Monday, February 9, 2009

VÂN THÂM BẤT TRI XỨ




Chiếc BL 1648 phăng phăng rẽ nước, lao vun vút tới trước như con ngựa điên hung hản bị bịt hai mắt. Tiếng máy gầm thét lẫn với tiếng sóng vỗ rì rào như vang trong gió nỗi giận hờn, bực tức. Nó đi mà không còn biết đâu là bến bờ. Bây giờ cả không gian là một khối nắng chói lòa loang loáng. Trên là trời, dưới là nước. Trời với nước phản chiếu nhau, trộn lẫn nhau, hắt cái hơi nóng hừng hực lên ghe. Mọi người đứng ngồi la liệt như đám tàn quân bại trận thảm thương, mặt mày hốc hác, quần áo nhàu nhò. Tôi nghe đầu óc váng vất. Cả đêm không ngủ rồi tâm trí căng thẳng từ sáng tới giờ, nỗi thất vọng khiến toàn thân như tê liệt, mấy bắp thịt hầu như nhão ra. Tôi đưa mắt nhìn lên phòng lái. Cái phòng vuông vức nhỏ xíu đó đông nghẹt người chen chúc. Loáng thoáng thấy tài công Hốt, tài công mặt rỗ, Quách Linh Hoạt, Dân thủy thủ, Hủ Tiếu... cùng một đám thanh niên đầu cổ bờm xờm. Người thì leo lên mui ngồi ngất ngưởng trên đống hành lý, người nắm lấy vách cột đứng cheo leo. Mặt mũi ai nấy buồn hiu.

Cái bờ biển vô tình hồi sáng, bây giờ đã mất hút trong tầm mắt. Ghe không còn chạy dọc theo bờ mà lại đâm thẳng ra khơi. Núi non cây cỏ dần dần khuất mất trong những đợt sóng. Trời, cái điệu nầy Hốt định bỏ Mã Lai rồi, chắc ‘giả’ định tìm một bến khác. Bến mới nào đây? Singapore hay Indonésia? hay Úc? Nghĩ tới những quốc gia mới nầy, lòng tôi đâm e ngại rụt rè. Có chắc gì những nơi sẽ đến, người ta nhân đạo hơn, mở rộng vòng tay đón tiếp người tỵ nạn. Rồi sẽ đi nữa, đi nữa... Hình như ở thời đại kỹ nghệ máy móc nầy, tìm một cõi lòng nhân đạo hơi khó khăn!

Bất thình lình trong lúc không mong không đợi, có một chiếc tàu sắt sơn toàn màu đen tuyền, từ đâu không biết, vụt đến chạy theo ghe. Chiếc tàu nầy lớn hơn chiếc BL 1648 chút xíu, trang bị đầy máy móc chi chít đặc nghẹt trong khoang không một chỗ chen chưn, chạy thiệt nhanh và lướt sóng thiệt khéo. Chắc là loại tàu kéo hay tàu máy của dàn khoan dầu. Trong chớp mắt nó cặp sát. Những đợt sóng do nó tạo ra đập mạnh vào thân ghe, khiến chiếc ghe chòng chành dữ dội. Lá cờ trăng lưỡi liềm với các sọc đỏ nằm ngang bay phần phật trong gió. Đúng là cờ Mã Lai. Từ trong khoang một người Mã to lớn chui ra, đưa tay ra ngoắc tài công Hốt ra dấu bảo theo, sau đó chạy trước dẫn đường. Chiếc BL 1648 như người mù mất phương hướng, bây giờ tự nhiên có người đến dắt đi, mừng rỡ bám sát.

Trên ghe niềm hy vọng làm tươi tỉnh những gương mặt rám đen héo úa. Những ánh mắt mệt mõi mắt đầu long lanh nhìn theo chiếc tàu lạ. Trưa nay gió thiệt to và sóng thiệt cao. Chiếc dẫn đường lướt sóng phăng phăng, chiếc theo sau rán hết sức để bám sát, tiếng máy gầm rú lên từng hồi. Có nhiều đợt sóng lớn đánh tạt vào mạn ghe, nước văng tung toé lên cả chỗ ngồi. Chiếc tàu nầy máy mạnh quá. Biền trưa nay động dữ dội mà trông nó vẫn vững vàng, hai cái hông bè ra đè trên sóng mà đi. Lâu lâu người thuyền trưởng Mã ló đầu ra phòng lái, cười cười tỏ dấu thân thiện rồi đưa tay chỉ về phía trước. Tôi đoán chừng chắc đâu đây có cái đảo nhỏ dành riêng chứa người tỵ nạn do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, các đài truyền thanh ngoại quốc thường nói đến. Lạy trời cho đúng là nó. Cái đảo nhỏ bên bờ Mã Lai... niềm hy vọng của rất nhiều người và của riêng tôi. Nó là nỗi chờ đợi, trông ngóng ước mơ...

Chừng độ một tiếng đồng hồ sau tôi nhìn thấy một hòn đảo in bóng xam xám trên nền trời trong vắt. Lại gần hơn, gần hơn nữa... Đảo hiện rõ trong tầm mắt. Cây cối xanh rì, núi non chớn chở. Thằng Dân thủy thủ đứng cheo leo trên mui ghe, miệng la chói lói vang dội:
-Bà con ơi đảo dừa, đảo dừa...

Cái thằng thiệt lanh tay lẹ miệng, chưa gì hết mà đã dám đặt tên cho cái nơi sắp đến, làm như đảo nầy không có cây gì khác. Mà cũng đúng thiệt. Những ngọn dừa đã hiện rõ dưới bầu trời nắng cháy như những chiếc dù xanh non. Trên đảo chỉ thấy toàn là dừa. Dừa mọc từ bờ nước trở đi, cây nầy san sát cây kia, nhiều vô tận mọc tuốt sâu bên trong. Chỗ nào cũng thấy những thân dừa lớn như cây cột cao vút suông đuột. Người thuyền trưởng Mã tốt bụng bên chiếc tàu đen đưa tay chỉ vào đảo, rồi khoát tay từ biệt. Chỉ trong vòng vài phút ngắn ngủi chiếc tàu mất hút sau những ghềnh đá chập chồng, chênh vênh gie ra một góc biển. Ôi! giữa những cõi lòng vô tình cũng còn có những trái tim nhơn ái.

Chiếc BL 1648 từ từ tiến sát vô bờ. Bãi cát trắng phau phau. Rừng dừa xanh ngăn ngắt. Hình như là đảo hoang. Không thấy một làn khói, một mái nhà, một căn lều nhỏ, một dấu vết gì chứng tỏ có sự sinh hoạt của con người. Vậy thì cái đảo nầy đâu phải là nơi chứa người tỵ nạn. Tôi ngơ ngác tự hỏi. Nhưng dầu phải hay không, cũng không quan trọng. Cái quan trọng nhứt là được đặt chưn xuống đất rồi thủng thẳng tính nữa. Duyên cũng vừa nghĩ tới ý đó :
-Mình vô một đảo hoang, không có nhà cửa gì hết !
-Có lẽ vậy mà tốt, tạm ở vài ngày rồi tìm cách liên lạc với Hồng Thập Tự hay Liên Hiệp Quốc, chớ nơi thị tứ đông người thì thế nào cũng bị rắc rối như hồi sáng. Trên ghe đông người quá, khó xoay trở... Nhắc tới cảnh buổi sáng tôi vụt nhớ tới hai bạn Chiêu, Hiếu bị bỏ lại trên bờ đất lạ. Không biết tình trạng bây giờ ra sao? Một cảm giác buồn buồn xót thương trộn lẫn với một chút lo lắng về cái nơi sắp tới. Vô một đảo hoang? Lấy gì mà ăn. Số thực phẩm trên ghe chỉ có tám bao gạo, mấy ngàn lít nước phải chia cho ba trăm năm chục người. Cầm cự được mấy ngày?

Tôi vụt nghĩ tới rừng dừa trước mặt, yên tâm không lo nữa. Nếu hết gạo thì còn cả muôn triệu cây dừa kia, không lo đói. Nước dừa, cơm dừa, cổ hủ dừa, cái nào ăn cũng được. Trong truyện Một Ngàn Lẻ Một Đêm có chuyện anh chàng Sinh Bá lọt vô đảo của bọn người khổng lồ, được cho ăn dừa mỗi ngày để cho thiệt mập. Sau đó chúng lựa người nào mập nhứt mà ăn thịt. Hơn nữa gần đây có ông Đạo Dừa từ nhỏ tới lớn sống toàn bằng dừa. Ông ta sống được thì mình cũng sống được. Biết đâu đắc đạo mấy hồi! Tôi sẽ xin Tư Trần Hưng Đạo vài cái lưỡi câu, đi câu thêm cá tôm ngoài biển. Đảo nầy vắng vẻ chắc cá cua sò ốc nhiều.

Bãi cát trắng tinh chưa có một dấu chưn người, chạy dài tạo nên một cái vịnh hình vòng cung rất đẹp. Bờ cát thoai thoải dốc lài ra tận xa, thiệt là lý tưởng cho ghe ủi bến. Hốt thong thả từ từ lái đâm thẳng vô. Trên trời năm ba cánh hải âu chao mình liệng qua liệng lại trước mũi ghe mà nhìn xuống. Nó nhìn chúng tôi ngạc nhiên, tôi nhìn thấy nó, mừng rỡ. Anh bạn Quách Linh Hoạt từng nói, đi biển cứ mong gặp được cánh chim, biết là sắp đến được đất liền. Huống chi là đất liền trước mặt. Tôi sắp được bước chưn lên.
Dưới những tàn dừa im mát tôi sẽ che một cái lều nhỏ lợp bằng những lá dừa. Vợ chồng con cái sẽ chun vô sống qua ngày để chờ người cứu vớt, y như ngày xưa, hồi nhỏ chơi trò đám cưới lợp lều bằng lá đủng đỉnh. Bi sẽ lấy hộp lon sữa bò đi gánh nước nấu cơm, tôi sẽ đi chặt lá dừa để làm nóc làm buồng nhứt là làm một cái cổng cho đẹp. Duyên vô trong rừng hái hoa dại để trang hoàng. Tôi còn mong gì hơn...

Nhưng giấc mơ của tôi nửa chừng bị ngưng lại. Khi chiếc ghe sắp đụng bờ cát dưới những tàn dừa rậm rạp có hai người lính Mã Lai mặc quân phục rằn ri cầm súng chạy vọt ra dáng điệu hầm hừ. Ở trên ghe nhìn thấy cả hai nhỏ xíu như đứa con nít mười tuổi. Họ đưa súng bắn rầm rầm, đạn bay veo véo. Trời ơi, tụi nó bắn thẳng vào ghe. Nguy quá, mọi người sợ hãi, nằm rạp xuống sàn. Tôi vừa run, vừa lầm bầm “cái xứ gì dã man mọi rợ! Hồi sáng đánh người, bắt người chưa đủ, bây giờ lại bắn trực xạ như vậy” Sau một loạt đạn, cả hai quơ tay quơ chưn la lối đuổi ghe ra. Hốt do dự, ngừng lại. Trên bờ, họ chuẩn bị nạp hai băng đạn mới. Hốt liền cho ghe quay mũi, nổ máy lớn chạy đi luôn. Cũng may, loạt đạn đầu chúng chỉ bắn dọa, đạn bay cao trên đầu nên không ai bị thương. Tuy vậy mọi người đều bị một vết thương trong lòng. Vết thương buổi sáng chưa kịp hàn miệng thì bây giờ lại bị rách toang thêm. Ôi, đáng thương cho cái kíếp ăn đậu ở nhờ, bị người xua đuổi tàn tệ không nương tay. Tôi vừa buồn vừa tủi. Khi không bỏ nhà êm cửa ấm ra đi chầu chực xin xỏ nơi đất lạ quê người để bị đuổi xô hất hủi. Tại ai? Tại ai mà chúng tôi biến thành những kẻ đi ăn mày tình thương của kẻ khác, lang thang tận góc biển chưn trời như vầy. Không ngờ trong đời tôi lại lâm cảnh éo le, lở khóc lở cười. Chắc Hốt cũng cùng chung một tâm trạng nên tôi nghe trong tiếng máy ghe nổ ầm ầm rền vang kia có pha lẫn nỗi tức tưởi nghẹn ngào. Lại một lần nữa, chiếc ghe bỏ thêm một bến lạ mà đi...

Ghe tăng vận tốc đổi hướng vòng lên phía trên đảo. Cây cối cảnh vật chạy ngược về sau. Vừa qua một vịnh biển hình cánh cung cách đó chừng vài cây số có một cầu tàu thiệt lớn, được cất gie chồm ra ngoài bờ nước xa. Cầu xây bằng thép sơn màu xanh đậm, nguy nga đồ sộ. Bên cạnh cầu, một chiếc tàu sắt, lườn đen, thành sơn màu trắng toát. Nó lớn như một toà nhà năm sáu từng cao. Cái ống khói lớn như cây cột vĩ đại, sơn hàng chữ MING KONG theo chiều dọc từ trên xuống dưới, cùng lá cờ Singapore bay phần phật trong gió. Trên chiếc boong cao vút có mái che, sáu bảy người thủy thủ Trung Hoa quần áo màu mè, tóc đen dài phủ ót, cùng một người thuyền trưởng người da trắng to lớn, râu ria bó càm, đứng vịn lan can tò mò nhìn xuống đám người tỵ nạn đang chen chúc dưới ghe. Thấy họ thảnh thơi mà tủi thân. Cái ghe nhỏ như vầy chứa trên ba trăm người, còn cái tàu kia, nó lớn hơn gấp mấy chục lần, vậy mà chỉ chứa có mấy người trên đó. Họ tha hồ tắm rửa, ăn uống đi tới đi lui. Chiếc tàu nầy bên trong ít ra cũng có năm bảy từng, chắc có quầy rượu, sàn nhảy đầm, sân đá banh, hồ tắm... Nhìn mấy bộ bàn ghế bằng mây lớn để dọc theo lan can tàu thì biết. Y như hình chụp trong các quán rượu sang trọng... bên Tây! Tôi nghe chưn cẳng tê rần, mấy ngón ngo ngoe hết được, ngồi quá lâu bị vọp bẻ mất hết cảm giác. Đã ba ngày, ba đêm chịu cảnh bó gối như vậy, tôi thèm một khoảng trống chỉ cần đủ để ngã cái lưng ra một chút, một chút xíu thôi. Chắc ở trên đó, mấy người thủy thủ, mỗi người có giường nệm khăn lót trắng bong, có bồn rửa mặt, có tủ lạnh chứa đồ ăn, có ti vi để coi mỗi tối. Phải chi mình được lên, không cần nhiều, chỉ xin một chỗ nào đó cũng được, ngã đại cái lưng xuống sàn, nằm dài ển ngược xương sống, thẳng chưn ra một cái, nhắm mắt lim dim sảng khoái. Trời ơi! chắc là đã lắm! Bất cứ chỗ nào cũng được mà, từ đầu mũi tới cuối lái rộng thinh thinh.

Hốt cho ghe cặp sát vào hông tàu. Chiếc tàu cũng cón khá mới. Vách cao dựng ngược như vách thành sừng sững, những đốm rỉ sét ăn loang vàng ẻo. Ở các mối hàn, sơn tróc nhiều mảng lớn. Tàu chừng như đã hết hàng hóa nên đáy nổi lên cao. Nó lớn quá, nước trưa nay dâng cao sóng vỗ ầm ầm, nó vẫn im lìm thong dong, không lay động. Trong khi đó, chiếc BL 1648 nhồi lên hụp xuống muốn chóng mặt. Nhựt Bổn từ trong khoang ghe mò ra đứng trước mũi, ngước cái đầu sói lên tàu, dùng tiếng Trung Hoa để liên lạc. Ông thuyền trưởng dùng tiếng quan thoại nói khá sỏi và rành mạch. Hai bên hiểu nhau dễ dàng. Đại khái ông nói luật hàng hải không cho phép vớt người trên ghe còn tốt và đang ở trong hải phận Mã Lai. Ông chỉ có thể giúp đỡ bằng cách cung cấp nước, dầu cùng thực phẩm... Cuối cùng ông chỉ cho Nhựt Bổn vị trí đảo Bidong có trại tỵ nạn lớn lắm, từ đây đi chừng chín hải lý theo hướng ba trăm mười độ thì thấy. Từ dưới nhìn lên, thấy ông ta nói hàm râu bạc rậm rì bó quanh càm rung rung, cánh tay quơ quơ, tôi có cảm tưởng là một linh mục Tây Phương đang giảng đạo, tụi tôi là những con chiên ngoan.
-Cứ đi đi sẽ gặp Pulau Bidong dễ dàng. Ở đây tụi lính Mã Lai thấy bất tiện lắm. Có gì cần thêm thì tôi sẽ giúp cho...
Đứng cạnh ông mấy người thủy thủ quăng xuống ghe vài bịch thuốc lá, bánh ngọt, chocolat, kẹo...
Ôi! Thêm những cõi lòng nhơn ái. Nếu mọi người trên cõi đời nầy đối đãi nhau lịch sự như vậy thì quả đất nầy thiệt là thiên đường.
Tôi rán lắng tai nghe, hiểu được lỏm bỏm. Mừng quá! Pulau Bidong hải đảo nhiệt đới, Pulau Bidong miền đất lạ, nơi ước mơ của ngưởi tỵ nạn bơ vơ. Nó ở gần đâu đây, loanh quanh trong vùng biển nầy. Vài giờ nữa tôi tôi sẽ đặt chưn lên tới đó, bắt đầu những ngày sống tự do thoải mái ở vùng đất mới. Tôi sung sướng gọi nho nhỏ Pulau Bidong, Pulau Bidong. Mấy tiếng nghe thiệt êm ái như ngày nào thủ thỉ tên ai...

Nhựt Bổn sau khi hỏi thăm kỹ lưỡng đường đi nước bước, lom khom vịn mui ghe chun vô khoang. Thấy cảnh ông ta đầu sói sọi, muôn dặm lặn lội đến đây hỏi thăm đường người thuyền trưởng lạ, bất giác tôi nhớ bài thơ cổ. Bài thơ ngắn chỉ có năm chữ bốn câu:

Tùng hạ vấn đồng tử
Ngôn sư thái dược khứ
Chỉ tại thử sơn trung
Vân thâm bất tri xứ

Tạm dịch thì như vầy. Dưới gốc tùng hỏi chú tiểu đồng, thầy em đâu? Thưa rằng, thầy tôi đi hái thuốc trong núi nầy. Không xa lắm, chỉ có điều mây mù nhiều quá nên không biềt chỗ nào đó thôi. Chỉ tại thử sơn trung, vân thân bất tri xứ. Mây phủ dầy đặc nên không biết ở nơi đâu? Ôi! mây nào giăng kín bưng bưng lòng người dân Mã, mây nào mang mang lòng người tỵ nạn thê lương, mây nào mù mịt thảm sầu quê hương tù ngục? Chỉ cần vén được mây đen thì thấy được trời trong xanh ngăn ngắt. Nhưng phài làm sao để mây tan? Đó là dấu hỏi lớn cho một kiếp người.

Sau khi được chỉ dẫn rõ ràng, mọi người trên ghe hy vọng trở lại. Tài công quay mũi đổi hướng đúng theo lời dặn dò. Máy nổ mạnh khởi hành, ghe lướt sóng hăng như con ngựa đua. Bỏ lại hòn đảo Dừa, Bỏ lại chiếc cầu tàu xanh. Bỏ lại chiếc Ming Kong nhàn hạ.

Đó là buổi trưa ngày thứ ba của cuộc hành trình. Đã đi được ba ngày không ăn, chỉ uống nước cầm hơi, người người bắt đầu thấm mệt. Đã thấy đói và khát. Tuy uống nước tới đầy bụng nhưng vẫn cảm thấy muốn uống hoài, uống nữa. Hình như tất cả số lượng nước trong người đều bốc hơi bay mất. Nắng nhiệt đới nhiệt nóng bức và chói chang. Không có gì để che bớt nắng. Cũng may nhờ có gió biển nên cũng còn thở được. Hy vọng gặp được Bidong làm người ta quên mệt mõi. Chín hải lý. Khoảng cách đâu có xa. Với sức máy của ghe chỉ cần hai tiếng đồng hồ là nhiều lắm. Trời thiệt sáng và trong. Hốt vẫn cầm lái. Quách Linh Hoạt đứng trên mui. nhìn bằng ống dòm chăm chăm, thỉnh thoảng quay hết chỗ nầy tới chỗ kia,. Anh nhìn thẳng, nhìn ngang, nhìn xiên, nhìn xéo. Cái mặt bị nắng ăn đen thui. Tôi hồi hộp theo dõi từng cử chỉ, thái độ của anh. Chỉ cần anh đưa tay chỉ về phía trước là tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi nghĩ thầm trong bụng, chắc trời thương nên mới gặp người tốt chỉ dẫn, tìm kiếm như vầy thì con kiến cũng thấy nói gì cái đảo lớn chần dần...

Nhưng mà ở đời, có những chuyện tưởng vậy mà không phải vậy. Cái gì cũng phải trả đúng với giá của nó. Ngay cả sự tự do... Ghe đã đi nhiều hải lý, giờ giấc cũng từ từ qua. Những tia mặt trời không còn từ trên cao đâm xỉa thẳng xuống mà bây giờ đã chiếu chênh chếch. Đảo Bidong nằm ở chỗ nào, không ai thấy hết. Mặc cho Quách Linh Hoạt đưa ống dòm nhìn khắp tám hướng, nó vẫn biệt tăm mù mù. Xa chín hải lý. Hướng ba trăm mười độ. Sao không thấy gì hết! Hổng lẽ ông thuyền trưởng nói gạt. Mà ổng gạt làm chi. Hay là Hốt coi hải bàn tính sai tọa độ? Cũng không lẽ nào. Từ Việt Nam qua Mã Lai anh ta lái còn đúng được, nói chi đoạn đường còn có bấy nhiêu. Nhưng mà sao giờ nầy vẫn chưa thấy tăm hơi Bidong đâu hết. Tại sao kỳ vậy? Tôi hơi sốt ruột. Nếu không khéo chỉ còn vài giờ ngắn ngủi nữa thôi, mặt trời lặn mất thì nguy lắm. Đêm đen mịt mùng sẽ phủ kín vạn vật. Bóng tối đồng nghĩa với tối tăm, ảm đạm, bất trắc, nguy hiểm. Lại phải thêm một ngày sóng gió lênh đênh nữa. Hình như nước biển buổi chiều dâng cao hơn hồi trưa nhiều lắm. Sóng trở nên hung hãn. Từng đợt dâng lên thiệt cao rồi rút xuống thiệt nhanh. Chiếc ghe cứ chạy phăng phăng, trồi hụp theo đợt sóng. Mọi người đâm ra im lặng. Chắc cùng chung một tâm trạng lo lắng sợ sệt. Có cái gì bất thường. Tất cả đều mệt mõi quá rồi. Từ sáng sớm tới giờ chạy tới chạy lui ở bờ biển nầy cũng không đi tới đâu.

Trong làn sóng dữ dội, chiếc ghe nhỏ mong manh trồi lên hụp xuống bất ngờ một tiếng va chạm mạnh ở lườn ghe. Ầm! Chiếc ghe đương lướt ngon trớn bỗng khựng lại. Tôi cảm thấy dưới lườn có cụt đá cứng nâng chiếc ghe lên. Hồn vía tôi bay bổng. Chết rồi! ghe đụng đá ngầm. Nhìn ra xa một chút, nhiều tảng đá lớn bằng cái nhà mấp mô trên mặt nước đầy sóng bạc trắng xoá. Nhiều quá, chi chít đó đây. Đá màu gan gà, nâu tím, xám đen, nằm lắp xắp trên mặt nước như một bãi mìn. Xung quanh, rải rác, thấy sóng bạc đầu trắng xoá chứng tỏ chỗ nầy có bãi rạn. Hốt mải mê tìm kiếm Bidong ở trên trời mà quên nhìn xuống phía dười nước. Chỗ nầy nước không còn xanh thẩm nữa mà xanh lợt lợt. Đáy biển cạn quá! Sau cái đụng long trời lở đất đó, tiếng máy ghe lại nổ không bình thường. Tôi rán lắng nghe. Một thứ tiếng gì trào trạo, lột xột, trục trặc như có những mảnh sắt vụn trộn lẫn trong các trục bánh xe đang quay. Thỉnh thoảng máy gầm gừ, khục khặc, như người bịnh lên cơn suyễn. Từ hầm máy bốc lên mùi dầu dư hôi rình khét lẹt. Tôi sợ quá nhìn lên phòng lái để kiếm Hốt, thấy mặt chị Thuần, chị Điệp xám ngoét. Tư Trần Hưng Đạo, Út Trung, Dân gì đó ngồi co ro, hai mắt mở to thao láo. Không ai nói với ai tiếng nào. Một nỗi im lặng kinh hoàng, hầu như không ai dám thở mạnh nữa. Bi thì mệt lã nằm thiêm thiếp trên tay Duyên. Tôi nhìn kỹ mặt Duyên. Nàng sợ quá, khuôn mặt xác sơ, không còn một chút sinh khí.

Tôi nghĩ đến cảnh ghe bị đụng đá ngầm. Sức va chạm mạnh quá, lườn ghe bung ra bể thành lổ hổng lớn. Nước bên ngoài ùa vào, sóng vỗ tới tấp ghe lắc qua lắc lại chừng vài lần là chìm lĩm. Phải làm sao đây, tôi và Duyên đều không biết lội. Mà dầu cho biềt lội cũng không ăn thua gì. Biển cả lại bao la. Bi còn quá nhỏ. Viễn ảnh nguy vong khiến tôi muốn nghẹt thở. Trong phút chốc nỗi hối hận tràn ứ. Trời ơi! đoạn đường nguy hiểm chết sống, tại sao lại đem vợ con theo. Trên ghe lại có biết bao nhiêu anh em ruột thịt, bạn bè thân tình. Thương nhứt là Bi mới có mười chín tháng, chưa tội tình gì mà phải chấp nhận gian lao. Ôi! nếu có bề gì thì sao? Tôi ruột rối như tơ vò. Trong cái im lặng hãi hùng đó, từ trong khoang ghe có tiếng đọc kinh rì rầm. Đủ giọng Nam, giọng Bắc, nhiều nhứt là giọng mấy bà già Tàu lơ lớ. Tôi vụt tỉnh người. Tại sao mình không cầu nguyện như họ. Nghĩ xong tôi ngồi im cầu nguyện Phật Bà cứu độ. Trong lúc quính quáng sợ hãi, tôi cũng không biết phải cầu nguyện ra sao nữa. Tuy rằng nhà tôi theo đạo Phật, ba má tôi thường đi chùa nhưng thiệt tình mà nói tôi chở ông bà tới nơi, xong rồi đi chơi, tới giờ lại rước về. Tôi hầu như ít khi bước vào trong một chốn tôn nghiêm, dù là chùa hay nhà thờ, thánh thất. Có lẽ tôi sợ chốn tôn nghiêm vì xét kỹ bản thân thấy còn nhiều trần tục. Bước vào đó sợ làm ô uế cửa thiền chăng? Cho đến giờ phút nầy kề cận cái chết tôi vụt nghĩ đến cái phao thiêng liêng. Tôi bèn quên hết mọi chuyện, mặc cho tiếng sóng gào thét quay cuồng, mặc cho tiếng máy khục khặc, mặc cho cái ghe trôi nổi lắc lư, mặc cho những cục đá trơ vơ trồi lên giữa biển, tôi nghĩ tới bóng dáng Phật Bà Quan Âm mặt mày hiền từ nhân hậu đẹp đẽ, đứng trên những hoa sen giữa biển khơi cầm cành dương rảy nước cam lồ để cứu vớt chúng sinh. Tôi nhắm mắt lại nghĩ trong đầu những chữ... Nam Mô cứu khổ, cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát. Không biết tôi cầu nguyện như vậy có đúng không .. Nam Mô cứu khổ, cứu nạn...

Trong lúc tôi đang lâm râm cầu nguyện thì mũi ngửi thấy mùi khói nồng. Ai đó đã đốt giấy tiền vàng bạc để cúng. Đã cầu nguyện khấn vái rồi mà lại đốt thêm ba cái vụ nầy. Rủi cháy ghe thì sao? Bây giờ mấy bà già Tàu đọc kinh ê a thật lớn, không còn e dè gì nữa. Họ đọc líu lo, nhịp nhàng. Chắc là nước sắp tràn vô tới nơi rồi. Tôi còn quá trẻ. Duyên trẻ hơn và Bi còn nhỏ xíu. Cả đời tôi chưa hề làm một điều gì xấu xa để phải ân hận, lẽ nào trời đất không thương. Tôi đã sợ mà những người xung quanh lại làm cho tôi sợ hơn. Tôi quýnh quá nghĩ tới Trời Phật, Thánh Thần, Ông Bà Tổ Tiên, Thổ Địa, Hà Bá, Long Vương, ma quỷ... những vị khuất mày khuất mặt, ước mong một vị nào đó động lòng nhơn từ dắt chiếc ghe nầy tới chỗ yên ổn.

Trong cái nỗi sợ hãi tràn ngập đó tôi vụt trở nên tin tưởng. Không tôi không thể chết trong chuyến vượt biên nầy. Tôi mở mắt ra, xoè bàn tay mặt rồi bàn tay trái. Trong lòng bàn tay hai đường chỉ sanh đạo hiện rõ nét dài ngoằn chạy sóng đôi, một đậm một lợt không gián đoạn. Đường sanh mạng đôi tốt quá, làm sao có thể chết vào tuổi nầy được. Không tôi không thể chết! Lời cụ Diễn năm nào, bây giờ lại văng vẳng bên tai... “ Đời ông có những lúc khó khăn, nhưng chuyện gì rồi cũng vượt qua. Không phải do tài sức ông đâu, cứ bình thản đừng sợ hãi, tự nhiên khó khăn sẽ tan.”

Lạy trời cho khoa chỉ tay đúng, lạy trời cho lời cụ Diễn đừng sai. Tôi sợ quá thành ra đâm bám víu điều gì có thể bám víu được để hy vọng. Đến khi tôi mở mắt ra thì Hốt đã cho ngừng ghe lại. Dân và Cường nhảy xuống nước để coi lại chưn vịt cùng đáy ghe. Tôi nhìn lên mặt anh ta để đoán coi anh có hốt hoảng hay không. Cái mặt nắng cháy đen thui, khó đoán quá. Anh ít nói, ít cười, suốt ngày lầm lỳ. Tôi chờ nghe tiếng nước chảy rịn, cái va chạm quá lớn, thế nào lườn ghe cũng bị nứt. Nhưng may quá, đáy ghe chỉ bị trầy sơ. Hốt đứng nhìn xuống nước hồi lâu rồi quay trở về phòng lái. Tiếng máy ghe đã nổ lại nhịp bình thường, ghe quay mũi rồi trở về hướng cũ. Vùng đá ngầm càng lúc càng xa. Lườn ghe chưa nứt nên nước chưa vô được trong khoang hầm. Tôi bình tâm lại nhìn xuống nước. Nước biển đã xanh thẩm. Chỗ nầy biển sâu lắm rồi, không sợ mắc cạn nữa đâu. Tạm thời yên tâm về mặt an toàn nhưng ghe lại trở về chốn cũ. Trời! trở về chỗ hồi sáng nơi Chiêu và Hiếu bị đánh hay là về cái đảo Dừa có bọn lính hung hãn? Chiếc BL 1648 hiện đang ở cảnh tiến thoái lưỡng nan, đi tới thì e lạc đường, đảo Bidong ở đâu không thấy, về thì không có chỗ dung thân. Làm sao bây giờ. Tình cảnh của chúng tôi bây giờ lâm vào ngõ bí. Đi thì cũng dở, ở không xong.

Chèo ghe xuống biển bắt cua
Bắt cua cua kẹp, bắt rùa rùa bơi

Trời càng lúc càng tối. Lác đác trên bầu trời đã có sao mọc. Cuối cùng thì ghe cũng phải trở về hòn đảo Dừa ban trưa, đậu cặp cầu tàu. Bên trong đảo thấv có nhà, đèn điện sáng, ý định của tài công là đậu tạm để ngủ qua đêm, ngày mai sẽ khởi hành đi Singapore sớm. Mã Lai xấu quá, không thể chơi được nữa rồi. Ghe tắt máy. Sóng đánh rập rình, nó lắc lư mạnh hơn khi còn máy nổ. Tôi nhủ thầm “thôi kệ, được đậu cặp bến nầy dầu sao cũng đỡ, có gì còn bám víu lội đại vô bờ, còn hơn chạy lang thang suốt đêm ngoài khơi” Thừa lúc có người bên cạnh di chuyển, tôi lẹ làng duỗi thẳng cái chưn ra cho đỡ mõi. Nếu có một người đi nữa thì có thể nằm xuống được cho đỡ cái lưng. Tôi tưởng tượng nếu mà đêm nay có chỗ để nằm ngủ thì chắc là sướng như tiên!

Trên cầu tàu, dọc hai bên có những ngọn đèn thật lớn chiếu cái ánh sáng chấp chóa xuống mặt nước đen loang loáng. Chỗ ghe đậu khá xa nên trong khoang ghe tối mù mù. Trong cái im lặng mênh mông của biển cả chợt có tiếng nổ của động cơ một chiếc xuồng máy nhỏ lẫn trong tiếng sóng. Tiếng động cơ càng lúc càng rõ dần. Trong đảo có người đi ca nô ra liên lạc. Trời tối mờ mờ nên không nhìn rõ. Chiếc ca nô nổ máy inh ỏi trong đêm khuya, chạy xẹt thật nhanh vòng qua cầu tàu rồi đậu cặp vô ghe. Trên đó có ba người mặc thường phục nhưng có mang súng. Họ quát tháo um sùm bằng tiếng Anh. Chị Thuần ra liên lạc. Thiệt là chán hết sức. Bây giờ đậu tạm qua đêm mà cũng không cho! Tôi bực mình nên không thèm để ý nữa. Cả ngày mệt mõi, tôi dựa lưng vô thùng nước mà nghỉ ngơi. Ngày mai nầy ghe sẽ đi Tân Gia Ba, lo chi cho nhức đầu. Chỗ tôi ngồi khá xa nơi hai bên đối đáp. Trên ghe mọi người đứng vây quanh để theo dõi. Bỗng dưng nghe tiếng quát tháo thật lớn, rồi tiếng người rớt xuống nước. Có người la lên “Chị Thuần bị tụi nó đánh rớt xuống biển rồi!” Trời ơi! Cái bọn gì rừng rú quá, đánh luôn cả đàn bà con gái. Trên ghe rối rít Cương và Dân quăng phao xuống để vớt chị lên. Cũng may chị biết lội giỏi, cả người ướt như chuột lột, mặt tái xanh. Thái độ mấy người Mã trên đảo hầm hừ dữ tợn. Sau cùng thì mới biết họ cho phép đổ bộ lên đảo theo lịnh của họ. Mãi cho đến bây giờ tôi vẫn thắc mắc là cho phép đổ bộ hay là bắt buộc đổ bộ? Vì tài công đã định là đậu tạm để ngày mai đi sớm, tại sao bây giờ lại xuống đảo Dừa? Có thể là sự hiểu lầm giữa hai bên vì ngôn ngữ bất đồng. Thôi vậy cũng được còn hơn là suốt đêm ngồi trên ghe lắc lư nguy hểm. Tôi đã ngán cái cảnh sóng dập gíó dồi, nếu tiếp tục đêm nay rồi ngày mai nữa... rồi có đi tới Singapore hay Indonésia không? Như cái bong bóng xì hơi, tôi mệt mõi quá rồi, đã mấy ngày đêm ngồi bó gối, phơi mình ngoài nắng gió, không cục cựa nhúc nhích, tiêu tiểu gì cũng khó khăn hôi hám... Lên bờ đã, rồi sẽ tính sau, miễn là còn sống, đừng bị sứt mẻ gì !

Mọi người chuẩn bị đồ đạc để đổ bộ trong cảnh tối đen. Trong lúc nửa mừng nửa lo có tiếng của bọn lính Mã hét vang rân:
-Đàn bà con nít thì đi lên ngả cầu tàu. Còn đàn ông con trai chỉ được mặc quần xà lỏn nhảy xuống biển để lội vô bờ!
Trời! nhảy xuống biển để lội vô bờ! Tôi điếng người không biết phải phản ứng ra sao, từ đây vô bờ còn xa quá, không biết lội có nổi không? Đã có tiếng người nhảy xuống đùng đùng ở mũi ghe, lẫn trong tiếng sóng có tiếng la hét, quát tháo y như cảnh cai ngục đối xử với tội nhơn. Tiến ngồi kế bên nghĩ như thế nào không biết, bỗng nói:
-Chết cha rồi, cả cái đảo dừa dầy đặc, nó bắt anh em mình leo lên hái dừa, hoặc phát cho một người một cái búa lên rừng đốn củi, lao động khổ sai trong rừng sâu. Cái điệu nầy, chịu sao cho nổi. Trốn Việt Cộng lại gặp Mã Lai!
Tiến nói tới đâu tôi run tới đó. Tôi quính lên không còn toan tính gì được nữa. Ở trên ghe, đàn ông con trai đã nhảy xuống biển gần hết. Tôi lật đật cởi hai cái quần tây đang mặc cùng ba cái áo bỏ đại trên sàn ghe. Trong bụng kể như mất hết, tụi Mã Lai ăn cướp điệu nầy thì làm sao mà giấu. Trong số quần áo quăng lại đó có một ít tiền và vàng giấu bên trong, tôi quên phứt không giao lại cho Duyên.

Trên người chỉ còn cái quần cụt mỏng manh, tôi đi lần ra sau lái để kiếm chỗ nhảy xuống. Ở dưới, nhiều người đang lội lỏm bỏm vô bờ. Tiếng nhảy đùng đùng, tiếng lội lỏm bỏm, tiếng sóng rào rào, tạo thành một thứ âm thanh hồi hộp căng thẳng. Thấy có một anh bạn cầm phao đứng chờ, tôi liều gan nhảy đại. Đã quá, đã quá, làn nước mát rượi mơn man da thịt. Ba ngày ba đêm khổ sở trên ghe, nóng bức dơ dáy, nhớp nhúa, mình mẩy đầy mồ hôi, mùi ói mửa, bây giờ được dầm mình trong nước biển mát lạnh ban đêm, sảng khoái tận cùng trong kẻ tóc chưn lông. Tôi tỉnh táo hẳn ra. Chỗ nầy nước cạn, vừa trầm mình xuống, chưn đã chạm mặt cát mịn, tôi lặn hụp một hồi lâu để cho nước thấm vô tóc, vô da, rửa bớt đi lớp bụi bặm mấy ngày qua. Những lớp bụi, bùn sình, cáu ghét Cà Mau bây giờ được nước biển mặn chát ở đảo Dừa Mã Lai gột sạch. Gột thiệt sạch...

Tôi đi lần vào bờ, có một người lính Mã Lai đen thui tay cầm tiểu liên xỉa ngay vô bụng. Tôi ngoan ngoản đưa hai tay lên trời, bụng rủa thầm “Thôi mà bạn, lấy gì thì cứ lấy, cần gì phải súng ống, ghê quá!” Hắn vuốt hai tay tìm đồng hồ, cà rá, rồi rờ cổ tìm dây chuyền. Không có gì hết, hắn khoát tay ra dấu bảo lên bờ rồi xét người kế tiếp. Trên bờ, trong bóng tối tù mù, một đám người đông đảo nói chuyện xì xào di động như những bóng ma. Lần lần họ ngồi chùm nhum lại với nhau. Trời tối chập choạng không thể phân biệt người nầy với người kia, Đã độ mười giờ khuya, trời trong vắt đầy sao. Đằng kia, cầu tàu mở điện sáng trưng. Bên trong đảo là rừng dừa âm u. Tôi chợt nhớ lại lời nói của Tiến mà ớn xương sống -nó bắt tụi mình leo dừa hái trái cho nó, rồi phát mỗi người một cây búa... dừa ở đây mọc hoang hàng muôn triệu cây, phải leo tới chừng nào mới hái cho hết, thiệt tình tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa! Rừng Mã Lai toàn là rừng già, dây leo chằng chịt, lao động làm sao cho nổi?

Trong các bụi rậm, thấp thoáng có lính Mã Lai mặc quân phục rằn ri thủy quân lục chiến, súng ống hẵn hòi đứng gác. Một người lính gom các tàu dừa khô rớt rải rác đó đây lại thành một đống. Chỉ trong vài phút anh ta đã kéo được mấy chục tàu, nhiều quá. Lá dừa rụng vương vải đầy khắp. Lá khô gặp lửa bốc cháy phừng phừng. Ánh sáng chập chờn chiếu mờ mờ một góc đảo. Tụi tôi nhìn ra đựơc mặt nhau. Tô Tỷ, Út Trung, Sơn, Tư Trần Hưng Đạo... mừng rỡ ríu rít. Sơn cười ngặt nghẽo:
-Thằng lính Mã nó rờ tìm nhẫn với cà rá. Sức mấy mà tìm cho ra, tôi đeo ở ngón chưn!
Trong khi đó Út Trung mặt chầm dầm:
-Gia tài có cái Seiko Five nó lột trụi lũi...
Cả bọn ở trần trùng trục, quần ngắn ướt mem lạnh run, được gần lửa ấm mừng rỡ vây quanh để sưởi. Năm ba bẹ dừa khô cứng bắt lửa, nổ lách tách, bắn những cái tàn lửa đỏ hồng văng ra xa. Thỉnh thoảng người lính kéo vài tàu mới quăng vô thêm. Ngọn lửa bùng lên cao, tro than bay tứ tung. Những tia lửa vàng của những mảnh than vụn xẹt như pháo bông. Giống y như mỗi hè cùng học sinh đi cắm trại đốt lửa ở bãi sau Vũng Tàu, chỉ thiếu cảnh nhảy múa, tiếng hát, tiếng nhạc, tiếng trống bập bùng...

Tôi lo lắng cho mẹ con Bi và mấy đứa em, đưa mắt tìm kiếm chiếc ghe. Bây giờ thì nó được kéo về đậu cặp bên xà lan lớn sát cầu tàu. Vì ở khá xa nên không phân biệt được từng người. Tôi rán nhìn để tìm Duyên bồng con nhỏ. Thấy có một bà bồng con, tưởng là nàng. Nhè đâu sau đó có tới ba bốn bà khác cũng bồng con, không biết được bà nào là vợ mình! Tư Trần Hưng Đạo đứng cạnh bên cũng đang ngóng cổ mà nhìn. Phải cả giờ sau toán đàn bà con nít mới đi tới gặp được toán đàn ông. Duyên gặp được tôi, mừng rỡ nói huyên thiên. Tôi bồng lấy Bi, thằng nhỏ ngơ ngác ngó vô lửa sáng coi bộ thích chí. Hai con mắt láo liêng như mắt thỏ. Duyên đưa cho tôi hai cái áo và cái túi vật dụng tùy thân. Cứ tưởng đã mất hết, nào ngờ nàng còn giữ được...

Quang cảnh bờ biển lúc nầy như đêm đốt lửa trại. Ở giữa là đống lửa thiệt lớn cháy bập bùng, ngọn lửa hồng ấm áp. Xung quanh là đàn ông, đàn bà, con nít, ríu rít, quây quần, líu lo, mừng rỡ, đông nghẹt cả một vùng. Người ta kể lể, hỏi thăm, chạy kiếm nhau. Tôi gặp được lần lần các em và người thân đông đủ, không thiếu một ai, mừng quá. Cả ghe đổ bộ, tất cả đều an toàn. Tôi nhìn ra biển khơi, trời tối mịt. Trên bầu trời thăm thẳm, những vì sao dầy đặc trên cao lấp lánh. Chắc trên đó có Phật Bà Quan Âm nhìn xuống chúng tôi mỉm cười. Nụ cười thương yêu. Tự nhiên tôi cảm thấy có cái gì linh thiêng mầu nhiệm gắn bó giữa con người với con người, con người với thần thánh Trời Phật, với vũ trụ vô cùng. Cầu trời cho tất cả đồng bào tỵ nạn lênh đênh nơi chưn trời góc biển, tất cả đều gặp may mắn như mọi người trên ghe chúng tôi, đêm nay!

Bọn lính Mã Lai tách toán đàn bà con nít và toán đàn ông ra riêng. Toàn đàn ông được dồn vào cuối bãi cát, tận cùng có vách đá chắn ngang. Toán còn lại ở tại chỗ bị kiểm soát để kiếm vàng bạc châu báu. Chiếc ghe được cột chắc vô cầu tàu, một dây nữa cột vô gốc dừa mọc nghiêng trên mặt cát. Sóng đánh nó ngã qua ngã lại, đụng cái vỏ cứng vô xà lan sắt nghe rầm rầm. Bây giờ nó có bị nứt ra từng mảng đi nữa, tôi cũng không sợ. Tôi lắng nghe dòng máu trong người, mấy ngày nay hầu như nghẹt cứng bây giờ được lưu thông điều hòa. Tôi đi tới đi lui cho giãn gân giãn cốt. Trong người thiệt tỉnh táo khỏe khoắn. Một đống lửa mới to hơn đống lửa cũ được đốt lên. Vách đá chập chùng, ánh lửa chiếu sáng lắt lay, một đám người trần trụi bu quanh như trong hang động thời tiền sử. Nơi nào có lửa là có sự sống, có hy vọng tin yêu. Tôi chọn một chỗ gần sát lửa ấm, đặt thẳng cái lưng xuống làn cát phẳng phiu, nằm gối đầu trên một bẹ dừa nhỏ, nhìn những tia lửa đỏ hồng nhảy múa chập chờn. Những người khác, tất cả cùng nằm ngang nằm dọc xoay quanh đống lửa để ngủ đêm nay. Bên trên là bầu trời đầy sao sáng. Ngoài kia là sóng biển vổ vào ghềnh đá ầm ầm. Tôi ngủ mê man như chết đến nỗi không còn thấy được... chiêm bao!
Võ Kỳ Điền
Trích Pulau Bidong Miền Đất Lạ. Chương 8

Wednesday, February 4, 2009

TÌM MỘT BẾN ĐẬU




Đêm đâu chừng đã khuya lắm, tôi đương trong giấc ngủ mê bỗng giựt mình thức giấc vì xung quanh mọi người chộn rộn xôn xao. Tiếng máy ghe vẫn nổ êm êm đều đặn. Tôi mở choàng mắt ra nhìn quanh mừng rỡ. Giữa biển đen mênh mông mịt mùng, một vùng ánh sáng chói lòa hiện lên giống hịch như mặt trời mọc trên mặt nước. Tôi dụi mắt nhìn kỹ. Trời ơi! Một chiếc tàu sắt lớn như một hòn đảo đầy ánh sáng vàng hực rực rỡ, sừng sững nguy nga, tuy còn ở xa lắm nhưng trong đêm đen nên thấy rõ mồn một, y như cảnh non bồng nước nhược trong các truyện thần tiên thường đọc hồi nhỏ. Còn nỗi vui mừng nào hơn trong lúc lênh đênh giữa biển khơi bao la chập chùng, thấy được chiếc tàu cứu vớt, tôi vụt tỉnh ngủ hẵn. Tiếng Tư Trần Hưng Đạo reo vang:
-Khỏe rồi, được tàu lớn vớt! Hên quá, mới đi có hai ngày!
Anh nói như là đã được tới nơi. Tôi nghe cũng mừng lây. Chỉ còn chờ ghe cặp vào hông tàu lớn rồi cả đám leo lên. Vậy là chuyến đi nầy may mắn, cầu trời cho mọi việc êm xuôi!
Anh Tư tiếp tục la lớn, giọng bài hãi:
-Quách Linh Hoạt đâu rồi, làm dấu cho nó biết đi! Quách Linh Hoạt ơi, Quách Linh Hoạt!

Trong đêm hôm khuya khoắt, tiếng ‘Hoạt’ được kêu lớn kéo dài lê thê, vang tận đằng xa. Tôi rán lắng nghe. Hoạt hay Quạt? Thiệt tình không phân biệt được. Thây kệ nó, cần gì đúng hay không đúng, miễn anh chàng nghe được thì thôi. Chiếc ghe đổi hướng tiến thẳng đến tàu lớn. Tiếng máy nổ dòn dã như náo nức vui mừng. Hàng trăm cặp mắt ngóng nhìn về phía ánh sáng rực rỡ với nhịp tim đập hăm hở, với cõi lòng hy vọng chứa chan. Từ từ khoảng cách được rút ngắn lại. Chiếc tàu được thấy rõ hơn, nó lớn quá sơn trắng toát. Đèn đuốc bên trên sáng giăng giăng, chấp chóa. Mọi người mừng rỡ xôn xao. Anh bạn nguyên là sĩ quan hải quân từ trong khoang ghe chui lên, đứng bên be cầm đèn chớp tắt làm hiệu. Ánh sáng đỏ bầm nhấp nháy, nhấp nháy. Y như trong phim gián điệp, hấp dẫn dễ sợ. Đúng là Quách Linh Hoạt của Tư Trần Hưng Đạo! Thiệt ra đó là tên giả trên giấy tờ, anh tên Nguyễn Văn Pháp, người miền Trung, ốm dong dỏng cao, da rám đen rắn chắc, tánh tình hòa nhã rất dễ thương. Lúc còn ở Bạc Liêu, nhiều đêm tụi tôi kéo qua nhà trọ của anh để nghe kể chuyện đời sống của người lính hải quân trên biển cả. Một cuộc sống đầy sóng gió, vừa hào hùng, vừa lãng mạn nên thơ. Trí tưởng tượng của tôi bay theo từng cánh hải âu, lòng tôi hồi hộp theo từng đợt sóng cuồng nộ, tim đập liên hồi theo từng trận gió ghê rợn hãi hùng...

Đèn hiệu đánh đi, thấy có ánh đèn đáp lại. Cũng nhấp nháy, nhấp nháy... Khỏe rồi, có tàu lớn rước, khỏi lo gì nữa. Tôi nhấp nhỏm, ngồi xuống đứng lên. lòng đầy hy vọng mừng rỡ. Chiếc tàu càng lúc lại càng gần. Nó lớn như cái dinh Độc Lập, đèn đuốc sáng trưng chắc là chứa được nhiều người lắm. Chiếc ghe chúng tôi nhỏ chỉ chừng trên ba trăm người, đâu có bao nhiêu. Hai chiếc chạy hướng về nhau, nên khoảng cách rút lại rất nhanh. Khi đến gần, tàu sắt ngừng lại trước. Ai nấy hồi hộp theo dõi, chờ đợi giây phút để leo lên. Tôi quay qua bên Duyên, giành lấy Bi bồng gọn trên tay, Duyên ốm yếu e không đủ sức bồng thằng nhỏ để leo qua tàu lớn. Mà đâu phải chỉ có mình tôi chuẩn bị, xung quanh mọi người dọn dẹp rào rào, tiếng quần áo lột xột, tiếng dặn dò xầm xì. Một sức sống đang vươn lên chuyển động...

Nhưng cái sức sống đó chỉ có một bên mà thôi. Nó không được đáp ứng, phía chiếc tàu lớn bên kia, bỗng nhiên đèn đuốc đương sáng rực rỡ, tất cả rủ nhau tắt ngấm, chỉ còn lèo tèo vài ngọn. Rồi từ từ, thấy nó quay mũi, đổi hướng bỏ đi. Lặng lẽ không để lại dấu hiệu gì. Quách Linh Hoạt quơ cây đèn pile lên cao, thiệt cao, làm dấu hiệu chớp tắt liên hồi. Mọi cố gắng đều vô ích. Chỉ trong vòng vài phút, cái vùng ánh sánh thần tiên đầy hứa hẹn đã mất biệt trong bầu trời tối đen mịt mùng. Anh ta cầm cây đèn trơ trọi trên tay đứng nhìn theo ngơ ngác. Mọi người thất vọng ngẩn ngơ. Tôi chưng hửng, đứng tần ngần hồi lâu, rồi nghe trên tay nằng nặng. Té ra tôi đã bồng thằng Bi chờ đợi nãy giờ... Buồn bã, tôi đặt Bi xuống sàn thuyền để cho Duyên trông nom, rồi đứng ngó quanh. Hàng trăm câu hỏi vây quanh. Sao kỳ cục vậy? Tại sao nó lại bỏ đi. Tại sao?

Đem em mà bỏ xuống gành
Kéo neo mà chạy, sao đành anh ơi!

Trong ghe sau một hồi ồn ào náo nức, bỗng nhiên im lặng vắng tanh. Thời gian, không gian như lắng đọng. Mọi người tuyệt vọng, thẫn thờ...
Chiếc BL 1648 đâm ngỡ ngàng loay hoay quay mũi về hướng cũ, im lìm, giữ nguyên tốc độ lặng lẽ lướt trong màn đêm. Bây giờ tai tôi chỉ còn nghe tiếng sóng rì rào, tiếng máy êm êm cùng tiếng thở dài tuyệt vọng. Đêm đen dầy đặc như bưng lấy mắt. Tư Trần Hưng Đạo cằn nhằn:
-Tôi đã dặn kỹ rồi mà không ai thèm nghe. Khi nào thấy tàu tới, ghe mình phải làm như hư máy để trôi bập bềnh theo sóng. Chớ như hồi nảy chạy ào ào như chạy đua, ai mà thèm vớt. Thiệt là xui, phải chi nó chịu vớt thì bây giờ khỏe quá. Tôi con cái đùm đùm đề đề, cứ lênh đênh như vầy hoài, không biết ra làm sao!
-Tôi cũng lo quá, thằng Bi còn nhỏ xíu, cầu trời gặp chiếc khác tử tế hơn. Bây giờ chỉ còn cách đi tới mà thôi.
Ở be ghe còn có năm ba người đứng lại nhấp nhổm trông ngóng. Tôi ngồi im lặng mắt chăm chú nhìn quanh để tìm chiếc khác. Hy vọng không còn nhưng không phải là tuyệt vọng. Trên biển đâu phải chỉ có duy nhứt chiếc vừa rồi. Thế nào cũng phải có một chiếc tàu khác, nhơn đạo hơn. Những chiếc bóng đen xao động, nhìn kỹ tôi đoán được Xám Mã Chải nhỏ xíu, Út Trung lùn lùn, Dân gì đó cao lênh khênh, cả ba đương chỉ chỏ bàn tán. Bỗng dưng một trong ba, la lớn: -Phía trái thiệt xa, có ánh đèn!

Tư Trần Hưng Đạo và tôi bật đứng dậy, nhìn theo với một chút hy vọng xa xôi. Ở tận chân trơi xa thăm thẳm có một ánh đèn nhỏ, lớn hơn ngôi sao một chút, đang di động chầm chậm. Mọi người chăm chú theo dõi. Cách đó một khoảng, thấy một ánh đèn khác nữa. Tư Trần Hưng Đạo mừng quá, la lên:
-Có tàu, có tàu, chạy tới chỗ đó mau lên. Coi chừng lạc mất, uổng lắm!
Nghe anh la mà tôi quính trong bụng. Khoảng cách xa quá, ánh đèn thấp thoáng nhỏ như đom đóm, với vận tốc như rùa bò, biết chừng nào mới gặp được nhau. Nhưng chiếc tàu nầy chắc nhỏ, đèn đuốc gì mà lu câm, không như chiếc vừa rồi, thôi kệ, miễn nó chịu vớt thì cũng được. Tôi vừa nghĩ tới đó thì thấy hai ánh đèn kia làm hiệu cho nhau. Cũng y như cách của Quách Linh Hoạt vừa rồi. Những tín hiệu phát ra nhấp nháy, đỏ bầm. Tiếng thằng Dần thủ thủ hốt hoảng:
-Chết cha rồi, ghe cướp Thái Lan, chạy cho mau...
Nó vừa nói tới đó, cả đám sững sờ, im lặng nghẹt thở, chỉ còn biết giương mắt nhìn. Tài công Hốt phản ứng thiệt lẹ. Anh tắt ngọn đèn pha duy nhứt của ghe. Tất cả chìm trong bóng đen tối sẫm. Tiếng máy cũng êm luôn. Ghe thả trôi theo sóng. Vì không có sức của máy, ghe bị sóng đánh trồi hụp lắc lư, cũng may biển đêm nay không động. Tôi ngồi im cầu Trời khấn Phật cho tai qua nạn khỏi. Vừa mới nghe bốn tiếng ‘ghe cướp Thái Lan’ tôi hãi hùng. Cảm giác ghê sợ rụng rời. Biết bao nhiêu ghe đã bị nạn thảm thương... Tôi mong có cơn sóng lớn, đẩy chiếc ghe đi cho khỏi vùng nầy cho thiệt xa, thiệt xa...
Chừng độ nửa giờ sau, không còn thấy ánh đèn nhỏ nữa, ghe mới nổ máy lại, tiếp tục cuộc hành trình. Tôi thở phào nhẹ nhõm.

Trời bắt đầu mưa lất phất. Nhìn qua ánh đèn pha nhợt nhạt tôi thấy những sợi mưa nhỏ xíu giăng giăng, bay đều đặn xiên xiên như bụi mỏng. Chỉ là cơn mưa rớt phất phơ đâu đó tạt ngang, Nghe man mát trên đầu, trên cố. Nước mưa chỉ làm ướt tóc sương sương. Vậy mà Duyên cũng lo lắng sợ Bi bịnh, lấy cái áo mưa trùm chung cho cả ba. Cũng cái áo mưa nầy, mới ngày nào chỉ dành để che chung cho hai đứa mới quen nhau. Ôi, chỉ mới có vài ngày xa Việt Nam mà tôi cảm thấy nhớ nhung những cơn mưa giông ướt át êm đềm ở quê nhà. Những hột mưa lớn như hột đậu mát lạnh từ bầu trời cao xám đen rớt xiên làm rát mặt. Những giọt mưa rớt thẳng xuống những vũng nước đọng nổi đầy bong bóng phập phồng. Mưa rào rào trên mái ngói, mưa giăng màn bên cửa sổ, mưa lộp bộp trên tàu chuối, mưa tí tách bên thềm. Cả bầu trời như chìm trong khối nước mênh mông. Trên lề đường nước chảy ào ào như thác. Dưới những cơn mưa lành lạnh, vào những buổi sáng hai đứa thường rụt rè hàng hiên đụt mưa, những buổi chiều e ấp quán cóc hò hẹn,, những bàn tay ngập ngừng chờ đợi để sưởi ấm nhau.

Trời mưa ướt bụi, ướt bờ
Ướt khăn, ướt áo, ai ngờ ướt em

Những giọt nước mưa lành lạnh lất phất trên đầu, trên mặt cùng những cơn mưa kỷ niệm giăng giăng trong lòng khiến tôi không ngủ lại được, bèn ngó quanh ngó quất. Chiếc ghe bây giờ là một khối đen đủi xam xám lặng lờ. Chiếc đèn pha nhỏ xíu lờ mờ, cố rán soi cái ánh sáng đom đóm trên mặt biển tối om. Trong phóng lái, một ngọn đèn vàng vọt làm hiện lên cái bóng tù mù của tài công Hốt ngồi bất động im lìm. Không biết anh ta còn thức hay đã ngủ? Đã mấy ngày đêm điều khiển con tàu vượt bao sóng gió, liệu anh còn đủ sức hay không? Rồi còn phải tiếp tục như vậy bao nhiêu ngày nữa? Anh dáng phong sương đen đủi, tuổi chừng độ hai mươi lăm, hai mươi sáu, mới cưới vợ. Người vợ còn trẻ lắm, nước da đen đen ngâm, mặt hơi rỗ mà có duyên, đi đứng tay chưn dịu nhiễu.

Gíó đưa đỏng đảnh lá me
Mặt rỗ hoa mè anh thấy anh thương

Người nàng nhỏ xíu nhưng cái bụng hơi khá lớn. Cái điệu nầy chắc chị sẽ sanh ở một trại tạm cư nào đó. Mã Lai? Thái Lan? Tân Gia Ba? ... chớ làm sao tới đệ tam quốc gia cho kịp. Chừng bốn năm tháng nữa Hốt sẽ được làm cha. Thằng bé sẽ được trưởng thành ở một nơi xa xôi, chắc chắn không phải là quê hương của cha mẹ nó. Cũng như thằng Bi, con tôi. Chúng sẽ được ăn sung, mặc sướng, quần áo đẹp đẽ, học hành tới nơi tới chốn. Tôi hy vọng ít ra cũng được như vậy vì những người xa quê hương họ được rất nhiều thứ và cũng mất rất nhiều thứ. Tôi đoán thấy mờ mờ cái viễn ảnh tương lai khi quyết định bỏ nước mà đi. Tất nhiên mọi sự lựa chọn đều kèm theo cái giá phải trả với ít nhiều đau xót...

Rồi trong phòng lái, tôi thấy Hốt đứng dậy đưa chiếc ống dòm nhìn về phía trước. Hình như vậy, tôi thấy không rõ lắm. Cái gì cũng chập choạng mờ mờ. Tàu lớn hay ghe cướp Thái Lan nữa đây? Tôi rán nhìn về phía trước, không phân biệt được gì hết, chỉ là một khối đen mịt mùng. Trời cũng đen mà nước cũng đen. Mưa đã dứt hẳn nhưng trong gió còn đầy hơi nước ẩm thấp lành lạnh. Chắc cũng gần ba giờ sáng. Sắp bắt đầu một ngày lênh đênh nữa. Bên tai, văng vẳng tiếng Hốt từ trên cao:
-Đã thấy bờ biển Mã Lai, khoảng năm giờ sáng là tới.
Trời ơi, thiệt hôn. Tôi mừng tim đập thình thịch trong lồng ngực. Bất giác đưa tay qua nắm tay Duyên:
-Tới rồi, tới rồi, tụi mình đổ bộ lên bờ Mã Lai!
Nỗi sung sướng làm tôi muốn nghẹt thở. Niềm vui ào ạt như cơn sóng lớn, tôi muốn hét to lên để mọi người cùng chia xẻ. Cả ghe mừng rỡ. Tôi nghe loáng thoáng tiếng ‘Mã Lai’ ở chỗ nầy, rồi ở chỗ kia. Tư Trần Hưng Đạo cũng nôn nao không kém, ngồi chồm về phía trước, chăm chú nhìn, đốt thuốc hút, đốm lửa sáng lập lòe.
-Thấy gì chưa anh Tư?
Hình như dưới chưn trời có một vùng sang sáng!
Tôi nhìn theo bán tín bán nghi:
-Hay là mặt trời sắp mọc! Cũng gần sáng rồi.
-Ông thầy giáo ơi, mặt trời mà mọc hướng nầy hả! Có một lằn sáng mờ mờ ngang mặt nước, Hốt ở trên cao chắc nhìn rõ hơn.
Tôi nghĩ lại thấy mình nói trật lất. Mặt trời nào mà mọc ở hướng tây. Vậy đúng là bở Mã Lai, lòng lâng lâng rạt rào. .

Ở mí chưn trời trước mặt khu vực sáng càng lúc càng rõ hơn. Ban đầu chỉ là một vạch sáng nằm ngang trên mặt nước rồi từ từ nó biến thành thành một khối sáng trắng lờ mờ. Ghe tiến lại gần hơn, gần hơn nữa. Bây giờ khối sáng trắng hiện rõ lớn dần, lớn dần. Đó là những ánh đèn của một hải cảng đầy tàu bè, tạo nên một vùng ánh sáng chói lòa. Hàng chục chiếc tàu sắt lớn nhỏ đang neo với những giàn đèn đủ màu vàng ánh, đỏ bầm, xanh lục, tím hồng... Những màu sắc ánh sáng lung linh trên sóng nước nhấp nhô, nhảy múa chập chờn theo hàng trăm nhịp tim hân hoan phấn khởi. Sau bao ngày chờ đợi, mong mỏi, bao lo lắng sợ hãi, nỗi sung sướng nào có thể so sánh được. Một cảm giác khoan khoái lâng lâng -sắp đến đất tự do rồi, xôn xao, hăm hở.

Ghe càng lúc càng gần bờ hơn. Trời sáng rõ từ từ. Bóng tối tan dần nhường chỗ cho bóng tối ban mai. Cái hải cảng đèn đuốc chói lòa hồi nảy bây giờ tự nhiên mất tiêu đâu hết. Như một giấc chiêm bao. Từ ở nơi xa thẳm bây giờ không còn là một vạch cong phân chia giữa trời và nước mà là một rặng núi hình răng cưa xam xám mấp mô. Gần hơn chút nữa, dãy núi biến thành màu xanh đậm in hình trên bầu trời xanh biêng biếc. Giữa cảnh trời xanh, núi xám, nước xanh, sóng bạc nhấp nhô viền theo chân sóng là một bãi cát chạy dài trắng xóa mịn màng phẳng phiu. Tôi chồm ra be ghe, rán mà nhìn vùng đất mới. Nơi đây tôi sẽ đặt những bước chưn đầu tiên của những ngày lưu lạc. Tôi sẽ tạm ngụ một thời gian, một ngày, một tuần... hay bao nhiêu nữa, rồi sau đó sẽ đến một nơi khác. Nơi nào không biết được. Rán mà nhìn vì biết rằng vùng đất nầy mình ở không lâu. Biết đâu trong đời qua đây chỉ một lần nầy. Bên trong đất liền cả một vùng mọc đầy dừa xanh rì cao vút. Chỗ nào cũng toàn dừa là dừa. Dừa mọc san sát ngút ngàn. Dưới những rặng dừa có những căn nhà thấp chủm lẻ loi, mái ngói đỏ tươi. Có những chiếc xe hơi nhỏ xíu bằng cái hộp quẹt mở đèn sáng lập lòe, chạy dọc theo bờ cát trắng, bụi tung mù phía sau.

Tài công cho ghe chạy sát vào bờ, bãi cát trắng xóa, dừa mọc thành rừng. Càng gần bờ sóng càng to, ghe lắc lư dữ dội nhưng hình như không ai sợ hãi. Gần tới bờ rồi mà! Rủi mà ghe có chìm, rán lội vô cũng được! Mã Lai là đây. Phong cảnh có cái gì khang khác Việt Nam mình. Biển thì cũng sóng vỗ chập chùng, núi thì cũng cao xa thăm thẳm ngoằn ngoèo, bãi cát thì cũng trắng xóa quạnh hiu... Ừ, đúng rồi, cây dừa Mã Lai cao quá, cao gấp đôi cây dừa Việt Nam. Nó cao vút, thẳng đuột, ốm nhom. Nhà nhà được cất dưới những tàn dừa im mát, loại nhà sàn cao cẳng, mái ngói đỏ tươi. Cả xứ Mã Lai, tất cả mọi vật dụng từ nhà cửa, xe cộ, ghe thuyền, đến quần áo đều được sơn phết, thêu thùa bằng những màu sắc vui tươi, sáng sủa.

Mặt trời đã lên cao. Những tia nắng ban mai rực rỡ sáng sủa trong lành. Buổi sáng nước biển dâng cao, sóng lớn vỗ mạnh vào bờ, nối tiếp nhau từng đợt, từng đợt trắng xóa. Chiếc BL 1648 vẫn nhấp nhô rẽ sóng, không biết tại sao không đâm thẳng vô bãi mà lại chạy phăng phăng dọc theo bờ. Những trái núi cao cao ở xa rồi lại ở gần. Ban đầu là một khối mờ mờ xanh ở chưn trời rồi tử từ khoảng cách được thâu ngắn lại. Trên sườn non những thân cây cổ thụ đen đen như hàng cột len trong những đám là um tùm. Những tảng đá chơ vơ mọc chồi ngang vách núi. Có cục màu xanh, có cục màu xám chì, có cục màu đỏ gạch cua, màu vàng... Những tảng đá đồ sộ như những bức trường thành. Rồi lại vượt qua thấy trái núi khác, rồi lại gần, rồi vượt qua, chạy mãi, chạy mãi, khi gần khi xa...

Út Trung lại đứng gần bên tôi:
-Ủa, tài công Hốt không cho đổ bộ cho rồi, còn chạy đi đâu nữa. Hồi sáng tới giờ loay hoay ở đây cũng mấy tiếng đồng hồ. Nắng nóng dữ rồi đa!
-Chắc ‘giả’ còn muốn tìm chỗ tốt. Mấy nơi nầy bờ biển lởm chởm đầy đá ngầm làm sao mà ủi bến được. Cái chỗ vừa mới tới hồi nãy có bãi cát trắng phau phau, có rừng dừa dầy đặc... Cầm lái một cái ghe đông người như ghe nầy cũng khó khăn lắm, sơ sẩy chút xíu là không được. Phải chọn lựa cho kỹ, phải không anh Tư, có bến đục... có bến trong!
Tư Trần Hưng Đạo nghe tôi nói thích chí, xen vô:
-Phải đó đa, thì cũng như Hốt nó đem tụi mình đi gả cho Mã Lai ra sức tìm chỗ môn đăng hộ đối. Tui với mấy bồ bây giờ tình cảnh đúng y như câu ‘tại gia tùng phụ, xuất giá tùng phu, phu tử tùng tử’.
Tôi ngạc nhiên:
-Anh Tư nói cái gì có ‘tam tùng tứ đức’ đó, tôi không hiểu?
-Thiệt không hiểu không đó. Ở Sài Gòn ai cũng biết hết. Vậy mà bồ nói không hiết hả?
-Ừa, ừa, thiệt mà, thôi chịu khó giải nghĩa cho nghe đi.
Tư Trần Hưng Đạo cười cười:
-Câu nầy áp dụng cho cả nam lẫn nữ. Hời đó tới giờ, người ta chỉ áp dụng cho đàn bà con gái mà thôi. Còn đàn ông con trai thì bị bỏ qua, không nói đến. Bây giờ nghe tôi giải nghĩa nghen.‘Tại gia tùng phụ’ là khi tụi mình còn ở nhà là phải nghe lời phụ nữ. Phụ nữ trong nhà là vợ mình, chớ hổng lẽ .. bà hàng xóm!
Út Trung buột miệng la lên:
-Trời! Anh Tư giải nghĩa như vậy chết người ta! Phụ là phụ nữ hả?
Tôi xen vô:
-Khoan, khoan Trung, để nghe ảnh giải nghĩa tiếp.
-Còn ‘xuất giá tùng phu’ là khi ra ngoài đường thì mình phải theo anh phu xe. Ảnh đưa đi đâu thì phải đi đó. Xe lôi, xe kéo, xe xích lô gì cũng phải vậy hết. Mà hễ anh phu xe lạng quạng bị đụng chết thì mình cũng chết theo luôn, chớ làm sao mà còn sống được. Mấy bạn thấy có đúng không? Không tùng phu thì tùng ai. Cái đó gọi là ‘phu tử tùng tử’. Tử là chết. Còn phu là phu xe rõ ràng. Chữ nho phải giải nghĩa như vậy, mới đúng... điệu nghệ.

Út Trung ôm bụng cười ào ào, tôi ôm bụng cười ngả nghiêng. Thằng cha nầy, bình luận chuyện đời có lý hết sức. Tôi phải theo học với ‘giả’ vài khóa mới được. Nắng đã bắt đầu tỏa hơi nóng xuống ghe nhưng tụi tôi bất chấp. Không còn ai lo che đầu che mặt. Mọi người còn mãi nhìn đăm đăm lên bờ để tìm một bến đậu. Tôi ngồi nhìn phong cảnh núi non hùng vĩ chạy dài trước mặt nhớ lại những bài học địa lý hồi nhỏ. Mã Lai là một bán đảo nằm dài theo hướng Bắc Nam. Hình thể y như củ khoai lang mập phình ra ở giữa mà hẹp ở hai đầu. Cả xứ là núi non, rừng rậm, ít đồng bằng. Hầm mỏ nổi tiếng nhứt thế giới là thiếc. Những đồn điền cao su ngút ngàn. Cái dãy núi chạy dọc theo bờ biển nầy chắc cũng y như dãy Trường Sơn bên mình. Trên đỉnh thỉnh thoảng thấy có vài đám khói trắng xám bốc thẳng vươn lên cao. Chắc là những buôn làng của đồng bào thượng Mã Lai đốt rẫy hay là những lò gạch, lò than? Rừng rậm miền nhiệt đới nầy nổi tiếng nhiều thú dữ, trong đám cây lá âm u, lúc nhúc đầy cọp beo với rắn độc. Như vậy là ghe mình đang tấp vào bờ phía đông nhưng không biết là ở miệt nào, trên hay dưới? Nhưng mà có chắc là Mã Lai không? Hay mới chỉ tới Thái Lan thôi? Tôi phân vân, nghĩ tới nghĩ lui. Chưa có điểm nào để phân biệt hai xứ. Cầu trời cho nó là Mã Lai chớ đừng là Thái Lan. Thái Lan đối xử rất khắc khe với người tỵ nạn. Trong một bức thư của Đức đi hồi năm ngoái gởi về nhà, có đoạn: ‘...em tới nhà chị Lan trước, thấy hung dữ khắc nghiệt quá bèn dọn qua nhà chị Lai, chị nầy cũng khó khăn nhưng còn tử tế hơn, tạm sống được...’ Vậy cái xứ mà tôi đang nhìn lom lom đây là chị Lan hay chị Lai, tôi sẽ gặp chị nào?

Chạy một hồi khá lâu khiến ai nấy đều sốt ruột, phân vân. Bi đã thức hồi nào, đôi mắt mở to thao láo, đưa cánh tay mập mập chỉ lên bờ miệng bi bô. Thằng nhỏ còn muốn lên bờ nói chi người lớn. Cuối cùng rồi chiếc ghe cũng từ từ chậm lại, nhưng không ngừng hẳn. Trên bờ, một trái núi đá cao nhưng đã bị đục khuyết vào gần hơn phân nửa, đưa cái lưng trần trụi ra biển khơi, phần còn lại cây cối mọc xanh rì y như cái đầu bị cạo láng trơn, một bên còn tóc đen thui, một bên trắng hếu. Bờ biển lõm vào hình vòng cung. Đây là một hải cảng trung bình, hình như là một công trường khai thác núi đá. Trên bờ có nhiều máy kéo, xe cần trục hoạt động nhộn nhịp, khói xăng dầu phun cuồn cuộn. Bầu trời đầy những cột khói xám bay là đà. Những chiếc xe lớn nhỏ, chạy qua chạy lại không ngớt. Dưới bến có nhiều chiếc tàu to đậu rải rác xen lẫn vào đó nhiều thuyển nhỏ hông bè ra sơn màu sặc sỡ, nhiều chiếc du thuyền cắm cờ hình ngôi sao nhiều cánh với trăng lưỡi liềm vàng nằm bên trên, góc phía còn lại là những vạch thẳng song song màu đỏ, bay phần phật trong gió. Tôi yên chí, mửng rỡ khều Duyên, chỉ lá cờ, nói cho nàng nghe:
-Ghe mình tới đúng Mã Lai rồi, em thấy mấy lá cờ trên tàu không? Trăng lưỡi liềm là biểu hiệu của Hồi giáo. Mã Lai đa số theo đạo Hồi, còn Thái Lan theo đạo Phật. Cờ Thái Lan là năm vạch màu trắng, đỏ xen lẫn nhau...
Cạnh những chiếc tàu lớn là những chiếc xà lan to chở đầy cát, đá, được neo chắc, bập bềnh theo nhịp sóng. Xế bên công trường có nhiều nhà đẹp kiểu Tây phương với vườn cây cảnh, những biệt thự nghỉ mát đồ sộ, bãi cát trắng phau phau, rải rác đây đó có người tắm. Phong cảnh gần giống với bãi Ô Quắn ở Vũng Tàu nhưng ít rộn rịp hơn. Tuyệt nhiên không thấy ghe đánh cá với ngư phủ.

Phải rồi, đây là cái thành phố hồi hôm rực rỡ ánh đèn xanh đỏ tím vàng, lập lòe giữa biển mà tôi đã thấy, lúc còn ở thiệt xa ngoài khơi. Những ngọn đèn của tàu sắt, của ghe thuyền, nhà cửa, đường phố... tất cả được thắp sáng chói lòa trong cái tối đen mịt mùng của biển cả. Cái nơi mà hồi tối mọi người trên ghe ngắm nhìn thèm thuồng hy vọng. Ôi những con người lưu lạc đáng thương, họ tin tưởng bất cứ nơi nào sẽ đến, dầu chưa biết rõ trời sẽ nắng hay mưa!
Tài công cho ghe vào bến từ từ, gần bờ sóng càng lúc càng to. Chiếc ghe được đưa trồi lên thiệt cao rồi bị giựt xuống thiệt nhanh, nước văng tung toé ướt cả trên boong. Thằng Dân ‘gì đó’miệng cứ lải nhải theo từng đợt sóng -lên ruột -xuống ruột. Nhưng cũng nhờ nó nói mà bụng tôi bớt cồn cào. Cứ mỗi lần ghe bị hụp xuống, gan, ruột, bao tử như bị ghịt mạnh mạnh, tuột theo nhịp rớt xuống của chiếc ghe. Chịu khó, chịu khó, chừng vài phút nữa là ghe sẽ cặp bến, mọi người sẽ được lên bờ. Tôi nhìn đăm đăm cái cầu tàu mà chờ đợi.

Trên bờ nhiều người Mã thấy ghe lạ ngoài khơi tiến vào, họ xúm nhau lại bàn tán chỉ chỏ. Quần áo họ mặc rất đẹp. có lẽ là du khách đi tắm biển hơn là dân chài lưới. Có hàng mấy chục du thuyền sang trọng đang neo trên bến. Bỗng nhiên tôi thấy một người vạm vỡ trong một du thuyền lớn nhứt, từ trong khoang chui ra tay cầm một cây súng dài, miệng la hét vang rân, vừa quơ tay ra dấu đuổi ghe ra, vừa bắn đùng đùng, dáng không muốn cho ghe cặp bến.
Ai nấy đều phân vân. Nếu nó không cho cặp bến thì sao? Tại sao vậy? Nếu không ghé đây thì ghé vào đâu bây giờ. Đã tới nước nầy thì chỉ có nước liều. Tài công lái ghe ra xa, vòng xuống phía dưới chỗ bãi tắm, thiệt xa chỗ cái ông có cây súng dài, rồi tắp vào. Trên bãi cát trắng phau, dân Mã đang tắm giỡn nô đủa trên sóng nước, bỗng nhiên thấy một ghe lạ lù lù xuất hiện, đâm xôn xao. Hốt cho ghe cặp sát một xà lan thật to. Sóng đánh rập rình. Ghe thả neo đứng yên một chỗ . Bây giờ phải làm gì nữa đây? Hủ Tiếu, Nhựt Bổn, tài công và một số người lớn tuổi xúm nhau lại tìm giải pháp. Tư Trần Hưng Đạo hăm hở: -Hay là mình lũi đại vô bờ, tụi nò bất ngờ đâu làm gì mình được nữa.
Hốt chưa kịp trả lời thì chị vợ đã lắc đầu không chịu:
-Nếu vô đại như vậy, nó kiếm tài công mà đánh hay bắt bỏ tù thì anh Hốt làm sao chịu nổi!
Nói xong chị nắm chặt lấy tay chồng, Hốt đứng im hồi lâu mới nói:
-Sóng bữa nay mạnh lắm, nó đánh một hồi nữa là đứt dây neo!
Quách Linh Hoạt im lặng nảy giờ, mới bắt đầu lên tiếng:
-Đậu thì không đậu lâu được, vô thì không vô. Vậy thì chỉ có cách kéo neo lên, tìm một bến khác, chỗ nào tử tế hơn..
Hốt thắc mắc:
-Biết chỗ nào tử tế hơn chỗ nào?
-Thì đi đi nữa, ghé thêm vài chỗ, kiếm mấy làng quê, dân ở quê có lẽ hiền lành dễ thương hơn dân ở thành thị... ít ra họ không có súng như thằng cha vừa rồi!
Nghe Quách Linh Hoạt bàn nên tìm chỗ khác, chị vợ Hốt mặt tươi ra, gật đầu. Hốt vẫn còn phân vân. Hủ Tiếu nghĩ tới, nghĩ lui đề nghị:
-Thôi như vầy, mình neo ghe ở đây, tìm người lội vô bờ liên lạc, năn nỉ họ xin đổ bộ. Mình ở đậu vài ngày để vô trại tạm cư, chớ đâu phải ở luôn. Thế nào họ cũng phải chịu mà, rán năn nỉ tụi nó... Đài BBC nói có cái đảo gì đó, chứa người tỵ nạn!
Mấy người xung quanh đều thấy đó là một giải pháp dung hòa, có thể chấp nhận được, đều đồng ý. Nhựt Bổn góp ý:
-Tốt nhứt là chọn người Tàu mà biết giỏi tiếng Anh. Ở Mã Lai người Tàu nhiều lắm.. Nếu nói tiếng Anh không hiểu nhau thì mình nói tiếng Tàu. Đâu có ai biết tiếng Mã Lai!

Tôi vụt nhớ tới nhà văn Bình Nguyên Lộc và tác phẩm Khảo Cứu Về Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam. Phải chi có ông trên chiếc ghe. Không biết ông có dịp nào để đến xứ nầy chưa? Ở đời có những cái tình cờ mà không ai có thể biết trước được, như chuyện tôi có mặt trên cái ghe nầy, sáng hôm nay. Ngày trước khi đọc tác phẩm trên, tôi có ngờ đâu, sẽ có một ngày mình được đặt chưn tới. Mà hình như chữ Mã Lai mà ông Bình Nguyên Lộc dùng không phải chỉ cái xứ nhiều núi với biển nầy. Đó là một chủng tộc lớn có địa bàn rộng khắp cả vùng Đông Nam Á, Nhựt Bổn, Đại Hàn... Nghĩ lại kiến thức kém cõi, thiệt thòi hết sức, thấy cái gì cũng trơ mắt ra nhìn ngơ ngơ ngác ngác...

Có lẽ biện pháp của Hủ Tiếu đề nghị là hợp lý nhứt nên nguồn tin lan đi rất nhanh trên ghe. Tức khắc có hai thanh niên tình nguyện: Chiêu và Hiếu. Hiếu là em ruột Xám Mã Chải, ốm dong dỏng cao, khá đẹp trai, nghe nói có đi du học ở Đài Loan vài năm, tôi ít gặp. Chiêu thấp người hơn một chút nhưng liền lạc, mạnh dạn, đeo kiếng cận khá dầy. Chiêu là người cùng tỉnh. Nhà nó bán gạo hiệu Càn Phong Chành, cách nhà tôi chừng vài trăm thước. Hai gia đình biết nhau từ lâu lắm. Trong chuyến đi nầy Chiêu và mấy em tôi, khi liên lạc, đóng tiền, hoặc mua giấy tờ, lo lắng chung nhau từ đầu đến cuối nên tình thân đối đãi nhau như ruột thịt. Chiêu là giáo sư dạy tiếng Anh đâu miệt Chợ Lớn, tánh tình đàng hoàng tử tế, việc gì nặng nhọc, khó khăn nguy hiểm cũng không nề hà, lúc nào cũng lăn xả. Tôi hơi lo lo. Hai đứa biết lội có giỏi không, buổi sáng sóng lớn quá, khoảng cách từ ghe vào tới bờ khá xa, rủi có bề gì?...

Hốt và Dân thủy thủ lần theo be ghe mở dây lấy ra hai cái ruột xe đã được bơm cứng để làm phao nổi. Dân nhìn thấy Chiêu đã cởi áo chỉ còn mặc quần ngắn dáng sẳn sàng, bèn quăng ruột xe xuống trước. Chiêu nhảy lẹ theo. Từ trên ghe xuống tới mặt nước đâu cũng chừng ba bốn thước cao, khoảng cách khá xa nên khi Chiêu nhảy xuống, bị chìm sâu lắm. Phải thật lâu Chiêu mới nổi lên được, lúc đó cái ruột xe đã trôi tuốt ra xa. Nó rán hết sức để lội tới. Từ trên cao nhìn xuống, thấy nó quơ tay, khuỳnh chưn y như con nhái. Đã hai ngày không ăn uống đầy đủ, lại ngồi lâu bó gối trên ghe nên hình như Chiêu đuối sức. Nó lặn hụp mãi mà không chụp được cái phao. Sáng nay sóng lớn quá. Từng đợt, từng đợt, bọt tung trắng xóa, quay cuồng tới tấp, xô dạt ào ạt. Hiếu thấy vậy lẹ làng nhảy theo. May mắn hơn, nó chụp được cái phao bèn đẩy tới cho Chiêu. Chiêu ôm được phao lội vô bờ. Mọi người trên ghe hồi hộp theo dõi. Khoảng cách từ ghe vô bờ khá xa, hai đứa nhấp nhô theo sóng như hai trái dừa khô nhỏ xíu. Đây là giây phút quyết định. Được hai không là nhờ hai anh bạn trẻ nầy.

Trên bãi cát loáng nắng vàng tươi, mấy người đang tắm xôn xao, tất cả đều chạy ùa về một phía. Tôi thấy có một người trong đám đông chạy băng băng qua bên kia đường, bẻ một cây hàng rào làm gậy, đứng hờm sẵn. Hiếu tới bờ trước, bước từng bước khó khăn trong làn nước lắp xắp. Khi ra khỏi bờ nước, người dân Mã liền nhào tới đưa cao cây hàng rào, dang tay đập tới tấp vào đầu vào lưng. Hiếu hai tay ôm lấy đầu, tránh né. Chiêu tới sau, thấy tình hình nguy ngập, vội chạy ngược ra biển. Nhưng không kịp nữa rồi, tụi dân Mã ùa tới thiệt đông. Cả hai bị đánh trên đầu trên cổ. Chiêu đưa tay đỡ gạt. Từng nhát gậy đánh xuống hai bạn, tôi nghe như chính mình bị đau. Trời ơi, tại sao họ lại nỡ đánh người vô tội như vậy? Mắt tôi hoa lên, đầu choáng váng.

Những tiếng bịch bịch, hự hự, tiếng gậy vun vút, tiếng rên rỉ van xin, tất cả như quay cuồng đảo lộn. Tuy ở rất xa mà tôi thấy, tôi nghe, tôi đau! Chiêu ơi! Hiếu ơi! Tụi tôi phải làm sao bây giờ. Mọi người trên ghe sợ quá, xúm nhau la hét vang rền. Dân và Cường thủy thủ chạy lục tung đống hành lý, lấy ra mấy cái mùng cũ cùng một cái vỏ xe. Cả hai khệ nệ vác lên mui, bật quẹt đốt. Nhờ có gió lớn, ngọn lửa bắt rất lẹ, khói bay mịt mùng. Tụi tôi càng la to nhưng tiếng gió, tiếng sóng làm tan loãng. Chỉ còn có khói lửa của chiếc mùng bốc lên cao, mùi cao su cháy khét lẹt, cử chỉ cầu cứu trong tyuệt vọng. Không thấy trên bờ có phản ứng gì. Đám đông xúm vây quanh hai đứa. Cây hàng rào to cở bằng bắp tay, với sức của một người lớn đánh, làm sao mà chịu nổi! Tại sao ở đời lại có những người không giận không hờn nhau, lại nỡ đánh đập nhau nặng tay! Từng phút trôi qua, tôi cảm thấy như thời gian dài dằng dặc hàng giờ. Nếu bị đánh như vậy hoài, chắc cả hai phải chết. Chiêu và Hiếu vì cả ghe mà phải hy sinh, vậy mọi người trên ghe phải làm sao để cứu tụi nó? Cả ghe ngẩn ngơ, hồi hộp, theo dõi. Phải giải quyết và phản ứng ra sao? Không ai biết. Người thì nói tất cả ùa xuống hết, không lẽ nó đánh luôn đàn bà con nít. Người đòi bỏ đi kiếm chỗ khác đổ bộ. Có người đòi bỏ nơi nầy để đi Tân Gia Ba, ở đó dân chúng hiền lành tử tế hơn, có người đòi đi Úc...

Càng về trưa sóng càng lúc càng hung hãn. Chiếc ghe nghiêng ngã lắc lư. Nước văng tung tóe lên cao ướt đầu ướt cổ. Từng đợt sóng tràn vào rồi rút ra, chiếc ghe xô dạt theo sóng nước, đập mạnh vào xà lan chở cát, tiếng va chạm ầm ầm. Tiếng khung ghe vặn mình nghe kìn kịt. Tôi có cảm tưởng tất cả ván, sườn, gỗ, đinh ốc sắp rời tung từng miếng. Bỗng nhiên nghe một tiếng vụt mạnh, cả thân ghe như bung ra. Neo đứt. Tôi hoảng hốt rụng rời. Hốt nổ máy ghe lớn hơn, dang ra xa cho đỡ sóng. Bờ biển càng lúc càng nhỏ lại. Đám đông xoay quanh Chiêu, Hiếu bây giờ không còn thấy nữa, tất cả đều biệt tăm. Trên bãi chỉ còn trơ lại những cây dù che nắng xanh xanh, đỏ đỏ, nhỏ xíu. Hàng dừa lưa thưa. Không biết tính sao, tài công từ từ lái ghe rời bến, bỏ lại Chiêu và Hiếu trên bờ đất lạ. Hốt cho ghe chạy dọc theo bãi cát nắng nóng chang chang. Ghe chạy qua rồi chạy lại, mọi cặp mắt đều đổ dồn lên bờ để kiếm hai bạn đồng hành. Nắng giửa trưa nóng hừng hực chói loà. Trên bãi người tắm đã thưa. Những hàng dừa khô cháy, nghiêng ngã theo gió cát. Hình như có lần thấy Chiêu chạy ra ngoắc ghe lại nhưng vì xa quá không ai nhìn thấy rõ. Sau đó thấy có xe cảnh sát đến rồi... mất luôn.

Chiếc BL 1648 bây giờ chạy không định hướng dọc theo bờ biển Mã Lai. Cả ghe hoang mang tột độ. Làm sao bây giờ, không ai biềt? Quyền quyết định của tài công hay Hủ Tiếu? Riêng tôi và mấy em, tất cả đều lo lắng xót xa thương cho Chiêu và Hiếu. Không biết bị đánh như vậy có bị thương tích nặng không? Chiêu khi nhảy xuống đã để kiếng lại, bây giờ làm sao mà thấy đường, nó cận thị nặng quá! Bị bắt về trạm cảnh sát thì bị đối xử như thế nào? Có bị đánh đập hành hạ gì nữa không? Người dân Mã hung dữ như vậy thì cảnh sát, quân đội nó phải dữ dằn hơn nữa. Vậy mà Đức đã nhận xét Mã Lai dễ chịu hơn Thái Lan. Mới tiếp xúc sơ sơ có chút xíu mà còn bị đánh đập giam cầm, đuổi xô, nói chi tạm ngụ tháng nầy qua tháng kia. Rồi hai đứa có thể bị kết tội xâm nhập lãnh thổ bất hợp pháp, có thể bị ở tù, rồi có thể bị giao trả về Việt Nam? Nghĩ tới nghĩ lui, tôi thấy ra hàng chục câu hỏi, mà câu nào cũng giải đáp không trôi. Duyên ngồi bên lo lắng than thở:
-Hủ Tiếu với Nhựt Bổn xúi người ta nhảy xuống biển làm chi, để bị đánh nhừ tử, rồi bây giờ không tìm cách cứu mà lại xúm nhau bỏ đi, em thấy bất nhẫn quá!
Tôi tìm cách trấn an nàng:
-Ít ra hai đứa cũng được lên bờ rồi, có nhà thuơng, có cảnh sát, dầu gì thì cũng còn luật pháp, không đến nỗi nào. Còn số phận cả ghe bây giờ chưa biết trôi dạt ra sao. Sóng lớn mà neo lại đứt. Hốt lái ghe thì được nhưng chuyện xoay trở coi bộ lúng túng...
-Theo anh, thì hồi nảy mình phải làm sao?
-Anh chọn chỗ nào có bãi cát phẳng phiu, cho ghe ủi đại lên bờ, tất cả ào xuống một lượt. Nếu có bị đánh thì chắc không nặng lắm... Sau đó mình xin ở tạm để chờ Cao Ủy Liên Hiệp Quốc đến... chớ bây giờ thì đi đâu, về đâu?
Vừa nói tôi vừa đưa mắt nhìn ra ngoài. Ghe đang chạy với vận tốc nhanh. Sóng to đánh mạnh vào sườn, toàn thân lắc lư dữ dội. Nước văng tung toé lên cả trên mui, đầu tóc ướt mem. Tôi đưa lưỡi liếm những giọt lan quanh mép, thấy nước biển mặn đắng. Thì ra, có một chân lý phổ quát, nước ở đại dương nào thì cũng chung một vị giống nhau, vị mặn. Con người dầu lặn lội tới tận nơi chưn trời góc biển nào thì cũng phải chung một phận, phận khổ đau...

Mặt trời đã lên ngay đỉnh đầu, độ mười hai giờ trưa có hơn. Nắng nóng như đổ lửa. Ánh nắng chói lọi chiếu thẳng xuống mặt nước, biến nó thành màu vàng loang loáng trong suốt. Tôi nghe đầu váng vất, mắt hoa, lỗ tai lùng bùng. Từ hy vọng buổi sáng đến thất vọng buổi trưa, khiến tâm trạng tôi đâm lơ đơ, lửng đửng. Cả người mệt mỏi, lao đao, tôi ngồi bệt xuống sàn ghe, hơi thở mệt nhọc. Sáu tiếng đồng hồ cứ loay hoay ở bờ biển nầy, không đi tới đâu. Sống ở đời, có nhiều chuyện khó làm, nhưng có lẽ việc khó nhứt là mở miệng nhờ vả kẻ khác. Hồi nhỏ tôi thường nghe ba tôi nói ‘đăng sơn tầm hổ dị, khai khẩu kháo nhơn nan’ đến giờ mới thấy đúng hết sức. Tìm một bến để ghé, tôi ngó quanh, bốn bề chỉ thấy trời nước mênh mông!
Võ Kỳ Điền

Trích Pulau Bidong Miền Đất Lạ. Chương 7

Tuesday, February 3, 2009

ĐẠI DƯƠNG MUÔN TRÙNG




Trời càng lúc càng sáng. Mặt trời từ từ lên cao ở sau lưng như vậy là ghe quay mũi về hướng Tây Nam. Biển cả mênh mông, đầy hấp dẫn mà cũng đầy ghê rợn. Chiếc BL 1648 lúc nằm ở bến thì lớn lao quá, be ghe vượt trên bờ đá hàng một hai thước cao, nhìn toàn thể như một tòa nhà nguy nga đồ sộ, bây giờ ở đây nhỏ xíu như chiếc lá trôi giữa dòng. Giữa cái bao la của trời biển mênh mông, con người trở nên bé nhỏ... quá bé nhỏ như con sâu, con kiến. Nó không nghĩa lý gì hết. Đối với biển cả còn vậy, nói chi tới vũ trụ bao la, con người như hạt cát hạt bụi. Vậy mà hạt cát hạt bụi nầy tranh giành, chém giết, đầy ải hạt cát, hạt bụi kia. Cuối cùng thì là gì. Cát bụi sẽ trở thành cát bụi. Cái mà họ để lại trên mảnh đất nầy là sự khổ đau!

Trời đã sáng trưng. Mặt trời trên cao chiếu xiêng những tia nắng vàng óng buổi sáng hình rẽ quạt chói lòa. Sóng biển nhấp nhô êm ái, thuyền lướt sóng bềnh bồng, tiếng máy nổ đều đều, êm êm. Bên trên trời xanh thăm thẳm, từng chùm mây trắng bạc lãng đãng đó đây. Gió thổi rì rào nhè nhẹ. Không khí thiệt trong trẻo, mát mẻ sãng khoái. Từ trên buồng lái, Dân ‘thủy thủ’ đi nhanh nhẹn xuống gần chỗ tôi. Cái be ghe làm bằng thanh gỗ tuy dầy nhưng chòng chành lắc lư theo nhịp sóng, vậy mà nó đi trên đó coi thiệt dễ dàng. Cái thằng lùn tịt, da dẻ đen thui mập mập, ai thấy cũng cho là chậm chạp không ngờ lanh lẹ hết sức. Nó chỉ cho tôi rặng núi mờ mờ nổi lên ở giữa biển tuốt đàng xa, phía bên phải:
-Anh có thấy Hòn Khoai ở xa xa đó không?
Theo hướng chỉ tôi rán nhìn thấy một khối xám đen mờ nhạt ở tận chưn trời chưa phân biệt được hình thù, màu sắc.
-Hòn Khoai, hòn Khoai! Ờ, ờ, có thấy nhưng còn xa quá. Không biết bao giờ mình mới tới gần được, máy chạy chậm quá, anh thấy hình như ghe đứng một chỗ!
-Tại biển rộng quá, mênh mông không bờ bến nên anh tưởng vậy, chớ chiếc nầy máy mạnh và tốt lắm. Em đi nhiều ghe rồi nên biết!

Tôi nhìn vào trong ghe. Người ta sao mà đông quá, ngồi chen nhau không một chỗ trống. Ở dười khoang, bên trên boong, nơi nào cũng người là người. Trên mui phòng lái là một đống hành lý ngùn ngụt, đủ kiểu đủ cở, đủ màu.
-Dân ơi, chiếc ghe nầy hôm trước thấy nó lớn, bửa nay sao nhỏ xíu vậy?
-Ở đó mà nhỏ xíu. Bề dài hai mươi hai thước, bề ngang bốn thước rưỡi đó anh. Tại nó chứa quá nhiều nên chật chội. Em đếm kỹ rồi. tất cả được ba trăm năm mươi hai người. Cộng thêm tám bao gạo chưa kể nước uống với hành lý.
Tôi ngạc nhiên hết sức:
-Tại sao kỳ cục vậy. Trên giấy tờ có hai trăm bốn mươi chín người mà. Hôm trước anh có coi trong danh sách của Hủ Tiếu rõ ràng...
-Thì Công An Bạc Liêu gởi một mớ, Cà Mau gởi một mớ, Hủ Tiếu Nhựt Bổn dắt thêm một mớ, còn lại là những người đưa thân nhân xuống bến, họ thấy không kiểm soát, leo đại theo xuống ghe đi luôn... cho vui!

Sau những giây phút hồi hộp trông ngóng mừng rỡ, tôi bỗng chợt nhớ ra từ khi leo lên đây và tới bây giờ tôi ngồi trên một cuộn dây lớn quấn tròn, có vật gì bằng sắt cứng lắm cộm lên dưới mông, ê ẩm hết sức. Tôi rán co chưn đứng lên coi lại thì là một ống dẫn nước cao su đen gắn cái vòi bằng đồng còn mới lắm, miệng lẩm bẩm cằn nhằn:
-Thiệt là xui xẻo, chỗ nào không lựa lại lựa ngay cái chỗ nầy. Kẹt cứng ngắc, không còn một chỗ để co chưn, cái vòi đồng mắc dịch nầy nó làm đau quá!
Dân cười ngất, kề tai nói nhỏ:
-Dấu kỹ đi anh, quí lắm đó! Sau lưng là cái bồn nước vuông vuông nè, chứa bốn ngàn lít nước ngọt, anh muốn cho ai uống thì cứ mở vòi. Xong rồi dấu cho kỹ nếu không mai mốt không còn một giọt. Đi biển nước là vàng!

Trời đất! Ai mà biết. Tôi bèn ngồi trở xuống, kéo cái vòi nước qua một bên xong rồi thí nghiệm liền. Tôi lấy bình nước nhỏ đeo trên cổ đã cạn, đưa vòi vô hứng nước mới. Bình đầy tràn, tôi mừng hết sức. Dân nói tiếp chỉ cho tôi và Duyên:
-Dọc hai bên có các bao củ sắn với chanh. Khi nào đói thì lấy ăn cho đỡ, lúc nầy chật chội quá khó mà nấu nướng, ăn củ sắn có ói cũng sạch...
Hòn Khoai đã hiện rõ trong tầm mắt, cây cối xanh rì. Giữa những tàn dừa rậm rạp có vài mái nhà tranh xám vàng nhỏ xíu với vài làn khói trắng mỏng lơ lửng bay cao. Phải cả giờ sau, đảo mới khuất dần sau những đợt sóng nhấp nhô.

Ghe đã bắt đầu ra khơi, nước biển trở nên xanh thẳm. Trời nước mênh mông. Sóng vỗ mạnh phía sau đẩy ghe tới trước. Mũi ghe nhọn xẻ nước phăng phăng. Phía sau lái một đường sóng sủi bọt trắng xóa như cái đuôi dài ngoằn lướt thuớt. Nắng đã nóng và ghe bắt đầu bị sóng nhồi càng lúc càng mạnh. Những đợt sóng ào ạt vỗ vào một bên hông ghe. Chiếc ghe trồi lên hụp xuống chòng chành. Nước văng tung tóe lên cả trên boong. Tôi nghe có tiếng ói đâu đây. Người người bắt đầu say sóng. Chỗ nầy ói, chỗ kia ụa. Rồi đến mẹ con Duyên. Bé Bi lả người trên tay mẹ, mắt thiêm thiếp nhắm nghiền. Cái miệng nhỏ xíu, ọi ọi vài tiếng như con chim non chiêm chiếp rồi nằm im dáng mệt nhọc. Tôi mở cái túi nhỏ, lựa thuốc ói cho Duyên và Bi. Sau đó cho Bi thêm vài giọt thuốc ngủ. Bi nằm yên và ngủ say.

Trên ghe hàng xấp bao ny lông được chia ra dùng khi bị ói. Ban đầu người ta ói ra đủ thứ vừa ăn ban nảy. Dần dà không còn gì để ói nữa chỉ còn nước không mà thôi. Người nào người nấy dáng lừ đừ như đau nặng, mặt mày xanh mét, ngồi nằm ngả nghiêng mệt nhọc. Sau đợt ói mở màn, ai nấy bắt đầu thấy đói và khát. Các bao củ sắn được chiếu cố tận tình. Tôi cầm cái vòi nước xịt đầy tràn từng chiếc bình đưa tới. Lúc nầy mới thấy món chanh đường đem theo là quí giá vô ngần. Mặt trời vùng nhiệt đới lúc hai ba giờ chiều nóng chói chang. Mới có vài tiếng đồng hồ phơi nắng gió, da dẻ ai nấy đều rám nắng đỏ hồng. Nắng hừng hực như đổ lửa. Tất cả mọi vật như bị thiêu đốt. Sợi dây, mảnh ván, cái xách tay... cũng không dám rờ. Nóng quá, nóng đến cháy da, nóng đến nổ tròng con mắt. Không biết lấy từ đâu ra, người ta căng lên những tấm ny lông nhỏ, những cái áo mưa, những poncho, mền,... để mong che mát những hơi nóng từ trên cao hắt xuống hừng hực như muốn biến chiếc ghe thành cái lò lửa. Người nào người nấy hết còn vẻ tươi tỉnh buổi sáng. Trong ghe, im lìm không còn ai muốn nói năng gì nữa. Tôi ngồi dựa vào vách bồn nước nửa ngủ nửa thức nghe chưn cẳng tê rần, lâu lâu phải rán nhúc nhích cho đỡ mõi. Ở cái cảnh chật hẹp nầy tìm một chỗ trống để thẳng cái chưn ra đâu phải dễ.

Biển đã bớt gầm thét quay cuồng. Những đợt sóng đều đều êm ái hơn. Nhìn ra khơi mặt nước lăn tăn hàng muôn triệu chiếc gương vàng lấp lánh chói chang trải dài tận chưn trời. Trời và nước giáp mí nhau ở một nơi xa thẳm tít mù. Bao la, quạnh hiu, không một vật gì nữa hết trên mặt biển cả mênh mông ngoài ánh nắng chói lòa nóng hừng hực. Cổ họng khát khô. Tôi bèn lấy chanh đường quậy vô trong bình nước nhỏ uống một hơi dài. Rồi uống nữa... uống hoài. Chỉ thấy khát mà không đói.

Chiều đến máy ghe vẫn nổ đều đều, riết rồi quen dần nghe êm êm. Chiếc BL 1648 lướt sóng thiệt gọn. Mặt trời chầm chậm lặn xuống ở phía trước hơi nghiêng về bên mặt. Hơi nóng đã dịu bớt từ từ rồi mát hẳn. Bầu trời thiệt quang đãng. Biển thật êm, sóng nhè nhẹ vỗ nhịp nhàng hai bên mạn ghe. Hơi nóng trong người từ từ bốc ra rồi bay mất. Mọi người xung quanh có vẻ tươi tỉnh sống động xôn xao trở lại. Các tấm ny lông che đầu đã được dẹp bỏ. Tôi ngồi quay ra phía trước mũi nhìn cảnh mắt trời lặn từ từ xuống biển. Mặt trời buổi chiều đỏ ối to như chiếc mâm đồng vĩ đại với những tia sáng hình rẽ quạt bị những đám mây trắng xám vắt ngang phản chiếu thành ráng đỏ bầm. Những tia nắng cuối ngày cố vươn cái ánh sánh vàng vọt trên mặt biển cong. Xuống nữa... xuống nữa, cái mâm đồng đỏ chỉ còn phân nửa, rồi chỉ còn một phần ba... rồi mất hút xuống mặt biển đen ngòm. Một vệt sáng còn sót lại ở chưn trời. Trời chợt tối sầm. Đêm đến thiệt lẹ hồi nào không hay.

Trong tôi cái cảm giác thiệt êm ả nhưng thân thể thì không thoải mái chút nào vì chật hẹp. Duyên ngồi bên cạnh bị kẹt cứng tư bề lại phải ẵm bồng bé Bi nên quá vất vả. Tôi rán nhích qua một bên để có chỗ trống cho hai mẹ con nhưng không được. Cả ghe bây giờ không có một sinh hoạt nào khác, mọi người chỉ có việc là ngồi yên như những pho tượng. Chỉ có mặt trời là di chuyển từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, từ chiều đến tối. Trời đã tối hẳn, rán nhìn qua bên chỉ thấy những cái bóng đen đen. Những người bên cạnh đã bắt đầu ngủ gà ngủ gật. Theo nhịp sóng vỗ, ghe lắc lư nhịp nhàng như đưa võng. Tôi mãi lo nhìn cảnh mặt trời lặn trên đại dương, đến khi nhớ lại mò mẫm khắp nơi thì không còn một chỗ trống. Người ta chen lấn nhau ngủ la liệt trên boong, nằm sắp lớp như cá mòi. Chiếc ghe dài có hai mươi mấy thước mà chứa trên ba trăm năm chục người thì chỗ đứng cũng không có, nói chi tới chỗ nằm. Đành chịu ngủ ngồi thêm một đêm nữa. Đêm ba mươi không trăng nhưng trời đầy sao lấp lánh. Từng làn gió nhẹ thổi mát tư bề. Tiếng máy ghe nổ đều đều êm êm như ru người ta vào giấc ngủ. Vì lần đầu tiên đi ghe trên biển nên tôi thấy cảnh trời nước hấp dẫn lạ lùng, thêm vào đó cái sung sướng của tự do làm cho tôi sảng khoái hết buồn ngủ. Chợt có người vịn vào vai, rán chen ngồi kế bên tôi. Quay lại nhìn thì là Út Trung, tốt nghiệp trường Canh Nông làm việc ở Sóc Trăng.
-Chú Út chưa ngủ sao?
Út Trung trả lời:
-Nhớ nhà quá làm sao ngủ được anh!
Út Trung nhỏ người mập mập, mặt đầy mụn nhưng khi cười thì có cái răng khểnh duyên dáng. Tánh tình hiền lành chất phác. Tôi quen Trung khoảng một tháng nay, kể từ hôm chờ đợi ở Bạc Liêu. Trung ngồi xuống cạnh bên, hai tay ôm đầu gối, nhìn mây nước mù mù trong đêm đen.
Tôi hỏi bâng quơ:
-Chắc ghe đã ra khỏi hải phận quốc tế?
-Quá xa rồi anh ơi, trên mười tiếng đồng hồ rồi. Với vận tốc trung bình thì chỉ cần vài giờ là đã ra khỏi. Hải phận quốc tế chỉ có mười hai hải lý. Kể như mình đã rời xa Việt Nam không biết bao giờ trở lại được!
Nghe Trung nói tôi lặng thinh ngậm ngùi. Mới có một ngày đường tôi thấy hình như là lâu lắm. Tất cả những hình ảnh thân yêu chợt trở thành kỷ niệm. Lòng tôi đâm xao xuyến bâng khuâng. Để phá tan cái không khí trầm lặng, tôi chọc Trung cho vui:
-Mới đi có một hai ngày mà nhớ nhà nổi gì? Chắc là nhớ ai đó! Chú có nghe miệt Bãi Xàu người ta thường hát câu nầy không:

Bỡi anh lo việc canh nông.
Cho nên mới có bồ trong bịch ngoài.
Trung cười:
-Xí trai như em thì có cô nào chịu đâu mà bồ với bịch.
Tôi phản đối:
-Thôi đừng nói dóc nghe, chú dấu ai chớ dấu tôi sao được. Con nhà giàu, học giỏi, tuy không đẹp trai nhưng có duyên là đủ rồi. Mà chú lại làm việc ở Sóc Trăng nữa. Đất đó tôi biết quá mà. Trai đi có vợ, gái về có con. Cô nào mà dám chê chú Út thì cô ấy cận thị nặng...
Rồi tôi tiếp:
-Mà con gái Sóc Trăng tôi thấy có cô nào cận thị đâu!
Trung đập nhẹ vào vai tôi:
-Cái anh nầy, anh ở Bình Dương mà sao biết rành Sóc Trăng quá vậy?
Tôi chưa kịp trả lời thì Duyên xen vô:
-Ảnh rành miệt dưới lắm Trung ơi, chút xíu nữa là làm rể ở đó rồi. Các cô Sóc Trăng đẹp lắm, ảnh cứ nhắc hoài! Tôi biết quá mà, ông nào cũng giống nhau như hịch. Thôi Trung nói thiệt cho anh chị nghe đi, có để trái tim ở lại không đó?
Trung ngồi im hồi lâu mới trả lời nho nhỏ:
-Chị cũng phá em nữa. Mà buồn thiệt anh chị ơi! Tụi em thương nhau lắm. Em đâu có muốn đi kẹt tuổi lao động với nghĩa vụ ở lại chịu không nổi, đành phải liều. Đi là chết trong lòng một ít!

À, chú Út tuổi trẻ mà tài cao, coi bộ cũng cải lương dữ! Tội nghiệp chắc chàng và nàng mới thề non hẹn biển chưa bao lâu thì phải cách biệt. Sống dưới chế độ nầy ai cũng chịu khổ đau nhưng lứa tuồi thanh niên là chịu thiệt thòi nhứt. Bao nhiêu thứ nghĩa vụ đổ ập trên đầu trên cổ. Cái sống còn lơ đơ lửng đửng, nói chi tới cái yêu... Hiện tại thì kể như hy sinh, tương lai tối mù mù. Coi bộ anh chàng đau khổ dữ, mặt mày héo sàu, nàng chắc phải đẹp và dễ thương lắm.

Đứt tay một chút còn đau,
Huống chi nhơn nghĩa lìa sao cho đành.

-Theo anh thấy nghen Trung, chết là chết chớ không có ngáp ngáp. Chết thiệt tình, chết hết trơn chớ một ít gì nữa. Còn như mới chết sơ sơ thì ăn thua gì....
-Thùy Phương có hứa là sẽ cố gắng đi chuyến sau...
Thì ra người đẹp có tên đẹp quá. Hèn chi mà chàng không ngất ngư sao đặng.
-Mà rủi Thùy Phương không đi theo được ở lại Việt Nam thì sao?
Trung ngập ngừng:
-Thì tới đâu tính tới đó. Em đâu có biết được. Nàng có chồng, em có vợ... thế là xong.
Tôi buột miệng:
-Chắc bộ đội quá.
Trung phản đối mạnh mẽ:
-Nàng có nói với em là chẳng thà lấy một anh lính quốc gia nghèo đi cày ruộng, còn hơn lấy một cán bộ cao cấp, nói gì tới bộ đội!

Tôi nhìn ra xa. Ở trên cao trời đen mịt mùng. Những ngôi sao vàng vàng xanh xanh nhỏ xíu xa thăm thẳm lấp lánh chớp tắt liên hồi. Lâu lâu có một ngôi vụt sa xuống tuốt dưới biển sâu, nhanh đến mắt nhìn không kịp. Một ngôi sao sa chắc vừa có một người mới mất ở một góc trời nào đó trên trái đất đầy khổ đau nầy. Không biết linh hồn kẻ xấu số được đi đầu thai hay phải vào địa ngục? Cầu trời cho người đó, trọn đời họ đã sống qua, chưa bao giờ làm việc gì thất nhơn ác đức, tổn hại sanh linh. Kẻ nầy không thể nhân danh bất cứ cái gì hết để gây khổ đau, giết chóc kẻ kia.
Tôi chỉ cho Trung nhìn về nơi xa thẳm:
-Chú Út có thấy những ngôi sao sa? Có tin đó là những linh hồn người chết?
-Tin chớ anh. Hồi nhỏ em cứ mỗi lần nhìn thấy sao sa là mỗi lần ước nguyện. Người ta nói nếu mình ước nguyện kịp thời lúc nó chưa mất hút thì lời ước nguyện đó sẽ thực hiện...
-Vậy thì tôi biết chú Út sẽ ước nguyện điều gì ở ngôi sao sa kế tiếp. Tôi nói thế nào cũng đúng. Cá một ăn mười nè!
Trung thở dài:
-Anh nghĩ coi tụi em quen nhau từ hồi còn nhỏ xíu, lớn lên học chung lớp chung trường.
Rồi Trung lại hỏi tôi:
-Còn anh thì sao?
-Tôi yên bề gia thất rồi chú ơi, vợ con đùm đùm đề đề nè, chú không thấy sao, còn gì mà mộng với mơ nữa!

Rồi hai đứa ngồi yên. Tôi suy nghĩ lan man. Từ giả quê hương có nghĩa là từ giã những người thân yêu, từ giã luôn những kỷ niệm mà mình đã sống qua từng giai đoạn. Mỗi con đường, mỗi gốc cây, mỗi khu phố Bình Dương nơi tôi đã sống và lớn lên, làm sao quên được. Có buồn, có vui lẫn lộn. Mười lăm tuổi lúc học trường Nguyễn Trãi đã biết chải đầu bằng brillantine láng bóng, tương tư cô bạn học cùng lớp. Mười bảy tuổi xuống Sài Gòn, học thuộc lòng cả trăm bài thơ tình, nắn nót chép tặng cho người mới quen. Hai mươi lăm tuổi bị thất tình đau như bò đá. Nàng miệng vẫn thương tôi nhưng vì hoàn cảnh trái ngang nên đi lấy người khác. Thằng quỷ dịch nhà rất giàu và rất đẹp trai! ...
Thiệt tình lúc đó, tôi muốn tự tử chết phức cho rồi...

Đờn có lên trục kêu vang
Anh còn thương bạn, bạn khoan có chồng
Muốn cho nhơn ngãi đạo đồng
Anh nay thương bạn hơn chồng bạn thương
Chiều nay anh giã bạn hồi hương
Xin nàng ở lại đừng vầy duơn nơi nào
Ghe tui tới chỗ cắm sào
Nghe em có chốn muốn nhào... xuống sông!

Ôi! Những con đường Lý Thường Kiệt, Bạch Đằng, Đoàn Trần Nghiệp, Trưng Vương của Thủ Dầu Một đã bao lần tôi qua. Những vườn măng cụt, vườn dâu, sầu riêng miệt Búng, Lái Thiêu đã bao lần tôi đến. Mấy người yêu dấu cũ bây giờ đã có chồng có con. Có người đã vượt biên trước tôi, có người chuẩn bị đi và có người còn ở lại. Tôi cầu mong tất cả đều được hạnh phúc và may mắn. Cái đau khổ mà đất nước chịu đựng quá lớn lao so với những tình cảm vụn vặt tầm thường. Thương cho người còn ở lại, chịu đựng làm sao nổi những đọa đày. Đúng là -thiên địa phong trần, hồng nhan đa truân!
Tôi nghe bên vai nằng nặng, thì ra Trung đã ngủ từ lúc nào. Chiếc ghe vẫn êm ái lướt sóng. Giờ nầy bầu trời bị mây che không thấy một vì sao. Cả không gian tối đen mù mịt. Ghe chỉ có một ngọn đèn pha soi sáng phía trước lờ mờ :

Biển vô tận xá gì phương hướng nữa
Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh
(Vũ Hoàng Chương)
Thuyền trôi lênh đênh như cuộc đời tôi bây giờ.

*
* *
Lúc tôi tỉnh giấc thì trời đã sáng rõ. Mặt trời đã lên khỏi mặt biển. Không khí thiệt trong lành, gió phe phẩy vờn nhẹ trên tóc, ve vuốt làn da. Nắng buổi sáng vàng tươi chan hoà khắp chốn. Chiếc BL 1648 vẫn rẽ sóng phăng phăng. Tùy theo độ sâu, nước biển có màu khác nhau. Biển càng sâu nước càng đậm. Bây giờ ghe đã xa khơi lắm nên nước có màu xanh đen. Càng lúc sóng càng vỗ mạnh phía sau lái. Ghe bị thúc tiến tới nhanh nhưng bị nhồi lắc dữ dội. Lác đác nơi nầy nơi kia đã có người ói. Rồi tiếng ụa mữa liên hồi. Trời càng về trưa càng nắng gắt. Ống thông hơi xuống dưới khoang không còn đủ hiệu lực nữa. Mấy cái quạt máy chạy liên tục cả ngày hôm qua, bây giờ có chiếc đã hư, các người ở dưới khoang ngộp thở. Một số phải leo càn lên boong. Những người ở trên cũng không khá hơn chút nào. Dân gì đó, chị Điệp, Út Trung, Mai, Lan,.. ói liên hồi, mặt mày xám xanh như đất. Bao ny lông phân phối không kịp. Ai nấy mệt lã, ngất ngư. Nhờ có củ sắn và chanh, nên cũng tạm đỡ cơn khát và đói. Thằng Dân thủy thủ đứng ở phòng lái vịn mui ghe nhìn quang cảnh hổn độn bên dưới, nói với tôi:
-Như vầy là êm lắm đó, những bữa có giông gió lớn, biển động gặp sóng lưỡi búa kìa, lúc đó mới biết đá biết vàng...
-Trời ơi, nó lắc lư như đưa võng mà êm hả, anh ói tới mật xanh rồi nè.
Tôi lắc đầu ra dấu chịu hết nổi, bỗng dưng nghe nó nói lớn:
-Anh nhìn ra ngoài kìa, coi cá bay!

Tôi đưa mắt trông theo hướng nó chỉ, trong làn sóng trắng xoá nhấp nhô, nhiều con cá trắng có hai vi to và dài, bay vọt lên nhanh như mũi tên bạc hình cầu vồng. Quang cảnh thiệt lạ mắt và đẹp. Chừng lối một hai phút có có năm bảy con bay vút lên. Tôi mải mê ngắm. Bất ngờ nghe tiếng xôn xao trên ghe, rồi thấy mọi người túa qua một bên chi chỏ xuống nước. Tôi nhìn theo thấy một cảnh rất ngoạn mục. Từng đoàn cá nược, cá heo mỗi con lớn cở chừng một hai trăm ký, da đen bóng lội vun vút theo ghe. Khi thì chúng lặn sâu xuống nước, khi thì trồi lên nhào lộn nhịp nhàng. Nước trong leo lẻo, ở trên trông xuống thấy rõ cả kỳ vi. Chúng nhiều quá đi từng đàn chừng ba bốn chục con. Đàn nầy hết thì tới đàn kia, nối tiếp nhau đuổi theo ghe. Hay là chúng lội quanh trở lại? Tôi không biết. Người trên ghe đa số là dân thành phố đi biển lần đầu nên lấy làm lạ, thìch thú nên đổ xô về một phía để coi. Ghe nghiêng qua một bên, tài công phải hò hét hồi lâu mới lấy lại trật tự được.
Duyên thì thầm bên tai tôi:
-Cá heo hay là cá mập đó. Em thấy cái vi nó giông giống... tại sao chúng cứ theo ghe mình hoài?
Nghe vợ hỏi, tôi vụt tỉnh người, nghe ơn ớn nhưng làm gan giải nghĩa cho nàng yên tâm:
-Cá nược với cá heo thiệt mà! Cá mập cái vi nó lớn và cao hơn, hình như lá cờ xéo, rẽ nước ào ào chớ đâu có nhào lộn vui vẻ vậy... Biển nầy cũng đâu có cá mập... thứ đó phải ở thiệt xa, ngoài khơi mới có, ghe mình đi cặp gần bờ mà!

Tình trạng vệ sinh trên ghe đã bắt đầu tồi tệ. Người ta ói mửa liên miên, tiêu tiểu bừa bãi. Bao ny lông ít quá không đủ dùng cho số đông người. Các bô vệ sinh thường bị bể vì dùng nhiều lần. Trên boong quá chật hẹp nên không thể đi cầu phía sau lái. Hơn nữa ghe chạy mạnh lắc lư nên khó tiêu tiểu lắm. Tôi làm phận sự phân phối nước uống liên tục. Những cái bình ny lông được đưa lên. Tôi mở cái vòi nước cho chảy đầy bình nầy tới bình kia. Uống làm sao cho hết. Cái bồn nước bằng sắt vuông vức to lớn sau lưng còn đầy ăm ắp. Mấy trăm thùng nước ngọt bằng ny lông loại hai mươi lít để dằn ở dưới đáy khoang, cả ngày hôm qua dùng chưa hết một phần. Khi nào cảm thấy khát và đói, tôi lấy một chút đường chanh pha với nước, uống từ từ cũng đỡ khổ lắm.

Tô Tỷ ói mửa liên miên từ hôm qua tới nay, nằm li bì dưới khoang được kéo lên boong thở không ra hơi. Mặt mày xám ngắt. Sau giai đoạn ói mửa, một số thanh niên đã bắt đầu thầy đói, bèn leo lên mui ghe, lục lọi đống hành lý, móc thực phẩm lấy ra ăn. Họ lấy thức ăn của họ đem theo đồng thời lấy luôn của người khác. Ở đời muôn sự của chung mà. Ai lẹ tay thì còn, chậm tay thì hết...
Mặt trời sau một hồi gay gắt, chầm chậm nghiêng xuống phía trước , ánh nắng bớt chói chang. Trời đang xế chiều, gió đã lai rai man mát. Chiếc ghe vẫn giữ nguyên tốc độ không chậm, không nhanh, từ từ lướt tới. Mênh mông bát ngát không biết đâu là bến bờ. Tôi đang khoan khoái mở vài nút áo để hứng làn gió mát, bỗng nhiên chợt thấy xa xa có hai cây sào tre xam xám nổi thẳng đứng trên mặt nước bao la. Tôi trố mắt nhìn kỹ. Quả thiệt là hai cây tre dài trơ trụi đứng chơ vơ trên mặt biển, cách nhau chừng mười thước, không xiên không lệch, không lung lay. Sao kỳ cục vậy. Tôi đang tỉnh hay mê? Ở giữa biển khơi mênh mông chỉ có trời và nước, bây giờ lại có thêm hai cây sào tre nữa?

Tài công Hốt không biết là gì bèn ngừng ghe lại kế bên để quan sát. Không có gì kỳ lạ hết, mặt nước lăn tăn, hai cây tre dựng đứng suông đuột. Anh cho ghe chạy vòng quanh. Mọi người bàn tán xôn xao.
Dân ‘gì đó’ cả ngày ói mửa im hơi lặng tiếng, bây giờ mới chịu cất giọng:
-Chắc là tàu chìm chỗ nầy nên người ta mới để tre làm dấu cho ghe khác tránh xa ‘gì đó’...
Út Trung phản đối:
-Nói tầm bậy tầm bạ, mầy biết chỗ nầy sâu mấy trăm thước không, nếu ghe tàu chìm thì cũng đâu có ăn thua gì mà phải làm dấu chi cho mất công. Cây tre cao bao nhiêu mà cắm sâu được tới đáy biển. Mà dầu có cắm tới, sóng gió nó lắc lư cũng trôi mất...
Dân tịt ngòi nín khe, hồi lâu mới hỏi lại:
-Vậy chớ mầy nói không phải tàu chìm chỗ nầy thì là cái gì, tại sao có hai cây tre ‘gì đó’ kỳ cục vậy?
-Theo tao chỗ nầy có đá ngầm nước cạn, người ta sợ ghe tàu rướn lên rồi nằm ỳ luôn không ra được, nên làm dấu để cho người khác biết mà tránh. Nhờ nước cạn nên mới cắm tre được...
-Làm dấu gì đó sao trên ngọn tre không có cột miếng vải trắng hay đỏ?
Út Trung bí nên im luôn.
Tôi nghĩ tới nghĩ lui. Tất cả lời bàn nghe qua đều vô lý. Tuy nhiên cũng không biết là gì. Dân gì đó, Út Trung vẫn còn bàn tán quanh co. Trên những gương mặt năng cháy đó người người lộ vẻ băn khoăn lo lắng. Tư Trần Hưng Đạo đứng chống nạnh, cái lưng khòm khòm, hết ngó bên nầy rồi ngó bên kia, xăng văng xéo véo. Trong khi đó thằng Dân thủy thủ cầm sợi dây dài có cột cục chì to bằng bắp tay, quăng xuống nước để dò nông sâu. Sợi dây dài cả trăm thước vậy mà không đụng tới đáy. Tài công ngừng ghe hồi lâu, lấy hải bàn ra đo tới đo lui, tính đi tính lại, rồi đổi hướng tránh ra xa, tiếp tục cuộc hành trình.

Trời đã sụp tối. Mặt biển trở nên đen ngòm. Chỉ có tiếng mấy nổ đều đều, tiếng sóng vổ rào rào bên hai mạn ghe. Tôi nhìn ra ngoài không gian tối đen tự nhiên nghe ớn lạnh xương sống. Hay là ma cản đường? Lúc còn chờ đợi ở Bạc Liêu, tối tối cả đám ưa xúm nhau lại nói chuyện ma. Nhứt là ma ở trên biển trong các chuyến đi trước được truyền lại. Có người chết vì bão tố, vì đói khát, vì hải tặc, linh hồn không siêu thoát thường hiển linh vật vờ phá khuấy hoặc nhờ báo tin về gia đình hoặc báo điềm lành, điềm dữ cho người đi sau. Khi kể dứt thì ai cũng thường kết luận chuyện đó do chính mắt người bà con thân thuộc của mình đã thấy, viết thơ về tả rõ ràng. Một làn gió lạnh thổi thốc tới rào rào, tôi nghe tiếng sườn cây kẽo kẹt, hình như có tiếng than khóc, rên rỉ nỉ non, tiếng hú khi xa khi gần.. tự nhiên tay chưn mọc óc. Đầu rối tung lên, nghe ghê ghê, sờ sợ...

Tư Trần Hưng Đạo vừa hút thuốc vừa hỏi:
-Làm sao mà hai cây sào tre cao nghệu như vậy lại dựng đứng được ở giữa biển sâu? Sao kỳ cục vậy, bồ có thấy gì lạ không?
Tôi hỏi lại:
-Tôi cũng không biết. Tụi mình có đi biển hồi nào đâu. Sao tôi cũng hơi nghi nghi, theo anh thì làn gì?
Anh kề tai tôi thì thầm, sợ mấy người đàn bà nghe được:
-Ở những vùng biển sâu thường có những loài vật sống lâu năm thành tinh như thuồng luồng, rắn biển, mấy con mực ma, mấy con rùa biển... Rồi dạo nầy mấy người đi vượt biên nhiều, ghe chìm... dám thành ma thành quỉ, hiện lên cản đường hay nhát tụi mình chơi...
Anh nói tới đâu tôi liên tưởng tới đó. Trong truyện Tây Du mấy thầy trò Tam Tạng đi thỉnh kinh ở Thiên Trúc, nhiều bận họ phải qua sông lớn, sóng bủa lao xao, có con yêu quái dưới vực sâu nhảy vọt lên không, mắt đỏ rực như cục than hồng, hai răng nanh trắng nhỡn nhọn lễu, cái miệng hả tàng hoạc đỏ lòm như chậu huyết, vươn cánh tay dài ngoằn đầy móng vuốt chụp lấy Tam Tạng rồi bay tuốt xuống dưới nước, chun vô động sâu... ăn thịt!

Trời ơi, ghê quá! Tôi vụt nhớ lại là mình đương ngồi sát vách ghe, chỉ cách mặt nước có cái be ván mỏng. Cái vách lại có một lổ nhỏ bằng nắm tay để cho nước có chỗ thoát ra, trong bóng đen mịt mùng nầy, con ma nào đó, nó chỉ cần thò bàn tay tay dài lạnh ngắt từ từ dưới biển nhô lên, mò một cái là nắm được tôi liền. Cả đám sẽ không ai hay ai biết hết. Tất cả đều ngủ mê man như chết ở xung quanh. Nó sẽ lôi tôi xuống biển rồi ăn... Bất giác tôi đưa tay nắm chặt sườn ghe cho... chắc ăn! Thiệt tình có ma quỉ hay không tôi không biết. Nhưng sợ thì vẫn sợ.
-Thôi, thôi anh Tư ơi, giữa đêm hôm khuya khoắc mà anh nhắc tới mấy chuyện nầy, chỉ nghe không cũng đủ ớn xương sống, đêm nay chắc hết ngủ...
Nói tới đây tôi đưa mắt nhìn quanh. Trong bóng đêm lờ mờ, ai nấy đều mệt mỏi, nằm ngồi la liệt. Tôi đã ngồi như vậy hai ngày hai đêm không đổi chỗ, lâu lâu phải tìm cách duỗi thẳng cái chưn ra cho khỏi tê. Tìm hoài mà không còn một chỗ trống, thôi đành ngủ ngồi thêm một đêm nữa. Trên nóc phòng lái mặt ván vuông vức phẳng phiu, cạnh bên đống hành lý, mấy anh bạn trẻ liều gan leo lên ngủ nằm sắp lớp trên đó. Họ ngủ ngon lành mặc tình cho ghe lắc lư. Nếu biển động mạnh thì dám lọt xuống nước lắm.

Tôi cũng bắt đầu thiêm thiếp, bỗng nghe có tiếng người nói lớn -nước ngập dưới khoang. Tôi tỉnh hẳn. Cả ghe xôn xao. Mọi người đâm nhốn nháo. Ở trong khoang những bóng đen chập chờn di chuyển dưới bóng đèn tù mù vàng vọt. Cái gì đã xảy ra? Tôi lo lắng không biết phải làm sao, bốn bề chật cứng. Hồi lâu mới biết máy bơm nước hư vì chạy liên tục hai ngày nay. Thợ máy sửa hồi lâu không xong. Tài công Hốt vẹt đám đông nằm ngủ ngổn ngang vừa đi vừa kêu Dân ơi, Dân hởi. Hốt nói -cái máy bơm nầy chỉ có thằng Dân biết sửa mà thôi, bây giờ nó đâu mất tiêu rồi. Thằng Dân đâu mất tiêu rồi! Hốt là tài công mà không biết thì ai biết được. Chuyện nầy lạ thiệt. Thằng Dân thủy thủ đi biển từ nhỏ tới lớn, rủi có rớt xuống nước thì cũng đâu có ăn thua gì, nó lội như rái cá. Còn nếu ở trên ghe thì sao không ai thấy? Tôi chớt nhớ lại hai cây sào tre ban chiều.. Thôi chết rồi! Chắc là nó bị ma da kéo xuống biển, không ai hay biết. Mới có một hai giờ, sao lẹ quá. Tôi nghiệp thằng Dân hiền lành... Mới hồi nảy còn thấy nó đứng cheo leo trên be ghe. Nước biển nửa đêm lạnh ngắt mà lại tối mò. Làm sao bây giờ!

Mọi người đâm sợ hãi, từ lái tới mũi xúm nhau lục lọi tìm kiếm coi Dân ở đâu. Nếu như ban ngày thì cũng dễ nhưng bây giờ đêm đã khuya, đèn đưốc hầu như không có một ngọn, chỉ còn cách đánh thức cả ghe dậy. Tiếng kêu hỏi om sòm, náo động cả một vùng biển đen.
-Nè, nè nó nằm đây nè, thằng Dân mập! Một người la lớn.
Mọi người thở phào mừng rỡ. Anh ta nằm chình ình ở ngay mũi tàu ngủ thẳng cẳng ngáy khò khò. Thiệt tình, cái thằng ham ăn ham ngủ, báo hại mọi người nín thở nãy giờ. Dân được đánh thức dậy, chạy lạch bạch theo sau Hốt về phía sau lái để chun xuống hầm máy.
Máy bơm được sửa xong chạy tốt lại như cũ. Trật tự được vãn hồi, người người yên tâm, tiếp tục ngủ lại.

Võ Kỳ Điền
Trích Pulau Bidong Miền Đất Lạ, Chương 6