Tuesday, February 3, 2009
ĐẠI DƯƠNG MUÔN TRÙNG
Trời càng lúc càng sáng. Mặt trời từ từ lên cao ở sau lưng như vậy là ghe quay mũi về hướng Tây Nam. Biển cả mênh mông, đầy hấp dẫn mà cũng đầy ghê rợn. Chiếc BL 1648 lúc nằm ở bến thì lớn lao quá, be ghe vượt trên bờ đá hàng một hai thước cao, nhìn toàn thể như một tòa nhà nguy nga đồ sộ, bây giờ ở đây nhỏ xíu như chiếc lá trôi giữa dòng. Giữa cái bao la của trời biển mênh mông, con người trở nên bé nhỏ... quá bé nhỏ như con sâu, con kiến. Nó không nghĩa lý gì hết. Đối với biển cả còn vậy, nói chi tới vũ trụ bao la, con người như hạt cát hạt bụi. Vậy mà hạt cát hạt bụi nầy tranh giành, chém giết, đầy ải hạt cát, hạt bụi kia. Cuối cùng thì là gì. Cát bụi sẽ trở thành cát bụi. Cái mà họ để lại trên mảnh đất nầy là sự khổ đau!
Trời đã sáng trưng. Mặt trời trên cao chiếu xiêng những tia nắng vàng óng buổi sáng hình rẽ quạt chói lòa. Sóng biển nhấp nhô êm ái, thuyền lướt sóng bềnh bồng, tiếng máy nổ đều đều, êm êm. Bên trên trời xanh thăm thẳm, từng chùm mây trắng bạc lãng đãng đó đây. Gió thổi rì rào nhè nhẹ. Không khí thiệt trong trẻo, mát mẻ sãng khoái. Từ trên buồng lái, Dân ‘thủy thủ’ đi nhanh nhẹn xuống gần chỗ tôi. Cái be ghe làm bằng thanh gỗ tuy dầy nhưng chòng chành lắc lư theo nhịp sóng, vậy mà nó đi trên đó coi thiệt dễ dàng. Cái thằng lùn tịt, da dẻ đen thui mập mập, ai thấy cũng cho là chậm chạp không ngờ lanh lẹ hết sức. Nó chỉ cho tôi rặng núi mờ mờ nổi lên ở giữa biển tuốt đàng xa, phía bên phải:
-Anh có thấy Hòn Khoai ở xa xa đó không?
Theo hướng chỉ tôi rán nhìn thấy một khối xám đen mờ nhạt ở tận chưn trời chưa phân biệt được hình thù, màu sắc.
-Hòn Khoai, hòn Khoai! Ờ, ờ, có thấy nhưng còn xa quá. Không biết bao giờ mình mới tới gần được, máy chạy chậm quá, anh thấy hình như ghe đứng một chỗ!
-Tại biển rộng quá, mênh mông không bờ bến nên anh tưởng vậy, chớ chiếc nầy máy mạnh và tốt lắm. Em đi nhiều ghe rồi nên biết!
Tôi nhìn vào trong ghe. Người ta sao mà đông quá, ngồi chen nhau không một chỗ trống. Ở dười khoang, bên trên boong, nơi nào cũng người là người. Trên mui phòng lái là một đống hành lý ngùn ngụt, đủ kiểu đủ cở, đủ màu.
-Dân ơi, chiếc ghe nầy hôm trước thấy nó lớn, bửa nay sao nhỏ xíu vậy?
-Ở đó mà nhỏ xíu. Bề dài hai mươi hai thước, bề ngang bốn thước rưỡi đó anh. Tại nó chứa quá nhiều nên chật chội. Em đếm kỹ rồi. tất cả được ba trăm năm mươi hai người. Cộng thêm tám bao gạo chưa kể nước uống với hành lý.
Tôi ngạc nhiên hết sức:
-Tại sao kỳ cục vậy. Trên giấy tờ có hai trăm bốn mươi chín người mà. Hôm trước anh có coi trong danh sách của Hủ Tiếu rõ ràng...
-Thì Công An Bạc Liêu gởi một mớ, Cà Mau gởi một mớ, Hủ Tiếu Nhựt Bổn dắt thêm một mớ, còn lại là những người đưa thân nhân xuống bến, họ thấy không kiểm soát, leo đại theo xuống ghe đi luôn... cho vui!
Sau những giây phút hồi hộp trông ngóng mừng rỡ, tôi bỗng chợt nhớ ra từ khi leo lên đây và tới bây giờ tôi ngồi trên một cuộn dây lớn quấn tròn, có vật gì bằng sắt cứng lắm cộm lên dưới mông, ê ẩm hết sức. Tôi rán co chưn đứng lên coi lại thì là một ống dẫn nước cao su đen gắn cái vòi bằng đồng còn mới lắm, miệng lẩm bẩm cằn nhằn:
-Thiệt là xui xẻo, chỗ nào không lựa lại lựa ngay cái chỗ nầy. Kẹt cứng ngắc, không còn một chỗ để co chưn, cái vòi đồng mắc dịch nầy nó làm đau quá!
Dân cười ngất, kề tai nói nhỏ:
-Dấu kỹ đi anh, quí lắm đó! Sau lưng là cái bồn nước vuông vuông nè, chứa bốn ngàn lít nước ngọt, anh muốn cho ai uống thì cứ mở vòi. Xong rồi dấu cho kỹ nếu không mai mốt không còn một giọt. Đi biển nước là vàng!
Trời đất! Ai mà biết. Tôi bèn ngồi trở xuống, kéo cái vòi nước qua một bên xong rồi thí nghiệm liền. Tôi lấy bình nước nhỏ đeo trên cổ đã cạn, đưa vòi vô hứng nước mới. Bình đầy tràn, tôi mừng hết sức. Dân nói tiếp chỉ cho tôi và Duyên:
-Dọc hai bên có các bao củ sắn với chanh. Khi nào đói thì lấy ăn cho đỡ, lúc nầy chật chội quá khó mà nấu nướng, ăn củ sắn có ói cũng sạch...
Hòn Khoai đã hiện rõ trong tầm mắt, cây cối xanh rì. Giữa những tàn dừa rậm rạp có vài mái nhà tranh xám vàng nhỏ xíu với vài làn khói trắng mỏng lơ lửng bay cao. Phải cả giờ sau, đảo mới khuất dần sau những đợt sóng nhấp nhô.
Ghe đã bắt đầu ra khơi, nước biển trở nên xanh thẳm. Trời nước mênh mông. Sóng vỗ mạnh phía sau đẩy ghe tới trước. Mũi ghe nhọn xẻ nước phăng phăng. Phía sau lái một đường sóng sủi bọt trắng xóa như cái đuôi dài ngoằn lướt thuớt. Nắng đã nóng và ghe bắt đầu bị sóng nhồi càng lúc càng mạnh. Những đợt sóng ào ạt vỗ vào một bên hông ghe. Chiếc ghe trồi lên hụp xuống chòng chành. Nước văng tung tóe lên cả trên boong. Tôi nghe có tiếng ói đâu đây. Người người bắt đầu say sóng. Chỗ nầy ói, chỗ kia ụa. Rồi đến mẹ con Duyên. Bé Bi lả người trên tay mẹ, mắt thiêm thiếp nhắm nghiền. Cái miệng nhỏ xíu, ọi ọi vài tiếng như con chim non chiêm chiếp rồi nằm im dáng mệt nhọc. Tôi mở cái túi nhỏ, lựa thuốc ói cho Duyên và Bi. Sau đó cho Bi thêm vài giọt thuốc ngủ. Bi nằm yên và ngủ say.
Trên ghe hàng xấp bao ny lông được chia ra dùng khi bị ói. Ban đầu người ta ói ra đủ thứ vừa ăn ban nảy. Dần dà không còn gì để ói nữa chỉ còn nước không mà thôi. Người nào người nấy dáng lừ đừ như đau nặng, mặt mày xanh mét, ngồi nằm ngả nghiêng mệt nhọc. Sau đợt ói mở màn, ai nấy bắt đầu thấy đói và khát. Các bao củ sắn được chiếu cố tận tình. Tôi cầm cái vòi nước xịt đầy tràn từng chiếc bình đưa tới. Lúc nầy mới thấy món chanh đường đem theo là quí giá vô ngần. Mặt trời vùng nhiệt đới lúc hai ba giờ chiều nóng chói chang. Mới có vài tiếng đồng hồ phơi nắng gió, da dẻ ai nấy đều rám nắng đỏ hồng. Nắng hừng hực như đổ lửa. Tất cả mọi vật như bị thiêu đốt. Sợi dây, mảnh ván, cái xách tay... cũng không dám rờ. Nóng quá, nóng đến cháy da, nóng đến nổ tròng con mắt. Không biết lấy từ đâu ra, người ta căng lên những tấm ny lông nhỏ, những cái áo mưa, những poncho, mền,... để mong che mát những hơi nóng từ trên cao hắt xuống hừng hực như muốn biến chiếc ghe thành cái lò lửa. Người nào người nấy hết còn vẻ tươi tỉnh buổi sáng. Trong ghe, im lìm không còn ai muốn nói năng gì nữa. Tôi ngồi dựa vào vách bồn nước nửa ngủ nửa thức nghe chưn cẳng tê rần, lâu lâu phải rán nhúc nhích cho đỡ mõi. Ở cái cảnh chật hẹp nầy tìm một chỗ trống để thẳng cái chưn ra đâu phải dễ.
Biển đã bớt gầm thét quay cuồng. Những đợt sóng đều đều êm ái hơn. Nhìn ra khơi mặt nước lăn tăn hàng muôn triệu chiếc gương vàng lấp lánh chói chang trải dài tận chưn trời. Trời và nước giáp mí nhau ở một nơi xa thẳm tít mù. Bao la, quạnh hiu, không một vật gì nữa hết trên mặt biển cả mênh mông ngoài ánh nắng chói lòa nóng hừng hực. Cổ họng khát khô. Tôi bèn lấy chanh đường quậy vô trong bình nước nhỏ uống một hơi dài. Rồi uống nữa... uống hoài. Chỉ thấy khát mà không đói.
Chiều đến máy ghe vẫn nổ đều đều, riết rồi quen dần nghe êm êm. Chiếc BL 1648 lướt sóng thiệt gọn. Mặt trời chầm chậm lặn xuống ở phía trước hơi nghiêng về bên mặt. Hơi nóng đã dịu bớt từ từ rồi mát hẳn. Bầu trời thiệt quang đãng. Biển thật êm, sóng nhè nhẹ vỗ nhịp nhàng hai bên mạn ghe. Hơi nóng trong người từ từ bốc ra rồi bay mất. Mọi người xung quanh có vẻ tươi tỉnh sống động xôn xao trở lại. Các tấm ny lông che đầu đã được dẹp bỏ. Tôi ngồi quay ra phía trước mũi nhìn cảnh mắt trời lặn từ từ xuống biển. Mặt trời buổi chiều đỏ ối to như chiếc mâm đồng vĩ đại với những tia sáng hình rẽ quạt bị những đám mây trắng xám vắt ngang phản chiếu thành ráng đỏ bầm. Những tia nắng cuối ngày cố vươn cái ánh sánh vàng vọt trên mặt biển cong. Xuống nữa... xuống nữa, cái mâm đồng đỏ chỉ còn phân nửa, rồi chỉ còn một phần ba... rồi mất hút xuống mặt biển đen ngòm. Một vệt sáng còn sót lại ở chưn trời. Trời chợt tối sầm. Đêm đến thiệt lẹ hồi nào không hay.
Trong tôi cái cảm giác thiệt êm ả nhưng thân thể thì không thoải mái chút nào vì chật hẹp. Duyên ngồi bên cạnh bị kẹt cứng tư bề lại phải ẵm bồng bé Bi nên quá vất vả. Tôi rán nhích qua một bên để có chỗ trống cho hai mẹ con nhưng không được. Cả ghe bây giờ không có một sinh hoạt nào khác, mọi người chỉ có việc là ngồi yên như những pho tượng. Chỉ có mặt trời là di chuyển từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, từ chiều đến tối. Trời đã tối hẳn, rán nhìn qua bên chỉ thấy những cái bóng đen đen. Những người bên cạnh đã bắt đầu ngủ gà ngủ gật. Theo nhịp sóng vỗ, ghe lắc lư nhịp nhàng như đưa võng. Tôi mãi lo nhìn cảnh mặt trời lặn trên đại dương, đến khi nhớ lại mò mẫm khắp nơi thì không còn một chỗ trống. Người ta chen lấn nhau ngủ la liệt trên boong, nằm sắp lớp như cá mòi. Chiếc ghe dài có hai mươi mấy thước mà chứa trên ba trăm năm chục người thì chỗ đứng cũng không có, nói chi tới chỗ nằm. Đành chịu ngủ ngồi thêm một đêm nữa. Đêm ba mươi không trăng nhưng trời đầy sao lấp lánh. Từng làn gió nhẹ thổi mát tư bề. Tiếng máy ghe nổ đều đều êm êm như ru người ta vào giấc ngủ. Vì lần đầu tiên đi ghe trên biển nên tôi thấy cảnh trời nước hấp dẫn lạ lùng, thêm vào đó cái sung sướng của tự do làm cho tôi sảng khoái hết buồn ngủ. Chợt có người vịn vào vai, rán chen ngồi kế bên tôi. Quay lại nhìn thì là Út Trung, tốt nghiệp trường Canh Nông làm việc ở Sóc Trăng.
-Chú Út chưa ngủ sao?
Út Trung trả lời:
-Nhớ nhà quá làm sao ngủ được anh!
Út Trung nhỏ người mập mập, mặt đầy mụn nhưng khi cười thì có cái răng khểnh duyên dáng. Tánh tình hiền lành chất phác. Tôi quen Trung khoảng một tháng nay, kể từ hôm chờ đợi ở Bạc Liêu. Trung ngồi xuống cạnh bên, hai tay ôm đầu gối, nhìn mây nước mù mù trong đêm đen.
Tôi hỏi bâng quơ:
-Chắc ghe đã ra khỏi hải phận quốc tế?
-Quá xa rồi anh ơi, trên mười tiếng đồng hồ rồi. Với vận tốc trung bình thì chỉ cần vài giờ là đã ra khỏi. Hải phận quốc tế chỉ có mười hai hải lý. Kể như mình đã rời xa Việt Nam không biết bao giờ trở lại được!
Nghe Trung nói tôi lặng thinh ngậm ngùi. Mới có một ngày đường tôi thấy hình như là lâu lắm. Tất cả những hình ảnh thân yêu chợt trở thành kỷ niệm. Lòng tôi đâm xao xuyến bâng khuâng. Để phá tan cái không khí trầm lặng, tôi chọc Trung cho vui:
-Mới đi có một hai ngày mà nhớ nhà nổi gì? Chắc là nhớ ai đó! Chú có nghe miệt Bãi Xàu người ta thường hát câu nầy không:
Bỡi anh lo việc canh nông.
Cho nên mới có bồ trong bịch ngoài.
Trung cười:
-Xí trai như em thì có cô nào chịu đâu mà bồ với bịch.
Tôi phản đối:
-Thôi đừng nói dóc nghe, chú dấu ai chớ dấu tôi sao được. Con nhà giàu, học giỏi, tuy không đẹp trai nhưng có duyên là đủ rồi. Mà chú lại làm việc ở Sóc Trăng nữa. Đất đó tôi biết quá mà. Trai đi có vợ, gái về có con. Cô nào mà dám chê chú Út thì cô ấy cận thị nặng...
Rồi tôi tiếp:
-Mà con gái Sóc Trăng tôi thấy có cô nào cận thị đâu!
Trung đập nhẹ vào vai tôi:
-Cái anh nầy, anh ở Bình Dương mà sao biết rành Sóc Trăng quá vậy?
Tôi chưa kịp trả lời thì Duyên xen vô:
-Ảnh rành miệt dưới lắm Trung ơi, chút xíu nữa là làm rể ở đó rồi. Các cô Sóc Trăng đẹp lắm, ảnh cứ nhắc hoài! Tôi biết quá mà, ông nào cũng giống nhau như hịch. Thôi Trung nói thiệt cho anh chị nghe đi, có để trái tim ở lại không đó?
Trung ngồi im hồi lâu mới trả lời nho nhỏ:
-Chị cũng phá em nữa. Mà buồn thiệt anh chị ơi! Tụi em thương nhau lắm. Em đâu có muốn đi kẹt tuổi lao động với nghĩa vụ ở lại chịu không nổi, đành phải liều. Đi là chết trong lòng một ít!
À, chú Út tuổi trẻ mà tài cao, coi bộ cũng cải lương dữ! Tội nghiệp chắc chàng và nàng mới thề non hẹn biển chưa bao lâu thì phải cách biệt. Sống dưới chế độ nầy ai cũng chịu khổ đau nhưng lứa tuồi thanh niên là chịu thiệt thòi nhứt. Bao nhiêu thứ nghĩa vụ đổ ập trên đầu trên cổ. Cái sống còn lơ đơ lửng đửng, nói chi tới cái yêu... Hiện tại thì kể như hy sinh, tương lai tối mù mù. Coi bộ anh chàng đau khổ dữ, mặt mày héo sàu, nàng chắc phải đẹp và dễ thương lắm.
Đứt tay một chút còn đau,
Huống chi nhơn nghĩa lìa sao cho đành.
-Theo anh thấy nghen Trung, chết là chết chớ không có ngáp ngáp. Chết thiệt tình, chết hết trơn chớ một ít gì nữa. Còn như mới chết sơ sơ thì ăn thua gì....
-Thùy Phương có hứa là sẽ cố gắng đi chuyến sau...
Thì ra người đẹp có tên đẹp quá. Hèn chi mà chàng không ngất ngư sao đặng.
-Mà rủi Thùy Phương không đi theo được ở lại Việt Nam thì sao?
Trung ngập ngừng:
-Thì tới đâu tính tới đó. Em đâu có biết được. Nàng có chồng, em có vợ... thế là xong.
Tôi buột miệng:
-Chắc bộ đội quá.
Trung phản đối mạnh mẽ:
-Nàng có nói với em là chẳng thà lấy một anh lính quốc gia nghèo đi cày ruộng, còn hơn lấy một cán bộ cao cấp, nói gì tới bộ đội!
Tôi nhìn ra xa. Ở trên cao trời đen mịt mùng. Những ngôi sao vàng vàng xanh xanh nhỏ xíu xa thăm thẳm lấp lánh chớp tắt liên hồi. Lâu lâu có một ngôi vụt sa xuống tuốt dưới biển sâu, nhanh đến mắt nhìn không kịp. Một ngôi sao sa chắc vừa có một người mới mất ở một góc trời nào đó trên trái đất đầy khổ đau nầy. Không biết linh hồn kẻ xấu số được đi đầu thai hay phải vào địa ngục? Cầu trời cho người đó, trọn đời họ đã sống qua, chưa bao giờ làm việc gì thất nhơn ác đức, tổn hại sanh linh. Kẻ nầy không thể nhân danh bất cứ cái gì hết để gây khổ đau, giết chóc kẻ kia.
Tôi chỉ cho Trung nhìn về nơi xa thẳm:
-Chú Út có thấy những ngôi sao sa? Có tin đó là những linh hồn người chết?
-Tin chớ anh. Hồi nhỏ em cứ mỗi lần nhìn thấy sao sa là mỗi lần ước nguyện. Người ta nói nếu mình ước nguyện kịp thời lúc nó chưa mất hút thì lời ước nguyện đó sẽ thực hiện...
-Vậy thì tôi biết chú Út sẽ ước nguyện điều gì ở ngôi sao sa kế tiếp. Tôi nói thế nào cũng đúng. Cá một ăn mười nè!
Trung thở dài:
-Anh nghĩ coi tụi em quen nhau từ hồi còn nhỏ xíu, lớn lên học chung lớp chung trường.
Rồi Trung lại hỏi tôi:
-Còn anh thì sao?
-Tôi yên bề gia thất rồi chú ơi, vợ con đùm đùm đề đề nè, chú không thấy sao, còn gì mà mộng với mơ nữa!
Rồi hai đứa ngồi yên. Tôi suy nghĩ lan man. Từ giả quê hương có nghĩa là từ giã những người thân yêu, từ giã luôn những kỷ niệm mà mình đã sống qua từng giai đoạn. Mỗi con đường, mỗi gốc cây, mỗi khu phố Bình Dương nơi tôi đã sống và lớn lên, làm sao quên được. Có buồn, có vui lẫn lộn. Mười lăm tuổi lúc học trường Nguyễn Trãi đã biết chải đầu bằng brillantine láng bóng, tương tư cô bạn học cùng lớp. Mười bảy tuổi xuống Sài Gòn, học thuộc lòng cả trăm bài thơ tình, nắn nót chép tặng cho người mới quen. Hai mươi lăm tuổi bị thất tình đau như bò đá. Nàng miệng vẫn thương tôi nhưng vì hoàn cảnh trái ngang nên đi lấy người khác. Thằng quỷ dịch nhà rất giàu và rất đẹp trai! ...
Thiệt tình lúc đó, tôi muốn tự tử chết phức cho rồi...
Đờn có lên trục kêu vang
Anh còn thương bạn, bạn khoan có chồng
Muốn cho nhơn ngãi đạo đồng
Anh nay thương bạn hơn chồng bạn thương
Chiều nay anh giã bạn hồi hương
Xin nàng ở lại đừng vầy duơn nơi nào
Ghe tui tới chỗ cắm sào
Nghe em có chốn muốn nhào... xuống sông!
Ôi! Những con đường Lý Thường Kiệt, Bạch Đằng, Đoàn Trần Nghiệp, Trưng Vương của Thủ Dầu Một đã bao lần tôi qua. Những vườn măng cụt, vườn dâu, sầu riêng miệt Búng, Lái Thiêu đã bao lần tôi đến. Mấy người yêu dấu cũ bây giờ đã có chồng có con. Có người đã vượt biên trước tôi, có người chuẩn bị đi và có người còn ở lại. Tôi cầu mong tất cả đều được hạnh phúc và may mắn. Cái đau khổ mà đất nước chịu đựng quá lớn lao so với những tình cảm vụn vặt tầm thường. Thương cho người còn ở lại, chịu đựng làm sao nổi những đọa đày. Đúng là -thiên địa phong trần, hồng nhan đa truân!
Tôi nghe bên vai nằng nặng, thì ra Trung đã ngủ từ lúc nào. Chiếc ghe vẫn êm ái lướt sóng. Giờ nầy bầu trời bị mây che không thấy một vì sao. Cả không gian tối đen mù mịt. Ghe chỉ có một ngọn đèn pha soi sáng phía trước lờ mờ :
Biển vô tận xá gì phương hướng nữa
Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh
(Vũ Hoàng Chương)
Thuyền trôi lênh đênh như cuộc đời tôi bây giờ.
*
* *
Lúc tôi tỉnh giấc thì trời đã sáng rõ. Mặt trời đã lên khỏi mặt biển. Không khí thiệt trong lành, gió phe phẩy vờn nhẹ trên tóc, ve vuốt làn da. Nắng buổi sáng vàng tươi chan hoà khắp chốn. Chiếc BL 1648 vẫn rẽ sóng phăng phăng. Tùy theo độ sâu, nước biển có màu khác nhau. Biển càng sâu nước càng đậm. Bây giờ ghe đã xa khơi lắm nên nước có màu xanh đen. Càng lúc sóng càng vỗ mạnh phía sau lái. Ghe bị thúc tiến tới nhanh nhưng bị nhồi lắc dữ dội. Lác đác nơi nầy nơi kia đã có người ói. Rồi tiếng ụa mữa liên hồi. Trời càng về trưa càng nắng gắt. Ống thông hơi xuống dưới khoang không còn đủ hiệu lực nữa. Mấy cái quạt máy chạy liên tục cả ngày hôm qua, bây giờ có chiếc đã hư, các người ở dưới khoang ngộp thở. Một số phải leo càn lên boong. Những người ở trên cũng không khá hơn chút nào. Dân gì đó, chị Điệp, Út Trung, Mai, Lan,.. ói liên hồi, mặt mày xám xanh như đất. Bao ny lông phân phối không kịp. Ai nấy mệt lã, ngất ngư. Nhờ có củ sắn và chanh, nên cũng tạm đỡ cơn khát và đói. Thằng Dân thủy thủ đứng ở phòng lái vịn mui ghe nhìn quang cảnh hổn độn bên dưới, nói với tôi:
-Như vầy là êm lắm đó, những bữa có giông gió lớn, biển động gặp sóng lưỡi búa kìa, lúc đó mới biết đá biết vàng...
-Trời ơi, nó lắc lư như đưa võng mà êm hả, anh ói tới mật xanh rồi nè.
Tôi lắc đầu ra dấu chịu hết nổi, bỗng dưng nghe nó nói lớn:
-Anh nhìn ra ngoài kìa, coi cá bay!
Tôi đưa mắt trông theo hướng nó chỉ, trong làn sóng trắng xoá nhấp nhô, nhiều con cá trắng có hai vi to và dài, bay vọt lên nhanh như mũi tên bạc hình cầu vồng. Quang cảnh thiệt lạ mắt và đẹp. Chừng lối một hai phút có có năm bảy con bay vút lên. Tôi mải mê ngắm. Bất ngờ nghe tiếng xôn xao trên ghe, rồi thấy mọi người túa qua một bên chi chỏ xuống nước. Tôi nhìn theo thấy một cảnh rất ngoạn mục. Từng đoàn cá nược, cá heo mỗi con lớn cở chừng một hai trăm ký, da đen bóng lội vun vút theo ghe. Khi thì chúng lặn sâu xuống nước, khi thì trồi lên nhào lộn nhịp nhàng. Nước trong leo lẻo, ở trên trông xuống thấy rõ cả kỳ vi. Chúng nhiều quá đi từng đàn chừng ba bốn chục con. Đàn nầy hết thì tới đàn kia, nối tiếp nhau đuổi theo ghe. Hay là chúng lội quanh trở lại? Tôi không biết. Người trên ghe đa số là dân thành phố đi biển lần đầu nên lấy làm lạ, thìch thú nên đổ xô về một phía để coi. Ghe nghiêng qua một bên, tài công phải hò hét hồi lâu mới lấy lại trật tự được.
Duyên thì thầm bên tai tôi:
-Cá heo hay là cá mập đó. Em thấy cái vi nó giông giống... tại sao chúng cứ theo ghe mình hoài?
Nghe vợ hỏi, tôi vụt tỉnh người, nghe ơn ớn nhưng làm gan giải nghĩa cho nàng yên tâm:
-Cá nược với cá heo thiệt mà! Cá mập cái vi nó lớn và cao hơn, hình như lá cờ xéo, rẽ nước ào ào chớ đâu có nhào lộn vui vẻ vậy... Biển nầy cũng đâu có cá mập... thứ đó phải ở thiệt xa, ngoài khơi mới có, ghe mình đi cặp gần bờ mà!
Tình trạng vệ sinh trên ghe đã bắt đầu tồi tệ. Người ta ói mửa liên miên, tiêu tiểu bừa bãi. Bao ny lông ít quá không đủ dùng cho số đông người. Các bô vệ sinh thường bị bể vì dùng nhiều lần. Trên boong quá chật hẹp nên không thể đi cầu phía sau lái. Hơn nữa ghe chạy mạnh lắc lư nên khó tiêu tiểu lắm. Tôi làm phận sự phân phối nước uống liên tục. Những cái bình ny lông được đưa lên. Tôi mở cái vòi nước cho chảy đầy bình nầy tới bình kia. Uống làm sao cho hết. Cái bồn nước bằng sắt vuông vức to lớn sau lưng còn đầy ăm ắp. Mấy trăm thùng nước ngọt bằng ny lông loại hai mươi lít để dằn ở dưới đáy khoang, cả ngày hôm qua dùng chưa hết một phần. Khi nào cảm thấy khát và đói, tôi lấy một chút đường chanh pha với nước, uống từ từ cũng đỡ khổ lắm.
Tô Tỷ ói mửa liên miên từ hôm qua tới nay, nằm li bì dưới khoang được kéo lên boong thở không ra hơi. Mặt mày xám ngắt. Sau giai đoạn ói mửa, một số thanh niên đã bắt đầu thầy đói, bèn leo lên mui ghe, lục lọi đống hành lý, móc thực phẩm lấy ra ăn. Họ lấy thức ăn của họ đem theo đồng thời lấy luôn của người khác. Ở đời muôn sự của chung mà. Ai lẹ tay thì còn, chậm tay thì hết...
Mặt trời sau một hồi gay gắt, chầm chậm nghiêng xuống phía trước , ánh nắng bớt chói chang. Trời đang xế chiều, gió đã lai rai man mát. Chiếc ghe vẫn giữ nguyên tốc độ không chậm, không nhanh, từ từ lướt tới. Mênh mông bát ngát không biết đâu là bến bờ. Tôi đang khoan khoái mở vài nút áo để hứng làn gió mát, bỗng nhiên chợt thấy xa xa có hai cây sào tre xam xám nổi thẳng đứng trên mặt nước bao la. Tôi trố mắt nhìn kỹ. Quả thiệt là hai cây tre dài trơ trụi đứng chơ vơ trên mặt biển, cách nhau chừng mười thước, không xiên không lệch, không lung lay. Sao kỳ cục vậy. Tôi đang tỉnh hay mê? Ở giữa biển khơi mênh mông chỉ có trời và nước, bây giờ lại có thêm hai cây sào tre nữa?
Tài công Hốt không biết là gì bèn ngừng ghe lại kế bên để quan sát. Không có gì kỳ lạ hết, mặt nước lăn tăn, hai cây tre dựng đứng suông đuột. Anh cho ghe chạy vòng quanh. Mọi người bàn tán xôn xao.
Dân ‘gì đó’ cả ngày ói mửa im hơi lặng tiếng, bây giờ mới chịu cất giọng:
-Chắc là tàu chìm chỗ nầy nên người ta mới để tre làm dấu cho ghe khác tránh xa ‘gì đó’...
Út Trung phản đối:
-Nói tầm bậy tầm bạ, mầy biết chỗ nầy sâu mấy trăm thước không, nếu ghe tàu chìm thì cũng đâu có ăn thua gì mà phải làm dấu chi cho mất công. Cây tre cao bao nhiêu mà cắm sâu được tới đáy biển. Mà dầu có cắm tới, sóng gió nó lắc lư cũng trôi mất...
Dân tịt ngòi nín khe, hồi lâu mới hỏi lại:
-Vậy chớ mầy nói không phải tàu chìm chỗ nầy thì là cái gì, tại sao có hai cây tre ‘gì đó’ kỳ cục vậy?
-Theo tao chỗ nầy có đá ngầm nước cạn, người ta sợ ghe tàu rướn lên rồi nằm ỳ luôn không ra được, nên làm dấu để cho người khác biết mà tránh. Nhờ nước cạn nên mới cắm tre được...
-Làm dấu gì đó sao trên ngọn tre không có cột miếng vải trắng hay đỏ?
Út Trung bí nên im luôn.
Tôi nghĩ tới nghĩ lui. Tất cả lời bàn nghe qua đều vô lý. Tuy nhiên cũng không biết là gì. Dân gì đó, Út Trung vẫn còn bàn tán quanh co. Trên những gương mặt năng cháy đó người người lộ vẻ băn khoăn lo lắng. Tư Trần Hưng Đạo đứng chống nạnh, cái lưng khòm khòm, hết ngó bên nầy rồi ngó bên kia, xăng văng xéo véo. Trong khi đó thằng Dân thủy thủ cầm sợi dây dài có cột cục chì to bằng bắp tay, quăng xuống nước để dò nông sâu. Sợi dây dài cả trăm thước vậy mà không đụng tới đáy. Tài công ngừng ghe hồi lâu, lấy hải bàn ra đo tới đo lui, tính đi tính lại, rồi đổi hướng tránh ra xa, tiếp tục cuộc hành trình.
Trời đã sụp tối. Mặt biển trở nên đen ngòm. Chỉ có tiếng mấy nổ đều đều, tiếng sóng vổ rào rào bên hai mạn ghe. Tôi nhìn ra ngoài không gian tối đen tự nhiên nghe ớn lạnh xương sống. Hay là ma cản đường? Lúc còn chờ đợi ở Bạc Liêu, tối tối cả đám ưa xúm nhau lại nói chuyện ma. Nhứt là ma ở trên biển trong các chuyến đi trước được truyền lại. Có người chết vì bão tố, vì đói khát, vì hải tặc, linh hồn không siêu thoát thường hiển linh vật vờ phá khuấy hoặc nhờ báo tin về gia đình hoặc báo điềm lành, điềm dữ cho người đi sau. Khi kể dứt thì ai cũng thường kết luận chuyện đó do chính mắt người bà con thân thuộc của mình đã thấy, viết thơ về tả rõ ràng. Một làn gió lạnh thổi thốc tới rào rào, tôi nghe tiếng sườn cây kẽo kẹt, hình như có tiếng than khóc, rên rỉ nỉ non, tiếng hú khi xa khi gần.. tự nhiên tay chưn mọc óc. Đầu rối tung lên, nghe ghê ghê, sờ sợ...
Tư Trần Hưng Đạo vừa hút thuốc vừa hỏi:
-Làm sao mà hai cây sào tre cao nghệu như vậy lại dựng đứng được ở giữa biển sâu? Sao kỳ cục vậy, bồ có thấy gì lạ không?
Tôi hỏi lại:
-Tôi cũng không biết. Tụi mình có đi biển hồi nào đâu. Sao tôi cũng hơi nghi nghi, theo anh thì làn gì?
Anh kề tai tôi thì thầm, sợ mấy người đàn bà nghe được:
-Ở những vùng biển sâu thường có những loài vật sống lâu năm thành tinh như thuồng luồng, rắn biển, mấy con mực ma, mấy con rùa biển... Rồi dạo nầy mấy người đi vượt biên nhiều, ghe chìm... dám thành ma thành quỉ, hiện lên cản đường hay nhát tụi mình chơi...
Anh nói tới đâu tôi liên tưởng tới đó. Trong truyện Tây Du mấy thầy trò Tam Tạng đi thỉnh kinh ở Thiên Trúc, nhiều bận họ phải qua sông lớn, sóng bủa lao xao, có con yêu quái dưới vực sâu nhảy vọt lên không, mắt đỏ rực như cục than hồng, hai răng nanh trắng nhỡn nhọn lễu, cái miệng hả tàng hoạc đỏ lòm như chậu huyết, vươn cánh tay dài ngoằn đầy móng vuốt chụp lấy Tam Tạng rồi bay tuốt xuống dưới nước, chun vô động sâu... ăn thịt!
Trời ơi, ghê quá! Tôi vụt nhớ lại là mình đương ngồi sát vách ghe, chỉ cách mặt nước có cái be ván mỏng. Cái vách lại có một lổ nhỏ bằng nắm tay để cho nước có chỗ thoát ra, trong bóng đen mịt mùng nầy, con ma nào đó, nó chỉ cần thò bàn tay tay dài lạnh ngắt từ từ dưới biển nhô lên, mò một cái là nắm được tôi liền. Cả đám sẽ không ai hay ai biết hết. Tất cả đều ngủ mê man như chết ở xung quanh. Nó sẽ lôi tôi xuống biển rồi ăn... Bất giác tôi đưa tay nắm chặt sườn ghe cho... chắc ăn! Thiệt tình có ma quỉ hay không tôi không biết. Nhưng sợ thì vẫn sợ.
-Thôi, thôi anh Tư ơi, giữa đêm hôm khuya khoắc mà anh nhắc tới mấy chuyện nầy, chỉ nghe không cũng đủ ớn xương sống, đêm nay chắc hết ngủ...
Nói tới đây tôi đưa mắt nhìn quanh. Trong bóng đêm lờ mờ, ai nấy đều mệt mỏi, nằm ngồi la liệt. Tôi đã ngồi như vậy hai ngày hai đêm không đổi chỗ, lâu lâu phải tìm cách duỗi thẳng cái chưn ra cho khỏi tê. Tìm hoài mà không còn một chỗ trống, thôi đành ngủ ngồi thêm một đêm nữa. Trên nóc phòng lái mặt ván vuông vức phẳng phiu, cạnh bên đống hành lý, mấy anh bạn trẻ liều gan leo lên ngủ nằm sắp lớp trên đó. Họ ngủ ngon lành mặc tình cho ghe lắc lư. Nếu biển động mạnh thì dám lọt xuống nước lắm.
Tôi cũng bắt đầu thiêm thiếp, bỗng nghe có tiếng người nói lớn -nước ngập dưới khoang. Tôi tỉnh hẳn. Cả ghe xôn xao. Mọi người đâm nhốn nháo. Ở trong khoang những bóng đen chập chờn di chuyển dưới bóng đèn tù mù vàng vọt. Cái gì đã xảy ra? Tôi lo lắng không biết phải làm sao, bốn bề chật cứng. Hồi lâu mới biết máy bơm nước hư vì chạy liên tục hai ngày nay. Thợ máy sửa hồi lâu không xong. Tài công Hốt vẹt đám đông nằm ngủ ngổn ngang vừa đi vừa kêu Dân ơi, Dân hởi. Hốt nói -cái máy bơm nầy chỉ có thằng Dân biết sửa mà thôi, bây giờ nó đâu mất tiêu rồi. Thằng Dân đâu mất tiêu rồi! Hốt là tài công mà không biết thì ai biết được. Chuyện nầy lạ thiệt. Thằng Dân thủy thủ đi biển từ nhỏ tới lớn, rủi có rớt xuống nước thì cũng đâu có ăn thua gì, nó lội như rái cá. Còn nếu ở trên ghe thì sao không ai thấy? Tôi chớt nhớ lại hai cây sào tre ban chiều.. Thôi chết rồi! Chắc là nó bị ma da kéo xuống biển, không ai hay biết. Mới có một hai giờ, sao lẹ quá. Tôi nghiệp thằng Dân hiền lành... Mới hồi nảy còn thấy nó đứng cheo leo trên be ghe. Nước biển nửa đêm lạnh ngắt mà lại tối mò. Làm sao bây giờ!
Mọi người đâm sợ hãi, từ lái tới mũi xúm nhau lục lọi tìm kiếm coi Dân ở đâu. Nếu như ban ngày thì cũng dễ nhưng bây giờ đêm đã khuya, đèn đưốc hầu như không có một ngọn, chỉ còn cách đánh thức cả ghe dậy. Tiếng kêu hỏi om sòm, náo động cả một vùng biển đen.
-Nè, nè nó nằm đây nè, thằng Dân mập! Một người la lớn.
Mọi người thở phào mừng rỡ. Anh ta nằm chình ình ở ngay mũi tàu ngủ thẳng cẳng ngáy khò khò. Thiệt tình, cái thằng ham ăn ham ngủ, báo hại mọi người nín thở nãy giờ. Dân được đánh thức dậy, chạy lạch bạch theo sau Hốt về phía sau lái để chun xuống hầm máy.
Máy bơm được sửa xong chạy tốt lại như cũ. Trật tự được vãn hồi, người người yên tâm, tiếp tục ngủ lại.
Võ Kỳ Điền
Trích Pulau Bidong Miền Đất Lạ, Chương 6
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment