa biết trôi dạt ra sao. Sóng lớn mà neo lại đứt. Hốt lái ghe thì được nhưng chuyện xoay trở coi bộ lúng túng...
-Theo anh, thì hồi nảy mình phải làm sao?
-Anh chọn chỗ nào có bãi cát phẳng phiu, cho ghe ủi đại lên bờ, tất cả ào xuống một lượt. Nếu có bị đánh thì chắc không nặng lắm... Sau đó mình xin ở tạm để chờ Cao Ủy Liên Hiệp Quốc đến... chớ bây giờ thì đi đâu, về đâu?
Vừa nói tôi vừa đưa mắt nhìn ra ngoài. Ghe đang chạy với vận tốc nhanh. Sóng to đánh mạnh vào sườn, toàn thân lắc lư dữ dội. Nước văng tung toé lên cả trên mui, đầu tóc ướt mem. Tôi đưa lưỡi liếm những giọt lan quanh mép, thấy nước biển mặn đắng. Thì ra, có một chân lý phổ quát, nước ở đại dương nào thì cũng chung một vị giống nhau, vị mặn. Con người dầu lặn lội tới tận nơi chưn trời góc biển nào thì cũng phải chung một phận, phận khổ đau...

Mặt trời đã lên ngay đỉnh đầu, độ mười hai giờ trưa có hơn. Nắng nóng như đổ lửa. Ánh nắng chói lọi chiếu thẳng xuống mặt nước, biến nó thành màu vàng loang loáng trong suốt. Tôi nghe đầu váng vất, mắt hoa, lỗ tai lùng bùng. Từ hy vọng buổi sáng đến thất vọng buổi trưa, khiến tâm trạng tôi đâm lơ đơ, lửng đửng. Cả người mệt mỏi, lao đao, tôi ngồi bệt xuống sàn ghe, hơi thở mệt nhọc. Sáu tiếng đồng hồ cứ loay hoay ở bờ biển nầy, không đi tới đâu. Sống ở đời, có nhiều chuyện khó làm, nhưng có lẽ việc khó nhứt là mở miệng nhờ vả kẻ khác. Hồi nhỏ tôi thường nghe ba tôi nói ‘đăng sơn tầm hổ dị, khai khẩu kháo nhơn nan’ đến giờ mới thấy đúng hết sức. Tìm một bến để ghé, tôi ngó quanh, bốn bề chỉ thấy trời nước mênh mông!
Võ Kỳ Điền

Trích Pulau Bidong Miền Đất Lạ. Chương 7

No comments: