Sunday, August 17, 2008

CON ĐƯỜNG PHẢI ĐI



Sau bữa cơm chiều, Bình quay qua vợ và con gái dặn dò :
-Hai mẹ con mầy chiều nay qua phòng bên chơi. Có coi ti -vi hay nghe nhạc thì vặn âm thanh nho nhỏ. Nhớ đừng quá to làm phiền lỗ tai hàng xóm, để người ta suy nghĩ một chuyện quan trọng.
Vân vừa dọn dẹp chén dĩa vừa ngạc nhiên nhìn chồng. Khác hẵn mọi hôm, Bình chiều nay ít nói, mặt đăm chiêu tư lự. Cặp mắt cận thị của chàng ngờ nghệch hẵn ra. Bình có khuôn mặt không được đẹp trai nhưng nhờ đeo cặp mắt kiếng dầy cộm, người không quen biết, nhìn chàng từ xa, cứ ngỡ Bình là thấy ký hay thầy giáo. Thông thường người nào học giỏi, ưa bị cận thị. Cho nên hễ thấy ai đeo kiếng cận thị thì biết người đó học giỏi. Có điều Bình cận thị mà lại học dở. Đó là một trường hợp ngoại lệ đặc biệt.
Dung, con gái của Bình, vừa được mười bảy tuổi, đẹp đẽ xinh xắn nhờ không giống cha, nhí nhảnh hỏi:
-Ba cần gì thì cho con biết với ? Chuyện lớn lao cách mấy có con phụ vô thì xong hết. Như ba để ý cô nào thì cứ viết thơ đi, con liều gan đưa dùm cho. Má hổng có cằn nhằn đâu !
Nghe con nói, Bình cười nhìn vợ:
-Cái con nhỏ nầy, mầy làm như ba còn trẻ trung lắm. Phải được như vậy cũng đỡ. Chuyện mà ba suy nghĩ đây cũng thường nhưng ảnh hưởng của nó sâu rộng. Hễ bút sa gà chết, điều gì mình viết ra rồi đâu có sửa lại được.

Vân thắc mắc suy nghĩ hoài cũng không biết Bình sắp viết cái gì mà phải đắn đo, cẩn thận như vậy. Gia đình chỉ có ba người. Cuộc sống thật là bình thản. Từ ngày bỏ nước ra đi, vợ chồng nàng bắt đầu lại sự nghiệp từ con số không. Nhưng điều đó có gì quan trọng đâu. Nàng và Bình đi làm, con đi học. Niềm vui của hai người là thấy con học giỏi, ngoan ngoản, dễ thương. Nơi đất lạ quê người, muốn thích nghi với đời sống mới đâu phải là chuyện một sớm một chiều. Cũng may thành phố nầy người Việt rất đông, hai người lại có một số bạn thân, thứ bảy, chúa nhựt gặp nhau nhắc lại những kỷ niệm ở quê nhà cũng tạm ấm lòng. Ba năm qua rất mau, cuộc sống vật chất tạm thời ổn định. Vậy mà chiều nay cử chỉ Bình có vẻ lạ. Vân hơi lo ngại hỏi:
-Chuyện gì mà anh lo nghĩ nhiều vậy, có thể cho em biết được không ?
Bình nói ngay để xóa tan mọi lo âu của vợ:
-Có gì đâu, chuyện văn chương chữ nghĩa mà. Em với con phụ không được đâu. Hôm trước chú Trương từ Mỹ điện thoại sang rủ anh viết báo. Anh lỡ nhận lời rồi, bây giờ đâm lo.
Dung, mặt tươi rói, xía vô, nói một hơi:
-Chú Trương tính ra báo hả ba ? Ba cũng viết nữa, vui quá. Con thích ba thành văn sĩ. Tụi bạn con mê đọc tiểu thuyết, con thì mê thơ. Nhưng báo chú Trương thuộc loại nào vậy ba ?
Bình chẫm rãi trả lời con:
-Chú Trương tính ra một tờ báo cho lứa tuổi học trò. Bài vở phải mang tính chất vui tuơi, trẻ trung, yêu đời, mộng mơ. Có thơ, có văn, có nhạc. Ba hồi trẻ cũng có viết loại đó bậy bạ vài bài rồi thôi. Bây giờ lớn tuổi, máu huyết đâu còn sôi nổi như lứa tuổi tụi con, viết lách gì được nữa. Nhưng chú Trương dụ ba nói là nếu không tập viết lại cho quen thì con người đâm già cỗi, phải tạo một đời sống tinh thần phong phú để quên đi những ngày xa xứ. Chú nói chỉ có văn chương mới làm cho đầu óc mình nghĩ ngợi nghiều, tâm hồn trẻ trung ra. Như người tuổi năm, sáu chục nhưng trong bài cứ tả mình mười bảy, mười tám gì cũng được hết. Ba nghe chịu quá, ừ đại. Trả lời xong, thấy mình dại. Viết văn đâu phải như bửa củi hay gánh nước, ai làm cũng được. Bây giờ ba khổ quá. Đầu óc rối tung lên không biết viết cái gì nữa. Mấy ngày nay ngồi hoài, cố vắt cái óc cặn, nặn khúc ruột khô, cũng chưa được một ý nào.

Vân nảy giờ im lặng, bèn xen vô:
-Dung, con nghe ba nói chuyện đã thèm chưa ! Nữa sau có ai hỏi gì thì đừng có ừ đại như ba mầy rồi ngồi đó ngắc nga ngắc ngứ. Mà viết báo cho tuổi choai choai, có gì khó đâu, anh cần suy nghĩ chi cho mệt ?
Bình trả lời vợ :
-Thì anh cũng nghĩ như em. Nhưng có viết thử mới thấy khó lắm. Chuyện con nít yêu đương lãng mạn thì một ngàn năm trước cũng vậy, một ngàn năm sau cũng vậy, có khác gì đâu. Người ta đã tốn biết bao nhiêu giấy mực trước mình rồi. Mình có viết nữa cũng là thừa. Cái gì mình viết phải mới, phải khác người mới hay... Ờ, ờ, chút nữa lại quên. Chú Trương cẩn thận dặn đi dặn lại –“báo của tụi mình không làm chánh trị. Chuyện chánh trị để dành cho người lớn với mấy ông già thất nghiệp. Tuổi trẻ phải hồn nhiên mơ mộng. Họ phải sống trong một thế giới có trăng sao, một tương lai đầy hoa bướm. Rán nhớ nghe.. trẻ trung, yêu đời, mộng mơ, càng lãng mạn càng tốt. Đừng đá động gì tới thời cuộc” Anh cũng chịu cái chủ trương đó. Vậy cho đỡ mích lòng. Mình đâu muốn chọc cho chúng chửi. Viết chuyện con nít coi bộ vui hơn chuyện người lớn !

Vân nghe xong hơi ngần ngừ, suy nghĩ một chập rồi nói:
-Có thì giờ rảnh ở không thì viết cho vui. Nhưng anh tính chọn bút hiệu gì ?
Bình do dự:
-Anh chưa định. Hơi đâu mà lo chuyện xa vời vậy. Rủi viết không được ra bài nào dầu có chọn được bút hiệu rồi không dùng cũng mất công.
Dung xen vô :
-Ba giả làm con gái đi. Đừng lấy bút hiệu đàn ông, hổng hay. Con lựa dùm nghen. Con suy nghĩ kỹ rồi, tên nầy đẹp lắm, hạp với thơ văn tuổi trẻ.
Hai vợ chồng nghe con nói, vui ra mặt:
-Đâu con nói nghe coi. Hồi nhỏ cha đặt tên cho con, bây giờ con đặt lại cho cha. Nữa sau ba mầy nổi tiếng là nhờ con đặt bút hiệu đó.
Dung sung sướng quá, nói một hơi :
-Con đọc tiểu thuyết thấy có đôi nam nữ khi mới thương nhau đi dạo ngoài đồng, bông cỏ may bám chặt ống quần hai đứa.. Theo con thì con chọn tên Cỏ May, tượng trưng cho sự yêu thương gắn bó. Ba thấy dễ thương không ?
Bình nghe con nói, lắc đầu phản đối :
-Hổng được đâu. Con đặt tên như vậy tội nghiệp ba. Cỏ may sống nơi đồng hoang, thấp thỏi, quê mùa, bị người ta chà đạp. Hơn nữa nếu ba là cỏ may, tối ngày sống bám gấu quần má mầy sao ! Đặt tên như vậy là suốt đời sống ký sinh nô lệ… Đâu có được, ba đâu có chịu để má mầy đàn áp bóc lột. Hơn nữa, bông cỏ may không giống như các loại bông khác, không sắc không hương thì làm sao khá được. Ba hổng chịu Cỏ May đâu !
Dung tính một hồi rồi tiếp :
-Ba nói có lý. Thôi hay là ba chọn bút hiệu Dạ Lý. Cái loại hoa dạ lý hương thơm ngào ngạt. Đến tối, bông nở là thơm ngát cả một vùng. Mình đặt tên như vậy là khéo, bỏ đi chữ hương nhưng người đọc họ phải hiểu ngầm…
Bình lại lắc đầu :
-Hổng được con ơi ! Dạ lý hương là hoa nở về đêm. Người Tàu gọi nó là dâm hoa. Nó với hoa lài không bao giờ được dùng trong việc tế lễ. Tao lãng mạn thì cũng có chút ít, chớ dâm đãng thì không bao giờ. Con chọn như vậy rủi có người nào biết chút ít chữ nho, họ cười tao rụng răng !
Dung thấy cha từ chối hoài, đâm ra thất vọng, mặt tiu nghỉu:
-Ba kỹ quá, ai hơi đâu mà để ý mấy chuyện vặt vãnh đó. Mình chọn tên miễn sao đọc lên nghe cho thật kêu là hay, cần gì ý nghĩa đúng với hổng đúng. Hay là ba lấy tên Bạch Tuyết. Mình ở xứ Canada, đặt bút hiệu nầy là hạp nhứt. Một năm tuyết rơi sáu tháng, trời đất lúc nào cũng tuyết trắng mênh mông.
Bình lại càng không chịu :
-Hổng được đâu. Tên nầy thì hay nhưng nếu tin dị đoan thì trong tương lai văn ba viết ra chắc chỉ có bảy chú lùn đọc. Báo ế làm sao sống được. Hơn nữa, ba đen thui mà đặt bút hiệu Bạch Tuyết thì lương tâm ba nó cắn rứt. Mình già đầu rồi mà còn nói gạt con nít… không nên.

Vân nghe hai cha con đối đáp, bật cười:
Ba mầy tánh ưa chê khen, con đừng tìm nữa mất công, để ổng tự chọn. Bút hiệu có gì quan trọng đâu mà kỹ lưỡng quá vậy.
-Em không biết nên nói vậy. Chuyện đặt tên quan trọng lắm chớ. Bỏ yếu tố dị đoan qua một bên, cái bút hiệu của một văn nghệ sĩ nó thể hiện trình độ học vấn, cái quan niệm sống cùng chí hướng của họ. Người xưa đặt tên kỹ lưỡng lắm. Một người có rất nhiều tên, như tên húy, tên tự, tên hiệu, bút hiệu,… đến khi chết được đặt tên thụy để tuyên dương cái tính hạnh tốt khi còn sống. Ví như thi sĩ Đông Hồ, ông tên Lâm Tấn Phác. Như vậy tên húy là Phác do cha mẹ đặt. Phác có nghĩa là hòn ngọc còn ở trong đá. Đến khi đi học thầy đặt cho tên tự, tên nầy nếu mình giỏi chữ nghĩa thì cũng có thể tự đặt. Ông tự là Trác Chi, mài dũa. Lấy ý trong câu “ngọc bất trác, bất thành khí” ca dao mình có diễn dịch ra :
Ngọc kia chẳng dũa chẳng mài
Cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi.

Ngọc ở trong đá tuy có quí, nhưng đâu có xài được. Muốn đem ra chợ bán, phải mài dũa trau chuốt lại. Khi ông thành nhơn có hiệu là Đại Ẩn. Tại sao vậy ? Vì ông Đông Hồ từ nhỏ tới già, sống ở giữa chợ, không có ở thôn quê. Tục ngữ Trung Hoa có câu : Đại ẩn ẩn thành thị. Nơi ở ẩn tốt nhứt không đâu bằng ở giữa chợ. Khi ông viết văn, làm thơ có bút hiệu là Đông Hồ, lấy tên một trong mười thắng cảnh đất Hà Tiên. Ông mất rồi, tiếc quá không biết tên thụy người ta đặt ra sao ! Đó, em đã biết rõ cuộc đời của ông Đông Hồ, thử kiểm điểm lại các tên húy, tên tự, bút hiệu… em sẽ thấy nó thể hiện rất minh bạch toàn vẹn con người của ông, suốt đời tận tụy, thanh bạch, gắn bó với đất nước, quê hương. Nếu đem so sánh tên của ông với việc anh đặt tên con Dung thì thiệt là mắc cỡ. Lúc đặt tên cho con nhỏ, anh còn non nớt quá, cứ thấy em tên Vân thì đặt tên con là Dung. Anh thường khoe với bạn bè cái câu thơ của Lý Bạch: -Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung, trong bài Thanh Bình Điệu.
Câu thơ ấy họ Lý ca tụng nhan sắc của Dưông Quý Phi, thấy mây nhớ tới áo xiêm, thấy hoa nhớ khuôn mặt đẹp. Em ở đầu câu, con ở cuối câu là hay nhứt rồi, còn gì nữa. Đến giờ anh mới giựt mình. Cái đẹp phải đem giấu kín bên trong mới bền vững, chớ đem khoe cho thiên hạ thấy hết thì cái đẹp đó không xài được. Y như ông Nguyễn Công Trứ. Công Trứ có nghĩa là khoe cái sáng đẹp rực rỡ cho mọi người thấy. Ông sợ quá bèn lấy tên tự là Tồn Chất, có ý nói là bên trong cũng còn nhiều lắm, hổng có khoe hết đâu. Không biết có phải nhờ vậy mà ông có sự nghiệp oanh oanh liệt liệt cho tới già, nhưng anh biết chắc một điều người nào mang một hoài bão lớn lao thì tương lai sự nghiệp ắt phải lớn lao. Người nào hẹp hòi nông cạn, ích kỷ chỉ biết sống cho riêng mình thì cuộc đời nhỏ nhoi hạn hẹp. Cũng như một người đứng trong rừng thì chỉ thấy có gốc cây. Người đứng ở đỉnh núi thấy cả làng mạc, ruộng đồng. Vậy em muốn anh cao như chóp núi hay thấp lẹt đẹt như gốc cây ?
-Dĩ nhiên là em chịu chóp núi. Nhưng anh đặt bút hiệu cho cao, cho xa mà văn anh viết dở quá thì làm sao nó đưa cái hoài bão anh lên tới chóp núi ?
-Chưa gì mà má mầy chê quá xá vậy ! Phải chi hồi đó tôi viết cái thơ đầu tiên làm quen, sao không chê cho người ta nhờ…
Vân liếc xéo chàng :
-Hứ, làm như là chuyên viên viết thơ tình. Ai mà mê ! Thôi bàn trở lại từ đầu nè ! Hai cha con tìm bút hiệu nghe mà thấy cười. Anh là người cất nhà bằng cây mục, bên ngoài sơn xanh sơn đỏ, đánh vẹc ni thiệt láng bóng để loè mắt thiên hạ chớ căn nhà đó không ở được. Tại sao em dám nói như vậy ? Bỡi vì cái tên có tốt đẹp, cao xa, mà nội dung bài viết không ra gì thì cũng đáng vụt thùng rác…
Nghe vợ nói tới đó, Bình hơi tức trong bụng, hỏi gằn :
-Ê, ê, chưa đọc bài của tôi viết, sao dám chê vậy bạn ? Vừa thôi chớ, chắc bạn là đại văn sĩ hả ?
Vân khoát tay ngăn chồng lại :
-Đừng nổi sùng. Để em nói cho nghe. Cần gì phải đọc mới biết. Em biết ngay từ khi anh nói chuyện làm báo với chú Trương. Báo của anh viết cho tuổi thanh niên thơ mộng hoa bướm đầy tình yêu, có nhạc, có thơ. Em không bao giờ cho rằng thanh niên thiếu nữ yêu đương mơ mộng là không tốt, em hoan nghinh và sung sướng lắm chớ. Tuổi trẻ là tuổi của yêu đương mà. Con Dung nó có bạn trai, em mừng lắm, đâu có cấm cản. Nhưng vì hoàn cảnh của người Việt mình bây giờ, sống lây lất nơi xứ lạ quê người, cảnh ăn đậu ở nhờ, riêng em nhiều khi cảm thấy xót xa. Cái yên vui mà mình hiện có, nó tạm bợ làm sao ! Mỗi lần đi du ngoạn thấy phong cảnh ở đây hùng vĩ, mỹ lệ thì em cũng sung sướng lắm, nhưng sau đó nghĩ lại rằng tất cả cái mà mình đã thấy là của người chớ không phải của mình. Cái cảm giác thất vọng não nề y như thấy người yêu phụ bạc mình cặp tay đi với người khác. Em mong ước được trở về quê nhà để có dịp đi lại trên những con đường lầy lội nhớp nhúa vào mùa mưa, những con đường lồi lỏm quanh co đầy bụi vào mùa nắng, nhìn những nhà tranh vách lá thấy người người dân quê sống hiền hòa, chất phác yên vui. Em thèm nhìn lại cái bầu trời mà em đã sống trên nửa đời người, nơi đó có vui có buồn lẫn lộn. Cái hạnh phúc mà em muốn có, nó đơn giản lắm. Chắc anh cũng nghĩ như em. Em chỉ là một người đàn bà còn nghĩ như vậy, nói chi đến những nhà văn với thiên chức cao quí. Nhà văn là những người có khả năng đem cái cảm xúc rất riêng tư mà rất phong phú viết ra để truyền cho mọi người cùng xúc động như mình, để cùng nhau yêu cái tốt ghét cái xấu. Yêu cái tốt thì phải làm sao vun bồi, xây dựng, tranh đấu để phát huy cho ngày càng tốt đẹp. Ghét cái xấu thì phải xa lánh, tiêu diệt, đừng để nó lan tràn. Đó mới là sứ mạng cao đẹp. Còn những tình cảm cá nhân riêng tư vụn vặt quá, có nghĩa lý gì với tình yêu dân tộc, tình yêu đất nước quê hương. Cái cuộc sống ích kỷ, hưởng thụ của giai đoạn trước chưa đủ sáng mắt sao, bây giờ lại muốn tiếp tục nữa. Chủ trương “vui vẻ, trẻ trung, không làm chánh trị”… là cái nghĩa lý gì ? Tất cả mọi danh từ nầy có thể tóm lại thành một câu là “cứ ăn chơi cho đã đi, đừng thèm nhớ tới đất nước. Em không dám cho ai nói những ý nầy là kẻ thù nhưng nếu em là kẻ thù thì em sẽ gắn cho người đó một cái huy chương thật lớn để khen ngợi công lao….”

Bình nghe vợ nói một hồi, nhột nhạt quá bèn nói lảng :
-Bộ tính chụp mũ cho tôi đó hả ? Bà lúc nầy chánh trị dữ !
-Em đâu dám xưng là chánh trị gia nhưng em biết có người tập tễnh đòi làm văn sĩ. Em nhớ tới thi hào Nguyễn Du mà buồn. Khi xưa chạy loạn, đói không có cơm ăn, đau không có thuốc uống, nhìn xung quanh thấy đồng bào nheo nhóc cơ cực lầm than mà thuơng xót. Thương mình rồi thương người, ông viết nên cuốn Đoạn Trường Tân Thanh, tiếng kêu mới để khóc cho mối đau lòng cũ, khóc cho cái thân phận con người bèo bọt, cực nhục, sống khắc khoải bên bờ ranh giới giữa tự do và định mệnh, giữa hạnh phúc và khổ đau chập chồng. Bây giờ nhà tan cửa nát, lưu lạc chân trời góc biển, em mới hiểu được tại sao người ta lại cho Nguyễn Du là nhà thơ vĩ đại. Nhiều khi mới đọc có vài câu mà em muốn khóc:
Khi tỉnh ruợu, lúc tàn canh
Giật mình, mình lại thương mình xót xa
Khi xưa phong gấm rủ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường
Mặt sao dầy gió dạn sương
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân
Mặc người mưa Sở, mây Tần
Riêng mình nào biết có xuân là gì

Vợ chồng mình bây giờ có khác gì cô Kiều ngày xưa đâu. Ông Nguyễn Du thương người sống chưa đủ, ông còn thương luôn cả người đã chết, cho nên ông viết luôn tác phẩm Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh. Ông khóc cho ông nhưng chính là khóc cho cái nhân loại khổ đau trên cuộc đời nầy… Em dốt nát nói bậy nói bạ nhưng em tin là đúng. Nhà văn phải có tình thương thật bao la. Người nào nhìn cảnh biệt ly, tang tóc, đọa đày khổ đau mà không đau nhói con tim thì người đó đừng có viết văn, làm thơ. Anh và chú Trương nghĩ sao khi thấy năm chục triệu người còn ở lại quê nhà, sống cuộc đời cùm gông ? Anh và chú Trương chắc cũng dửng dưng khi nghe hàng trăm ngàn đồng bào vượt biển bị cướp bóc, hãm hiếp, đói khổ, bịnh tật, chết chóc…

Hôm qua chị Phong kể lại cho em nghe một câu chuyện cũ. Lúc anh ấy bị nhốt dưới hầm tối, người ta không cho ai vào thăm. Lạy lục, khóc lóc, năn nỉ mãi họ mới cho phép đứa con nhỏ bốn tuổi vô thăm để biết mặt cha nó. Đã ba năm bị giam dưới hầm tối không ánh sáng, mắt anh ấy đã yếu lắm rồi. Đến khi tên cai ngục bồng thằng bé thoáng qua vuông cửa bằng bàn tay, anh chỉ thấy mặt con lờ mờ, tai nghe tiếng kêu “ba ơi, ba ơi”... Đó, ân huệ của nhà nước có bao nhiêu ! Nước mắt anh ấy ràn rụa không cầm được nữa. Sáu năm ngục tù nằm trong hầm tối vì tội làm thầy thuốc chữa bịnh cho ngụy quân chống lại cách mạng, anh chỉ được “thăm” con, đứa con chưa biết mặt, một lần như vậy, rồi thôi. Câu chuyện thật giản dị nhưng tối đó em không ngủ được. Buồn quá ! Thê thảm ở chỗ con người đối xử với con người tồi tệ như chó sói, như hùm beo.

Vậy thì theo anh các trang báo quí báu nên để dành viết những cay đắng khổ nhục của cuộc sống ngày nay ở quê nhà, rồi hướng dẫn người đọc đến cuộc tranh đấu chống độc tài cuồng ngược, điều mà trẻ già, trai gái, lớn bé đều phải làm, hay là trang báo đó dùng để đăng thơ văn ca tụng mùa thu có lá vàng rơi, mùa đông có tuyết đổ, yêu đương lãng mạn, tự tử vì thất tình… ?
Bình đưa hai tay lên trời đầu hàng :
-Thôi thôi bà ơi ! Tôi chịu thua. Để tôi nói với chú Trương từ chối không viết nữa. Chú ấy đã sai lầm mà lại còn rủ rê người ta. Chút xíu nữa tôi cũng nghe theo. Nè, nghe tôi dặn kỹ, em với con Dung đừng tiết lộ vụ tôi định viết báo đó, người ta biết được sẽ xầm xì mới có mấy năm mà đã quên quê hương đất nước, tôi còn dám ngó mặt ai nữa !

VÕ KỲ ĐIỀN

No comments: