Tuesday, December 2, 2008
PHÁO NỔ BIÊN GIỚI
Khoảng mùng sáu Tết mấy em về Bình Dương và vài gia đình về Sài Gòn ăn Tết cũng đã lục tục trở xuống. Nhà đã đông đúc, ấm cúng trở lại phảng phất đâu đây cái không khí mùa xuân nơi quê cũ. Các đòn bánh tét, đầu heo, tôm khô, củ kiệu ở nhà gởi xuống ăn hết ngay ngày hôm sau. Ăn lại các món quen thuộc gia đình nhứt là bánh tét, nhớ thương má tôi hết sức. Bà đã trên bảy mươi rồi mà vẫn còn bận bịu, lận đận vì con. Bây giờ suốt ngày chờ đợi tin con cháu chừng nào đi được, để yên tâm mà mừng. Ôi! Tình cha mẹ thương con nói sao cho hết.
Vẫn chưa có lịnh cho đi.
Bạc Liêu tháng giêng trời nắng gắt, lại ở gần biển nên nhiều gió cát. Đêm đêm giấc ngủ chập chờn, bứt rứt. Cái nóng của thời tiết cộng thêm cái nóng chờ đợi nó làm ai nấy đâm cau có, gắt gỏng. Tôi ngày nào cũng thả rểu ở chợ Bạc Liêu đứng hàng giờ dưới gốc cây sao già xem biểu diễn quảng cáo Sơn đông hoặc đi ăn hàng ở các quán nước. Gần nhà trọ có một nhà hàng cũ bị trưng thu biến thành cửa hàng ăn uống quốc doanh, bán giá chính thức. Một tô hủ tiếu giá một đồng, ba mươi xu một chả giò làm theo lối Tàu, hai mươi lăm xu một chai xá xị ướp đá lạnh. Tụi con nít trong nhà, thằng Lĩnh mập, Chí ròm, Xuân Lan, Trung, Dung là những khách hàng quen thuộc của tiệm nầy. Một ngày tụi nó chạy đi chạy về mua xá xị, nước cam con cọp không biết bao nhiêu bận. Uống hoài nên miệng đứa nào cũng đầy râu xanh, râu đỏ. Tối tối nhiều đứa đái dầm, cả sàn ướt chèm nhẹp, bị mẹ đánh khóc um sùm giữa khuya.
Tình trạng chán nản khiến cả đám như tê liệt. Riết rồi không ai buồn nói chuyện như lúc ban đầu, người nào người nấy sầu thảm như thất tình:
Gió thổi hiu hiu Bạc Liêu kia hỡi
Đoạn sầu nầy biết gởi cho ai.
Mãi như vậy cho đến một đêm kia, tôi đương chập chờn trong giấc ngủ muộn màng thì bỗng giựt mình thức giấc vì tiếng loa ở đầu đường oang oang. Bây giờ vào độ sáu giờ sáng có hơn, trời còn tối mù mù, hơi lành lạnh. Mọi người trong mùng còn đương ngủ mê man chưa ai thức. Tiếng loa phóng thanh vang dội từ xa ở phía ngã tư Quốc Tế gần bến xe đò Bạc Liêu. Ngày chưa bắt đầu nên không gian còn tĩnh mịch, tiếng nói rổn rảng của người xướng ngôn viên lặp đi lặp lại rền vang, nghe rõ mồn một:
-- Yêu cầu đồng bào đón nghe thông cáo đặc biệt của đồng chí Trường Chinh, chủ tịch Quốc Hội Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Giọng nói có vẻ gấp rút không như bình thường. Tôi ngạc nhiên. Cái gì vậy? Mới đánh tư sản năm ngoái, không lẽ năm nay đánh nữa, dân chúng miền Nam còn gì để tụi nó moi? Hay là lịnh đổi tiền? Lịnh trưng thu đất đai nhà cửa? Lịnh động viên, thi hành nghĩa vụ quân sự? Dầu gì đi nữa thì thông báo nầy cũng thiệt kỳ lạ. Mà sao người đọc lại là Trường Chinh? Tên nầy từ ngày bị thất sủng sau vụ cải cách ruộng đất ở ngoài Bắc cho đến nay không thấy tăm hơi đâu hết, bữa nay lại tự nhiên xuất hiện ngang xương như vầy. Ừ, chắc có đảo chánh ở Hà Nội hay Sài Gòn, nên Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp lặn đâu mất hết trơn. Bộ hết người đọc rồi sao?
Nguồn tin sắp được loan ra khiến tôi hồi hộp hy vọng. Đã mấy năm nay tôi chờ một đổi thay. Đời sống ngày một ngột ngạt bế tắc. Đổi thay kiểu nào cũng được hết. Dầu gì đi nữa thì một cuộc đổi thay cũng cần thiết để đất nước khá hơn một chút. Kể từ năm 1975 đến nay đời sống người dân hai miền trở nên bi đát, tồi tệ. Cả nước đâm thất nghiệp, hàng triệu người bị tù đày, triệu triệu người còn lại vô công rồi nghề, đất đai bị cào xới lung tung không kế hoạch đúng đắn, rừng cây bị chặt phá hỗn loạn, mưa bão lụt lội tràn lan, máy móc xe cộ bị trưng thu để rỉ sét đầy đồng. Năm nào cũng mất mùa thất thu đói kém...
Tôi rán lắng tai. Trường Chinh bắt đầu, giọng gấp rút hốt hoảng nghiêm trọng: "...vào ngày 17 tháng 2 nầy bọn bành trướng xâm lược Trung Quốc với hơn hai mươi sư đoàn bộ binh, hàng ngàn chiến xa và trọng pháo đã ồ ạt xua quân tràn sang biên giới, đánh phá sáu tỉnh miền Bắc. Hàng ngàn cơ sở, nhà máy, trường học, nhà thương bị đốt phá, hàng chục ngàn mẫu ruộng rẫy hoa màu bị hủy hoại... Tuy nhiên quân đội nhân dân anh hùng phản công mạnh mẽ, đồng bào tại các vùng giao tranh kịp thời di tản. Các đội dân quân địa phương đã tổ chức công cuộc bố phòng chống trả. Nơi nơi đều giữ vững vị trí chiến đấu để chờ viện binh..."
À, thì ra đàn anh Trung Cộng đánh đàn em Việt Cộng. Đã từ mấy năm nay tình hình bang giao giữa hai nước càng ngày càng căng thẳng, hôm nay thực sự nổ bùng. Vậy là đồng chí Đặng Tiểu Bình lùn mà vĩ đại dạy cho đồng chí Lê Duẩn kính yêu bài học thứ nhứt. Mấy tỉnh Lào Kay, Cao Bằng, Quảng Yên, Hà Giang, Tuyên Quang bị thiệt hại nặng nề, các hầm mỏ, nhà máy, đường sá, cầu cống bị phá sập, tụi nó đang tiến quân về Hà Nội... Đã thiệt! Ngày nào tình hữu nghị Việt Trung đời đời bền vững, bây giờ thì viếng thăm nhau bằng chiến xa với trọng pháo. Những tưởng đã là đồng chí thì phải vĩnh viễn thương yêu nhau, nhè đâu theo thói thường tình, không còn yêu thương nữa thì ganh ghét căm thù, dang tay đập nhau thẳng cánh:
Bậu ra cho khỏi tay qua
Cái xương bậu nát, cái hoa bậu tàn.
Hà Nội chỉ còn xương chớ làm gì có hoa! Trung Quốc đừng tưởng lầm!
Tôi nghĩ lại tình trạng chung của cả đám và riêng tôi. Trung Cộng đánh Việt Cộng. Vậy cần gì phải ra đi? Hà Nội phải thay đổi chính sách. Nếu đất nước có được một sự đổi thay, chỉ cần một chút xíu cho dễ thở thôi, thì cũng không cần đi làm gì. Tôi nghĩ lan man ra cảnh bộ máy của đảng và nhà nước bị dẹp bỏ. Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Văn Tiến Dũng... tất cả bị bắt giam cho đi học tập dài hạn, các vị sĩ quan, công chức quốc gia mình sẽ được tự do, gia đình vợ con đoàn tụ sum vầy, dân chúng vui mừng thoát khỏi cơn ác mộng, làng xóm yên vui thanh bình... Tôi nằm nghiêng trên nền gạch gối đầu trên chiếc ba lô ka-ki xám đen mà tưởng tượng ra đủ cảnh thú vị. Dân chúng Bạc Liêu từ trong các thôn ấp xa vắng đìu hiu, sẽ túa ra đường mừng rỡ reo hò, đường phố xôn xao tấp nập. Người ta tụ năm tụ ba kể cho nhau nghe cuộc thảm bại của các đồng chí răng đen mã tấu với đầy chi tiết hấp dẫn. Rồi tới số phận những kẻ trở cờ ba mươi tháng tư, họ sẽ lúng túng như con chuột trong lồng, không biết chạy trốn nơi đâu. Dân chúng sẽ được tự do thoải mái, nhà nhà mở rộng cửa buôn bán làm ăn. Các trường học vang đầy nụ cười trẻ thơ, dưới sông ghe thuyền xuôi ngược, trên bờ xe cộ lưu thông. Lúc đó tôi dắt vợ, bồng con ra bến xe đò mua vé trở về tỉnh cũ. Tỉnh Bình Dương của tôi vẫn còn y nguyên đó. Trường Trịnh Hoài Đức ấm áp giữa các nương lúa xanh ngát nõn nà. Tôi sẽ nộp đơn xin được đi dạy lại, tiếp tục cuộc sống của đời nhà giáo, tuy nghèo và khiêm tốn nhưng yên vui. Ừ, cứ tưởng là cuộc đời mình sẽ bế tắc, ngờ đâu vẫn còn có lối thoát được. Tôi sẽ gặp lại tất cả những học trò thân yêu, những bạn bè cũ và nhứt là sống quây quần bên những người thân... Nghĩ lan man tới đây, mừng quá bèn quay qua rối rít lay vợ dậy:
-- Em có nghe gì không? Trường Chinh loan báo trên đài phát thanh kìa... Trung Cộng đánh Việt Cộng rồi... còn mấy cây số nữa tụi nó sẽ san bằng Hà Nội!
Duyên trả lời giọng ráo hoảnh, chắc nàng cũng đã lắng nghe từ lâu:
-- Có, em cũng nghe từ nãy giờ. Mà nghe rõ lắm. Quân đội Trung Cộng không tiến sâu vô trong lãnh thổ được, họ bị giữ lại ở các tỉnh biên giới. Làm gì mà tới Hà Nội mau vậy?
-- Hơi đâu mà em tin ba cái đài phát thanh láo khoét của tụi nó, với xe cộ võ khí tối tân bây giờ, đoạn đường mấy trăm cây số với mấy cây số cũng y như nhau, có khác gì đâu. Tụi Trung Cộng với một tỉ dân số dùng chiến thuật biển người, ai mà chống cự lại cho nổi. Nội cái nước nó phun nước miếng, tụi Hà Nội cũng trôi tuốt ra biển hết, tới lúc đó vợ chồng mình khỏi cần vượt biên chi cho mất công...
-- Anh thì nói cái gì nghe cũng dễ ợt. Em không nghĩ như vậy đâu. Chưa chắc gì Trung Cộng đánh thắng được Việt Cộng. Mà nếu như có thắng được, quốc tế đâu có giương mắt nhìn nó chiếm Hà Nội. Còn Nga, Anh, Mỹ, Pháp nữa chi! Họ đâu có ngồi yên ngó cảnh Trung Cộng hưởng lợi. Mà thí dụ Hà Nội thua thật sự đi nữa thì Việt Nam mình cũng không thoát được nạn Cộng sản...
Rồi nàng tiếp tục phân tách:
-- Em đồng ý phải có một cuộc đảo chánh hay cách mạng gì đó nhưng phải là người quốc gia mình lãnh đạo, điều đó mới thực sự có tự do, độc lập, thanh bình. Chớ Cộng sản nầy đảo chánh Cộng sản kia thì dầu có đổi thay cũng là đổi từ cái nhà tù nầy sang cái nhà tù khác. Điều mà mình không chấp nhận đâu phải là cá nhơn Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh hay vì Võ Nguyên Giáp... Mấy tên đó chỉ là những vai kép đóng tuồng. Không kép nầy thì bắt kép kia thế vô. Anh nào thì cũng râu rìa mặt mốc. Có cũng được mà không cũng vậy thôi. Cái chánh toàn dân không chấp nhận là chủ nghĩa Cộng sản kìa. Trung Cộng thì có khác gì Việt Cộng đâu, e rằng còn tệ hơn nữa vì tụi nó là ngoại bang.
Đương hy vọng bừng bừng, nghe vợ bình luận đâu đó có lớp có lang, tôi bèn giựt mình tỉnh mộng tiu nghỉu, lòng lạnh tanh như bị tạt một gàu nước:
-- Ờ, ờ anh nghe vội nghe vàng rồi nghĩ lung tung. Cái điệu nầy, tụi nó đánh nhau long trời lở đất là vợ chồng mình kẹt cứng. Ai ở không mà cho phép nhổ neo?
-- Thì phải chờ nữa, mình chờ đã gần hai tháng rồi, thêm bao lâu nữa cũng phải chịu chớ làm sao bây giờ!
Tôi thở dài ngao ngán:
-- Trời, sáu bảy tuần nay đồ đạc bán dần để ăn gần cạn, chờ thêm vài tháng nữa thì đám tụi mình chết khô. Chắc mấy ngàn năm sau, người ta sẽ thấy ở bờ biển Vĩnh Châu bên mấy gốc nhãn già cỗi có mấy trăm tượng đá ngóng cổ ra biển, héo mòn. Anh là tượng hóa đá đầu tiên!
Duyên lồm cồm ngồi dậy vén tóc nhìn ra ngoài:
-- Thôi mình thức dậy, trưa trờ trưa trật rồi, sửa soạn đi ăn sáng để nghe có tin tức gì mới. Em thì cho rằng biết đâu nhờ cuộc chiến nầy, người ta sợ người Hoa làm gián điệp, nội tuyến, đuổi họ đi sớm chừng nào hay chừng nấy... Không chừng mình lại có phép khởi hành trong nay mai...
Nghe nàng nói tới đó, trong đầu tôi như có một tia điện xẹt ngang, ngọn lửa hy vọng bùng cháy, tôi chợt nhớ lại câu xăm hôm Tết: "Trực đãi nhứt thinh thiên báo hiểu, tự nhiên long đái bửu châu hoàn."
-- Em nhớ câu xăm đêm giao thừa anh xin đó không? Có tiếng pháo nổ thì trời sáng liền. Bữa đó vợ chồng mình bàn là pháo người ta đốt ăn Tết, không đúng đâu, pháo đó nhỏ lắm ăn thua gì! Anh nghĩ đó là tiếng súng đại bác của tụi Trung Cộng bắn "đùng đùng" vào ải Nam Quan. Cái nầy mới đúng là "trọng pháo!"
Ở bên kia "giường ny lông," tư Trần Hưng Đạo đã thức tự nãy giờ lắng nghe vợ chồng tôi đối đáp bèn xen vô:
-- Bây giờ mà bồ còn kêu là ải Nam Quan. Người ta đã đổi tên nó từ lâu rồi! Đổi từ cái thời tình nghĩa anh em đồng chí Việt Nam - Trung Hoa còn thắm thiết đậm đà. Họ đã ví von cái mối liên hệ mật thiết giữa hai nước bền chặt như môi với răng. Hễ môi hở thì răng lạnh. Vì lẽ đó mà họ đổi tên ải Nam Quan thành ra Hữu Nghị Quan. Nào ngờ mới có vài chục năm mà răng đã cắn môi tới rướm máu. Chắc là tên Hữu Nghị phải đổi nữa để phù hợp với tình thế mới...
Rồi anh tiếp tục bình luận:
-- Chuyện chánh trị thiệt là khó hiểu dễ sợ. Vừa thương yêu thắm thiết đó, quay qua quay lại đập nhau bể đầu liền. Mà dầu trong trường hợp nào người ta giải nghĩa nghe cũng xuôi rót. Giải nghĩa xong, thấy chưa đủ còn làm thơ để ca tụng ngâm nga nữa. Trong lịch sử dân tộc chưa bao giờ thấy nền thi ca đất nước phát triển phong phú như vậy. Mỗi cán bộ là một thi sĩ. Lật tờ báo ra chỗ nào cũng toàn là thơ. Để rồi hai ông bà coi, thế nào cũng có hàng chục thi sĩ phùng mang trợn má, xăn tay áo chửi bọn bá quyền nước lớn, bọn bành trướng xâm lược...
Anh bạn nầy là tay buôn bán già đời, vậy mà chuyện chánh trị nghe cũng rành rọt dữ. Chắc là cũng học tập chính sách của Cộng sản sói đầu rồi! Tôi, mấy năm trời sống dưới chế độ bị thất nghiệp ngang xương, không biết làm gì cho hết ngày giờ, nên có dịp nghiền ngẫm khá nhiều sách báo của họ, những người chiến thắng. Điều dễ dàng nhận thấy là người Cộng sản có nhiều thói quen máy móc thành tật. Nhưng có hai thói quen lớn nhứt, từ anh lãnh đạo đầu sỏ đến anh cán bộ tép riu là tánh ưa bàn chuyện chánh trị và thói sính làm thơ. Bất cứ chuyện lớn chuyện nhỏ họ cũng liên hệ một cách tài tình đến chuyện đấu tranh chánh trị được. Cũng vậy bất cứ chuyện gì họ cũng làm thơ được. Từ chuyện anh phi hành gia được Liên Xô cho ngồi ké bay vô vũ trụ tới chuyện chị quét rác không biết đọc biết viết đắc cử dân biểu, từ chuyện đàn bà phá thai theo kế hoạch gia đình đến chuyện bác Hồ chết có con cá rô... nó khóc!
-- Anh Tư nè, theo anh vụ Trung Cộng đánh Hà Nội có ảnh hưởng gì đến chuyến đi của tụi mình không?
Tư Trần Hưng Đạo ngồi nhổm dậy bật quẹt đốt thuốc, tay mân mê cái hộp quẹt vàng lóng lánh, suy nghĩ hồi lâu:
-- Tôi cũng không biết sao mà nói. Có thể nhờ đó mà đi được, cũng có thể bị dẹp bỏ. Lịnh của mấy thằng ông nội đó ba hồi như vậy, ba hồi như kia biết đâu mà mò. Nhưng có điều tôi cho là nhờ vụ nầy, tụi nó phải quyết định lẹ. Một là cho đi liền, hai là ngưng tức khắc, chớ không thể để cù cưa cù nhầy như mấy tháng vừa qua. Ờ, ờ, tôi quên nói chuyện nầy, tối hôm qua định báo một tin mới nhưng hai ông bà lên chuồng sớm quá nên chưa nói. Chắc là sắp được đi rồi!...
Nghe anh nói tôi bèn tỉnh người liền:
-- Sắp được đi rồi hả? Có tin gì hấp dẫn vậy?
-- Ghe mình bắt đầu sắp xếp lại tổ chức. Ban đầu người được mướn lái ghe là tài công Hên. Sau đó không biết tại sao Hên đổi qua lái chiếc BL076C, thành ra chiếc của mình thiếu người. Hủ Tiếu phải về Sài Gòn mướn một anh tài công mới, mặt rỗ, đem về mấy ngày nay. Ty Công An hay cơ quan Hỏa Vận gì đó không chịu anh nầy, bắt phải chọn tài công Hốt là em vợ của Hên. Hốt bằng lòng lái chiếc của mình với điều kiện là được đem theo vợ và tiền công là hai mươi lượng vàng. Như vậy là ghe mình có hai tài công chuyên nghiệp. Chắc phải gần đi rồi nên mới chuẩn bị gấp gáp như vậy. Nhưng vấn đề lại đâm ra rắc rối là đào đâu ra số vàng để trả cho tài công Hốt?
-- Thì Hủ Tiếu phải lo chớ!
-- Hủ Tiếu nói gần hai tháng nay, chạy chọt lo lót đủ các cấp, tiền bạc hết trơn, ai muốn đi thì phải đóng thêm hai chỉ nữa, cho mỗi đầu người!
Tôi buột miệng kêu lên:
-- Trời, Hà Nội thì bị Tàu Bắc Kinh dạy cho một bài học, còn tụi mình thì bị Tàu Chợ Lớn làm tiền, chán hết sức, còn đâu nữa mà đóng, đã nghèo lại còn mắc cái eo!
Anh phà một hơi khói thiệt dài rồi nói tiếp:
-- Theo tôi đoán thì chắc là đi nội trong tuần nầy. Hôm qua đi lang thang ngoài chợ, chính mắt tôi thấy rõ ràng đám "bạn" ghe của chiếc BL1648 đi mua hàng mấy chục bao củ sắn với chanh tươi. Loại bao ny-lông xanh đựng cát. Đứa nào đứa nấy vác lình kình làng càng xuống bến. Củ sắn với chanh để lâu lắm là một tuần. Hổng lẽ nó mua trước cả tháng? Vả lại nếu không đi được tụi nó mua mấy thứ quỷ đó nhiều quá để làm chi, cho vợ con Hủ Tiếu với Nhựt Bổn ăn à?
Duyên nghe bàn tới đó xen vô:
-- Nếu ghe mình đã có lịnh cho đi, tại sao Hủ Tiếu không báo cho anh em mừng để chuẩn bị, ổng giấu cái tin đó làm gì?
-- Thiệt ra thì mình cũng đoán mà thôi, chớ chuyện thiệt hư cũng chưa biết ra sao. Việc Hủ Tiếu không báo trước ngày giờ khởi hành có nhiều cái lợi cho "giả." Một trong những cái lợi trước mắt là mỗi người phải đóng thêm hai chỉ vàng thì mới có tài công để lái ghe. Ai cũng sợ không đi được chớ gì, thôi rán đóng cho xong. Nếu mà nói ra nay mai khởi hành, ai mà thèm đóng nữa. Hai ông bà nghĩ coi có lý không?
Tôi nghe thấy đúng quá, bèn rủ anh đi ăn điểm tâm luôn:
-- Ờ, ờ, đúng vậy. Bữa nay mình ăn hủ tiếu ở quán cây dừa nghen. Ra ngoải thế nào mình cũng gặp mấy nhóm đi ghe khác, sáng nào họ cũng tụ tập bàn chuyện vang rân ngoài đó. Có tin gì lạ là biết liền!
Vừa nói tới đó, cánh cửa trước tự nhiên mở hoác, tiếng ken két rợn tai, ánh sáng ban mai rạng rỡ chói lòa vào phòng. Thằng Dân "gì đó" cao lêu khêu, vừa đẩy cửa bước vô, đứng giữa ngạch cửa, mặt mày tươi rói, cười hở chiếc răng vàng.
Tư Trần Hưng Đạo ngồi trong mùng nói chõ ra:
-- Thằng quỷ, cả đêm nay mầy ngủ ở đâu mà bây giờ mới mò về nhà?
-- Tui qua bên Hủ Tiếu chơi, nghe tụi nó nói chuyện rồi ngủ luôn ở bển gì đó!
Rồi nó nói tiếp, giọng hấp tấp nồng nhiệt:
-- Ở bên nầy, có nghe gì đó không?
Tôi mừng thầm trong bụng, chắc là có tin ghe được đi. Suốt đêm nó ở bên Hủ Tiếu mà, làm gì không biết được vài chi tiết hấp dẫn. Nếu Hủ Tiếu có kín miệng thì đám vợ con nó thế nào cũng xì ra, bèn vọt miệng hỏi:
-- Sao Dân, bộ ghe mình được giấy phép khởi hành rồi hả?
Cái thằng, thiệt tình, nó không đoái hoài một chút xíu nào hết đến nỗi bồn chồn của tôi, trả lời tỉnh rụi:
-- Đâu có, chưa đi mà! Có nghe ai nói gì tới ghe mình đâu. Tôi muốn hỏi bên nầy mấy anh có nghe radio nói vụ Trung Cộng đánh chiếm Hà Nội không?
Rồi không cần chờ ai trả lời, nó nói một hơi như liên thanh bắn, giọng Việt Nam ngọng líu lo, như thấy cuộc chiến rõ ràng xảy ra trước mắt, tay chưn ra dấu quơ lia quơ lịa như đang chỉ huy trận đánh:
-- Trời ơi, một triệu quân Tàu Cộng tràn qua biên giới, đạp nát hết gì đó! Mấy chục ngàn xe tăng với súng cà-nông bự lắm bắn "đùng đùng." Đường sá, cầu cống, nhà máy gì đó cháy tiêu. Máy bay ở phi trường vừa mới bay lên là bị hỏa tiễn bắn rớt xuống như lá rụng gì đó. Chánh phủ Hà Nội sợ quá, tính dọn vô Sài Gòn lấy dinh Độc Lập ở tạm rồi sau đó lựa người thiệt giỏi qua Bắc Kinh năn nỉ lạy lục gì đó. Mà chưa chắc Trung Cộng chịu đâu. Nước Tàu bây giờ mạnh lắm à! Nó chế được bom nguyên tử, còn Hà Nội chưa làm được cây đinh mà!
-- Thôi, thôi, thằng ông nội, đi chơi đã rồi về nhà đía cho sướng miệng. Mầy nghe mấy tin tức đó ở đâu? Sao tụi tao cũng có nghe mà đâu có y như vậy. Có mầy chỉ huy thì quân đội Trung Cộng đã ngồi chồm hổm ở lăng bác rồi!
Dân "gì đó" bị Tư Trần Hưng Đạo kê tủ đứng ngang họng bèn cụt hứng, cố vớt vát, đưa tay lên gãi đầu:
-- Tui nghe rõ ràng như vậy mà. Đài Bắc Kinh nói hồi tối qua, có Hủ Tiếu với Nhựt Bổn nghe nữa. Hổng tin qua bển hỏi lại coi, tui nói "gì đó" có đúng không?
Cái thằng ba xạo, tưởng có tin gì hấp dẫn rán lắng tai nghe, nhè đâu cái tin cũ xì! Chắc bên nhà Hủ Tiếu, thiên hạ cũng bình luận trận chiến giữa Tàu và Việt dữ lắm, nên coi nó đầy vẻ sôi nổi. Dân "gì đó" nói xong chừng như đã thỏa mãn, vén vạt mùng bước vô trong hai tay dài lêu khêu, cái lưng khòm khòm, đi được vài bước tự nhiên chậm lại:
-- Nè nè, mấy anh có biết tin chiếc 076C đã được phép gì đó chưa? Chiều qua nó đã dời đi xuống Cà Mau rồi, không còn đậu ở bến nữa!
Trời ơi, cái thằng mắc dịch, tin hấp dẫn như vậy mà nó coi như không có gì hết, nói nghe tỉnh rụi. Tôi đứng bật dậy vén mùng níu lấy tay nó, lỗ tai lùng bùng, bụng hồi hộp hết sức:
-- Sao Dân, chiếc 126C hả, được đi rồi hả? Sao im ru vậy, ở bên nầy không ai hay biết gì hết. Trời ơi, thiệt không? Có nghe chừng nào tới lượt ghe mình?
-- Không phải chiếc đó, tôi nói chiếc 076C mà. Còn hai chiếc 126C với 1648 còn ở bến y nguyên gì đó. Tui cà rà theo hỏi Hủ Tiếu, nó cứ lắc đầu nói hổng biết, hổng biết.
Tư Trần Hưng Đạo đứng kế bên hồi nào, dáng điệu hăm hở bộp chộp:
-- Chiếc 076C đi xuống Cà Mau rồi hả? Tại sao nó không đi theo ngả Gành Hào, Hộ Phòng? Mầy nói thiệt không đó, tại sao phải xuống Cà Mau kỳ cục vậy?
Vừa hỏi thằng nhỏ tấp tới, anh quay qua rủ tôi:
-- Thôi tụi mình rửa mày rửa mặt lẹ lên, đi thẳng ra bến, chun xuống ghe là biết liền. Để ý coi tụi nó chuẩn bị, sửa soạn dầu mỡ, gạo muối, khô mắm...
Đầy nhà vang rân cái điệp khúc "chiếc 076C đã đi rồi, chiếc 076C đã đi rồi." Cái tin nhỏ xíu vậy mà có hiệu quả ghê gớm. Cả bọn đương héo xào ủ rũ như đám rau bị hạn gặp được trận mưa rào, vụt tỉnh dậy hớn hở xôn xao. Nguồn tin được loan truyền từ miệng người nầy sang người kia nhanh như điện xẹt. Căn nhà như tiếp được luồng sinh khí mới bừng bừng sức sống, đám trẻ nít rộn ràng ríu rít, đám người lớn xôn xao tưng bừng.
Cà Mau, cái tỉnh cuối cùng của đất nước, tôi chưa hề đặt chân tới lần nào, bây giờ trở nên quan trọng và hấp dẫn. Tôi tưởng tượng ra một mỏm đất có hình nhọn nhọn cong cong như mỏ chim ó, bùn lầy sình đất đen thui, cây bần, cây đước, cây vẹt, cây tràm với các rễ ló cao lên khỏi mặt nước như hàng triệu triệu cây chông nhọn, trong đó có đầy cá thòi lòi với ba khía bò lổm ngổm. Mùi hương tràm thoang thoảng lẫn mùi bùn sình hôi hám, mùi nước phù sa đục ngầu tanh tưởi, khiến tôi ngây ngất. Bạc Liêu tự nhiên mờ dần trong trí nhớ:
Chờ em anh hết sức chờ
Chờ cho ến xại lên bờ khùi huôi.
Võ Kỳ Điền
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment