Tuesday, December 2, 2008

NHỮNG CHIẾC GHE LẠ



Từ khu dựng lều của người Việt nhìn về cuối đảo là một vách đá xám đen sừng sững chắn bít chơn trời, nhô hẳn ra biển xanh. Những khối đá đồ sộ to cao hàng mười, mười lăm thước nằm ngang nằm dọc gồng mình ra đón những đợt sóng hung bạo từ ngoài khơi xa xăm đập thẳng vào nghe ầm ầm, ầm ầm suốt ngày đêm. Những con hàu già cỗi rong rêu xanh xám bám dầy dưới chưn đá từng lớp lớp. Đá xanh đen thi gan cùng biển cả nằm lỳ ra đó cả triệu triệu năm. Bên kia vách đá là làng đánh cá của ngư phủ Mã Lai. Mỗi sáng từng đoàn ghe thức dậy một lượt với mặt trời, nổ máy dòn dã xình xịch ra khơi. Ghe đánh cá Mã tương đối nhỏ nhưng hai bên hông to bè ra, khác với ghe Việt thon mà dài. Mới ngó là phân biệt được liền. Ghe mình giống một cô gái ốm cao và chưa chồng. Ghe Mã là một bà bầu lùn thấp được trang điểm sặc sỡ từ đầu đến chưn. Chiếc nào cũng còn mới được sơn phết đủ thứ màu, hầu như không thấy dấu vết đen đúa cũ kỹ hư mục. Những tảng màu xanh đỏ vàng trắng được sơn xen kẽ nhau lằn nhỏ lằn to vòng quanh thân ghe, tạo được cái vẻ xinh tươi đẹp đẽ. Những ngư dân đánh cá ở mặt trước đảo, họ dùng lưới nhỏ và ít người bạn phụ việc vì có lẽ nơi đây còn quá gần bờ. Những ghe lớn có dàn lưới to hơn chắc ở tận ngoài khơi. Ngoài mấy ghe đánh cá còn có những chiếc chuyên chở hàng óa, những loại trái cây thổ sản giống y bên mình. Những ghe chở dừa, chuối, thơm, mía... được chất khẩm đầy khoang, ghe lướt êm đè sóng mà đi từng đoàn bốn năm chiếc. Buổi chiều mặt trời mỏi mệt vừa nghiêng xuống gần mặt nước thì những đoàn ghe đánh cá xình xịch trở về đi ngủ. Trên ghe thấp thoáng người dân Mã quấn khăn trên đầu mặc xà rông thong dong ngắm trời mây. Đời sống họ trông có vẻ an nhàn sung túc. Nhìn vẻ thoải mái của họ mà tôi sướng lây. Cả ngày không việc gì làm tôi bồng con nhỏ sáng sáng chiều chiều đón ghe đánh cá đi, về để cho qua thì giờ khắc khoải chờ đợi. Mãi cho đến một buổi chiều khoảng bốn, năm giờ, ánh nắng còn chói gay gắt trên mặt biển, từ thiệt xa có một chiếc thuyền Mã chạy thẳng ngay vô đảo. Tôi mắt kém nên không để ý làm chi. Mỗi ngày có hàng hai ba chục chiếc đi ngang qua đảo là thường. Ngoài ra có chiếc của tụi lính liên lạc với đất liền hàng ngày, đó là không kể những chiếc tàu sắt đồ sộ thường ghé đậu cặp cầu tàu. Chiếc thuyền nhỏ như cái tô lần lần lớn như con bò mộng... rồi bằng cái xe hơi. Tôi cũng thấy gì khác hết. Anh Tư Trần Hưng Đạo nhìn thấy là lạ rồi đi sấn ra bờ cát. Bỗng dưng anh la lớn:

-- Thuyền tiếp tế, bà con ơi!

Tiếng la chói lói, tôi giựt mình rán nhìn kỹ thấy ghe sơn trắng toàn thân, có cắm cờ lưỡi liềm đỏ. Tôi không biết cây cờ nầy có ý nghĩa gì. Tại sao lại hình trăng lưỡi liềm đỏ? Trong bụng phân vân, hồi hộp. Lạy trời cho đúng là thuyền tiếp tế đến từ đất liền như Tư Máy Cày hy vọng. Thực phẩm đổi được ăn tới chiều nay là vừa hết. Nếu không được tiếp tế thì làm sao bây giờ. Vàng hết rồi, đồng hồ cũng hết rồi, đô la thì không có... Cờ hình trăng lưỡi liềm màu đỏ? Trăng lưỡi liềm là biểu hiệu của Hồi giáo, vậy ghe nầy chắc của các hội từ thiện Hồi giáo Mã Lai. Thôi kệ cũng có chút hy vọng, miễn là được tiếp tế chút ít cầm hơi... Sơn đứng kế bên đập mạnh vào vai tôi kêu to:

-- Trên thuyền có anh Chiêu...

Tôi rán hết sức nhìn thấy có hai ba người đứng trên khoang chỉ chỏ.

Sơn tiếp tục nói lớn:

-- Kìa kìa anh Chiêu đứng kế bên thằng Hiếu. Có thằng cha Mã Lai mập đứng kế bên.

Tôi mừng quá, nước mắt ứa ra, miệng hỏi lia lịa:

-- Coi cho kỹ phải thằng Chiêu thiệt không, coi chừng lầm với ai...

Chiếc ghe tiến lại gần, gần hơn nữa, lá cờ phần phật. Trong khoang chun ra thêm một người mặc áo trắng.

-- Anh Chiêu rõ ràng, phải rồi anh Chiêu với thằng Hiếu...

Lúc đó cả trại túa ra đen nghẹt trên bờ cát. Người người nôn nao hồi hộp. Tôi mừng muốn ngộp thở. Chiêu đã được bình yên trở về. Trời ơi, còn nỗi sung sướng nào hơn nữa. Từ đây lòng tôi không còn dằn vặt áy náy. Lúc đi có anh em đầy đủ, nào ngờ giữa đường gặp phải cảnh bất trắc phải bỏ lại Chiêu trên bờ đất lạ bơ vơ. Bên tai tôi người ta bàn tán xôn xao ầm ỹ. Bọn lính trong đồn đã ra tới. Thuyền ghé sát vào bờ. Bây giờ tôi mới thấy rõ Chiêu mặc áo ngắn quần cụt đứng với vài người Mã dân sự. Hiếu ngồi một bên. Thuyền chở thực phẩm tiếp tế chất khẩm cả khoang. Nước lắp xắp ngang be. Thuyền rấn lên bờ cát ngừng hẳn. Chiêu nhảy tòm xuống nước bước bì bõm đi lên. Xám Mã Chải nghe tin em về, mừng quá nhờ người cõng ra gặp Hiếu. Hiếu vì bị đánh ở chưn còn đau nên không đi bình thường được. Hai anh em ôm nhau, đứng một chưn, một chưn cò cò, mừng mừng tủi tủi. Cái số gì mà kỳ cục, hai anh em vượt biên đều bị cà nhắc. Chiêu vừa tới bờ thì anh em chúng tôi vây quanh nó tíu tít. Mừng quá Chiêu nói muốn hụt hơi. Tôi nhìn thấy mắt nó hấp háy mới nhớ ra Chiêu bị cận thị nặng, quay qua kêu mấy đứa em:

-- Đứa nào chạy về lều lấy cho nó cặp kiếng.

Vừa dứt lời thì Tiến, vì đã đem theo sẵn, tròng cặp kiếng vào mắt Chiêu. Được đeo kiếng cặp mắt nó sáng hẳn ra.

-- Chiêu nè, cái ghe nầy của hội nào vậy? Tại sao treo cờ lưỡi liềm đỏ?

-- Hồng Thập Tự Mã Lai đó. Nó tiếp tế cho mình. Ở bên Marang người ta biết bên nầy bị đói thành ra chở ra đây nhiều lắm. Có sáu bao gạo một trăm kí, hai bao đường, mấy chục thùng sữa, cá hộp, trà, muối...

Tôi nắm lấy tay nó:

-- Em bị đánh có sao không?

Nó rờ lên đầu, gãi gãi tóc:

-- Em bị nhẹ, tụi nó đánh ở đầu với ở lưng em chạy tuốt ra biển. Còn thằng Hiếu bị nặng hơn, nó bị rách da đầu và gãy ngón chưn út, phải vô nhà thương để vá lại. Bây giờ nó đi cũng chưa được. Ở Marang em được đưa vào trại tỵ nạn gặp anh Phùng Quang Tuấn làm trưởng trại. Ảnh có hỏi thăm anh. Em gặp vợ chồng anh Khải, ảnh có viết thơ cho anh...

Từng câu nói của Chiêu làm cho tôi sung sướng bồng bột. Tuấn dạy chung với tôi ở Trịnh Hoài Đức, Khải-Hoàng thì cùng quê. Trước ngày vượt biên Khải bị xe bộ đội đụng gãy chưn phải bó bột, tôi chở Khải bằng Honda để xuống Chợ Lớn đăng ký lên ghe. Tất cả được bình yên hết. Cũng nhờ trời thương. Nơi đất lạ mà gặp lại nhau thì mừng biết bao nhiêu. Nhưng mừng nhứt là gặp lại Chiêu với Hiếu còn lành lặn. Chiêu trở về đảo với một thùng hành lý xin được ở Marang. Nó lục trong thùng đầy quần áo xin được, trong đó có mấy gói tép phơi khô, đưa cho tôi một gói:

-- Hồi ở bển, em rảnh đi xúc tép ngoài bờ biển, tép con nhiều lắm, phơi khô để dành. Em biết bên đảo không có gì ăn hết. Tụi lính Mã nó bỏ đói mình để mình phải lòi vàng ra cho nó, khi mình hết trơn rồi nó mới tiếp tế cho ăn...

Nghe Chiêu nói, tôi mới sáng mắt ra. Thiệt ngu quá, có như vậy mà cũng không biết cứ nghĩ tụi lính tử tế chịu cực chịu khổ đi về đất liền mua thực phẩm cho mình.

-- Anh biết không trại Marang là trại của những người đã được tuyển lựa để đi đệ tam quốc gia nên được nuôi tử tế. Mỗi bữa được phát cơm trắng với hột gà, canh cải luộc, gan ướp càry... Mà tụi Mã Lai nấu ăn bằng dầu dừa hôi hôi, ăn ngán lắm nên người ta đổ bỏ đầy ắp thùng rác...

-- Trời, hột gà luộc với gan càry mà chê hả? Bên nầy tụi anh không có cơm trắng mà ăn! Chỉ cách nhau có một khoảng biển mà bên no bên đói. Để khi nào anh được qua đó, anh ăn hột gà với gan càry cho em coi. Nghe nói không cũng thấy ngon rồi!

Hai anh cùng cười. Nỗi vui mừng khiến tôi no ứ. Bây giờ ở bờ cát người ta bu quanh chiếc ghe như ngày hội lớn. Mấy người Mã Lai dân sự làm thủ tục bàn giao thực phẩm với Tăn Ku. Tụi lính chọn người khỏe mạnh xuống thuyền chuyển đồ tiếp tế lên đồn. Ai cũng háo hức nhìn đống thực phẩm đầy nhóc trên ghe tuy trong bụng đói meo. Cả đảo đã nhịn đói cả tuần, bữa có bữa không. Sáu thanh niên trai tráng chia nhau khiêng một bao gạo một trăm kí. Người nào người nấy đi xững vững, bao gạo tuột lên tuột xuống coi bộ không kham. Chiêu vì lúc trước nhà có bán gạo nên biết cách khiêng. Nó giành khiêng một mình một bao. Bao gạo đè nặng lên vai coi bộ nó cũng đuối sức. Phì Lũ thấy vậy bước tới giành lấy bao nghiêng vai đỡ lấy rồi đi thẳng về đồn. Anh bước đi chắc chắn vững vàng. Một trăm kí lô trên vai mà đi như không, mạnh thiệt tình. Phì Lũ người Tàu độ chừng ba mươi bảy, ba mươi tám. Lúc còn ở Bạc Liêu thấy anh đi chiếc Toyota Corolla có tài xế bộ đội lái, người bệ vệ to lớn, đẹp trai, mới nhìn qua cứ tưởng ông lớn nào. Nào ngờ trời xui đất khiến lúc đi khiêng gạo lại gặp nhau. Căn lều của anh cất y như villa nghỉ mát ở Vũng Tàu, sàn lót bằng ván, vách dừng bốn phía, cũng có hành lang thụt ra thụt vô, cổng chánh cổng phụ, trang trí đẹp lắm. Nếu đem đấu xảo thì lều Phì Lũ được chấm hạng nhứt khu tỵ nạn đảo Dừa liền tức thì. Suốt ngày anh ta cặm cụi cưa cắt đục đẽo, tánh tình hiền lành vui vẻ dễ thương. Tụi thằng Cương với thằng Dân thủy thủ xì xầm rằng vàng với đô la của Phì Lũ cả bó. Điều đó không biết có đúng không?

Sau đợt khiêng gạo, mọi người chia nhau khiêng cá hộp, sữa hộp, đường trà... Ai nấy đều vui mừng hiện lên nét mặt. Như vậy là không sợ bị đói nữa rồi, người ở đất liền đã biết tới đám người tỵ nạn ở đảo. Có cảnh sát biết, có Hồng Thập Tự biết. Buổi tối đó cả trại vui như Tết. Chiêu trở về ở chung với mấy đứa em tôi. Tôi qua lều tụi nó, dưới ánh đèn tù mù, nói chuyện tới khuya. Nhờ anh em đông nên lều được cất khá lớn và rộng rãi. Câu chuyện nổ dòn như bắp rang. Bây giờ Chiêu như một cái gạch nối, liên lạc tin tức giữa đảo với đất liền. Trên nửa tháng trời trên đất Mã Lai mà chúng tôi có biết gì đâu ngoài chuyện Tăn Ku với bà Chiều Tím, chuyện mấy thằng khỉ đột Zăm Bri, thằng võ sĩ rụng răng Johny, thằng già dê "ti đu," thằng già Adidas... rồi hết. Nếu có ai hỏi tôi rằng Mã Lai cảnh vật ra sao, tôi không ngần ngại mà nói rằng ở đó dừa nhiều lắm, chỗ nào cũng có dừa mọc. Đất nước Mã Lai trong tôi lúc bấy giờ là đảo Dừa! Tôi biết chỉ có bao nhiêu đó mà thôi. Theo Chiêu thì ngoài trại Marang để dành riêng cho những người đi định cư còn có trại Bidong, Kota Bharu, Kuantan, Mersing, Pésa, Mérang, Kuching... trại nào cũng chứa người tỵ nạn đông lắm. Lần lượt nó nói tới các thủ tục để đi định cư ở đệ tam quốc gia... Tôi ngồi nghe mê mẩn trong đầu tưởng tượng ra đủ thứ chuyện kỳ thú, chuyện nào cũng hấp dẫn say mê. Trong lều cây đèn dầu cặn làm bằng hộp lon lượm được, tỏa ánh sáng tù mù, mùi khói hôi rình. Mặt mày đứa nào đứa nấy nhá nhem không rõ. Nhưng tôi thấy hết được niềm vui của tụi nó trong câu nói, trong tiếng cười, trong hơi thở. Tôi biết rất rõ vì tình cảm của tôi đối với Chiêu ra sao thì các em tôi cũng y như vậy. Chiêu dễ thương quá, nó tốt đối với mọi người.

Trong khi anh em tôi hàn huyên tâm sự thì văng vẳng từ xa vang tiếng chửi lộn ồn ào. Tôi rán lắng nghe. Ban đêm gió lồng lộng, tiếng chửi chợt thoắt chợt hiện. Lần nầy rõ ràng tiếng người Tàu chửi nhau bằng tiếng Việt. Giọng nói líu do. Tôi bước ra khỏi lều thấy một đám người lố nhố ngoài bãi cát. Chiêu bước ra theo tôi:

-- Chắc là vụ thằng Hiếu với Hủ Tiếu rồi. Hồi còn ở Marang nó có nói với em khi về thế nào nó cũng kiếm Hủ Tiếu để thanh toán.

Tôi chợt nghĩ ra:

-- Ừ ừ đúng rồi hôm trước thằng Xám Mã Chải cũng có chửi Hủ Tiếu một lần về vụ bỏ thằng Hiếu với em ở lại Marang...

Trên bãi cát một bóng người cao lêu khêu đi hướng về lều anh em tôi đang đứng, chừng lại gần mới biết là Dân "gì đó." Nó ôm lấy Chiêu mừng rỡ:

-- Hồi chiều gặp anh mà chưa nói chuyện nhiều gì đó. Tính lại chơi hồi nãy mà bị cái vụ gây lộn của Xám Mã Chải với Hủ Tiếu phải ở lại coi gì đó.

Tôi xen vô:

-- Sao Dân thấy cái gì vậy nói cho tụi anh nghe coi...

Nó quơ tay cười hở miệng thấy cái răng vàng sáng lên trong bóng đêm:

-- Anh em thằng Xám Mã Chải nhảy cò cò đòi đánh Hủ Tiếu. Đám Hủ Tiếu đông quá có A Son, A Tài, Nhựt Bổn dàn ra nên tụi nó không làm gì đó được. Cuối cùng rồi hai thằng phải vịn vô nhau đứng bên ngoài lều chửi vọng vô gì đó cho vợ con Hủ Tiếu nghe. Nó chửi đủ thứ chuyện... Nhưng bây giờ thì hết chửi rồi.

-- Bộ Hủ Tiếu xin lỗi nó hả?

-- Đâu có Hủ Tiếu cũng chưởi lại chớ đâu có xin lỗi gì đó.

-- Nhưng tại sao lại không chửi nữa?

Nó lại cười nhăn chiếc răng vàng:

-- Chửi làm sao được nữa gì đó. Thằng "ti đu" xách đèn pin đi xuống kêu "ti đu, ti đu" gì đó um sùm. Ai nấy riu ríu đi vô lều ngủ hết gì đó. Thằng Hiếu với thằng Xám Mã Chải cũng nhắc cò cò gì đó đi về. Có muốn chửi nữa cũng không được!

Nói xong nó nắm tay Chiêu hỏi:

-- Anh Chiêu cũng bị bỏ trên bờ y như Hiếu gì đó nhưng anh có ghét Hủ Tiếu không?

Chiêu suy nghĩ một hồi khá lâu, trả lời:

-- Không. Theo anh thì không buồn gì Hủ Tiếu hết. Ở địa vị của ông ta thì phải làm sao bây giờ. Đổ bộ xuống thì không được, ghe đông người quá mà tụi Mã Lai làm dữ không cho, ở lại hoài thì neo đã đứt sóng đánh hoài tàu lắc lư chịu làm sao nổi, chỉ có cách là bỏ ra đảo như vầy rồi thủng thẳng tính... Trước sau gì mình cũng gặp nhau mà.

-- Ừ em cũng nghĩ như vậy. Không phải em binh Hủ Tiếu gì đó, nhưng em thấy anh em Xám Mã Chải nóng quá... À à hồi nãy khi tụi nó chửi lộn gì đó em thấy có một chuyện gì đó ngộ hết sức...

Nói xong nó đứng nhăn hàm răng cười. Cái thằng thiệt tình, khi nào có chuyện gì éo le, ly kỳ thì nó tỉnh rụi.

Tôi nghe nó nói xong, chờ hoài sốt ruột hối:

-- Mầy thấy chuyện gì mà ngộ hết sức. Nói đại cho rồi chuyên môn cù cưa cù nhằn. Ba cái vụ gây lộn thì loay hoay cũng có bao nhiêu, chớ có cái gì mà ngộ?

Nó bỗng ngưng cười, hỏi tôi:

-- Anh biết cô em vợ Quách Linh Hoạt không?

Tôi ngạc nhiên:

-- Cái thằng nầy, đương nói chuyện gây lộn tự nhiên xen vô hỏi chuyện đàn bà con gái. Bộ Dân muốn anh làm mai cho cô đó hả. Ừa con nhỏ đó coi được lắm à nghen. Hồi còn ở Bạc Liêu anh thường lại chơi với Quách Linh Hoạt, con đó đẹp mà cũng dễ thương lắm.

Dân "gì đó" lại cười đập vào tay tôi:

-- Đâu phải em muốn gì đó. Tầm bậy nè. Hồi nãy khi anh em Xám Mã Chải chửi Hủ Tiếu thì cô đó đứng cạnh bên anh Hiếu. Anh Hiếu đứng có một chưn có lần muốn ngã, ảnh vịn vô vai cổ... mà cổ đứng im ru!

Rồi nó kết luận ngon lành:

-- Chắc hai người quen nhau gì đó lâu rồi...



Tôi cười ha hả: -- Cái thằng nầy nghi bậy nghi bạ. Hổng cho Hiếu vịn vai, xô nó ra nó té làm sao. Cái gì mà thắc mắc lạ lùng. Thằng Hiếu còn trẻ đẹp trai, con nhỏ đó đẹp gái, hai đứa có đá lông nheo thì cũng hợp lý hợp tình. Thôi thằng Hiếu được trở về đảo cũng mừng cho tụi nó... Mà em để ý mấy cái đó làm chi?

Tôi thấy thằng Dân "gì đó" có vẻ lựng khựng, bèn hỏi:

-- Mà anh hỏi thiệt nè, nếu quả thiệt con nhỏ đó thương thằng Hiếu, em có buồn gì đó không?

Nó trả lời xuội lơ:

-- Thiệt mà, em đâu có thương ai. Thôi em về, mai em qua chơi gì đó với anh Chiêu... Cũng khuya lắm rồi... cả trại đã ngủ hết gì đó!

Nó về rồi tôi mới thấy mình lãng nhách. Chọc làm gì để nó nói chuyện nghe cho vui. Tối nay rằm hay mười sáu, trăng lên co tròn như cái nia tỏa ánh sáng vàng nhàn nhạt. Trăng lốm đốm hình thằng Cuội già ngồi dựa gốc cây đa sù sì, trong bụng ôm một giấc mơ. Cuội mơ tìm người yêu đã bao năm qua? Chắc Cuội không đẹp trai hay Cuội vì nhút nhát quá không dám nói, cứ ngồi ôm gốc cây hoài?

Nó quay về bước chầm chậm tránh gay góc hầm hố, dáng lêu khêu lỏng khỏng. Bãi cát loang loáng ánh trăng. Gió thổi mạnh từng cơn, lá dừa xào xạc trên đầu. Tôi phân vân trong bụng câu chuyện vừa rồi, không biết là Dân "gì đó" kể lại vụ Hiếu vịn vai em vợ Quách Linh Hoạt là do tình cờ chứng kiến nhắc lại cho vui hay là anh ta ghen tức?

-- Chiêu nè, em đoán coi Dân "gì đó" có gì đó với em vợ Quách Linh Hoạt không?

Chiều cười trả lời:

-- Làm sao biết được chuyện trong bụng nó, cũng dám có lắm à nghen!

Rồi hai đứa xúm nhau cười ngất, chia tay nhau về ngủ trong niềm vui sướng đầy tràn. Cuộc đời tự nó vốn đẹp và dễ yêu hết sức, nếu mình biết cách lựa lọc những chi tiết ngộ nghĩnh chung quanh với một cõi lòng khoan dung vui vẻ và nhân ái. Cũng như biển cả bao la thu nhận tất cả nước đục và trong của muôn ngàn sông suối đổ về. Nước đục cùng rác rưởi cặn cáu lắng dần xuống tận đáy đại dương sâu thẳm rồi mất hút, còn lại là khối nước trong xanh muôn đời reo vui.

Sáng sớm hôm sau, cả nhóm sắp hàng đi lãnh thực phẩm. Chị Thùy Dương, thay mặt đám tỵ nạn làm trưởng toán đã nằm dài trong lều lập danh sách hồi tối hôm qua dưới ánh đèn cầy khi tỏ khi mờ. Nhờ có Bi nên gia đình tôi được kể ba người. Mỗi người được lãnh bốn lon gạo, một lon đường, một hộp cá mòi nhỏ cùng trà và muối. Gia đình nào có trẻ em dưới hai tuổi được thêm mỗi em năm hộp sữa đặc có đường. Hộp sữa hiệu Blue Cross màu xanh cao gấp đôi hộp sữa Ông Thọ của mình. Sướng quá, vừa hết gạo thì được tiếp tế đúng lúc. Cả đảo bừng lên sinh khí, mặt mày ai cũng tươi rói cười nói rần rần. Người nầy chạy qua lều người kia để mồi lửa nhúm bếp. Các bếp mấy hôm trước lạnh tanh, nay lửa đỏ reo vui bập bùng. Con nít tràn ra đầy bờ biển chạy giỡn nô đùa như những ngày mới tới. Gạo Mã Lai xay thật trắng, thật nở nhưng ăn không dẻo hơi khô bời rời và lạt nhách. Tư Trần Hưng Đạo khám phá ra cách nấu cơm bằng nước biển mặn và truyền bí quyết lại cho. Mỗi khi nấu cơm tôi cầm cái gàu mên đựng gạo đi tuốt ra ngoài bờ nước, nơi có nước trong. Vo gạo xong rồi múc nước biển về nấu. Cơm chín ăn ngon hơn là nấu với nước giếng. Còn mì gói thì ngon hơn mì Chợ Lớn làm. Được phát nhiều nhứt là mì nấm. Tôi bắt đầu ăn cơm trở lại, chương trình nấu cháo dẹp qua một bên. Cá hộp ít quá, chỉ mới vài ngày là hết. Mấy ngày sau ăn cơm trộn mì. Mì trở thành đồ ăn để ăn với cơm. Buổi sáng lấy sữa khuấy với đường, vợ chồng cha con có được bữa điểm tâm sang hết sức. Cái ăn đã có rồi phải lo tới cái ở. Theo Chiêu nói chắc còn phải ở đảo nầy lâu lắm. Việc cần thiết là phải che lều, không thể tiếp tục cảnh màn trời chiếu đất như vầy, rủi gặp một trận mưa lớn thì sao? Mấy người xung quanh ai nấy cũng đã tìm cây, tìm văn dựng lều từ lâu rồi. Tôi nhìn quanh nhìn quất trong đống củi vụn ở gốc dừa có hai cây cột bự cỡ một tấc vuông dài độ một thước, được người ta lấy ra từ các ghe mục, không dùng được việc gì nên bỏ đó. Tôi è ạch khiêng về, xin thêm vài cây tre của Út Trung còn dư, bao nhiêu đó cũng đủ vật liệu cất một cái lều nhỏ như hồi xưa che lều chơi trò đám cưới. Chú rể là tôi nè, Duyên làm cô dâu là xứng đôi vừa lứa, còn Bi thì làm gì đây? Thôi làm khách đi dự đám cưới, đứng vỗ tay cho vui... Cái lều được dựng bằng hai cây cột bự đó, thấp chủm, gác mái lên lều anh Tư Trần Hưng Đạo. Mái lợp bằng lá cọ hình rẽ quạt giống như lá dừa nước. Gia tài chỉ có con dao nhỏ. Tôi cầm dao rủ Chiêu và Dân "gì đó" thì theo để phụ ôm lá vác về, cả ba đi sâu vô rừng vì ở các vùng gần và dễ đi người ta đã cắt sạch trơn rồi. Ở phía tận bên trong rừng xanh thăm thẳm, cọ mọc từng bụi lớn san sát um tùm. Rẽ cỏ mà đi vì chưa có dấu chưn người. Tôi lựa những cọng cọ lớn lá xanh dầy cắt một hơi cả ôm, nhiều quá ba đứa vác không muốn nổi. Về tới tôi lựa ra chất ngang chất dọc đầy trên nóc lều. Thế là xong cái mái. Rồi chạy ra mé biển lượm sợi dây đỏi ghe đem về tách nhỏ ra cột chặt các tàu lá cho khỏi bay. Vào trong lều nhìn lên trời tuy thấy còn nhiều tia nắng nhỏ nhưng đã dễ chịu hơn lúc còn che tấm ny long mỏng manh. Các ngày sau tôi lại vô rừng cắt thêm lá sắp lên nóc cho dầy thêm. Lều kín đao hoàn toàn. Bốn bề cũng bằng lá cọ che kín, mặt hướng ra biển có chừa một cái cửa nhỏ để ra vô. Trong lều giăng xong cái mùng là vừa hết chỗ. Dưới sàn trải cát phẳng phiu rồi lót tấm ny lông lên trên làm nền. Đi đứng nằm ngồi cát bám đầy. Chỉ có cái lều nhỏ cheo leo trên bờ biển sao mà hạnh phúc quá sức. Tôi còn mong gì hơn!

Không, tôi vẫn còn mong chớ. Mong ngày được dời qua đảo Bidong, nơi đó có trại tỵ nạn, có Cao Ủy Liên Hiệp Qốc, có phỏng vấn để được đi định cư... Mỗi sáng, mỗi chiều tôi bồng con ngóng trông ra biển, chờ đợi. Bi sau khi kêu được vài tiếng ba ba, má má, đã bắt đầu bập bẹ. Những lúc trời mát mẻ, nó nghiêng mình ra phía trước chưn đạp chòi chòi vô hông đòi... đi chơi. Hai cha con thường thơ thẩn đi dọc theo bờ nước. Những chiếc ghe mục rã đầy sỏi cát rong rêu nằm rải rác đây đó. Bao nhiêu ghe đã tắp vô đảo Dừa hoang vắng, bao nhiêu người đã đặt chưn lên bờ cát nầy, tôi không biết. Chỉ biết vào khoảng chín giờ sáng hôm đó trời đã chan hòa ánh nắng trên biển xanh, một chiếc ca nô cảnh sát sơn màu trắng chữ xanh chạy vun vút từ ngoài khơi vào đậu cặp cầu tàu. Nó kéo theo một ghe vượt biên nhỏ xíu. Đám đông bu quanh, tôi bồng Bi chen vào. Mọi người nhìn chiếc ghe lom lom. Nó nhỏ quá. Chiếc ca nô cảnh sát đã nhỏ, nó đậu cặp sát bên, nhỏ hơn thấy mà sợ. Ở cầu tàu sóng nhỏ lách chách vậy mà nó trồi lên hụp xuống như sắp lật tới nơi. Nó chỉ lớn hơn chiếc xuồng tam bản chút xíu. Tôi nhìn kỹ trên ghe ai nấy đều tươi tỉnh, thầm đếm tất cả được mười một người, phần lớn là đàn bà con nít, chỉ có hai người đàn ông thay phiên nhau lái. Hỏi thăm được biết các người đó ở Tân Định, bà chủ ghed làm y tá ở bịnh viện đô thành. Bà người Huế, dáng người lanh lẹ tháo vát chỉ huy cáng đáng mọi việc. Bà sửa soạn chiếc ghe chu đáo và ra khơi. Khi ngang qua Côn Đảo gặp sóng gió tưởng đâu đã chìm may nhờ trời thương, thoát khỏi. Tối hôm qua ghe ủi đại vào bến Marang cả đám kéo nhau vô ngủ trong một trường học. Bà nói tới cái địa danh Marang, tôi nhớ lại cái bãi tắm ghe tôi bị bắn đuổi ra, Chiêu Hiếu lội vô bờ bị đánh đập, bèn hỏi:

-- Khi vô Marang bà có bị tụi nó làm khó dễ gì không?

Bà cười, vẻ tự tin:

-- Cũng không có gì khó khăn lắm. Tôi đã chuẩn bị sẵn vàng đưa cho nó một ít. Nó tìm chỗ cho chúng tôi tạm nghỉ qua đêm rồi sáng nay kéo qua đây. Xin không được thì phải mua...

Trời, chuyện dễ như trở bàn tay như vậy, một người đàn bà bình thường cũng nghĩ ra được, vậy mà cả ghe tôi trên ba trăm người không ai biết cách giải quyết hết, thiếu điều chết lên chết xuống. Hủ Tiếu ơi là Hủ Tiếu, bị anh em Xám Mã Chải chửi cho một trận nghĩ cũng đáng đời! Ngu quá là ngu...

Tư Trần Hưng Đạo kề tai tôi:

-- Ê bồ, bây giờ tôi cho bồ mười lượng vàng, bồ vượt biên từ Việt Nam trở qua với chiếc ghe nầy, dám không?

Tôi lắc đầu le lưỡi, trong bụng thầm phục bà y tá Huế và gia đình nầy can đảm hết sức. Và trong cuộc vượt biên vĩ đại của toàn dân Việt Nam gồm cả miền Bắc, miền Nam, đường thủy, đường bộ biết bao nhiêu gương can đảm, anh hùng nữa mà tôi không biết?

Tôi quay qua hỏi lại:

-- Còn anh thì sao?

Anh Tư nheo mắt:

-- Thì cũng y như bồ vậy, tôi đâu có biết lội.

Nói xong hai anh em cùng cười rồi quay về lều. Trời đã bắt đầu nóng gắt. Tôi để Bi xuống cho đỡ mỏi tay. Duyên bắt đầu vo gạo để nấu cơm trưa. Thằng nhỏ đi chập chững vài ba bước cuối cùng ôm cứng lấy tôi miệng bập bẹ:

-- Ghe vượt... biên... ghe vượt biên...

Trời đất ông địa ơi, thằng Bi nói được mấy cái tiếng nầy rồi. Tôi ngồi im để coi nó nói lại ra sao. Thằng nhỏ níu lấy cánh tay tôi kéo mạnh, chỉ ra biển đòi đi chơi:

-- Đi coi... ghe vượt biên, đi coi... ghe vượt biên!

Tôi phì cười, bồng nó lên bước ra bãi cát, mới có chút xíu mà biết nói ghe vượt biên rồi. Chắc nó nghe mấy đứa nhỏ nói chuyện ầm ỹ nên bắt chước theo. Hai cha con bồng bế nhau đi trở ra cầu tàu. Chiếc ca nô cảnh sát đã đi mất. Đám bà y tá người Huế đang lo dựng lều tạm nghỉ ngơi. Tôi nhìn ra biển thấy một chiếc ghe xam xám đi ngang. Dám ghe vượt biên nữa lắm. Tôi chú ý nhìn kỹ hơn. Một lá cờ trắng treo ở cột định hướng. Nắng loang loáng trên biển xanh. Đúng rồi, ghe Việt Nam mình. Đám con nít đang nô đùa trên sóng, chợt thấy ghe chạy ùa lên la hét ầm ỹ:

-- Ghe vượt biên... bà con ơn ghe vượt biên!

Đám người trong lều lại túa ra lần nữa. Trên bãi cát ngoài những cây dừa cao vút là những trái tim nồng nhiệt đón chờ, tất cả đều náo nức kêu to:

-- Vô... vô...

Tụi lính trong đồn, giờ nầy chắc đang ăn cơm trưa nên chưa thấy bóng dáng anh nào, ai cũng sốt ruột lo sợ tụi nó ra cản trở gây khó khăn. Út Trung cầm cái khăn tắm phất lia phất lịa. Chiếc ghe xả hết tốc lực đâm thẳng vô bờ. Khoảng cách càng lúc càng gần. Tôi thấy hai chữ Phú Quí vẽ ở mũi ghe. Vậy là ghe nầy xuất phát từ đảo Phú Quí ở Nha Trang. Bi vỗ tay, miệng bi bô:

-- Ghe vượt biên, vô... vô...

Thằng nhỏ coi bộ vui hết sức, không hiểu nó nghĩ gì trong cái đầu non nớt kia. Tôi nhìn chiếc ghe phăng phăng trên sóng, xúc động nhớ lại những ngày trước đây cha con tôi cũng ở vào cái hoàn cảnh nầy. Ghe đã vô gần tới bờ. Thằng Johny, thằng "ti đu" đã chạy ra hầm hừ. Nhưng không kịp nữa rồi, chiếc ghe đã rướn lên bãi cát và dính cứng ở đó. Trên ghe lố nhố toàn thanh niên, không thấy ông già bà cả cùng con nít. Cũng không đông lắm chỉ độ hai mươi người. Tiếng ồn ào của đám đông mừng rỡ. Người ta cười nói, vỗ tay, la hét. Tăn Ku cũng vừa ra tới với đám thủ hạ. Nó chận đám đông lại không cho lại gần nhau. Bọn lính đứa nào đứa nấy đầy vẻ bực tức nóng giận. Số người mới đến được dẫn ngay lên bờ và bị biệt lập. Tất cả được dẫn về đồn sau khi đã bị lục soát lấy hết vật dụng, hành lý. Không biết do đâu mà người ta biết được nó đi từ Phú Quí (Nha Trang) đến đây đúng mười một ngày. Chiếc ghe hầu như bị hư nặng. Dưới lườn bị nứt những khe nhỏ bằng ngón tay. Nước vô đầy khoang sắp chìm, cũng may tới nơi kịp lúc. Cũng thời hai ghe vô đảo cùng một buổi mà những người thuộc ghe Tân Định được dựng lều thong thả cũng như liên lạc tiếp xúc với đám chúng tôi thoải mái. Trong khi đó ghe Phú Quí bị đối xử khắc nghiệt hơn. Họ bị cô lập gần như giam lỏng ở trong đồn, không ai được tiếp xúc. Mấy thằng Mã Lai nầy kỳ cục thiệt, không ai biết nó tính chuyện gì. Vài ngày sau vào buổi sáng sớm, có tin cho đi Bidong, cả đảo ùn ùn mừng rỡ. Nhưng đi qua Bidong bằng cái gì bây giờ, không ai biết hết. Tăn Ku từ trên đồn đi xuống, lo le cây gậy trong tay, sấn vô từng lều ra lịnh cho thanh niên trai tráng phải ra mé biển sửa soạn ghe tàu để chuẩn bị chuyến đi. Tôi giao Bi lại Duyên tâm trạng nửa mừng nửa lo. Mừng là sẽ được rời Kapas nhưng lo là đi qua Bidong bằng gì bây giờ. Trên bến không có một chiếc ghe nhỏ ghe lớn nào để chở số người quá đông đảo hiện có. Tôi ngó quanh ngó quất chỉ thấy những xác ghe hư mục sét rỉ cùng chiếc Phú Quí sắp chìm. Còn chiếc tam bản của bà y tá Tân Định thì cũng đầy vẻ tang thương, con mắt ghe sơn ở mũi chỉ còn phân nửa, một nửa đã bị tróc mất. Hết rồi, còn chiếc nào nữa đâu, ngó tuốt ra khơi chỉ thấy sóng dồi lớp lớp.

Út Trung đi bên cạnh nói:

-- Chắc nó đưa mình đi qua Bidong bằng chiếc Phú Quí nầy.

Tôi trề môi lắc đầu:

-- Cái ghe gần chìm, máy móc liệt hết trơn làm sao mà đi đâu. Bộ muốn giết hết tụi mình sao?

Đám người đông đảo đã tề tựu trên bãi cát, Tăn Ku đến đứng giữa lo le cây gậy ngắn trên tay cái mặt nghinh nghinh đáng ghét, chị Thùy Dương đứng cạnh thông dịch:

-- Có lịnh ở trên cho biết là tất cả sẽ được chuyển qua trại Bidong. Vậy yêu cầu những thanh niên khỏe mạnh đẩy chiếc ghe nầy ra khỏi cát lún...

Nó lấy gậy chỉ chiếc Phú Quí nằm kẹt cứng trên bờ rồi nói tiếp:

-- Pulau Kapas nầy với Pulau Bidong gần lắm. Chiếc ghe sẽ có thợ lại sửa chữa cho tốt. Rồi sẽ chở tất cả qua bên đó, chia làm nhiều chuyến đi. Yêu cầu các anh rán sức...

Nó vừa dứt lơi, cả đám vỗ tay hoan hô mừng rỡ. Pulau Bidong... Bidong niềm mong mỏi chờ đợi của tất cả chúng tôi. Không chờ nói tới lần thứ hai, mạnh ai nấy ùa xuống biển ra sức đẩy xô. Thôi kệ, tuy cũ kỹ nhưng nếu sửa chữa đàng hoàng thì ghe vẫn còn tạm dùng được. Có cũng còn hơn không. Ở đảo nầy gần hai mươi ngày rồi, buồn quá. Chiếc ghe vì lấy trớn quá mạnh để ủi vô bãi bây giờ nó kẹt cứng ngắt trong cát. Cả trăm thanh niên khỏe mạnh reo hò vang dội, dùng hết sức đun đẩy ghe cũng không xê xích một phân. Nó dài cỡ chừng mươi thước bằng cây vậy mà nặng hơn sắt cục. Tăn Ku sốt ruột ra lịnh cho thằng khỉ đột Zăm Bri cầm gậy đi lùng từng lều kiếm thêm người. Lần này có thêm được gần mười người tiếp sức nhưng đa số già cả lụm cụm. Ngoài biển bấy giờ có thêm một chiếc ghe cảnh sát. Như có chuẩn bị từ trước, nó từ từ cặp vào chiếc Phú Quí dùng dây lớn cột đằng trước mũi ghe, tất cả mọi người đều ùa về phía sau lái đẩy tới. Ghe được kéo đằng trước, xô đằng sau từ từ nhúc nhích. Anh em mừng rỡ, reo hò ra sức. Một chút... một chút rồi một chút nữa. Nó di chuyển từ từ, ghe cảnh sát tăng vận tốc nổ máy inh ỏi, chúng tôi rán hết sức bình sanh. Chiếc Phú Quí được kéo dần ra xa hơn, xa hơn nữa cuối cùng nó thoát khỏi cát lún, nổi bềnh trên sóng nhấp nhô. Cả đám vỗ tay cười lớn mừng rỡ reo vui. Tất cả mọi khuôn mặt sáng tươi rạng rỡ. Chỉ còn chờ thợ tới sửa cho kỹ càng, châm thêm dầu mỡ, coi lại máy móc là có thể yên chí ra đi. Tôi cúi xuống rửa tay xong, vui sướng đứng ngắm chiếc ghe. Nào ngờ thằng võ sĩ rụng răng Johny tự nhiên kéo cò súng lên đạn rốp rôp, chĩa thẳng vào đám đông ngơ ngác đuổi hết lên bờ. Đi nữa, đi nữa, ra xa... tất cả phải trở về... Đám cảnh sát cũng ùa xuống ghe cấm người người ra khỏi lều. Tôi đứng lấp ló trong cửa, thắc mắc trong bụng, cái gì kỳ cục vậy? Các lều xung quanh cũng thập thò, những gương mặt ngạc nhiên sững sờ. Không ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra. Tụi Mã Lai nầy sao cũng giống Việt Cộng, làm việc kín đáo và bí mật, nhứt là dối trá. Trước mặt tôi bây giờ là một đoàn người bị áp tải ra ghe. Các bạn của chiếc Phú Quí bị biệt lập hôm trươc và có thêm vài thanh niên của chiếc Rạch Giá tới từ lâu. Đi kèm xung quanh là toán lính đằng đằng sát khí, vừa đi vừa nạt nộ. Những anh em tỵ nạn thất thơ thất thểu quần áo xốc xếch cố gắng chống cự trong tuyệt vọng để mong được ở lại. Có một người trạc độ ba mươi lăm, ba mươi sáu dáng trí thức đeo kính trắng bước ra tranh luận với Tăn Ku. Hắn không nói không rằng lấy hết sức đánh mạnh vào đầu vào cổ của anh. Cây gậy phang vun vút. Anh đưa tay đỡ gạt. Cái kiếng văng xuống cát bể nát. Đám lính xông vào tha hồ đấm đá. Anh gục xuống tả tơi như cái mền rách. Tôi nghe nhói trong tim. Một nỗi đau đớn khôn cùng. Cả người tôi sững sờ, tê dại... Khi anh ngất đi tụi lính xúm lại khiêng bỏ lên ghe. Các người còn lại sợ hãi thất thểu leo lên theo. Tuy ở khá xa tôi cũng cảm thấy những tiếng kêu đau đớn, những gương mặt thất thần, những dòng nước mắt tuôn trào... lòng tôi tan nát.

Chiếc ca nô cảnh sát đi trước dòng theo sau chiếc Phú Quí bập bềnh ngoan ngoãn như con cừu non. Không một bàn tay vẫy tiễn đưa. Tôi rán nhìn kỹ trên ghe, không thấy một ai nhúc nhích. Còn gì để nói nữa. Cả đảo ngậm ngùi cho những người bạn tỵ nạn xấu số. Tư Trần Hưng Đạo chun qua lều than thở:

-- Tụi Mã Lai nầy mọi quá, nó đánh người dã man. Phải chi mình đi luôn qua Singapore, ghé vô đây làm chi, khổ quá nè trời. Nó kéo trả về Việt Nam thì chết cả lũ. Không biết tại sao mà nó lại kéo chiếc Phú Quí ra khơi?

Thấy anh rầu rĩ lo lắng mà tôi run.

-- Anh Tư nè, theo anh thì các bạn trên chiếc Phú Quí hiện giờ ra sao? Có cách gì để thoát được không?

Tư Trần Hưng Đạo suy nghĩ một hồi:

-- Ra tới hải phận quốc tế tụi Mã sẽ chặt dây để đuổi trở về Việt Nam. Mấy "dã" có thể rán cầm cự cho đừng chìm, lênh đênh tắp vô một bến khác hoặc chờ gặp một ghe nào rộng còn tốt xin quá giang... cái đó là mình hy vọng, còn thực tế thì gặp đâu tính đó, đâu ai biết trước được. Tất cả mọi sự đều... nhờ trời!

Buổi chiều tối hôm đó cả đảo im vắng khác thường. Không còn tiếng nói chuyện nô đùa, không có kẻ nhàn du, đám con nít cũng đâm run thôi không chạy giỡn. Hình ảnh ban sáng đè nặng trong tâm tư tất cả mọi người ở lại. Chiếc Phú Quí mục nát như một ám ảnh chập chờn. Cái bánh lái cong queo, dưới lườn những lằn nứt rộng cỡ ngón tay, máy nổ rền rĩ như ông già lên cơn thở dốc... Nhưng biết làm sao bây giờ, con cá đã nằm trên thớt chỉ còn biết chờ chảo mỡ sôi! Tôi vụt nghĩ tới chiếc BL 1648 của tôi. Chiếc Phú Quí dầu sao cũng còn nổi trên mặt nước, còn chiếc BL 1648 bây giờ đã chìm tới ngang hông, làm sao mà chèo cho tới Bidong? Tôi nhìn Duyên và Bi tự hỏi -- bao giờ thì tới phiên mình?

Chiếc Phú Quí vừa bị kéo ra khơi ngày hôm trước thì ngày hôm sau vào buổi trưa êm ả, ở tận ngoài khơi một ghe tỵ nạn xuất hiện. Người ta lại túa ra đầy trên bãi cát la ó vang rân. Kẻ ngoắc, người hô. Bi lại đòi tôi bồng đi coi ghe vượt biên. Hình như thời gian ở đảo nầy nó chỉ nói được có câu đó -- ba, ba, đi coi... ghe vượt biên. Chiếc ghe đen loáng nắng không đoái hoài gì tới đám đông đương kêu gọi, vẫn bình thản đi luôn. Mọi người tiu nghỉu, giải tán từ từ. Còn lại trên bãi một số người ngóng trông chỉ chỏ. Tháng nầy biển thật êm, sóng chỉ gợn lăn tăn như trong mặt hồ. Nào dè một lúc sau nó lại quay trở lại nhưng chạy chậm chậm không có vẻ gì muốn vô. Đám người trong đảo lại một lần nữa vẫy tay reo hò kêu gọi. Nó do dự một hồi rồi mở máy thật mạnh đâm thẳng vào bãi. Tụi lính Mã khi hay kịp thì chiếc ghe đã vào tới bờ. Chiếc nầy khá lớn dài khoảng mười bốn thước, tình trạng còn khá tốt. Người trên ghe lần lượt leo xuống xác xơ, tơi tả, phong sương. Có đàn bà, con nít, độ bốn mươi người. Một ông già mặc quần áo nông dân bồng một đứa nhỏ khoảng mười tuổi nằm thiêm thiếp trên hai tay. Cái chưn của đứa bé bị thương được quấn bằng vải trắng đẫm máu đỏ tươi. Mặt em bé trắng bệch vì kiệt sức. Chúng tôi bao quanh, người nào cũng lộ vẻ ái ngại. Bà y tá Tân Định cùng cô con gái lớn chạy về lều lấy dụng cụ thuốc men cùng bông băng lại săn sóc. Tội quá! Thằng bé xanh mét nằm im không nhúc nhích. Cuộc hành trình trên biển đã ngất ngư rồi lại còn bị thương nữa, làm sao chịu nổi. Cũng may sao lại được vào Kapas sớm và cũng may lại có hai mẹ con bà y tá Huế ở đây. Tụi lính Mã Lai thấy có người bị thương cũng trơ mắt ra đứng ngó, chúng cũng không biết phải làm sao. Hôm nay chúng lại yên lặng không đuổi xô, không bắt biệt cư những người mới tới. Cũng không hiểu tại sao. Tôi thấy ông già bồng đứa nhỏ khi nãy đã rảnh rỗi đứng không, bèn lại hỏi chuyện:

-- Thưa bác, mấy người trên ghe có cần nước uống cho đỡ khát?

Ông khoác tay vẻ vạm vỡ, nói năng chững chạc:

-- Cám ơn cậu, không cần, còn nhiều lắm. Tôi có đủ hết!

Từ trong khoang những người thanh niên trai tráng lần lượt khiêng đồ đạc dụng cụ lên bờ. Có lẽ ông già nầy là chủ ghe nên đồ đạc gồm có đủ thứ, mấy cái lu đựng nước ngọt, hai cái tủ đựng quần áo, một cái tủ đựng đồ ăn, mấy cái ghế cùng hai cái bàn. Ngoài ra là quần áo, dao kéo lủ khủ. Đặc biệt nhứt là cái chuồng chim, bên trong có con sáo nhỏ. Thiệt tình tôi chưa từng thấy ai vượt biên mà được như ông.

-- Bác khởi hành từ đâu vậy? Tôi thấy em bé bị thương...

-- Tôi ở Gò Công, ghe nầy của tôi đó. Mấy đứa nầy là con cháu không hà, tôi không rước người lạ mặt đâu. Từ bển qua tới đây êm xuôi quá nào dè khi vô tới bờ Mã Lai bị tụi nó bắn đuổi đi, đạn lạc trúng vô chưn thằng con út tôi. Trên ghe đâu có thuốc men gì, phải lấy vải băng đỡ. Ghe phải bỏ đi nơi khác, mãi mới tới đây...

Tôi nhớ tới Marang, nhớ tới người Mã Lai ở trong khoang thuyền chui ra có cây súng bắn vào chiếc BL 1648, may mà không trúng ai. Tiếng ông già đều đều:

-- Khi đi tới đây tôi thấy có nhiều gian lều che tạm, thấy có xác ghe vượt biên, biết là có người tỵ nạn mình nhưng chưa dám vô, sợ bị bắn nữa. May nhờ mấy cậu ngoắc nên liều mạng vô đại...

Xong rồi ông hỏi lại tôi:

-- Cậu vô đâ bao lâu rồi. Ở đây lâu biết cái gì hay chỉ cho tôi với.

-- Dạ chỉ mới có trên hai mươi mấy ngày thôi. Có người ở trên hai tháng rồi đó bác. Lúc nầy thì không sợ đói nữa, có Hồng Thập Tự Mã Lai tiếp tế rồi, chuyện cơm gạo khỏi lo. Có điều tụi Mã nầy chờ mình ổn định xong thế nào cũng kêu tập họp để xét kiếm vàng. Bác rán dấu cho kỹ, đừng cho tụi nó lấy uổng lắm. Nhớ cất luôn đồng hồ, cà rá...

Rồi tôi dặn dò:

-- Hay nhứt là đào lỗ chôn dưới cát, nhớ kỹ chỗ mình chôn. Khi nó xét xong mình đào lên lấy lại...

Ông già gật đầu cám ơn, bình thản. Tôi chợt thấy một người trạc ba mươi bảy, ba mươi tám đứng riêng một mình dưới gốc dừa. Tướng tá liền lạc, vẻ mặt đẹp trai hao hao giống Thành Được. Nhưng nét mặt nầy là nét của người Bắc chớ không giống nét người Gò Công, con cháu của ông chủ ghe. Gương mặt sáng sủa, cử chỉ đàng hoàng, tôi bèn lân la làm quen:

-- Anh đi mấy ngày mới tới đây. Ghe coi còn tốt quá...

-- Đúng ba ngày ba đêm. Tôi có đủ hải bàn và hải đồ của chuyến đi...

Tôi đoán đúng phóc, anh ta nói giọng Bắc.

-- Tôi lái từ cửa Cần Giờ đâm thẳng qua tới đây. Cũng may mùa nầy biển êm.

-- À thì ra, anh là tài công nên tôi thấy không giống người trong gia đình của bác chủ ghe...

Anh ta thấy tôi làm quen nên dễ dàng tâm sự:

-- Từ Việt Nam qua Mã Lai nầy đi cũng không khó lắm. Trong nghề cũng quen. Ngày trước tôi là Trung úy Hải quân, sau bảy mươi lăm bị đi học tập. Bị hành hạ đủ kiểu giận đời giận mình tôi liều gan trốn trại, trở về Sài Gòn. Nhà tan cửa nát tứ cố vô thân, sống trốn chui trốn nhủi bữa đói bữa no, đêm ngủ ngoài hè phố...

Tôi nhìn anh cảm động. Anh giải nghĩa:

-- Cũng còn bạn bè, người quen nhiều nhưng không dám nhờ vả sợ bị lộ. Ngủ ở đường xá vậy mà bảo đảm, hễ thấy động thì trốn được liền...

Rồi anh cười:

-- Y như cái bang bốn túi... tự nhiên biến thành đệ tử Hồng Thất Công!

Tôi nheo mắt nhìn nghiêng, chọc:

-- Cái bang mà đẹp trai sáng sủa như anh... thiệt cũng khó trốn tụi công an dữ. Làm sao mà qua mặt nó được. Tui mà làm công an là xét giấy anh liền...

Cả hai cùng cười. Anh mặc cái quần tây dài rách gối, ở trần da sạm đen vì nắng gió nhưng ánh mắt sáng ngời niềm vui. Anh tiếp:

-- Trong lúc lúng túng không biết làm sao thì may quá, bác chủ ghe đang tìm một người tài công, một người bạn giới thiệu tôi nhận lời liền, không điều kiện gì hết...

Ở gần giếng nước những người mới tới tắm rửa, giặt giũ, lấy nước nhộn nhịp, người nào người nấy quần áo tả tơi, râu tóc rối bời. Trong đám đông đó bao nhiêu người tài giỏi, những người con yêu của đất nước, cũng như anh bạn mới nầy, chỉ cần trời đất nổi một cơn gió bụi là tất cả giá trị đổi thay. Giàu nghèo, sang hèn, tốt xấu... nhiều khi do mình quyết định nhưng cũng có khi do trời! Tôi nắm tay anh từ giã, nói câu hy vọng:

-- Thôi kể từ giờ chúng mình kể như hết xui, từ từ làm lại cuộc đời...

Anh cười, tôi nói tiếp trước khi ra về:

-- Tối nay là Mã Lai xét lấy vàng với đồng hồ đó. Có cái gì giấu được thì giấu đi.

Nắng đã đổ lửa, tôi biết Duyên đang chờ cơm nên vội đi về. Đôi dép đứt che nóng không nổi đôi chưn nên nghe như muốn phỏng. Tôi nghĩ về người rồi nghĩ về mình, tự nhiên đang sống đời dạy học yên vui rồi bỏ nhà bỏ cửa lang thang nơi góc biển chơn trời, nằm trên bãi cát nóng khô mà chờ đợi... Thiệt tình Định Mạng cũng khá cắc cớ, lấy con người ra làm trò chơi, hèn chi hàng ngàn năm trước Trang Tử đã phải thốt "thiên hạ bất nhân dĩ, vạn vật như sô cẩu," lấy rơm bện hình con chó để trên bàn thờ sì sụp cúng tế, cúng xong rồi đem đốt quăng ra vỉa hè. Cũng thời là một vật khi thì coi quý, khi thì chê bai. Đời là vậy đó. Bắt phong trần phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao. Tôi quay lại nhìn thấy anh bạn tài công Thành Được đứng bên gốc dừa bập bập điếu thuốc rê. Anh đưa tay vẫy vẫy... Đúng là cùng một kiếp bên trời lận đận, có cùng chung hoạn nạn mới hiểu và thương nhau!

Út Trung ở trần đen thui, từ đằng xa chạy lại, hai tay khệ nệ ôm lấy một vật gì lớn cỡ trái mít dáng hối hả lật đật. Tới chừng lại gần mới biết là một cục nước đá bám đầy cát bụi, trời nóng nước tan nhểu ròng ròng xuống mặt cát trắng khô lốm đốm hình sao. Tôi thấy cục nước đá, tự nhiên mồ hôi tươm ra:

-- Bộ chú Út mò được ở đằng ghe quốc doanh đó hả. Ở đảo nầy mà có được nước đá lạnh thì đã thiệt... Lâu quá không được uống lạnh thèm hết sức!

Trung vừa nói vừa hít hà hai bàn tay đỏ ửng vì cầm cục đá quá lâu:

-- Một hầm chứa đầy nhóc ở dưới khoang. Người ta đương giành ào ào trên đó. Em lẹ tay lấy được cục nầy... Phải kiếm một cục đá để đập nhỏ ra...

Thiệt đúng với câu "Sống là tranh đấu." Từ ngày xuống ghe tới giờ, tôi thấy muốn có cái gì cũng phải giành giựt. Lẹ tay thì còn, chậm tay thì hết... trơn. Anh bạn trẻ nầy lẹ tay lẹ chưn thiệt tình. Mà phải vậy mới tranh nổi với tụi thằng Cẩu Chải, thằng A Son, A Tài... Bi lần đầu tiên uống đá lạnh trố mắt nhìn sững, đẩy cái lon ra. Tôi cố ép. Thằng nhỏ uống thử thấy được, bèn đòi uống riết. Út Trung cầm lon đá lạnh vừa uống vừa lắc lanh canh. Tôi uống một hơi nghe mát lạnh từ kẽ răng đến chưn tóc. Đã thiệt tình!

Hồi sáng nầy một chiếc tàu quốc doanh đến đảo. Nó to như chiếc tàu sắt và mới hơn chiếc BL 1648 của tôi, từ ngoài khơi bao giờ, không ai thấy (có lẽ vì lớn quá người ta chỉ chú ý các ghe vượt biên nhỏ! Cái gì nhỏ thì mới đáng thương?) lừng lững tiến thẳng vào bờ, hiên ngang đậu cặp cầu tàu. Nó uy nghi, đường bệ nên cả đám đông đứng ngây người ra nhìn quên mất việc vỗ tay reo hò mời đón như lệ thường. Hai bên thành được vẽ sơn đỏ đậm nét số ghe Quốc Doanh Kiên Giang 069. Vững chắc, đẹp đẽ, nó đậu sừng sững bên bờ đảo Dừa. Tăn Ku cùng đám bộ hạ lên ghe kiểm tra. Trên tàu còn nguyên vẹn hai giàn lưới cá loại lớn nhứt với đủ máy móc cần trục và các hầm tôn, hầm cá. Chiếc nầy vượt biên trong khi đi lưới nên không đem theo gia đình và hành khách. Từ tài công đến thủy thủ chỉ vỏn vẹn có sáu người. Tôi nhìn cái tàu mà ngẩn ngơ. Nếu so với chiếc BL 1648 thì nó có thể chứa ít nhứt là năm sáu trăm người...

Út Trung sau một hồi uống lạnh tỉnh táo bèn nói:

-- Thằng Tăn Ku kỳ này no đủ. Nó lấy nguyên một hầm tôm lớn. Nó bắt mấy người đứng coi ở gần phải khiêng về đồn.

Tôi tiếp:

-- Hầm tôm đó ăn thua gì. Nó sẽ bán hai giàn lưới nè, gỡ máy ra bán luôn, bán dầu diesel chạy máy, bán phụ tùng dụng cụ, cái gì bán được gỡ ra bán hết cho các ngư phủ xung quanh xong rồi đục bỏ vỏ tàu để cho chìm... Như vậy kể như chìm xuồng. Sáu người trên tàu đem nhập chung với đám tụi mình. Ai biết? Tha hồ về Kuala Trengganu du dương với người đẹp!

Út Trung tiếp:

-- Hồi nãy có nghe nó nói còn mấy hầm cá đem phát cho mình. Thế nào chiều nay mình cũng có cá ăn. Nước đá lấy hết rồi, không cho cá tụi mình, nó ươn sình lên hết sao?

-- Có nước đá uống rồi lại có cá tươi ăn, sao mà sướng quá vậy chú Út? Chắc tụi mình sắp lên hương rồi...

-- Cũng chưa sướng lắm. Em mới nghe người ta nói một tin sướng hơn...

-- Tin gì mà sướng dữ vậy?

-- Bà Chiều Tím muốn cạnh tranh với mấy thằng lính Mã, hạ giá hàng hóa xuống phân nửa. Bây giờ anh muốn đổi cái gì cũng được gấp đôi lúc trước... Mà không có vàng bây giờ thì có thể thiếu chịu, mai mốt chừng nào có thì trả!

-- Trời, bả chịu chơi ngon lành. Nhưng hiện tại thì đâu còn thiếu hụt như trước nữa. Hồng Thập Tự tiếp tế lần thứ hai rồi. Thiếu chịu thì khoái thiệt đó nhưng trước hay sau gì cũng phải trả cho bả chớ... hổng lẽ giựt...

Vừa nói tôi vừa nghĩ ngợi. Tự dưng bà Chiều Tím lại hạ giá hàng gấp đôi, sao kỳ lạ vậy? Chắc là lời nhiều quá rồi, đổi rộng rãi hơn để lấy tiếng chăng? Vô lý, trên đời nầy có ai cho rằng mình đã giàu quá, không cần tiền nữa! Còn hạ giá để cạnh tranh thì càng vô lý.

Tụi lính Mã đi qua đất liền mua bán trực tiếp bên đó, còn bà ta phải nhờ Tăn Ku mua dùm, làm sao được giá rẻ hơn. Thiệt là nhức cái đầu nghĩ không ra. Thiệt tình khi nào có chuyện gì liên quan tới người đẹp là đầu óc tôi rối mù, không tính chuyện gì ra chuyện gì được.

Đằng xa thằng khỉ đột Zăm Bri đi lại lều, tay cầm một rổ cá nhỏ. Trong những ngày gần đây, tôi và nó có dịp gặp gỡ, nói chuyện. Cái thằng coi cục mịch xấu xí nhưng thiệt thà chất phác. Tôi thường hỏi nó về đời sống, phong tục, tập quán người dân Mã. Nó cũng thường hỏi tôi về chuyện Việt Nam. Tôi khoái nó ở chỗ khi nói tới Cộng sản, nó thù ghét dễ sợ. Hình như ở Mã Lai không còn bóng dáng một người Cộng sản nào. Một phần nhờ chánh phủ quyết tâm tiêu diệt, một phần nhờ đa số dân chúng theo Hồi giáo. Tôi khoái đạo Hồi ở chỗ đó. Thử tưởng tượng trên trái đất nầy vào lúc chủ nghĩa Cộng sản hưng thịnh, các nước với tài nguyên dầu lửa phong phú Trung Đông cùng xứ Mã Lai, xứ Indonésia... mấy trăm triệu dân đó sẽ ngả theo Cộng sản tức thì nếu họ không theo Hồi giáo... Và lúc đó cục diện thế giới sẽ ra sao?

Thằng Zăm Bri đưa cho tôi rổ cá, những con cá nhỏ cỡ hai ngón tay, mặt buồn buồn:

-- Báo cho mầy một tin vui, ngày mai sẽ có ghe chở tụi mầy qua đảo Bidong.

Út Trung thoáng nghe, khựng lại. Tôi như nín thở:

-- Thiệt không Zăm Bri, bộ ngày mai tụi tao được đưa qua Bidong hả. Mầy làm sao biết được?

Nó quơ quơ cây gậy:

-- Tụi tao đã chuẩn bị ghe xong rồi. Có tất cả là ba chiếc để chở. Ngày mai sẽ có người đến để đưa tụi bây đi...

Tôi bắt tay nó thật chặt, cảm động mừng rỡ:

-- Tao cám ơn mầy nhiều lắm. Tối nay mầy có rảnh xuống đây chơi với tụi tao. Mai tao đi rồi, qua bên đó không biết bao giờ gặp lại nhau.

Tôi xúc động thiệt tình. Nó đứng lặng im. Trời trưa đứng nắng. Tôi không cảm thấy nóng chút xíu nào. Tôi đã ở đảo Dừa nầy đúng một tháng tròn. Tôi với nó quen nhau thường vậy thôi, chớ không thân thiết gì nhưng không biết tại sao lúc sắp chia tay như trưa nay, tôi bị xúc động mạnh. Hay là tại nó đem cho riêng tôi một rổ cá? Có lẽ nào?

Nó đi về đồn, cái dáng lặc lè chưn thấp chưn cao. Tôi mang một tâm trạng nửa buồn nửa vui hỗn độn. Út Trung nắm lấy hai vai tôi:

-- Vậy là anh em mình ngày mai qua Bidong rồi. Khoái quá!

Trung vừa nói vừa reo vui, bỗng nhiên nó bật kêu lên:

-- À, à, em hiểu ra rồi, tại sao bà Chiều Tím hạ giá hàng hóa, bán đổ bán tháo, gạo đường sữa chất cả lều không kêu người bán rẻ cho hết cũng phải đem cho, hổng lẽ hai vợ chồng khom lưng ra vác hết qua Bidong để làm gì bây giờ?

Út Trung thiệt là thông minh, có bao nhiêu đó mà tôi nghĩ không ra. Bà Chiều Tím đáng thương của tôi ơi! Ở đời có nhiều chuyện xảy ra mình không đoán trước được. Nếu biết được trước thì giàu sang mấy hồi. Đống hàng hóa đó bây giờ phải làm sao? Thôi, cái gì của Tăn Ku phải trả lại cho Tăn Ku!

Tôi ngửa cổ uống một hơi dài cạn lon đá lạnh, tìm chỗ cất cái lon xong rồi đứng tần ngần nhìn cái lều nhỏ xíu, lá cọ đã đổi sang màu vàng khô, rồi nhìn sang cái bếp, ba cục đá chụm đầu nhau đen thui màu khói than, trong đó còn một vài tàu dừa cháy dang dở... một tháng trời sống thiếu trước hụt sau nhưng rất vui vì còn có vợ con, anh em, bạn bè... và một niềm hy vọng ở ngày mai.

Trời vừa sụp tối, tôi và Duyên đã pha xong một bình trà thiệt lớn. Gói trà được thằng võ sĩ rụng răng Johny cho nhân lúc đổi hàng dùm Tuyết-Tiến. Thứ nầy khi pha phảng phất mùi trái vải lúc uống thêm đường cát trắng thơm ngon, khác hẳn các loại trà tàu. Anh chị Thuần đem qua một dĩa mứt dừa lớn. Những lát dừa được xắt mỏng ướp đường trắng bong khéo léo ngon lành. Anh chị Tư Trần Hưng Đạo có một gói kẹo đủ màu, chị Thùy Dương, Tiến, Chiêu, Dân "gì đó," Sơn, Út Trung đến với niềm vui. Có cả thằng Zăm Bri và thằng "ti đu" đến chơi từ giã. Như vậy là cả trại yên tâm dọn dẹp chuẩn bị cho đến khuya để mai lên đường, khỏi sợ bị bắt buộc "ti đu, ti đu" như mọi bận. Cái đệm ngồi được trải phẳng phiu trên bãi cát trống trước mặt lều, cây đèn dầu để ở giữa. Trời tối đen như mực, đêm nhiều gió nên ánh sáng lắt lay chỉ chực tắt. Mặt người khi mờ khi tỏ. Vì khá đông nên người người ngồi sát nhau ấm áp, thân tình, lòng đầy phấn khởi vì biết chắc ngày mai sẽ được qua Bidong. Pulau Bidong, cái tên sao mà hấp dẫn quá sức! Một tháng chờ đợi ở đảo nầy, kẹt cứng mất cả liên lạc với bên ngoài. Ở đây tuy vui nhưng hiu quạnh quá. Thời gian một tháng là quá lâu, bỏ phí thời giờ vô ích.

Thằng Zăm Bri không nói không rằng, cầm ăn hết miếng mứt dừa nầy đến miếng khác.

Tôi hỏi:

-- Ở Mã Lai có loại mứt ngọt như vầy không? Làm bằng dừa xắt mỏng ra đó...

Nó lắc đầu:

-- Không có đâu, tao ăn thấy ngon và lạ...

-- Vậy mai mốt mầy không có việc gì làm, hái dừa rồi xắt mỏng ra ngào với đường cát trắng làm thành mứt ngọt như vầy nè, ăn để nhớ tới tụi tao...

Nó cảm động:

-- Ừ ừ tao sẽ làm y như vầy... Mấy ngày có tụi bây ở đây vui quá...

Chị Thuần cười cười ngó nó nói:

-- Vui thiệt không đó, tao thấy mầy tối ngày cầm gậy đi kiếm người ta để phạt hoài.

Nó cười, ăn tiếp mứt dừa và chưa trả lời câu nói.

Chị Thuần tiếp tục:

-- Còn anh "ti đu" nầy nè, mới có bảy tám giờ bắt người ta ti đu. Ti đu cái gì được, chưa ai buồn ngủ hết...

Tư Trần Hưng Đạo xen vô:

-- Ti đu sớm quá cả tháng trời như vầy thiệt nguy hiểm, cũng may ở đảo nầy chưa thấy bà nào mang bầu... cũng nhờ trời thương!

Cả đám cười ngã nghiêng. Thằng "ti đu" ngơ ngác, không biết gì. Chị Thuần phải dịch lại cho nó nghe. Hai thằng cũng bắt cười theo.

Chị Tư vỗ vai anh Tư:

-- Có mấy cô, mấy cậu còn trẻ nè, ăn nói đàng hoàng một chút nghe. Già cả ưa nói bậy nói bạ...

Bỗng thằng Zăm Bri nói:

-- Tụi bây ở đây coi vậy chớ sướng hơn qua bên Bidong, ở bên đó chật hẹp dơ dáy thiếu thốn đủ thứ hết...

Nghe nói ai nấy chới với, ngạc nhiên đảo Dừa nầy mà sướng hơn Bidong sao?

-- Ở Bidong không có nước uống, phải tiếp tế bằng tàu, mỗi ngày được mấy lít, không có cầu vệ sinh, phải tự túc dựng lều để ở mà cũng không còn chỗ. Cái đảo nhỏ xíu thua Kapas nầy xa lắm mà chứa tới ba bốn chục ngàn người, nhiều người phải leo tuốt lên sườn núi cheo leo dựng lều... Mỗi lần đưa người qua bên đó tao ngộp thở chịu không nổi, xong việc là về liền...

Nó nói tới đâu tôi ngẩn ngơ tới đó. Bidong... Bidong, cái đảo mà tôi ước mơ, chờ đợi để được qua sao mà tệ quá vậy. Hoàn toàn không có gì hết phải tự túc tự cường. Trời, rồi phải làm sao đây.

Nước thủy triều buổi tối đã dâng cao ngập gần tới gốc dừa, bãi cát hẹp lại. Tiếng sóng ầm ầm mỗi lúc một lớn hơn. Đêm khuya hiu quạnh mịt mùng. Biển cả muôn đời sâu thẳm huyền bí mông lung. Tôi nhìn lặng lẽ gốc dừa mờ mờ nghiêng trên bãi cát, nhớ lại đêm nào mới đến nơi đây. Cả đám lội bì bõm vào bờ mình mẫy ướt mem, tụi lính Mã đốt lên một đống lửa lớn ở chỗ nầy, tất cả bu quanh như trong hang động thời tiền sử... chỉ mới có một tháng mà thấy như quá lâu. Rồi miên man nghĩ về quê nhà không biết ở bên đó bây giờ có còn ai nhớ tới mình không? Cha mẹ ra sao, bạn bè ra sao, tỉnh Bình Dương ra sao...?

Chiêu khêu ngọn đèn cho sáng rồi nói:

-- Bên đó thì cực lắm nhưng có Cao Ủy Liên Hiệp Quốc, có điều tra phỏng vấn để cho đi đệ tam quốc gia. Mình phải rán chịu cực trước để được sướng sau, lo gì. Người ta chịu được thì mình cũng chịu được...

Thằng Dân "gì đó" xen vô:

-- Ừa, ừa, anh Chiêu nói phải gì đó. Tới đâu thì tới, bi nhiêu thì bi, em không sợ gì đó.

Buổi tiệc tàn lúc gần nửa đêm. Trong phút chốc bốn bên lặng ngắt như tờ. Tôi nằm trong mùng nhìn xuyên qua cửa thấy bầu trời đen nhung nhấp nháy những vì sao sáng lờ mờ ở thiệt xa, thiệt xa. Phải tới bao giờ mới có trăng đây?

Buổi sáng hôm đi trời lại mưa. Trận mưa đầu tiên ở đảo Dừa, trời âm u, mưa những hột nhỏ gió thổi xiên ngang rào rào ai cũng bị ướt mem vì lều dột. Từ trên mái lều những giọt nước thi nhau nhểu xuống. Tôi và Duyên vội lấy áo mưa che trên đầu, ngồi nhìn ra biển chờ tạnh. Mặt biển sóng dâng cao, mờ ảo những sợi mưa bay ngang bay dọc. Cả một không gian đầy nước một màu xám đục. Mưa vừa dứt hột, tôi vội chạy ra nhúm lại bếp để nấu ăn sáng. Trời, một bãi tan hoang. Bếp núc lạnh tanh. Củi khô ướt nhẹp. Tôi lần mò gom lại rán mà nhúm. Củi ướt khói bốc mịt mù. Tắt rồi cháy, cháy rồi tắt. Khổ sở trăm bề...

Ăn sáng xong thì hai vợ chồng lo thu dọn đồ đạc vào xách tay, ba lô. Đồ đạc lình kình làng càng dây nhợ tứ tung. Quần áo giặt chiều qua chưa kịp khô thì bị mưa ướt sũng, thôi kệ nó dồn hết vào túi, qua tới Bidong rồi tính. Khổ nhứt là hai cái gàu mên vì dùng để nấu nướng cả tháng trời nay nên khói đóng đen thui. Phải chùi cho sạch mới để vào xách tay được. Tôi bốc một nhúm cát kỳ cọ cho trắng ra. Ở trên bãi thiên hạ cũng đang ngồi chùi nồi, chùi xoong đen nghẹt. Trời còn xám màu chì, không một tia nắng nhỏ. Những thân dừa đứng ủ rũ trong không khí sũng ướt. Mặt nước biển không trong xanh như mọi bận mà trở nên đục ngầu. Trời mùa xuân mà cứ tưởng mùa thu. Lòng tôi buồn rười rượi. Một tháng trời vui buồn ở đảo Dừa nầy, làm sao mà quên cho được, những hình ảnh thân yêu vây quanh, bám chặt trong đầu. Cái nồi đen quá chùi hoài vẫn không trắng, đang loay hoay thì có lịnh tập họp để khởi hành vì thuyền Mã Lai đã đến. Đó là ba chiếc thuyền nhỏ bề dài độ mười bốn, mười lăm mét, sơn xanh còn mới tinh, đậu song song nhau ở mé nước gần đồn lính.

Toàn trại nhốn nháo. Mọi người hối hả dọn dẹp rộn ràng. Trong phút chốc cả khu dựng lều được thu xếp chỉ còn trơ lại những khung sườn bằng cây và mái lá. Những tấm màn, nệm, dây chạc đều được thu hồi tận tình. Qua bên Bidong còn phải cần dùng lại nữa... Không còn lều của người Việt và cũng không còn lều người Hoa. Cả hai biến mất hết chỉ còn lại rừng dừa xanh mướt ngút ngàn.

Vì thuyền Mã nhỏ nên chỉ chở được đợt đầu tiên ba trăm người, những người còn lại sẽ đi ngày hôm sau. Cả đám ùa ra bờ biển, hướng về phía ghe đậu. Từ khu dựng lều tới chỗ đậu ghe nhìn thì thấy gần nhưng có đi bộ trên cát nóng thì mới biết nó xa trên nửa cây số. Trời lúc đó lại nắng gắt nên chuyện đi dép, khiêng nặng trên cát nóng không phải là dễ dàng. Bé Bi lúc đó đi chưa vững. Duyên một tay ẵm Bi một tay xách giỏ ny lông xanh đựng nồi niêu, vật dụng. Tôi phải xách hai xách tay và khiêng một cái sac marin bự muốn ẹo xương sống. Toàn là quần áo, mùng mền còn ướt nên nặng chình chịch. Nắng đổ lửa trên đầu, cát nóng như rang dưới chưn. Đôi dép lại đứt lên đứt xuống. Mỗi lần mệt quá, tôi dừng lại để thở, nhìn ra phía sau một đoàn người lôi thôi lếch thếch kéo nhau đi một đoàn dài. Mẹ con Bi mặt mày đỏ ửng, lấm tấm mồ hôi, độ chừng đi hết muốn nổi. Hồi mới xuống đảo đồ đạc cũng đâu có bao nhiêu, cũng không biết ở đâu mà bây giờ nhiều quá! Đúng rồi, thêm một số gạo đường sữa của Hồng Thập Tự Mã Lai cho...

Cạnh bên là gia đình anh Tư. Nhờ tới năm con nên mỗi đứa chia nhau khiêng vác vừa đi vừa kêu nhau ơi ới, thằng Dân "gì đó" cũng hai cái xách tay đầy nhóc... Chỉ có Chiêu là lãnh đủ. Ngoài đồ đạc của nó đựng trong xách tay khi đi, bây giờ nó lại có thêm nguyên một cái thùng cây lớn chất đủ thứ ở trại Marang cho. Đâu có ai giúp được vì người nào cũng khiêng vác đầy đầu, đầy tay. Cũng may nó rất mạnh vừa đi vừa nghỉ không biết bao nhiêu bận... Cuối cùng rồi cũng đến chỗ ghe đậu, mọi người để hành lý xuống bờ cát thở phào nhẹ nhõm. Tôi nhờ tới trước nên đi lần xuống nước để leo lên ghe.

Nước sâu cỡ ngang lưng quần, rán sức leo lên. Rải rác cũng có vài thanh niên đã ở trên boong. Chúng tôi đứng dọc theo be để chuyển người và hành lý vô trong. Tất cả mọi người đều phải lội lỏm bỏm xuống nước để được kéo lên. Cũng phải cả giờ đồng hồ, mới đầy hết được cả ba ghe. Tất cả đều ướt mem, nhờ trời nắng gắt nên chỉ trong chốc lát quần áo đều khô...

Ghe nổ máy dòn dã, từ từ tách bến. Bây giờ khoảng hai giờ trưa. Trời thật xanh và biển cũng thật xanh. Tôi đứng trên ghe nhìn lại khu dựng lều lần cuối. Nó đã quá xa không còn thấy gì nữa hết, rải rác những xác ghe hư mục, những cây dừa mọc dầy đặc như rừng, bãi cát vòng cung trắng xóa. Thôi, hết rồi, trong đời tôi chắc chỉ được sống và chứng kiến khung cảnh nên thơ đầy kỷ niệm của Pulau Kapas một lần... rồi thôi! Ghe đi ngang qua cầu tàu. Nó bằng sắt cao sừng sững, lớn quá. Mãi đến bây giờ tôi mới được thấy rõ cái cầu tàu sơn màu xanh nước biển, chiếc BL 1648 đã cặp vào đậu để qua đêm, nào ngờ bị Tăn Ku bắt ép lên đảo. Nơi đây chị Thuần ra nói chuyện với bọn lính, bị đánh té xuống biển... cũng nơi đây tôi mặc quần cụt nhảy xuống nước để lội vô bờ. Mới có một tháng mà như quá lâu...

Qua khỏi cầu tàu là nhà của chúa đảo, tên già Adidas, cất toàn bằng cây rất xinh xắn. Hoa mọc đầy trên các lối đi. Còn gì nữa... Còn gì nữa... Tôi rán hết sức để nhìn. Toàn thể Pulau Kapas chỉ còn thấy các rặng núi xanh xanh hình vòng cung mờ mờ ở xa... rồi thật xa, mất hút. Bây giờ chỉ còn lại cái đuôi nước sủi bọt trắng xóa dài ngoằn của chiếc ghe bỏ lại phía sau lái... với cả tấm lòng nhớ thương lưu luyến Kapas của riêng tôi.

Võ Kỳ Điền

No comments: