Monday, August 18, 2008

TÌNH ĐỒNG CHÍ


Sơn “chúa đảo”cầm cái lon coca nước trà đưa lên môi uống một hớp rồi để xuống, chép miệng: -Trà Mã Lai dở thiệt, không hương vị gì! Hèn chi uống cả chục kí lô rồi, mà hổng làm được bài thơ nào!
Cường ngồi kế bên vọt miệng: -Thôi cha, dở thì nói dở đi, đừng đổ thừa tại trà. Giá mà cho anh uống trà Trảm Mã ở Vũ Di Sơn, sâm ở núi Trường Bạch thì tôi cam đoan anh cũng không làm được một câu, đừng nói chi một bài.
Sơn cự nự: -Ê, đừng có chọc quê nghe! Anh mà làm thơ thì khỏi chê. Tại chú không biết chớ lúc còn ở Sài Gòn có biết bao trái tim người đẹp thổn thức vì những bài thơ của qua.
Tư Trần Hưng Đạo chen vô: -Chú Cường không biết tài năng của Sơn “chúa đảo” nên mới nói vậy. Chớ tôi thì biết rành. Thơ của “giả” tôi thường thấy đăng trong các tạp chí của hội Đông y.
Mỹ Thanh, đứa con gái lớn của anh Tư, thắc mắc: -Ủa, sao kỳ vậy ba?
Cường cười khà khà trả lời thay: -Thơ của Sơn chúa đảo không dùng để quảng cáo cao đơn hoàn tán thì còn dùng vào việc gì bây giờ ?

Cả đám cười ồ, vỗ tay, hoan nghinh câu nói. Cường, gia đình anh Tư Trần Hưng Đạo và tôi đi chung một ghe vượt biên, cùng đến Bidong một lượt. Sơn đã tới trước từ lâu. Đảo chật hẹp, người lại quá đông nên dễ thân. Anh nào tánh cũng “phổi bò”, mỗi lần gặp nhau, thì thôi câu chuyện nổ dòn như bắp rang. Cái lều của anh Tư cũng hữu tình. Nó được dựng cheo leo trên ghềnh đá, trông ra mặt biển, gió lộng tư bề. Đảo Bidong ở ngay xích đạo, trời nóng quanh năm thành ra tụi tôi coi lều anh Tư như “nhà mát Vũng Tàu” , tối nào cũng kéo nhau ra đó nói chuyện trên trời dưới đất. Nước trà, đậu phọng thì đã có chị Tư lo. Còn gió mát, trăng thanh, trên biển thiếu gì. Hơn nữa, con nhỏ Mỹ Thanh coi cũng sáng sủa, dễ thương. Cái miệng xinh xắn lúc nào cũng “chú Cường, chú Sơn” của cháu, thì trọn đảo Bidong còn có chỗ nào hấp dẫn hơn chỗ nầy. Tôi cứ nghĩ thầm trong bụng có ngày, một trong hai anh bạn trẻ lại kêu Tư Trần Hưng Đạo bằng “tía vợ” thì tôi có dịp uống rượu một phen đã đời.

Chị Tư đã rảnh rổi, ra tiếp chuyện:
-Nghe chú Sơn nói như vậy thì lúc ở Sài Gòn chắc có bồ bịch nhiều lắm. Đâu kể lại nghe cho vui.
Sơn tay cầm bình nước trà châm thêm vào lon coca, miệng tía lia:
-Sẵn sàng. Tôi sẽ kể cho anh chị nghe một câu chuyện tình lâm ly ai oán não nùng, bảo đảm đầy nước mắt. Nhưng chuyện nầy của người khác chớ không phải của tôi.
Mỹ Thanh đòi: -Phải kể chuyện tình của chú Sơn mới hay chớ nói chuyện của người khác thì có thú vị gì!
Sơn phân trần: -Mỹ Thanh thử nghĩ coi, tôi năm nay hai mươi hai tuổi, bốn năm sống với cộng sản thì làm gì có tình yêu, trước đó thời mới có mười tám tuổi, chưa biết yêu. Vậy làm sao có bồ để mà kể.
Mỹ Thanh lý sự: -Nói vậy thì theo chú Sơn mấy người cộng sản không có tình yêu sao? Cháu không tin.
Sơn gật gù: -Ậy, ậy, để tôi nói cho mà nghe. Họ cũng có tình yêu chớ. Nhưng cái họ yêu khác cái mình yêu. Câu chuyện tôi kể đây là chuyện tình Lan và Điệp. Chuyện nầy thì ai cũng biết hết rồi. Không cần phải nói lại chi cho mất công. Nhưng đây là đoạn sau, đoạn hậu Lan và Điệp, cũng như “hậu Tam Quốc Chí”, “hậu Anh Hùng Xạ Điêu” vậy.
Cường xía vô: - Thằng cha nầy xạo hoài ! Làm gì có ‘hậu Lan và Điệp”.
Sơn nói liền: -Chú không biết là phải, vì mối tình Lan và Điệp còn kéo dài cho đến khi cộng sản chiếm đóng Sài gòn. Lúc đó sách báo, tiểu thuyết bị tịch thâu đốt bỏ hết làm sao có mà đọc. Thôi để tôi kể cho mà nghe để biết với người ta.

Ai nấy thấy câu chuyện có vẻ hấp dẫn, ngồi im chờ đợi.
Sơn đưa tay cầm lon nước, uống một ngụm rồi chép miệng chậm rãi kể, giọng trầm trầm: …Sau khi Lan vô chùa tu thì Điệp bèn trở về nhà. Buồn quá, ăn không ngon ngủ không yên. Điệp bèn tình nguyện đi Thủ Đức. Ra quân trường, đánh giặc liên miên khắp bốn vùng chiến thuật. Những tưởng là cuộc đời phong sương sẽ lấp kín đau buồn, nào ngờ miền Nam bị Việt Cộng đánh úp hồi nào không hay. Sài gòn bị thất thủ. Anh hùng mạt lộ đành bó tay. Lúc đó Điệp đang mang lon trung úy. Theo lịnh của nhà nước, cấp trung úy đi học tập mười ngày. Điệp tự an ủi, thôi đời mình không ra gì cũng không sao nhưng đất nước được thanh bình là mừng. Học tập xong về xây dựng lại tương lai. Biết đâu hết giặc giã Lan đổi ý, hoàn tục thì hạnh phúc mấy hồi. Dè đâu mười ngày của Việt cộng là hai năm rưỡi. Cũng nhờ ở nhà biết chạy chọt, đồ đạc bán sạch trơn để lo cho “mấy ảnh”. Đến khi được nhà nước cho về sum hợp với gia đình thì nhà cửa trống trơn, sạch bách. Điệp đi từ trước ra sau không còn phải đụng bàn, đụng ghế nữa. Cũng gọn, khỏi phải quét lau. May là cái nhà chưa bán, cái xe đạp quá cũ không ai mua!

Mỗi ngày Điệp phải đi làm ruộng cách nhà khoảng mười cây số. Ruộng lại gần chùa. Một hôm Điệp đi xe đạp đến thăm Lan, dựng xe ngoài cổng, đi vào trong tìm Lan thăm hỏi. Đứng chờ hồi lâu không thấy, chỉ được một chú tiểu trả lời là Lan khơng tiếp Điệp được nữa. Điệp thất vọng quay ra tới cổng tam quan. Mấy năm nay chùa không được chăm sóc tu bổ, mái ngói rêu phong, tường vôi lỗ chỗ. Toàn cảnh đượm vẻ nghèo khổ, xác xơ, tiêu điều. Điệp đứng nhìn dáo dác cảnh vật xung quanh, nhìn tới nhìn lui, dáng lo buồn, rồi bỗng nhiên ôm mặt khóc nức nở. Sơn kể tới đó ngừng lại :
-Đố các anh chị, tại sao Điệp khóc?
Mỹ Thanh láu táu, trả lời liền: -Tại Điệp thương Lan mà không gặp được, thất vọng nên khóc!
Chị Tư thì nghĩ ngợi một hồi: -Chắc Điệp vùa buồn vì nhớ Lan, vừa nhớ tới hoàn cảnh vất vả của mình mà khóc.
Anh Tư cười oang oang: -Chắc Điệp sắp vượt biên mà đến từ giả Lan, không gặp được nên khóc !
Cường nóng ruột hối Sơn nói. Sơn chờ đợi một hồi lâu để gợi sự tò mò của mọi người, rồi thủng thẳng nói:
-Khi Điệp ra tới cổng thấy mất xe đạp, kiếm hoài không thấy… nên khóc.

Cả đám cười ồ. Cường cười ào ào, Mỹ Thanh ôm bụng cười lăn, chị Tư cười ngặt nghẻo, anh Tư cười oang oang. Cái lều rung rinh, rung rinh từng chập. Tôi vịn vào vai Sơn cười ngã nghiêng, vì câu giải đáp ngoài dự đoán của tất cả mọi người có mặt. Tuy nhiên sau một hồi cười nói ồn ào, cái cảm giác bất chợt đến trong tôi lại trái ngược. Đó là sự cảm nhận được cái thê thảm tột cùng, cái thất vọng não nề, cái lo sợ đến run rẩy của một người khi đánh mất một vật mà mình quí mến trân trọng giữ gìn. Trong đầu, tôi hình dung ra cái cảng trung úy Điệp sau khi đi học tập về, xơ xác, tàn tạ, ngơ ngơ, ngác ngác ngó quanh, ngó quất để tìm kiếm cho ra được chiếc xe đạp cũ kỹ. Cái hình ảnh đó khổ sở và chua xót làm sao! Cũng đã một lần, lâu lắm rồi, tôi gặp cái cảnh đó, hồi học năm lớp nhứt trường Nam tỉnh lỵ. Cái giây phút biết chắc là cái xe đạp bị mất, tim như muốn ngừng đập, ngực như nghẹt thở. Mặt xanh nhu tàu lá, tìm kiếm dác dác, vẻ hớt hơ hớt hải. Mồ hôi rịn ra đầy mặt, đầu cổ, hai lòng bàn tay ướt đẫm, lỗ tai lùng bùng… Cảnh vật xung quanh trở nên mơ hồ, đường phố chập choạng, người vật lao xao. Toàn thân tôi run rẩy, lảo đảo. Tôi sợ quá. Mất xe tức là mất một số tiền lớn. Lương của ba tôi phải dành dụm bao nhiêu tháng mới mua lại được? Kể từ nay lấy gì đi học. Chắc là phải lâu lắm mới có chiếc khác. Con đường đất đỏ đầy bụi từ nhà đến trường, xa lơ xa lắc. Những ngày sau đó, tôi lang thang như thằng khùng, đi khắp hang cùng ngõ hẻm, để hy vọng tìm cho ra chiếc xe yêu quí. Cứ mỗi lần nhìn thấy chiếc xe đạp, tôi nhìn lom lom, cố nhìn cho ra một vết tích quen thuộc. Ai cũng có thể là người đã lấy cắp chiếc xe và cái xe nào cũng có thể là cái xe của tôi đã được cạo sữa lại…

Đêm đã chừng khuya lắm. Tiếng sóng biển vỗ ầm ầm vào ghềnh đá nghe rõ mồn một. Khí trời đã trở nên mát hẵn. Tiếng cười nói ồn ào của cả đám vang lên rõ rệt trong đêm khuya. Cường vừa cười vừa nói:
-Thôi đi ông ơi, nói dóc vừa vậy. Người lớn dù cho có mất xe đạp cũng không ai khóc. Có cái xe đạp mà khóc nỗi gì!
Nghe tới đó, tôi chận lời Cường :
-Chú Cường có bị mất xe đạp hay xe Honda lần nào chưa? Nếu chú chưa bị lần nào thì miễn phê bình. Mất xe thời quốc gia là đã muốn xỉu rồi, nói chi đến cái thời xã hội chủ nghĩa thì kinh khủng lắm chú ơi! Khóc là phải rồi, có gì quá trớn đâu. Thôi, để tôi kể câu chuyện thiệt cho anh chị nghe, coi giá trị cái xe đạp nó cao quí đến mức nào:
-Lúc đó tôi còn được tụi nó cho dạy lại. Giáo viên trong trường được chia ra nhiều loại, giáo viên miền Bắc vào, giáo viên trong bưng ra, giáo viên gốc ngụy cũ. Thầy cô được dùng lại gọi là giáo viên “lưu dung” Lưu dung có nghĩa là tạm thời khoan dung tha thứ để đó, khi nào không dùng nữa thì bỏ như người ta vứt đi một cái vỏ chanh. Giáo viên miền Bắc gọi là giáo viên “chi viện”. Đế quốc thì dùng danh từ “viện trợ”, Xã hội Chủ nghĩa thì gọi “chi viện”. Viện trợ hay chi viện cũng như nhau. Trong một trường có năm ba giáo viên chi viện để giúp đỡ, góp ý, hướng dẫn, nói chung là giáo dục anh em giáo viên lưu dung. Họ là người mẫu, chúng tôi phải bắt chước noi theo, đồng thời là chủ nhân để chúng tôi phục tòng.

Tôi mang cái tâm trạng của người ngã ngựa, bị ngọn dao kề cổ thành ra mỗi lần gặp mặt giáo viên chi viện thì vừa ghét, vừa sợ, vừa không ưa. Mà chuyện đời lại cắt cớ. Cái gì mình không ưa thì lại gặp hoài. Tôi vì xa nhà, phải cư ngụ luôn ở trong trường. Ban giám hiệu lấy vài phòng học trống để cho giáo viên tạm ở. Ăn uống thì có nhà bếp tập thể lo. Thôi kệ, cũng rán cho qua ngày. Dù sao cũng còn được làm thầy hơn là làm thợ. Phòng tôi ngụ, gồm có sáu anh em. Trong đó có một anh chi viện tên Nguyễn Quốc Tế. Mới nghe tên thì đã thấy sợ rồi, nói chi tới gặp người. Một buổi chiều, anh Quốc Tế mua đâu được cái đài cũ, đem về để ở đầu giường. Hình như anh lãng tai thì phải nên khi mở nút âm thanh, anh vặn thật lớn để nghe cho rõ. Anh vừa nghe, vừa nhìn, vừa vuốt ve, rờ rẫm. Ôi! Hạnh phúc nào cho bằng.

Chiều nào cũng vậy, anh nằm với cái đài để ở đầu giường, phát thanh vang vang. Năm đứa tụi tôi đều phải qua phòng khác để soạn giáo án hoặc tạm thời nghỉ ngơi, mãi đến khi đài tắt mới lò mò trở về phòng. Lâu dần thành thói quen, rồi thấy việc đó cũng bình thường. Có buổi, đài hết pin, anh Quốc Tế buồn quá, xoay qua tôi tâm sự:
-Nói thật cậu nghe, đừng cười tớ nhé! Đời tớ ước ao có được chiếc xe đạp thì sung sướng không gì bằng. Hồi đó tới giờ tớ đi dạy đã mười mấy năm mà không làm sao mua nổi một cái xe để làm chân !
Tôi ngạc nhiên: -Ủa, anh không có dư chút ít gì sao ?
Anh phân trần: -Lương của cậu là sáu mươi đồng nhé. Lương của tớ bảy mươi lăm. Một vợ hai con thì dư làm sao được. Tháng nào cũng phải gời về một ít cho mẹ con nó chi tiêu. Nhà tôi cũng đi dạy ngoài ấy mà cũng không đủ vào đâu. Thiếu thốn lắm…
Nói xong anh cảm thấy lỡ lời, bèn vớt vát: -Nhà tớ ngoài ấy lớn lắm đấy. Cột kèo đều bằng gỗ lim đen bóng soi thấy mặt, điện nước đầy đủ cả.
Tôi ậm ừ cho qua vì không biết nói thế nào cho phải.

Ít tháng sau, tôi vắng trường độ ba ngày, khi trở về thì thấy trong phòng ngủ có cái xe đạp mới. Anh Quốc Tế đang cầm cái nùi giẻ, chăm sóc cái xe, nâng niu kỹ lưỡng còn hơn lúc trước anh chăm sóc cái đài. Tôi mừng cho anh. Anh sung sướng cảm động nói là nhờ bạn bè giúp cho vay, người một ít còn lại thì mượn của quỹ nhà truờng rồi trả dần từ tháng một. Anh nói :
-Cũng may nhờ đồng chí Hiệu trưởng dành ưu tiên cho mua với giá quốc doanh chỉ có hai trăm đồng, giá chợ đen đến sáu, bảy trăm cơ.
Từ đó, ngoài giờ dạy, anh chăm sóc cái xe làm niềm vui. Anh cũng ít phài đi đâu nên chiếc xe luôn luôn bóng loáng. Khi phải ra ngoài, anh khệ nệ khiêng cả chiếc xe lên để hai cái bánh khỏi bị dằn mạnh ở các bậc thang. Đúng là “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Cái đài và chiếc xe đạp như hai cô nhân tình duyên dáng. Mỗi tối anh vặn đài xong nằm nghe nhạc, mắt mơ màng nhìn ngắm chiếc xe đạp, dáng điệu sảng khoái lắm. Chiếc xe được treo trên hai cái móc, thòng xuống từ trần nhà, dụng ý để bánh xe khỏi phải chạm đất. Lâu lâu, tôi thấy anh lấy tay rờ cái sườn xe, yên xe, bánh xe… Ôi! ở đời cái gì muốn mà được, thì đó là hạnh phúc, phải không chú Sơn ?

Cho tới một buổi chiều, anh Hiệu trưởng có việc cần, vào phòng mượn chiếc xe đạp. Tôi thấy anh Quốc Tế thoáng do dự, nhưng sau đó cũng đưa. Tối đó, tôi đi ngủ sớm vì đài không được mở như thường lệ. Nửa đêm thức giấc, thấy anh bạn giáo viên chi viện mở cửa phòng ra ngồi trên lan can ngoài hành lang, cái lưng cong vòng. Anh hút thuốc, đốm lửa nhỏ sáng lập loè. Mái tóc dài chưa kịp hớt, không được chải gở kỹ lưỡng trước khi đi ngủ, xõa xuống che phủ gần nửa khuôn mặt lờ mờ trong bóng tối, dáng thấp thỏm đợi chờ. Thỉnh thoảng nghe tiếng anh đập muỗi. Ở sân trường có các đường mương nước đầy lăng quăng, cùng nhiều lùm cây, bụi cỏ, đàn muỗi dày đặc, tối tối bay lượn khắp mọi nơi, nhiều như vãi trấu. Tiếng tay anh đập muỗi kêu bộp bộp vang trong đêm đều đều. Tôi cũng không để ý và ngủ tiếp. Hình như anh ngồi chịu trận như vậy lâu lắm. Trong giấc ngủ mơ mơ, màng màng, tôi vẫn nghe tiếng khạc nhổ, tiếng ho húng hắng ngoài hành lang. Rồi có lúc, tôi được biết anh đã trở vô phòng, tiếng dép lẹp xẹp, kéo lê trên nền gạch. Nửa đêm về sáng, tôi nghe có tiếng lăn lộn trăn trở. Hầu như suốt đêm đó, anh không ngủ được.

Sáng hôm sau, trời còn mờ mờ, tôi chợt thức giấc vì tiếng ồn ào. Có cái gì là lạ khác hơn mọi hôm. Tôi đi ra cửa. Trước cửa trường, người ta lao xao. Các bạn giáo viên đều đã thức và có mật. Một xe công an sơn xanh, đã đậu ở đó với vài nhân viên mặc áo vàng, dáng nghiêm trọng hối hả. Tôi bèn hỏi thăm một người đứng gần. Câu chuyện xảy ra quá lớn lao. Tối qua, anh Hiệu trưởng đi thăm một người bạn gái ở xa, cách trường trên mười cây số, bằng xe đạp. Xe chạy ban đêm không có đèn. Trời lại tối thui nên anh tài xế bộ đội lái xe nhà binh không thấy. Anh chạy với vận tốc nhanh nên thắng không kịp, tai nạn thảm khốc xảy ra. Anh Hiệu trưởng bị cán nát cả người, chiếc xe đạp dẹp lép. Ai nấy nghe xong đều xúc động, bàng hoàng lẫn sợ hãi. Riêng anh Quốc Tế thì bật khóc nức nở. Anh hiệu phó đứng gần tôi nói nhỏ:
-Đồng chí Quốc Tế với đồng chí Hiệu trưởng thương nhau như ruột thịt. Hai người cùng quê, lớn lên học cùng trường. Cả hai vào Đảng một lượt, cùng tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Hà Nội, cùng vượt Trường Sơn một năm, sống chết có nhau, mà bây giờ kẻ mất người còn, không buồn sao được.
Để kết thúc câu nói, anh bỏ lửng: …tụi tôi như vậy đó anh, thương nhau như tình máu mủ. Cái tình đồng hương, đồng học, đồng chí, đồng bào đậm đà lắm!

Tôi còn nhớ lúc đó tôi cũng gật gật đầu, công nhận lời đồng chí Hiệu phó là đúng. Bây giờ, tôi hỏi các bạn nhen:
-Tại sao anh bạn Quốc Tế đó lại khóc ?
Mỹ Thanh chu mỏ: -Chú Điền hỏi khó trả lời thấy mồ. Mà theo chú thì chắc gì mấy người đó không có chút tình cảm với nhau.
Tôi trả lời Mỹ Thanh không do dự:
-Nếu còn một chút xíu tình người thì họ đâu có nỡ xuống tay hành hạ, đầy đoạ cả một dân tộc Việt Nam khốn khổ, chú cháu mình đâu có chạy tuốt ra cái đảo Bidong xa lạ hoang vắng nầy mà ngồi nói dóc. Mỹ Thanh suy nghĩ lại coi, chú nói phải không ?.

VÕ KỲ ĐIỀN

No comments: