Thursday, August 21, 2008

BÊN KIA NÚI



Chú Tư thợ giày cởi trần, mặc cái quần xà lỏn đen, đứng ngoài trời nắng chang chang, sửa lại cái hàng rào sau hè. Những cây nào mục hư, xiêu vẹo được chú thay thế, sắp xếp lại cho ngay ngắn, chắc chắn. Tiếng búa đóng giữa trưa nghe vọng tới cuối xóm. Hưng đứng bên kia hàng rào, hỏi vói sang:
-Bửa nay không ngủ trưa sao chú Tư?
Chú Tư ngừng tay búa, trả lời:
-Sửa sang lại cái hàng rào để nuôi vài ba con gà cho vui nhà vui cửa. Đất nước độc lập thanh bình rồi mình phải biết tự túc tự cường. Đâu có thể ăn bám đế quốc, tư bản hoài. Tao hổng ưa cái lối phồn vinh giả tạo! Thời đại cách mạng phải có cuộc sống cách mạng chớ, phải không Hưng ?
Hưng cười :
-Chú Tư thuộc bài kỹ quá. Vừa mới được học tập có vài tháng, đem áp dụng vô thực tế liền. Mà bộ chú muốn đổi nghề sao? Nghề thợ giày đâu phải là tư sản mại bản, tư sản dân tộc gì mà lo.
-Tao mà tư sản cái khỉ khô gì! Lúc nầy đâu có ai mang giày, mang dép nữa nên ế lắm. Cả ngày ngồi ngáp lên ngáp xuống, thiếu điều trẹo bản họng. Thỉnh thoảng có một hai khách hàng tới sửa vài cái quay dép râu đứt. Đâu có bao nhiêu tiền. Ở không hoài đâm buồn, nuôi bậy đàn gà, buổi sáng nghe gáy ó o, buổi chiều chờ nghe cục tác cũng đủ vui. Nghe chú Tư nói tới đó, Hưng bật cười nhớ tới thím Tư. Chú nói chuyện nghe được như vậy mà lần nào nhắc tới chú là thím chê tàn tệ. Như hôm trước qua chơi bên nhà, thím vừa têm thêm miếng trầu, vừa nói với mấy đứa em gái Hưng:
-Nữa sau lấy chồng tụi bây đừng có lấy mấy cha thợ giày. Tao lỡ gặp chú Tư mầy, kể như cuộc đời còn có phân nửa.
Con Út đứng kế bên nghe nói bật cười:
-Lấy chồng như chú Tư, có giày dép mang, sướng thấy mồ, thím còn đòi hỏi gì nữa. Chú Tư lại cao ráo, đẹp trai...
Thím Tư ngoe ngoảy, bỏ míệng trầu vừa têm vào miệng:
-Đàn ông gì mà suốt ngày ngồi lúc thúc ở nhà, ngồi đóng giày cồm cộp. Từ sáng mơi tới chiều tối, đâu có nói năng gì với ai, thành ra không mở miệng thì thôi, mà mỗi lần mở miệng ra là nghe không lọt lỗ tai. Đẹp trai mà vô duyên thì chỉ còn có một phần tư, tao nói còn phân nửa là tự an ủi đó!

Thím Tư đẹp người, ăn nói lanh lợi, hoạt bát vui vẻ. Mỗi lần thím qua nhà chơi là anh em Hưng quây quần xung quanh để nghe chuyện. Ngược lại với thím là chú Tư, ít ăn ít nói. Nhiều khi Hưng không hiểu tại sao hai người lại thành vợ chồng được. Chú thiệt thà, chất phác, ăn chắc mặc dầy, tuy vóc dáng bên ngoài chú coi cũng được lắm. Mấy ngày tết nhứt, lễ lạc, chú Tư ăn mặc chỉnh tề vào thì y như các ông lớn, hào hoa, phong nhã đúng mực. Cứ nhìn hình chú chụp thì biết. Trong tiệm giày đằng trước, đàng sau, ở giữa, chỗ nào cũng treo đầy ảnh. Cạnh tủ kiếng là tấm ảnh chụp hai vợ chồng hồi mới cưới. Chú mặc áo dài khăn đóng, mặt bơ bơ đứng cạnh thím. Thím ngồi thong dong, chơn mang hài thêu, cổ đeo kiềng vàng, bới tóc, dáng hơi ngượng nghịu, thẹn thò. Giữa phòng là hình hai vợ chồng chụp ở đền Đế Thiên Đế Thích lúc đi chơi ở Cao Miên. Chú vòng tay phải ôm lấy thím. Thím tay che dù, vai đeo bóp đầm, phía sau có tượng Phật lớn với nụ cười hiền hoà, thanh thản. Những tấm còn lại là hình của riêng chú. Tấm nào coi cũng đẹp. Lần nào qua nhà chú, Hưng cũng ngắm các tấm hình nầy hoài nên đâm ra quen thuộc. Thiệt là cặp vợ chồng xứng đôi vừa lứa. Mà ở đời, có mấy ai bằng lòng với cái mình hiện có đâu. Thím Tư cũng vậy. Hễ chú Tư làm một việc gì, nói một câu nào thì thím cũng kiếm cách để chê. Chê không thương tiếc, chê không chút nương tay.

Có lần tình cờ qua nhà, Hưng nghe thím cằn nhằn:
-Ông nói chuyện gì mà vô duyên quá vậy? Con người ta thi rớt, đáng lẽ không phải an ủi, khuyên lơn chớ !
Chú Tư trả lời, giọng xuội lơ:
-Thì tôi an ủi, chớ có nói gì đâu! Bà làm cái gì mà đong đỏng!
-An ủi kiểu ông còn hơn chửi người ta. Con Hai thi rớt, nó buồn nó khóc, ông lại nói như vậy nghe sao được.
-Đâu bà chỉ coi tôi nói bậy ở cái chỗ nào? Tôi nói với nó là tại con học dở nên thi rớt, đừng buồn. Lần sau siêng siêng thêm một chút nữa là đậu liền.
-Trời đất, cũng như hôm trước thằng Tám cưới vợ, hai vợ chồng nó dắt nhau đến thăm, đáng lẽ ông phải khen tụi nó đẹp đôi vừa lứa, trai tài gái sắc, loan phụng hoà minh…
-Bà làm tài khôn không hà! Tôi khen tụi nó bà không nghe sao?
-Ông khen vậy đó hả, vợ nó có nước da bánh mật, ông ngắm tới ngắm lui rồi nói -bộ vợ mầy mới đi chơi Cấp về hả, sao mặt mày tay chưn đen thui vậy?
Nói tới đây, thím phân bua với Hưng:
-Mầy nghĩ coi, ổng vô duyên quá trời. Nói chuyện như dùi đục chấm mắm nêm. Phải chi hồi đó biết vậy, tao không ưng cho ổng ở giá tới già !
Chú Tư chậm rãi, từ từ trả lời:
-Má mầy mà gặp được tao như đĩa đeo chưn hạc. Lấy được chồng giỏi giắn đâu phải dễ. Bà kiếm đỏ con mắt coi cả cái xứ nầy cũng không có ai đóng giày chắc như tôi !

Câu trả lời rất có lý. Giày của chú Tư đóng, đi mười năm cũng chưa mòn. Da dầy, nhợ to, đế cao cả tấc, giống như giày nhà binh. Năm nào cũng vậy, anh em Hưng cứ gần Tết đều qua bên chú Tư đóng giày mới. Ngày mồng một, mang đi biểu diễn vòng chợ. Đứa nào đứa nấy bị phồng chưn, khệnh khạng như ông táo mang hia. Thấy các bạn khác có giày đẹp đẽ, Hưng cằn nhằn với ba đòi lần sau phải mua giày mới ở Sài Gòn, chớ không chịu đóng giày chú Tư nữa, ba Hưng không chịu :
-Tụi bây không biết chớ chú Tư làm giày chắc chắn lắm, đi lâu hư. Giày Sàigòn được cái mả nên ngoài, bên trong lót cạc -tông bở rệu, đi vài ngày là đứt chỉ hết, vụt bỏ.
Nhìn đôi giày của chú Tư đóng thì biết ngay con người chú. Chắc chắn, kỹ lưỡng nhưng thô kệch, quê mùa. Chú Tư sống hồn nhiên, nghĩ sao nói vậy, không trau chuốt, không văn hoa, đôi khi vụng về làm mích lòng người nghe. Lối xóm đã quen tánh nên cũng không ai quở trách, đôi co gì.

Nhưng ở đời, có cái gì vĩnh cửu đâu! Tất cả đều thay đổi hết. Cách mạng về, mọi sự còn thay đổi lẹ hơn nữa. Ông xuống làm thằng. Thằng lên làm ông. Chú Tư cũng phải tuân theo cái định luật thay đổi đó. Ngày trước chú Tư làm thợ đóng giày da. Bây giờ chú Tư trở thành thợ thay dép râu đứt kiêm chuyên viên nuôi gà. Lợi dụng những ngày giờ rảnh rỗi dư thừa, chú đã lượm lặt, tom góp những mảnh ván hư, cây gỗ vụn vá víu, o bế, chắp nối lại để làm một cái chuồng cao cẳng khá lớn để nuôi gà. Cái mái cao và nhọn vút thẳng lên được làm bằng hai tấm tôn cũ với những dấu đinh đóng lủng lỗ chỗ, ri sét vàng vàng, mặt trước có cái cửa làm bằng mành mành sắt, một cái thang nhỏ bằng cây dầu dựng từ mặt đất lên tới cửa chuồng. Nhìn chuồng gà mới làm xong đặt dưới gốc cây nhãn to, Hưng thấy nó giống như cái nhà rông của đồng bào Thượng thu nhỏ lại. Hưng nhìn tới nhìn lui, thấy cửa chuồng không có khóa, bèn hỏi chú Tư:
-Lúc nầy coi bộ trộm cướp hơi nhiều, gà heo lại có giá, chú liệu coi gắn thêm một ổ khóa ở cánh cửa chuồng, cho chắc ăn!
-Có một cái lớn ngoài hàng rào rồi. Vả lại, xóm nầy có chút xíu mà công an cả chục người trông chừng. Mình ở giữa chợ, sát bên Phường thì còn sợ gì trộm cắp!
Đứng ngoài trời đã hơi lâu, nắng buổi trưa nóng như đổ lửa. Hưng lấy tay che đầu, mắt nheo nheo, vừa đi vô nhà vừa nói :
-Biết đâu chừng chú Tư, cẩn thận vẫn tốt hơn!
*
* *
Rồi từ hôm cái hàng rào được sửa sang cho đến nay, đàn gà của chú Tư ngày càng đông đúc. Con nào con nấy lớn như thổi. Mỗi sáng ra sân, chú mở chuồng gà, đứng nhìn quang cảnh chúng giành ăn, dáng khoẻ mạnh sởn sơ mà sướng trong bụng. Lần lượt từng con, từng con nhảy xuống thang, tung tăng đi kiếm mồi. Con gà trống lớn bước những bước hiên ngang ra cửa chuồng trước tiên, hai cái chưn cao nghệu, vững vàng như hai cây cột cứng chắc, phủ đầy vảy vàng lớn như hột bắp. Những cái lông đuôi đen bóng, óng ánh cong vòng. Đôi mắt tròn vo, cái tròng vàng hoe, ươn uớt long lanh, thường chớp nhay nháy. Nó đứng giũa sân cỏ, xoè cánh, giương cao cái cổ mượt lông, cất tiếng gáy ồ ồ, náo động cả một vùng. Xung quanh là một bầy gà mái với đàn con ríu rít. Cái giống gà mái lông màu vàng sẩm lẫn những vết nâu đen, xam xám nhìn thấy lem luốt dơ dáy như dính đầy bùn đất, nhưng lại là loại mập mạp đầy thịt.

Mỗi con chọn riêng một gốc cây hay một hốc đá, dùng móng cứng như sắt để bới đất và cúi mỏ mổ lia lịa. Con gà mái to vừa mổ vừa bới, gặp được trùn dế, miệng kêu cục cục gọi bầy con nhỏ đến ăn chung. Những lúc trời sắp mưa hay cơn giông lớn, nó lựa một nơi kín đáo xù lông xòe cánh để che chở cho đàn con nhỏ. Những con gà con, nhỏ cở bằng nắm tay, lông vàng lợt, mỏ nhỏ như mỏ chim sẻ chạy xung quanh mẹ, kêu ríu rít. Con thì chun vô bụng vô cánh, con thì nhảy lên lưng, miệng kêu chim chíp, vang rân cả cái sân nhỏ. Cái sân từ lâu cỏ dại mọc um tùm, chỉ trên dưới vài ba tuần là bị đàn gà mổ trụi lủi, không còn một cọng cỏ xanh. Rồi lần lượt tới các châu kiểng. Hoa lá gì cũng tả tơi, tan nát. Giữa cây cỏ và gà, chú Tư đành phải hy sinh một vậy. Ối, hoa kiểng mà làm gì khi nồi gạo sắp hết. Ở cái thời nầy, phải lo cái ăn trước đã. Mỗi lần nhìn đàn gà, lòng chú Tư ấm áp. Vì đàn gà là nguồn sống phụ của gia đình, đồng thời cũng là niềm vui. Nếu sống mà không có việc gì làm cho vui thì cuộc đời đáng buồn thiệt. Cái thế gới nho nhỏ của chú bây giờ là cái sân gà quen thuộc. Chú nhớ từng con với từng dấu vết, màu sắc đặc biệt. Con gà mái đẻ màu lông xám, đen nhiều hơn vàng, đã hết bóng mượt. Đôi mắt thường ngơ ngác, mệt mỏi. Cái mình to lớn bề ngang nên đi đứng có vẻ nặng nề như một người đàn bà lớn tuổi. Tám con gà mái còn lại ở lứa tuổi đang tơ, con màu xam xám, con màu vàng vàng, với các đám lông đen trắng pha trộn không đều. Nhìn những cặp mất tròn vo có viền vàng, chú phân biệt được cái nét lanh lợi hay khờ khạo của con nầy, con kia. Cũng như ông trời sanh loài người, trong cái đám nhân loại đông lúc nhúc ấy, đâu có ai giống hệch ai như hai giọt nước.
Thói đời bây giờ không còn biết tin ai. Người ta được khuyến khích tố nhau vì những chuyện không đâu, nói năng nhiều, giao thiệp rộng càng gây thêm tai vạ. Vui với đàn gà không sợ bị tố bậy mà còn có ăn ngon, lâu lâu bán ít gà lại có tiền xây xài.

Nhưng hình như ông trời trên cao kia, không thương chú Tư chút nào. Cái ước vọng thật nhỏ nhoi và gần gũi của chú là nuôi đàn gà mái đẻ cũng không thể thực hiện trọn vẹn được. Vào một đêm tối trời, hàng rào nhà chú Tư bị phá một lỗ hổng lớn bằng cái thúng. Lúc đó cơn mưa vừa dứt hột. Đương ngủ mơ màng, bỗng nghe có tiếng gà xao xác sau vườn, chú vụt tỉnh ngủ, xách đèn chạy ra coi. Cái cửa chuồng mở toang hoác. Con gà mái lớn đang ấp cùng bầy gà mái tơ, mất tiêu. Các con còn lại, dáng xơ xác, nhốn nháo. Có tiếng chân chạy ở cuối hẻm, xa dần rồi lặng im. Vào khuya, trời trở nên tối đen. Bầu trời còn đầy nước nên không thấy một vì sao. Đèn đường không còn một bóng, lảm sao soi sáng được màn đêm. Thủ phạm biệt tăm. Chú Tư tay cầm đèn, đứng ngó dọc theo con đường mờ mờ, xa hun hút, mặt bơ bơ. Phố xá im lìm câm nín như không thèm biết đến nổi bực tức buồn giận của chú chút nào. Chú nhìn sững cái chuồng, bụng tức ấm ách. Một luồng gió lạnh thổi tạt ngang, cánh cửa đong đưa nhè nhẹ, tiếng ken két nghe mà bực mình. Chú đưa tay đóng mạnh. Cánh cửa bị xô, đập vô khung cây nghe một tiếng ầm vang trong đêm trường tỉnh mịch. Rồi tất cả trở về với cái im lặng mênh mông.

Sáng hôm sau chú đứng nhìn bao quát cả cái sân đầy dấu chưn bùn sình nhòe nhoẹt. Trên đường, đây đó còn rơi rớt lại vài cái lông gà xam xám. Chuồng gà còn trơ lại le que vài con gà trống già với đàn gà con mới mặc áo lá. Con gà trống buổi sáng vẫn hùng dũng oai nghi đứng vỗ cánh bành bạch, vươn cái cổ cao nghệu, cất tiếng gáy ó o tựa ngày nào. Như chưa hề biết cái tang thương, đổ nát, mất mát của đêm qua. Nhưng nghe trong âm thanh đó có cái gì cô đơn, xa vắng quá. Như cõi lòng của chủ nhơn nó….
Ôi! Cái cảnh sinh ly tử biệt nào mà chẳng thê thảm, xót xa!
*
* *
Hưng đưa tay kéo cái ghế đẩu mặt bằng da, qua ngồi sát bên cạnh bàn sửa giày, coi chú Tư vá lại chiếc dép rách, miệng hỏi thăm về vụ chú bắt được thằng ăn trộm gà.
-Chú Tư ơi, thằng Cải bị bắt giải về đồn công an rồi mà sao hồi nảy chính mắt tôi thấy nó đi lò lò ngoài chợ, dáng điệu tỉnh bơ, sao kỳ cục vậy ?
-Chú Tư ngừng tay búa, tay sửa lại gọng kiếng già, ngửng mặt nhìn Hưng định nói thì thím Tư từ bên trong bước ra, trả lời thay:
-Thiệt tình là tao cũng không biết ra sao nữa. Nó ăn trộm gà của tao hai lần, bị bắt quả tang, vậy mà…
Chú tiếp lời vợ, mặt còn bực bội:
-Chú Hưng nghĩ coi, gia tài tao có cái chuồng gà, bao nhiêu công phu cực khổ đổ dồn vô đó. Vốn liếng thì cũng không bao nhiêu nhưng tiếc cái công mua tấm cám, xắc rau muống, đào trùn cả mấy tháng nay. Nghĩ tới nghĩ lui mà tức mình. Tánh tao lại không ưa lên quan xuống làng, dạ thưa phiền phức, lôi thôi quá. Nhưng không đi thưa thì tức không chịu được. Rốt cuộc thì tao cũng phải rán lên đồn mà trình báo vụ mất mát đó. Tao đã biết là của đã mất rồi thì dễ gì mà lấy lại được nhưng ít ra mình cũng báo động cho người ta biết để phòng ngừa lần sau. Cái thằng trưởng đồn nghe tao kể chuyện mất gà, nó làm bộ ngạc nhiên lắm. Nó nói ở cái xã nầy, nó trách nhiệm an ninh, sao lại có thành phần trộm cắp, phá hoại như vậy được. Công an nhơn dân ngày đêm canh gác lo bảo vệ tài sản tánh mạng của nhơn dân. Nó hứa sẽ cho người theo dõi, điều tra chắc chắn sẽ bắt được thủ phạm. Nó hỏi tỉ mỉ các chi tiết, ghi chép lia lịa, xong rồi bèn phân trần:
-Chú Tư đừng buồn, tại đêm qua công an xã có nhiệm vụ quan trọng đặc biệt do cấp trên chỉ thị phải lo nên không thể trông chừng bọn trộm cắp được. Nhưng kể từ đêm nay, chú cứ yên tâm ngủ ngon, anh em sẽ quyết tâm bắt cho được tên ăn trộm gà. Ở xóm nầy, không thể có kẻ lộng hành như vậy. Công an phải bảo vệ tài sản cho nhơn dân để họ yên tâm mà lao động sản xuất tốt…
Cái luận điệu ba xạo đó, tao đã nhiều lần nghe qua, chán quá bèn bước ra khỏi đồn công an không thèm chào ai hết. Vậy mà nó còn rán nói theo:
-Chú Tư đừng có lo, công an đã điều tra thì phải biết, con kiến cũngkhông lọt!
-Chú tin mấy lời của anh Tám nói không ?
-Nó nói vậy, thì tao cũng nghe vậy, chớ làm sao tin được mậy. Ông Thiệu nói một câu để đời, chắc tới già tao cũng không quên. Nhưng bây giờ, mình mất gà, không thưa với tụi bò vàng đó, thì thưa ai ?
Rồi chú xụ mặt xuống, nói tiếp :
-Con kiến thì không lọt, chớ con gà, con bò thì lọt tuốt luốt. Tao đành nuốt giận trở về, quyết không ngủ rình bắt cho được thằng ăn trộm mới nghe. Tao với bả rình liên tiếp cà tuần lễ. Cho đến ngày hôm qua thì bắt được cái thằng mắc dịch đó. Vốn ăn quen nên mắc bẩy, nửa đêm nó lại lò mò đến, tính hốt cho sạch chuồng gà mới thôi, nào ngờ nó bẻ khóa lụp cụp, lac cạc tao nghe được tri hô lên. Nhờ lối xóm nghe động, xúm ra vây bắt tại trận. Tưởng ai lạ, nhè đâu thằng Cải, cái thằng vô công rồi nghề, phá xóm phá làng, nổi danh ở cái xóm nầy, không ai chịu nổi. Nó bị bắt giải về đồn ngay trong đêm ấy. Thằng công an vừa dẫn nó đi, vừa nói như phân bua với lối xóm:
-Cho mầy đi học tập rục xương, cách mạng không tha thứ thành phần bất hảo, trộm cắp, đĩ điếm, ăn hại xã hội. Dưới thời ngụy, tụi mầy được dung dưỡng chớ cách mạng thì đừng hòng.
Thuật đến đây chú Tư bỉu môi:
-Cái thứ đồ nói dóc. Chổng cẳng ngủ cho đả, người ta báo mấy lần rồi cũng như không. Phải tao không rình bắt thằng Cải thì biết tới chừng nào tụi nó mới bắt được.
Thím tiếp lời chú, giọng bực bội:
-Mà bắt rồi cũng như không. Mầy nghĩ coi, mình bắt được thằng ăn trộm gà, giao cho nó giam. Nhè đâu nó thả ra đi ngờ ngờ. Chú Tư mầy lên gặp anh Tám trưởng đồn, hỏi tại sao có chuyện lạ kỳ vậy? Ảnh nói là nhà nước không có gạo để nuôi mấy người tội phạm. Mỗi anh công an đều có khẩu phần nhứt định, không thể lấy bớt ra cho phạm nhơn ăn. Nếu tao muốn giam giữ thằng Cải bao nhiêu ngày, thì phải tính ra số gạo mà nộp cho đủ. Tính như vậy thì thiệt thòi cho tao quá, đã mất gà rồi bây giờ lại phải mất thêm gạo nữa, lại phải đi lên đi xuống thưa gởi, tao đâu có hưỡn. Thôi đành để cho họ thả nó ra, chớ nhốt mà bỏ đói người ta, làm sao được. Ở cái xứ nầy, bây giờ nhiều chuyện kỳ cục quá, tao hết biết.
Nói xong, thím thở dài ngao ngán:
-Luật lệ của cách mạng là như vậy đó, mầy hiểu nổi không ?
Chú Tư xen vô, nói một hơi tỉnh bơ:
-Có gì mà má mầy không hiểu, mình bắt được thằng ăn trộm mà lại giao cho thằng ăn cướp nhốt, nó thả ra là phải rồi, còn thắc mắc gì nữa. Hồi xưa ra sao thì bây giờ con hơn nữa….
Chú giải nghĩa thêm:
-Hồi xưa là cái thời còn quan huyện, quan phủ, bây giờ là cái thời của quan cán bộ, anh Tám, anh Chín, anh Mười… Má mầy không nhớ ông bà mình thường nói sao:

Con ơi, nhớ lấy câu nầy,
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.

Thím Tư tay xỉa trầu, tay chống nạnh, miệng bô bô nói với Hưng:
-Trời đất! Mầy thấy ổng lúc nầy nói năng có duyên hết sức chưa ! Từ ngày cách mạng về, tao chịu ổng quá, nói câu nào nghe được câu đó, không như lúc trước. Thiệt tình, thay đổi lẹ ghê! Rồi thím chợt giựt mình, hạ thấp giọng:
-Ý, tao quên phứt, nói chuyện lớn tiếng quá. Rủi có người ngoài nghe được, nguy hiểm. Ăn trộm, ăn cướp thì tụi nó tha, chớ còn ăn nói bậy bạ thì coi chừng, có ngày đi học tập mục xương!

VÕ KỲ ĐIỀN

Monday, August 18, 2008

TÌNH ĐỒNG CHÍ


Sơn “chúa đảo”cầm cái lon coca nước trà đưa lên môi uống một hớp rồi để xuống, chép miệng: -Trà Mã Lai dở thiệt, không hương vị gì! Hèn chi uống cả chục kí lô rồi, mà hổng làm được bài thơ nào!
Cường ngồi kế bên vọt miệng: -Thôi cha, dở thì nói dở đi, đừng đổ thừa tại trà. Giá mà cho anh uống trà Trảm Mã ở Vũ Di Sơn, sâm ở núi Trường Bạch thì tôi cam đoan anh cũng không làm được một câu, đừng nói chi một bài.
Sơn cự nự: -Ê, đừng có chọc quê nghe! Anh mà làm thơ thì khỏi chê. Tại chú không biết chớ lúc còn ở Sài Gòn có biết bao trái tim người đẹp thổn thức vì những bài thơ của qua.
Tư Trần Hưng Đạo chen vô: -Chú Cường không biết tài năng của Sơn “chúa đảo” nên mới nói vậy. Chớ tôi thì biết rành. Thơ của “giả” tôi thường thấy đăng trong các tạp chí của hội Đông y.
Mỹ Thanh, đứa con gái lớn của anh Tư, thắc mắc: -Ủa, sao kỳ vậy ba?
Cường cười khà khà trả lời thay: -Thơ của Sơn chúa đảo không dùng để quảng cáo cao đơn hoàn tán thì còn dùng vào việc gì bây giờ ?

Cả đám cười ồ, vỗ tay, hoan nghinh câu nói. Cường, gia đình anh Tư Trần Hưng Đạo và tôi đi chung một ghe vượt biên, cùng đến Bidong một lượt. Sơn đã tới trước từ lâu. Đảo chật hẹp, người lại quá đông nên dễ thân. Anh nào tánh cũng “phổi bò”, mỗi lần gặp nhau, thì thôi câu chuyện nổ dòn như bắp rang. Cái lều của anh Tư cũng hữu tình. Nó được dựng cheo leo trên ghềnh đá, trông ra mặt biển, gió lộng tư bề. Đảo Bidong ở ngay xích đạo, trời nóng quanh năm thành ra tụi tôi coi lều anh Tư như “nhà mát Vũng Tàu” , tối nào cũng kéo nhau ra đó nói chuyện trên trời dưới đất. Nước trà, đậu phọng thì đã có chị Tư lo. Còn gió mát, trăng thanh, trên biển thiếu gì. Hơn nữa, con nhỏ Mỹ Thanh coi cũng sáng sủa, dễ thương. Cái miệng xinh xắn lúc nào cũng “chú Cường, chú Sơn” của cháu, thì trọn đảo Bidong còn có chỗ nào hấp dẫn hơn chỗ nầy. Tôi cứ nghĩ thầm trong bụng có ngày, một trong hai anh bạn trẻ lại kêu Tư Trần Hưng Đạo bằng “tía vợ” thì tôi có dịp uống rượu một phen đã đời.

Chị Tư đã rảnh rổi, ra tiếp chuyện:
-Nghe chú Sơn nói như vậy thì lúc ở Sài Gòn chắc có bồ bịch nhiều lắm. Đâu kể lại nghe cho vui.
Sơn tay cầm bình nước trà châm thêm vào lon coca, miệng tía lia:
-Sẵn sàng. Tôi sẽ kể cho anh chị nghe một câu chuyện tình lâm ly ai oán não nùng, bảo đảm đầy nước mắt. Nhưng chuyện nầy của người khác chớ không phải của tôi.
Mỹ Thanh đòi: -Phải kể chuyện tình của chú Sơn mới hay chớ nói chuyện của người khác thì có thú vị gì!
Sơn phân trần: -Mỹ Thanh thử nghĩ coi, tôi năm nay hai mươi hai tuổi, bốn năm sống với cộng sản thì làm gì có tình yêu, trước đó thời mới có mười tám tuổi, chưa biết yêu. Vậy làm sao có bồ để mà kể.
Mỹ Thanh lý sự: -Nói vậy thì theo chú Sơn mấy người cộng sản không có tình yêu sao? Cháu không tin.
Sơn gật gù: -Ậy, ậy, để tôi nói cho mà nghe. Họ cũng có tình yêu chớ. Nhưng cái họ yêu khác cái mình yêu. Câu chuyện tôi kể đây là chuyện tình Lan và Điệp. Chuyện nầy thì ai cũng biết hết rồi. Không cần phải nói lại chi cho mất công. Nhưng đây là đoạn sau, đoạn hậu Lan và Điệp, cũng như “hậu Tam Quốc Chí”, “hậu Anh Hùng Xạ Điêu” vậy.
Cường xía vô: - Thằng cha nầy xạo hoài ! Làm gì có ‘hậu Lan và Điệp”.
Sơn nói liền: -Chú không biết là phải, vì mối tình Lan và Điệp còn kéo dài cho đến khi cộng sản chiếm đóng Sài gòn. Lúc đó sách báo, tiểu thuyết bị tịch thâu đốt bỏ hết làm sao có mà đọc. Thôi để tôi kể cho mà nghe để biết với người ta.

Ai nấy thấy câu chuyện có vẻ hấp dẫn, ngồi im chờ đợi.
Sơn đưa tay cầm lon nước, uống một ngụm rồi chép miệng chậm rãi kể, giọng trầm trầm: …Sau khi Lan vô chùa tu thì Điệp bèn trở về nhà. Buồn quá, ăn không ngon ngủ không yên. Điệp bèn tình nguyện đi Thủ Đức. Ra quân trường, đánh giặc liên miên khắp bốn vùng chiến thuật. Những tưởng là cuộc đời phong sương sẽ lấp kín đau buồn, nào ngờ miền Nam bị Việt Cộng đánh úp hồi nào không hay. Sài gòn bị thất thủ. Anh hùng mạt lộ đành bó tay. Lúc đó Điệp đang mang lon trung úy. Theo lịnh của nhà nước, cấp trung úy đi học tập mười ngày. Điệp tự an ủi, thôi đời mình không ra gì cũng không sao nhưng đất nước được thanh bình là mừng. Học tập xong về xây dựng lại tương lai. Biết đâu hết giặc giã Lan đổi ý, hoàn tục thì hạnh phúc mấy hồi. Dè đâu mười ngày của Việt cộng là hai năm rưỡi. Cũng nhờ ở nhà biết chạy chọt, đồ đạc bán sạch trơn để lo cho “mấy ảnh”. Đến khi được nhà nước cho về sum hợp với gia đình thì nhà cửa trống trơn, sạch bách. Điệp đi từ trước ra sau không còn phải đụng bàn, đụng ghế nữa. Cũng gọn, khỏi phải quét lau. May là cái nhà chưa bán, cái xe đạp quá cũ không ai mua!

Mỗi ngày Điệp phải đi làm ruộng cách nhà khoảng mười cây số. Ruộng lại gần chùa. Một hôm Điệp đi xe đạp đến thăm Lan, dựng xe ngoài cổng, đi vào trong tìm Lan thăm hỏi. Đứng chờ hồi lâu không thấy, chỉ được một chú tiểu trả lời là Lan khơng tiếp Điệp được nữa. Điệp thất vọng quay ra tới cổng tam quan. Mấy năm nay chùa không được chăm sóc tu bổ, mái ngói rêu phong, tường vôi lỗ chỗ. Toàn cảnh đượm vẻ nghèo khổ, xác xơ, tiêu điều. Điệp đứng nhìn dáo dác cảnh vật xung quanh, nhìn tới nhìn lui, dáng lo buồn, rồi bỗng nhiên ôm mặt khóc nức nở. Sơn kể tới đó ngừng lại :
-Đố các anh chị, tại sao Điệp khóc?
Mỹ Thanh láu táu, trả lời liền: -Tại Điệp thương Lan mà không gặp được, thất vọng nên khóc!
Chị Tư thì nghĩ ngợi một hồi: -Chắc Điệp vùa buồn vì nhớ Lan, vừa nhớ tới hoàn cảnh vất vả của mình mà khóc.
Anh Tư cười oang oang: -Chắc Điệp sắp vượt biên mà đến từ giả Lan, không gặp được nên khóc !
Cường nóng ruột hối Sơn nói. Sơn chờ đợi một hồi lâu để gợi sự tò mò của mọi người, rồi thủng thẳng nói:
-Khi Điệp ra tới cổng thấy mất xe đạp, kiếm hoài không thấy… nên khóc.

Cả đám cười ồ. Cường cười ào ào, Mỹ Thanh ôm bụng cười lăn, chị Tư cười ngặt nghẻo, anh Tư cười oang oang. Cái lều rung rinh, rung rinh từng chập. Tôi vịn vào vai Sơn cười ngã nghiêng, vì câu giải đáp ngoài dự đoán của tất cả mọi người có mặt. Tuy nhiên sau một hồi cười nói ồn ào, cái cảm giác bất chợt đến trong tôi lại trái ngược. Đó là sự cảm nhận được cái thê thảm tột cùng, cái thất vọng não nề, cái lo sợ đến run rẩy của một người khi đánh mất một vật mà mình quí mến trân trọng giữ gìn. Trong đầu, tôi hình dung ra cái cảng trung úy Điệp sau khi đi học tập về, xơ xác, tàn tạ, ngơ ngơ, ngác ngác ngó quanh, ngó quất để tìm kiếm cho ra được chiếc xe đạp cũ kỹ. Cái hình ảnh đó khổ sở và chua xót làm sao! Cũng đã một lần, lâu lắm rồi, tôi gặp cái cảnh đó, hồi học năm lớp nhứt trường Nam tỉnh lỵ. Cái giây phút biết chắc là cái xe đạp bị mất, tim như muốn ngừng đập, ngực như nghẹt thở. Mặt xanh nhu tàu lá, tìm kiếm dác dác, vẻ hớt hơ hớt hải. Mồ hôi rịn ra đầy mặt, đầu cổ, hai lòng bàn tay ướt đẫm, lỗ tai lùng bùng… Cảnh vật xung quanh trở nên mơ hồ, đường phố chập choạng, người vật lao xao. Toàn thân tôi run rẩy, lảo đảo. Tôi sợ quá. Mất xe tức là mất một số tiền lớn. Lương của ba tôi phải dành dụm bao nhiêu tháng mới mua lại được? Kể từ nay lấy gì đi học. Chắc là phải lâu lắm mới có chiếc khác. Con đường đất đỏ đầy bụi từ nhà đến trường, xa lơ xa lắc. Những ngày sau đó, tôi lang thang như thằng khùng, đi khắp hang cùng ngõ hẻm, để hy vọng tìm cho ra chiếc xe yêu quí. Cứ mỗi lần nhìn thấy chiếc xe đạp, tôi nhìn lom lom, cố nhìn cho ra một vết tích quen thuộc. Ai cũng có thể là người đã lấy cắp chiếc xe và cái xe nào cũng có thể là cái xe của tôi đã được cạo sữa lại…

Đêm đã chừng khuya lắm. Tiếng sóng biển vỗ ầm ầm vào ghềnh đá nghe rõ mồn một. Khí trời đã trở nên mát hẵn. Tiếng cười nói ồn ào của cả đám vang lên rõ rệt trong đêm khuya. Cường vừa cười vừa nói:
-Thôi đi ông ơi, nói dóc vừa vậy. Người lớn dù cho có mất xe đạp cũng không ai khóc. Có cái xe đạp mà khóc nỗi gì!
Nghe tới đó, tôi chận lời Cường :
-Chú Cường có bị mất xe đạp hay xe Honda lần nào chưa? Nếu chú chưa bị lần nào thì miễn phê bình. Mất xe thời quốc gia là đã muốn xỉu rồi, nói chi đến cái thời xã hội chủ nghĩa thì kinh khủng lắm chú ơi! Khóc là phải rồi, có gì quá trớn đâu. Thôi, để tôi kể câu chuyện thiệt cho anh chị nghe, coi giá trị cái xe đạp nó cao quí đến mức nào:
-Lúc đó tôi còn được tụi nó cho dạy lại. Giáo viên trong trường được chia ra nhiều loại, giáo viên miền Bắc vào, giáo viên trong bưng ra, giáo viên gốc ngụy cũ. Thầy cô được dùng lại gọi là giáo viên “lưu dung” Lưu dung có nghĩa là tạm thời khoan dung tha thứ để đó, khi nào không dùng nữa thì bỏ như người ta vứt đi một cái vỏ chanh. Giáo viên miền Bắc gọi là giáo viên “chi viện”. Đế quốc thì dùng danh từ “viện trợ”, Xã hội Chủ nghĩa thì gọi “chi viện”. Viện trợ hay chi viện cũng như nhau. Trong một trường có năm ba giáo viên chi viện để giúp đỡ, góp ý, hướng dẫn, nói chung là giáo dục anh em giáo viên lưu dung. Họ là người mẫu, chúng tôi phải bắt chước noi theo, đồng thời là chủ nhân để chúng tôi phục tòng.

Tôi mang cái tâm trạng của người ngã ngựa, bị ngọn dao kề cổ thành ra mỗi lần gặp mặt giáo viên chi viện thì vừa ghét, vừa sợ, vừa không ưa. Mà chuyện đời lại cắt cớ. Cái gì mình không ưa thì lại gặp hoài. Tôi vì xa nhà, phải cư ngụ luôn ở trong trường. Ban giám hiệu lấy vài phòng học trống để cho giáo viên tạm ở. Ăn uống thì có nhà bếp tập thể lo. Thôi kệ, cũng rán cho qua ngày. Dù sao cũng còn được làm thầy hơn là làm thợ. Phòng tôi ngụ, gồm có sáu anh em. Trong đó có một anh chi viện tên Nguyễn Quốc Tế. Mới nghe tên thì đã thấy sợ rồi, nói chi tới gặp người. Một buổi chiều, anh Quốc Tế mua đâu được cái đài cũ, đem về để ở đầu giường. Hình như anh lãng tai thì phải nên khi mở nút âm thanh, anh vặn thật lớn để nghe cho rõ. Anh vừa nghe, vừa nhìn, vừa vuốt ve, rờ rẫm. Ôi! Hạnh phúc nào cho bằng.

Chiều nào cũng vậy, anh nằm với cái đài để ở đầu giường, phát thanh vang vang. Năm đứa tụi tôi đều phải qua phòng khác để soạn giáo án hoặc tạm thời nghỉ ngơi, mãi đến khi đài tắt mới lò mò trở về phòng. Lâu dần thành thói quen, rồi thấy việc đó cũng bình thường. Có buổi, đài hết pin, anh Quốc Tế buồn quá, xoay qua tôi tâm sự:
-Nói thật cậu nghe, đừng cười tớ nhé! Đời tớ ước ao có được chiếc xe đạp thì sung sướng không gì bằng. Hồi đó tới giờ tớ đi dạy đã mười mấy năm mà không làm sao mua nổi một cái xe để làm chân !
Tôi ngạc nhiên: -Ủa, anh không có dư chút ít gì sao ?
Anh phân trần: -Lương của cậu là sáu mươi đồng nhé. Lương của tớ bảy mươi lăm. Một vợ hai con thì dư làm sao được. Tháng nào cũng phải gời về một ít cho mẹ con nó chi tiêu. Nhà tôi cũng đi dạy ngoài ấy mà cũng không đủ vào đâu. Thiếu thốn lắm…
Nói xong anh cảm thấy lỡ lời, bèn vớt vát: -Nhà tớ ngoài ấy lớn lắm đấy. Cột kèo đều bằng gỗ lim đen bóng soi thấy mặt, điện nước đầy đủ cả.
Tôi ậm ừ cho qua vì không biết nói thế nào cho phải.

Ít tháng sau, tôi vắng trường độ ba ngày, khi trở về thì thấy trong phòng ngủ có cái xe đạp mới. Anh Quốc Tế đang cầm cái nùi giẻ, chăm sóc cái xe, nâng niu kỹ lưỡng còn hơn lúc trước anh chăm sóc cái đài. Tôi mừng cho anh. Anh sung sướng cảm động nói là nhờ bạn bè giúp cho vay, người một ít còn lại thì mượn của quỹ nhà truờng rồi trả dần từ tháng một. Anh nói :
-Cũng may nhờ đồng chí Hiệu trưởng dành ưu tiên cho mua với giá quốc doanh chỉ có hai trăm đồng, giá chợ đen đến sáu, bảy trăm cơ.
Từ đó, ngoài giờ dạy, anh chăm sóc cái xe làm niềm vui. Anh cũng ít phài đi đâu nên chiếc xe luôn luôn bóng loáng. Khi phải ra ngoài, anh khệ nệ khiêng cả chiếc xe lên để hai cái bánh khỏi bị dằn mạnh ở các bậc thang. Đúng là “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Cái đài và chiếc xe đạp như hai cô nhân tình duyên dáng. Mỗi tối anh vặn đài xong nằm nghe nhạc, mắt mơ màng nhìn ngắm chiếc xe đạp, dáng điệu sảng khoái lắm. Chiếc xe được treo trên hai cái móc, thòng xuống từ trần nhà, dụng ý để bánh xe khỏi phải chạm đất. Lâu lâu, tôi thấy anh lấy tay rờ cái sườn xe, yên xe, bánh xe… Ôi! ở đời cái gì muốn mà được, thì đó là hạnh phúc, phải không chú Sơn ?

Cho tới một buổi chiều, anh Hiệu trưởng có việc cần, vào phòng mượn chiếc xe đạp. Tôi thấy anh Quốc Tế thoáng do dự, nhưng sau đó cũng đưa. Tối đó, tôi đi ngủ sớm vì đài không được mở như thường lệ. Nửa đêm thức giấc, thấy anh bạn giáo viên chi viện mở cửa phòng ra ngồi trên lan can ngoài hành lang, cái lưng cong vòng. Anh hút thuốc, đốm lửa nhỏ sáng lập loè. Mái tóc dài chưa kịp hớt, không được chải gở kỹ lưỡng trước khi đi ngủ, xõa xuống che phủ gần nửa khuôn mặt lờ mờ trong bóng tối, dáng thấp thỏm đợi chờ. Thỉnh thoảng nghe tiếng anh đập muỗi. Ở sân trường có các đường mương nước đầy lăng quăng, cùng nhiều lùm cây, bụi cỏ, đàn muỗi dày đặc, tối tối bay lượn khắp mọi nơi, nhiều như vãi trấu. Tiếng tay anh đập muỗi kêu bộp bộp vang trong đêm đều đều. Tôi cũng không để ý và ngủ tiếp. Hình như anh ngồi chịu trận như vậy lâu lắm. Trong giấc ngủ mơ mơ, màng màng, tôi vẫn nghe tiếng khạc nhổ, tiếng ho húng hắng ngoài hành lang. Rồi có lúc, tôi được biết anh đã trở vô phòng, tiếng dép lẹp xẹp, kéo lê trên nền gạch. Nửa đêm về sáng, tôi nghe có tiếng lăn lộn trăn trở. Hầu như suốt đêm đó, anh không ngủ được.

Sáng hôm sau, trời còn mờ mờ, tôi chợt thức giấc vì tiếng ồn ào. Có cái gì là lạ khác hơn mọi hôm. Tôi đi ra cửa. Trước cửa trường, người ta lao xao. Các bạn giáo viên đều đã thức và có mật. Một xe công an sơn xanh, đã đậu ở đó với vài nhân viên mặc áo vàng, dáng nghiêm trọng hối hả. Tôi bèn hỏi thăm một người đứng gần. Câu chuyện xảy ra quá lớn lao. Tối qua, anh Hiệu trưởng đi thăm một người bạn gái ở xa, cách trường trên mười cây số, bằng xe đạp. Xe chạy ban đêm không có đèn. Trời lại tối thui nên anh tài xế bộ đội lái xe nhà binh không thấy. Anh chạy với vận tốc nhanh nên thắng không kịp, tai nạn thảm khốc xảy ra. Anh Hiệu trưởng bị cán nát cả người, chiếc xe đạp dẹp lép. Ai nấy nghe xong đều xúc động, bàng hoàng lẫn sợ hãi. Riêng anh Quốc Tế thì bật khóc nức nở. Anh hiệu phó đứng gần tôi nói nhỏ:
-Đồng chí Quốc Tế với đồng chí Hiệu trưởng thương nhau như ruột thịt. Hai người cùng quê, lớn lên học cùng trường. Cả hai vào Đảng một lượt, cùng tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Hà Nội, cùng vượt Trường Sơn một năm, sống chết có nhau, mà bây giờ kẻ mất người còn, không buồn sao được.
Để kết thúc câu nói, anh bỏ lửng: …tụi tôi như vậy đó anh, thương nhau như tình máu mủ. Cái tình đồng hương, đồng học, đồng chí, đồng bào đậm đà lắm!

Tôi còn nhớ lúc đó tôi cũng gật gật đầu, công nhận lời đồng chí Hiệu phó là đúng. Bây giờ, tôi hỏi các bạn nhen:
-Tại sao anh bạn Quốc Tế đó lại khóc ?
Mỹ Thanh chu mỏ: -Chú Điền hỏi khó trả lời thấy mồ. Mà theo chú thì chắc gì mấy người đó không có chút tình cảm với nhau.
Tôi trả lời Mỹ Thanh không do dự:
-Nếu còn một chút xíu tình người thì họ đâu có nỡ xuống tay hành hạ, đầy đoạ cả một dân tộc Việt Nam khốn khổ, chú cháu mình đâu có chạy tuốt ra cái đảo Bidong xa lạ hoang vắng nầy mà ngồi nói dóc. Mỹ Thanh suy nghĩ lại coi, chú nói phải không ?.

VÕ KỲ ĐIỀN

Sunday, August 17, 2008

NỤ HÔN ĐẦU



Không biết tự bao giờ dân xóm Chợ bỗng nhận ra ở cạnh dãy phố lụp xụp ngoài bờ sông, gần lò heo có thêm một căn nhà nhỏ. Cột nhà bằng tre chôn chân xuống đất. Bốn vách được đóng vá víu bằng ván thùng sữa. Đủ loại sữa Tây, sữa Mỹ, sữa Nhật với các hình đầu bò, hình em bé mập xanh đỏ. Người thợ đóng không chuyên môn nên có tấm nằm xuôi tấm quay ngược. Cũng có nhiều chỗ trống trơn đủ để cho chủ nhơn căn nhà khi nào muốn nhìn ra đường thì khỏi phải cần đi ra ngoài chi cho mất công. Bên trong cũng có bàn ghế, giường ngủ và bếp đàng hoàng. Một cái thùng gỗ thông lớn vừa làm tủ đựng đồ đạc, vừa làm bàn viết, trên đó để đầy hộp lon đủ kiểu, đủ cở. Cách đó vài bước là bếp nấu ăn với ba cục gạch cháy xám đen chụm đầu vào nhau. Gọi là cái nhà, cái lều hay cái chòi? Làm sao biết! Đó là tất cả gia nghiệp của ông thầy Bảy. Vì quá ít ỏi và không có gì đáng giá nên khi phải đi ra ngoài, ông ta chỉ cần đưa tay khép sơ cái cửa lại là đủ. Nhiều khi say quá, ông để luôn cửa, ngủ luôn tới sáng hôm sau, cũng chưa bao giờ mất mát món gì.

Ông thầy Bảy đến ở đây cũng được đâu chừng chín, mười năm. Dân xóm Chợ từ ngày biết ông đến giờ, lúc nào cũng thấy ông mặc cái áo khoác đen, bên trong có áo sơ mi, chân đi giày. Tuy áo đã cũ mèm, vá cả chục chỗ, đôi giày há miệng để lòi ngón chân cái ra vì không có vớ. Có điều đầu tóc ông lúc nào cũng chải láng mướt. Trong túi luôn luôn có cây lượt đỏ bằng cao su được dùng hoài nên lên nước bóng. Thiên hạ gọi ông là thầy vì ông mặc đồ tây, đồng thời gọi là ông vì thấy ông thầy Bảy tuổi đã cao. Người ta cũng đồn đãi với nhau là ông có làm thầy thuốc, nhưng tôi chỉ thấy ông sinh sống với nghề câu cá, câu tôm. Cá tôm ở sông nầy đâu có nhiều nên ông nghèo rớt mùng tơi.

Tôi với ông thầy Bảy gặp gỡ hình như có duyên tiền định. Buổi đó tôi còn nhớ như in. Một tối mùa hè, trời nóng dữ dội, hai dãy phố chợ như bị hầm trong lò lửa. Tôi xách cần câu ra ngoài cầu tàu để mong hứng được chút gió mát từ sông thổi lên. Cạnh bên có ông già say miệng cứ lè nhè, mùi rượu đế hôi rình bay nồng nặc. Ngồi cả giờ lâu, không được con cá nào, ông xích lại gần tôi, cất giọng khàn khàn:
-Nè, nè, phải tiên sanh dạy thầy giáo không ?
-Dạ, tôi dạy học trò chớ đâu dám dạy thầy giáo! Mà sao ông biết tôi đi dạy học ?
-Ở cái chợ nầy, ai tôi cũng biết hết, từ ông Đại tá tỉnh trưởng cho tới chú lùn bán hủ tiếu ở dưới gốc me. Tiên sanh dạy học ở trường Nguyễn Trãi, ai mà không biết.
Tôi ngạc nhiên thú vị, nhưng cũng hơi giựt mình:
-Ông rành cái tỉnh nầy quá hả! Mà sao hồi nhỏ tôi không biết, ông ở đâu đến chớ đâu phải gốc gác ở đây.

Ông chận cái cần câu xuống dưới mũi giày, thò tay vô trong túi áo móc ra một hộp thuốc rê, vấn một điếu thuốc to bằng ngón tay cái, bật lửa đốt. Mùi thuốc khét lẹt. Ngọn lửa bùng lên soi sáng gương mặt. Cặp mắt sâu nằm ẩn dưới đôi mày rậm, lỗ mũi to đỏ sần sùi, cái càm nhô hẳn ra khiến khuôn mặt ông đầy vẻ cổ quái.
Bập bập điếu thuốc, ông trả lời:
-Ối, hơi đâu mà nhớ. Tôi đi khắp mọi nơi, ở đủ mọi chỗ. Trọn miền Nam nầy chỗ nào tôi cũng đã sống qua. Tiên sanh có bao giờ câu cá miệt Đồng Tháp chưa? Miền Đông nầy làm sao bì kịp. Rắn, rùa, lươn, ếch tha hồ mà ăn. Còn ở Ngã Bảy, Cạnh Đền thì khỏi nói.
Rồi ông kể một hơi trên cả chục địa danh, nào là Lịch Hội Thượng, Kế Sách, Xẻo Rô, Tắc Vân, Tắc Sậy, Gành Hào, Cái Vừng, Chợ Mới, cù lao Long Sơn... khiến tôi nhớ không hết! Tôi vẫn chưa thỏa mãn câu trả lời nên hỏi tiếp:
-Sao ông không ở miệt dưới cá tôm nhiều dễ sinh sống hơn. Lên đây ở chi cái đất khô cằn nầy, nghề câu đâu đủ sống ?
Câu hỏi đúng ngay mạch, ông trả lời tôi một hơi dài:
-Không dấu gì tiên sanh, tôi còn làm thầy thuốc nữa nên phải đi đó đi đây để giúp đỡ nhơn dân. Nghề thuốc là nghề chánh, còn câu cá là nghề phụ. Tiếc quá, ở cái tỉnh nầy không ai biết được cái tài của tôi. Không phải nói phách chớ bịnh gần chết, bác sĩ ở nhà thương chạy rồi, bà con khóc lóc mà đi lựa hòm, nếu tin tôi mà uống thuốc thì người đó cũng còn ăn cháo được vài chục năm nữa.
Tôi cười ngất:
-Tại sao ăn cháo mà không ăn cơm ?
Ông ta cười khà khà, quảng cáo tài nghệ:
-Bịnh gần chết mà còn sống được, ăn cháo là mừng rồi. Đòi chi tới ăn cơm. Tiên sanh không biết chớ, bịnh ho lao tôi trị cái một. Mấy ông thầy giáo ưa bịnh nầy lắm! Có lần ở U Minh Thượng, tôi trị cho thầy giáo Sang, bịnh ho thổ huyết, uống có ba thang, bịnh hết trơn. Nhưng rủi quá, tuần sau đó, thầy Sang bị Tây bố ráp, bắn chết. Thuốc dầu hay cũng không cải được số trời. Năm đó, thầy giáo mới có bốn mươi ba. Tuổi Dần mà lại gặp năm Thân. Dần Thân Tị Hợi, tứ hành xung mà!
Rồi ông chép miệng:
-Nhớ lại tội nghiệp thầy giáo. Suốt đời tận tụy phục vụ nhơn dân. Trường học ở gần phòng y tế, tôi với thầy Sang thương nhau như anh em ruột. Lúc còn trẻ, tôi chữa bịnh nổi tiếng nhờ tổ đãi, trị đâu hết đó. Tiên sanh biết không, tôi chuyên trị các bịnh nan y. Bịnh khó mà mình trị được mới hay. Như bịnh ho lao là dễ trị. Bịnh phong xù, bịnh củ trướng, bịnh nhức đầu đông, bịnh cùi, mới khó.
Nghe tới đây, tôi sửng sốt:
-Ông cũng trị được bịnh cùi sao ?
Ông ta trả lời quả quyết:
-Bịnh nầy tuy khó, nhưng tôi dư sức trị. Chỉ cần uống thuốc liên tiếp một năm, mỗi ngày một thang là hết liền. Nếu chưa dứt căn, bịnh trở lại, tôi châm cứu tiếp thì cam đoan tuyệt nọc.
Tôi đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác:
-Ông cũng biết châm cứu ?
Ông Bảy nhìn ra xa, tay nhấp nhấp cần câu không thèm ngó qua tôi:
-Châm cứu dễ ợt, tôi biết từ lâu. Bá phát bá trúng. Hay lắm! Môn châm cứu giúp ích cho người nghèo. Nhơn dân nhờ nó mà sống còn tới bây giờ. Bọn đế quốc, tư bản đâu có biết châm cứu. Hồi đó tôi có viết một cuốn sách truyền bá cho nhơn dân cái toa thuốc căn bản để trị bá bịnh. Phía sau có phần chỉ các huyệt đạo. Ở thôn quê có nó thì khỏi lo các bịnh hoạn lôi thôi.
Tôi nhìn qua ông ta, lòng đầy thắc mắc, không biết ông nói thiệt hay nói chơi. Hồi đó là hồi nào? Những danh từ “nhơn dân, đế quốc, tư bản” nghe lạ tai quá. Tôi cẩn thận nhìn quanh thấy trên cầu tàu đêm hôm khuya khoắc không còn ai, hỏi nhỏ:
-Nói vậy là lúc trước ông có viết sách thuốc phổ biến cho nhơn dân ?
-Thú thiệt với tiên sanh, lúc còn trẻ tôi ở trong khu, coi việc y tế. Bây giờ già rồi, về thành lây lất qua ngày, không làm chánh trị nữa. Mình giúp ích cho đời được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Cuốn sách đó là công trình của tôi góp nhặt các món thuốc hay lạ của đồng bào thôn quê thường dùng. Ban đầu tôi thử đem cho người bịnh uống, kết quả bá phát bá trúng, mấy ảnh hoan nghinh lắm nên đề nghị về trung ương cho phổ biến tận hang cùng ngõ hẻm. Nhơn dân cũng thích dùng cái toa thuốc căn bản nầy vì cây cỏ dễ kiếm. Ở đâu cũng có, cứ quơ tay ra là đụng.
-Ủa, thuốc gì mà dễ kiếm quá vậy. Hồi nhỏ chắc ông học thuốc cực khổ lắm ?
-Hồi đó, tôi sống ở nhà quê, có được học hành gì đâu, lặn lội làm thuê làm mướn kiếm sống, hết chỗ nầy đến chỗ kia. May mắn năm đó tôi làm công cho ông thầy “Xe Kéo” , học lóm được chút ít kinh nghiệm. Bịnh ho thì ổng cho uống lá tía tô, bịnh cảm thì uống lá bạc hà, làm kinh thì uống củ sả. Loanh quanh lẩn quẩn tôi thấy có mười món, bịnh gì cũng dùng được, khỏi mất công lộn xộn chọn tới chọn lui. Khi ra đời hành nghề, tôi bèn gom mười món đó lại thành một thang cho gọn, bịnh gì cũng sắc uống là hết liền. Do đó anh em thuộc Viện Y Tế Dân Tộc mới đặt tên là toa thuốc căn bản. Các món thuốc đó toàn là cây nhà lá vườn rất dễ kiếm như củ cỏ gấu, cỏ mần trầu, cỏ chỉ thiên, cỏ lá tre, vỏ quít, củ sả, lá tía tô, rau sam, rau húng cây, rau má…

Thấy toa thuốc của ông cũng hay hay nhưng có điều gì không ổn, tôi lại không rành về y lý nên chẳng dám bàn. Tánh tôi vốn tò mò nên cũng rán hỏi thêm:
-Theo như ông nói thì các bịnh nan y như bịnh cùi, bịnh ho lao, bịnh củ trướng, bịnh phong xù… cũng uống toa thuốc nầy là hết bịnh ?
-Tùy theo bịnh mà gia giảm thêm vài món, nhưng toa căn bản vẫn là gốc. Bịnh nặng lắm thì phải kiên trì uống thuốc thật nhiều ngày. Ông trời sanh ra cây cỏ cho nhơn dân dùng mà. Cứ lấy cây cỏ nơi mình ở, uống vô là đúng bịnh. Đó là theo lý ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ… Xứ mình là xứ nóng, uống các loại rau cỏ nó mát thì hết bịnh. Chớ thuốc tây nóng lắm, nó đuợc chế ra cho người xứ lạnh. Người mình dùng đâu có hạp. Tiên sanh học xa thấy rộng, nghĩ coi tôi nói đúng không ?
Tôi đáp vội:
-Phải, phải, ông nói rất hạp lý. Tôi cũng thích dùng thuốc bằng thảo mộc, uống vô nghe dễ chịu lắm. Ông quả là bậc lương y nhưng tiếc là gặp phải cái thời mạt pháp nên “tài bất thắng thời”!
Rồi tôi chép miệng than thở:
-Lưỡi gươm báu chặt sắt như chém bùn mà bây giờ phải đành để lấy đào trùn… để câu cá!
Nghe tôi an ủi, ông cười chua chát:
-Thiên hạ bây giờ ngày một đảo điên, ối, hơi đâu mà nói. Cũng may tôi trơ trọi một mình, không vợ không con, có cái cần câu nầy ngày ngày ngồi bên bờ sông, như con cò kiếm tôm kiếm cá.
Nghe ông nói tới đây, tôi chợt nhớ tới câu thơ cổ, buột miệng :
Tiên sinh sách cư giang hải thuợng
Tiếu như bệnh hạc thê hoang viên
Ông vổ đùi cười hả hê:
-Ờ, ờ, giữa cảnh trời trăng mây nước, tiên sanh nói chữ nho nghe hay quá. Mà hai câu đó nghĩa là gì vậy? Tôi chịu thua ba cái chữ nho, nhờ tiên sanh giải nghĩa, tôi rán nhớ thuộc lòng, nhậu lai rai vô, xổ nho nghe khoái lắm!
-Dạ, hai câu nầy của Tô Đông Pha làm lúc ông ở đất Lãnh Nam. Ông tả hoa mai nở, cảnh tuy rất đẹp nhưng thi sĩ cảm khái cuộc đời xế chiều của mình nên ngậm ngùi tiếc nuối. Lúc đó, ông Tô tuổi đã gần sáu mươi. Nếu dịch cho dễ hiểu thì là như vầy: “Ông thầy sống lênh đênh trên bến nước, cười gượng như hạc bịnh đậu vườn hoang”. Ông thử nghĩ coi, hạc là loài chim ốm o gầy mòn mà lại còn bịnh nữa thì ủ rũ lắm. Đã vậy mà nó còn đậu ở vườn hoang lạnh lẽo thì hết nước nói!

Câu giải đáp đúng ngay tâm sự, ông quơ quơ cái cần câu:
-Đúng quá, đúng quá, tôi là con chim hạc bịnh ngồi câu cá ở cầu tàu…
Tôi cảm thấy mình nói hớ, bèn rào đón:
-Xin lỗi, tôi vô ý giải nghĩa qua loa như vậy không biết có đúng không? Ông coi có chỗ nào sơ sót, sữa dùm lại cho hoàn hảo.
Ông đưa tay ngăn tôi lại:
-Tiên sanh đừng có ngại, có gì mà lỗi với phải. Tiên sanh còn trẻ mà nói chữ nho nghe hay ghê. Tôi cũng phải học thêm vài câu nữa như vậy mới được… để dành đi nhậu với hàng xóm cho đúng điệu nghệ. Phải tiên sanh hỏi chuyện thuốc men thì tôi rành lắm, còn chuyện văn chương chữ nghĩa thì tôi chịu thua…
Đêm dã thiệt khuya, gió sông thổi nghe lành lạnh, tôi cuốn dây câu để về. Lúc chia tay, ông nói vói theo:
-Lúc nào tiên sanh có rảnh ghé nhà chơi, tôi cho coi cuốn “Toa Thuốc Nam Căn Bản” in hồi đó, có tên với hình tôi chụp rõ ràng, in ở trang nhứt. Tiếc quá, lúc về thành, lại bỏ mất cái giấy ban khen của Bộ Y Tế…

Từ đó tới sau, tôi quen với ông thấy Bảy. Hình như ông hết thời, công cuộc sanh nhai ngày càng bết bát. Bịnh nhân bây giờ lại ưa dùng các loại thuốc nóng phương tây, cá tôm câu hoài cũng không có được bao nhiêu, khiến ông thầy Bảy vốn đã xác xơ lại càng xơ xác. Cái nhà mưa nắng gây hư mục cũng như tuổi già khiến đầu óc ông khi nhớ khi quên. Tôi cũng không biết làm sao mà ông sống được trong cái thời củi quế gạo châu nầy. Có lần gặp tôi, ông say khướt, miệng lè nhè:
-Tiên sanh biết không, tôi có giấy ban khen của nhà nước đàng hoàng. Ở miền Nam nầy tôi hạng nhứt…
Ông ngã tới ngã lui, mắt trợn trắng trợn dọc, tay níu lấy xe đạp của tôi, dằn mạnh:
-Tiên sanh không tin tôi hả ? Tôi có giấy ben khen của nhà nước đàng hoàng. Ở miền Nam nầy tôi hạng nhứt, không có thằng nào giỏi bằng thằng già nầy!
Tôi sợ ông giận, bèn trả lời cho xuôi:
-Ờ, ờ, ông thầy Bảy hạng nhứt, tôi hạng chót. Cả tỉnh nầy ai cũng hạng chót, hạng bét…
*
* *
Ai ngờ câu nói chơi thành ra thiệt. Ngày đó tôi bị cho nghỉ việc vì lúc trước lỗi lầm là đi dạy học cho chánh quyền quốc gia chống lại nhân dân. Cũng may, lỗi nhẹ nên không phải đi học tập lâu ngày. Tự nhiên thất nghiệp, tôi đâm ra lúng túng. Mỗi ngày cầm chèn cơm ăn mà xấu hổ. Thân dài vai rộng mà vẫn phải còn nhờ cha mẹ nuôi dưỡng như lúc còn nhỏ, coi sao được. Sau khi đắn đo suy nghĩ về hoàn cảnh của mình, tôi nộp đơn xin học một khóa châm cứu cấp tốc ở chùa Con Ngựa, với dụng ý là tìm nơi ẩn náu cho qua thời buổi nhiễu nhương. Anh Ba Đê truởng phòng thuốc dân tộc xã, đòi tôi một số tiền lớn, cấp cho một giấy chứng nhận là học viên châm cứu của cơ quan nhà nước. Giấy nầy có công dụng là được miễn lao động ở khu phố, đồng thời xác nhận tôi là công nhân viên nên ít bị dòm ngó lôi thôi.

Mỗi ngày tôi phải đến chùa làm các công việc xắc thuốc, phơi thuốc và học châm cứu với các bác, các anh có nhiều kinh nghiệm trong nghề. Thấy tôi biết được chữ nghĩa, anh Ba Đê giao luôn cho công việc hành chánh văn phòng. Từ đó, tôi đỡ phải vất vả. Thôi vậy là mừng rồi, số mình còn đỏ hơn bạn bè đồng nghiệp. Tụi nó đứa nào đứa nấy ngất ngư luôn, đâu có tìm được chỗ ẩn thân tốt đẹp như vậy.
Cho tới một ngày, trước cửa phòng thuốc có một hàng xe Huê Kỳ đậu dài. Cả phòng ai nấy ngừng công tác, ngó ra đường để coi. Anh Ba trưởng phòng rối rít chạy ra đón tiếp quan khách. Trong phòng có người xầm xì:
-Bác sĩ Bộ Trưởng Y Tế của Chánh phủ Lâm thời lên thăm phòng thuốc dân tộc của mình.
Tôi nhìn ra ngoài. Một đoàn người đông đảo tiến vào sân. Loáng thoáng thấy có vài khuôn mặt lạ đi cùng với anh Mười, Phó tỉnh ủy, anh Tám, Trưởng ty Y Tế và một đông cán bộ cao cấp trong tỉnh. Giữa đám người rộn ràng đó là ông thấy Bảy, ông bạn già câu cá của tôi.

Ông thầy Bảy hôm nay thiệt là lạ, quần áo mới tinh. Đầu tóc hớt ngắn gọn gàng. Cái áo veste đen sờn rách được thay bằng áo sơ mi trắng tay dài, cái quần xanh đậm, cổ thắt cà vạt sọc xanh sọc đỏ. Đôi giày đen bóng loáng. Bộ đồ hình như không đúng khổ nên rộng thùng thình. Bước đi của ông vẫn xiêu vẹo như lúc say rượu, dáng điệu rụt rè, ánh mắt mệt mỏi, ngơ ngác.
Anh Tám Trưởng ty ân cần dìu ông lên các bậc cửa, cử chỉ chăm sóc như con cái thương yêu cha mẹ già. Ông thầy Bảy được ngồi ở chiếc ghế danh dự giữa phòng, bên cạnh ông Bộ Trưởng. Cái lưng ông còng xuống một phần vì tuổi già, một phần vì được ngồi ở chỗ quá trang nghêm, ông cảm thấy ngại ngùng nện ké né.

Sau phần chào đón và giới thiệu quan khách của anh Tám Trưởng ty Y Tế, ông Bộ Trưởng ứng khầu ca ngợi thành quả tốt đẹp mà phòng thuốc dân tộc đã đạt được trong năm qua, đồng thời trình bày lý do và mục đích của ông lên tỉnh nầy là để rước cụ lương y Bảy về Sài Gòn. Theo ông thì ông thầy Bảy có công trong nền y tế nước nhà. Ông xứng đáng được gọi là vị lão lương y của miền Nam. Tất cả phát minh sáng kiến về ngành thuốc của ông thầy Bảy trong thời kháng chiến vẫn còn đúng hoàn toàn với đường lối y tế của Đảng và nhà nước ta ngày hôm nay. Ông nói :
-…cộng cái học lực thâm sâu cùng với sự nghiên cứu kỹ lưỡng món thuốc dân tộc qua một quá trình kinh nghiệm lâu dài của cụ Bảy, nước ta có thể tự hào là đã có một vị lương y tài ba. Bây giờ đất nước hoàn toàn giải phóng, cụ lương y tuy tuổi già sức yếu nhưng vẫn còn có thể đóng góp sự hiểu biết sâu xa và quí báu về môn thuốc dân tộc bằng cách dạy dỗ hướng dẫn các anh em trẻ trong nghề hoặc viết lại các kinh nghiệm, kiến thức mà cụ thủ đắc được.

Kết thúc bài nói chuyện , ông bộ trưởng cũng không quên kết án bọn ngụy quyền cũ đã không biết trọng dụng chăm sóc một bậc kỳ tài để cụ lương y phải nghèo đói khổ sở. Mọi người im lặng nghe. Ai nấy cũng hoang mang vì không ngờ. Riêng tôi thì đã biết tài năng của ông thầy Bảy từ lâu nhưng hơi ngạc nhiên vì sân khấu đã đổi màn mà ông còn được kêu trình diễn tiếp tục.
Ông thầy Bảy nghe người ta ca tụng mình, hả hê cảm động. Mặt ông nghệch ra, đôi mắt rơm rớm. Ông rờ lỗ tai, rờ lỗ mũi, rờ râu. Ôi, cái bàn tay sần sùi vụng về, quen nhấp nhấp cái cần câu mỗi khi bối rối, bây giờ nó dư dả, thừa thãi. Lời ông Bộ trưởng vẫn còn tiếp tục, vang bên tai:
-… nhà nước sẽ rước cụ về bộ để đóng góp sự hiểu biết và sẽ nuôi dưỡng cụ chu đáo cho đến tuổi già để đền đáp công ơn…

Tiếng vổ tay vang vang. Sau đó, đến phần ông thầy Bảy đáp lời. Ông đứng dậy, dáng lào đảo y như lúc say rượu, quần áo xúng xính. Ông ấp a, ấp úng nói cái gì không ai nghe rõ. Tôi ngồi ở đàng xa nghe được có câu:
-tôi xin từ giả anh em phòng thuốc dân tộc.
Nói tới đó, ông đi đến từng người, ôm hun thắm thiết y như các cán bộ cao cấp ôm hun nhau trong các buổi lễ. Bắt đầu là anh Ba Đê, trưởng phòng, rồi đến ông Tám Vàng, ông Sáu Trầm và các vị y sĩ lớn tuổi. Sau rốt tới tôi. Khi ông đến gần, tôi ngượng ngập đứng dậy, ông vòng hai tay ôm lấy. Tôi ngửi thấy mùi áo mới, mùi thuốc rê hôi nồng, mùi rượu đế phảng phất và một mùi gì khó tả. Cái mũi đỏ, to sần sùi chạm vào má, tôi như muốn nín thở. Tiếng vổ tay vang dội, có người nói xì xào ở chung quanh:
-Ông thầy Bảy được rước về Sài Gòn cho làm lớn lắm!

Buổi lễ tan, quan khách ra về hết. Phòng thuốc tỉnh mịch trở lại. Ông Tám Vàng lại gần tôi nói nhỏ:
-Đàn ông hun đàn ông kỳ thấy mồ, cái lỗ mũi ổng trơn chùi lạnh ngắt, nghe nhột nhột.
Tôi trả lời cười cười:
-Lần đầu tiên tôi được ông già say rượu hun, nghe rởn da gà!

VÕ KỲ ĐIỀN

CON ĐƯỜNG PHẢI ĐI



Sau bữa cơm chiều, Bình quay qua vợ và con gái dặn dò :
-Hai mẹ con mầy chiều nay qua phòng bên chơi. Có coi ti -vi hay nghe nhạc thì vặn âm thanh nho nhỏ. Nhớ đừng quá to làm phiền lỗ tai hàng xóm, để người ta suy nghĩ một chuyện quan trọng.
Vân vừa dọn dẹp chén dĩa vừa ngạc nhiên nhìn chồng. Khác hẵn mọi hôm, Bình chiều nay ít nói, mặt đăm chiêu tư lự. Cặp mắt cận thị của chàng ngờ nghệch hẵn ra. Bình có khuôn mặt không được đẹp trai nhưng nhờ đeo cặp mắt kiếng dầy cộm, người không quen biết, nhìn chàng từ xa, cứ ngỡ Bình là thấy ký hay thầy giáo. Thông thường người nào học giỏi, ưa bị cận thị. Cho nên hễ thấy ai đeo kiếng cận thị thì biết người đó học giỏi. Có điều Bình cận thị mà lại học dở. Đó là một trường hợp ngoại lệ đặc biệt.
Dung, con gái của Bình, vừa được mười bảy tuổi, đẹp đẽ xinh xắn nhờ không giống cha, nhí nhảnh hỏi:
-Ba cần gì thì cho con biết với ? Chuyện lớn lao cách mấy có con phụ vô thì xong hết. Như ba để ý cô nào thì cứ viết thơ đi, con liều gan đưa dùm cho. Má hổng có cằn nhằn đâu !
Nghe con nói, Bình cười nhìn vợ:
-Cái con nhỏ nầy, mầy làm như ba còn trẻ trung lắm. Phải được như vậy cũng đỡ. Chuyện mà ba suy nghĩ đây cũng thường nhưng ảnh hưởng của nó sâu rộng. Hễ bút sa gà chết, điều gì mình viết ra rồi đâu có sửa lại được.

Vân thắc mắc suy nghĩ hoài cũng không biết Bình sắp viết cái gì mà phải đắn đo, cẩn thận như vậy. Gia đình chỉ có ba người. Cuộc sống thật là bình thản. Từ ngày bỏ nước ra đi, vợ chồng nàng bắt đầu lại sự nghiệp từ con số không. Nhưng điều đó có gì quan trọng đâu. Nàng và Bình đi làm, con đi học. Niềm vui của hai người là thấy con học giỏi, ngoan ngoản, dễ thương. Nơi đất lạ quê người, muốn thích nghi với đời sống mới đâu phải là chuyện một sớm một chiều. Cũng may thành phố nầy người Việt rất đông, hai người lại có một số bạn thân, thứ bảy, chúa nhựt gặp nhau nhắc lại những kỷ niệm ở quê nhà cũng tạm ấm lòng. Ba năm qua rất mau, cuộc sống vật chất tạm thời ổn định. Vậy mà chiều nay cử chỉ Bình có vẻ lạ. Vân hơi lo ngại hỏi:
-Chuyện gì mà anh lo nghĩ nhiều vậy, có thể cho em biết được không ?
Bình nói ngay để xóa tan mọi lo âu của vợ:
-Có gì đâu, chuyện văn chương chữ nghĩa mà. Em với con phụ không được đâu. Hôm trước chú Trương từ Mỹ điện thoại sang rủ anh viết báo. Anh lỡ nhận lời rồi, bây giờ đâm lo.
Dung, mặt tươi rói, xía vô, nói một hơi:
-Chú Trương tính ra báo hả ba ? Ba cũng viết nữa, vui quá. Con thích ba thành văn sĩ. Tụi bạn con mê đọc tiểu thuyết, con thì mê thơ. Nhưng báo chú Trương thuộc loại nào vậy ba ?
Bình chẫm rãi trả lời con:
-Chú Trương tính ra một tờ báo cho lứa tuổi học trò. Bài vở phải mang tính chất vui tuơi, trẻ trung, yêu đời, mộng mơ. Có thơ, có văn, có nhạc. Ba hồi trẻ cũng có viết loại đó bậy bạ vài bài rồi thôi. Bây giờ lớn tuổi, máu huyết đâu còn sôi nổi như lứa tuổi tụi con, viết lách gì được nữa. Nhưng chú Trương dụ ba nói là nếu không tập viết lại cho quen thì con người đâm già cỗi, phải tạo một đời sống tinh thần phong phú để quên đi những ngày xa xứ. Chú nói chỉ có văn chương mới làm cho đầu óc mình nghĩ ngợi nghiều, tâm hồn trẻ trung ra. Như người tuổi năm, sáu chục nhưng trong bài cứ tả mình mười bảy, mười tám gì cũng được hết. Ba nghe chịu quá, ừ đại. Trả lời xong, thấy mình dại. Viết văn đâu phải như bửa củi hay gánh nước, ai làm cũng được. Bây giờ ba khổ quá. Đầu óc rối tung lên không biết viết cái gì nữa. Mấy ngày nay ngồi hoài, cố vắt cái óc cặn, nặn khúc ruột khô, cũng chưa được một ý nào.

Vân nảy giờ im lặng, bèn xen vô:
-Dung, con nghe ba nói chuyện đã thèm chưa ! Nữa sau có ai hỏi gì thì đừng có ừ đại như ba mầy rồi ngồi đó ngắc nga ngắc ngứ. Mà viết báo cho tuổi choai choai, có gì khó đâu, anh cần suy nghĩ chi cho mệt ?
Bình trả lời vợ :
-Thì anh cũng nghĩ như em. Nhưng có viết thử mới thấy khó lắm. Chuyện con nít yêu đương lãng mạn thì một ngàn năm trước cũng vậy, một ngàn năm sau cũng vậy, có khác gì đâu. Người ta đã tốn biết bao nhiêu giấy mực trước mình rồi. Mình có viết nữa cũng là thừa. Cái gì mình viết phải mới, phải khác người mới hay... Ờ, ờ, chút nữa lại quên. Chú Trương cẩn thận dặn đi dặn lại –“báo của tụi mình không làm chánh trị. Chuyện chánh trị để dành cho người lớn với mấy ông già thất nghiệp. Tuổi trẻ phải hồn nhiên mơ mộng. Họ phải sống trong một thế giới có trăng sao, một tương lai đầy hoa bướm. Rán nhớ nghe.. trẻ trung, yêu đời, mộng mơ, càng lãng mạn càng tốt. Đừng đá động gì tới thời cuộc” Anh cũng chịu cái chủ trương đó. Vậy cho đỡ mích lòng. Mình đâu muốn chọc cho chúng chửi. Viết chuyện con nít coi bộ vui hơn chuyện người lớn !

Vân nghe xong hơi ngần ngừ, suy nghĩ một chập rồi nói:
-Có thì giờ rảnh ở không thì viết cho vui. Nhưng anh tính chọn bút hiệu gì ?
Bình do dự:
-Anh chưa định. Hơi đâu mà lo chuyện xa vời vậy. Rủi viết không được ra bài nào dầu có chọn được bút hiệu rồi không dùng cũng mất công.
Dung xen vô :
-Ba giả làm con gái đi. Đừng lấy bút hiệu đàn ông, hổng hay. Con lựa dùm nghen. Con suy nghĩ kỹ rồi, tên nầy đẹp lắm, hạp với thơ văn tuổi trẻ.
Hai vợ chồng nghe con nói, vui ra mặt:
-Đâu con nói nghe coi. Hồi nhỏ cha đặt tên cho con, bây giờ con đặt lại cho cha. Nữa sau ba mầy nổi tiếng là nhờ con đặt bút hiệu đó.
Dung sung sướng quá, nói một hơi :
-Con đọc tiểu thuyết thấy có đôi nam nữ khi mới thương nhau đi dạo ngoài đồng, bông cỏ may bám chặt ống quần hai đứa.. Theo con thì con chọn tên Cỏ May, tượng trưng cho sự yêu thương gắn bó. Ba thấy dễ thương không ?
Bình nghe con nói, lắc đầu phản đối :
-Hổng được đâu. Con đặt tên như vậy tội nghiệp ba. Cỏ may sống nơi đồng hoang, thấp thỏi, quê mùa, bị người ta chà đạp. Hơn nữa nếu ba là cỏ may, tối ngày sống bám gấu quần má mầy sao ! Đặt tên như vậy là suốt đời sống ký sinh nô lệ… Đâu có được, ba đâu có chịu để má mầy đàn áp bóc lột. Hơn nữa, bông cỏ may không giống như các loại bông khác, không sắc không hương thì làm sao khá được. Ba hổng chịu Cỏ May đâu !
Dung tính một hồi rồi tiếp :
-Ba nói có lý. Thôi hay là ba chọn bút hiệu Dạ Lý. Cái loại hoa dạ lý hương thơm ngào ngạt. Đến tối, bông nở là thơm ngát cả một vùng. Mình đặt tên như vậy là khéo, bỏ đi chữ hương nhưng người đọc họ phải hiểu ngầm…
Bình lại lắc đầu :
-Hổng được con ơi ! Dạ lý hương là hoa nở về đêm. Người Tàu gọi nó là dâm hoa. Nó với hoa lài không bao giờ được dùng trong việc tế lễ. Tao lãng mạn thì cũng có chút ít, chớ dâm đãng thì không bao giờ. Con chọn như vậy rủi có người nào biết chút ít chữ nho, họ cười tao rụng răng !
Dung thấy cha từ chối hoài, đâm ra thất vọng, mặt tiu nghỉu:
-Ba kỹ quá, ai hơi đâu mà để ý mấy chuyện vặt vãnh đó. Mình chọn tên miễn sao đọc lên nghe cho thật kêu là hay, cần gì ý nghĩa đúng với hổng đúng. Hay là ba lấy tên Bạch Tuyết. Mình ở xứ Canada, đặt bút hiệu nầy là hạp nhứt. Một năm tuyết rơi sáu tháng, trời đất lúc nào cũng tuyết trắng mênh mông.
Bình lại càng không chịu :
-Hổng được đâu. Tên nầy thì hay nhưng nếu tin dị đoan thì trong tương lai văn ba viết ra chắc chỉ có bảy chú lùn đọc. Báo ế làm sao sống được. Hơn nữa, ba đen thui mà đặt bút hiệu Bạch Tuyết thì lương tâm ba nó cắn rứt. Mình già đầu rồi mà còn nói gạt con nít… không nên.

Vân nghe hai cha con đối đáp, bật cười:
Ba mầy tánh ưa chê khen, con đừng tìm nữa mất công, để ổng tự chọn. Bút hiệu có gì quan trọng đâu mà kỹ lưỡng quá vậy.
-Em không biết nên nói vậy. Chuyện đặt tên quan trọng lắm chớ. Bỏ yếu tố dị đoan qua một bên, cái bút hiệu của một văn nghệ sĩ nó thể hiện trình độ học vấn, cái quan niệm sống cùng chí hướng của họ. Người xưa đặt tên kỹ lưỡng lắm. Một người có rất nhiều tên, như tên húy, tên tự, tên hiệu, bút hiệu,… đến khi chết được đặt tên thụy để tuyên dương cái tính hạnh tốt khi còn sống. Ví như thi sĩ Đông Hồ, ông tên Lâm Tấn Phác. Như vậy tên húy là Phác do cha mẹ đặt. Phác có nghĩa là hòn ngọc còn ở trong đá. Đến khi đi học thầy đặt cho tên tự, tên nầy nếu mình giỏi chữ nghĩa thì cũng có thể tự đặt. Ông tự là Trác Chi, mài dũa. Lấy ý trong câu “ngọc bất trác, bất thành khí” ca dao mình có diễn dịch ra :
Ngọc kia chẳng dũa chẳng mài
Cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi.

Ngọc ở trong đá tuy có quí, nhưng đâu có xài được. Muốn đem ra chợ bán, phải mài dũa trau chuốt lại. Khi ông thành nhơn có hiệu là Đại Ẩn. Tại sao vậy ? Vì ông Đông Hồ từ nhỏ tới già, sống ở giữa chợ, không có ở thôn quê. Tục ngữ Trung Hoa có câu : Đại ẩn ẩn thành thị. Nơi ở ẩn tốt nhứt không đâu bằng ở giữa chợ. Khi ông viết văn, làm thơ có bút hiệu là Đông Hồ, lấy tên một trong mười thắng cảnh đất Hà Tiên. Ông mất rồi, tiếc quá không biết tên thụy người ta đặt ra sao ! Đó, em đã biết rõ cuộc đời của ông Đông Hồ, thử kiểm điểm lại các tên húy, tên tự, bút hiệu… em sẽ thấy nó thể hiện rất minh bạch toàn vẹn con người của ông, suốt đời tận tụy, thanh bạch, gắn bó với đất nước, quê hương. Nếu đem so sánh tên của ông với việc anh đặt tên con Dung thì thiệt là mắc cỡ. Lúc đặt tên cho con nhỏ, anh còn non nớt quá, cứ thấy em tên Vân thì đặt tên con là Dung. Anh thường khoe với bạn bè cái câu thơ của Lý Bạch: -Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung, trong bài Thanh Bình Điệu.
Câu thơ ấy họ Lý ca tụng nhan sắc của Dưông Quý Phi, thấy mây nhớ tới áo xiêm, thấy hoa nhớ khuôn mặt đẹp. Em ở đầu câu, con ở cuối câu là hay nhứt rồi, còn gì nữa. Đến giờ anh mới giựt mình. Cái đẹp phải đem giấu kín bên trong mới bền vững, chớ đem khoe cho thiên hạ thấy hết thì cái đẹp đó không xài được. Y như ông Nguyễn Công Trứ. Công Trứ có nghĩa là khoe cái sáng đẹp rực rỡ cho mọi người thấy. Ông sợ quá bèn lấy tên tự là Tồn Chất, có ý nói là bên trong cũng còn nhiều lắm, hổng có khoe hết đâu. Không biết có phải nhờ vậy mà ông có sự nghiệp oanh oanh liệt liệt cho tới già, nhưng anh biết chắc một điều người nào mang một hoài bão lớn lao thì tương lai sự nghiệp ắt phải lớn lao. Người nào hẹp hòi nông cạn, ích kỷ chỉ biết sống cho riêng mình thì cuộc đời nhỏ nhoi hạn hẹp. Cũng như một người đứng trong rừng thì chỉ thấy có gốc cây. Người đứng ở đỉnh núi thấy cả làng mạc, ruộng đồng. Vậy em muốn anh cao như chóp núi hay thấp lẹt đẹt như gốc cây ?
-Dĩ nhiên là em chịu chóp núi. Nhưng anh đặt bút hiệu cho cao, cho xa mà văn anh viết dở quá thì làm sao nó đưa cái hoài bão anh lên tới chóp núi ?
-Chưa gì mà má mầy chê quá xá vậy ! Phải chi hồi đó tôi viết cái thơ đầu tiên làm quen, sao không chê cho người ta nhờ…
Vân liếc xéo chàng :
-Hứ, làm như là chuyên viên viết thơ tình. Ai mà mê ! Thôi bàn trở lại từ đầu nè ! Hai cha con tìm bút hiệu nghe mà thấy cười. Anh là người cất nhà bằng cây mục, bên ngoài sơn xanh sơn đỏ, đánh vẹc ni thiệt láng bóng để loè mắt thiên hạ chớ căn nhà đó không ở được. Tại sao em dám nói như vậy ? Bỡi vì cái tên có tốt đẹp, cao xa, mà nội dung bài viết không ra gì thì cũng đáng vụt thùng rác…
Nghe vợ nói tới đó, Bình hơi tức trong bụng, hỏi gằn :
-Ê, ê, chưa đọc bài của tôi viết, sao dám chê vậy bạn ? Vừa thôi chớ, chắc bạn là đại văn sĩ hả ?
Vân khoát tay ngăn chồng lại :
-Đừng nổi sùng. Để em nói cho nghe. Cần gì phải đọc mới biết. Em biết ngay từ khi anh nói chuyện làm báo với chú Trương. Báo của anh viết cho tuổi thanh niên thơ mộng hoa bướm đầy tình yêu, có nhạc, có thơ. Em không bao giờ cho rằng thanh niên thiếu nữ yêu đương mơ mộng là không tốt, em hoan nghinh và sung sướng lắm chớ. Tuổi trẻ là tuổi của yêu đương mà. Con Dung nó có bạn trai, em mừng lắm, đâu có cấm cản. Nhưng vì hoàn cảnh của người Việt mình bây giờ, sống lây lất nơi xứ lạ quê người, cảnh ăn đậu ở nhờ, riêng em nhiều khi cảm thấy xót xa. Cái yên vui mà mình hiện có, nó tạm bợ làm sao ! Mỗi lần đi du ngoạn thấy phong cảnh ở đây hùng vĩ, mỹ lệ thì em cũng sung sướng lắm, nhưng sau đó nghĩ lại rằng tất cả cái mà mình đã thấy là của người chớ không phải của mình. Cái cảm giác thất vọng não nề y như thấy người yêu phụ bạc mình cặp tay đi với người khác. Em mong ước được trở về quê nhà để có dịp đi lại trên những con đường lầy lội nhớp nhúa vào mùa mưa, những con đường lồi lỏm quanh co đầy bụi vào mùa nắng, nhìn những nhà tranh vách lá thấy người người dân quê sống hiền hòa, chất phác yên vui. Em thèm nhìn lại cái bầu trời mà em đã sống trên nửa đời người, nơi đó có vui có buồn lẫn lộn. Cái hạnh phúc mà em muốn có, nó đơn giản lắm. Chắc anh cũng nghĩ như em. Em chỉ là một người đàn bà còn nghĩ như vậy, nói chi đến những nhà văn với thiên chức cao quí. Nhà văn là những người có khả năng đem cái cảm xúc rất riêng tư mà rất phong phú viết ra để truyền cho mọi người cùng xúc động như mình, để cùng nhau yêu cái tốt ghét cái xấu. Yêu cái tốt thì phải làm sao vun bồi, xây dựng, tranh đấu để phát huy cho ngày càng tốt đẹp. Ghét cái xấu thì phải xa lánh, tiêu diệt, đừng để nó lan tràn. Đó mới là sứ mạng cao đẹp. Còn những tình cảm cá nhân riêng tư vụn vặt quá, có nghĩa lý gì với tình yêu dân tộc, tình yêu đất nước quê hương. Cái cuộc sống ích kỷ, hưởng thụ của giai đoạn trước chưa đủ sáng mắt sao, bây giờ lại muốn tiếp tục nữa. Chủ trương “vui vẻ, trẻ trung, không làm chánh trị”… là cái nghĩa lý gì ? Tất cả mọi danh từ nầy có thể tóm lại thành một câu là “cứ ăn chơi cho đã đi, đừng thèm nhớ tới đất nước. Em không dám cho ai nói những ý nầy là kẻ thù nhưng nếu em là kẻ thù thì em sẽ gắn cho người đó một cái huy chương thật lớn để khen ngợi công lao….”

Bình nghe vợ nói một hồi, nhột nhạt quá bèn nói lảng :
-Bộ tính chụp mũ cho tôi đó hả ? Bà lúc nầy chánh trị dữ !
-Em đâu dám xưng là chánh trị gia nhưng em biết có người tập tễnh đòi làm văn sĩ. Em nhớ tới thi hào Nguyễn Du mà buồn. Khi xưa chạy loạn, đói không có cơm ăn, đau không có thuốc uống, nhìn xung quanh thấy đồng bào nheo nhóc cơ cực lầm than mà thuơng xót. Thương mình rồi thương người, ông viết nên cuốn Đoạn Trường Tân Thanh, tiếng kêu mới để khóc cho mối đau lòng cũ, khóc cho cái thân phận con người bèo bọt, cực nhục, sống khắc khoải bên bờ ranh giới giữa tự do và định mệnh, giữa hạnh phúc và khổ đau chập chồng. Bây giờ nhà tan cửa nát, lưu lạc chân trời góc biển, em mới hiểu được tại sao người ta lại cho Nguyễn Du là nhà thơ vĩ đại. Nhiều khi mới đọc có vài câu mà em muốn khóc:
Khi tỉnh ruợu, lúc tàn canh
Giật mình, mình lại thương mình xót xa
Khi xưa phong gấm rủ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường
Mặt sao dầy gió dạn sương
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân
Mặc người mưa Sở, mây Tần
Riêng mình nào biết có xuân là gì

Vợ chồng mình bây giờ có khác gì cô Kiều ngày xưa đâu. Ông Nguyễn Du thương người sống chưa đủ, ông còn thương luôn cả người đã chết, cho nên ông viết luôn tác phẩm Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh. Ông khóc cho ông nhưng chính là khóc cho cái nhân loại khổ đau trên cuộc đời nầy… Em dốt nát nói bậy nói bạ nhưng em tin là đúng. Nhà văn phải có tình thương thật bao la. Người nào nhìn cảnh biệt ly, tang tóc, đọa đày khổ đau mà không đau nhói con tim thì người đó đừng có viết văn, làm thơ. Anh và chú Trương nghĩ sao khi thấy năm chục triệu người còn ở lại quê nhà, sống cuộc đời cùm gông ? Anh và chú Trương chắc cũng dửng dưng khi nghe hàng trăm ngàn đồng bào vượt biển bị cướp bóc, hãm hiếp, đói khổ, bịnh tật, chết chóc…

Hôm qua chị Phong kể lại cho em nghe một câu chuyện cũ. Lúc anh ấy bị nhốt dưới hầm tối, người ta không cho ai vào thăm. Lạy lục, khóc lóc, năn nỉ mãi họ mới cho phép đứa con nhỏ bốn tuổi vô thăm để biết mặt cha nó. Đã ba năm bị giam dưới hầm tối không ánh sáng, mắt anh ấy đã yếu lắm rồi. Đến khi tên cai ngục bồng thằng bé thoáng qua vuông cửa bằng bàn tay, anh chỉ thấy mặt con lờ mờ, tai nghe tiếng kêu “ba ơi, ba ơi”... Đó, ân huệ của nhà nước có bao nhiêu ! Nước mắt anh ấy ràn rụa không cầm được nữa. Sáu năm ngục tù nằm trong hầm tối vì tội làm thầy thuốc chữa bịnh cho ngụy quân chống lại cách mạng, anh chỉ được “thăm” con, đứa con chưa biết mặt, một lần như vậy, rồi thôi. Câu chuyện thật giản dị nhưng tối đó em không ngủ được. Buồn quá ! Thê thảm ở chỗ con người đối xử với con người tồi tệ như chó sói, như hùm beo.

Vậy thì theo anh các trang báo quí báu nên để dành viết những cay đắng khổ nhục của cuộc sống ngày nay ở quê nhà, rồi hướng dẫn người đọc đến cuộc tranh đấu chống độc tài cuồng ngược, điều mà trẻ già, trai gái, lớn bé đều phải làm, hay là trang báo đó dùng để đăng thơ văn ca tụng mùa thu có lá vàng rơi, mùa đông có tuyết đổ, yêu đương lãng mạn, tự tử vì thất tình… ?
Bình đưa hai tay lên trời đầu hàng :
-Thôi thôi bà ơi ! Tôi chịu thua. Để tôi nói với chú Trương từ chối không viết nữa. Chú ấy đã sai lầm mà lại còn rủ rê người ta. Chút xíu nữa tôi cũng nghe theo. Nè, nghe tôi dặn kỹ, em với con Dung đừng tiết lộ vụ tôi định viết báo đó, người ta biết được sẽ xầm xì mới có mấy năm mà đã quên quê hương đất nước, tôi còn dám ngó mặt ai nữa !

VÕ KỲ ĐIỀN

Friday, August 15, 2008

BÁC NĂM HỚT TÓC


BÁC NĂM HỚT TÓC

Không nhớ được là tôi quen bác Năm tự bao giờ. Nhưng chắc là lâu lắm, từ lúc còn nhỏ xíu. Cứ cách một tháng là chạy qua nhà bác để hớt tóc một lần. Tiện lắm, vì nhà tôi và tiệm hớt tóc sát vách nhau. Suốt ngày ngồi bên nhà ngó qua tiệm, tôi đánh vần chữ HoToc vẽ trên cái giá để xe đạp. Có lần tôi hỏi bác Năm:
-Cái bảng hiệu của bác viết như vậy thì con nên đọc là Ho Tóc hay Hốt Ốc ?
-Mầy muốn đọc cái gì thì đọc. Muốn vừa Ho vừa Ọc cũng được.
Bác Năm người lùn thấp, mắt to, mũi lớn, dáng chắc chắn nhanh nhẹn, nói năng hoạt bát. Căn tiệm cũ kỹ, bàn ghế vá víu, ọp ẹp. Trên tường ngoài mấy tấm kiếng sứt mẻ, còn có tấm chân dung của bác mặc veste thắt cà vạt đàng hoàng, y như hình của kép Thành Được hay Út Trà Ôn. Bác thường sung sướng khoe với khách là hình nầy chụp tại Hà Nội, khi đi chơi ngoài đó lúc hai mươi tuổi. Tấm ảnh đã cũ, màu thuốc vàng ố nhưng ánh mắt trong ảnh vẫn còn vẻ tinh anh của tuổi thanh niên hoạt động.

Đôi khi tuy không hớt tóc, tôi cũng qua nhà để nghe bác kể chuyện. Chuyện xưa chuyện nay đủ thứ. Tùy theo trình độ và sở thích của khách, bác nói về thằng Hít-Le đánh Pháp, ông Khổng Minh đốt hụt Tư Mã Ý hoặc Tôn Tẫn giả điên, nằm lăn lộn trong chuồng heo để gạt Bàng Quyên. Ngoài chuyện Tây, chuyện Tàu, bác còn biết chuyện bắp chuối trổ hình ông Phật, chuyện ông thầy nước lạnh trị bịnh thần sầu, chuyện anh bán tàu hủ trúng số độc đắc một triệu đồng. Tôi mê man theo dõi, trí tưởng tượng mặc sức mà bay bổng, tuổi thơ lớn dần theo những câu chuyện hấp dẫn. Cho tới khi lớn lên, tôi phải rời tỉnh nhà để đi học tận Sài Gòn xa xôi, sau đó lại lặn lội kiếm sống, lang thang hết tỉnh nầy đến tỉnh khác, cơ hồ tôi quên bẵng bác Năm.

Cho đến một ngày mà người ta nuôi heo trong dinh Độc Lập hoặc xúm nhau cởi trần bửa củi ở trước sân tòa đại sứ Anh thì tôi quay trở về tỉnh cũ với một tâm trạng rối bời. Ngoài đường xe phóng thanh chạy rầm rộ khắp phố. Những điệu nhạc lạ lùng khó nghe, chói tai vang dội, nửa như vui mừng chiến thắng, nửa như đe dọa. Bạn bè cũ không còn ai. Lớp thì được nhà nước ưu ái cho đi học tập mất bóng. Lớp thì trở thành giai cấp cầm quyền, họ đâu có thèm chơi với hạng dân ngụy. Tôi như con cua gãy càng bị lật ngửa, loay hoay không biết làm sao để cứu lấy thân. Cả ngày lúc thúc ở nhà, nơm nớp lo sợ không biết bao giờ được công an hỏi thăm sức khoẻ đây. Một hôm nhìn vào kiếng, thấy râu tóc dài thuợt, tôi chợt nhớ tới bác Năm. Mấy đứa em cho biết bác bây giờ vẫn hớt tóc như xưa, có điều là đã dời nhà vào trong một khu phố vắng từ lâu. Hình ảnh Tào Tháo, Lưu Bị, Hít-Le, Pétain ùn ùn nổi dậy trong đầu, tôi lò mò đi tìm nhà bác.

Tiệm hớt tóc bình dân không có bảng hiệu nên khó kiếm. Đó là một căn phố nhỏ hẹp, tối tăm, ẩm thấp. Tấm bảng HoToc không còn nữa. Bàn ghế, tấm ảnh là những vật dụng cón lại không thay đổi, tuy có đen đúa cũ kỹ hơn. Dưới đất cạnh trang thờ Thổ Thần với Tài Thần là một đám tóc vụn được quét gom lại chưa kịp hốt. Riêng bác Năm đầu tóc bạc phơ, ở trần, ốm nhom nhưng dáng còn khỏe mạnh. Bước vào nhà, tôi hòi ngay :
-Bác Năm có còn nhớ con ?
Bác nhìn tôi, ngợ một lúc, mắt nheo nheo :
-Thầy phải là thằng Điền không ?
Tôi mừng vì bác còn nhận được. Tôi hỏi thăm bác gái, các anh chị cùng công cuộc làm ăn hiện nay. Bác tóm tắt là con trai và con rể đi học tập, con gái và dâu bán chợ trời. Chấm dứt câu, bác thở dài:
-Còn tao trên bảy mươi tuổi mà còn phải đứng hớt tóc đây !
Tôi an ủi:
-Đúng là cuộc đổi đời. Ở chợ nhiều người lên voi xuống chó lắm !
Sau khi nghe tôi nói, bác phản ứng ngay, ánh mắt sáng lên mạnh mẽ:
-Người ta lên voi thì xuống chó là phải. Còn tao đâu có lên hồi nào mà bây giờ xuống tới trâu !
-Tại sao bác lại nói xuống tới trâu ?
-Tao không đựoc bằng chó. Chó khỏi phải lao động mà còn có ăn. Tao già rồi mà vẫn còn phải kéo cày. Lúc trước nhờ mấy đứa nhỏ nuôi, tao tưởng tuổi già được khỏe, nào ngờ, chuyện đời thay đổi, bây giờ tao không làm, cả nhà lấy gì mà sống !
-Thì bác cũng như ba con. Ổng năm nay bảy mươi hai rồi, tụi nầy bị cho nghỉ việc hết, kéo về ăn hại. Ở ngoài con bây giờ, con cháu, dâu rể đầy nhà.

Tôi nhìn lên tường, bức ảnh bác chụp tại Hà Nội vẫn còn đó. Tôi tưởng tượng đến cái thời sung túc, yêu đời, không bận tâm suy nghĩ, qua mái tóc đen nhánh chải gọn gàng, qua cái cà vạt thắt chỉnh tề, qua cái cổ áo ủi thẳng nếp. Nhìn bác Năm trong hình rồi nhìn bác Năm đứng đây, tôi thấy được sự khác biệt của tuổi trẻ với tuổi già, giữa cuộc sống yên vui với nghèo khổ. Cuộc đời bác biến đổi từ đủ ăn xuống nghèo, từ nghèo xuống tới mức mạt rệp. Thời gian để phấn đấu được tới nghèo đói là năm mươi năm làm việc cực nhọc. Bác đã là chứng nhân đồng thời là nạn nhân của gần hai chục cuộc lật đổ, đảo chánh, chỉnh lý, cách mạng... Cuộc cách mạng bây giờ quá to tát vì phải nhân danh nhiều thứ nên hiện tại bác Năm còn được cái quần xà lỏn đen, ở trần phơi xương sống xương sườn mà đứng hớt tóc nơi cái xóm bình dân hẻo lánh nầy.

Tôi lên ngồi trên cái ghế cây cũ kỹ ngày xưa. Phía dưới tấm ảnh có thêm hai chữ Sư Tổ viết bằng phấn trắng đậm nét. Cạnh bên là tấm chân dung của Hồ Chủ Tịch bằng màu tươi sáng, mặt mũi phương phi, hồng hào. Tôi không hiểu vì vô tình hay cố ý mà bác Năm để hai ảnh song song cạnh nhau. Tôi hỏi nhỏ:
-Bác treo hình Hồ Chủ Tịch như vậy, tụi nó có làm khó dễ gì không ?
Bác ngừng tay kéo, nói một hơi:
-Ôi ! Cũng rắc rối lắm. Mà kệ cha nó. Tao già rồi, đâu có sợ. Tụi xóm ấp bắt nhà nào cũng phải mua hình cụ Hồ về thờ. Phải lộng trong khuông kiếng đàng hoàng. Tao cũng phải đi kiếm mà thỉnh về, treo ở đó, kế bên hình tao. Mầy coi, mới treo buổi sáng, buổi chiều có người báo cáo liền, thằng trưởng công an xã lại nhà, nạt nộ, biểu tao phải kiếm chỗ nào tôn kính nhứt trong nhà mà treo. Tao hỏi lại nó, nhà tao đâu có chỗ nào tôn kính hơn chỗ nầy. Nó đứng chống nạnh, nghinh nghinh ngang ngang, nhìn hết khắp nơi, không thấy chỗ nào coi cho được. Nó đành chịu. Sau khi nó về, tao tức mình, lấy phấn viết thêm hai chữ “sư tổ” ở dưới hình của tao. Mầy biết ý gì không ?
Tôi làm bộ không hiểu để nghe bác giải nghĩa :
-Chắc là bác muốn nói ở tỉnh nầy bác là thợ hớt tóc giỏi nhứt chớ gì ?
-Trật lất ! Già thì tao già nhứt, nhưng làm sao giỏi bằng mấy thằng thợ trẻ. Tao không có ý nói về việc hớt tóc. Tụi nó coi Hồ Chí Minh như cha nội nó, tao ghét, để hình kế bên hình tao, đề chữ “sư tổ” có ý tao là sư tổ của tụi bây chớ không phải Hồ Chí Minh đâu !
-Bác không sợ nó bắt sao ?
Bác vừa liếc con dao cạo vào miếng da đen treo bên cột, vừa trả lời:
-Thì nó bắt tao về công an xã rồi. Nó nói tao phản động, tiếp tay cho giặc, khi dễ lãnh tụ, tuyên truyền không đúng sự thật, gây hoang mang cho đồng bào, phá hoại chánh sách đường lối đoàn kết toàn dân của Đảng và Nhà Nước… Ối, nghe mà mệt lỗ tai. Tao tức quá hỏi bằng chứng đâu mà mấy chú kết tội tôi như vậy? Thằng công an nhỏ xíu, mặt non choẹt, nó nói tao hết hồn. Ngày mấy, tao chửi cán bộ dốt nát, ngày mấy tao chửi thằng trưởng công an lấy vợ người ta, đày chồng đi học tập, ngày mấy tao chửi già Hồ ngu quá đem chủ nghĩa cộng sản bên Nga về làm khổ dân…
Tôi cười hỏi lại :
-Mấy chuyện đó bác có nói thiệt không? Hay là tụi nó đặt điều?
Bác Năm cười hì hì, thú nhận:
-Tao có nói mới chết chớ! Nó kể chi tiết trúng phong phóc. Mà kỳ thiệt, đâu bao giờ tao nói mấy chuyện đó cho cán bộ hay bộ đội nghe. Người nào tin cậy lắm tao mới dám chửi cho đã miệng; nào ngờ tai vách mạch rừng, tụi nó biết ráo trọi…
Rồi bác tiếp :
-Nhưng bị tao chọc quê nặng nhứt là thằng Bí Thư Tỉnh Ủy. Kỳ đó nó được đi Liên sô để thăm mẫu quốc. Mừng húm, về khoe khoang um sùm, đi đâu cũng họp dân lại bắt nghe nó kể lể thành tích. Dụng ý là khoe đời sống người dân Nga sung túc ấm no. Bên Nga cái gì cũng lớn, cũng tốt, cũng đặc biệt. Chừng vài năm nữa thì dân Việt Nam mình cũng được y như vậy. Nó nói thao thao bất tuyệt. Tao ngồi nghe mà cứ tưởng nó là nhân viên phòng thông tin Liên sô. Có đoạn nó nói là bất cứ nhà người dân Nga nào cũng trải drap từ trong nhà ra tới ngoài ngõ. Tao nhịn không được, đứng lên hỏi tại sao kỳ vậy? Drap trải trên giường chớ sao lại trải dưới đất? Cả hội trường cười ồ, thằng trưởng đồn công an nhìn tao gờm gờm. Thằng Bí thư cũng không biết là nói trật, lại nói chính mắt nó thấy tại thủ đô Mát-Cơ-Va drap trải đầy nhà, đi êm chưn lắm. Trời đất ơi! Lúc đó ai nấy bật ngữa hết. Thảm trải nhà mà anh ta lại nói là drap trải giường. Sau đó nó biết là nói trật, quê quá cho người theo dõi, rồi tao bị bắt lên công an xã.
-Rồi bác trả lời ra sao ?
-Còn trả lời ra sao nữa! Tao lỡ trớn làm luôn. Cái đó chữ nho gọi là “cùi hết sợ lở” phải không mậy ?
-Đâu bác “không sợ lở” được mấy phần trăm, nói cho nghe với ?
-Lúc đó tao cũng sùng trong bụng. Tao nhận có hết rồi hỏi lại anh nói tôi cho là cán bộ dốt nát, vậy chớ cán bộ có dốt không ?
Nó ừ ừ, à à trong cổ họng. Tao tấn công luôn: chủ nghỉa cộng sản ấm no mà sao tôi đói, bảy mươi mấy tuổi rồi mà còn phải đứng hớt tóc suốt ngày, dân đi kinh tế mới về ngủ la liệt đầy ngoài chợ, bến xe ?Nó trả lời gượng gạo, bây giờ phải hy sinh khắc phục gian kổ. Tao nói luôn, ngụy ngày trước thì tham nhũng, hối lộ, dụ dỗ gái tơ, cán bộ bây giờ thì sao?
Nó cứng họng, đập bàn đập ghế, la hét um sùm. Rồi thằng trưởng công an xã phạt tao nhổ cỏ ngoài nắng ba ngày. Tụi nhỏ phải đem cơm nước tiếp tế. Khi thả tao về, thắng nhỏ công an hôm trước “giáo dục”:
-Bác già cả rồi, tôi không bắt bác làm gì. Bác nhận xét chế độ quá khích, chủ quan, sai lầm. Nhà nước ta còn nghèo, nhân dân ta còn rất nhiều gian khổ, phải hy sinh thêm nữa, khắc phục khó khăn thêm nữa ! Bác về hớt tóc như thường, nhưng tránh đừng đả kích chế độ. Lần sau là đi học tập dài hạn đó !
-Sau đó, bác có sợ không ?
-Sợ, chớ sao không mậy! Bây giờ nghĩ lại giựt mình. Phải nó bắt đi học tập, chắc là bỏ mạng “sa trường” Nhưng tao tính chắc nó không làm gì tao đâu. Một là tao già quá rồi. Rủi có chết thì tụi nó mang tiếng. Hai là tao nghèo quá. Có gì để tụi nó moi. Tao thuộc thành phần giai cấp “vô sản chơn chính” mà !

Rồi bác hạ giọng, nói nhỏ như sợ người ngoài nghe :
-Mầy biết không, tụi nó gần chết hết rồi!
-Tại sao vậy bác? Bộ có phục quốc về gần tỉnh mình rồi hả ?
Bác hỏi lại tôi, thay cho câu trả lời:
-Mầy học chữ nho, mà lại không chịu nghiên cứu, uổng thiệt! Tao thấy nó đúng rõ ràng. Phần đầu đã ứng nghiệm rồi thì phần cuối phải trúng phóc! Tao nhắc lại cho mầy nhớ lại mấy câu sấm Trạng Trình nè. Phần đầu là ở cái đoạn nầy:

Cửu cửu càn khôn dĩ định
Thanh minh thời tiết hoa tàn
Trực đáo dương đầu mã vĩ
Hồ binh bát vạn nhập Trường An

Cái đoạn nầy theo tao, nó quan trọng ở hai chữ “dĩ định” Dĩ định có nghĩa là xong rồi, mọi việc đều đã được an bài. Cái gì được an bài? Đó là cuộc chiến ba mươi năm phải đến lúc kết thúc. Mà kết thúc như thế nào thì cụ Trạng nói liền ở câu sau. Theo tao hiểu thì “Thanh minh thời tiết hoa tàn” là Hoa Kỳ sẽ tàn vào tiết thanh minh. Mầy thấy đúng ghê chưa! Năm 1975, Mỹ rút chưn ra khỏi Việt Nam, uy tín trên thế giới bị sa sút thấy rõ.
-Theo bác nói vậy thì miền Nam mất năm 1975 có ứng vào câu nào đâu? Theo con thấy câu đầu phải ứng vào năm 1981 chớ.
-Mầy hiểu vậy là sai rồi. Không phải “cửu cửu” là tám mươi mốt đâu. Cửu là con số cùng cực của hào dương. Ổng dùng hai chữ cửu cửu để nói cái ý của hào dương lên đến tột đỉnh. Vậy là nó bắt đầu xuống dốc theo cái định luật âm dương tiêu trưởng “vật cùng tắc biến, khí mãn tắc khuynh”. Nói là hai chữ “cửu” nhưng thiệt ra chỉ có một thôi.
-Con hổng chịu bác giải nghĩa như vậy đâu. Không lẽ cụ Trạng cà lăm, dùng chữ thiếu chính xác.
-Mầy dốt thì có, chớ ông Nguyễn Bỉnh Khiêm đâu có dốt. Mầy có nhớ chuyện người điên ở nước Sở không? Khi đức Khổng Tử đi truyền bá đạo Nho, lang thang hết nước nầy qua nước nọ, không ai tin dùng. Thầy trò lôi thôi lếch thếch ngang qua nước Sở. Lúc đó có một người hiền ở ẩn, giả bộ điên khùng, đi tạt ngang xe của Ngài, nói câu -“Phượng hề, phượng hề, hà đức chi suy?” Con chim phượng kia, con chim phượng kia, cái đức của mi ra sao mà suy quá vậy? Tao hỏi mầy “phượng hề, phượng hề “ vậy thì có mấy con chim phượng? mấy đức Khổng Tử?

-Ờ, ờ, thôi cũng tạm được đi, nhưng Sài Gòn bị chiếm vào năm Ất Mão, tháng ba âm lịch, tức tháng Thìn, tại sao cụ Trạng lại nói là “dương đầu, mã vĩ, Hồ binh bát vạn nhập Trường An”.
-Mầy không chịu suy nghĩ cho thấu lý. Bộ đội chiếm được Sài Gòn ngày 30 tháng 4 nhưng đâu phải ngày đó tụi nó vô thành phố đúng tám chục ngàn lính. Phải vài tháng sau, cuối tháng năm, đầu tháng sáu, tụi ngoài Bắc vô đầy đường, đúng phóc là tháng Ngọ, tháng Mùi mà. Nè, mầy thấy cụ Trạng giỏi không? Cụ dùng chữ Hồ binh để chỉ cho người đời sau biết rõ chi tiết. Hồ binh là binh đội của cụ Hồ! Thiệt rõ như ban ngày. Hôm trước đọc lại cuốn Việt Nam Sử Lược, tao tìm thấy thêm một điều lý thú nữa. Sau khi dẹp yên giặc Nguyên hồi thế kỷ XIII, thượng tướng Trần Quang Khải tiến quân vào thủ đô Thăng Long, đã xúc động thốt lên lời thơ hào hùng :

Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan

Cái chữ “Hồ” trong câu thơ nầy là tụi Mông Cổ, nói chung lũ giặc phương Bắc. Đời xưa rợ Hồ ở phương Bắc biên giới Trung Hoa. Nó gồm các dân tộc Hung Nô, Thát Đát, Hồi Ngột, Thổ Phồn, Nga La Tư và các giống dân thiểu số khác. Bây giờ, một số đã thuộc Cộng hoà Liên bang Sô viết. Mầy thấy chưa, cụ tiên đoán luôn cụ Hồ làm tay sai cho cộng sản Nga! Mầy không tin cứ nhìn cái biểu ngữ giăng ngoài đường “Chủ Nghĩa Mác-Lê Nin bách chiến bách thắng”thì biết liền. Rồi mai mốt con cháu mình sẽ được cầm búa, cầm liềm đi chinh phục các nước lân cận -Cao Miên, Lào, Thái Lan, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của đảng cộng sản Liên sô anh em!

Nghe bác Năm giải nghĩa có lý quá, tôi tuyệt vọng :
-Như vậy là mình hết đường cạy gỡ rồi hã bác Năm. Cụ Trạng đoán phong phóc thì còn trật chỗ nào nữa. Chừng nào có con, con cho nó đi học chữ Nga…
Bác Năm đã hớt tóc xong, giữ tôi ngồi lại trên ghế, nói tiếp:
-Khoan khoan, mầy đừng có hấp tấp mà hư bột hư đường! Vua nào mà nhơn từ, hợp với lòng dân thì còn, vua nào mà thất nhơn ác đức thì mất -như vua Kiệt, vua Trụ, Tần Thỉ Hoàng… Mà tao nói chưa hết về chữ Hồ. Sợ người sau không hiểu rõ mà đi lạy ma bỏ Phật, cụ Trạng giải nghĩa thêm về tánh tình của người lãnh đạo. Sấm nói rằng lúc đó đất nước sẽ bị cai trị bởi hạng người “thượng đại nhơn, bất nhơn” Người đại nhơn thiệt lớn mà không có lòng nhơn, đố mầy là ai ?
Tôi không dám nói sợ người đi ngoài đường nghe, lấy tay chỉ lên tấm hình trước mặt:
-Thì cha nội đó, chớ còn ai vô đây nữa!
Bác Năm kéo ghế sát bên tôi, nói nhỏ:
-Đó, đó, tao muốn nói tới cái phần cuối. Phần đầu đại khái như vậy là mầy đã hiểu. Cũng chữ Hồ quái ác nầy. Nó nằm ở trong cái bài cuối:

Ô hô! Thế sự tự bềnh bồng
Nam Bắc hà thời thiết lộ thông
Hồ ẩn sơn trung mao tận bạch
Kình thôn hải ngoại huyết lưu hồng
Kê minh ngọc thụ thiên khuynh bắc
Ngưu xuất Lam điền nhật chính đông
Nhược đãi ưng lai sư tử thượng
Tứ phương thiên hạ thái bình phong

Mầy có để ý cái câu thứ ba không? Con chồn núp trong núi lông nó trắng toát, nghĩa thì như vậy nhưng mình có thể hiểu khác đi vì hai chữ đặc biệt. Chữ Hồ và chữ Mao. Đó là hai họ của hai “thượng đại nhơn”. Tao giải nghĩa lại như vầy. Khi họ Hồ khuất núi thì họ Mao biến thành màu trắng chớ không còn đỏ nữa. Như vậy là Tàu sẽ từ từ ngã sang tư bản. Lúc đó thì Tàu thành cường quốc. Thằng Nga làm sao chịu được, thế nào cũng xúi Việt Nam gây chiến để có cớ nhảy vô. Cái đó gọi là xúi con nít ăn cứt gà! Trận đụng độ ngoài biển nầy dữ dội lắm nên mới có cái câu “Kình thôn hải ngoại huyết lưu hồng” Tao chắc là ở Cam Ranh hay Hoàng Sa, Trường Sa gì đó! Đúng là trời hại! Cộng sản đánh với cộng sản, mình đứng ngoài coi, chắc đã lắm!

Cái câu thứ năm, mầy đoán coi là gì -gà gáy trên cây ngọc, trời nghiêng về hướng bắc? Tao hiểu lờ mờ. Có lẽ cho đến năm Dậu, tụi rợ Hồ phương Bắc đó vẫn còn thắng thế. Nhưng có điều rõ ràng, tao dám quả quyết là đất nước mình sẽ có một bậc tài trí anh hùng nhảy ra quét tan mây mù, đem lại ánh sánh rực rỡ cho non sông vào năm Sửu.
-Phải câu “Ngưu xuất Lam điền” không bác Năm ?
-Đúng vậy! Nhưng phải đợi tới năm Dần mới thành công hoàn toàn, dân chúng ấm no, hạnh phúc, an cư lạc nghiệp.
-Tại sao bác lại đoán tới năm Dần, vị chân chúa đó mới công thành danh toại?
-Tao nói ở cái câu “Ưng lai sư tử thuợng” Con chim ưng đậu trên lưng con sư tử. Chim ưng là chúa loài chim, sư tử là chúa loài thú, cũng như vua là chúa tể của con người. Lúc đó Việt Nam mình mới có “minh quân lương tể” đàng hoàng. Chớ mấy chục năm nay lộn xộn quá! Năm Dần là năm con cọp. Cọp với sư tử cũng y như nhau. Cho nên đến năm Dần thì “Tứ phương thiên hạ thái bình phong” Cái đó gọi là cách “Hổ cư hổ vị” mà !
-A, bác Năm cũng biết tử vi nữa.
-Tao mà cái gì không biết mậy ! Suốt cả đời tao vò đầu thiên hạ, hổng lẽ tao ngu… Tao là sư tổ mà!
*
* *
Ngày rằm tháng giêng năm Đinh Tỵ, tôi đến hớt tóc, đồng thời báo tin mừng với bác Năm là vừa sanh được đứa con trai đầu lòng. Bác hỏi tôi đặt tên gì. Tôi nói là Quy Tâm. Chữ Quy là về chớ không phải Huy là sáng. Bác ngẫm nghĩ một lúc, cười cười, chỉ vào mặt tôi:
-Đặt tên con cũng phản động nữa, nhà nước ta cho nghỉ việc cũng phải.
Tôi cười hỏi nhỏ:
-Phản động chỗ nào bác Năm ?
-Mầy giấu ai, chớ giấu tao sao nổi. Phải mầy lấy ý trong Luận Ngữ không? “Hưng diệt quốc, kế tuyệt thế, cử dật dân, thiên hạ chi dân quy tâm nhiên”.*
Tôi nói nhỏ:
-Bác Năm thấy được cái hoài bão con ấp ủ. Con mong cho thằng Tâm mau lớn, làm được những việc mà ba nó làm không nổi.
-Tao cũng hy vọng như vậy.
Rồi hai bác cháu cùng mơ ước một ngày mai. Ngày mà người ta dùng drap để trải giường chớ không phải để lót đường đi.

VÕ KỲ ĐIỀN
(viết xong ngày rằm, tháng giêng 1981)

*Luận Ngữ, thiên Nghiêu Viết, chương 20 : Gầy dựng lại đất nước đã mất, nối lại dòng xưa đã tuyệt, trọng dụng bậc hiền tài, người làm được việc đó, thiên hạ một lòng theo về.